THỰC TƯỚNG CÁC PHÁP

SHARE:

Trong Không, tánh tướng không hai, tánh tức là tướng, tướng tức là tánh. Nói về tịch diệt bất động thì Tịch là Tánh. Nói về sáng soi thấu suốt thì Chiếu là Tướng. Tịch Chiếu không hai nên tánh tướng như như. Không tướng là cái tướng Chiếu này của tánh Không. Tướng Không sáng soi chiếu khắp này ở chỗ khác được gọi là Vô Tướng.

Kinh:

Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.

 

1. Không tướng có ba nghĩa: Thứ nhất, Không tướng là tướng rỗng không, không có tánh riêng. Thứ hai là tướng giả hợp như huyễn, do có thức mà thành. Thứ ba, Không tướng là tướng của Chân Không. Mọi pháp đều nằm trong Không, mọi bóng sắc đều nằm trong gương Không. Gương Không này không sanh không diệt, không dơ sạch, không tăng giảm vì đó là thực tại tối thượng. Gương Không thường sáng tỏ, rỗng rang không bờ mé. Không tướng đó là tướng của Chân Không nên là thật tướng. Thật tướng Không tướng là nói về phương diện Chiếu của Chân Không vậy.

 

Trong Không, tánh tướng không hai, tánh tức là tướng, tướng tức là tánh. Nói về tịch diệt bất động thì Tịch là Tánh. Nói về sáng soi thấu suốt thì Chiếu là Tướng. Tịch Chiếu không hai nên tánh tướng như như. Không tướng là cái tướng Chiếu này của tánh Không. Tướng Không sáng soi chiếu khắp này ở chỗ khác được gọi là Vô Tướng.

 

Tánh của mọi pháp là Không, xưa không sanh nay không diệt, bình đẳng vắng lặng. Các pháp do nhân duyên sanh không có tự tánh. Khi sanh không thật có sanh, nên gọi là bất sanh. Khi diệt không từng có diệt, nên gọi là bất diệt. Khi sanh không đến từ đâu, nên gọi là bất sanh. Khi diệt không đi về đâu, nên gọi là bất diệt. Người không tu thấy có các pháp biến hiện sanh diệt vì do thức động thành vọng tưởng.

 

Tánh Không vốn rỗng lặng và hằng hằng thanh tịnh. Các tướng cũng là tánh Không, nên cũng rỗng lặng và thanh tịnh như thế. Vì hằng hằng thanh tịnh nên không có gì làm ô nhiễm được, cho nên cũng chẳng có ý niệm sạch. Hằng hằng thanh tịnh nên gọi là bất cấu bất tịnh.

 

Thấy có tăng giảm vì vọng thấy tướng, vọng chấp tướng. Khi các pháp là Không tướng, khi các bóng duy chỉ là gương thì tăng giảm chỗ nào?

 

Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp từ bổn lai, Thường tự tịch diệt tướng”

2. Trong Tự Tánh Chân Không tịch diệt sáng soi bao quát khắp, toàn thể sắc tướng đều là thật tướng của cái Chân Không này. Sắc là Chân Không thể hiện ra chỗ con mắt. Không là chân sắc phổ chiếu không ngằn mé. Chư pháp Không tướng, toàn sắc là Chân Không, tràn đầy chiếu khắp, đâu có sắc thì đó là Không, Không ở khắp tất cả nên sắc ở khắp tất cả. Đâu có bóng sắc thì đó là gương Không. Gương Không không chỗ nào thiếu hụt, biến mãn, thì sắc cũng không chỗ nào không có, biến mãn khắp mười phương. Sắc đó là Chân Sắc. Chân Sắc và Chân Không, không hai không khác. Đâu có tướng được thấy thì đó là Tánh Thấy. Tánh Thấy phổ khắp không ngằn mé thì tướng sắc cũng sáng đầy khắp pháp giới.

 

Toàn sắc đều tròn sáng rỗng lặng trong Chân Không rỗng rang thanh tịnh, toàn bóng đều sáng soi, rỗng lặng trong gương Không. Không là thực tại không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, nên sắc cũng như thế. Không không hề nhiễm ô bởi sắc vì trong Không, sắc vốn thanh tịnh, không sanh diệt tăng giảm. Trong tánh Không, sắc không phải có mà cũng chẳng phải là không có, không phải thật mà cũng chẳng phải giả, không phải sanh ra mà cũng phải đã diệt. Chính thế mà sắc chẳng làm ô nhiễm Không, chẳng làm cho Không tăng thêm hoặc giảm bớt. Không những toàn sắc đều sáng soi rỗng lặng trong Chân Không thanh tịnh, mà mỗi một sắc đều tròn sáng, rỗng lặng, thanh tịnh và không sanh không diệt, không dơ sạch, không tăng giảm như Chân Không. Đó là Diệu Hữu.

 

3. Một bà lão sai người mang phẩm vật đến cúng dường một Thiền sư và yêu cầu ngài đọc hết Đại Tạng Kinh. Thiền sư rời khỏi chỗ ngồi, đi quanh ghế một vòng rồi nói: “Tôi đã đọc xong Đại Tạng Kinh rồi đó.”
Lão bà nghe kể lại như thế, nói rằng: “Ta đã yêu cầu Thiền sư đọc trọn Đại Tạng Kinh, vậy mà Thiền sư mới đọc có một nửa.”
Người sau bình luận: Dầu Thiền sư có đi một vòng khắp pháp giới thì vẫn chỉ là đọc một nửa. Vậy thì đi như thế nào mới gọi là đọc hết Đại Tạng?

 

* Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng đến Tào Khê. Tổ Huệ Năng hỏi: “Ở đâu đến?”
Thiền sư thưa: “Ở Tung Sơn đến.”
Tổ hỏi: “Vật gì đến?”
Thiền sư trả lời: “Nói như một vật tức chẳng trúng.”
Tổ hỏi: “Lại có thể tu chứng chăng?”
Thiền sư trả lời: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức bất đắc”
Tổ ấn chứng: “Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, người đã như thế, ta cũng như thế.”

 

* Một hôm Bá Trượng cùng thầy là Mã Tổ ra ngoài đồng. Có một bầy le le bay qua, xa mất
Mã Tổ hỏi: “Le le bay đi đâu?”
Bá Trượng: “Chúng bay qua mất rồi.”
Mã Tổ nắm mũi Bá Trượng kéo mạnh, hét: “Bay đi hồi nào?”
Bá Trượng đại ngộ.
Hôm sau Mã Tổ thượng đường thuyết pháp, Bá Trượng lật ngược thiền sàng, bước ra.
Mã Tổ bèn ấn chứng cho giữa chúng.

 

* Tiệm Nguyên cùng thầy là Đạo Ngô đến nhà người chết.
Tiệm Nguyên bước vào, thấy cái hòm, hỏi thầy: “Sống hay là chết?”
Đạo Ngô gõ vào hòm, đáp: “Sống chăng, ta không nói. Chết chăng, ta không nói.”
Tiệm Nguyên hỏi: “Tại sao Thầy lại không nói?”
Thầy đáp: “Không nói là không nói.”
Tiệm Nguyên: “Thầy không nói thì con đánh.”
Đạo Ngô để cho Tiệm Nguyên đánh mà không nói.
Về sau khi ở xa Thầy, Tiệm Nguyên đại ngộ nhờ chỗ này, cảm kích tấm lòng từ bi của Thầy biết bao, thì Thầy đã chết.

 

* Một vị tăng lên núi Ngũ Đài, gặp một chú bé, hỏi chú bé ở với ai. Tiểu đồng đáp: “Ở động Kim Cương”
Hỏi: “Nơi ấy như thế nào?”
Đáp: “Rắn rồng lẫn lộn, phàm thánh ở chung.”
Hỏi: “Đồ chúng bao nhiêu?”
Đáp: “Trước ba ba, sau lại ba ba.”
Sau này vị tăng ấy mới biết đó là tiểu đồng của Bồ-tát Văn-thù trên Ngũ Đài Sơn.

 

* Bài tụng của Xuyên Thiền Sư:
“Tròn tợ thái hư, không thiếu không dư.
Pháp cùng phi pháp tướng
Nắm mở cũng bàn tay
Muôn dặm mây bay sạch
Trời xanh một dạng bày.”

 

Lại nói tiếp: “Muốn tin cho chắc chắn, Bắc Đẩu phía nam xem.”

 

* Tăng Thống Khánh Hỷ đời Lý:
“Càn Khôn tận thị mao đầu thượng. Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.”
(Toàn vũ trụ ở trên đầu sợi lông. Mặt trời mặt trăng nằm trong hột cải nhỏ)

 

* Có người hỏi một Thiền sư: “Thế nào là sắc tức thị Không?”
Thiền sư trả lời: “Lưới trời Đế Thích”
Đây là Đế Thích võng cảnh giới môn trong Thập huyền diệu lý của Hoa Nghiêm Tông.

 

4. Kinh Đại Bát-nhã nói: “Bát-nhã Ba-la-mật này thật khó tin, khó hiểu. Bởi vì Sắc không phải phược, không phải giải. Vì sao? Vì sắc lấy vô tánh làm tự tánh, không có tiền tế, không có trung tế, không có hậu tế. Vì không tự tánh là tự tánh của nó nên không trói buộc, không cởi mở.”

Tổ Huệ Năng nói: “Niệm trước không sanh là Tâm. Niệm sau không diệt là Phật.” Cái Tâm không sanh không diệt này là Phật Tâm, hay là tâm vô niệm. Tâm vô niệm thì đương thể không tịch.

Tâm của anh hiện giờ không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, thì đó là Phật Tâm chớ còn gì nữa?

 

BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

SHARE:

Trả lời