LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP NỮA

SHARE:

Nếu có người hỏi vì sao bạn tu hành, bạn sẽ trả lời thế nào?

Thiền sư Đạo Nguyên đã nói ở thiên “Hiện thành công án” trong Chánh pháp nhãn tạngrằng:

Học Phật đạo là học chính mình,

Học chính mình là ngồi quên chính mình.

                  Ngồi quên chính mình là thấu hiểu vạn pháp,

Thấu hiểu vạn pháp là thân tâm của mình

và người đều giải thoát.

 

Ý nghĩa của chữ “học” này là “làm đi làm lại một việc không ngừng”. Chúng ta có thể nói đó là “to learn” (học tập), nhưng không nhất định là học cái mới, nói là “practice” (luyện tập, tu hành) thì có thể tương đối chính xác. Tu Phật đạo là tu chính mình hoặc là sống.

 

Đây được xem là quá trình lặp đi lặp lại không ngừng, không có gì cả, chỉ là sống mà thôi.

 

Tu hành chẳng phải để đạt đến tri thức nào đó. Ý nghĩa tu hành là lặp đi lặp lại không ngừng. Tọa thiền là như thế. Đương nhiên, Tọa thiền hoàn toàn không chỉ là nghiền ngẫm hoài một cái gì đó. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Tọa thiền là một sự thể chứng”. Nói cách khác, tu hành chính là thể chứng, hai cái này không tách rời. Nhưng chúng ta không phải vì thể chứng mới tu hành, mà là thể chứng cái có sẵn (thiên thành) trong chính mình.

 

Mỗi người đều thể chứng ở mức độ nào đó, nhiều hay ít mà thôi. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc bạn Tọa thiền chính là biểu hiện của sự thể chứng. Quí vị phải thể hội chính mình, dung nhập điều mình học vào trong đời sống không ngừng luyện tập từng chút từng chút một.

 

Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Học Phật đạo là học chính mình”. Vậy thì phải học chính mình như thế nào? Chúng ta phải tu chính mình ra sao? Tôi nói chúng ta nhưng “chính mình” đây thực ra luôn luôn là số ít. Chính là đời sống của tôi! Đời sống của bạn! Đời sống của bạn là Phật pháp là Nhất thể.

 

Đức Thích Ca Mâu Ni đã thể hội điều này rồi cho nên Ngài mới nói: “Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay! Tất cả chúng sinh đều có đủ trí tuệ và đức tướng của Như Lai”. Không chỉ Ta thôi mà là mỗi cá nhân. Đây chính là ý nghĩa của “Ngã”, “Ngã” là chỉ cho mỗi người.

 

Tuy nhiên, chỉ hiểu điều này thôi vẫn chưa đủ, hai chữ “học tập”, “luyện tập” này đều không nói rõ được nguyên nhân. Hai chữ này đều không thể truyền đạt ý nghĩa “nhiều lần”. Nói cách khác, chúng ta làm sao mới có thể luôn luôn sống như Nhất thể, Nhất thể như đời sống, không nhiều cũng không ít?

 

Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Học chính mình là ngồi quên chính mình”. Khi mà Phật pháp và đời sống của chúng ta còn tách biệt, khi mà tôi vẫn chưa thấy được đời sống là Nhất thể thì vẫn còn trong mê muội. Hễ khi nào tôi thấy được Phật pháp và đời sống là hợp nhất thì đó chính là Khai ngộ, là “Hiện Thành Công án”(1)

 

“Hiện thành Công án” là trước tác của thiền sư Đạo Nguyên, nhưng chúng ta dịch câu này là “hiển bày thực tướng tuyệt đối”. Nói khác đi, đời sống là sự hiển bày thật tướng tuyệt đối. Nói như vậy thì Công án này cần phải tham như thế nào? Đó chính là phải hiểu rằng đời sống tức là Phật pháp, sống tức là đã trải qua đời sống khai ngộ như thế. Không thể nói khai ngộ là cái gì đó nằm ngoài đời sống. Thậm chí còn nói ngộ nói mê thì bản thân nó chính là mê.

 

Tham công án, Chỉ quản đả tọa đều như thế. Dù là cái gì, hễ xem nó là khách thể, là sự vật nằm ngoài tự thân thì lập tức sẽ bị ràng buộc vào nó. Cái đó dù tốt hay xấu bao nhiêu đều không quan trọng, kết quả đều giống nhau; đều là cái thấy mê lầm, bên trong vẫn nhìn thấy dấu vết của tự ngã, thấy tự ngã bắt đầu va vào tấm sắt. Muốn lún sâu vào trong đó thì quá dễ dàng rồi.

 

Vậy thì, làm sao mới có thể “ngồi quên chính mình”?

 

Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Ngồi quên chính mình là thấu hiểu vạn pháp”. Thấu hiểu vạn pháp hay là ở trong vạn pháp mà Khai ngộ, ý nói rằng mỗi sự vật đều có thể làm cho chúng ta Khai ngộ; nói một cách dứt khoát là bản thân đời sống có thể khiến cho chúng ta Khai ngộ. Tự ngã của đời sống thấu hiểu đời sống. Nhất định là như thế! Ngồi quên chính mình thì chúng ta sẽ trở thành vạn pháp, sẽ trở thành chính đời sống. Chúng ta nhất định phải sống như thế, vĩnh viễn sống như thế.

 

“Thấu hiểu vạn pháp thì thân tâm của mình và người thảy đều giải thoát”. Nói cách khác, giữa mình và người không còn sự phân biệt. Đức Phật khi nhìn thấy sao mai(2), đã thể chứng được điều này. Ngài nhìn thấy thể tính của chính mình, thấy sinh mệnh chính mình khắp mọi nơi, thấy được sự tự do của sinh mệnh. Sinh mệnh từ khởi thủy đã vốn tự do, hoàn toàn không có gì ràng buộc cả. Đức Phật đã phát hiện ra điều này thì chúng ta cũng nên biết ơn sinh mệnh tự do như thế của chúng ta.

 

Chừng nào bạn thực sự cởi mở vô điều kiện thì chừng ấy mới thực sự quên chính mình. Chỉ cần vẫn còn cố chấp vào cái gì đó thì bạn còn có tự ngã, vẫn chưa cởi mở hoàn toàn. Quên mình thực sự thì sẽ không có phân biệt trong ngoài, không phân biệt chính mình và ngoại cảnh. Có như thế chúng ta mới lãnh hội sinh mệnh một cách hoàn chỉnh.

 

Bản tính người Mỹ là cởi mở (đây là bài pháp được nói ở Mỹ). Làm sao mới có thể cởi mở vô điều kiện? Cởi mở mà chúng ta nói đến là sự cởi mở như thế nào? Cởi mở cùng tột chính là trí tuệ cao nhất. Chỉ cần cởi mở là mình có thể hợp nhất với người khác. Thậm chí người đó là bạn thân hay là người xa lạ đều không quan trọng.

 

Một số người thắc mắc rằng: “Làm sao tôi có thể áp dụng kiểu cởi mở này vào trong công việc được? Nào là đầy áp lực của cấp trên, nào là công việc đều hoàn thành có kỳ hạn, làm sao có thể quên mình được?” Thực ra, chỉ cần bạn hoàn toàn hòa vào trong công việc là sẽ làm được; hòa vào ngay trong công việc tức là cần phải làm gì thì sẽ làm cái đó. Sau kỳ hạn vẫn có kỳ hạn khác, phải không? Thực sự thì không hề có kỳ hạn nào cả! Mỗi khắc đều là sự bắt đầu, cũng là sự kết thúc; không có mục tiêu hoặc kỳ hạn của người nào cả.

 

Do đó, khi tu pháp môn “Chỉ quản đả tọa” thì bạn sẽ là Chỉ quản đả tọa. Đó là một trạng thái cởi mở. Bởi vì hoàn toàn cởi mở cho nên bạn không khác biệt với không gian, thời gian. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Thân này là Phật ấn”. Phật ấn đầy chính là “cởi mở”; loại cởi mở này không giới hạn, không phân biệt mình và vật, không phân chia mình và sinh mệnh mình. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Sự phân biệt này một khi đã biến mất thì bạn sẽ trở thành “Phật ấn, tất cả không gian, thời gian liền trở thành bản thân Diệu pháp”.(3). Cởi mở đã đạt đến cảnh giới như thế, chúng ta còn đòi hỏi gì nữa?

 

Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta đều không Chỉ quản đả tọa. Chúng ta liên tục sinh khởi cái thấy mê lầm. Bạn vẫn cứ “cho rằng” bạn đang tu “Chỉ quản đả tọa”. Nhưng chỉ cần bạn “cảm thấy” như vậy là “Chỉ quản đả tọa” của bạn đã không còn là Chỉ quản đả tọa nữa; bên trong nó có sự kềm chế nào đó, hành vi tự ngã nào đó.

 

Đừng để ngôn ngữ, khái niệm lừa gạt. Tham Công án thì nhận định rằng Công án là đời sống chính mình. Công án không phải là cái gì đó ở bên ngoài bản thân để cho bạn nghiên cứu hay đánh giá. Đời sống của bạn tức là Công án có sẵn, là biểu hiện của Công án. Đời sống của bạn vốn là cái này; cái này hoàn toàn mở, tốt đẹp, thì con người sẽ quên đi chính mình.

 

Do đó, phải tự mình ấn chứng lấy mình, đừng để người khác ấn chứng; phải hoàn toàn sống trong sự cởi mở như thế. Hãy luôn luôn tu tập như vậy.

 

GHI CHÚ:

 

(1) Hiện thành Công án: Đại ý là “đời sống hàng ngày chính là Ngộ”. Thiền sư Đạo Nguyên viết tác phẩm này tặng cho một vị cư sĩ. Người đời sau đưa nó vào trong Chánh Pháp Nhãn Tạng. “Hiện thành Công án” còn là Công án sinh hoạt hằng ngày, cũng tức là vấn đề hoặc tình huống phát sinh trong đời sống một cách tự nhiên nhưng có thể hỗ trợ cho sự Chứng ngộ.

 

(2) Sau khi ngồi dưới cội Bồ-đề 49 ngày, đức Phật đã thể chứng điều này trước khi trời sáng.

 

(3) Diệu pháp: S: Sad-dharma, Pháp vô thượng, thâm diệu; không thể dùng tri thức để hiểu được, không do con người tạo ra. Vì không tạo ra được nên nó là sẵn có, hiện có; đó là ý nghĩa sự sống của mỗi chúng ta. Theo thiền sư Đạo Nguyên thì các đức Phật đều truyền nhau diệu pháp này, và chỉ được truyền thẳng từ người này qua người khác, chứ không qua trung gian chữ nghĩa sách vở.

 

Nhà xuất bản Hồng Đức.

SHARE:

Trả lời