CÁI THẬT VÀ CÁI ĐÚNG

SHARE:

Chính một khuynh hướng nghiệp căn bản của con người khiến chúng ta thường quan niệm trường kinh nghiệm của chúng ta là thật và đúng. Chúng ta tin vào thực tại của thế giới khách quan bên ngoài và thế giới chủ quan bên trong của chúng ta. Chắc hẳn một trong những mục tiêu của Longchenpa trong Tìm thấy Nhàn nhã và Thong dong trong An vui là thuyết phục chúng ta về sự sai lầm, không đúng, không thật của niềm tin ấy.

Trong luận này, khi áp dụng những lời dạy Dzogchen của Longchenpa chúng ta bắt buộc phải khước từ tính hiện thực của kinh nghiệm nhị nguyên của chúng ta. Chúng ta không thể phá xuyên vào không gian trống không nội tại của dòng tâm trừ phi chúng ta ngưng tin vào thực tại quy ước là thật và đúng. Sự thật đạo đức, sự thật khoa học, những giả định về nội dung của kinh nghiệm giác quan, tất cả phải được xếp dưới đề mục ‘dối trá’, ‘hư giả’, ‘không thật’. Toàn bộ hệ thống niềm tin dù nghề nghiệp, xã hội, tình dục, gia đình và cá nhân, phải được xói mòn, giải thể và thành vô hiệu. Mỗi hệ thống niềm tin là giả thiết, một cấu trúc nhân tạo, có thể thay thế bằng một bộ niềm tin khác. Tất cả đều là ảo tưởng. Nó là tưởng tượng, giả mạo, lừa gạt. Nó là một nói dối. Trong cách ấy, bằng cách từ bỏ sự kiện cho là ‘đúng’, chúng ta bắt đầu tự làm nhẹ bớt sự cứng đặc và nặng nề, không nói một cách cuồng tín, của những niềm tin của chúng ta về bản tánh của hiện thực.

Trong văn hóa tôn giáo, ‘chân lý’ có một nghĩa sâu hơn. Không dựa vào sự vững chắc hay chứng cớ, không còn là một chức năng của niềm tin trí thức, nó có thể được định nghĩa như một trực giác về thực tại lạc phúc, bất biến, thường trực hay trí huệ. ‘Chân lý’ này là Thượng Đế, một nghĩa quen thuộc với những người đã nghe bài ca những người đưa đám tang Ấn Độ trên đường đi ra nghĩa trang-‘Ram Ram satya bai!’ (Thượng Đế là chân lý), họ liên tục kêu lên. Cũng như thế những người Hồi giáo kêu lên ‘Allah Akbar!’ xác chứng rằng Thượng Đế là ‘chân lý’. Chân lý là Thượng Đế này là bản chất của niềm tin và đáp ứng sự khao khát an toàn của chúng ta, cái gì cứng chắc để bám vào và giữ gìn và cột mình vào đó. Chân lý này có thể được phóng chiếu ra ngoài thành một thực thể bên ngoài hay vào trong thành một linh hồn, một dạng Thượng Đế ở bên trong. Những nhà tiên tri – Do Thái giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay Ấn giáo – đã diễn giải rằng chân lý là luật của Thượng Đế và đã tạo ra một tín điều và giới luật đạo đức và một hạng tu sĩ. Khi chúng ta quy phục chân lý ấy và hệ thống niềm tin giới hạn của nó, chúng ta chấp nhận những cấu trúc áp đặt lên không gian trống không vốn sẳn của tâm và vô hình trở thành những người biện hộ cho những giới hạn của nó. Cái chính của những cơ cấu tưởng tượng này là niềm tin vào một tự ngã, một cái tôi, một nhân cách, và con người ấy phát sanh toàn bộ cơ cấu nhị nguyên chủ thể và đối tượng, trong và ngoài,  tôi và nó, của tôi và của họ, tốt và xấu, đúng và sai… Và như vậy, cái bất nhị được chia thành hai, xung đột nhau, và chúng ta bị nhốt vào trong cái bẫy Thượng Đế. Văn hóa tôn giáo là maya bị nhiễm ô.

Nhiều lời dạy của Tìm thấy Nhàn nhã và Thong dong trong An vui khuyến khích chúng ta thấy maya như là ảo tưởng mê lầm nổi trội. Chúng ta cần nhớ ở đây rằng trong mô tả kinh nghiệm như là mê lầm của ngài, Longchenpa không tìm cách đưa ra một thế giới quan khách quan, một triết lý diễn tả con người trong môi trường của nó. Đúng ra, ngài cho chúng ta những dụng cụ nhờ đó chúng ta có thể trở lại trạng thái tự nhiên của hiện thể, nó là nhà của chúng ta. Để làm điều đó, chúng ta cần nghiêm ngặt bền bỉ trong áp dụng những lời dạy ấy. Mọi sự đang hiện hữu, mọi kinh nghiệm bình thường cho đến thần bí, đều không đúng thật: chúng không chắc chắn, không đích thực; chúng sai lầm, nói dối; chúng tưởng tượng, đánh lừa, không thật. Như vậy trong lối nói bình thường khi chúng ta nói ‘Cái đó là đúng’! để trả lời cho một nhận xét một sự kiện, chúng ta cần ý thức rằng thật ra chúng ta đang xác nhận chân lý của ảo giác mê lầm. ‘Sự kiện’, chừng nào nó chỉ là chân lý một phần, luôn luôn là một nói dối cho dù trong thực tại qui ước. Mỗi phương diện và bản sắc trong kinh nghiệm của chúng ta thật sự là một không chân lý lừa dối, một phần của sự Nói dối Vĩ đại, đó là kinh nghiệm rất đa chiều của chúng ta.

Thực tại vượt khỏi nhị nguyên chân lý và sai giả. Chúng ta có thể sử dụng những cấu trúc ngôn ngữ của ‘không chân lý’ và ‘không thực tại’ trong thiền định của chúng ta để làm hỏng những xúc tu của niềm tin bám khắp hiện thể chúng ta, nhưng khi chúng ta bắt đầu nhận biết bản tánh của thực tại ấy không gì khác hơn là tịnh quang của kinh nghiệm, cho dù công thức định nghĩa thực tại ấy là vượt khỏi chân giả, thực và tưởng tượng, chính thức và không chính thức, chắc chắn và không chắc, và cuối cùng, thực tại và bản thân ảo giác như huyễn, thì đều là thừa. Đây là biện chứng Dzogchen sâu xa.

Điểm cốt yếu trong cái thấy Dzogchen này là maya ấy là một kinh nghiệm bất nhị. Maya là điểm bắt đầu, nó là tình huống hoàn cảnh của riêng chúng ta, sanh tử cá nhân của chúng ta, được nhận biết là nền tảng của hiện thể từ đó nó sanh khởi.Thế nên, nó cũng là con đường và mục đích. Maya là cái chứa đựng độc nhất và những nội dung, rượu thánh và thuốc chữa bá bệnh. Đồ chứa đựng không thể được quan niệm bởi những nội dung được chứa đựng – chỉ trực giác hoặc ‘cảm thấy’. Maya độc nhất là tỉnh giác về chính nó, tỉnh giác vốn sẳn hay tự nhiên, và tánh giác này là hiện diện thanh tịnh vốn sẳn. Theo sự khuyến khích của Longchenpa trong những lời dạy về thiền định hãy nhìn mọi kinh nghiệm là như huyễn, chúng ta được để lơ lửng trong không gian căn bản không có thời gian của maya. Nỗ lực hướng đến mục đích giải thể thế giới nhị nguyên được giả thiết lập, qua hiện thực hóa những lời dạy này, một cách không cố gắng , không chủ ý, chúng ta đến mục đích vốn đã hiện diện từ ban đầu. Điểm bắt đầu được nhận biết là mục đích. Hàm ý là bởi vì nhận biết là điều kiện tiên quyết nên không có gì có thể được làm để thành tựu cái maya bất nhị này. Nhìn mọi hoàn cảnh là một màn huyễn thuật là đơn giản buông xả, thư giản trong nó và thưởng thức nó. Như thế – không hành động. Sự khó khăn – sự không thể – của việc ngôn ngữ hóa maya bất nhị một cách trực tiếp được khắc phục bằng sự sử dụng tám cái tương tự.

TÌM THẤY NHÀN NHÃ VÀ THONG DONG TRONG AN VUI
MAYA YOGA – LONGCHENPA Keith Dowman kết tập và bình giảng
Nhà xuất bản Vajra, 2010
Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2017

SHARE:

Trả lời