TÂM VÔ TÂM TỨC PHẬT

SHARE:

Sư nói:

–  Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy. Nếu quán Phật mà thấy ra cái tướng thanh tịnh, quang minh, giải thoát và nếu quán chúng sinh mà thấy ra cái tướng ô nhiễm, cấu trọc, ám muội, sinh tử thì với kiến giải như thế, trải qua hằng hà sa số kiếp vẫn không đạt được chứng quả Bồ Đề. Đấy là vì chấp trước sắc tướng vậy.

 

Chỉ có tâm này mà thôi, ngoài ra không có một chút mảy may pháp gì có thể đạt được. Tức tâm là Phật.

Nay người học Đạo nếu không ngộ được cái bản thể của tâm này mà sinh ra một cái tâm khác trên cái tâm này, tìm Phật bên ngoài, chấp trước sắc tướng mà tu hành thì đều là tà pháp, không phải đạo Bồ Đề.

 

          Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một vị đạo nhân vô tâm. Vì sao? Vô tâm thì không có bất cứ một tâm gì. Cái thể như  như, trong thì như gỗ đá, không động không lay, ngoài thì như hư không, không chướng không ngại, không năng không sở, không nơi không hướng, không tướng mạo, không được mất.

 

Kẻ tu hành không dám vào pháp môn này vì sợ rơi vào chỗ trống rỗng. Những trường hợp như thế thường là muốn rộng cầu tri kiến. Cho nên những người cầu tri kiến thì như lông mà người ngộ Đạo thì như sừng.

 

Dù một niệm mà được cái vô tâm, hoặc mãi cho đến hàng thập địa mới được vô tâm thì cái công dụng ấy đều như nhau, không có sâu cạn gì cả. Thật là trải bao kiếp công phu tu hành lao nhọc một cách oan uổng! Tạo ác nghiệp, tạo thiện nghiệp đều là chấp tướng. Chấp tướng mà tạo ác nghiệp thì thọ quả báo luân hồi một cách oan uổng. Chấp tướng mà tạo thiện nghiệp thì thọ sự lao khổ một cách oan uổng. Chung quy chẳng bằng nghe xong liền tự thể nhận lấy cái pháp bổn  nhiên.

 

Pháp này là tâm. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Tâm tự nó vô tâm mà cũng không vô tâm. Đem tâm này mà làm cho ra vô tâm thì tâm này lại thành ra hữu tâm.

Cứ âm thầm thể nhập mà thôi vậy! Muốn thế phải dứt bặt mọi nghĩ bàn, gọi là “Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành” (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).

 

Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường trọn vẹn, sáng suốt cùng khắp. Người đời không liễu ngộ được, chỉ nhận định cái “kiến văn giác tri” (cái thấy nghe cảm biết) là tâm, bị kiến văn giác tri che lấp. Chỉ cần ngay đây mà vô tâm thì bổn thể tự hiển hiện. Như vầng nhật giữa hư không, chiếu khắp mười phương, tuyệt không chướng ngại.

 

Nhưng nếu người học Đạo cho rằng kiến văn giác tri là tạo tác vọng động mà trừ khử kiến văn giác tri đi thì lại không còn lối nào để thể nhập vào tâm nữa vậy. Cứ việc nương vào kiến văn giác tri mà thể nhận bổn tâm mình, nhưng phải biết rằng bổn tâm không thuộc kiến văn giác tri, mà cũng không xa rời kiến văn giác tri. Đừng móng khởi kiến giải nơi kiến văn giác tri, đừng động niệm nơi kiến văn giác tri, cùng đừng xa rời kiến văn giác tri mà tìm tâm, đừng rời bỏ kiến văn giác tri mà thọ nhận pháp. Không phải chính đấy, không phải nơi khác, không y trụ, không chấp trước, cứ tung hoành tự tại, không có gì là không phải “đạo trường” (nơi tu tập).

 

Phàm phu nắm lấy ngoại cảnh, đạo nhân nắm lấy tâm. Tâm, cảnh đều quên, chính là pháp chân thực. Quên cảnh thì còn dễ, quên tâm thực khó. Người ta không dám quên tâm, sợ rơi vào hư không không chỗ nắm níu, chứ không biết rằng không vốn vô không, chỉ một pháp giới chân thật mà thôi vậy. Cái tính linh giác này từ vô thủy đến nay cùng lâu dài với hư không, chưa từng sinh chưa từng diệt, chưa từng có chưa từng không, chưa từng dơ chưa từng sạch, chưa từng động chưa từng tĩnh, chưa từng trẻ chưa từng già, không nơi chốn, không trong ngoài, không số lượng, không hình mạo, không sắc tướng, không âm thanh, không thể tìm, không thể cầu, không thể dùng trí tuệ mà biết, không thể dùng ngôn ngữ mà lấy, không thể dùng cảnh vật mà hiểu, không thể dùng công dụng mà tới.

 

Chư Phật, Bồ tát cùng hết thảy mọi sinh linh mê tối đều cùng một tính Đại Niết Bàn này. Tính đó tức là tâm, tâm đó tức là Phật, Phật đó tức là pháp. Một niệm xa rời cái chân thật đó tức là vọng tưởng.

Không thể lấy tâm mà mong cầu tâm, không thể lấy Phật mà mong cầu Phật, không thể lấy pháp mà mong cầu pháp. Cho nên, người học Đạo ngay đó thể nhập cái vô tâm, âm thầm thể nhập mà thôi, chứ động niệm tức là sai vậy.

 

Lấy tâm truyền tâm, đó là chánh kiến. Coi chừng chớ đuổi theo cảnh bên ngoài, nhận cảnh làm tâm, nhận giặc làm con. Vì có tham, sân, si nên mới lập giới, định, tuệ. Vốn không phiền não, há có Bồ Đề? Nên Tổ sư nói: “Phật nói hết thảy pháp để trừ hết thảy tâm. Ta không có tâm nào, vậy cần gì pháp nào?” Nơi Phật bổn nhiên thanh tịnh, không có dính mắc một vật gì. Ví như hư không, dù có lấy vô lượng châu báu mà trang hoàng, rốt cũng không thể được. Phật tính cũng như hư không, dù có lấy vô lượng công đức mà trang nghiêm cũng không thể được. Chỉ vì mê muội bổn tính mà thành ra không thấy vậy.

 

Đây gọi là pháp môn tâm địa. Vạn pháp đều dựa vào tâm này mà kiến tập. Gặp cảnh tức có, không cảnh tức không. Cho nên đừng hiểu lầm cái bổn tính thanh tịnh đó ra một cảnh tướng. Cái gọi là tác dụng chiếu soi của định tuệ thì rõ mồn một, vắng lặng, trong sáng, còn kiến văn giác tri thì y vào cảnh mà thấy biết. Nếu tạm dùng đó để dẫn dắt hạng có căn cơ trung bình trở xuống thì được, chứ nếu lấy đó mà thể chứng chân lý thì không thể được, vì đó đều là cảnh cả. Cảnh có chìm vào cõi có, cảnh không chìm vào cõi không. Đối với các cảnh, chỉ cần không thấy rằng có hay không có tức là thấy pháp.

 

Thiền tông này của ta, từ xưa truyền đến nay chưa từng dạy người cầu tri thức, kiến giải. Chỉ bảo rằng “học Đạo”, đã là một lời phương tiện để tiếp dẫn, chứ Đạo cũng không thể học được. Theo tình mà cố chấp sự học hiểu thành ra lạc đường. Đạo không có nơi chốn, gọi là tâm Đại thừa. Tâm này không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, thực không nơi chốn. Điều tối cần là đừng khởi trí giải. Ta chỉ bảo ông rằng: Nơi nào mà những tình chấp, suy lường mà dứt bặt, thì tâm không nơi chốn.

 

Đạo này vốn thiên chân, bổn thiên, không danh dự. Chỉ vì người đời không biết, mê muội trong tình chấp nên chư Phật xuất hiện, dùng lời dạy mà phá bỏ sự ấy; sợ các người không hiểu,  mới tạm gọi là Đạo. Chớ lấy cái tên ấy mà sinh kiến giải. Cho nên có câu: “Được cá quên nơm”. Thân tâm tự nhiên, đạt Đạo biết tâm, đến tận nguồn gốc, gọi là Sa-môn. Quả Sa-môn là do dứt bặt niệm thức, tư lự mà thành chứ không phải là do học mà được.

 

Nay ông lấy tâm cầu tâm, đứng ở hiên nhà người khác, chỉ toan tính việc học cho được thì có lúc nào được? Tâm người xưa bén nhậy, mới nghe một lời liền đến chỗ tuyệt học. Cho nên có câu: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”.  Người đời nay chỉ muốn được biết nhiều, hiểu nhiều, rộng cầu nghĩa lý văn tự, cho đó là tu hành, chứ không biết rằng biết nhiều, hiểu nhiều thành ra bế tắc, chỉ biết rằng cứ cho trẻ con uống thật nhiều sữa, còn chúng có tiêu được hay không thì không cần biết đến. Kẻ học Đạo trong ba thừa đều là loại đó, đều gọi là kẻ ăn mà không tiêu. Đó là điều mà người ta bảo rằng: “Tri giải mà không tiêu hóa đều là độc dược.” Tất cả các thứ ấy đều lấy trong chỗ sinh tử, còn trong chân như thì không có những thứ ấy. Cho nên nói: “Trong kho vua (vương khố) của ta không có loại đao đó.”

 

Hết thảy những chỗ kiến giải từ trước, đều phải tống khứ cho sạch trơn. Rốt không còn phân biệt, đấy là Như Lai Tạng hư không. Như Lai Tạng không mảy may chi có thể có, chính là pháp vương phá hữu xuất hiện trên thế gian. Phật dạy: “Ta không có mảy may pháp gì sở đắc nơi Phật Nhiên Đăng.” Lời đó chỉ để tiêu trừ hết tình chấp, kiến giải, suy lường. Chỉ cần tiêu dung trong ngoài, dứt bặt hết mọi tình chấp nương tựa, được như vậy là kẻ vô sự.

 

Giáo lý tam thừa chỉ là vị thuốc ứng cơ đối trị, tùy nghi mà thuyết giảng, theo lời mà đặt để, mỗi mỗi đều khác. Chỉ cần biết rõ như vậy thì không bị lầm lẫn. Điều cốt yếu là đừng ôm giữ văn từ mà sinh kiến giải nơi lời dạy vốn ứng biến theo từng cơ hội. Sao vậy? Quả thực Như Lai không nói một pháp nào nhất định. Tông môn này của ta chẳng nói chi nhiều, chỉ biết dứt bặt vọng tâm là xong chứ chẳng cần nghĩ trước lo sau!

 

Hỏi:

– Phật là gì?

Sư đáp:

– Tâm ông là Phật, Phật tức là Tâm. Tâm và Phật không khác, cho nên nói “tức tâm là Phật”. Nếu xa rời tâm thì không có Phật nào khác.

Hỏi:

– Nếu tâm mình là Phật thì Tổ sư sang Đông còn truyền thọ chi?

Sư đáp:

– Tổ sư sang Đông chỉ truyền cái tâm Phật, chỉ thẳng vào cái tâm của các ông xưa nay vốn là Phật. Tâm tâm chẳng khác nên gọi là Tổ. Nếu thấy thẳng được ý chỉ này thì vượt liền hết thảy mọi quả vị của ba thừa. Vốn là Phật, không cần nhờ tu mà thành.

Hỏi:

– Như vậy thì chư Phật mười phương ra đời truyền dạy pháp gì

Sư đáp:

– Chư Phật mười phương ra đời đều chỉ cùng nói một cái tâm pháp ấy mà thôi. Cho nên Phật mật truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp cái pháp thể của cái Nhất tâm này, cùng cả hư không, khắp hết pháp giới, gọi là chư Phật.

 

Lý luận về pháp này, ông há có thể vin vào ngôn cú mà tìm kiến giải được sao? Cũng không thể nắm vào một cơ một cảnh mà thấy được. Ý này cứ thế mà âm thầm khế nhập. Pháp môn này gọi là pháp môn vô vi. Nếu muốn hiểu được thì chỉ cần vô tâm, hốt nhiên khế ngộ là được. Nếu dụng tâm mong học cho được thì càng ngày càng xa cách. Nếu không có tâm chia xẻ, không có hết thảy mọi tâm niệm thủ xả và tâm như gỗ đá thì mới có điều kiện học Đạo.

 

Hỏi:

– Các thứ vọng niệm đang hiện ra đó, sao bảo là không

Sư đáp:

– Vọng vốn vô thể. Đó là do ông móng khởi lên mà thôi. Nếu ông biết tâm vốn là Phật và tâm vốn không vọng thì làm sao có thể khởi ra cái tâm nhận đó là vọng? Nếu ông không sinh tâm động niệm thì tự nhiên không có vọng. Cho nên nói: “Tâm sinh thì pháp sinh, tâm diệt thì pháp diệt.”

Hỏi:

– Nay đang lúc vọng niệm khởi thì Phật ở đâu?

Sư đáp:

– Khi ông biết rằng vọng niệm khởi sinh thì cái biết đó là Phật, chứ nếu trong đó không có vọng niệm thì Phật cũng không có.

 

Sao vậy? Vì khởi cái vọng niệm về Phật, nên cho rằng có một quả Phật có thể tu mà thành; vì ông khởi vọng niệm về chúng sinh,  nên cho rằng có chúng sinh có thể được cứu độ. Khởi tâm động niệm đều là chỗ kiến chấp của ông. Nếu không có kiến chấp nào thì Phật còn có nơi đâu? Như Văn Thù mới khởi một chút kiến chấp về Phật, liền bị đẩy vào giữa hai núi Thiết Vi.

Hỏi:

– Đang lúc ngộ thì Phật ở đâu?

Sư đáp:

– Câu hỏi từ đâu tới? Cái biết từ đâu khởi? Nói im động tĩnh, thảy thảy các tiếng các mầu đều là Phật sự thì tìm Phật nơi đâu? Chẳng lẽ trên đầu lại còn dựng thêm một cái đầu nữa, nơi miệng còn đắp thêm một miệng nữa? Chỉ cần đừng sinh dị kiến. Non là non, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục, sơn hà đại địa, nhật nguyệt tinh tú đều không ngoài tâm ông. Thế giới ba ngàn đều là chính ông vậy, chứ chỗ nào đâu mà lắm chuyện?

 

Ngoài tâm không có pháp. Núi xanh đầy mắt, thế giới vô cùng, lồng lộng vậy thay! Chẳng có mảy may gì có thể để ông sinh kiến giải. Cho nên hết thảy mọi tiếng mọi mầu đều là con mắt trí tuệ của Phật.

 

Pháp không riêng khởi, nương theo cảnh mà sinh ra nên mới thành vật. Kẻ có trí tuệ, suốt ngày nói mà đâu từng nói, suốt ngày nghe mà đâu từng nghe. Cho nên Phật Thích Ca 49 năm nói pháp mà chưa từng nói một chữ nào.

 

Sư thượng đường:

– Tâm này là Phật, lên đến hàng chư Phật, xuống tới hàng hàm linh xuẩn động, thảy đều có Phật tính, cùng một thể tâm. Cho nên Sơ tổ Đạt Ma từ Tây Thiên sang, chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng rằng hết thảy chúng sinh vốn là Phật, không cần nhờ tu mà nên. Nay chỉ cần nhận biết bổn tâm mình, thấy bổn tính mình, đừng cầu tìm chi khác nữa. Làm sao nhận biết tâm mình? Chính cái “đang nói năng” đây là tâm ông. Nếu không nói năng mà cũng không dụng tâm thì cái thể của nó cũng như hư không, không có tướng mạo, cũng không nơi chốn, nhưng cũng không hoàn toàn không, có đó mà không thể thấy. Cho nên Tổ sư nói:

Trong tâm chân tính ẩn

Không đầu cũng không đuôi

Ứng duyên mà hóa vật,

Là trí, tạm xưng thôi.

(Bài kệ của Bất Như Mật Đa (Punyamitra), Tổ thứ 26 của Thiền tông Ấn độ.)

 

Lúc không ứng duyên, không thể nói có hay không. Còn lúc ứng duyên, cũng không dấu vết. Đã biết như vậy thì nay chỉ cần nương đậu vào cái không, tức là đi cùng đường với chư Phật. Kinh dạy: “Nơi chỗ không trụ mà sinh tâm” (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm).

 

Hết thảy chúng sinh luân hồi không ngừng trong cõi sinh tử, ý bị ngoại duyên cuốn hút xô đẩy nên tâm không ngừng trôi lăn trong lục đạo, mà phải thọ nhận các thứ khổ. Tịnh Danh (ngài Duy Ma Cật) nói: “Hạng người khó điểm  hóa, tâm như khỉ vượn, cho nên phải lấy nhiều pháp môn mà chế ngự tâm họ, sau đó mới có thể điều phục được.” Cho nên tâm sinh thì các pháp cũng sinh, tâm diệt thì các pháp diệt. Nên biết rằng các pháp đều do tâm tạo. Cho đến sáu đường: Trời, Người, Địa ngục, Tu la… thẩy đều do tâm tạo.

 

Nay chỉ cần học cái không không, dứt ngay mọi duyên, đừng sinh vọng tưởng phân biệt, không nhân không ngã, không tham giận, không ưa ghét, không hơn thua, chỉ việc trừ khử hết mọi vọng tưởng như vậy. Bản tính tự nó vốn thanh tịnh, đó chính là tu hành Phật đạo Bồ Đề.

 

Nếu không hiểu ý này, dù cho ông có học rộng, có chuyên cần khổ nhọc tu hành, chay tịnh mà không biết được bổn tâm mình thì đều là tà hạnh cả, chỉ thành được thiên ma ngoại đạo, chư thần tiên trên đất dưới nước mà thôi! Tu hành như vậy, phỏng có ích gì?

 

Chí Công bảo: “Bổn thể ở ngay tâm mình, đâu có thể cầu tìm trong chữ nghĩa?” Nay chỉ cần nhận biết tự tâm, ngưng bặt mọi tư duy thì mọi vọng tưởng trần lao tự nhiên không sinh. Tịnh Danh nói: “Chỉ đặt một giường, bệnh mà nằm”. Đó tức là tâm không khởi vậy. Như người nằm bệnh, mọi sự bám víu vào ngoại duyên đều ngưng nghỉ, vọng tưởng dứt bặt. Đấy là Bồ Đề. Còn như trong tâm cứ phân vân bất định thì dù cho ông có học đến những quả vị trong tứ quả của tam thừa thì cũng chỉ được ngồi trong hàng phàm Thánh. Các hành đều thuộc lẽ vô thường. Cũng như mũi tên bắn vào hư không, hết đà thì rơi xuống, rốt cũng trở về sinh tử luân hồi. Tu hành như vậy là không hiểu ý Phật, uổng chịu lao khổ đắng cay, há chẳng lầm lắm sao?

 

Chí Công nói: “Không gặp bậc minh sư xuất thế thì uổng công uống thuốc Đại thừa.” Nay trong mọi lúc, đi đứng nằm ngồi, chỉ cần học cái vô tâm, cũng không phân biệt, cũng không nương tựa, cũng không chấp trước, cứ suốt buổi nhiệm vận đằng đằng, giống như kẻ ngây. Người đời chẳng ai biết ông, ông cũng chẳng cần họ biết hay không biết. Tâm như đá tảng, tuyệt không kẽ hở, hết thảy mọi pháp đều không có chỗ lọt vào, sừng sững như không. Có như vậy mới tương ứng được phần nào.

 

Suốt qua được cảnh giới của ba cõi, gọi là Phật xuất thế. Không mảy may dấu vết tâm tướng, gọi là trí tuệ vô lậu. Không tạo nghiệp người, trời, không tạo nghiệp địa ngục, không khởi mọi tâm niệm, mọi duyên đều không sinh; cái thân tâm đó chính là người tự do. Thân tâm này chẳng phải hoàn toàn không sinh, chỉ là theo ý mình mà sinh; đó là ý nghĩa của câu: “Bồ tát có thân do ý sinh”, như trong Kinh nói.

 

Còn như chưa thể hội được cái vô tâm, chấp trước vào tướng mà hành động thì đều là ma nghiệp, và như thế thì cả Phật sự Tịnh Độ cũng đều là tạo nghiệp, gọi là Phật chướng. Vì nghiệp ấy ngăn ngại tâm ông nên ông bị nhân quả ràng buộc, đi đứng không được tự do. Cho nên các pháp Bồ Đề vốn không phải thực có, lời dạy của Phật đều là để hóa độ người ta, cũng như lấy lá úa làm vàng, tạm dỗ cho con nít nín khóc. Cho nên thực không có pháp gì gọi là A-nậu bồ-đề.

 

Như nay đã thể hội được ý đó, còn cần chi rong ruổi cầu tìm? Chỉ cần tùy duyên mà làm tiêu mất nghiệp cũ, đừng tạo nên tai ương mới. Trong lòng sáng rỡ, cho nên những kiến giải ngày trước đều phải buông xả hết. Tịnh Danh nói: “Gạt bỏ mọi sở hữu.” Pháp Hoa nói: “Suốt hai mươi năm thường xuyên tống phẩn.” Câu đó chỉ có nghĩa là gạt bỏ những chỗ kiến giải trong tâm vậy. Cho nên Như Lai Tạng vốn tự không tịch, chỉ là tuyệt nhiên không lưu giữ một pháp gì. Kinh dạy: “Quốc độ của chư Phật cũng đều là không.”

 

Nếu bảo rằng Phật đạo do tu học mà được thì kiến giải như vậy  hoàn toàn chẳng ra gì. Còn  nếu vin vào một cơ một mảnh mà trừng mắt nhíu mày, thấy đối đáp được tương đương mà bảo rằng đã khế hội được, đã chứng ngộ được lẽ Thiền; rồi đến khi gặp một người không hiểu thì nói: “Chẳng biết gì cả!”; khi đáp được có lý lẽ hay ho thì trong chỗ không đâu ấy lại tự nhiên thấy khoái trá; còn như bị người ta bắt bẻ, thấy mình không bằng người ta thì buồn bã trong lòng. Học Thiền với tâm ý như vậy thì ăn thua gì đâu?

 

Dù cho ông có thể hội được ít nhiều ý nghĩa thì đây cũng chỉ là được một pháp tâm sở mà thôi, không dính chi đến đạo Thiền. Cho nên pháp môn “Ngó Vách” (diện bích) của Đạt Ma hoàn toàn cấm chỉ người học có chỗ thấy. Cho nên nói: “Dứt cơ là Phật đạo, phân biệt là ma cảnh”. Tính này dù cho lúc ông có ngu mê thì nó cũng không mất đi đâu cả, đến khi giác ngộ cũng không có chỗ được. Bản tính tự nhiên chân thật vốn không mê ngộ. Khắp hư không mười phương kỳ thực chỉ là một tâm thể của ta. Dù cho ông có động dụng tạo tác, há rời hư không được sao?

 

Hư không vốn không lớn nhỏ, vô lậu vô vi, không mê không ngộ. Thấy rõ làu làu không một vật, cũng không người, cũng không Phật, không mảy may số lượng, không nương tựa, không vá víu, chỉ một dòng trong suốt lưu hành; đó là tự tính, là pháp nhẫn* vô sinh. Có nghĩ bàn chi được?

 

Phật chân thật không có mồm miệng, chẳng biết nói năng. Nghe chân thật thì không tai. Ai nghe?

Xin trân trọng.

*Pháp nhẫn: lĩnh hội thấu suốt một sự thật gì (pháp) không mảy may nghi hoặc và hoan hỷ chấp nhận (nhẫn), hàm dưỡng thân tâm mình trong đó để gạn lọc cho dứt tuyệt những tập khí bệnh hoạn xưa cũ.

 

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận

(Trích từ Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn)

Nguồn: (THƯ VIỆN HOA SEN)

SHARE:

Để lại một bình luận