SHARE:
Khi Đức Phật còn tại thế, Đức Phật chuyển pháp luân, khi Đức Phật diệt độ, ai là người chuyển pháp luân?
Trong luận Đại trí độ có nói: “Có năm hạng người có thể giảng pháp. Một là, Đức Phật tự tuyên nói pháp; hai là, đệ tử Phật nói pháp; ba là, người trời nói pháp; bốn là, chư thiên nói pháp; năm là, biến hóa thành người nói pháp”. Vì vậy, là đệ tử Phật, mỗi người chúng ta ai cũng có trách nhiệm, bổn phận chuyển bánh xe pháp. Phàm là Phật thuyết, người thuyết, tịnh hóa thanh tịnh, chân thiện mỹ, tất cả đều là Phật pháp, đó đều là những nghĩa lý mà chúng ta cần phải truyền bá.
Hiện nay tín chúng đệ tử làm thế nào để chuyển bánh xe pháp? Ví dụ, mời thiện hữu tri thức đến để giảng kinh, truyền giáo hay tổ chức các buổi tọa đàm, mời các học giả, các giáo thọ sư, các vị doanh nhân trong xã hội đến để diễn thuyết, kể những câu chuyện về đạo hay đưa ra một vài thí dụ, giảng một số thành ngữ, đó đều là thỉnh chuyển pháp luân, truyền bá chính pháp. Ngoài việc tổ chức các buổi diễn giảng Phật học, chúng ta cũng cần phải quý trọng người tài, những người có chuyên môn, mời họ truyền bá Phật pháp. Ngoài ra, có thể sáng lập tòa báo, đài truyền hình, nhà xuất bản, tạp chí, nơi giảng pháp, xây dựng trường học, v.v. đó đều là những việc giúp chuyển bánh xe pháp. Sau đây tôi sẽ đưa ra các chủ trương hiện đại để vận chuyển bánh xe chính pháp.
☀ 1. Biên soạn sách tham khảo
Biển Phật pháp rộng lớn chúng ta không thể biết hết trong một sớm một chiều. Nếu có các loại sách tham khảo Phật học sẽ trợ giúp cho chúng ta trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về giáo nghĩa thâm sâu huyền diệu của Phật pháp. Vì vậy, thời nay có rất nhiều học giả và chư tăng, đại đức biên soạn các loại từ điển Phật học như, năm 1921 có ông Đinh Phúc Bảo biên soạn Phật học Đại từ điển, năm 1931 có ông Tiểu Dã Huyền Diệu (Ono Genmyo) học giả người Nhật biên soạn cuốn Phật thư Giải thoát Đại từ điển, năm 1936 có ngài Vọng Nguyệt Tín Hưởng (Mochizuki Shinkō) và các cộng sự soạn Vọng nguyệt Phật giáo Đại từ điển, năm 1962 Nhà xuất bản Phật Quang xuất bản cuốn Trung Anh Phật học Từ điển, Năm 1988 Phật Quang Sơn biên soạn cuốn Phật Quang Đại từ điển, năm 1994 ông Lam Cát Phú chủ biên cuốn Trung hoa Phật giáo Bách khoa toàn thư. Việc biên tập và xuất bản những bộ từ điển Phật học này giúp ích rất nhiều trong việc chuyển bánh xe pháp.
☀ 2. Thành lập Nhà xuất bản Phật giáo
Các điển tịch Phật giáo tuy rất nhiều, nhưng có một số văn từ rất khô khan khó hiểu, lại quá nhiều khái niệm chuyên môn, nghĩa lý vì diệu thâm sâu. Nếu như có thể đem hết các nghĩa lý thâm sâu này, giảng giải theo hình thức văn học hiện đại, mục đích giúp câu văn vừa sáng nghĩa vừa dễ hiểu, như vậy mới giúp ích cho việc lưu truyền Phật pháp. Hoặc chúng ta đem những câu chuyện thí dụ trong Phật giáo xuất bản với hình thức truyện tranh, làm cho mọi tầng lớp già trẻ có thể dễ dàng tiếp cận Phật pháp, đó đều là những cách tiện lợi để học Phật. Có thể nói, việc thành lập Nhà xuất bản Phật giáo là cách truyền bá giáo lý hiện đại với nhiều hình thức đa dạng khiến cho tất cả chúng sinh, trình độ nào, căn tính nào cũng đều có thể tiếp nhận được Phật pháp.
Từ Lưu Ly Kinh xá, Nhà sách Kiện Khang, Nhà sách Thụy Thành, nơi Phục vụ Văn hóa Phật giáo của Đài Loan (Trung Quốc) từ 60 năm trước, cho đến Nhà xuất bản Phật Giáo hiện nay đều có công lao rất lớn trong việc vận chuyển bánh xe pháp. Ngoài ra, có Hứa Viêm Đôn, Đổng Chính Chi, Chu Bang Đạo, Lý Hằng Việt, Trần Tuệ Kiếm, Lưu Quốc Hương, cha con Chu Tưởng Nguyên và Chu Kỳ Xướng, Lý Thế Kiệt, Lạc Sùng Huy, Lý Thiêm Xuân, Tăng Phổ Tín, v.v. họ đều là những người đã cống hiến rất nhiều đối với việc hình thành ngành xuất bản in ấn của Đài Loan (Trung Quốc), xây dựng một tiểu thế giới văn hóa Phật giáo phát triển thật đáng để chúng ta học tập.
☀ 3. Tạp chí và báo chí
Thành lập tạp chí, báo chí Phật giáo để đưa tin tức Phật giáo đến với người đọc một cách thường xuyên cũng là một phương thức vận chuyển bánh xe pháp. Từ năm 1949 đến nay, đã có rất nhiều nhân sĩ nhiệt tâm kế thừa và sáng lập các trang Tạp chí Phật giáo. Như, Đại sư Thái Hư sáng lập Tạp chí Hải Triều Âm, Âu Dương Tiệm sáng lập Tạp chí Nội học, Pháp sư Đại Tỉnh sáng lập Tạp chí Hiện đại Tăng già, ngoài ra còn xuất bản các ấn phẩm như: Nhân hải đăng, Sư tử hống, Đài Loan Phật giáo, Nhân sinh, Bồ đề thụ, Tạp chí Phổ Môn, Nhân gian phúc báo, v.v.
Những bài báo và tạp chí này đã thu hút rộng rãi tín chúng Phật tử theo về với đạo Phật, cũng giáo dục họ làm thế nào để có thể thâm nhập Phật pháp, khiến cho mọi người có được cuộc sống yên ổn không lo sợ khi sống trong thời đại biến chuyển bất an này. Có thể nói, việc xuất bản các tạp chí Phật giáo đã có cống hiến rất to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp.
☀ 4. Âm nhạc Phật giáo
Đài Loan (Trung Quốc) vào những năm 1950, Phật giáo không có địa vị lớn trong xã hội, người dân cho rằng Phật giáo cổ hủ đã bị tụt hậu, cho nên không có thanh niên nào tin theo Phật giáo. Năm 1953, việc thành lập Đội âm nhạc Phật giáo Nghi Lan đã thu hút một số thanh niên trẻ đến chùa Lôi Âm để tham gia hát những ca khúc Phật giáo, đồng thời tạo ra những vị Tăng ni kiệt xuất cho Phật giáo như, Pháp sư Từ Huệ, Pháp sư Từ Dung, v.v. Về sau chúng tôi thành lập Đoàn Xướng tụng Phật Quang Sơn để xướng tụng lời của chư Phật, Bồ tát ngay trên Phật điện, không chỉ như vậy những lời xướng tụng đã được chúng tôi đưa đến hội trường thính phòng của các quốc gia trên thế giới để cho những người thuộc các nền văn hóa và chủng tộc khác nhau nghe và thưởng thức. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức các hoạt động “Nhân gian âm duyên”. Duyên âm nhạc trên nhân gian, biểu diễn âm nhạc Phật giáo ở khắp nơi khiến cho mọi người ở trên toàn thế giới đều có thể nghe hiểu và tham gia sáng tác những ca khúc Phật giáo. Một ví dụ khác, ở Philippin Đoàn xướng tụng Phật Quang đã dựng lên vở nhạc kịch về câu truyện của Đức Phật với kịch bản dựa trên câu truyện Phật Thích Ca Mâu Ni, sau đó đoàn xướng tụng Phật Quang mời những thanh niên trẻ của đạo Kito đến diễn xướng. Đoàn xướng tụng Phật Quang đã đi lưu diễn ở Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, nhiều ca khúc Phật giáo và nhiều vở nhạc kịch đã làm cảm động hàng ngàn, hàng vạn khán giả. Có thể nói, âm nhạc là một phương tiện giúp chuyển bánh xe chính pháp rất thiết thực nên chúng ta không thể xem nhẹ.
☀ 5. Phương tiện truyền thông băng đĩa
Phật giáo đã khéo vận dụng các thí dụ, ngụ ngôn, câu chuyện ngắn, các hình thức văn học để nói lên giáo nghĩa Phật pháp. Nếu như chúng ta có thể đem kinh văn ở trạng thái tĩnh, biến thành những bức họa ở trạng thái động thì người hiện đại sẽ dễ dàng tin hiểu giáo nghĩa hơn. Ví dụ những tác phẩm như, Truyện Quốc sư Ngọc Lâm, Bồ tát Quan Âm, v.v. đã được cải biên thành phim truyền hình, Câu chuyện Đức Phật, Mục Liên cứu mẹ, Lục tổ Huệ Năng, Đại sư Huyền Trang được chuyển thể thành phim điện ảnh, Tiểu Sa di hoan hỷ nhìn cuộc đời, Câu chuyện về đệ tử Phật, v.v. đều được chuyển thành phim hoạt hình. Ngoài ra, Đài truyền hình Phật giáo cũng đã được thành lập, họ mời các bậc đại sư, thiện tri thức đến thuyết pháp, ngày ngày thông qua đài phát thanh, truyền hình để lan tỏa pháp âm, thông qua điện thoại truyền đi “pháp ngữ”. Những việc làm này đều giúp cho Phật giáo ngày càng được đa nguyên hóa, hiện đại hóa, hấp dẫn lôi cuốn các tầng lớp nhân sĩ trong nhân gian. Đây cũng là một loại hình thức hiện đại để chuyển vận bánh xe chính pháp.
☀ 6. Nghệ thuật thư pháp và hội họa
Nghệ thuật thư pháp và hội họa có thể làm thăng hoa tâm thức, giúp cuộc sống chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Từ xưa đến nay, Phật giáo và nghệ thuật luôn có sự kết hợp mật thiết, chẳng hạn như các bức bích họa nổi tiếng của Trung Quốc ở động Đôn Hoàng, động Long Môn, động Vân Cương, động Mai Tích Sơn, Chùa Bình Linh – huyện Củng, núi Thiên Long, núi Hưởng Đường, Đà Sơn, núi Vân Môn, v.v. đó đều là hình mẫu nghệ thuật, niềm tự hào của người Trung Quốc. Có những ngọn núi và nhiều chùa cổ vang danh trong giới nghệ thuật vì lưu trữ những bức tranh của các danh họa nổi tiếng. Phật Quang Sơn cũng thành lập Phòng triển lãm Văn hóa Phật giáo và Viện bảo tàng Mỹ thuật Phật Quang, v.v. nhằm triển lãm các bức tranh, thư pháp, đồ sứ, điêu khắc nổi tiếng từ xưa đến nay, cho đến các tác phẩm của thời hiện đại hoặc đem những câu kệ câu thiên ngữ viết thành bức thư pháp, đem kinh văn chuyển thành nghệ thuật trưng bày, v.v. Những điều này khiến cho mọi người thông qua nghệ thuật mà hiểu rõ hơn về nội hàm tinh thần Phật giáo, cũng là nâng cao phương thức hoằng pháp độ sinh, một pháp môn quan trọng để truyền bá giáo pháp, truyền bá chân lý.
☀ 7. Diễn đàn học thuật
Chúng ta cần tổ chức “Hội thảo học thuật Phật giáo” cho phép các học giả, giáo sư cùng nhau nghiên cứu Phật pháp; tổ chức “Diễn đàn Phật giáo thế giới” để các giai cấp tầng lớp nhân sĩ trong xã hội cùng nhau nghiên cứu thảo luận Phật pháp; tổ chức “Hội đọc kinh Phật”, để mọi người trong xã hội đến đọc kinh và bàn luận những kinh nghiệm cá nhân của họ trong việc học Phật; tổ chức “Hội trại thanh niên quốc tế sinh mệnh thiển” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên trên khắp thế giới đến đàm luận về đạo Phật; tổ chức “Hội Thiếu nhi đọc kinh” để các em thiếu nhi hiểu về Phật pháp ngay từ khi còn nhỏ. Tổ chức các buổi hội nghị, các diễn đàn sẽ giúp cho hàng đệ tử Phật trên toàn thế giới có cơ hội được trao đổi học tập cùng nhau, đó cũng là cách chuyển bánh xe chính pháp.
☀ 8. Thư viện, giảng đường
Chân lý giải thoát cứu đời của Phật giáo dù có tốt đến đâu, nếu không có nhân tài, không chú trọng việc giảng dạy truyền pháp thì không thể phổ biến rộng rãi. Vì vậy, thành lập các thư viện, giảng đường, đào tạo những người giỏi hoằng truyền Phật pháp, chúng ta mới có thể chuyển vận bánh xe chính pháp. Vào năm 1907, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã thành lập Giảng đường học Phật “Tình xá Kỳ Hoàn” mở ra hướng nghiên cứu chuyên sâu học thuyết của các tông phái, đồng thời đào tạo ra nhiều nhân tài như: Đàm Tự Đồng, Âu Dương Cảnh Vô, Chương Thái Đàm, Đại sư Thái Hư, v.v. Năm 1922, Âu Dương Cảnh Vô cũng sáng lập ra “Nội Học viện China” ở Nam kinh và lần lượt đào tạo nên rất nhiều học giả về Phật pháp như: Lữ Trừng, Thang Dụng Đồng, Vương Ân Dương, Hoàng Sám Hoa, Hùng Thập Lực, v.v. tất cả họ đều cùng mục đích là chuyển bánh xe chính pháp. Cho đến ngày nay có “Thư viện Vân Hồ”, “Thư viện Kim Lăng”, v.v. đều là những nơi thúc đẩy việc học tập, đọc sách và nghiên cứu Phật pháp trong xã hội. Tôi hy vọng rằng, có thể đào tạo thêm nhiều nhân tài cho Phật giáo, để bánh xe Phật pháp chuyển mãi không ngừng.
☀ 9. Hoằng pháp thông qua hoạt động thể thao
Nhà Phật có câu kệ rằng: “Phật dùng một âm thanh mà thuyết pháp, chúng sinh tùy theo mỗi loại mà tự có sở đắc pháp”. Phật có tám vạn bốn ngàn phương pháp độ hóa chúng sinh, trong thời đại đa nguyên hóa hiện nay, Phật giáo có thể vận dụng hoạt động thể thao để hóa độ chúng sinh. Ví dụ như, huấn luyện một đội bóng xuất sắc, đi đến khắp nơi trên thế giới để đá bóng, như vậy nhờ việc giao lưu quốc tế mà có thể tăng cường tài năng trẻ cho Phật giáo, giúp Phật giáo có chỗ đứng trong thể thao. Phật giáo cũng có thể tổ chức các đội bóng rổ, bóng chày, bóng đá, v.v. thông qua thể dục để chuyển bánh xe pháp, dẫn dắt nhiều người học Phật thích hoạt động thể thao, nâng cao thể lực.
☀ 10. Phát động phong trào hỗ trợ ấn tống kinh sách
Trong quá khứ khi những điển tịch Phật giáo chưa được phổ biến, có rất nhiều cao tăng, đại đức khởi xướng việc in ấn kinh điển Phật giáo, các ngài mong muốn thông qua việc làm này nhằm kết duyên với đại chúng, vì thế rất nhiều cư sĩ tại gia tình nguyện đứng ra phát tâm hỗ trợ việc in ấn. Cũng bởi nhân duyên đó, nên những trang cuối của mỗi cuốn kinh đều phương danh tên tuổi của thiện nam, tín nữ hỗ trợ việc ấn. Những thiện nam, tín nữ này cũng được xem là người chuyển bánh xe pháp. “Nguyệt báo” mỗi tháng một kỳ đều có một hàng phương danh công đức những người hỗ trợ in ấn, sự tài trợ của họ đã giúp chuyển bánh xe pháp của Phật giáo tại Đài Loan (Trung Quốc) và tạo điều kiện xây dựng nên Công thương nghiệp Trí Quang, Phật học viện Thọ Sơn, Học viện Phật giáo Đông Phương và Phật Quang Sơn, đó thật là công đức vô lượng. Hiện tại, tờ “Nhân gian phúc báo” mỗi tháng đều xuất bản chuyên mục phương danh công đức của cả triệu thành viên chấn hưng giáo dục và hỗ trợ cho tờ “Nhân gian phúc báo”, cảm ơn những người phát tâm hộ trì, tài trợ giúp chuyển bánh xe pháp, khiến cho sự nghiệp Phật giáo được phát triển không ngừng.
Như trên chúng tôi đã nêu ra nhiều phương tiện giúp người Phật tử hiện đại có thể chuyển bánh xe chính pháp, đó là những phương tiện thiện xảo truyền bá chân lý giúp giáo lý Phật giáo có thể phổ biến và hòa nhập vào đời sống của mỗi gia đình trong xã hội.
Nhưng chúng ta cũng không nhất định chỉ trông chờ vào Đức Phật hay một vị cao tăng, đại đức nào chuyển bánh xe pháp cho chúng ta. Mỗi người chúng ta phải tùy thời gian, hoàn cảnh, tùy địa điểm đều có thể tự chuyển bánh xe pháp; tùy nhân duyên, tùy hỷ, bố thí pháp cho người khác. Tôi hy vọng mỗi người đệ tử Phật đều có thể tự giác tỉnh, tự mình là chân lý, chỉ cần chúng ta nghe hiểu Phật pháp, y theo giáo pháp mà tu hành thì tự mình có thể chuyển bánh xe pháp và truyền bá chân lý. Cho nên, mỗi người chúng ta hãy nên bắt đầu từ chính bản thân, tự mình chuyển bánh xe pháp, khi mình đã chuyển thì thế giới sẽ theo đó mà chuyển, khi ấy chúng ta còn phải lo Phật pháp không được hoảng truyền nữa sao?
—🌺🌺☘—
ĐẠI SƯ TINH VÂN
Trích: Mười Đại Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền, NXB. Dân Trí
Chân Như Pháp dịch
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS