SHARE:
KHI BHADDA KAPILANI (Mỹ Hạnh) còn nhỏ, cô bé đã chứng kiến sự đau khổ của sâu bọ bị quạ ăn và phát nguyện không bao giờ kết hôn, mà sẽ sống như một người xuất gia.
Cùng ngày hôm đó, ở một nơi xa xôi, một cậu bé tên là Mahakassapa (Đại Ca Diếp) đã nhìn thấy những con sâu bị chim ăn trên một cánh đồng mới cày. Cậu tràn ngập lòng thương xót và phát nguyện một ngày nào đó trở thành một nhà sư. Cậu cũng nguyện rằng mình sẽ không bao giờ kết hôn. Điều này khiến cha mẹ cậu buồn lòng, vì vậy cậu đã lập một giao ước với họ. Cậu đúc một bức tượng vàng của một thiếu nữ tuyệt đẹp và hứa với cha mẹ rằng nếu tìm được một người phụ nữ giống hệt bức tượng, cậu sẽ cưới nàng ấy. Những người mai mối đã được cử đi khắp nơi, tìm kiếm một sự xứng đôi giống như đúc, và Bhadda đã được tìm thấy.
Trước khi kết hôn, Bhadda và Mahakassapa đã thỏa thuận rằng họ sẽ sống đời giữ giới và cùng nhau từ bỏ thế gian. Sau khi kết hôn, họ cắt tóc cho nhau, mặc áo choàng và bắt đầu lên đường sống cảnh không nhà.
Mahakassapa gặp Đức Phật và thọ giới, sau này trở thành một vị A la hán và là người lãnh đạo trong tăng đoàn. Năm năm sau, khi Mahapajapati (Kiều Đàm Di) thành lập giáo đoàn ni, Bhadda thọ giới, cũng trở thành một vị A la hán.
Bhadda đã viết một bài thơ:
Nhìn trần gian khổ lụy, đôi ta rời khỏi
và giờ đây cả hai thoát tâm tà ám.
Nguôi đi những dục vọng, chúng ta tìm thấy giải thoát;
Nguôi đi những dục vọng, chúng ta tìm thấy tự do của mình.
🍂 SUY NGẪM CỦA JACQUELINE MANDELL
Hành trình ba năm đầu tiên của tôi vòng quanh thế giới bắt đầu vào năm 1971, ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi đã đi bằng đường bộ từ Châu Âu qua Trung Á đến Ấn Độ trên những chiếc xe buýt ọp ẹp và những chuyến tàu đêm, qua những nền văn hóa, ngôn ngữ và phong tục xa lạ. Khi tìm kiếm sự tự do, tôi không biết về sự mạo hiểm sâu kín bên trong đang đợi tôi phía trước. Những vị tổ sư thông thái của Phật giáo chẳng mấy chốc sẽ dẫn đường cho tôi.
Tôi từng bước qua các cổng của khóa tu thiền Phật giáo đầu tiên của mình tại Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ, được chuẩn bị duy nhất với lời khuyên này từ một người bạn: “Hãy làm theo các chỉ dẫn của những vị thầy, thức dậy sớm, tham gia tất cả các buổi thiền, tuân theo thời khóa biểu tu tập và đừng chú ý đến bất kỳ ai khác. Hãy nhất tâm và tinh tấn”.
Vào sớm mai ngày đầu tiên, khi vầng trăng vẫn còn sáng trên bầu trời, tôi ngồi trên tọa cụ của mình trong thiền đường yên tĩnh thiền định đến sáng trong khi sương mù nhẹ nhàng bốc lên bên ngoài. Sau đó, vào một đêm trăng tròn, tôi ngồi cho đến bình minh dưới cội cây Bồ Đề tại Tháp Đại Giác, khi sự hiện diện tĩnh lặng của thánh địa giác ngộ le lói với một cách sống mới.
Tôi bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều vị tổ sư tâm linh mới, trong số đó có Bhaddha Kapilani và Mahakassapa. Tôi cảm kích hai vị đã lĩnh nhận những rủi ro gây tranh cãi trong việc theo đuổi sự giác ngộ của mình. Biến sự giác ngộ trọn vẹn thành hiện thực là sự ưu tiên quan trọng nhất, những đệ tử thân cận của Đức Phật này, với đức tin vững vàng, đã truyền cảm hứng cho vô số hành giả qua các thế hệ. Bhadda Kapilani và Mahakassapa đã lựa chọn, ngay từ khi còn rất trẻ, để định hướng cuộc đời của mình với mục đích theo đuổi sự thật cao quý thứ ba của Phật giáo: chấm dứt đau khổ. Tôi đã học được trong khóa tu đầu tiên của mình rằng khát vọng này mang lại cho chúng ta lòng can đảm để bước đi trên con đường giải thoát khỏi đau khổ, đó là sự thật cao quý thứ tư.
Bhaddha Kapilani và Mahakassapa là hai trong số những vị tổ sư Phật giáo giác ngộ lỗi lạc nhất. Vào thời điểm các chuẩn mực xã hội bất biến, những người trong giai cấp của họ được trông đợi tiếp bước truyền thống trách nhiệm gia đình, nghĩa vụ người dân và quản lý đất đai. Thay vào đó, mỗi vị đã chọn đi theo một con đường khác với cha mẹ mình.
Điều gì đã truyền cảm hứng cho cặp đôi? Vào đúng thời điểm Đức Phật giác ngộ dưới cội cây bồ đề, hai đứa nhỏ biết cảm thông, sống ở những vùng khác nhau, cùng lúc nhìn sâu vào bản chất bất toại nguyện của cuộc đời. Sau đó, hai người sẽ truyền sự tự tin cho nhau, bên nhau, từ bỏ các sở hữu nhà cửa và đất đai. Ý nguyện kiên định đã thúc đẩy hai vị lãnh đạo cổ đại này đi vào con đường tự do đích thực của họ.
Sự kiện hiếm hoi được tiếp nhận giáo lý từ Đức Phật, phối hợp với ý nguyện cá nhân mạnh mẽ, đã tạo ra điều kiện lý tưởng để Bhaddha Kapilani và Mahakassapa trở thành A la hán. Mahakassapa đã nhận được chứng ngộ tâm truyền tâm khi Đức Phật giơ một đóa hoa trước đại chúng, mà không nói một lời. Vào thời điểm chứng ngộ, Mahakassapa mỉm cười.
Bhaddha Kapilani trở thành ni sư thọ giới đầy đủ, A la hán và là bậc thầy giác ngộ. Ni sư có túc mạng thông – khả năng nhìn thấu nghiệp của các tiền kiếp của chính mình vang lại như trải nghiệm của Đức Phật trong đêm giác ngộ của Người. Rồi sau đó những thần thông danh tiếng của Bhadda Kapilani thấy rõ các tiền kiếp của những học trò cũng cho phép Ni sư dẫn dắt các đệ tử này bằng kỹ năng đặc sắc.
Lịch sử của Bhadda Kapilani và Mahakassapa nhắc tôi nhớ đến một khát vọng mà tôi đã ấp ủ từ khi còn nhỏ. Một trong những ký ức trước tiên của tôi là đứng trên bãi biển Đại Tây Dương ấm áp, nhìn chằm chằm về phía chân trời. Khi nhìn những tàu hàng hải vượt qua đường biên mỏng manh giữa bầu trời và biển cả, tôi nghe thấy chính mình nói: “Một ngày nào đó mình sẽ đi đến tự do”. Khi lớn lên, tôi luôn có cảm giác tiềm ẩn rằng “cuộc đời không thể chỉ có thế thôi”. Tôi không biết rằng những cảm xúc này có một cái tên: bất toại nguyện, sự thật cao quý đầu tiên của Phật giáo. Khi còn là một phụ nữ trẻ, tôi đã bắt đầu hành trình hướng đến sự tự do tối thượng.
Bhadda Kapilani và Mahakassapa có kiên cường và tư duy sáng tạo để thay đổi hoàn cảnh của họ, đi trên đường giác ngộ. Ngày nay, hành trình của họ giống như một tia sáng vô tận tiếp tục kích động trái tim chúng ta, thúc giục chúng ta hướng tới thành tựu tự do quý giá: điểm chung của chúng ta.
—🍂🍂🍂—
Bhadda và phu quân có còn là vợ chồng thậm chí khi họ vào cảnh không nhà và tỉnh thức không? Loại hôn nhân của họ là gì? Thệ nguyện đầu tiên trong bốn thệ nguyện của Bồ tát là cứu độ tất cả chúng sinh. Lời nguyện đó sẽ thay đổi như thế nào nếu bạn thực hiện thệ nguyện đó với một người khác?
—🍂💎💎—
Trích từ: “The Hidden Lamp: Stories from Twenty-Five Centuries of Awakened Women” (Tạm dịch: Ngọn đèn ẩn mật: Những câu chuyện về những người phụ nữ trí huệ trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua)
NXB. Wisdom Publications phát hành
ZENSHIN FLORENCE CAPLOW VÀ REIGETSU SUSAN MOON BIÊN TẬP
Minh Hằng dịch Việt @2024.
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS