VÒNG HOA PHA LÊ CỦA THỰC HÀNH HÀNG NGÀY

SHARE:

Vòng Hoa Pha lê của Thực hành Hàng ngày

 

LỜI KHUYÊN VỀ THỰC HÀNH HÀNG NGÀY PHỐI HỢP NGHĨA VỚI NHỮNG SO SÁNH TỪ “TRÁP BÍ MẬT CỦA KHO TÀNG TÂM QUÝ BÁU THUỘC VỀ TÍNH BAO LA KHÔNG BIÊN GIỚI”, LIÊN HỆ VỚI ĐẠI ẤN CỦA GIAI ĐOẠN THÀNH TỰU TRONG VÒNG PHÁP LAMA GONGDÜ

 

NAMO GURU DHEVA DAKINI HUNG.

Đảnh lễ cái bao la không biên giới, sự viên mãn bổn nguyên của ba thân.

 

Khi tu hành yoga Đại Ấn Con đường như là một thực hành hàng ngày không dứt, trọng yếu là có được những giáo huấn hòa trộn nghĩa với những so sánh tương tự. Bởi vì tinh túy Sugata (thiện thệ) – sự đồng nhất của ba thân – vốn ở trong dòng hiện sinh của con, lời dạy này cũng bao gồm ba phần:

  1. Giáo huấn làm lắng dịu khi không lắng dịu, như còng một tội phạm.
  2. Giáo huấn làm an định khi lắng dịu, như một người mệt mỏi nghỉ ngơi.
  3. Giáo huấn làm hoàn thiện sự an định, như một người du hành trở về nhà.

Hơn nữa, hóa thân là khi vô số tư tưởng được tịnh trừ; báo thân là không lìa khỏi trạng thái ấy và nhận biết những trí huệ là trọn vẹn; pháp thân là sự thanh tịnh không có mọi loại tạo tác của tư tưởng.

So sánh tương tự sự kiện ba thân này hiện diện tự nhiên trong một chúng sanh là một hoàng tử đi bộ lạc đường. So sánh nhận biết và kinh nghiệm ba thân qua giáo huấn phi thường của một đạo sư là nhận biết rằng hoàng tử là dòng dõi hoàng gia. So sánh thức tỉnh với giác ngộ bằng cách xác nhận nền tảng bổn nguyên và chứng ngộ sự đồng nhất của ba thân vốn hiện diện này nhờ tu hành chúng là việc hoàng tử đòi lại vương vị.

Nói chung, chúng sanh, bị trói buộc trong đủ loại ràng buộc, xoay vòng trong ba cõi sáu nẻo và chịu nhiều kinh nghiệm khổ đau không dứt. Tất cả đều do họ đi vào trong 84.000 cảm xúc tiêu cực, chúng bắt rễ từ niềm tin vào một tự ngã. Dù 84.000 pháp môn được dạy như những phương pháp để thoát khỏi quỷ dữ niềm tin tự ngã này, những điểm then chốt được chứa đựng trong một lời khuyên căn bản và sâu xa của một đạo sư.

Để giải thích, tâm thanh tịnh bổn nguyên chứa gốc rễ của tất cả hiện tượng, và tâm này gồm ba phương diện: tinh túy, bản tánh và những tri giác.

Tinh túy của tâm là pháp thân, một sự thanh tịnh rốt ráo và bổn nguyên, thoát khỏi bất kỳ dựng lập cơ cấu nào. Nhưng, không biết cái này là gì, sự không biết này tạo thành căn cứ cho xoay vòng mù quáng trong sanh tử.

Bản tánh của tâm là một cái biết sáng ngời, không bị che ám – rạng rỡ như mặt trời. Nhưng không nhận biết cái này là biểu hiện tự nhiên của tỉnh thức rõ biết – nó vừa biết vừa trống không – thì sự không nhận biết này tạo ra mê lầm, giống như một trẻ nhỏ tin rằng bóng phản chiếu của nó trong nước là một xuất hiện lạ lùng của ai khác.

Những tri giác của tâm, tất cả mọi chuyển động của tư tưởng, đều tự sanh khởi và tự tan biến bởi vì chúng sanh khởi từ trong tâm và tiêu tan trở lại trong tâm. Nhưng, không thấu hiểu nó là tự sanh khởi và tự tan biến, những tư tưởng sản sanh một chuỗi không ngừng những đối tượng và tạo thành vô số những sắc tướng của tâm thức.

Trong cách này, nền tảng căn cứ không có mê lầm, nhưng mê lầm xảy đến vì không biết cái đối trị trong ba trường hợp xảy ra. Nền tảng cơ sở không thể nhiễm ô, nhưng niềm tin nhất thời vào một tự ngã làm che tối. Trạng thái không sáng suốt và méo mó này bấy giờ rơi vào giới hạn của niết bàn (thụ động), và mặc dù niết bàn (chân thật) – trạng thái tỉnh thức rõ biết của một vị Phật – có thể hiện diện trong chính mình, nhưng không nhận biết nó thì không hiệu quả.

Để nhận biết nó, con cần những giáo huấn của một vị thầy cùng với những phương tiện thiện xảo khác nhau. Những tính cách của một vị thầy cần được biết qua bốn nhánh và ngài cần dạy nhờ vào sáu bộ cái thấy và thiền định.

Thứ nhất, với bốn nhánh, vị thầy cần làm như sau:

  • Thấu hiểu trạng thái hiện thể của mỗi người là nhánh giải thoát cho người ấy.
  • Thấu hiểu và tri giác nhiều loại trí năng như là nhánh nhận giáo huấn.
  • Áp dụng mà không mâu thuẫn với hệ thống Pháp tổng quát như là nhánh tin cậy và không mệt mỏi.
  • Bổ sung với những lời dạy từ nhiều vị thầy khác như là nhánh nâng cao.

Về sáu bộ cái thấy và thiền định, thứ nhất là sáu cái thấy và thiền định méo mó cần tránh:

  • Một cái thấy thiếu xác tín thì như một lông chim bay trong gió.
  • Một sự tu hành thiền định mà thiếu phương pháp thì như một chim kên kên gãy cánh.
  • Một áp dụng thiếu thực hành thì giống như một người dẫn đường lầm lẫn.
  • Kinh nghiệm thiếu những dấu hiệu tiến bộ thì giống như vụ mùa thu bị tàn phá bởi băng giá.
  • Hạnh nào thiếu vững chắc thì như một người mù lạc trên những bình nguyên phía bắc.
  • Một quả thiếu nhận biết thì giống như một trẻ nhỏ được cho một hộp đầy vàng.

Đây là sáu bộ cái thấy và thiền định với xác tín đến với trí huệ:

  • Một cái thấy có xác tín trạng thái tự nhiên thì giống như một chim kên kên vút qua những bầu trời.
  • Một tu hành thiền định có phương tiện thiện xảo và những điểm trọng yếu thì giống như keo mạnh dính ruồi muỗi.
  • Có những phương thuốc từ kinh nghiệm thì giống như một bác sĩ khám bệnh.
  • Kinh nghiệm có những dấu hiệu tiến bộ thì giống như một thiếu nữ nếm lạc thú.
  • Hạnh có sự vững chắc thì giống như một đinh thúc ngựa với một con ngựa mạnh, nhanh.
  • Một quả thoát khỏi hy vọng và lo sợ thì giống như một người du lịch trở về nhà.

Thứ nhất, cái thấy được so sánh với chim kên kên phải dùng cánh để vươn lên đến khi nó đạt tới bầu trời bao la nhưng khi đến bầu trời mở trống có thể vút bay không cố gắng hay không có cái gì để được. Tương tự, trong trường hợp này, con cần thiết lập sự chắc chắn trong cái thấy nhờ ba điều – những lời của bậc Điều Ngự, trí thông minh của con, và những giáo huấn của một vị thầy cao cả – cho đến khi con đã chứng ngộ trạng thái tự nhiên. Bấy giờ con có thể nghỉ ngơi trong chứng ngộ cái thấy tối hậu trạng thái tự nhiên vượt khỏi nỗ lực và có được nó trong thân, ngữ, và tâm.

Hơn nữa, hãy nhận biết rằng những đối tượng được tri giác là chính tâm con, như thấy cái gì trong giấc mộng của mình. Tương tự, hãy nhận biết rằng tâm này là trống không, giống như thấy nó là không gian trống không. Hãy nhận biết rằng tánh Không này là chẳng bao giờ sanh khởi, giống như thấy không gian ấy thì không phải vật chất cũng không có đặc tính nào có thể định nghĩa được, thoát khỏi mọi giới hạn như sanh khởi, chấm dứt, hay ở yên.

Hãy nhận biết rằng cái không sanh khởi này là tự tan biến, như thấy mọi phô diễn – như mây, sương mù – hiện ra trong khoảng không gian và rồi tự nhiên tan biến trong không gian ấy.

Khi được dạy điều này, học trò xuất sắc sẽ kinh nghiệm cái tỉnh thức rõ biết tự hiện hữu biểu lộ trong y, như mặt trời chiếu sáng trong bầu trời, và được giải thoát ngay trong đời này. Học trò trung bình sẽ an trụ nơi kinh nghiệm chứng ngộ tươi mới, vô biên và tự nhiên này, và được giải thoát qua tu hành thiền định. Không có được chứng ngộ trong dòng hiện sinh của mình, học trò kém phải tu hành shamatha như phương pháp để có chứng ngộ, và được giải thoát một khi chứng ngộ dần dần sanh khởi trong dòng hiện sinh.

Tiếp theo là tu hành thiền giống như keo mạnh làm dính một con ruồi. Là một thiền giả, con cần dính vào kinh nghiệm thiền định, không dứt. Khi làm như vậy, con cần đảm nhiệm ba điểm then chốt thân, ngữ, và tâm. Khi hiện diện rõ ràng như bổn tôn yidam, hãy quán tưởng và cầu khẩn guru ở trên đầu con. Hãy tưởng tượng hàng triệu dakini nhảy múa theo nhiều cách nơi gốc của mỗi sợi lông tóc trên thân con. Rồi gom tâm ở  mức trái tim con, và để cho thân tâm không bị trói buộc, hoàn toàn tự do. Hãy dừng mọi chuyển động và biến cố của tâm thức, và rồi chỉ an trụ. Hãy cắt đứt trọn vẹn mọi loại tư tưởng – như ý tưởng đang tri giác, trống không, hay kế hoạch – vì chúng đều là sản phẩm của tâm con. Khi áp dụng cái nhìn chăm chú của ba thân, hãy để yên trong tính tự nhiên không sắp xếp – trong trạng thái liên tục của bản tánh của tâm này, đơn giản như nó là – nó là tỉnh biết, trống không và sống động.

Khi tu hành trong cách này, luôn luôn để cho chú ý của con không xao lãng như một người mẹ mà đứa con duy nhất đang chết, không đứt đoạn như dòng chảy của một con sông, như một vị thầy bắn cung mạnh mẽ buông tên, với một tập trung cân bằng như một người xe chỉ, tự do khỏi hy vọng và lo sợ như một người điên, tự do khỏi bám chấp và điểm quy chiếu như một trẻ nhỏ, vút bay và rộng mở như bầu trời, như một hồ lớn sáng và tràn đầy, tự do khỏi sợ hãi và nhút nhát như một sư tử lảng vảng trên những sườn núi, thoát khỏi những quan niệm nhỏ bé dân thường như một ông vua cai trị đất nước mình. Tóm lại, là một thiền giả, con cần ở trong một sự bằng phẳng bao la, làm kinh nghiệm của con phù hợp với giáo huấn của thầy con, cải thiện nó cho đến khi con có được chắc chắn.

Trong những thời ở giữa hai thời thiền định, hãy nỗ lực tự giải thích những giáo lý nhân quả, và hỗ trợ chúng với những câu nói từ kinh và tantra. Hãy dùng những thí dụ để làm rõ chúng, và đọc lại cuộc đời của những đạo sư thành tựu và những câu chuyện khác, để phát khởi hứng thú và tin tưởng. Hãy dạy những phương pháp điều chỉnh trạng thái thân thể và cư xử như thế nào.

Bởi vì hạnh là quan trọng hàng đầu để làm vững chắc tu hành thiền định, hãy kéo dài thiền định bất cứ khi nào con cảm thấy thoải mái. Khi trạng thái thân thể cảm thấy khó chịu – như đau đầu, thân thể nặng nề, buồn nôn, không thích thiền định, hay tức giận – hãy làm tươi mới trong một cách hào hứng và thư giãn bằng cách để cho thân, ngữ và tâm trong sự tự nhiên. Cử động như con muốn, thiền định trong những thời kỳ ngắn nhưng nhiều lần.

Khi con đã tự làm tươi mới lại, hãy chấm dứt thời thiền khi còn đang thoải mái – chớ vào khi khó chịu. Chớ chấm dứt thời thiền khi không trong sáng hay có những chuyển động của tư tưởng mà vào khi kinh nghiệm trong sáng và không có tư tưởng. Hãy dùng thức ăn và uống hợp với thể chất, và theo chánh hạnh. Khi con giữ những điều này, con sẽ không mệt vì tu hành thiền định. Chấm dứt thời thiền khi đang tốt sẽ khiến người ta vui vẻ thực hành trở lại về sau, và cũng khiến cho những phẩm tính sẽ tiếp tục khai triển trong dòng hiện sinh của con.

Nếu xảy ra chuyện người ta lạc trong khi thực hành thiền định này, đây là điểm thứ ba: những phương thuốc có từ kinh nghiệm, như một bác sĩ khéo léo nhận dạng một căn bệnh. Vào trong mờ đục, xáo động và hôn mê là những lỗi lầm, thế nên trọng yếu là nhận biết chúng tức thì. Bởi thế hãy trừ sạch mờ đục, vươn lên khỏi trạng thái không chánh niệm, tự gom lại khi xao lãng, và làm nhẹ hơi thở khi xáo động. Tại sao những lỗi lầm xảy ra? Chúng đến từ không ở yên trong yên lặng, từ bám chấp vào nỗ lực, và từ sự giữ những thời thiền quá lâu.

Bốn nguyên nhân bị mờ đục là hoạt động, hoàn cảnh, thức ăn và áo quần. Những phương thuốc là: Nhận biết mờ đục bằng cách nhớ lại những khuyết điểm của nó và gom sự tập trung một cách mạnh mẽ. Hãy nâng cao tinh thần. Làm ấm mắt bằng lòng bàn tay, xoa nhẹ chúng. Đảo mắt nhiều lần và tập trung cái nhìn. Vươn phần thân trên để tự làm tươi mới lại. Hãy dùng những cử động này để tăng sức cho con. Ngồi trong một chỗ lạnh hơn. Chơi chủm chọe, múa, làm những bài tập yoga … Nếu con làm nhiều quá thì có mối nguy là lạc vào một thói quen xấu, thế nên quan trọng là làm tươi mới lại theo một cách cân bằng.

Hôn mê giống như một ngọn đèn bơ với bơ xấu và tim đèn bẩn, ở nơi ít không khí. Vì hôn mê khó chữa, đây là lời dạy để mở rộng năng lực của tâm: Gom chú ý trước hết vào lòng bàn chân, rồi đầu gối, rồi rốn, rồi tim, yết hầu, xương sọ, và cuối cùng đỉnh đầu. Hãy thực hành điều này dần dần cho đến khi con trong sáng. Khi trong sáng, tiếp tục cho đến khi tỉnh giác của con trải rộng khắp không gian. Rồi hãy tưởng tượng mọi sự là trống không, và tập chú vào một quả cầu bằng hạt đậu – sự hợp nhất của khí và tâm – trong trung tâm trái tim. Hãy tưởng tượng nó lớn lên dần dần và rồi chuyển thành guru của con. Sự sáng rỡ của ngài tan biến hoàn toàn vào thân con và guru tan vào ánh sáng. Rồi để cho chú ý của con an định vững chắc, không trụ vào cái gì cả, trong trạng thái mà ánh sáng này tan biến như một đám mây tan trong bầu trời. Như một thay thế, con có thể ở yên sáng tỏ và trong suốt trong trạng thái mà thân con giống như một cái lều bằng lụa trắng hay một trái bóng tròn.

Trạng thái không chánh niệm đến từ đã gò bó tâm con trong tĩnh lặng; thế nên hãy tưởng tượng con đang ngồi trần truồng trên đỉnh một núi tuyết giữa một trận bão tuyết, và giữ chú ý của con không chao động vào đó.

Tiếp đó, hãy tưởng tượng rằng tay chân trở thành một đại dương và con thấy mình trên một sợi dây mũi tàu trên mặt đại dương ấy; hay tưởng tượng con đang treo trên một sợi dây nối hai trái núi.

Trạng thái xao lãng, cũng có bốn nguyên nhân:

  • Nhiều hoạt động và công việc
  • Khinh thường những địch thủ
  • Yêu mến bạn bè
  • Xao lãng tự nhiên không có điểm quy chiếu đặc biệt nào

Những lỗi lầm này là do không xác quyết cái thấy. Đây là những phương pháp để chữa chúng:

Chớ cố gắng đè nén những trạng thái này của tâm, vì việc này sẽ không dừng chúng, và chớ theo đuổi bất kỳ ấn tượng giác quan nào. Thay vào đó, hãy tưởng tượng những quả cầu ánh sáng cỡ ngón tay cái cách thân khoảng một cánh tay ở bốn hướng, mỗi quả cầu kết nối chặt chẽ với con như thể những sợi dây cột lều. Hãy giữ chú ý không dao động vào quán tưởng này.

Tiếp đó, hãy giữ chú ý của con không dao động vào trung tâm một bánh xe cỡ gần nửa thước quay trước mặt con. Hay, trong khi tìm tâm, hãy làm công việc tìm kiếm tâm mọi nơi, trong và ngoài, và an trụ trong trạng thái không tìm thấy.

Hay khác nữa, tập chú vào đối tượng của sự xao lãng. Hay khi một tư tưởng thình lình xuất hiện, trước hết hãy nhìn vào chỗ từ đó nó đến, rồi chỗ nó ở, và cuối cùng chỗ nó đi. Bấy giờ an trụ trong sự không tìm thấy.

Hay con có thể tưởng tượng thân thể trần truồng của con bập bềnh trên mặt một đại dương phẳng lặng và rồi chìm vào trong nước. Hay con giữ chú ý vào bất cứ cái gì được ném vào một chiếc tàu bập bềnh một nửa chìm trong nước. Hay con có thể tưởng tượng con cầm một ngọn đuốc mà ngọn lửa cháy sáng đầy cả vũ trụ. Sau khi làm một tưởng tượng như vậy, hãy áp dụng một trong những cái nhìn ba thân.

Tổng quát, xáo động là cái nhẹ nhất trong những khuyết điểm ấy; nó giống như ngọn lửa của một đèn bơ xao động trước gió nhẹ. Nó có thể làm cho vững chắc nhờ cột phần dưới thân khi thực hành đại lạc của cửa dưới.

Nếu con còn không trong sáng sau khi thực hành một thực tập này, đó là một dấu hiệu thiếu nghiệp tốt, thế nên hãy nỗ lực gom góp những tích tập.

Mờ đục là một dấu hiệu đã không tôn trọng những sự vật cao cả, thế nên hãy cúng dường một sự làm sạch cho những biểu tượng của thân, ngữ, tâm giác ngộ. Hãy phát sanh sùng mộ, cầu khẩn và tán thán.

Trước thì trong sáng và rồi mờ là một dấu hiệu bị ngăn chướng bởi tính khí hy vọng và lo sợ, thế nên hãy cúng dường torma và lễ cúng, và làm những nghi thức hồi phục và sám hối. Hãy thực hiện những phương pháp để làm trong sáng những nhánh và những xâm phạm samaya.

Nếu con còn không thể nắm giữ trạng thái thiền định qua những phương tiện này, bấy giờ hãy phóng tâm thức của con vào khoảng không gian ở trên con. Tương tự, con có thể nhắm vào không gian bên trên con và trước sau, khắp cả các hướng. Đôi khi, hãy nhắm mắt và hướng vào cái ở trên đầu con.

Thỉnh thoảng, đi đến một đồng cỏ và nhìn vào không gian, hét một tiếng đinh tai, và để sự chú ý tập trung vững chắc vào một sắc, thanh, hương, vị, xúc, hay hình dáng của người nào thân hay nghịch với con. Khi con cuối cùng mệt mỏi, con sẽ có một kinh nghiêm như một bầu trời trong sáng. Hãy tiếp tục thiền định khi ở trong trạng thái ấy.

Nói chung, một người với ưu thế của khí không nên thiền định trong một chỗ gió nhiều, người với ưu thế của đờm không nên thiền định trong một chỗ râm tối, và người có những rối loạn về mật cần tránh thiền định dưới nắng.

Người với một ưu thế của khí hay người có một bệnh do lạnh cần tu hành những điểm then chốt của tummo bao gồm tinh túy và atung.(1) Thỉnh thoảng, hãy quán tưởng lửa và trừ sạch những bệnh về khí và lạnh. Khi hơi ấm đã phát sanh, hãy mở rộng nó như một cái mền mà vẫn duy trì điều độ sức nóng. Ngoài việc trừ sạch một chướng ngại, hơi ấm không cần đưa đến cực độ.

Người với một ưu thế của mật cần tu hành hình tướng trống không(2). Người với một ưu thế hơi nóng cần ở những chỗ bóng mát, tránh thức ăn và thức uống quá bổ dưỡng hay gây nóng. Chớ làm việc gì khiến đổ nhiều mồ hôi, và tránh mọi thứ căng thẳng.

Trong những cách ấy, hãy tránh mọi loại hoạt động của thân khẩu ý làm hại sự tu hành thiền định. Hãy làm mọi thứ giúp cho thiền định hay hiệu quả cho những điểm then chốt của tu hành.

Trong bất cứ trường hợp nào, để có thiền định đích thực, thiết yếu là bỏ đi sự xao lãng nơi thân, khẩu, ý. Samadhi xảy ra tự nhiên khi con thoát khỏi những xao lãng của thân, ngữ, và tâm; bấy giờ những kinh nghiệm thiền định bùng phát và chứng ngộ phi thường sanh ra trong dòng hiện sinh của con. Khó cho người không thoát khỏi những xao lãng của thân, khẩu, ý có thể đạt được trạng thái thiền định đích thực.

Trạng thái thiền định của người không được dạy nhưng thông minh thì phần lớn lạc vào những suy tính, nhưng với loại người tâm vững và sáng thì sẽ được một trạng thái thiền định phù hợp với kinh điển. Trong bất kỳ trường hợp nào, sự hòa trộn của Pháp về giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu với dòng hiện sinh đều phát khởi từ mối nối kết nghiệp của những đời trước và từ sự kiên trì trong đời này. Nó không xảy ra cho bất kỳ ai.

Thứ tư, tu hành trong cách này, kinh nghiệm có những dấu hiệu tiến bộ thì giống như một thiếu nữ nếm lạc thú. Ban đầu nó giống như nước rơi xuống từ dốc núi; tiếp theo nó giống như chảy qua một bờ sông; và cuối cùng nó giống như một đại dương yên tĩnh các bọt tiêu tan. Ban đầu nó giống như một đứa trẻ cưỡi ngựa; tiếp theo nó giống như một thanh niên ham thích cưỡi ngựa; và cuối cùng nó giống như một người lớn điều phục con ngựa của mình và có thể đi khắp nơi, lên đồi xuống đồi. Ban đầu nó giống như mặt trời bị mây che; tiếp theo nó giống như mặt trời giữa những đám mây; và cuối cùng nó giống như mặt trời trong một bầu trời trong sáng không mây. Ban đầu nó giống như nhận biết có một tên trộm; tiếp theo nó giống như khám phá một kẻ trộm; và cuối cùng nó giống như tên trộm bị còng tay.

Những kinh nghiệm của Shamatha gồm cảm nhận rằng:

  • Người ta không có một thân thể;
  • Thân thể vững chắc và không dao động;
  • Thân thể nặng xuống từ bên trên;
  • Người ta thoải mái không chút đau đớn;
  • Giống như người ta bập bềnh giữa không trung và phổi và tim đều mở như không gian;
  • Thân thể là một trống không như một thân cầu vồng trống không;
  • Không có chuyển động của hơi thở;
  • Thức thì trong lặng, rạng rỡ, chiếu sáng;
  • Tất cả những tri giác bốc hơi, trong sáng, mở trống;
  • Người ta xúc động và không chấm dứt thời thiền;
  • Khi ngồi, mọi hình dạng mờ đi;
  • Mọi hoạt động tâm thức dừng lại khiến không có tri giác;
  • Thức trong sáng như bầu trời;
  • Sáng tỏ tự nhiên không có ý niệm hay bám chấp.

Khi những điều này xảy ra, dù ban ngày hay đêm, chúng là kinh nghiệm của sự hoàn hảo trong shamatha.

Những nguyên nhân cho shamatha là:

  • Đặt nền với giới thanh tịnh;
  • Làm vững chắc nó với giai đoạn phát triển và xây dựng sức mạnh với trì tụng;
  • Và, bởi vì bản chất nó là chú ý không xao lãng, nó đánh bại những xúc cảm và tư tưởng.
  • Cuối cùng, nó được đạt đến qua sức mạnh của chú ý hoàn hảo.

Nói cách khác, tâm con ở trong shamatha đích thực khi mọi khái niệm của tư tưởng méo mó đứng lại, khi không xao lãng bởi những ý niệm, và khi không dao động khỏi chú tâm đơn nhất.

Những phương pháp này làm yên lặng một tâm không ngừng nghỉ và giam nhốt một tâm tinh nghịch, như xích một thú hoang hay một tên trộm khiến không thể cử động. Tương tự, giới hạn chú ý bằng những phương tiện khác nhau ngăn ngừa những tư tưởng khỏi lạc vào những đối tượng giác quan và tạo ra sự vững chắc.

Tóm tắt, đây là những giáo huấn của hóa thân về Pháp chân thật để làm sạch vô số tư tưởng từ tâm và làm bình lặng mọi khái niệm do tin vào một thực tại cứng đặc.

SAMAYA ]

Giáo huấn để làm vững chắc sự yên tĩnh thì giống như một người mệt nhoài được nghỉ. Do tu hành trong cách diễn tả ở trên, những kinh nghiệm xác định rằng shamatha đã hiển lộ như vipashyana bao gồm:

  • An trụ không động khỏi bản tánh không sanh khởi;
  • Xác tín thật tánh của thực tại;
  • Một thanh lọc toàn thể mọi giác quan và tri giác;
  • Một sự thoải mái lạc phúc thấm nhuần tất cả mọi phần thân thể đến độ có một cảm giác bật cười;
  • Thích thú chân thật trong tâm mọi lúc;
  • Không nghi ngờ chút nào rằng sự vật không hiện hữu và tâm không thể bị trói buộc bởi bất cứ cái gì.

Cũng có thể có cảm giác xoay khỏi bám chấp vào những hình tướng, hay cảm giác một người trong phần đầu đời đứng trên đất gồ ghề bắn một mũi tên trúng đích.

Có thể có những loại khác, như:

  • Không hề mệt mỏi thực hành Pháp, giống như không hề bị phản bội bởi một người bạn già, thân thiết;
  • Sáu căn tự do không trói buộc, như một trẻ nhỏ hay một người điên;
  • Không có tư tưởng nào có thể gây hại, như nhận dạng một tên trộm;
  • Xoay khỏi bám luyến và lười biếng, giống như một thiếu nữ nếm lạc thú;
  • Tâm không còn bám vào những xúc động thế gian; giống như một người khôn ngoan thấy một cầu vồng;
  • Hay, mỗi tư tưởng (niệm) được nhận biết là không tư tưởng (vô niệm), giống như ở trên một đảo vàng thì không có hòn đá hay đồ dơ nào được tìm thấy.
  • Những dấu hiệu khác là:
  • Những tư tưởng tan vào pháp tánh, như những bọt nước tan vào nước;
  • Thiết tha với những giáo lý sâu xa, như một bà mẹ không được thấy đứa con độc nhất một thời gian dài;
  • Khám phá tâm mình, như con là người không có một xu tìm ra sự giàu có;
  • Thấu hiểu mọi giáo lý sâu xa cách chính xác như tiếng một con chim kalapinga;
  • Lòng bi cho chúng sanh không chứng ngộ (bản tánh của tâm) phun trào tự phát như dục vọng nơi một người trẻ vừa thấy một người đàn bà đẹp;
  • Mọi hình tướng có thể thấy được nhưng không có chất thể, như chúng là những phản chiếu trong một tấm gương;
  • Mọi sự vật cụ thể – như đất, đá, cây cỏ – tan biến như chúng là một ảo ảnh lung linh;
  • Thấy những người khác và chúng sanh giống như những phản chiếu, thế nên không thương ghét ai;
  • Cảm thấy như một bầu trời không mây, nước trong, một tấm gương sáng, một pha lê không vết dơ – hoàn toàn sáng trong và không bám víu;
  • Cảm thấy thoải mái tiếp tục sau khi đứng lên;
  • Có một tin chắc khi con cảm thấy “Cả thân tâm ta đều thong dong quá!”;
  • Tâm con say mê mùi vị thiền định, nên không ao ước lạc thú giác quan nào;
  • Hay cảm thấy thỏa mãn sâu xa do xác quyết chắc chắn.

Tóm tắt, con kinh nghiệm ba tính chất của thiền định là lạc phúc, trong sáng, và không tư tưởng.

Lạc phúc gồm hai kinh nghiệm lạc thân thể và lạc tâm thức. Lạc thân thể bắt đầu với lạc trộn lẫn với những cảm xúc và rồi lạc không có những cảm xúc – một lạc thấm toàn thân, từ đầu đến ngón chân, ngoài và trong đến cuối cùng thì mỗi loại xúc chạm, hoặc nóng, lạnh hay đau đớn, đều cảm thấy hoàn toàn lạc phúc. Trong cách này, có thể có vô số loại kinh nghiệm lạc phúc. Lạc tâm thức là sự vắng mặt hoàn toàn sự không thoải mái trong tâm và bao gồm vô số loại lạc thú khác nhau.

Kinh nghiệm trong sáng là trong sáng của năm giác quan và trong sáng của ý thức. Sự trong sáng của năm giác quan được kinh nghiệm như:

  • Thấy mười dấu hiệu (như khói, ảo ảnh, ngọn lửa, đom đóm, ánh trăng, ánh sáng mặt trời, lập lòe của lửa, những quả cầu đỏ và trắng, cầu vồng và sao nhấp nháy) cho thấy sự giữ được tâm ở bên trong;
  • Thấy những loại chúng sanh khác nhau và những hình dạng;
  • Nghe âm thanh của trống lớn, hay nghe và hiểu những tiếng nói của những côn trùng nhỏ nhất và nhiều loại chúng sanh khác;
  • Ngửi mùi hương của chư thiên, long, dạ xoa … cũng như kinh nghiệm những loại tri giác siêu giác quan khác nhau qua mùi hương;
  • Nếm nhiều loại vị như thể kinh nghiệm đồ ăn thanh tịnh của chư thiên khi ăn uống bình thường;
  • Cảm nhận những cảm giác xúc chạm trong cùng cách như những người khác.

Sự trong sáng của tâm thức có thể được kinh nghiệm như:

  • Một số nhiều những khái niệm về cái cần tránh với cái chữa trị;
  • Những nội quán về mối liên kết giữa thông minh, sự phát sanh nhiều những tư tưởng, và sự liên hệ lẫn nhau của bên trong và bên ngoài;
  • Sự sáng tỏ, rõ suốt, và một vắng mặt của nặng đục;
  • Hay như cảm giác thấu hiểu mọi sự, cũng như vô số loại nội quán khác.

Ở lúc ban đầu, không tư tưởng (vô niệm) được kinh nghiệm như chú ý ở yên nơi nó được hướng đến, và rồi như sự giảm bớt các tư tưởng cho đến sự chú ý ở yên nơi nó được đặt để. Cuối cùng, có một cảm nhận như thể mọi sự hình thành tư tưởng đã chìm lặng.

Sau khi (ba tính chất thiền định là lạc, trong sáng và vô niệm) đã được nội quán bao trùm, lạc sẽ được kinh nghiệm như là nội quán rằng lạc thú là không chất thể, và như kết quả của điều ấy, sự vắng mặt của khao khát vị của nó. Trong sáng sẽ được kinh nghiệm là thấu hiểu nhân và quả, cũng như sự vắng mặt của những trạng thái xáo động và phân tán. Không tư tưởng sẽ được kinh nghiệm như sự đạt được một vững chắc không dao động.

Sau khi đã có những kinh nghiệm này, con đến điểm thứ năm: duy trì hạnh sở hữu sự vững chắc, giống như thúc một con ngựa mạnh, nhanh. Có năm loại hạnh: hạnh bao giờ cũng tuyệt hảo, hạnh bí mật, hạnh kỷ luật tỉnh giác, hạnh nhóm, và hạnh của chiến thắng toàn diện.

Trước hết hạnh bào giờ cũng tuyệt hảo là an trụ – không lìa khỏi những kinh nghiệm ở trên trong những hoạt động hàng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi – trong một cách tự nhiên thoát khỏi bám dính suốt khoảnh khắc này qua khoảnh khắc khác trong sự gặp gỡ với những hình tướng và đối tượng giác quan. Điều này giống như bầu trời vẫn không ô nhiễm dù bị mây che, hay như nước hay một tấm gương vẫn không thay đổi dù có những bóng phản chiếu đi qua chúng. Đôi khi sẽ có một tách lìa thình lình khỏi những kinh nghiệm do trở nên xao lãng, nhưng giống như nhận biết một người con đã từng biết, bấy giờ con có thể vẫn không bị xáo trộn trong trạng thái tự nhiên của tâm. Trong cách này, không cần chỉnh sửa những tư tưởng với một đối trị, mỗi tư tưởng sẽ đi hoàn toàn yên lặng hay sẽ tự nhiên tan biến, giống như những bông tuyết rơi trên một hòn đá nóng hay như những hạt mưa trên một mặt hồ.

Khi điều này đã xảy ra, con cần đi vào hạnh bí mật để nâng cấp. Điều này nghĩa là con đi đến những nới thường có các thần và quỷ – như nghĩa địa, gốc cây đơn độc … – với một phối ngẫu thực sự (karmamudra) hoặc do quán tưởng và tu hành những phương pháp để làm mạnh thêm những tinh túy tương đối, chuyển động, như được diễn tả trong những cẩm nang hướng dẫn bí mật. Qua điều này con sẽ có được kinh nghiệm lạc lớn lao tồn tại bất cứ nơi nào chú ý được hướng đến, tới mức nó thấm nhuần khắp thân; thêm nữa, những hình tướng được kinh nghiệm như lạc, và con đến chỗ chứng nghiệm chúng giống như sương, những cầu vồng, hay những đống bông gòn. Những tri giác siêu giác quan sẽ sanh khởi trong tâm con, và con sẽ có khả năng làm những phô diễn phép lạ. Khi điều này xảy ra, hãy an trụ, hoàn toàn thoát khỏi hy vọng và lo sợ, khỏi bám chấp vào thực tại cứng đặc hay kiêu căng.

Theo cái này, con cần giữ hạnh kỷ luật tỉnh giác nghĩa là trần truồng và bôi tro từ một nghĩa địa, mặc áo quần nghĩa địa và những trang trí bằng xương, lắc trống damaru nhảy múa vòng quanh, hay chạy qua nghĩa địa, thành phố và những chỗ khác để khảo sát trạng thái samadhi trước kia có vững chắc hay không. Hãy thử xem khi những người khác thấy có ảnh hưởng gì định ấy hay không. Hãy hành động một cách bốc đồng, và trong những cách ấy hãy duy trì kinh nghiệm của con.

Một khi con đã đạt được sự vững chắc trong loại hạnh này, bấy giờ hãy duy trì hạnh nhóm, nghĩa là đi đến nơi đám đông lớn, một chợ đông người, hay đến những nhà cùng đinh. Hãy hát, vui thú, và nhảy múa để mở ra sức mạnh đầy đủ của tỉnh giác, nâng cấp các giác quan, chà đạp sự rụt rè của con, nhận dạng những yếu đuối của con, phơi bày những giới hạn của con, và cắt đứt những ràng buộc và bám víu vào một thực tại cứng đặc. Vào lúc đó, dù nếu những người khác chỉ trích hay đánh đập con … mọi sự sẽ là một trợ giúp, giống như gió giúp quạt lửa thêm mạnh.

Đã được cải thiện nhờ những phương pháp này, hãy thực hành hạnh của chiến thắng toàn diện, nghĩa là chinh phục giấc ngủ bằng cách tu hành sự tỉnh thức sáng tỏ, chinh phục thức ăn bằng cách chuyển hóa nó thành rượu tiên, và chinh phục khí bên trong (lung) bằng cách chuyển hóa chúng thành khí của giác ngộ. Trong cách này, con trở thành người có được sự chiến thắng toàn diện trên mọi sự, vượt khỏi sự thiên vị đối với sinh tử hay niết bàn. Cũng như không gian siêu vượt khô hay ướt, tâm con bây giờ vượt khỏi giúp đỡ hay làm hại, đến độ con vẫn không dính dáng gì ngay cả nếu con phạm một trong năm hành động làm hại đưa đến những hậu quả nặng nề và trực tiếp lúc chết. Khi con không thực hành thậm chí mười điều thiện – phương tiện để cải thiện – khi tâm con thậm chí không tuân hành lý trí quy ước, và khi con dừng lại tám mối quan tâm thế gian, nếu mọi sự được kinh nghiệm như là trò chơi của pháp thân, bấy giờ con đã đến sự chấm dứt của các loại hạnh.

Đây là căn cứ chân thật của nội quán hay cấp độ vững chắc trong an định. Bởi vì tâm con thoát khỏi bám luyến, nó là sự đoạn đứt của nghiệp, xúc cảm, và tư tưởng. Con đã đạt đến quả, sức mạnh của hiểu biết chân thật.

Đây là những giáo huấn báo thân để vững chắc sự an định của samadhi hiện diện tự nhiên, lời khuyên làm tươi mới lại cái bị cạn kiệt, làm tiêu tan hoạt động tư tưởng tin và bám vào một thực tại cứng đặc, và làm sáng tỏ sự tỉnh thức bổn nguyên bằng cách không lìa và xao lãng khỏi nó.

SAMAYA ]

Tiếp theo là những giáo huấn làm hoàn hảo sự vững chắc, giống như một người du hành trở về nhà mình, nghĩa là quả là sự vững chắc trong chứng ngộ ở trên. Điều này nghĩa là pháp thân xuất hiện từ sự chuyển hóa của trạng thái không tư tưởng nói ở trên như là kết quả của nỗ lực tu hành. Cái này có năm phương diện của hoàn hảo:

  • Chỗ hoàn hảo là tạng bao la của Samatabhadri, sự mở rộng bao trùm khắp của pháp giới, vô tận và như đại dương.
  • Vị thầy hoàn hảo là Samantabhadra tự hiện hữu, pháp thân vinh quang của đại lạc.
  • Tùy tùng hoàn hảo là sự tỉnh thức bổn nguyên của tự biết.
  • Lời dạy hoàn hảo là một lòng bi bao la thấm khắp vượt khỏi quy chiếu khái niệm.
  • Thời gian hoàn hảo là khoảng khắc vượt khỏi mọi loại thuộc tính khái niệm.

Những cái ấy là quả hoàn hảo cho sự lợi lạc của chính mình.

Tu hành kinh nghiệm của trạng thái lạc nói ở trên khiến những báo thân xuất hiện từ sự chuyển hóa của nó. Chúng có năm cái tương đương này:

  • Chỗ tương đương là cõi Akanishtha.
  • Vị thầy tương đương là Vairochana vinh quang, tự do và siêu việt hay một heruka, một báo thân được trang hoàng với nhiều tướng chính và tướng phụ.
  • Tùy tùng tương đương là những vị nắm giữ hiểu biết và những bồ tát ở các địa.
  • Lời dạy tương đương là những giáo lý đặc biệt của những thừa lớn.
  • Thời gian tương đương là niên kỷ bổn nguyên, thời gian tuyệt hảo

Tu hành kinh nghiệm của trạng thái trong sáng nói ở trên khiến những hóa thân xuất hiện từ sự chuyển hóa của nó. Chúng có năm khác biệt:

  • Những chỗ khác nhau gồm vô số hệ thống thế giới.
  • Những vị thầy khác nhau được phô diễn theo những hình thức phù hợp với người cần học.
  • Những tùy tùng khác nhau là sáu loại chúng sanh.
  • Những lời dạy khác nhau là những giáo lý về Pháp xuất hiện qua sự gặp gỡ của những thừa khác nhau.

Tất cả những cái ấy là quả hoàn hảo làm lợi lạc cho những người khác.

Ba thân ấy là tách biệt hay không? Ba cái ấy thật ra không tách biệt trong trạng thái bổn nguyên không tạo tác của tâm, đây là thân tinh túy (svabhavikakaya).

Ba thân xuất hiện từ thân tinh túy đơn nhất như thế nào? Pháp thân thoát khỏi mọi loại dựng lập xuất hiện khi giác ngộ và thoát khỏi hai che chướng. Những Bồ tát còn có những ô nhiễm nơi hiểu biết (sở tri chướng) và do đó không thể tri giác nhiều hơn báo thân với ba mười hai tướng chánh và tám mươi tướng phụ. Những chúng sanh vẫn còn những ô nhiễm về xúc cảm (phiền não chướng) và bởi thế không thể tri giác nhiều hơn những hóa thân, chúng chỉ là một phản chiếu tương đương với trạng thái tâm thức cá nhân của họ.

Hai sắc thân (báo thân và hoá thân) có thể hiện diện cho những người còn trong sanh tử, nhưng chúng không nhiễm bụi của sanh tử. Pháp thân trụ trong một trạng thái đại bình an, nhưng nó không nhiễm bởi giới hạn của niết bàn. Đây là tại sao nó được gọi là thân của đại lạc (mahasukhakaya).

Sau chứng ngộ, trạng thái tâm của chư Phật ba thời, tâm của chúng sanh ba cõi, và nội quán của những thiền giả đều là một trong cõi giới chứng ngộ này. Điều này giống như một người du hành, trên đường trở về nhà, thoát khỏi những ý niệm đạt đến hay không đến quê nhà của mình, và khỏi ý niệm sợ hãi có những nguy hiểm sẽ xuất hiện. Tương tự, bây giờ con thoát khỏi sợ hãi sanh tử hay hy vọng niết bàn.

Đây là những giáo huấn của pháp thân trong bản tánh của tâm, thoát khỏi những thuộc tính khái niệm và vượt khỏi mọi loại thiết lập.

 

SAMAYA 

Trong cách này, con cần tiến hành những thực hành hàng ngày của con khi phối hợp nghĩa với những tương tự.

Nguyện những giáo huấn này, được trao cho đức vua hiện tại và các con của ngài để làm lợi lạc cho những thế hệ tương lai, gặp được những người tín thành với nghiệp tốt. 

 

SAMAYA.  ẤN, ẤN ẤN. 

ẤN CỦA CHE GIẤU. 

ẤN CỦA GIAO PHÓ. 

ẤN CỦA KHO TÀNG. 

DHATHIM.  ITHI. 

(1) Tinh túy là chữ âm trắng ở đỉnh đầu, còn atung ám chỉ ngọn lửa nhỏ của nội nhiệt trong thực hành tummo.

(2) “Hình tướng trống không” ám chỉ hình tướng không chất thể của một bổn tôn, sự quán tướng nó chống lại niềm tin vào nhân dạng là một thân thể vật chất cứng đặc.

SHARE:

Trả lời