SHARE:
{1c23} Từ điểm khởi đầu, Viên Ðốn Chỉ Quán lấy thực tướng (shih hsiang) làm đối tượng. Không cần biết đối tượng quán chiếu là gì, đều được nhìn đồng nhất với trung đạo. Ở đây, không có điều gì ra ngoài sự thực (chen-shih). Khi hành giả trụ {tâm} vào pháp giới {như cảnh}, và hợp nhất tâm với cảnh {như nó là}, thì không một sắc, một hương nào mà không phải là trung đạo. Cũng như vậy đối với cảnh giới của ngã, cảnh giới của chư Phật, và cảnh giới của chúng sinh. Bởi vì tất cả ấm giới (skandha) và căn, trần xứ (ayatana) [của thân và tâm] là như thị, không hề có khổ để phải chối bỏ. Bởi vì chính vô minh và phiền não đồng nhất với Bồ Ðề, không hề có nguồn cội khổ cần phải tiêu diệt. Bởi vì hai lối nhìn cực đoan là trung đạo, và tà kiến là chánh kiến, không có đạo để tu. Bởi vì luân hồi đồng với Niết Bàn, không có gì để chứng đắc. Bởi vì hẳn nhiên khổ và nguồn khổ không hiện hữu, phàm không có mặt. Bởi vì đạo và tịnh không hiện hữu, thánh cũng không. Một thực tướng, nơi đó là tất cả- không một thực tại nào đứng ở bên ngoài. Tất cả thực tại tự tánh thuần tịnh, gọi là ‘Chỉ’, đó là, dù tịch nhưng hằng chiếu, gọi là ‘quán’. Mặc dù minh định sự khác biệt giữa hai giai đoạn hành trì trước và sau, tuyệt đối không phải là hai, không hề có sự chia cắt ở giữa. Ðây gọi là ‘Viên Ðốn Chỉ Quán’.
🍁Kiểm chứng ba loại Chỉ và Quán qua kinh điển
{2a2} Giờ đây hãy tạm gát lại hai phương pháp Tiệm và Bất Ðịnh Chỉ Quán, chúng tôi sẽ giải thích sâu hơn về pháp môn Viên Ðốn Chỉ Quán căn cứ vào các tạng kinh.
{2a3} Vị Bồ Tát phẩm hạnh Bhadrasiras, là bậc đã thấm nhập cực kỳ sâu xa, nói rằng: ‘Khi một vị Bồ Tát trú trong cõi luân hồi, trước hết phát Bồ Ðề tâm, và khi giác ngộ trong từng niệm, kiên cố, không ngăn ngại, thì công đức dung chứa trong mỗi niệm lớn rộng vô biên, và ngay cả Như Lai dù thuyết giảng trong vô lượng thời gian, cũng không nói hết đến chỗ cùng tận’. Vị Bồ Tát nầy nghe được pháp thâm sâu, phát đại tín tâm, lập đại hạnh, trụ diệu vị, tự trang nghiêm bằng diệu đức, và dùng phương tiện thiện xảo để đưa chúng sinh vào diệu pháp.
{2a8} Nghe diệu pháp có nghĩa gì? Hành giả nghe rằng Luân Hồi tức Pháp Thân, rằng Khổ tức Bát Nhã, rằng trói buộc tức giải thoát. Mặc dù chân lý có ba danh, nhưng không phải là có đến ba thể (t’i). Mặc dù chỉ có một thể, nhưng mang ba tên gọi. Cái ba nầy không ngoài nhất tướng (hsiang); trong thực tại, không hề có sự phân cách giữa những điều nầy. Vì Pháp Thân tối thượng, Bát Nhã và Giải Thoát cũng tối thượng; vì Bát Nhã thuần tịnh, Pháp Thân và Giải Thoát cũng thuần tịnh’; vì Giải Thoát không ngăn ngại, Pháp Thân và Bát Nhã cũng không ngăn ngại. Khi nghe bất cứ pháp gì cũng không khác- mỗi mỗi đều chứa đựng sự tròn đầy của pháp Phật, không hề tổn giảm. Ðây là cái ‘nghe được diệu pháp’ muốn nói.
{2a14} Diệu pháp là gì? Ðó là sự xác quyết rằng tất cả pháp đều rỗng lặng, rằng chỉ là giả hiện, rằng là trung dung giữa hai đối cực. Rốt ráo không có một, hai hoặc ba {cái nhìn khác biệt}, vẫn có một, hai, và ba {cái nhìn khác biệt}. Nói rằng ba điều trên không có mặt {rời rạc} để ngăn chận sự chấp chặt hoặc là một, hoặc là hai, hoặc là ba, trong khi nói ba không hiện hữu {tách biệt}làm sáng tỏ {tính đa dạng của} cái một, hai, và ba nầy. Khi không ngăn chận, cũng không tỏ rạng, thì tất cả đều tuyệt đối, thanh tịnh, và vô ngại. Khi nghe pháp thâm sâu mà không e sợ, nghe pháp lớn rộng mà không nghi ngờ, giữ tâm vững chắc khi nghe rằng pháp không sâu cũng chẳng rộng- đây là chỗ gọi là có được ‘đại tín tâm’.
{2a18}Diệu Hành là gì? Quy nhất niệm về Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, biết rằng chính vô thượng đồng như trung đạo, và không còn vui với chỗ thiên lệch, viên mãn tu trì ba chân lý mà không tìm kiếm tịch diệt trong sự vắng bóng của cực đoan, hoặc chịu giao động vì sự có mặt của những cực đoan, và đi thẳng vào trung đạo mà không giao động hoặc phân biệt – đây là ý nghĩa của ‘diệu hành’.
{2a21} Vào viên vị là gì? Ðó là, khi vào sơ vị, chứng ngộ được rằng một vị là tất cả vị, tất cả đều tối thượng, thanh tịnh, và vô ngại. Ðây là ý nghĩa của ‘viên vị’.
{2a23} Tự tại trang nghiêm là gì? Kinh Hoa Nghiêm thuyết sâu về tự tại. Như kinh nói, hành giả có thể nhập tam muội {không ngăn ngại} qua một căn, và xuất tam muội để thuyết pháp với một căn khác, hoặc hành giả có thể đồng thời xuất nhập tam muội với cùng một căn, hoặc chẳng xuất cũng chẳng nhập với bất cứ căn đặc thù nào. Cả sáu căn đều như vậy. Hành giả có thể nhập tam muội đối với một căn-cảnh, hoặc xuất ly và thuyết pháp với một căn-cảnh khác, hoặc cả xuất và nhập với một căn cảnh, hoặc chẳng xuất cũng chẳng nhập. Sáu căn-cảnh đều như vậy. Hành giả có thể nhập tam muội trong chiều hướng nầy, hoặc xuất tam muội và thuyết pháp trong chiều hướng khác, hoặc xuất nhập cùng chiều hướng, hoặc chẳng xuất cũng chẳng nhập. Hoặc hành giả có thể nhập tam muội với một cảnh, hoặc xuất tam muội và thuyết pháp với một cảnh khác, hoặc cả xuất cả nhập, hoặc chẳng xuất cũng chẳng nhập với một cảnh. Chính ra, ngay cả khi với một căn hoặc căn-cảnh, hành giả nhập và xuất tam muội, hoặc cả hai, hoặc chẳng cả hai, rồi thì hành giả tự tại đối với mỗi mỗi hình tướng của chánh báo và y báo. Ðây là ý nghĩa của ‘tự tại trang nghiêm’. Ví như mặt trời chiếu rạng bốn châu , khiến nơi nầy là buổi trưa, nơi khác là buổi sáng, buổi chiều, hoặc khoảng giữa đêm. Ðó là vì vị trí thay đổi trong cuộc chuyển xoay, mặc dù chỉ có một mặt trời, bốn châu thấy dường có khác. Ðức tự tại của Bồ Tát cũng giống như vậy.
{2b8} Từ pháp viên mãn thành tựu chúng sinh là gì? Phóng hào quang, Bồ tát có thể đưa chúng sinh đến chỗ lợi ích {chứng ngộ rằng tất cả } đồng với Không, đồng với Giả, và đồng với Trung Ðạo. Và Bồ Tát có thể đưa đến sự lợi ích từ khả năng xuất nhập tam muội, xuất nhập đồng thời, hoặc chẳng xuất cũng chẳng nhập {trong bất cứ và tất cả tình huống}. Chỗ nầy là chỗ của tất cả oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín, hoặc bất cứ tướng trạng nào khác. Bất cứ những ai đã có được cảm nghiệp sẽ thấy {chân lý nầy} như người có mắt thấy được ánh sáng. Với những kẻ thiên
lệch {đối với viên giáo} thì không thể cảm nhận được, ví như người mù thì chỉ thấy toàn bóng tối .
{2b12} Vì vậy, chúng tôi trích dẩn câu chuyện của Long Vương như một thí dụ. Cao xa, vị vua Rồng nầy tóm thu sáu tầng trời cõi dục; dài rộng thì xuyên suốt bốn châu. Ngài kéo mây, điều hành sấm, chớp, khiến thành mưa, làm tất cả mà không hề rời khỏi tòa ngồi. Hành trạng của Long Vương thay đổi với những người thấy được Ngài. Bồ Tát cũng như vậy. Bên trong, chứng đắc được sự hòa điệu đồng thời của Không, Giả, và Trung Ðạo; bên ngoài Bồ Tát có thể, trong khi không làm loạn pháp tánh, đưa đến nhiều lợi ích cho chúng sinh, và dấn thân vào con đường phổ độ. Ðây là cái được gọi là ‘từ pháp thành tựu chúng sinh bằng những phương tiện thiện xảo’.
{2b17} Chỗ sơ phát tâm cũng giống như vậy – đây cũng là chỗ rất chân thật qua những tầng lớp trung và thượng. Như Lai không ngừng tán dương pháp nầy; những ai nghe được đều hoan hỷ. Bồ Tát Sadaprarudita (Tát Bà Ba Ðôn) đi tìm ánh sáng trí tuệ ở phương Ðông, Ngài Sudhana (Thiện Tài) thì đi về phương Nam tìm pháp. Bồ Tát Bhaisajyaràja (Dược Vương) đốt cháy đôi tay cúng dường chư Phật. Ðức Samantaprabhasa (Phổ Minh Như Lai) tự tại để đầu rơi. Ngay cả những ai một ngày ba lần bỏ thân mạng nhiều như cát sông Hằng, cũng không sánh được với diệu dụng lợi ích của người chép biên, trì tụng một dòng pháp kệ. Thì làm thế nào việc mang vác trên đôi vai hằng tỉ kiếp có bao giờ trả lại được ân đức của pháp Phật. Chỗ nầy được nói đến từ một quyển kinh, nhưng trong những kinh khác, chúng tôi cũng tìm thấy {những thí dụ về lời dạy nầy}.
{2b22}Hỏi: ‘Người nghi ngờ có thể nói rằng ông ấy muốn nghe được chứng cớ có trong kinh điển về hai tam muội kia’.
{2b22}Trả lời: ‘{Thật cũng nên biết} Tuy vậy kinh luận thì quá bao la, và không thể được trưng dẩn chi li tất cả. Dù vậy, chúng tôi sẽ dẩn chứng một hoặc hai quyển kinh’.
{2b23}Kinh Vimalakirti (Duy Ma Cật) nói: ‘Khi Bồ Tát ngồi xuống cội Bồ Ðề, và dùng lực của chính mình hàng phục được quân ma, Bồ Tát đắc quả Niết Bàn và chứng giải thoát. Bồ Tát ba lần chuyển bánh xe pháp cho hằng sa cõi nước. Pháp luân thường tịnh, không nghi ngờ rằng thiên nhân đều được chứng ngộ, rằng tam bảo xuất hiện trên thế giới. Ðây là chỗ khởi đầu pháp môn Tiệm Tiến. Kinh Duy Ma Cật cũng nói: ‘Thế Tôn thuyết pháp với một âm thanh, nhưng chúng sinh hiểu qua những căn cơ khác biệt. Có người e sợ, có kẻ an lạc, có người sinh ác cảm, có kẻ chẳng còn nghi. Ðây là một thí dụ về Phật lực bất khả tư nghị’. Ðây là chứng cớ từ kinh điển về pháp môn Bất Ðịnh. Kinh Duy Ma Cật cũng nói: ‘Phật dạy rằng pháp chẳng hiện hữu, chẳng không hiện hữu, bởi nhân duyên mà có. Vì vậy, không có ngã, không có người làm, và không có người nhận {quả báo}, tuy nhiên điều nầy không có nghĩa rằng không có thiện nghiệp và ác nghiệp. Ðây là một chứng cớ từ kinh điển về pháp môn Viên Ðốn.
{2c2} Kinh Pancavimsati nói: ‘Có thứ lớp học, có thứ lớp hành, có thứ lớp chứng đạo’ Ðây là chứng cớ từ kinh điển về pháp môn Tiệm Tiến Chỉ Quán. Kinh nầy còn nói rằng: ‘Khi một bảo châu được gói trong nhiều lớp vải màu và đặt vào trong nước, màu nước sẽ thay đổi theo màu của tấm vải gói viên ngọc’. Ðây là chứng cớ của kinh điển về pháp môn hoặc giáo nghĩa Bất Ðịnh Chỉ Quán.
Kinh cũng nói rằng: ‘Ngay từ khoảnh khắc phát tâm Bồ Ðề liền ngồi tòa giải thoát , chuyển pháp luân, và cứu chúng sinh’. Ðây là chứng cớ từ kinh điển về pháp môn Viên Ðốn Chỉ Quán.
{2c6} Kinh Pháp Hoa nói: ‘Những người như vậy sẽ y theo pháp nầy dần vào trí tuệ Phật’.Ðây là chỗ làm sáng tỏ Tiệm Tiến Chỉ Quán. Kinh Pháp Hoa nói: ‘Nếu chúng sinh không thể tin nhận pháp nầy, thì hãy dùng những pháp môn sâu xa khác diễn bày, giảng dạy, làm lợi ích, và mang lại an ổn cho họ’. Ðây là chỗ làm sáng tỏ của pháp môn Bất Ðịnh Chỉ Quán. Kinh Pháp Hoa cũng nói: ‘Ta (Phật) đã vượt qua những {giáo pháp} phương tiện, và giờ đây chỉ thuyết giảng đạo tối thượng.’. Ðây là chỗ làm sáng tỏ pháp môn Viên Ðốn Chỉ Quán.
{2c10} Kinh Ðại Bát Niết Bàn nói: ‘Từ con bò vắt ra sữa, từ sữa làm thành kem, từ kem làm thành sữa đặc, từ sữa đặc làm thành chất bơ, từ chất bơ làm thành chất đề hồ sau cùng’. Chỗ nầy làm sáng tỏ Tiệm Tiến Chỉ Quán. kinh Ðại Bát Niết Bàn cũng nói: ‘Khi cho chất độc vào sữa thì sữa nầy có thể làm chết người. Ðiều nầy cũng đúng đối với {tất cả tiến trình chế biến sữa} thành chất đề hồ, là chất có thể làm chết người nếu chứa chất độc’. Chỗ nầy chứng minh pháp môn Bất Ðịnh Chỉ Quán. Kinh nầy cũng nói: ‘Trên núi Tuyết có loại cỏ Ksanti (Phì nhị).
Nếu bò ăn loại cỏ nầy liền có được chất đề hồ trong sữa.’ Chỗ nầy chứng minh pháp môn Viên Ðốn Chỉ Quán.
{2c13} Kinh Kim Quang Minh nói: ‘Khi Phật chuyển pháp luân, Ngài tẩy sạch bụi dục vọng như mưa từng hạt nhỏ, mở cánh cửa Niết Bàn, tuôn gió giải thoát, xóa tan khổ hoạn, mang đến sự thanh lương của chánh pháp. Sau đó, Ngài ban lời thuyết về mười hai nhân duyên, dùng gột rửa vô minh và tẩy sạch sự nung nấu của kiến chấp sai lầm. Cuối cùng, Ngài thuyết pháp Ðại Thừa tối thượng tuôn tràn như suối, khơi dậy tư tưởng giải thoát trong tất cả chúng sinh.’. Ðây là chỗ minh chứng cho pháp môn Tiệm Tiến Chỉ Quán.
{2c18} Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Khi loài rồng biển tuôn số lượng lớn mưa vào đại dương, chỉ một biển rộng cũng đủ sức dung chứa, những chỗ khác thì không thể chịu đựng nổi. Những tạng kinh viên diệu được thuyết giảng cho bậc thượng căn; kẻ định tính nhị thừa ví như kẻ điếc và câm.’
{2c19} Kinh Duy Ma Cật nói: ‘Khi bước vào rừng chiên đàn, chỉ một làn hương từ hoa chiên đàn, không ngửi thấy bất cứ mùi hương nào khác. Cũng như vậy, người bước vào thất nầy cảm nhận không gì khác hơn là hương công đức Như Lai.’
{2c21} Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội nói: ‘Nếu có người nghiền nát một số lớn bột hương, đổ vào một cái bầu tròn, và đốt cháy một phần hương trong cái bầu nầy, khói hương sẽ lan tỏa khắp nơi.’
{2c22} Kinh Pancavimsati nói: ‘Nếu một vị Bồ Tát muốn vào nhất thiết trí để biết tất cả pháp, Xá Lợi Tử, vị Bồ Tát nầy nên tu tập trong trí tuệ viên đốn.’
{2c23} Kinh Pháp Hoa nói: ‘{Các Bồ Tát, Chuyển Luân Vương, Trời, Rồng} đến vòng tay cung thỉnh, mong muốn được nghe vi diệu pháp’.
{2c24} Kinh Ðại Niết Bàn nói: ‘Ví như có người bơi lội trong biển lớn, người ấy biết rằng đang bơi trong nước của tất cả những dòng sông.’
{2c25} Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Thí dụ, cũng giống như khi thái dương xuất hiện: vào lúc bình minh chỉ những đỉnh núi cao được tỏa rạng, rồi mới đến vùng thung lũng, rồi đến đồng bằng.’ Ðồng bằng dụ cho Bất Ðịnh, thung lũng dụ cho Tiện Tiến, và đỉnh cao dụ cho Viên Ðốn Chỉ Quán.
{2c27} Những dẩn chứng nói trên đều là những lời chân thật từ kim khẩu Phật. Ðó là pháp được Như Lai tán dương trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Pháp ấy không có điểm khởi đầu, không cần biết bao xa trong quá khứ; pháp ấy vô tận và vô biên trong hiện tại, và sẽ đi vào tương lai không dừng nghỉ. Pháp tánh bất khả tư nghị ở bất cứ thời nào trong ba thời. Phải biết rằng pháp môn Chỉ và Quán là Thầy của tất cả chư Phật. Vì pháp bất tử, chư Phật cũng bất tử. Như thế đó, pháp đầy an lạc, riêng biệt, và thanh tịnh. Tại sao lại có người không tin vào những chứng cớ từ kinh điển như đã nói?.
{3a4} Một khi hành giả có tín tâm vào ba pháp môn Chỉ và Quán, hành giả cần phải biết rõ ba tác phẩm nói về pháp ấy. Tác phẩm thứ nhất là ‘Thứ Ðệ Thiền Môn’, có tất cả ba mươi chương. Mười chương phụ lục do vị tăng tên Fa- shen (Pháp Thần) tại đạo tràng Ðại Trang Nghiêm ghi lại. Tác phẩm thứ hai về Bất Ðịnh Chỉ Quán là ‘Lục Diệu Pháp Môn’. Như ý nghĩa ‘bất định’, tác phẩm nầy đề cập đến phương thức hành trì mười hai thứ lớp thiền quán, chín thiền quán về cái chết, tám thiền quán về giải thoát, bốn pháp thiền phân biệt, tinh lọc, huân tập, và tu trì, {mười hai} nhân duyên, và lục độ.
{Tác phẩm nầy} viên dung những phương pháp đã nói tuôn tràn không ngăn ngại, cả hai mặt tung và hoành. Vị thượng thư là Mao Hsi (Mao Hỷ) đã yêu cầu Thiên Thai Trí Khải biên soạn tác phẩm nầy. Tác phẩm thứ ba là Viên Ðốn (Chỉ Quán) , được Kuan Ting (Quán Ðảnh) ghi chép tại chùa Ngọc Tuyền, thuộc Kinh Châu. Mặc dù có đến ba tác phẩm, đừng bị sai lạc hoặc làm thương tổn cái hiểu của riêng mình vì vướng víu thiên lệch {đối với sự phân biệt giả định trong các tác phẩm}. Kinh Ðại Tập nói: ‘Hoặc tiếp nhận được hoặc không tiếp nhận được trí tuệ viên mãn, chúng sinh ở trong vòng trói buộc và ở chỗ giải thoát.’ Các tác phẩm trên nên được đọc trong đường hướng tương tự như vậy.
{3a11} Hỏi: ‘Kẻ nghi ngờ có thể nói rằng vì tất cả các pháp rốt ráo có dấu ấn Niết Bàn, {dấu ấn} nầy không thể điễn đạt bằng lời. Kinh Ðại Bát Niết Bàn nói: ‘Nguồn gốc vạn vật có mặt không thể giải thích, và nguồn gốc suy thoái của vạn vật cũng không thể giải thích’. Bất cứ những ai muốn diễn đạt hoặc tóm lược hoặc chi li, đường ngôn ngữ đều bị cắt đứt, và chẳng có ngườI làm việc giải thích cũng chẳng có điều gì đã được giải thích. Hơn thế nữa, Ngài Xá Lợi Phất nói: ‘Tôi nghe rằng đối với giải thoát không một điều gì có thể nói được, và vì vậy tôi không biết nói gì về giải thoát.’ Xa hơn, Ngài Duy Ma Cật nói: ‘Cái được thuyết ra thiếu khả năng thuyết giảng hoặc khai bày. Những người nghe pháp được thuyết ra có thể chẳng nghe cũng chẳng hiểu.’ Như vậy, chẳng có ngườI năng thuyết, cũng chẳng có cái sở thuyết, ngay cả việc nói rằng các ông giảng dạy người.
{3a18} Trả lời: ‘Nhưng ông chỉ đưa ra một trong hai đối cực, và không đề cập gì đến mặt kia. Kinh Ðại Niết Bàn nói ‘Do bởi nhân và duyên, tuy vậy, có thể thuyết pháp.’ Kinh Pháp Hoa nói: ‘Phật thuyết pháp cho chúng sinh bằng cách dùng vô số phương tiện và nhân duyên khác biệt’. Kinh nầy cũng nói rằng ‘Ðức Thích Ca Mâu Ni dùng phương tiện thiện xảo giáo pháp cho năm tỳ khiêu.’ Thực sự, pháp có thể được thuyết, cả hai mặt tổng và biệt. Kinh Ðại Niết Bàn nói: ‘Một người có mắt mô tả màu sữa cho một người mù.’ Chỗ nầy cho thấy rằng chân lý có thể được thuyết giảng. Kinh Pravara-devaraja- pariprccha (Thắng thiên vương bát nhã ba la mật đa kinh) nói: ‘Mặc dù một câu đà la ni thiếu văn tự, tuy vậy, văn tự diễn tả một thần chú.’ Chỗ nầy cho thấy rằng chân lý tương đối có thể được thuyết giảng. Ngoài ra, Như Lai luôn dựa vào nhị đế khi thuyết pháp.’ Ngài Duy Ma Cật nói: ‘Ly khai tướng văn tự đồng với giải thoát.’. Như vậy, thuyết tức không thuyết. Kinh Ðại Niết Bàn nói:
‘ Nếu một vị Bồ Tát hiểu được rằng Như Lai chưa từng thuyết pháp, thì chính vị Bồ Tát nầy đã nghe được pháp rất nhiều.’. Kinh Visésacintabrahma- pariprcchà (Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh) nói: ‘Phật và môn đồ thường ở hai trạng thái, khi nói, khi lặng thinh.’ Kinh Pháp Hoa nói: ‘Hoặc đi hoặc đến, hoặc đứng hoặc ngồi, Thế Tôn thường ban mưa pháp vi diệu’. Kinh nầy cũng nói rằng: ‘Nếu người muốn tìm gặp pháp Phật, hãy thường theo gặp kẻ thường xuyên nghe pháp’, và ‘thiện tri thức’ là nhân và duyên quan trọng đưa đến chứng ngộ, vì người nầy hoán đổi, đưa đường, và giúp hành giả nhìn thấy Phật’. Kinh Niết Bàn nói: ‘Mây mưa sấm chớp giữa hư không tuôn tràn hoa báu’ Làm thế nào pháp lại không thể được thuyết giảng?.
{3b2} Nếu một người cho rằng nói và lặng thinh là hai điều trái nghịch, thì ngườI ấy đã không hiểu được ý nghĩa của giáo, và đã mất dấu chân lý (li). Bởi vì, không có pháp tách biệt với thuyết, và cũng không có thuyết tách biệt với pháp, thuyết và không thuyết đồng như nhau. Không có hai, cũng không có sự khác biệt ở giữa những điều nầy; thế giới hiện tượng (shih) như phô bày, không phải là có thực.
Người đại bi thuyết giảng vì nhủ lòng thương những kẻ chưa từng nghe được pháp. Ví như ánh trăng đã ẩn sau rặng núi xanh kia, mà người đưa lên một cái quạt tròn để bắt chước; hoặc như gió đã ngừng mà người cố rung cây để diễn tả việc làm của gió. Ngày nay tâm trí con người cạn cợt, có được cái nhìn thâm sâu là cả một sự khó khăn. Nhưng vớI con mắt nương qua hình tướng, người ấy có thể thấy được, và văn tự được ghi lại khiến cho dễ hiểu. Tuy vậy, nếu một người làm thương tổn cái hiểu của chính mình vì tự trói buộc vào văn tự, thì người ấy phải biết rằng chính bản văn không phải là sự thực tuyệt đối. Hội nhập vào được chỗ thấy rõ rằng tất cả chữ viết không thuyết phục mà cũng chẳng không thuyết phục, thì người ấy mới đến với cái hiểu toàn diện suốt một bản văn. Với ánh sáng của nguyên lý như thế đó, ba tác phẩm nói trên đã được dùng để mở ra cánh cổng, qua đó chân lý tuyệt đối được chứng đắc.
{3b10} Những lời nầy hoàn tất sự giải thích ngắn gọn về nguồn gốc của tác phẩm Maha Chỉ Quán.
—
VIÊN ÐỐN CHỈ QUÁN
MAHA CHỈ QUÁN: PHÁP MÔN VIÊN ĐỐN – THIÊN THAI TRÍ KHẢI
Neal Donner & Daniel B. Stevenson biên soạn
Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
NXB Phương Đông, 2009
—🍀☀🍀—
Ảnh : Thác nước Núi Thiên Thai
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS