NGÔN NGỮ TAM MUỘI CỦA THIỀN SƯ VIÊN CHIẾU

SHARE:

Cây héo vào xuân hoa nở rộ
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần.

 

Thiền Uyển Tập Anh (Anh Tú Vườn Thiền) ghi về sư như sau: ” Thiền Sư Viên Chiếu (999-1090) thuộc thế hệ thứ bảy dòng Vô Ngôn Thông.Thiền Sư họ Mai, tên Trực người huyện Long Đàm châu Phúc Điền, là con người anh thái hậu Linh Cảm đời Lý.
Thuở nhỏ ông thông minh mẫn tuệ, hiếu học. Nghe tiếng trưởng lão ở chùa Mật Nghiêm giỏi xem tướng, ông bèn đến nhờ xem hộ. Trưởng lão xem kỹ tướng mạo rồi nói: “Ngươi có duyên với Phật Pháp, nếu xuất gia tất sẽ là vị Thiện Bồ Tát; nếu không thì thọ yểu chưa biết thế nào”.
 Sư cảm ngộ rồi từ biệt thân quyến tìm đến thụ nghiệp với thiền sư Định Hương ở núi Ba Tiêu. Trong những năm ấy, sư suy cứu thiền học, chuyên chú trì tụng kinh Viên Giác, tinh thông phép Tam quán. Một đêm sư đang ngồi thiền định thì mơ thấy Văn Thù Bồ Tát cầm dao mổ bụng lôi ruột sư ra rửa, rồi trao cho diệu dược để chửa vết thương. Từ đó sư hiểu sâu ngôn ngữ Tam muội, thuyết giảng trôi chảy. Sau sư đến vùng gần kinh kỳ dựng chùa trù trì, người đến theo học đông nườm nượp.”
 Sư từng soạn sách Dược Sư thập nhị nguyện văn. Vua Lý Nhân Tông lấy bản thảo sách ấy đưa cho sứ giả nước ta đem sang Trung Quốc để tặng cho vua Triết Tông nhà Tống. Vua Tống trao cho vị pháp sư cao tọa ở chùa Tướng Quốc xem. Pháp sư xem xong chấp tay tâu với vua Tống:
– Ở nước Nam có vị Bồ Tát sống đã ra đời, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào.
Vua Tống sai chép lại một bản, còn bản chánh giao lại cho sử giả đem về. Sứ giả trở về tâu lại sự việc, vua Lý Nhân Tông rất khen ngợi, ban thưởng cho sư rất trọng hậu.
Ngày tháng 9 năm Canh Ngọ niên hiệu Quảng Hựu thứ sáu (1090 ) sư không bệnh, cho gọi đệ tử đến bảo rằng:
– Thân mình ta đây, xương thịt gân cốt đều do bốn đại hợp thành, tất không thể thường tồn được. Cũng như khi khung nhà đã hư hỏng thì rui mè đều rơi rụng. Các người hảy trân trọng lời kệ của ta đây:
Thân như tường vách đã lung lay
Lật đật người đời những xót thay
Nếu được ” lòng không ” không tướng sắc
” Sắc” ” không ” ẩn hiện mặc vần xoay.
(Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm suy di)
(Ngô Tất Tố dịch, Văn Học Đời Lý)

Sư an nhiên thị tịch thọ 92 tuổi đời, 56 tuổi hạ lạp.”

Tác phẩm của Thiền Sư Viên Chiếu:

– Tán Viên Giác kinh.
– Thập nhị Bồ Tát hạnh tu chứng đạo tràng.
– Tham đồ hiển quyết ( một quyển ).
– Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn

 

Con đường giác ngộ

Thiền Sư Viên Chiếu chuyên hành trì tu tập Kinh Viên Giác và ba phép quán (Xa Ma Tha, Tam Ma Bạt Để và Thiền Na). Đây là một bộ kinh đốn ngộ rất quan trọng, được những thiền sư trong thiền phái Vô Ngôn Thông nương vào đó tu chứng. ” Thiện nam tử, kinh này gọi là giáo lý đốn ngộ của đại thừa, những chúng sinh có đốn căn có thể nhờ kinh này mà được khai ngộ”.

 

Bấy giờ Phật bảo Văn Thù Bồ Tát rằng:

“- Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát hỏi về nhân địa phát tâm của Như Lai dựa theo pháp nào, tu hạnh gì, lại vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp cầu pháp đại thừa được trụ nơi chánh pháp, chẳng đọa tà kiến. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

 

Lúc ấy Văn Thù Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

– Thiện nam tử! Có pháp môn Tổng trì của Vô Thượng Pháp Vương gọi là Viên Giác. Từ pháp này kiến lập tất cả thanh tịnh, Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật để dạy Bồ Tát và chúng sanh về nhân địa phát tâm của tất cả Như Lai, đều nên y theo giác tướng trong sạch chiếu soi đầy đủ, dứt hẳn vô minh mới thành Phật đạo.

 

Thiện nam tử! Thế nào là vô minh? Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay đủ thứ điên đảo, ví như kẻ lạc đường nhận lầm phương Nam thành phương Bắc, vọng cho tứ đại là thân tướng thật của mình, cho vọng tâm tạo huyễn ảnh thành lục trần là tâm tướng thật của mình, ví như kẻ bị nhặm thấy hoa đốm trên không và thấy mặt trăng thứ hai.

 

Thiện nam tử! Hư không vốn chẳng hoa đốm, vì bệnh nhặm vọng chấp thành có. Do vọng chấp ấy, chẳng những không biết tánh hư không, lại còn lầm nhận chỗ sanh ra hoa đốm là thật. Từ cái vọng này thành có sanh tử luân hồi, nên gọi là vô minh.

 

Thiện nam tử! Vô minh này chẳng có thật thể, như người trong mộng lúc chiêm bao thì có, đến khi thức tỉnh thì chẳng còn gì cả. Cũng như hoa đốm diệt nơi hư không, chẳng thể nói nhất định có chỗ diệt. Tại sao? Vì chẳng có chỗ sanh vậy.

Tất cả chúng sanh ở nơi pháp vô sanh vọng thấy có sự sanh diệt, cho nên gọi là sanh tử luân hồi.

 

Thiện nam tử! Như Lai nơi nhân địa tu theo tự tánh Viên Giác, chiếu soi bản thể của tự tánh vốn tịch diệt, biết rõ thân tâm thế giới như hoa đốm trên không, vậy thì thân tâm vốn không, lấy gì để thọ sanh tử luân hồi? Cái KHÔNG này là vì bản tánh vốn không, chẳng phải do tạo tác thành không. Cái biết đó ví như hư không, kẻ biết như hư không đó tức là tướng hoa đốm cũng chẳng thể nói không có tánh tri giác, CÓ với KHÔNG đều lìa, ấy mới gọi là tùy thuận giác tánh trong sạch.

 

Tại sao? Vì tánh hư không thường trụ chẳng động. Trong Như Lai Tạng vốn chẳng có sự sanh diệt nên chẳng có sự tri kiến sanh diệt trong đó, cũng như pháp giới tánh, rốt ráo viên mãn đầy khắp mười phương không gian và thời gian, ấy mới gọi là nhân địa phát tâm theo chánh pháp, tu hành theo chánh hạnh.

Bồ Tát vì thế ở nơi đại thừa phát tâm trong sạch, chúng sanh trong đời mạt pháp theo đó tu hành chẳng đọa tà kiến.”

 

” Thiện nam tử! Tự tánh của Viên Giác vô sở trụ (phi tánh tánh hữu), chẳng trụ nơi Có và Không, chỉ tùy theo tánh nhân duyên sanh khởi, chẳng thủ chẳng chứng, trong thật tướng, thật chẳng có Bồ Tát và những chúng sanh. Tại sao? Vì Bồ Tát chúng sanh đều là huyễn hoá, nếu huyễn hoá diệt thì chẳng có kẻ thủ chứng. Ví như nhãn căn chẳng tự thấy nhãn, pháp tánh vốn bình đẳng mà chẳng có kẻ bình đẳng.”
( Kinh Viên Giác ,Tỳ kheo Thích Hằng Đạt Việt dịch)

 

Bên này bên kia

Đâu là bến mê, đâu là bờ giác, đâu là bên nầy bên kia, quay đầu là ngộ? Con đường đi đến tỉnh thức giác ngộ, đến bờ bên kia, đáo bỉ ngạn, là sự khai dẫn rộng mở của tâm thức, sáng soi trên từng hiện hữu, chuyển hóa sự đi lại sai biệt của ý thức. Ta có quá nhiều con đường đi đến bờ vực của sinh tử, nhưng để đến giác ngộ thì chỉ có một, không phải để đi mà trở về căn nhà xưa, trở về với Phật tánh, bản lai diện mục, của con đường không đường, biên giới bên nầy hay bên kia phải đập vỡ, tháo bỏ, hoà nhập thành một trong sự sáng soi tuyệt vời của giác ngộ, thong dong trên từng đỉnh đồi tự tại.

 

Theo Thiền Uyển Tập Anh, Viên Chiếu được kể như vị thiền sư thâm đắc “ngôn ngữ tam muội ” biện tài vô ngại. Một khi thấu rõ tận cùng bản chất ngôn ngữ, vượt thoát ra ngoài năng tri, sở tri, đối tượng nhận thức, nhị nguyên, đạt được trạng thái giác ngộ an tịnh tuyệt vời, thì tất cả sự nói năng trở thành diệu dụng, quyền biến “nói năng như chánh pháp”. Rời xa thế giới tỷ lượng, chỉ còn lại sự thuần khiết đồng nhất vô phân nguyên vị, khi ấy tri thức cùng ngôn ngữ đành phải bế tắc, bất lực. Ngôn ngữ luôn bị giới hạn, ý thức thường xuyên bị sai sử, tác động chi phối bởi vô minh, bản chất của nó vốn vô thường, đong đưa biến hóa và không thật, khi phát ra nó như gió thoảng mây bay, như nước chảy qua cầu. Khi ta nhận chân ra bản chất cố hữu, thấu rõ sự biến đổi bất định vô thường của nó, để từ đó ta không mắc kẹt, chấp trước, ràng buộc vào ngôn ngữ văn tự, cởi bỏ trói buộc nhẹ bước thảnh thơi, ta mới có cơ may dồn tất cả tâm lực trí lực cho sự chuyển tiếp bùng lên giác ngộ, vượt thoát ra ngoài sinh tử.

 

Có vị tăng hỏi: Nói ” Ngôn ngữ đạo đoạn ” ( dứt hết nói năng) là nghĩa thế nào?

Viên Chiếu thiền sư đáp:

” Gió thổi sừng kêu xuyên rặng trúc

Vầng trăng vượt núi đến bên tường.”

 

Ngôn ngữ chỉ là phương tiện chuyên chở diễn đạt tư tưởng, nó thuộc về sát na của quá khứ, nhưng phần nhiều từ đó ta khởi lên sự đắm say, yêu ghét, hệ lụy đắm chìm trong thanh sắc, chỉ một lời thôi mà khi ta thương, thương cả đường đi lối về, khi ghét thì ghét cả tông ti họ hàng. Tất cả đều nằm ở chổ động cơ xuất phát của nó do đâu và vì đâu? Nếu dùng ngôn ngữ để mang yêu thương níu kéo con người lại gần nhau, trao đổi những cảm thông trong sự tỉnh thức, để tránh lầm tưởng ngộ nhận, gây nguy hại ta nên bớt nói năng. Ta cần phải từ bỏ, chấm dứt sự đi lại tán gẩu, phát tán vô ích của tâm thức, hoặc dùng ngôn từ để trang sức cho tư tưởng, biện minh cho cứu cánh, bởi lẽ trong cứu cánh vốn không cần biện minh, không có ý thức xen vào gây chi phối lũng đoạn. Sự tai hại của nó, kết nối với vô minh dẫn dắt chúng ta rơi vào sinh tử. Trong ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Thân có ba: sát, đạo, dâm. Khẩu có bốn: nói lời ác, nói lời thêu dệt, nói hai chiều, nói không đúng sự thật. Ý có ba: tham lam, nóng giận và si mê, những điều đó đều là mầm mống, nguyên nhân tạo nên nghiệp quả, sinh tử, luân hồi.

 

” Quí vị ở khắp nơi nói: ”Đạo có tu chứng”. Chớ lầm! Giả sử có tu chứng cũng đều là nghiệp sanh tử. Quí vị nói sáu độ muôn hạnh đều gồm tu, tôi thấy đó đều là tạo nghiệp; cầu Phật cầu Pháp đều là tạo nghiệp địa ngục; cầu Bồ Tát là tạo nghiệp; xem kinh xem giáo cũng là tạo nghiệp. Phật và Tổ là người vô sự. Cho nên hữu lậu, hữu vi, vô lậu, vô vi, là nghiệp thanh tịnh.” (Lâm Tế Ngữ Lục)
Về khía cạnh giác ngộ, chính sự vô thường biến đổi, ức chế đó của ngữ ngôn, Bồ Đề Đạt Ma mới trầm hùng chín năm ngồi diện bích, thiền tổ Vô Ngôn Thông khai mở ” hễ vướng mắc vào một từ ngữ là liền bị kẹt và làm oan cho chính Phật và Tổ. Sai một ly đi một dặm. Các vị nên chiêm nghiệm kỷ, đừng để cho thế hệ tương lai trách móc vì bị đánh lạc đường”. Thiền sư Chân Nguyên ” nói ra là bị kẹt ” . Tổ Lâm Tế: ” Chớ hướng vào trong văn tự mà tìm cầu. Tâm động nhọc nhằn, hớp khí lạnh vô ích. Chi bằng một niệm duyên khởi vô sanh, vượt qua ba cõi của hàng huyền học Bồ Tát ”
Nếu không tự mình trãi nghiệm, tỉnh thức một cách liên tục trong tư tưởng, hành động, nội giới và ngoại giới, sẽ khiến ta chìm mãi trong sự nỗi trôi, khủng hoảng trong triền phược, đẩy ta rơi vào tận cùng của hố thẳm, và càng không phải dùng ngôn ngữ phơi bày sở học tri thức, dù đó sự viện dẫn đến kinh điển, trói buộc vào tư tưởng của thánh nhân, đừng trông chờ ngóng đơị, kêu gọi sự trợ giúp của ai khác đến từ bên ngoài. Điều nầy càng làm cho ta tách rời giác ngộ, bởi lẽ sự cùng tuyệt của giác ngộ, là phá vỡ giai tầng, níu kéo đuổi bắt của ý thức, chấm dứt chặng đường tác nghiệp của năng sở tri chướng, thong dong tự tại trên mọi lối đi về.

 

Có vị tăng hỏi: Thế nào là “nhất pháp”?
Thiền sư Viên Chiếu đáp:
” Chỉ thấy Xuân qua Hè lại đến
Mới vào Thu chín, gặt Đông về.”

 

Phải có một cái nhìn thẩm thấu, một sự nhận thức vượt thoát không ngăn ngại, ta mới đủ năng lực khai phá, quật tung từng hiện hữu, không khoác vào đó những ảo tưởng, những định lý mà tự nó vốn khước từ. Phải là tầm nhìn được sáng soi quán chiếu bởi tuệ giác, không bị bất cứ một điều gì phong kín, che lấp, lừa dối. Đó là sự trùng lắng thuần khiết, một cái nhìn như thật, cái nhìn nguyên vị, không xê dịch trước và sau mà nó từng hiện hữu. Chỉ có điều nầy mới khiến cho ta không chết chìm trong đó, nếu không những hụt hẩng trôi nỗi biến dạng của tâm thức cứ thế liên tục xô đẩy ta rơi vào khủng hoảng bất an. Cuộc sống mà ta đang trực diện đầy dẫy sự khổ đau, đổ vở một cách cùng cực. Ta cố gắng tìm lối thoát ra, hay tự trói mình vào, đừng chạy loanh quanh, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Khổ đau, an lạc, niết bàn, sinh tử đều tùy thuộc vào ta, không nguyên nhân nào đến từ bên ngoài và ở đâu cả, nó ở ngay trong ta, sống cùng ta, tất cả đều do ta và chỉ có chính ta mới làm thay đổi được.

 

Bài kệ thị tịch của Thiền Sư Viên Chiếu trong phần mở đầu ở trên, cho ta thấy đâu là bản chất của vô thường, thành trụ hoại diệt, đâu là sự giải thoát. Một khi ta nhận ra được ” tánh không ” mọi kết cấu giả hợp đến đi không làm hề hấn, dù cho con tạo có xoay vần đến đâu, ta vẫn lặng thinh mĩm cười trong sự toả chiếu của an lạc.

 

Có vị Tăng hỏi:
– Lạnh trời mầm cây rụng
Lấy gì để khoe tươi?

Sư đáp:
– Mừng ông đã thấu đạt
Chẳng cũng vui lắm sao?

Tăng nói:
– Được lời thầy chỉ giáo
Từ nay thoát ưu phiền.

Sư đáp:
-Vũng cạn vừa lên khỏi
Quay đầu vạn dặm sâu.
Nỗi sợ hãi, đau khổ, bất an thường trực chôn dấu trong đời sống của chúng ta. Chỉ cần lo sợ, khủng hoảng về một điều gì đó nỗi lên lan ra, tâm lý sẽ trở nên mất bình tỉnh, bị chi phối không kiểm soát được, nó duyên theo đó dẫn dắt ta đi vào mê lộ, lúc tỉnh lúc quên, vũng cạn vừa ra khỏi, quay đầu lại rớt xuống ngay. Do vì từ trước đến nay ta mãi lo tác nghiệp, xử dụng đến sự hổ trợ, tích chứa của vô minh, phiền não dẫn dắt, trong sự nhập nhằng giằng co của tâm thức. Khiến ta sống trong sự hoài niệm tiếc thương ám ảnh, một thời xa xăm nào đó của qúa khứ, không tự mình cởi trói những xúi dục của tham sân si, khiến cái phút giây hiện tại bây giờ của đời sống, đong đầy phiền muộn, khiến sự nhận thức, cảm thọ về một hiện tại lúc nào cũng khổ đau phủ ngập. Vì thế nó tha hồ kéo ta dong ruỗi, khi thì sống với quá khứ, lúc thì nhập nhằng với hiện tại, khi thì ước vọng về một tương lai không có gì bảo đảm. Bởi nó đến đi không một lần chào hỏi, giả biệt, có đó rồi mất đó, tìm cách ru ta ngũ say, dối lừa ta trong sự tưởng chừng với ảo ảnh, mộng đẹp. Chỉ khi nào ta biết dừng lại, biết cách tỉnh thức, chấm dứt sự níu bắt của nó một cách vĩnh viễn, biết quật tung cái hiện tại đầy linh diệu nầy. Một khi ta biết quán chiếu về thực thể của thời gian lẫn không gian, biết khám phá ra bí mật ngàn đời đã từng phong kín, biết sống và thở trong sự linh hiện mênh mang không cùng tận, ý thức tuyệt vời về bản chất của vô thường, nhận chân sự bất định không thật của đời sống, giải phóng chính mình ra khỏi triền phược khổ đau, tìm phương vượt thoát luân hồi, chấm dứt con đường đi lại của sinh tử.

 

Thiền Ngữ Thi Ca

Thiền sư Viên Chiếu được kể như vị thiền sư thi sỹ tài ba của thiền phái Vô Ngôn Thông, ngài đã xử dụng hình ảnh thi ca làm biểu tượng thiền ngữ một cách linh động tuyệt vời nhất. Thoại đầu, công án bằng thi ca, được kể như sự cảm quan, xúc giác đến tới hai lần một lúc. Lần đầu là những trăn trở rung động thường nghiệm để thức giác vụt khởi. Lần thứ hai những thâm nhập trong tận cùng, những đào xới đến cùng cực bản chất hiện thể, để những linh hiện của tâm giác cứ thế trào dâng, giác ngộ tung mình thức dậy, cả hai đồng lúc trở mình, hoá thân hoà nhập thành một thể duy nhất. Trước ngài, thiền sư Thiền Lão cũng đã xử dụng thi ca làm công án, khi vua Lý Thái Tông vào núi thăm, dưới đây là mẫu đối thoại:
Vua: Ngài ở đây từ bao lâu rồi?

Thiền Lão:
Sống trong giờ hiện tại
Ai hay năm tháng xưa?
( Đản tri kim nhật nguyệt
Hà thúc cựu xuân thu)

Vua:
– Ngài làm gì hằng ngày ở đây?

Thiền Lão:
Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng soi mây bạc hiện toàn chân.
( Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân)

Vua:
– Như vậy ý chỉ là gì, xin ngài cho biết?

Thiền Lão:
– Nói nhiều lời, sợ sau này bất lợi.”

(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1 trang 175)

 

Ý niệm về thời gian, không gian, bốn mùa xuân hạ thu đông, trăng tròn rồi khuyết, ngày và đêm nó đã hoàn toàn đội nón ra đi biến mất khỏi tâm thức của Thiền Lão. Ngài vượt ra ngoài đối tượng nhận thức, nội giới ngoại giới, tâm cảnh. Chỉ có nổ lực thoát khỏi vô thường, tử sanh, mới là điều gấp rút cần phải trực diện giải quyết. Như bài kệ cảnh tỉnh sách tấn, ta thường trì tụng ở trong Kinh Nhật Tụng: ” Một ngày trôi qua, mạng sống theo đó giảm dần, như cá thiếu nước, có gì mà vui. Đại chúng! Phải chuyên cần tinh tấn, như cứu đầu đang bị đốt cháy, nhận biết sự vô thường, đừng có buông lung.” (Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc. Đại chúng! Đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật ).
Một niệm khi khởi lên, nó vụt tắt qua mau, niệm khác liên tục kéo đến, niệm niệm chồng lên nhau, cất bước động chân là đã tạo nghiệp, ngồi bất động nhưng để tâm thức dong ruỗi cũng đã rơi vào sinh tử. Đó là những việc thúc bách, ta cần phải quan tâm trăn trở, cần phải nổ lực tác động để vượt thoát. Điều mà Thiền Lão thiền sư đang tràn ngập, đang cảm nhận hiện hữu ở trong tâm, trong phút giây hiện tại tuyệt vời đó, là trúc biếc, hoa vàng, là trăng soi mây bạc, là toàn chân. “Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh.Trăng soi mây bạc hiện toàn chân”. Chứ không phải tâm và cảnh đến đi, nuối tiếc thất vọng, hiện thực phi thực, tất cả hoà nhịp với nhau, chân như xuất hiện. Thời gian lẫn không gian nhạt nhoà, tan biến nơi ngài từ thưở nào, đâu đó chỉ có thực tại an lạc linh hiện, trong sáng tròn đầy ngự tác trên từng hiện hữu.
Thiền kêu gọi đến phút giây hiện tại, ngộ phải tức khắc ngộ, ngay từ bây giờ ngay tại phút giây này, ngay tại sát na nầy. Không có kiểu nửa tỉnh nửa mê, nữa quên nữa nhớ, chấm dứt quá khứ, bỏ đi vị lai, chỉ sống với cái hiện tại, những tác động phải tác động ngay từ bây giờ và với cái tâm thức nầy, con người nầy, ngoài điều nầy ra tất cả đều trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ thực tại vốn như thị hằng viễn, do vì chúng ta áp đặt cưỡng chế, thật ra nó chỉ là chuổi dài liên kết với thành trụ hoại không, kéo từ quá khứ chảy đến hiện tại rồi trôi về tương lai. Ý niệm về thời gian phải hoàn toàn biến mất, chỉ có vô minh, sanh tử vô thường, phiền não đau đớn mới là điều cần phải giải quyết, cần phải chấm dứt .
Có vị tăng hỏi: Như thế nào ” không khác ngày nay” ?
Viên Chiếu thiền sư trả lời:
” Cúc trùng dương dưới dậu
Oanh ngày ấm đầu cành.”
Giác ngộ là kết quả của sự nổ lực tỉnh thức, của sự bùng lên thoát ra, ta cần phải châm ngòi trổi dậy, ngay từ phút giây bây giờ của đời sống hiện thực. Quá khứ hiện tại vị lai, đều là sản phẩm của ý thức do con người tạo ra. ” Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.” Vậy ta dùng đến cái tâm nào để đắc? Trong khi sự biến đổi nhanh chóng bất định của tâm thức liên tục dẫn dắt xô đẩy ta, nó nhanh như một lằn chớp một tia sáng, ta dùng đến yếu tố thời gian để thẩm định nó đã vụt mất tự bao giờ. Ta cần phải liên tục thức tỉnh, ngay trong từng phút giây của mỗi sát na, một sự đi qua đã là quá khứ, dù chỉ một sát na tích tắc, để một điều gì xen vào lũng đoạn là ta đã bị trôi ngược về quá khứ, tự mình đánh mất phút giây hiện tại. Cần phải duy trì sự tỉnh thức một cách liên tục, thường hằng, không có khởi đầu hay chấm dứt, không có vô thủy hay vô chung. Làm sao ta có thể quật tung được cái phút giây hiện tại nầy, trong sự liên kết của thời gian, tâm thức, vô minh, của những biến động, khiến ta chìm dần, chìm mãi, chìm luôn?Phút giây hiện tạiSách Thiền Uyển Tập Anh chép về ngài Vô Ngôn Thông trong khi dạy thiền sư Ngưỡng Sơn học. Thiền Sư Ngưỡng Sơn hồi đó mới xuất gia, mười bảy tuổi. Một hôm Vô Ngôn Thông bảo Ngưỡng Sơn: “Chú khiêng cái ghế kia qua đây cho tôi một chút”. Khi Ngưỡng Sơn khiêng ghế tới, ông nói: “Chú khiêng trở lại chỗ cũ” Ngưỡng Sơn khiêng lại chỗ cũ, ông lại hỏi Ngưỡng Sơn: “Bên này có gì không?” Ngưỡng Sơn đáp: “không có gì” Ông lại hỏi: “còn bên kia có gì không?” Sơn nói: “không có” Ông gọi: “chú ơi!” Ngưỡng Sơn đáp: “Dạ”. Ông bèn nói: “Thôi chú đi đi”.
Chiếc ghế ở bên ngoài còn xê dịch đem qua chạy lại, chứ bên trong tâm thức có dễ dàng để ta cầm giữ. Ranh giới của thực tại, thức giác về tâm cảnh, nó mong manh như đường tơ kẻ tóc, sai một ly đi một dặm, ta phải cẩn trọng tác động thẩm thấu, quán chiếu ngay lúc nầy, dồn tất cả mọi năng lực tu chứng để duy trì cho tâm thức luôn được an tịnh, quyết không để tạp niệm xen vào khiến mình vụt trôi bỏ lỡ, một khi đã đánh mất có hối hận thì đã muộn màng.
” Nước đựng đầy thau bưng bất cẩn
Vấp chân soài ngã hối làm chi.”
Một khi ta biết đương đầu trực diện, biết vận dụng tất cả bản năng, cùng nội lực đánh thẳng vào tận cùng bản chất của nó, với tất cả sức lực bình sanh khiến nó vỡ tung ra, chỉ có lúc ấy và khi ấy ánh sáng tuyệt vời của trí tuệ mới thật sự xuất hiện. Sự khổ đau ta đối diện hằng ngày ấy, dù cảnh khổ có khác nhau, nhưng bản chất khổ thì giống nhau, ta có bàn cải nói năng, có mời gọi hoặc tẩy chay nó vẫn hiện diện. Trong ta có hai vấn đề quan trọng phải giải quyết dứt khoát, đó là vô thường sanh tử và an lạc giác ngộ, khi ta chọn điều nào thì cái ấy sẽ có mặt, sống và thở cùng ta. Ta chọn khổ đau hay an lạc, ta giằng co phân vân bí lối, nó cũng theo đó nhập nhằng sớm hôm, khi nào ta thật sự quyết tâm thay đổi nó sẽ cùng ta đi trọn hành trình, ta sống với khổ đau, khổ đau theo ta trong từng hơi thở, ta sống trong an lạc, an lạc theo ta trong từng giấc ngũ. Ta kêu gào than vãn, ta khổ đau quằn quại, tại vì ta cứ để cho điều ấy, cứ thế mà trưởng thành ở lại mãi trong ta. Một khi ta biết loại trừ, để cho an lạc hạnh phúc nổi lên ngự trị, để cho tỉnh thức phủ vây, quay về sống với an lạc nơi nội tâm, với bản thể thường hằng của tự tánh, thì làm sao phiền não khổ đau có cơ may xen vào tác động. Đi đâu về đâu đến đâu, đều do ta chọn lựa, còn không cứ thế mà trôi mà nổi.
Hỏi:
– Nếu gặp khi bức bách
Hai đường theo nẽo nào?
Sư đáp:
– Phóng đãng tùy ý thích
Tiêu giao với gió trăng.
Trong sự bức bách truy cứu đến tận cùng của đời sống, lối nào để ta đi, nẽo nào để ta đến, ngài chỉ cho ta cánh cửa tuyệt vời của tự do đi lại, thong dong trên muôn nẽo. Về phương diện ngôn ngữ, dù cho mật ngữ, một lời nói bí hiểm, ẩn chứa sự thâm kín đến đâu, vẫn chưa có gì bí hiểm, bởi lẽ nó phải trãi qua để hình thành dệt nên, đúng ra chỉ là thuật ngữ, một phương tiện thách đố tâm thức của ta về một điều gì. Nhưng trong thoại đầu, trong công án không còn là sự thách đố nữa, mà là đánh đổi giải quyết một cách dứt khoát để giác ngộ bùng lên, chứ không có kiểu vừa say vừa tỉnh, diệu dụng của nó được chôn dấu ở đàng sau ngôn ngữ, tự mình đào bới để lật tung nó lên. Muốn quật khởi, truy tìm ta phải bắt nhịp, phăng ra nguồn cơn, tìm ra bản thể hiện hữu thật sự của nó. Phương tiện không thể biện minh cho cứu cánh, bởi lẽ phương tiện chỉ có và nằm ở bên ngoài, trong khi cứu cánh nằm tận bên trong. Khi xử dụng đến phương tiện đưa đến cứu cánh, ta phải biết lúc nào cần gạt bỏ, rời xa, ta phải sống và thở từ trong ấy, uống được ngụm nước đầu nguồn thì ta mới có đủ năng lực, ngoài ra chỉ là sự vay mượn đến lý trí, sự viện dẫn đến kinh điển, tư tưởng của người khác, không tự mình tiêu hoá được, nó cùng chung số phận bị đào thải, bởi thời gian không gian.
” Xây tổ trên màn trướng
Tóc râu xõa cành lau.”
Cuộc sống ta đang cảm nhận, tươi đẹp hay ngang trái đều do ta tạo ra bây giờ hay vô lượng kiếp về trước. Tại sao có người an nhiên mĩm cười với cuộc sống, bằng lòng với hiện tại, chấp nhận hiện thực, cho dù đau khổ bệnh tật thiếu thốn trăm bề, có người lại than trời trách đất, lúc nào cũng cau có gắt gỏng với mọi người, những gì mà ta cho số phận là nghiệp quả, đều có thể chuyển hoá thay đổi được. Thông thường chúng ta chỉ lo ôm vào chứ không buông xã, lo tích lũy chứ không biết đoạn trừ, lo tranh dành chạy theo chứ không biết dừng lại, không ai dọn sẵn bàn tiệc hạnh phúc để mời ta tham dự, không khổ đau ngang trái nào mà không có nguyên nhân. Đức Phật, bậc đạo sư của nhơn thiên đã chỉ cho ta bốn chân lý ( Tứ Diệu Đế) đâu là nguyên nhân của khổ, thế nào là khổ, nhận biết con đường của khổ, phương pháp chấm dứt khổ. Đó là bài pháp đầu tiên của đức Phật ở vườn Nai và cũng là những lời dặn dò nhắc nhở cuối cùng của Phật, nói lên tầm quan trọng về bốn sự thật bất di bất dịch ấy. Ta suy tư hành động, sống và thở, nói năng tác nghiệp điều gì, thì điều ấy sẽ ngự trị trong ta, ta phiền muộn đau khổ, thì nhìn đâu cũng thấy khổ đau, ta lo sợ thì nhìn đâu cũng thấy bất an, ta huân tập điều gì thì trong ta điều ấy cứ thế xuất hiện. Nỗi đau sự khổ vẫn còn đó, nó loanh quanh lẫn quẩn đâu đây, có dịp nó lại xuất hiện tấn công ta, thỉnh thoảng tạm lắng một chút, nhưng như thế nó vẫn chưa thực sự rời xa ta. Nhưng nếu ta biết nhận ra được bộ mặt ngàn đời, nhận ra bản chất thật sự của nó, một khi ta biết quán chiếu tận cùng, nó sẽ tự động biến mất. Nhưng tại sao an vui hạnh phúc lúc nào cũng rời xa vòng tay của ta, sự khổ đau nhọc nhằn lúc nào cũng ở lại ? Do vì ta cứ ôm, vận nó mãi vào trong tâm, đến mức độ ở đâu cũng thấy nó, từ trong ra ngoài, từ hành động đến suy tư, kể cả trong hơi thở, trong giấc ngũ nó cũng theo ta sống cùng ta. Chưa một lần ta biết tỉnh thức, chưa một lần thảy nó xuống hố sâu, chưa một lần quẳng gánh lo, chưa một lần biết lắc đầu khước từ, thì làm sao nó không hiện hữu chiếm đoạt?. Khi nào ta thật sự chấm dứt, là lúc cởi bỏ tất cả ra khỏi tâm mình, nếu nó vẫn còn hiện diện, là do mức độ quán chiếu của ta chưa thâm nhập đến tận cùng, chưa đoạn trừ thật sự. Muốn có được hạnh phúc an lạc, ta phải tự mình nỗ lực xây đắp, tự mình thoát ra chứ không phải kéo vào, chỉ có chính ta, chủ nhân của an lạc khổ đau, sinh tử và niết bàn mới làm thay đổi được, ngoài ra không một ai, dù tự hào là đấng toàn năng cũng không bao giờ thay thế và làm được.

Như Hùng
Theo ngocbao.com
Nguồn: (CỘI NGUỒN)

SHARE:

Trả lời