CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

1.CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG

Giá trị của một đời người là chiều rộng và chiều sâu của cuộc đời đó. Nói cách khác, đó là sự phong phú, đa dạng và sự sâu thẳm trong đời sống của con người. Về chiều rộng, chúng ta luôn tìm cách để hiểu biết thêm, trải nghiệm thêm qua báo chí, sách; qua nghiên cứu, tiếp xúc, giao tiếp, du lịch… Chúng ta luôn trải rộng thêm những kinh nghiệm của mình về đời sống. Một số từ ngữ thường dùng chỉ điều này, đó là lịch duyệt, lịch lãm, lịch sự, lịch thiệp…

Và rồi, chúng ta không chỉ muốn kinh nghiệm và hiểu biết đời sống ở mặt rộng mà chúng ta còn muốn kinh nghiệm và hiểu biết về bề sâu. Khi uống trà hay cà-phê, chúng ta muốn thưởng thức cái hương vị đậm đà của nó, cái “hậu” của nó. Đó là về mặt cảm giác. Về mặt ý thức, chúng ta còn muốn ngồi với một vài người bạn. Và những người bạn đó biết nói chuyện, biết lắng nghe, biết cảm thông, chia sẻ thì những tách trà, ly cà phê đó càng trở nên thú vị, nghĩa là câu chuyện sẽ đem đến cho chúng ta những thông tin giá trị, sâu sắc. Trong tình yêu cũng thế, chúng ta không chỉ muốn biết về ngoại hình của người ấy, mà còn muốn biết về chiều sâu tâm hồn và nhân cách của người đó. Như vậy khi cưới rồi sống chung với nhau vài chục năm sau, chúng ta vẫn còn ngạc nhiên thích thú trong sự khám phá chiều sâu tâm hồn của người mình yêu qua các vai trò giữa đời sống xã hội.

Sự khám phá chiều rộng và chiều sâu của đời sống đã tạo nên văn hóa, văn minh của loài người. 

Kinh nghiệm của đời sống tùy thuộc vào chiều sâu và chiều rộng của mỗi cuộc đời con người. Đời sống là tất cả những gì biểu lộ, trình diện cho chúng ta qua kinh nghiệm. Đời sống là  kinh nghiệm của chúng ta về nó. Hiểu biết của chúng ta về đời sống là qua kinh nghiệm. Những tri thức khoa học cũng là những kinh nghiệm có tính khoa học về đời sống. Khi đời sống có nghĩa là những kinh nghiệm thì chiều rộng và chiều sâu của nó chỉ có thể có khi kinh nghiệm của chúng ta có chiều rộng và chiều sâu. Nói cách khác, đời sống chỉ hiển bày chiều rộng và chiều sâu của nó trước một tâm thức có chiều rộng và chiều sâu. Chúng ta thấy, ở bình diện cảm giác và bản năng thì từ một người bình thường cho đến một nhà khoa học, một nghệ sĩ, một vị thánh, tất cả đều hiểu biết, khám phá đời sống qua kinh nghiệm của chính họ. Tùy theo chiều kích của kinh nghiệm về đời sống của họ, hay nói cách khác, chiều kích tâm thức của họ mà có sự phân biệt cấp bậc, vị trí cũng như vai trò, giá trị sống của họ.

Tâm thức chúng ta quyết định chất lượng của đời sống chúng ta. Thưởng thức một bữa ăn ngon mà tâm chúng ta phiền muộn thì nhiều khi bữa ăn ấy lại là cực hình. Ăn mà tâm cứ đi đâu, lo việc gì ở đâu đâu thì còn làm sao biết được hương vị của đời sống. Tâm không có mặt ở hiện tại thì chúng ta có mắt để nhìn nhưng chẳng thấy, có tai để nghe mà chẳng nghe được âm thanh của cuộc đời, ăn mà chẳng biết mùi vị… (tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị – Đại Học). Nếu tâm ta “chẳng tại”, không ở tại đây và bây giờ, thì ta chẳng thưởng thức, cảm nhận, hiểu biết gì về đời sống cả. Để ra vài trăm đô-la để đi du lịch, cùng một tour như nhau, với một giá tiền như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách cảm nhận, thưởng thức, hưởng thụ mỗi khác. Người đi để quên nỗi buồn trong mình thì đôi khi lại buồn thêm ( Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ – Truyện Kiều). Có người sau một chuyến đi, đọng lại chỉ là “kinh nghiệm” về những món ăn, một vài hình ảnh phong cảnh và con người khác lạ. Có người cảm thụ sâu sắc hơn, trong họ sẽ có những ấn tượng khó phai về đất nước và con người ở xứ sở ấy, và như vậy, họ hiểu bản thân mình hơn. Sự khác biệt trong thưởng thức, nhận thức, cảm nhận, hiểu biết… là do sự khác biệt trong độ rộng và chiều sâu của tâm thức mỗi người. Đọc một tờ báo vào buổi sáng, có người chỉ tìm thấy ở đó vài bản tin giật gân, nhưng cũng có người qua tờ báo đó thôi, họ sống được với xã hội của mình, thế giới của mình, cảm nhận được những hy vọng và thất vọng trong thời đại mình đang sống. Chả thế mà có người nói rằng những nhà văn lớn là những người đã sống bằng thân tâm của chính họ với thời đại của họ, bởi vậy cái nhìn, tiếng nói, những vui buồn của họ cũng là cái nhìn, tiếng nói, niềm vui nỗi buồn của một thời đại, của đất nước họ.

Đời sống là sự phản ảnh, sự nối dài của tâm thức. Tâm thức mà méo mó, rối rắm, nghèo nàn, “hoang vu” thì làm sao đời sống trong kinh nghiệm cá nhân tránh khỏi những khổ đau, xung đột và cằn khô như sa mạc. Từ đó, chúng ta thấy, muốn chữa lành những vết thương của đời sống con người, đời sống xã hội, điều tiên quyết là phải chữa lành những vết thương trong tâm thức, tâm thức của con người và tâm thức của xã hội.

Giá trị của đời sống, chiều rộng và chiều sâu của đời sống là do chiều rộng và chiều sâu của tâm thức. Chất lượng của đời sống tùy thuộc phần lớn vào chất lượng của tâm thức. Sự khám phá đời sống, sự học hỏi trọn đời – như UNESCO đề nghị cho con người hiện đại – nơi đời sống tùy thuộc vào tâm thức. Tâm thức càng rộng và càng sâu thì sự khám phá, học hỏi trọn đời càng rộng và càng sâu, càng có chất lượng. Nhưng làm thế nào để tâm thức có chiều rộng và chiều sâu, mà tiềm năng của tâm thức thì vô tận, theo quan điểm của đạo Phật.

Chỉ nói riêng Phật giáo, một truyền thống tâm linh lâu đời của nhân loại, thì sự khai mở bề rộng lẫn chiều sâu của tâm thức chủ yếu dựa vào thiền định hay thiền chỉ (samatha), thiền quán (vipassana) và sự phối hợp định – quán đồng thời (dhyana); nói đơn giản hơn là chánh niệm tỉnh giác… 

Quan sát trong cuộc sống, rất nhiều người chỉ lo tập thể dục cho thân mà ít ai để ý đến việc rèn luyện, “tập thể dục” cho tâm. Trong lúc đó chúng ta luôn sống với tâm (kể cả khi thân thể này chết đi, nếu chúng ta tin vào sự tái sinh), thế nhưng tại sao chúng ta lại không dành thì giờ để tập luyện, làm cho nó lành mạnh? Tại sao chúng ta không “nâng cấp” chất lượng sống bằng cách “nâng cấp” chất lượng của tâm, nghĩa là đánh thức sự linh hoạt sống động của nó, không để nó bị “hóa thạch” trong những ý niệm và thành kiến khô cằn, không bị méo mó, tàn tật và tê liệt trong những thói quen cố chấp, trong sự loạn thần, với những hao phí mất năng lượng của tâm.

Chất lượng của đời sống chính là chất lượng của tâm. Tâm càng rộng và sâu đến mực “tối hậu” thì nó càng đến gần kinh nghiệm tối hậu. Kinh nghiệm tối hậu là kinh nghiệm về “thật tướng của tất cả các pháp” (Theo Kinh Pháp Hoa, có nghĩa là thật tướng của tất cả hiện tượng, thật tướng của đời sống), nó cũng có nghĩa là sự thỏa nguyện tối hậu, an vui tối hậu.

Chúng ta hãy đọc một bài thơ của vua Trần Nhân Tông (1258-1308), khi xuất gia, ngài đã lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là bài Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường (Thiên Trường vãn vọng):

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi hạ xuống đồng.

(Ngô Tất Tố dịch)

Chúng ta thấy đây là một bài thơ tả cảnh chiều không có gì đặc biệt. Đó là những hiện tượng mà mọi người có thể thấy, nghe, biết dù là thi sĩ hay không là thi sĩ. Nhưng là một thiền sư, hẳn “tâm tại” nên cái thấy, cái kinh nghiệm của ngài là “tri kỳ vị”, sâu rộng hơn người thường chúng ta nhiều lắm. Cái kinh nghiệm sâu rộng tuyệt vời về đời sống (một đời sống bình thường mà chúng ta cứ tự cho là mình đã thấy, đã biết), cái kinh nghiệm của một con người “tâm tại” này đã chạm đến thực tại mà chúng ta có thể gọi là Hiện Tại Vĩnh Cửu, kinh nghiệm sâu rộng đến một mức độ tâm linh về đời sống, đó cũng là cái mà truyền thống xưa gọi là Đạo.

SHARE:

Trả lời