SHARE:
“Xanh xanh trúc biếc thảy đều Pháp thân
Rậm rậm hoa vàng đều là Bát Nhã”
Hai câu thơ trên không biết xuất xứ từ đâu nhưng được một vị tăng nêu lên, để hỏi yếu nghĩa của nó thế nào khi tham vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ trong thiền sư Việt Nam, rõ ràng mọi hiện tượng có hình tướng là biểu hiện của Pháp thân, và nó cũng là biểu hiện của trí Bát Nhã.
Nói về tánh Không:
Tánh không là nền tảng chung cho tất cả các tông phái Phật giáo.
Bốn tông phái lớn của Tây Tạng là: Ninh-mã (Nyingma), Tát-ca (Sakya ), Ca-nhĩ-cư (Kagyu), và Cách-lỗ (Geluk) . Đều lấy tánh Không làm nền tảng.
Thiền tông thì trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật cũng là thấy tánh Không.
Vô ngã của Nam truyền Phật giáo cũng là tánh Không.
Trong kinh Đại Bát Nhã có nói: “Y theo Bát Nhã này, người nào muốn thành Tu Đà Hoàn sẽ đắc quả Tu Đà Hoàn, muốn thành A La Hán sẽ đắc quả A La Hán, muốn thành Bích Chi Phật sẽ thành Bích Chi Phật, muốn thành Bồ tát sẽ thành Bồ tát, nhẫn đến muốn thành Phật sẽ thành Phật”
Nói về ba thân:
Pháp thân
Pháp thân là tánh Không, nó trùm khắp, nó bao hàm như không gian để cho vạn vật sinh sôi, có chỗ gọi nó là Như Lai Tạng nó tùy theo nghiệp của chúng sanh mà biến hiện ra tất cả những hình tướng, người không lầm tánh Không thì dù có bao nhiêu hình tướng biến hiện cũng là Không, còn người mê tánh Không họ mắc bẫy trong hình tướng thì phiền não sanh tử lẩn quẩn khởi lên không bao giờ dứt.
Lục Tổ nói về Pháp thân như sau:
“Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật?Người đời tánh vốn thanh tịnh. Muôn pháp đều từ tự tánh sanh: nghĩ lường tất cả sự ác tức sanh hạnh ác, nghĩ lường tất cả sự thiện tức sanh hạnh thiện. Như vậy các pháp ở trong tự tánh mình, nhưng vì mây bay che lấp nên trên sáng dưới tối. Bỗng gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng muôn hình tượng đều hiện. Người đời tánh thường như phù du, như mây trên trời kia”
Lời dạy hết sức rõ ràng, pháp thân như bầu trời trong sáng, còn chúng sanh thì bị mây che nên không thấy được sự trong sáng này, không nhận ra Pháp thân xưa nay vẫn trong sáng, mặc dù trời đang mây trong sáng vẫn hiện diện.
Nhưng mây từ đâu sanh? Cũng từ Pháp thân, mây vốn giải thoát như Pháp thân nhưng người lầm chấp mây là thật nên bị che.
Báo thân
Báo thân là sự chiếu sáng của Pháp thân, gọi là trí bát nhã,là biểu hiện của tánh Không, có chỗ gọi là ánh sáng căn bản.Người nhận ra Pháp thân, hay tánh Không trong thiền định, thì đồng thời cũng nhận biết sự chiếu sáng của Pháp thân, hay định và huệ đồng thời, cũng lời dạy của Lục T ổ:
“Thiện tri thức!pháp môn đây của ta lấy định huệ làm căn bản. Đại chúng chớ mê mà nói định và huệ riêng khác.Định là huệ là một thể, chẳng phải là hai.Định là thể của huệ, huệ là dụng của định, ngay lúc huệ thì định ở trong huệ, ngay lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa đây tức là định huệ đồng học”
Mặt khác trong quyển Đại Toàn Thiện Khám Phá Tánh Giác, từ lời dạy bằng miệng của ngài Patrul Rinpoche ngài Dalai Lạt Ma bình giảng khi nói:Một nghĩa đặc biệt của thiền định, như sau:
“Trong trường phái cựu dịch, “thiền định” về tâm sâu thẳm nghĩa là bản thân tâm nhận ra tánh sâu thẳm của tâm và duy trì nó trong thiền định nhưng không phải theo cách thiền định về một đối tượng.
Khi tâm sâu thẳm này nhận ra chính nó, ngay lúc đó nó được biểu lộ.
Bởi vì trước khi tiếp xúc và nhận ra thực thể của tâm sâu thẳm này, bạn đã chắc chắn tánh Không vô tự tánh của tâm qua thực hành phá thấu, nghĩa là xem từ đâu tâm sanh khởi, nơi đâu nó trụ, và vào cái gì nó đi, một tâm được hiểu có tính chất tánh Không vô tự tánh xuất hiện” (Cũng định huệ đồng thời)
Tánh Không dường như phủ định vì mọi dính mắc chấp trước của tâm thức đều rơi rụng lúc này, nhưng mặt khác nó lại khẳng định, hay tánh Không, Pháp thân nó có sẵn, là bầu trời nó dung chứa mọi thứ, còn trí huệ là Báo thân như ánh sáng của bầu trời, bầu trời và ánh sáng không rời, nó là một như định huệ đồng học theo Lục Tổ,hay Pháp thân và Hóa thân là một khi nó thẩm sâu thì lập tức nó xuất hiện.
Thật là kỳ diệu!
Nhiều chỗ trong kinh điển và các vị Tổ nói: chỉ có Bồ tát Sơ địa trở lên mới nhận ra Báo thân, hay nói theo Thiền tông chỉ người kiến tánh (nhập địa) mới nhận ra Báo thân, tức trí Bát Nhã hằng hằng soi sáng hay ánh sáng căn bản, cái biết vô tâm có sẵn luôn hiện diện.
Cũng trong Đại Toàn Thiện:
“Như Dodrupchen nói, quang minh và biết thuần túy thấm khắp mọi thức, và có thể được nhận ra thậm chí trong khi thức phát sanh một phiền não mạnh mẽ mà không phải dừng sáu thức đang vận hành.
Khi sự nhận ra này đã hoàn thành, không cần thiết phải cố ý loại bỏ những khái niệm tốt và xấu. Bất kể khái niệm nào sanh khởi, nó không có năng lực lừa dối với hành giả, người ấy có thể an trụ nhất tâm trên quang minh và biết thuần túy”
Cho nên Báo thân, Trí Bát Nhã, thân ánh sáng, hay tịnh quang, hay cái biết thuần túy là sự hiện hữu của tánh Không của Pháp thân cụ thể trong một người đã kiến tánh,đã nhận ra “bộ mặt thật xưa nay” nói theo thiền tông, hay người đã nhận ra “cái thấy” nói theo Phật giáo Tây Tạng về: cái thấy, thiền định, và hạnh.
Báo thân vừa là thân hưởng thụ, lại vừa là cái thấy tinh túy năng động nhưng không rời Pháp thân giải thoát toàn khắp. Báo thânthực hiện mọi thứ trong hạnh của Bồ Tát đạo nhưng thật ra nó chỉ làm cho Pháp thân ngày càng trọn vẹn vì tất cả những biến hiện chỉ từ pháp thân, và hành hạnh Bồ tát trên căn bản ánh sáng Báo thân chỉ là làm cho Pháp thân tìm ẩn càng ngày càng hiển lộ, chớ thật ra chẳng làm cho ai.
Hành Bồ tát hạnh thật ra chỉ là biểu hiện Pháp thân cho đến khi nào nó trọn vẹn thành Phật. Đó là con đường của Phật trong hai sự tích tập: tích tập phước đức và tích tập trí huệ.
Cả hai Tánh Không và Bát Nhã là một, trong Đại Toàn Thiện tánh Không và tịnh quang là một, hay ánh sáng căn bản và tâm Vô niệm là một. Lục Tổ dạy: “Tánh thiền không trụ, lìa sự trụ vào cái vắng lặng của thiền, tánh thiền không sanh, lìa sự sanh ra cái tưởngthiền. Tâm như hư không mà cũng không có cái lượng hư không”.
Hiểu và cảm nhận điều này chúng ta tu hành sẽ không bị lầm lạc.
Cũng lời dạy của Lục Tổ:
“Sao gọi là viên mãn báo thân Phật? Ví như một ngọn đèn có thể trừ cái tối ngàn năm, một cái trí có thể diệt cái ngu muôn thuở. Chớ nghĩ đến việc trước vì nó đã qua, không thể đắc. Thường nghĩ về sau, niệm niệm tròn sáng tự thấy bản tánh. Thiện ác tuy khác nhau nhưng bản tánh không hai gọi là thật tánh.trong thật tánh chẳng nhiễm thiện ác, đây gọi là Viên mãn báo thân Phật.
Tánh mình tự khởi một niệm ác thì diệt nhân thiện muôn kiếp. Tánh mình khởi một niệm thiện thì hằng sa cái ác dứt. Thẳng đến giác ngộ vô thượng, niệm niệm tự thấy, chẳng mất bổn niệm, gọi là Báo thân”
Niệm niệm tự thấy, chẳng mất bổn niệm, niệm niệm tự thấy là người đã nhận ra sự lưu xuất của Báo thân từ Pháp thân, tự thấy là sao? Tự thấy là mọi thấy biết đều vô tâm nhưng vẫn thấy rõ ràng mọi hiện tượng. Rất khó để thấy hết các pháp ở tâm và các hiện tượng diễn ra trong tâm vô phân biệt!Đó là kinh nghiệm mà người thấy được cái dụng của tâm vô niệm mới cảm nhận được.Và khi niệm niệm tự thấy, không rời cái tự thấy này, là chẳng mất bổn niệm, bổn niệm đây là Báo thân đang niệm niệm hiện diện.
Tại sao Báo thân như ngọn đèn có thể trừ cái tối ngàn năm? Vì Báo thân là ánh sáng căn bản, là ánh sáng của mặt trời nhưng vì mây che nên không thấy, ngay khi bị che ánh sáng đó vẫn có, và khi nhận ra ánh sáng đó thì người tu chỉ cần niệm niệm không rời nó thì từ đó trừ được cái tối ngàn năm.
Có một sự khác biệt giữa người nhận ra Báo thân và chưa nhận ra khi xử lý tập khí của mình, tập khí thì có đó người chưa nhận ra thì dính vào nó khi nó khởi còn người nhận ra thì nó khởi trong ánh sáng của Báo thân. Đây là nghĩa của độ tất cả chúng sanh mà không thấy chúng sanh nào dược diệt độ của kinh Kim Cang.
Hai nữa, “Thiện ác tuy khác nhau nhưng bản tánh không hai gọi là thật tánh”.Như thế nào là bản tánh không hai của thiện ác? Ánh sáng của mặt trời là một nhưng mây đen mây hồng gì cũng được soi sáng, chấp vào mây thì thấythiện ác có hai, còn nhận ra ánh sáng thì dù có mây như thế nào thì ánh sáng đó vẫn hiện diện. Mây là biểu hiện từ ánh sáng bất sanh bất diệt, mây là sự lóe sáng của Pháp thân nói theo cách nhìn của Phật giáo Tây Tạng,nhưng tưởng là có mây thật,thì tưởng nó tự che chớ thật ra nó là biểu hiện của Pháp thân.
Vì vậy, đi sâu hơn nữa chúng ta sẽ thấy mây cũng là ánh sáng, cái thấy và cái được thấy hợp nhất trong Báo thân, hay nó là sự ứng hiện của Pháp thân. Mắc vào hình tướng thì sanh thiện ác, thấy có hai ánh sáng và mây, còn thấy nó là dụng của Pháp thân thì mọi biểu hiện đều là sự lóe sáng của Pháp thân.
Hóa thân
Lục Tổ dạy: “Sao gọi là trăm ức Hóa thân? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn như hư không.Một niệm nghĩ lường gọi là biến hóa. Nghĩ lường việc ác thì hóa làm địa ngục, nghĩ lường việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ tát, trí huệ hóa làm cõi trên, ngu si hóa làm phương dưới. Tánh mình biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường hành đường ác. Xoay về môt niệm thiện thì trí huệ liền sanh, ấy gọi là tự tánh Hóa thân Phật”
“Thiện tri thức!Pháp thân vốn sẵn đủ. Niệm niệm tự thấy, tức là Báo thân Phật. Từ báo thân mà nghĩ lường tức là Hóa thân Phật. Tự ngộ tự tu công đức đó là chơn quy y”
Trong kinh điển cũng nói chúng sanh vì ngu mê nên chỉ thấy được Hóa thân Phật. Tức là những biểu hiện hình tướng trong thế giới sanh diệt. Tuy nhiên với người giác ngộ thì ba thân là một, trí tuệ và tánh Không là một cho nên dù có biểu hiện bao nhiêu hình tướng đi nữa thấy dường như là sanh diệt nhưng nó lưu xuất từ Pháp thân biểu hiện ra Báo thân và Hóa thân cho nên nó bất sanh bất diệt.
Mặt khác ba thân còn là sự linh hoạt của Pháp thân.Một Bồ tát hay người đã kiến tánh chính họ là cầu nối giữa Pháp thân và Hóa thân thông qua Báo thân là ánh sáng căn bản, chúng ta thường gọi là thân trí huệ; cái biết thuần túy này mang họ vào cuộc sống và họ hóa thân thành những hạnh làm lợi lạc để giáo hóa chúng sanh về với Pháp thân, và chính họ biết đích xác Pháp thân là thế nào để mà hướng dẫn, họ không lầm vì họ luôn luôn ở trong bổn niệm, tức là cái biết thuần túy.
Tóm lại.
Trong ba thân, Pháp thân là ảnh hưởng thanh tịnh cả xứ, như người Trung Hoa có nói: khi một vị thánh nhân ra đời, thì nước sông Hoàng Hà trở nên trong.
Báo thân là thân hưởng thụ nhưng đồng thời nó cũng là thân trung gian để một Bồ tát thực hành những thiện hạnh của mình.
Hóa thân là thân hình tướng mà mình có thể đóng mọi vai trong thế giới hình tướng để làm lợi lạc cho người trong từng trường hợp cụ thể.
Thấy được sự khác biệt giữa người chưa nhận ra Pháp Thân và Báo thân, vấn đề của chúng ta là phải thực hành miên mật một pháp môn nào đó phù hợp với thiện căn của mình như: lễ lạy, cúng dường, bố thí, tụng kinh, tham thiền, trì chú, niệm Phật. Tất cả những công việc đó chỉ để phá thấu qua cái tâm thức phân biệt chấp trước của mình, cái tâm mà chúng ta chỉ thấy mọi hiện tượng sự vật trên bề mặt cạn cợt của hình tướng (chỉ thấy hóa thân có sanh có diệt).
Khi phá thấu qua tâm phân biệt rồi chúng ta nhận ra Pháp thân là nền tảng xưa nay chưa từng sanh diệt, nền tảng này là không tách rời với sự hiện diện của nó, tức Pháp thân không rời Báo thân.Định Huệ không hai.
Từ đây sự tu học chỉ là làm cho Pháp thân được phá thấu thêm nữa trong thiền định về nó và để cho Báo thân và Hóa thân lưu xuất rộng hơn nữa để hiện thực hóa Pháp thân.Hai việc thiền định thẩm sâu và trực nhận Báo thân trong mọi lúc mọi nơi, là “tu cái không tu” nó hỗ tương cho nhau cho đến khi Pháp thân biểu lộ trọn vẹn.
“Xanh xanh trúc biếc thảy đều Pháp thân
Rậm rậm hoa vàng đều là Bát Nhã”
Trời đất, các hiện tượng xưa nay vẫn như vậy, chúng ta đang sống trong sự biểu hiện của nó. Nó chính là Pháp thân, nó chính là Bát Nhã, nó đang hiện diện nơi trời đất cây cỏ hoa lá này.
Nó có sẵn đó,tại sao chúng ta không thấy?
Tánh Hải
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS