SHARE:
Vấn nạn lớn nhất của người tu hành theo Phật giáo là sự che chướng bởi tư tưởng, hay tâm ý thức nó như những làn sóng luôn luôn khởi lên và diệt đi trong tâm của chúng ta. Nếu hành giả không nhận ra bản tánh thật của nó thì người tu hành luôn bị nó dẫn dắt và làm khổ mãi trong đời sống sanh tử này.
Làm sao để đi đến cái thấy xác thực nhất trong quán tâm? Tức là thấy được tư tưởng đồng khởi với giải thoát. Tư tưởng là tánh Không? Hai phương diện này là một trong tham thiền?
Nhận xét chung:
Những hành giả thực hành tham thiền, đối với tư tưởng sẽ có ba trường hợp xảy ra như sau:
Thứ nhất: thấy tư tưởng là rất thật, khi tư tưởng khởi chúng ta bị cuốn theo tư tưởng, chúng ta đồng hóa mình với tư tưởng. Ở trường hợp này người tu rất sợ tư tưởng (sợ vọng tưởng).
Thứ hai: khi tâm đã tương đối bình lặng chúng ta nhận biết được tư tưởng, trong giai đoạn này sự tham thiền xảy ra trên bình diện có người nhận biết tư tưởng và có tư tưởng là đối tượng được nhận biết. (biết vọng)
Thứ ba: tư tưởng khởi lên và diệt đi trong tánh giác sáng suốt của mình, tư tưởng tự giải thoát.
Chúng ta khảo sát các phương pháp thực hành để giải quyết các trường hợp này trong tham thiền.
Thứ nhất:
Giai đoạn mới tham thiền,
Với những người mới tham thiền, tâm chúng ta quen dao động, lo nghĩ và sinh diệt không ngừng vì vậy những người mới ngồi thiền thường tu theo cách đếm hơi thở hay quán hơi thở, nhìn vào một đối tượng để giữ tâm, cũng có hành giả niệm Phật để giữ cho tâm khỏi bị loạn…
Nói chung, giai đoạn này sự tham thiền chủ tâm thực hành gom chú ý của tâm vào một phạm vi, một đối tượng nào đó để đối trị với sự loạn tâm còn quá mạnh. Tùy theo ý thích mà chúng ta chọn đối tượng cho phù hợp để nhiếp tâm.
Khi nào hành giả gom tâm vào một mục tiêu đã định trước thành công; nghĩa là chúng ta an trú được tâm vào một đề mục mà không xao động bởi niệm tưởng là chúng ta đã thực hành hoàn thành giai đoạn này.
Thứ hai:
Giai đoạn nhận biết tâm:
Nhận biết tư tưởng không theo (biết vọng liền buông)
Là một cách thức quán tâm thiên về chỉ nhiều. Chúng ta nhận ra tư tưởng và tác ý dừng sự chạy theo tư tưởng của tâm. Cho nên phương pháp này ngăn không cho tâm dính mắc với tư tưởng nhưng cũng chỉ có tính giai đoạn. Vì tác dụng là ngăn sự dính mắc của tâm vào tư tưởng; nếu sự dính mắc của tâm vào tư tưởng đã cải thiện, chúng ta chuyển qua phương pháp khác còn cứ theo cách này lâu ngày sẽ có định tâm nhưng là thứ định mờ mịt thiếu quán chiếu, rơi vào nước chết. Hành giả nếu rơi vào nước chết trong tham thiền; người này rất lãnh đạm với cuộc sống; dễ nổi nóng khi gặp việc trái ý; và họ không hòa nhập với đời sống vì không thể thích nghi được với cảnh động.
Nếu chúng ta biết vọng không theo, tức là chúng ta tác ý thủ (giữ) cái không vọng (phương pháp thiên về chỉ). Hành giả phải chuyển sang giai đoạn: vọng và biết đồng khởi, tức là không thủ không xả. Khi đó vọng và biết cùng hiện, hễ có vọng là có biết; chúng ta phải nhận ra vọng và cái biết đồng hiện trong tham thiền. (phương pháp có cả chỉ lẫn quán: quán là biết được vọng và chỉ là có vọng nhưng không theo vọng mà chỉ nhận ra có cái biết hiện hữu)
Nhận biết sự sinh diệt của tư tưởng:
Đây là giai đoạn mà hành giả đã không còn dính mắc nhiều với tư tưởng, hành giả xem tư tưởng là đối tượng chính để tham thiền vì vậy mỗi mỗi động tịnh gì của tư tưởng cũng được xem xét quán chiếu. Sự nhận biết này bằng cách nhận ra tư tưởng diễn ra trong cả ba quá trình: tư tưởng sinh, tư tưởng có mặt và tư tưởng chấm dứt. Tư tưởng được quán chiếu xem xét như vậy trong tham thiền, chúng ta sẽ có một kết luận về tư tưởng và người tu sẽ làm chủ được tư tưởng. Hành giả sẽ giải thoát khỏi sự che chướng của tư tưởng nhờ vào quán chiếu để nhận ra thật tánh của tư tưởng.
Khi hành giả nhận biết tư tưởng khởi lên diễn tiến và diệt dứt đó là quán và chúng ta không chạy theo tư tưởng mà vẫn nhận biết chúng rõ ràng đó là chỉ.
Sau đây hãy tham khảo lời dạy của Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje trong Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Vô Minh, Phần Hai, Chương: Loại Bỏ Siết Chặt Và Buông Lỏng: “Hãy an trụ trong một trạng thái rạng rỡ của tâm, và nếu nó tan biến, hãy nghĩ ngơi một lát (buông lỏng). Nhưng dù giữa thời thiền định, con vẫn giữ chánh niệm tỉnh giác (siết chặt),”.
“Khi thiền định ngoài lúc siết chặt hay buông lỏng này, sẽ có những thời gian không có sự lang thang của tâm thức, những tư tưởng không khởi lên. Nhưng khi tâm thức của con lang thang hay nhiều tư tưởng khởi lên do những hoàn cảnh nhất thời, nếu con cố gắng thoát khỏi chúng, con không thể thoát. Lúc ấy chỉ nhìn thẳng vào chúng và nghĩ, “Chúng mày muốn đi đâu thì cứ đi!” và như thế con sẽ cắt đứt dòng hiện đến của chúng. Bây giờ nếu một tư tưởng khởi lên, một cái thứ hai khởi lên – hãy nhận biết thật sự chúng là gì. Chớ cố gắng thoát khỏi chúng hay đoạn trừ chúng, và cũng chớ theo chúng. Chớ hạnh phúc nếu tâm thức con an định hay bất hạnh nếu nó rong ruổi. Chớ lo cho sự thiền định của con có suông sẻ hay không hoặc có những hy vọng và mong cầu tốt đẹp. Không có mong cầu hay lo lắng nào, tâm thức con hãy tỉnh giác với chính bản thân tư tưởng như là căn cứ chú ý của nó”.
“Con sẽ không bao giờ có thể đạt đến một trạng thái vô niệm bằng cách ngăn chặn những tư tưởng ý niệm. Hãy lấy chính những tư tưởng ấy như là đối tượng của con và chú tâm thẳng vào chúng. Những tư tưởng ý niệm tự chúng tan biến. Khi chúng tan biến, một trạng thái vô niệm đương nhiên hiển lộ. Bởi thế hãy thực hành như thế.”
Những nhận xét trong giai đoạn thực hành này như sau:
Chúng ta tu bằng tâm thức để nhận biết tâm thức. Người quán tâm và tâm (hay vọng tưởng), là hai. Việc thực hành tu tập vẫn trên nhị nguyên có người tu và sự việc để tu.
Đây là tham thiền mang tính chất tương đối, chúng ta lấy tâm ý thức làm việc với tâm ý thức. Hành giả không có một vốn liếng nào của sự giải thoát nhưng nhờ vào lời dạy của vị thầy về phương pháp tu học của Phật chúng ta tham thiền bằng ý chí và niềm tin. Mục đích là lấy tâm thức tu với chính nó để phá nó, làm sụp đổ sự che chướng của nó.
Khi quán sát, tư tưởng sinh ra có mặt rồi tan mất, lộ trình này trong tham thiền thì ngược lại. Ban đầu hành giả thấy tư tưởng diệt, rồi kế đó thấy tư tưởng đang diễn ra và người tham thiền có sức tỉnh thức cao mới thấy được tư tưởng sinh.
Hai yếu tố chỉ và quán luôn luôn được quân bình như thiền sư Huyền Giác tác giả của tác phẩm Chứng Đạo Ca dạy “tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai, lặng lặng tỉnh tỉnh phái, lặng lặng hôn trầm sai”
Thứ ba: tư tưởng đồng khởi:
Muốn nhận ra tư tưởng đồng khởi hành giả trước đó phải có kinh nghiệm về tâm đồng khởi. Vì vậy ta hãy khảo sát tâm đồng khởi.
Tâm đồng khởi là Chỉ Quán đồng thời, tức là Thiền
Đây là kết quả của việc hành giả tham thiền với đầy đủ chỉ và quán. Người tu sẽ đi đến trạng thái bản tánh của tâm hay tâm đồng khởi, tức là tâm thoát khỏi sự che chướng của tư tưởng. Tâm hiển hiện như nó là.
Trước tiên chúng ta phải biết qua đồng khởi là như thế nào?
“Đồng khởi như hai con sông hòa với nhau” “Khi chúng ta nói đến đồng khởi, chúng ta không nói cái gì khác ngoài thật tánh của tâm. Như vậy, đồng khởi nghĩa là tịnh quang giống như không gian và nó trùm khắp tất cả sanh tử và niết bàn.
Khi chúng ta nói đến đồng khởi, chúng ta cũng nói đến sự bất khả phân, của tánh Không và quang minh.” “Tánh Không của tâm không phải là một tánh Không phủ định quang minh – nó là sự không có nền tảng hoàn toàn của tâm. Và quang minh của tâm không làm cứng đặc khả năng biết của nó. Tánh Không và quang minh không mâu thuẫn chút nào. Chúng là đồng khởi.”(Trích trong Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn: Nhìn Thẳng Tâm, Tác Giả, Thargu Ringpoche, Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Dịch Thuật 2014)
Dựa trên hiểu biết về đồng khởi thì như thế nào là tâm đồng khởi? Tâm đồng khởi là nói lên sự cùng hiện hay sự biểu hiện của tâm qua hai phương diện tánh Không và quang minh. Hai phương diện này là một không thể tách rời của tâm giải thoát. Chúng ta thường hay được nghe các vị thầy khai thị bằng những thuật ngữ như: tâm thanh tịnh, định tâm, chỉ quán hợp nhất, chỉ quán đồng thời, khoảng hở giữa hai tư tưởng trong tham thiền, hoặc trong thiền ngữ, Môn Phong của Bá Trượng: “Linh quang độc diện vượt thoát căn trần, thể bày chơn thường không cuộc văn tự, tâm tánh không nhiễm vốn tự nhiên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật”…Tất cả những điều dẫn ở trên chỉ ra rằng khi hành giả thoát khỏi sự che chướng của tâm ý thức, thì tâm chúng ta: tâm nền tảng là tánh Không và quang minh hiển hiện, vì: “đồng khởi nghĩa là tịnh quang giống như không gian và nó trùm khắp tất cả sanh tử và niết bàn.”
Nếu trong tham thiền quán chiếu vào tư tưởng, khi hành giả đã tịnh hóa được phần nào tâm thức, chúng ta sẽ nhận ra khoảng hở giữa hai tư tưởng. Ở trong khoảng hở này hành giả nhận thấy tâm thoát khỏi tư tưởng và tâm sáng tỏ. Đó là nền tảng của tâm. Hay tâm đồng khởi.
Có những trường hợp khác, song song với việc chúng ta tham thiền hằng ngày. Bỗng nhiên chúng ta rơi vào một trạng thái thoát khỏi sự che chướng của tâm ý thức. Trạng thái này có khi thoáng qua, có khi xảy ra hằng giờ hoặc cả ngày hoặc nhiều hơn tùy theo mức độ dụng công của chúng ta trước đó miên mật như thế nào. Trạng thái giải thoát này xảy ra không nhất thiết vào lúc ngồi thiền.
Ngoài ra các vị thiền sư có những thủ thuật mạnh bạo như đánh hét trong thiền sư Trung Hoa, hay từ bi bình dị khai thị bằng lời nói như các thành tựu giả Tây Tạng hoặc khi người học hỏi các ngài thì các ngài có những lời đáp bất ngờ, hoặc dơ gậy dựng phất tử… làm cho ta dừng sự tương tục của tư tưởng, đó là thuật khai thị của các ngài. Các ngài biết cách làm cho tâm thức chúng ta dừng lại để khai thị cái thấy nền tảng này.
Chúng ta thấy có rất nhiều cách: tự chúng ta tu hành hoặc nhờ vào một vị thầy khai thị miễn sao hành giả thoát khỏi dính mắc vào sự che chướng của tâm thức thì cái thấy đồng khởi hiển hiện.
Nhưng làm sao để duy trì cái thấy này? Làm sao tái lập, làm sao để làm quen với tâm đồng khởi?
Phương cách tiếp cận tâm đồng khởi được chỉ dạy như sau: “Để tiếp cận đồng khởi, chúng ta an trụ vào thiền chỉ và tâm nhìn vào chính nó. Không dừng tư tưởng mà chỉ tịnh hóa chính nó và trở nên bình an. Ở điểm này, tâm không thể được nhận thức như cái gì cả. Nó an trụ sống động và trong sáng trong một trạng thái tỉnh giác không thoái hóa thành nặng đục hay mờ tối. Tâm không lang thang mà vẫn trong sáng và quang minh. Trong Ánh trăng Đại Ấn, Tashi Namgyal nói, “Bản thân tâm vẫn quang minh và không dừng cái hiểu”. Tâm không mất thông minh mà tỉnh biết và tự chiếu sáng. Không thể giải thích đầy đủ điều này, phải kinh nghiệm lấy. Dù không thể diễn tả trạng thái này bằng lời, chúng ta có thể nói rằng nó là một kinh nghiệm biết sự vật như chúng là. Kinh nghiệm này sanh ra sự chắc chắn đích thực. Kinh nghiệm này gọi là thiền quán.”
Lời chỉ dạy thứ hai là: “Chúng ta bắt đầu tham thiền này khi tâm không chìm đắm và loạn động. Chúng ta nghĩ ngơi theo một cách rất thư giản. Chỉ bằng cách nhìn chính nó, tư tưởng được bình lặng. Điều này nêu bật kinh nghiệm thiền chỉ trong bối cảnh đại ấn. Từ trong thiền chỉ, chúng ta nghiên tầm những phẩm tính của quang minh và tánh Không. Nếu tâm ta xuất hiện là quang minh và sống động, chúng ta nhìn vào đó. Cái sống động ấy là gì? Nếu tâm ta có vẻ trống không, chúng ta nghiên tầm tánh Không này. Tánh Không ấy là gì? Nó trống không như thế nào? Chúng ta không cần đặt những câu hỏi này với ai khác; chúng ta cần trả lời chúng từ kinh nghiệm riêng.
Trong kinh nghiệm ấy, sự vững chắc được gọi là thiền chỉ và trí thông minh chứng ngộ bản tánh của sự vật là thiền quán. Tên của chúng khác nhau, nhưng ở điểm này, thiền chỉ và thiền quán không tách lìa, đúng ra chúng là hai phương diện của một sự việc. Chúng được thống nhất và hòa nhập.
Khi kinh nghiệm của chúng ta về điều này an định, đó là tâm đồng khởi.”
(Trích trong Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm, Chương 11 Tâm Như Nó Là và Đồng Khởi. Tác Giả: Thrangu Ringpoche Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức 2014)
Chúng ta rút ra ba kinh nghiệm quan trọng:
– Thứ nhất: tâm đồng khởi là cái thấy nền tảng đầu tiên thoát khỏi mọi che chướng của tâm ý thức mà hành giả nhận biết được trong tham thiền.
– Thứ hai: Từ đây hành giả chuyển hướng tham thiền, là sống chết gì cũng phải thường xuyên tham thiền để làm quen và xác quyết về cái thấy này. Chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất trong tham thiền là làm quen với cái thấy đồng khởi, hòa nhập và trở thành chính nó.
– Thứ ba: nếu chỉ trụ vào cái thấy tâm đồng khởi thì chưa đủ. Khi đã làm quen với cái thấy đồng khởi này; nếu đủ mạnh, chúng ta sẽ thấy nó hiện hữu ở cả khi tư tưởng khởi lên và khi hành giả nhận biết các hiện tướng chung quanh. Muốn vậy, khi đã thuần thục trong trạng thái tâm đồng khởi, chúng ta thư giản cả cái thấy tâm đồng khởi này, chúng ta sẽ tiến tới tham thiền về tư tưởng đồng khởi và hiện tướng đồng khởi. Đồng khởi được mở rộng và hòa nhập cùng khắp trên mọi phương diện của tâm thức.
Tư tưởng đồng khởi (sanh tức vô sanh hay tự tịch diệt):
Như đã trình bày lúc ban đầu tư tưởng là sự che chướng lớn nhất của tâm chúng ta. Hành giả đã dùng nhiều cách thức để thực hành tham thiền tương đối làm suy yếu hay tịnh hóa tư tưởng. Đến giai đoạn ta nhận ra sự đồng khởi của tâm. Lúc này, chúng ta dùng kinh nghiệm về đồng khởi đã có nhìn thẳng vào tư tưởng để nhận biết sự đồng khởi của tư tưởng và tánh Không. Tư tưởng sẽ chính là giải thoát chứ không như lúc đầu tư tưởng là tác nhân tạo nên sanh tử nữa.
Lời dạy về tư tưởng đồng khởi như sau: “Để kinh nghiệm tư tưởng đồng khởi, chúng ta bắt đầu với cân bằng của tham thiền về tâm đồng khởi. Trong trạng thái ấy, chúng ta chủ ý làm cho một tư tưởng đặc biệt sanh khởi – có thể một tư tưởng thích thú hay khó chịu. Chúng ta làm nó sanh ra rất sống động và sắc sảo và rồi nhìn thẳng vào một cách trần trụi. Quan trọng là nó không phải là một tư tưởng bình thường mà là một tư tưởng xuất hiện sống động và rõ ràng. Trong bối cảnh này, chúng ta nhìn tư tưởng là không hiện hữu thật đến độ khi nó sanh khởi, chúng ta không bám vào nó như là nó thật.
Cái gì là bản tánh của tư tưởng này sanh khởi trong tâm đồng khởi? Nó là một cái trống không, không thể nhận diện như cái này hay cái kia. Bản tánh của nó không thể xác định như cái này hay cái kia. Tư tưởng là sống động và rõ ràng, và sự trong sáng của nó không thể tách lìa với tánh Không của nó. Phương diện quang minh của tư tưởng và tánh Không là bản tánh của nó là không thể tách lìa.
Khi tư tưởng này sanh khởi không bị ngăn ngại và thiền giả không bám luyến vào nó, đó là thiền chỉ.
Khi thiền giả thấy rằng tư tưởng ấy không có tự tánh, đó là thiền quán.
Để hoàn thành đầy đủ tham thiền, thiền chỉ và thiền quán phải hoàn toàn hòa nhập.”
Ngài lại dạy tiếp:
“Cũng có một ứng dụng rất thực tiễn cho sự chứng nghiệm tư tưởng đồng khởi này. Khi chúng ta kinh nghiệm vui sướng lớn lao và trở nên bị hấp dẫn bởi nó hay khi kinh nghiệm đau đớn mạnh mẽ và khốn khổ, chúng ta sanh ra những phiền não, tâm chúng ta trở nên rất nhiễu loạn. Vào những lúc như vậy lời dạy về tư tưởng đồng khởi có giá trị đặc biệt. Nếu chúng ta nhìn thẳng vào sự đau đớn và những phiền não, chúng sẽ bình lặng. Và nếu chúng ta nhìn thẳng vào những bám luyến mạnh mẽ, chúng sẽ giảm. Đây là mục tiêu đích thực của việc hiểu và có thể thực hành sự đồng khởi này của tư tưởng.” (Trích trong Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm, Chương 11 Tâm Như Nó Là và Đồng Khởi. Tác Giả: Thrangu Ringpoche Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức)
Sau đây là lời dạy của Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje trong Đại Ấn Thiền xóa tan bóng tối vô minh Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức:
“Một lần nữa hãy an trụ tâm con trong một trạng thái sáng tỏ thanh tịnh và tánh Không (Tâm đồng khởi) và hãy nhìn vào bản tánh của nó. Bấy giờ hãy làm cho một tư tưởng khởi lên và nhìn vào bản tánh của nó. Hãy xem thấy bản tánh của hai cái này – tâm an định và tâm chuyển động – là đồng hay khác. Sau khi nhìn, nếu con thấy chúng là khác, thì chúng khác nhau thế nào ? “
“Có một sự khác biệt lớn giữa tâm chuyển động có thể suy nghĩ ra mọi sự và tưởng ra không cùng các thứ và tâm an định an trụ không chút dao động. “
“Nhưng nếu con nghĩ rằng hai cái là khác nhau trong bản tánh,” “Hãy nhìn thấy chúng khác nhau như thế nào”. “ Khi con biết qua tham thiền những tư tưởng thật sự là gì, bấy giờ con thấu hiểu bản tánh của cả hai tâm an định và tâm dao động chỉ là một. Cách thức của chúng là luân phiên sanh khởi, khi tâm an định thì không có gì chuyển động và khi tâm chuyển động thì không có gì an định. Như nước và các sóng, chúng chỉ là tâm tác động và vận hành. Tất cả là chính nó. Khi con hiểu rằng cả tâm an định và tâm chuyển động không gì khác hơn là tánh Không sáng ngời, trong suốt, bấy giờ con có được chút hiểu biết.
Tâm như một tấm gương, nó luôn luôn cùng một sự sáng tỏ trống không dù có phản chiếu vật hay không.“Bây giờ khi con khởi ra một tư tưởng và rồi tham thiền, có phải tư tưởng đi vào trong một tánh Không sáng tỏ hay nó tan biến và sau đó nhường chỗ cho tánh Không sáng tỏ ? Chúng khác nhau thế nào.”
Điểm thứ nhất như sau. Con đã nhìn vào tâm nguyên sơ, sáng tỏ, rực rỡ, vô niệm và an định (tâm đồng khởi), nó là một tánh tỉnh giác thoát khỏi hôn trầm và dao động. Con biết rằng bản tánh của tâm ấy không sanh không diệt, nhưng con không nghĩ một cách ý niệm, “Nó không sanh không diệt, không màu, không dạng…” Làm như vậy là (con có) sự quán chiếu thấu suốt vào tâm vô niệm.
Ý niệm hóa về vô tự tánh của trạng thái vô niệm của tâm là rơi vào một biên kiến làm cho vô tự tánh biến thành một “vật”. (phải là người vô niệm chớ không phải hiểu về vô niệm)
Về điểm thứ hai, nếu con nói rằng mọi tư tưởng vốn là tánh Không không sanh không diệt, tức là con đã thấy tánh Không theo lối văn tự (và rơi vào chấp đoạn). Chúng thực là một sự sống động linh hoạt không lưu lại dấu vết, chúng không có sanh, có trụ, có diệt và không thể ý niệm như là màu sắc gì, hình dạng gì… Thấu hiểu rõ điều này là con đã khai triển được một ít hiểu biết.
Thêm nữa, con phải có sự quán chiếu rằng không có chút khác biệt nhỏ nhất nào giữa những tư tưởng và đối tượng của tư tưởng, giữa tâm khi an định và tâm khi chuyển động, giữa tâm quá khứ và tâm hiện tại, giữa tư tưởng quá khứ và tư tưởng hiện tại… Chúng đều là tánh giác sáng rỡ và trong suốt. (Chúng không khác với tâm đồng khởi).
Trước kia, khi con chưa nhận ra bản tánh của những tư tưởng, con không thể đem chúng vào trong thiền định của con. Đó là vô minh. Nhưng giờ đây con đã nhận biết chúng, con có thể thiền định về chính những tư tưởng và như thế chúng trở thành tánh giác hay tánh giác nguyên sơ. Bây giờ con có thể lấy những tư tưởng làm gốc rễ của thiền định.
Trước kia tự những tư tưởng che tối chính chúng, và bởi thế con không thấy được chúng. Chúng quá dày đục, chúng che tối tự tánh của chúng. Nhưng bây giờ chúng trong suốt; con có thể nhìn suốt qua chúng.
Thiền định hiện giờ về những tư tưởng ý niệm được biết là đặc trưng hơn một cách đặc biệt so với thiền định về trạng thái vô niệm (tâm đồng khởi). Bởi thế bất cứ tư tưởng nào khởi lên, con cần xem nó như cái để nhận biết. Khi những tư tưởng không khởi, chúng ở trong trạng thái không sanh khởi này. Không cần gì gom chúng trở lại. Do đó, không lưu tâm gì đến hy vọng hay lo lắng, hãy đem chính những tư tưởng của con vào trong bản tánh của thiền định của con.
Những tư tưởng không gì khác hơn là tâm. Tâm này, rỗng lặng tự nhiên, là Pháp thân, bản tánh rỗng sáng, trong trẻo, trong đó không có cái gì được làm cho rỗng lặng hay cái gì làm cho rỗng lặng. Khi con đạt được cái quán chiếu này, lúc ấy con đã có sự quán chiếu thấu suốt vào tánh của tư tưởng. Con đã nhận biết Pháp Thân, nó là sự hợp nhất của Sáng Tỏ và Tánh Không. ( nó đồng khởi)
Như thế con phải chứng ngộ rằng những tư tưởng chính là tánh Không sáng tỏ, khởi và lặng ngay cùng lúc, như một dấu tay trên mặt nước. Chúng không có kéo dài (trụ) và không có khoảng cách thời gian giữa khởi và lặng. Cũng không có không gian giữa hai tư tưởng như thể chúng là hai vật tách lìa nhau bởi khoảng không gian. Đây là cái gọi là “tự nhiên tịch diệt”, dịch theo nghĩa đen là “tự-giải thoát”. (hay tư tưởng và tánh Không là đồng khởi).
Có một phương pháp nữa để tiếp cận tư tưởng đồng khởi. Phương pháp này đi từ tâm đồng khởi, tâm thiền.
Như chúng ta biết, bản tánh của tâm (tâm đồng khởi hay thiền). Là một thực tại chưa từng thêm bớt. Thực tại đó biểu hiện bằng tánh Không và quang minh không rời, hay tịch và chiếu bất nhị. Một hành giả tham thiền khi đã nhận ra tâm thiền, là đã thật sự chạm vào giải thoát. Và chính tại cái thấy này sẽ chia ra hai khuynh hướng trong tham thiền.
Một khuynh hướng là an trú trong giải thoát, xa rời tư tưởng và các hiện tướng. Với khuynh hướng này, hành giả chỉ chú tâm tham thiền về cái thấy của tâm đồng khởi, an trú vào cái thấy này không rời và đi đến giải thoát. Đây là con đường hướng tới niết bàn tịch tĩnh. Hành giả theo khuynh hướng này chỉ giải quyết được ngã không, chứ pháp chưa không. Với phạm vi giải thoát như thế này, hành giả vẫn còn nghĩ rằng tư tưởng, và các hiện tướng bên ngoài là bất tịnh không giải thoát; chúng trái nghịch với cái thấy giải thoát của mình đang thủ chứng.
Đây là giải thoát không hòa nhập với tư tưởng và các hiện tướng. Niết bàn xa rời thế gian pháp.
Khuynh hướng thứ hai, hành giả tham thiền thuần thục về tâm đồng khởi. Khi mà cái thấy thiền này tương đối thuần thục. Chúng ta thư giản nó, không an trú vào nó trong tham thiền, chúng ta sẽ có hậu tham thiền.
Hậu tham thiền hay được gọi là hậu thiền định, là cái thấy giải thoát của thiền; khi hành giả không có một cố gắng nào để kềm giữ, an trú vào sự hiện hữu của tâm thiền mà thực tại giải thoát này vẫn hiện hữu. Hậu tham thiền có nghĩa là khi chúng ta đang thực sống với tâm đồng khởi; chúng ta thư giãn cái thấy này để cho tâm chúng ta được tự do, hoang du; tâm sẽ khởi tưởng. Khi khởi tưởng mà chúng ta vẫn nhận thấy sự khởi tưởng này không ngoài tâm thiền (tâm đồng khởi). Tư tưởng khởi diệt không ngoài cái thấy nền tảng là tâm đồng khởi này, tức là chúng ta đã nhận ra được tư tưởng đồng khởi. Tư tưởng và giải thoát là đồng khởi.
Đây là giải thoát hòa nhập vào tất cả các pháp. Niết bàn vô trụ xứ, là niết bàn cùng hiện với các pháp, cho nên có pháp là có niết bàn, bất kỳ là pháp gì. Vì vậy mới nói: “Dâm, nộ, si, là giải thoát.” “Phiền não tức Bồ Đề”…
Chúng ta có nhận xét trong giai đoạn quyết định quan trọng này.
Thứ nhất, hai khuynh hướng sẽ dẫn hành giả đi theo hai phạm vi giải thoát khác nhau. Khuynh hướng thứ nhất có kết quả là giải thoát cho chính mình. Phạm vi giải thoát hẹp, chưa giải thoát được tư tưởng và các hiện tướng.
Khuynh hướng thứ hai rộng hơn, nếu hành giả tham thiền nhận biết từ vọng khởi là nguyên do che chướng cái thấy giải thoát, rồi nhận ra tâm thiền (tâm đồng khởi hay cái thấy giải thoát), cho đến khi cái thấy giải thoát là nền tảng để hành giả nhận ra tư tưởng khởi diệt cũng là giải thoát. Đây là mốc chuyển biến tâm rất quan trọng, nó là bước đầu của sự nhận ra “tự tánh khởi dụng” và từ cái thấy này hành giả sẽ có cách để tham thiền về các hiện tướng bên ngoài tâm, các hiện tướng này hiển hiện cũng không ngoài tâm nền tảng giải thoát. Sự nhận diện giải thoát của hành giả sẽ được mở rộng ra mọi hướng của nhận thức. Phạm vi thực hành tham thiền sẽ không còn trở ngại, chúng ta có thế đem tất cả những cảnh giới, hiện tượng, sự việc, và chướng ngại… vào con đường tu hành của mình.
Đi kèm với sự thực hành này là lòng bi hay phát bồ đề tâm. Khi phát bồ đề tâm tu hành để giải thoát cho mình và nguyện đem cái thấy giải thoát này để làm lợi ích cho mọi người; chúng ta, từ khuynh hướng tham thiền an trú trong tâm đồng khởi, sẽ dễ dàng mở rộng tâm và dễ thực hiện tư tưởng đồng khởi và các hiện tướng đồng khởi.
Sau cùng, một vị thầy và một chúng hội có nhiều huynh đệ có kinh nghiệm dìu dắt chúng ta qua những bước ngoặc lớn này là rất cần thiết. Tự thân chúng ta rất khó qua những giai đoạn tu hành quyết định này nếu không có người sáng mắt hướng dẫn.
Kết luận:
Qua sự trình bày các cách nhìn của chúng ta với vọng niệm hay tư tưởng và cách thức tham thiền trong từng cách nhìn, chúng ta nhận thấy, việc tham thiền của chúng ta qua hai giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn đầu tham thiền trên sự tương đối giữa người tham thiền và sự việc tham thiền. Tuy là tham thiền tương đối nhưng nếu chúng ta không dựa trên hai pháp tu là chỉ và quán song song thì khó có thể định tâm đúng.
Giai đoạn hai tham thiền tuyệt đối (chỉ quán hợp nhất), chúng ta chỉ tham thiền về bản chất của tâm đồng khởi, và rộng hơn là chính tư tưởng đồng khởi.
Nếu gọi tâm và cảnh là toàn cảnh của cuộc sống này theo nhận định thông thường của chúng ta, thì việc hành giả tham thiền và có kinh nghiệm về tâm đồng khởi và tư tưởng đồng khởi là hiểu biết bản tánh của tâm. Khi kinh nghiệm này đã thành thục chúng ta dùng nó để tham thiền về cảnh đồng khởi hay hiện tướng đồng khởi.
Như vậy người tu đã hoàn tất cả ba phương diện của tâm hiển hiện trong cuộc sống. Từ đây chúng ta có thể tham thiền về cái thấy này mọi lúc mọi nơi mọi hoàn cảnh. Đâu đâu cũng là đồng khởi cho nên đâu đâu cũng là tham thiền, đâu đâu cũng tu.
Với trình tự tham thiền này điểm quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm của tâm đồng khởi, mấu chốt của giải thoát là khi ta nếm được mùi vị của tham thiền tuyệt đối. Đây là phương pháp “lần vách”, chúng ta chạm tới giải thoát trong định tâm (tâm đồng khởi) là điểm thật đầu tiên, làm rõ cái thấy này cho thuần thục và rồi thư giản nó để mở rộng nó ra với tư tưởng (tư tưởng đồng khởi) và các hiện tướng (hiện tướng đồng khởi).
Khi mà người tu không còn dính mắc với những che chướng kể cả trụ vào một trạng thái giải thoát nào, chúng ta sẽ đối diện với đồng khởi trong mọi phương diện. Và từ đây chỉ có duy nhất đồng khởi là con mắt của hành giả. Với con mắt này hành giả nhận biết thấu suốt mọi phương diện của cuộc sống và mọi khó khăn che chướng bây giờ trở thành cơ hội cho tham thiền về đồng khởi.
Khi chúng ta đối diện với đồng khởi ở mọi phương diện là chúng ta đã nhận ra tinh thần đốn giáo trong Phật giáo. “Đồng khởi nghĩa là tịnh quang giống như không gian, nó trùm khắp tất cả sanh tử và niết bàn”. Đồng khởi là giải thoát nó luôn luôn hiện hữu cho dù ta mê hay ngộ.
Mừng Phật đản sanh. Phật lịch 2559.
Tánh Hải
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS