SHARE:
Thiền là một tông phái Phật giáo, với một đường lối tu luyện thân tâm nhằm đạt đến giác ngộ. Thiền được xem là kết tinh của những gì tuyệt diệu nhất của Phật giáo . Nhưng cũng có thể nói đó là kết hợp tài hoa của tư tưởng Ấn Độ và các nền văn hoá Viễn Đông mà nổi bật nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.
Song Thiền hướng tới cái gì, đâu là mục tiêu thật sự của nó? Sau đây là lời giải thích của Takashina Rosen, người được xem như “nhân vật Phật giáo vĩ đại nhất của Nhật Bản ngày nay”
Văn hóa Nhật Bản thấm nhuần tinh thần Thiền tông: thơ ca, hội họa, sân khấu, kiến trúc, đình viên cho đến trà đạo, hoa đạo, võ đạo…
Không chỉ ảnh hưởng đến nghệ thuật, Thiền còn đi vào đời sống thường ngày của người dân Nhật trong ăn uống, nghỉ ngơi và cả trong kinh doanh.
Có thể nói rằng Thiền đã trở thành sinh mệnh và cốt tủy của văn hóa Nhật.
Nhiều xứ sở ở vùng Đông Á cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông nhưng không nơi nào thấm nhuần đến mức độ thâm sâu và bền vững như ta thấy ở quần đảo này.
So với các xứ Đông Á khác, Thiền tông vào Nhật khá muộn màng. Phật giáo tuy đã có mặt ở Nhật Bản từ thế kỉ VI qua sự truyền thừa của Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng điều mà ta gọi là Phật giáo Thiền tông chỉ được thiết lập ở Nhật thế kỉ XII.
Trước khi tìm hiểu Thiền tông ở Nhật, ta cần phải có một cái nhìn tổng quát về bối cảnh tâm linh của văn hóa Nhật, một nền văn hóa được xây dựng trên ba yếu tố: Thần đạo, Khổng giáo và Phật giáo.
Thần đạo là tín ngưỡng bản địa, biểu hiện tính cách nguyên thủy và đặc thù của tâm hồn Phù Tang. Ban đầu, nó là một tín ngưỡng dân gian, không có tên gọi, tôn thờ các thần (kami) trong thiên nhiên, trong thế giới của các tổ tiên…
Sau khi Phật giáo được truyền vào Nhật thì tín ngưỡng dân gian ấy mới được gọi tên là Thần đạo (Shintô hay Kami nô michi) để phân biệt với tôn giáo mới. Thần đạo biểu hiện cho các tính cách nổi bật của dân tộc Nhật: giản dị, yêu thiên nhiên, yêu sự trong sạch.
Những lời cầu nguyện của Thần đạo được gọi là Nôritô (Chúc từ) – một loại thơ ca nghi lễ. Các Nôritô ấy được tập hợp trong một bộ sách gọi là Engishiki (Diên Hỉ Thức), thế kỉ X.
Đó là những lời cầu nguyện về mùa màng, đất đai cùng chư thần.
Trong các chúc từ, nổi tiếng nhất là Ôharai, tức lời khấn nguyện đọc trong Lễ thanh tẩy toàn quốc. Để biết qua phong cách của lời cầu nguyện Thần đạo, có thể đọc trích đoạn Ôharai sau đây:
“Rồi không có tội nào là không được rửa, từ triều đình của Thiên hoàng, con cháu của các thần cho đến tận những miền xa xôi nhất của đất nước.
Như những đám mây chồng chất trên trời, tản mác khi có hơi thở của các thần gió;
Như gió may buổi sớm và gió may buổi tối thổi tan những hơi nước buổi sớm và hơi nước buổi tối;
Như một con thuyền khổng lồ đang neo ở một cảng lớn, rút neo đằng mũi, rút neo đằng lái, tiến ra đại dương mênh mông;
Như bụi cây rậm rạp đằng xa kia đã bị cắt dọn quang đi bởi cái liềm sắc rèn trong lửa, Mọi tội lỗi cũng sẽ bị quét sạch như thế…”
(Theo bản dịch của NXB Khoa học xã hội)
Thần đạo và Phật giáo, giống như mọi yếu tố văn hoá khác ở Nhật Bản, không đối đầu nhau mà tìm cách nhích lại gần nhau. Dần dần, các kami (thần) của Thần đạo còn được xem là các vị Phật và các Bồ tát hoá thân. Như nữ thần Mặt trời, vị thần tối cao của Thần đạo, được đồng hoá với đức Đại Nhật Như Lai, là đức Phật vũ trụ. Các vị Thần – Phật ấy được gọi là Bồ Tát – Thần (Bôsatsu Kami).
Thần đạo biểu hiện cho tình cảm, còn Khổng giáo ([1]) thì tiêu biểu cho hệ thống đức lí. Nó đem đến Nhật Bản một triết lí hữu hiệu cho cơ cấu xã hội và luân lí.
Những khái niệm căn bản về trung tín, hiếu nghĩa… dễ dàng ăn sâu vào tính cách người Nhật. Nhưng họ cũng biến đổi Khổng giáo theo cách của mình, tránh khỏi “những căn bệnh chết người” của nó. Chế độ thi cử thiên về hư văn của Nho học không phát triển ở Nhật.
Trong khi ở Ấn Độ, Trung Quốc và Triều Tiên, Phật giáo dần dần trở nên suy yếu thì hầu như bao giờ Nhật Bản cũng là một xứ sở Phật giáo.
Qua nhiều thời đại ở Nhật, kể từ thế kỉ VI, dù có thăng trầm, Phật giáo không bao giờ thiếu những đóng góp văn hoá lớn lao cho xứ sở này.
Nhất là vào thời kì Trung đại ở Nhật, các tông phái Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, đã ảnh hưởng mạnh đến mọi tầng lớp ở Nhật, từ nhà cầm quyền, quý tộc, võ sĩ đến thường dân.
Nhưng Thiền tông là gì?
Trước hết, về mặt ngữ nguyên Zen là cách phát âm Nhật Bản của chữ Thiền và cách gọi đó đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới.
Người Trung Quốc đã phiên âm các chữ Dhyana, Jhana của Ấn Độ thành Ch’an na, rồi gọi tắt là Ch’an. Cách gọi đó sang Nhật là Zen cũng như sang Việt Nam là Thiền.
Thiền là một tông phái Phật giáo, với một đường lối tu luyện thân tâm nhằm đạt đến giác ngộ. Thiền được xem là kết tinh của những gì tuyệt diệu nhất của Phật giáo Đại thừa. Nhưng cũng có thể nói đó là kết hợp tài hoa của tư tưởng Ấn Độ và các nền văn hoá Viễn Đông mà nổi bật nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.
Song Thiền hướng tới cái gì, đâu là mục tiêu thật sự của nó? Sau đây là lời giải thích của Takashina Rosen, người được xem như “nhân vật Phật giáo vĩ đại nhất của Nhật Bản ngày nay”:
“Mục tiêu của Thiền dĩ nhiên là để kiến tánh và chứng ngộ, nhưng đó không phải nơi an trụ cuối cùng… Trên quan điểm chứng ngộ, chân lí là bình thường, không có gì đặc biệt. Liễu xanh, hoa thắm, lửa nóng và gió luôn luôn thổi… Nơi an trụ cuối cùng của Thiền, mạch sống của Phật giáo chính là Thiền – trong – hoạt – động, không lạc ra ngoài sinh hoạt tự nhiên của đời sống bình thường hằng ngày.
Như vậy, dù không để ý đến ngày và đêm, chúng ta đều sống trong Phật pháp và áp dụng nó. Vậy thì cần gì phải giác ngộ và tu tập? “Đi cũng thiền và ngồi cũng thiền”.
Nhưng không phải thế. Nước đã đun sôi và sau đó để nguội chắc chắn phải khác với nước thường mặc dù cả hai đều nguội. Phải có sự khác biệt giữa một thường dân và môn đệ đã trải qua công phu tu luyện lâu dài. Nếu không thế, tu tập thiền định ắt là vô dụng”.
(Thiền vị trên đầu lưỡi. BẠCH HẠC dịch)
Thiền không đưa ta tới một điểm nào cả. Không không gian và không thời gian nào để cho Thiền đi tới. Nó giản dị kéo ta về với chính ta trong bản tâm thanh tịnh, về với đời sống quanh ta trong ánh sáng trí huệ. Nhưng cả ta và đời sống quanh ta bỗng dưng mới lạ, kì diệu và ta sống trong “vĩnh cửu của từng khoảnh khắc”, một cuộc sống viên mãn và hài hoà. Đó là trạng thái giác ngộ mà các bậc đại sư thường miêu tả:
Trời tam muội ([2]) bao la
Chiếu ngời trăng tứ trí ([3])
Kiếm tìm chi nữa
Niết Bàn ngay trước mặt ta
Thân này là Phật
Cõi này là Hoa.
Đó là đoạn cuối bài Tọa thiền ca của Thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn), thế kỉ XVIII.
Khi Thiền tông truyền vào Nhật Bản, theo gót chân quy hương của Thiền sư Êisai (Vinh Tây) vào cuối thế kỉ XII thì trà cũng được mang theo. Người ta cho rằng chính Êisai đã mang từ Trung Quốc về cả giáo phái Lâm Tế lẫn hạt giống trà. Ông đã có công đưa trà vào đời sống văn hoá của Nhật, dù rằng nó không giống với trà đạo sau này.
Không có gì gợi lên hương vị giác ngộ cho bằng thức uống kì diệu gọi là trà. Vậy, trà đạo bắt đầu như một nghi thức dùng trà ở các thiền viện.
Nhưng trà đạo chỉ thực sự được hoàn thiện dưới bàn tay của Sen nô Rikyu, thế kỉ XVI.
Rikyu học Thiền trên một ngọn núi thuộc “Ngũ sơn” ở Kyôtô. Chính Rikyu đã hoà lẫn Thiền vị và Trà vị vào nhau với một kí tưởng gọi là wabi (đà), một tinh thần giản dị, nhã đạm, thuần phác gần với bản chất thường nhiên của vạn vật.
Chén trà từ đó có hương hoa, tiếng lá rơi, suối chảy… Trong một buổi trà đạo, nước thật sự reo trong ấm, lá rơi ngoài vườn, cái đẹp ẩn hiện ở ngay chén trà, trong bức tranh kiệt tác treo trên vách.
Wabi là nguyên lí cho rằng cái đẹp cao nhất nằm trong vẻ đơn sơ thanh tịnh và nó được phát triển cao nhất trong trà đạo (chađô).
Chén trà tao nhã chính là hoá thân của đất sét đơn sơ. Chất nước chứa đựng trong ấy, thanh khiết và tuyệt diệu, được làm nên bằng những chiếc lá đơn sơ.
Bồ Tát hay Phật cũng là sự chuyển hoá từ thứ đất sét thô sơ gọi là con người.
ĐÔGEN THIỀN SƯ
Thiền tông Nhật Bản, ngay từ bước đầu, đã rực sáng, nhờ vào sức mạnh tư tưởng của Thiền sư Đôgen (Đạo Nguyên 1200 – 1253), một thiên tài kì vĩ, người chỉ đường cho cả triết lí hiện đại ở Nhật Bản dù sống cách đây bảy thế kỉ.
Đô gen là “nhà tư tưởng hùng tráng và độc đáo nhất mà Nhật Bản từng sản sinh”, theo Đumoulin.
Thiền Tào Động của Đôgen chú trọng đặc biệt đến việc toạ thiền khác với Lâm Tế Tông của Êisai thiên về tham công án ([4]).
Khác với các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản thời Trung đại, tư tưởng Đôgen không thu hẹp trong tính chất quốc gia hay thời đại mà nó vươn lên trên mọi nền văn hoá. Trong chính lời Đôgen: “Toạ thiền là vượt ra ngoài mọi sự vật trong vũ trụ”.
Đôgen xuất thân từ một gia đình đại quý tộc, cha là quan Nội vụ đại thần. Nhưng vì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thời niên thiếu, ông phải sống nhờ bên ngoại cũng thuộc hàng đại thần. Dù vậy, buông bỏ mọi thứ xiềng vàng ấy, ông rời nhà ra đi, tìm các cao tăng học đạo.
Vẫn chưa mãn nguyện, đến năm 23 tuổi, Đôgen sang Trung Quốc, bỏ hai năm chu du nhiều nơi, cuối cùng thụ pháp nơi thiền sư Như Tịnh trên núi Thiên Đồng.
Một sớm mai, khi nghe Như Tịnh giảng “phải xả bỏ thân tâm”, Đôgen bừng ngộ.
Sau đó, Đôgen vào phòng riêng của Sư phụ, thắp hương và quỳ lạy. Như Tịnh, đã hiểu rõ tâm cảnh của Đôgen nhưng vẫn giả vờ hỏi:
– Sao lại thắp hương?
Đôgen đáp:
– Tôi xin xả bỏ thân tâm.
Một cách giản dị, Như Tịnh đồng ý ngay. Nhưng Đôgen cho rằng thầy quá dễ dàng khi ấn chứng nhanh như vậy. Như Tịnh nói:
– Ta có ấn chứng dễ dàng gì đâu!
Đôgen vặn lại:
– Xin thầy cho tôi thấy là thầy không ấn chứng dễ dàng.
Như Tịnh đáp ngay:
– Đấy là xả bỏ thân tâm đấy.
Đôgen lạy thầy lần nữa. Như Tịnh nói:
– Như thế là xả bỏ cái xả bỏ.
Dù vậy, Đôgen vẫn tiếp tục ở lại Trung Quốc, học hỏi và toạ thiền.
Hai năm sau, ông mới trở về Nhật Bản, vào lúc 27 tuổi.
Khác với nhiều nhà sư sang Trung Quốc, Đôgen trở về tay không. Không văn tự, không kinh sách, không ảnh tượng, không nghi lễ. Ông không muốn đề xuất lí thuyết hoặc tông phái nào. Với ông, ngồi thiền, chỉ ngồi thiền (chỉ quán lập toạ) là quan trọng hơn cả. Tác phẩm đầu tiên của ông là Toạ thiền nghi (Zazengi), một khái luận vắn tắt chỉ hơn 1000 chữ Hán.
Lời dạy toạ thiền để tìm lại Phật tính cho chính mình của Đôgen đã gây lên một niềm tin mới.
Năm 43 tuổi, Đôgen đến xứ Ê chizen, dựng trên núi một ngôi chùa tên là Êihêiji (Vĩnh Bình tự). Danh tiếng ông đã lan truyền khắp xứ. Tướng quân ở Kamakura mời ông đến hoằng pháp. Đôgen chỉ đến đó vài tháng rồi trở về núi với niềm bình an và cô đơn mà vô cùng hạnh phúc, cho đến lúc viên tịch vào năm 54 tuổi.
Tư tưởng của Đôgen được thể hiện qua nhiều tác phẩm mà quan trọng nhất là bộ Chánh pháp nhãn tàng (Shôbô Genzô).
Đó là một kiệt tác văn xuôi, không viết bằng chữ Hán như nhiều tác phẩm thời đó, mà bằng chữ Nhật.
Tác phẩm gồm 95 chương, được soạn trong suốt 25 năm, tức là gần bằng nửa cuộc đời còn lại của Đôgen, được xưng tụng là “Đỉnh Everest của Phật giáo Nhật Bản” (Kapleau). Sách bàn về mọi vấn đề, từ siêu hình như hữu – thời (hữu thể và thời gian) đến những việc cụ thể như ăn uống, vệ sinh. Trong đó, mọi hành vi hàng ngày của chúng ta như ăn uống, tắm rửa, làm bếp, ngủ nghê, bài tiết… đều được chỉ dẫn từng chi tiết.
Một thiên tài dung hợp được cái siêu hình và điều cụ thể nhỏ nhặt của đời sống, như Đôgen đã biểu hiện, thực sự là đáng kinh ngạc.
Cái mà cuốn sách thực sự muốn truyền đạt cho ta là “hãy học làm cách nào thấy được tâm mình ở chốn an cư”.
Trong Chánh pháp nhãn tàng, Đôgen bàn về hữu thể và thời gian, mà ông gọi là Uji (hữu – thời) như sau:
“Người ta phải chấp nhận rằng thế giới này có hàng triệu vật thể. Và mỗi vật thể, một cách riêng rẽ, là toàn thế giới. Đấy là chỗ khởi đầu học Phật… Mỗi thời điểm bao gồm mọi hữu thể và mọi thể giới…
Khi tôi leo núi và vượt sông, tôi là thời. Thời ở với tôi. Tôi luôn luôn là, thời không thể rời tôi…
Hôm qua và hôm nay có nghĩa là thời của một người đi thẳng vào núi và thấy một vạn đỉnh núi. Nó không bao giờ mất… Nó dường như của quá khứ nhưng nó là hiện tại…
Tóm lại, mọi hữu trong toàn thể thế giới là một thời riêng trong nhất phiến. Và vì hữu là thời, tôi là hữu thời của tôi”
(ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch)
Với Đôgen, ngoài thế gian không có hiện hữu. Ông thể hiện tư tưởng ấy một cách tài tình, cũng như trong Chánh pháp nhãn tàng:
“Màu sắc đâu chỉ có ở những bông hoa, vì mọi thời gian cũng có màu sắc của mình, như màu lam, vàng, trắng… Mùa xuân lôi cuốn theo mình những đoá hoa tươi trong khi các đoá hoa cũng lôi cuốn mùa xuân…”
Không chỉ là một nhà tư tưởng sâu sắc, Đôgen còn là một nhà thơ:
Chúng ta đi, như áng mây trời
Qua cái sống và cái chết
Chúng ta đi, đi trong giấc mộng
Con đường vô minh
Con đường ánh sáng
Và sau khi thức tỉnh
Chỉ còn lại một điều
Trong trí nhớ tôi
Đó là tiếng mưa rơi
Tôi đã nghe một đêm nào đó
Trong mái lều tôi ở Fukakusa.
Sau đây là một trong những bài đoản ca Đôgen soạn trước khi viên tịch:
Trên là cỏ
Chờ đợi ánh ban mai
Giọt sương đang tan biến
Đừng vội chứ, gió thu ơi
Trên cánh đồng rung chuyển.
Trong nến văn hoá Nhật, Đôgen đứng cao như một Phật tháp. Có thể so sánh ông với những con người khổng lồ trong thời Phục hưng của Phương Tây. Ông có một nhân cách cao quý và là một trong những thiên tài hiếm hoi của nhân loại.
MUJU THIỀN SƯ
Thiền sư Muju (Vô Trú, 1226 – 1312) là tác giả tập sách nổi tiếng Sa thạch tập (Shasekishu: Góp nhặt cát đá) ([5]).
Văn bản Sa thạch tập gồm có mười quyển, chứa đựng hơn 250 giai thoại Phật giáo lẫn thế tục. Nhiều câu chuyện trong đó mang màu sắc Thiền tông.
Sa thạch tập viết vào cuối thế ki XIII. Tuy thuộc về văn học thuyết thoại (setsuwa), tức những câu chuyện được giải thích theo giáo lí nhà Phật, nhưng Sa thạch tập không phải là sự minh họa khô khan cho một thuyết giáo nào mà chứa đầy những câu chuyện trào lộng.
Câu chuyện về ni cô mũi đen cho thấy điều đó. Có một ni cô tạo ra một tượng Phật bọc vàng mà cô dốc lòng thờ phụng. Khi phải rời Kinh đô về quê, ni cô vẫn mang tượng theo. Nhưng ở bệ thờ mới có quá nhiều tượng Phật của người khác. “Khói hương ta đốt sẽ phân tán, sẽ ít khi đến được Phật của mình”, ni cô nhủ thầm, rồi dùng một cái ống để dẫn khói hương lên một mình ông Phật ấy. Chẳng bao lâu, chiếc mũi trên tượng Phật vàng của ni cô bị muội khói làm đen nhẻm.
Sau khi chết, ni cô của chúng ta tái sinh thành một người có dung mạo rất đẹp, “ngoại trừ chiếc mũi đen như mực tàu”.
Kể xong câu chuyện trên, Muju thêm: “Đó là luật nhân quả”. Những lời bình tương tự như vậy ở các câu chuyện khác cũng không làm mất đi phong cách trào lộng dân gian của chúng.
Những thuyết thoại trong Sa thạch tập, ngoài tính trào lộng, đôi khi còn là những dụ ngôn sâu sắc.
Có một người đàn bà đẹp đến gõ cửa một ngôi nhà kia. Chủ nhà hỏi nàng là ai thì nàng đáp:
– Người ta gọi tôi là nữ thần Đức Hạnh. Nơi nào tôi đến sẽ có hạnh phúc và thịnh vượng.
Vui mừng, chủ nhân mời nàng vào nhà. Liền đó, một người đàn bà khác đến, xấu xí, và tự nhận là nữ thần Bóng Tối, nơi nào cô đến là khổ ải và tai ương.
Chủ nhà vội đuổi cô ta đi nhưng cô ta nói:
– Ông ngốc quá! Người kia là chị tôi, và chúng tôi chẳng hề rời nhau. Nếu ông yêu chị tôi, thì cũng yêu tôi chứ. Nếu ông ghét tôi, hẳn phải ghét chị tôi.
Chủ nhà bèn đuổi cả hai chị em đi. Họ dắt nhau đến nơi khác. Một người đàn ông khác, dù không thích tai ương, nhưng vì yêu người chị, nên giữ lại cả cô em (*).
Tiếp theo câu chuyện trên là lời bình của Thiền sư Muju: “Để diễn giải những dụ ngôn trên, tôi cho rằng sinh và hợp chính là người chị đẹp, còn tử và li là cô em xấu… Đấy là nguyên lí của vũ trụ. biểu hiện qua hai chị em bất khả ly thân ấy…”
Cứ như thế, lúc thì kể chuyện, lúc thì dẫn giải, Muju là một tác giả không giấu mình. Ông không sang tác, chỉ biên soạn và bình giải. Nhưng sự góp nhặt của ông cho thấy một trí tuệ uyên bác, một tính hiếu kì lạ thường và một khả năng trào lộng đáng kể.
IKKYU THIỀN SƯ
Ikkyu (Nhất Hưu, 1394 – 1481) theo truyền thuyết là con của Thiên hoàng Gôkômatsu. Mẹ ông thuộc dòng dõi quý tộc Fujiwara, sau khi mang thai, phải rời bỏ triều đình và sinh ra Ikkyu trong một nhà thường dân nghèo. Đứa trẻ lớn lên và học tập trong chùa.
Sau khi sư phụ Kê sô qua đời, Ikkyu rời Đaitôkuji (Đại Đức tự), tu viện lớn của phái Lâm Tế tại Kyôtô, sống đời phiêu bạt, đi khắp các xứ ở Yamatô và Izumi. Ông chỉ trở lại Đaitôkuji vào năm 80 tuổi với cương vị Viện trưởng.
Ikkyu sống hoà lẫn với mọi người, bất kể thành phần xã hội nào. Ông ăn thịt cá và uống rượu sakê. Ông yêu phụ nữ và có con như mọi người đàn ông bình thường.
Trong đời, Ikkyu đã hai lần tự sát, tất nhiên vào lúc còn trẻ, bị ám ảnh bởi những nghi vấn tâm linh.
Một lần gieo mình xuống hồ và một lần tuyệt thực, nhưng đều được cứu thoát.
Sau đó, cuộc đời Ikkyu biến đổi hẳn. Thật là nhởn nhơ lí thú, như thể trôi trong một niềm hoan lạc vô biên. Trẻ con và chim chóc trèo lên lòng ông, nhảy nhót quanh ông.
Ikkyu quên mất mình, vô tâm và vô ngã. Vì thế, giữa cuộc sống suy vi của thời tao loạn, Ikkyu tìm thấy trong Thiền “cuộc tái sinh của tinh hoa sự sống và xác định lại ý nghĩa của hiện hữu con người” theo nhận xét của Kawabata.
Ikkyu tự gọi mình là Cuồng Vân (Kyôun) tức “Áng mây hoang dại” và để lại tập thơ tứ tuyệt chữ Hán với nhan đề Cuồng Vân tập.
Cũng theo đánh giá của Kawabata thì “Trong tập thơ này và ở những tập thơ kế tiếp, có những bài thơ hay không tiền khoáng hậu, không những trong lĩnh vực thi văn Hán tự mà cả trong thi văn Thiền của suốt thời Trung cổ Nhật Bản. Lại có những bài thơ khêu gợi nhục cảm, những bài thơ về bí mật phòng loan khiến ta phải vô cùng kinh ngạc”.
(CAO NGỌC PHƯỢNG dịch)
Ikkyu tuyên bố trong một bài đạo ca (đôka) của mình:
Những gì đi ngược lại
Một tâm hồn bình thường
Thì sẽ làm trở ngại
Chính pháp của con người
Thì sẽ làm trở ngại
Pháp của Phật mà thôi.
Điều đó còn được diễn tả cụ thể qua một bài thơ của Ikkyu dựa theo công án cũ về “bà lão đốt lều của sư”.
Một bà lão dựng lều cho một nhà sư và giúp ông ở trong đấy hai mươi năm. Sau đó, bà nhờ một cô gái trẻ đến với nhà sư và ôm ấp ông thử xem phản ứng của ông. Nào ngờ, nhà sư chỉ nói: “Cây trần trên đá lạnh, mùa đông vẫn ấm nồng!”.
Khi biết chuyện, bà lão giận dữ đuổi sư đi và đốt rụi căn lều: “Tại sao ta có thể nuôi suốt hai mươi năm trời một kẻ thiếu từ tâm như vậy?”. Liên hệ đến công án này, Ikkyu soạn bài thơ:
Nếu người con gái ấy
Hẹn chiều nay đến tôi
Cây liễu già sống lại
Và nở hoa xuân rồi.
Theo các nhà phê bình, trong Cuồng Vân tập, Thiền và Tình yêu chỉ là một mà thôi. Katô cho rằng:
“Ở Nhật, người ta chưa bao giờ biết một người như Ikkyu và cũng không thấy ai tương tự”.
Trước khi chết vào năm 87 tuổi, Ikkyu còn làm bài thơ tình ca sau đây:
Đã mười năm chúng ta thề nguyện
Dưới bóng hoa đào tình vô biên
Không còn gối đầu trong lòng em nữa
Đêm ghì nhau trong ước hẹn ba sinh.
Chúng ta thấy gì trong bài thơ trên của một ông lão, một Thiền sư cách đây hơn năm thế kỉ?
HAKUIN THIỀN SƯ
Hakuin (Bạch Ẩn, 1685 – 1768) là một thiền sư đa tài. Thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, thư pháp, lĩnh vực nào ông cũng lỗi lạc.
Nếu không có ông, phái Lâm Tế có nguy cơ tàn lụi. Ông đã làm sống lại các công án của nó. Chính ông đã đề ra công án nổi tiếng gọi là “Tiếng vỗ của một bàn tay” (Chích thủ) ([6]).
Hakuin được xem là Thiền sư Nhật Bản vĩ đại nhất sau Đô gen và đã thiết lập nền tảng cho sự phát triển mới của Thiền tông ở Nhật. Với thiên tài của ông. Thiền trở nên trong sáng và chứa đựng cái đẹp của tâm hồn Phù Tang.
“Thiền Bạch Ẩn là ngôi sao vĩnh cửu trong bầu trời tâm linh và là một đóng góp cao cả vào nền Văn hoá Nhật Bản”, theo nhận xét của Tọa chủ Amakuki.
Để nói về đạo, Hakuin thường dùng ngôn ngữ thông tục, dùng dân ca, đạo ca và cả cuồng ca. Trong đó, Toạ thiền ca là một kiệt tác.
Chúng sinh xưa nay là Phật
Khác nào nước với băng
Ngoài nước không có băng
Ngoài chúng sinh tìm đâu ra Phật
Không hay đạo ở gần
Lại đi tìm xa thẳm
Thế mới đáng thương!
Như kẻ dầm trong nước
Lại than khát không ngừng
Như đứa trẻ giàu sang
Lang thang trong cùng khốn
Ta luân hồi sáu cõi
Lạc nẻo tối vô minh
…
Một lần ngồi thiền định
Tội lỗi sẽ không còn
Ác đạo rồi tan biến
Tịnh độ đã kề bên
…
Trời tam muội bao la
Chiếu ngời trăng tứ trí…
Thân này là Phật
Cõi này là Hoa.
RYÔKAN THIỀN SƯ
Ryôkan (Lương Khoan, 1758 – 1831) tự gọi mình là Đaigu (Đại Ngu) tức là “Tên khờ vĩ đại”, một tên khờ mang trong mình muôn ngàn trái tim Nhật Bản.
“Khi chúng ta biết một Ryôkan, ta biết hàng trăm ngàn Ryôkan trong mọi tâm hồn Phù Tang”, lời Suzuki.
Ryôkan là một kẻ khờ minh triết, một trẻ thơ vĩ đại, một người nghèo hạnh phúc, một kẻ lãng du vĩnh cửu. Ông sống, làm thơ, yêu đương trong một niềm hoan lạc vô biên.
Theo Kawabata, Ryôkan là người đã “xô ngã được sự lố bịch mới mẻ của thời đại ngài… người mà thơ ca và nét chữ được thán phục nhiều nhất ở Nhật Bản ngày nay, đã sống rất thực trong tinh thần những bài thơ, đã rong ruổi suốt các nẻo đường quê đất nước, lấy lều cỏ làm nhà, lấy giẻ vụn làm áo…”
(CAO NGỌC PHƯỢNG dịch)
Ryôkan để lại bốn tập thơ. Ông là nhà thơ của thiên nhiên, của sự nghèo nàn, của chấy rận và của tình yêu:
Ôi con rận
Nếu mi là côn trùng
Ca hát trên cách đồng mùa thu
Thì hãy xem ngực áo này
Là đồng cỏ Musashinô.
Ông luôn luôn cảm thấy giàu có, đầy đủ trong sự nghèo nàn, kể cả sau khi bị trộm.
Tên trộm đi rồi
Còn bên cửa sổ
Một vầng trăng soi.
Ông còn cần gì nữa, khi mà:
Gió cấp cho tôi
Lá khô nhóm lửa
Như thế đủ rồi.
Ông có cả thiên nhiên làm di sản:
Cái gì ta để lại?
Hoa mùa xuân nở đầy
Trên đồi chim cu hót
Lá thu vàng đang bay.
Ở độ tuổi 68, Ryôkan vẫn còn rung động trong tình yêu. Ông gặp một ni cô khoảng 29 tuổi tên là Têishin (Trinh Tâm). Dù chênh nhau đến 39 tuổi 40 năm, hai người vẫn yêu nhau. Thơ ca, tôn giáo, tình yêu kết hợp họ lại.
Ta cứ hỏi lòng ta
Bao giờ nàng bước đến
Nhưng giờ đây hội ngộ
Còn nghĩ suy làm gì?
Sau khi Ryôkan qua đời vài năm, chính Têishin đã thu thập một số bài thơ của thiền sư, tạo thành tập thơ mà nàng đặt tên là Giọt sương trên lá sen (Hasu nô Tsuyu: Liên lộ)
Nàng sống thêm 37 năm, vẫn mang trong lòng tình yêu đối với ông. Nàng là giọt sương trên lá sen của cuộc đời Ryôkan.
Ghi chú:
[1] có ảnh hưởng lớn lao đến các thiết chế và đời sống văn hoá viễn đông : Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Theo ý kiến của G.B.Sansom trong cuốn “Lược sử văn hoá Nhật Bản” thì “có thể nói rằng Triều Tiên bị một chứng bệnh Khổng giáo, vì trong các thế kỉ sau đó, sự phát triển của Triều Tiên dường như đã bị chững lại vì quá khuôn theo các hình thức của Khổng giáo. Nhưng người Nhật thì không bị như vậy vì may mắn họ có được tính dẻo dai chống được những nguy cơ chết người của Khổng giáo và trong khi vẫn tôn trọng truyền thống của Khổng giáo, tính cách dẻo dai đó đã cho phép họ uốn các giáo lí của Khổng giáo cho phù hợp với nhu cầu của họ”(Bản dịch của NXB KHXH, trang 129).
Từ thời Nara, người Nhật đã quen thuộc với kinh sách Trung Quốc (Tứ thư ngũ kinh) nhưng ban đầu sự tiếp thu mang nhiều tính chất vay mượn, gây nên mâu thuẫn giữa tập quán trong nước và ảnh hưởng ngoại lai. Dần dần Khổng giáo mới được đồng hoá vào đời sống dân tộc, bớt đi tính chất bảo thủ và khô khan, kết hợp với giáo lí đạo Phật và đạo Lão. Cuối thế kỉ XVII thì triết học của Vương Dương Minh được truyền bá mạnh. Các trường Shingaku (Tâm học) mở ra ở cả Êđo và Kyôtô. Sân khấu và tiểu thuyết từ thế kỉ XVII, dù rất phóng túng, cũng thể hiện một quan niệm đạo lí Khổng giáo được làm mới lại bằng tính khoan dung. “Nghĩa lí” (giri) của Khổng giáo được đặt vào trong những cảm xúc “nhân tình” (ninyô) rất Nhật Bản.
[2] (Tiếng Phạn và samadhi và tiếng Nhật là sanmai). Đồng nghĩa với các tiếng “chánh định”, “định tâm”, “nhất tâm”, chỉ trạng thái tâm hồn không vọng động, được tập trung cao độ, nhưng thong dong tự tại, trở nên sáng suốt với một trực quan cao rộng.
[16] Bốn trí huệ của Phật đưa đến hành động toàn mãn, bao gồm : Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quán sát trí và Thành sở tác trí. Trí thứ nhất soi chiếu vạn vật thật đầy đủ. Trí thứ hai không còn phân biệt giữa tự và tha, cái này và cái kia. Trí thứ ba quan sát mọi vật đúng như thực tại. Trí thứ tư tạo nên thành tựu vẹn toàn.
[4] Theo Suzuki, “Một công án, nói theo sách vở là <một chứng ngôn công khai dựng lên một tiêu chuẩn đoán án>, nhờ đó, người ta có thể khảo chứng trình độ lãnh hội chính xác về Thiền. Một công án thường là một phát ngôn của một Thiền sư xưa kia hay một câu trả lời nào đó của ngài”. Nói giản dị hơn, từ “công án” được Thiền tông dùng để chỉ những lời nói của Phật hay Tổ nêu ra để làm đề tài suy tư cho các Thiền sinh.
[5] Shasêkishu hay Sa thạch tập (1283) là tác phẩm của Thiền sư Muji (1226 – 1312) chứa đựng 250 giai thoại được giải thích theo giáo lí nhà Phật. Cuốn sách “Góp nhặt cát đá” bằng tiếng Việt do Lá Bối in năm 1971 và NXB Đồng Nai tái bản năm 1991 tuy vẫn đề tên Thiền sư Muju là tác giả nhưng thật ra hầu hết giai thoại Thiền trong ấy có sau Muji, rất nhiều truyện thuộc thế kỉ XX. Bản tiếng Việt ấy khá phổ biến ở Việt Nam nên có thể gây ngộ nhận Thiền sư Muji là người của thế kỉ XX.
[6]
Đây là một công án và một thiền sư có thể dùng nó để hỏi môn đồ : “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì ?” hay “Ngươi hãy chứng tỏ đã nghe thấy tiếng vỗ của một bàn tay ?” hoặc “Sau khi chết rồi, ngươi có còn nghe thấy được tiếng vỗ của bàn tay ấy không ?” và vô số cách hỏi khác. Tất nhiên câu hỏi đó sẽ làm cho thiền sinh nọ vô cùng bối rối, đảo lộn cả tâm trí anh ta, Trong cuốn sách bằng tiếng Nhật ấn hành năm 1916 tên là “Phê phán về thứ thiền giả tạo ngày nay” có soạn lời “giải đáp” cho hàng trăm công án ! Với câu hỏi về tiếng vỗ của bàn tay thì nó đề nghị một giải pháp thế này : “Thiền sinh sẽ không nói gì hết, chỉ đưa thẳng một bàn tay về phía trước.” Có lẽ vì trong một bàn tay đã có tất cả, chứa đựng tất cả, bao hàm tất cả, trong đó có tiếng vỗ của chính nó ?.
Nhưng Thiền không phải là sách hướng dẫn làm bài tập, vì thế mỗi người phải tự trả lời các vấn đề theo cách của chính mình.
NHẬT BẢN TRONG CHIẾC GƯƠNG SOI
Tác giả: Nhật Chiêu
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS