ĐI XUỐNG VỚI CÁI THẤY TỪ TRÊN CAO

SHARE:

Đi xuống với cái Thấy từ Trên cao

 

NAMO GURU,

Đạo sư Padmasambhava, mà sự chứng ngộ bình đẳng ngang với Samantabhadra giác ngộ vô thượng và trọn vẹn, bậc có trong tâm tất cả mọi giáo lý về cái thấy và thiền định và không bao giờ lạc khỏi chân nghĩa. Đức Bà Tsogyal của Kharchen hỏi về những điểm then chốt để giải quyết sự đi xuống với cái thấy từ ở trên.

 

Đức Bà Tsogyal của Kharchen hỏi Đạo sư Liên Hoa: Từ đâu trước tiên sanh khởi tất cả mọi cái xuất hiện và hiện hữu, những hiện tượng của sanh tử và niết bàn?

Đạo sư trả lời: tất cả mọi cái xuất hiện và hiện hữu, những hiện tượng của sanh tử và niết bàn, sanh khởi từ những khuynh hướng thói quen đã đông cứng của sự gán tên. Có ba loại gán tên: những gán tên thuộc tâm thức, những gán tên thuộc hiểu biết, và những gán tên thuộc ngôn ngữ. Những gán tên thuộc tâm thức làm cho những tư tưởng chuyển động; những gán tên thuộc hiểu biết xây dựng nên những khuynh hướng thói quen; và những gán tên thuộc ngôn ngữ biểu hiện những đối tượng vô số khác biệt. Thế nên tốt hơn hết là con thôi gán tên.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Làm sao người ta thoát khỏi sự bám chấp vào những đặt tên?

Đạo sư trả lời: Khi con thoát khỏi hoạt động tư tưởng của việc đặt tên thuộc tâm thức, con sẽ thoát khỏi những đặt tên thuộc hiểu biết “tốt” và “xấu”. Và khi thoát khỏi đó, con cũng sẽ thoát khỏi bám chấp những tên của sự đặt tên thuộc ngôn ngữ. Do thoát khỏi vô số thói quen như mộng, con thoát khỏi sự đặt tên. Do thoát khỏi đó, con sẽ thoát khỏi sự đặt tên “trung ấm”, và thoát khỏi đó, con sẽ thoát khỏi sự đặt tên “sanh và tử”. Do thoát khỏi những cái ấy, con sẽ dừng dòng tái sanh sanh tử.

Tất cả những hiện tượng là những cái tên do tư tưởng đặt tên. Những tên ấy thì không thật nên tốt hơn là thoát khỏi sự đặt tên.

Đức Bà hỏi: Cách nào thoát khỏi sự đặt tên?

Đạo sư trả lời: Những hiện tượng của sanh tử và niết bàn – dù khi được đặt tên và khái niệm hóa, chúng xuất hiện như thích hay ghét; sướng hay khổ; như tôi, bản thân tôi, và những người khác và vân vân – tất cả tiêu tan một cách tự nhiên khi con không biến đổi tên chúng cũng không bám vào những đặt tên mà để chúng trong trạng thái tự nhiên của chúng.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Đâu là điểm gặp gỡ vượt cả chư Phật và chúng sanh?

Đạo sư trả lời: Khi không có chư Phật và chúng sanh, [trạng thái tự nhiên] thì vượt khỏi biết và không biết, vượt khỏi chứng ngộ và không chứng ngộ, vượt khỏi thật và không thật, tốt và xấu, và như thế thoát khỏi mọi loại đặt tên.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Như thế nào chúng sanh mê lầm trong sự đặt tên này?

Đạo sư trả lời: Cái ta sanh khởi từ chỗ nơi không có gì để đặt tên. Khi khuynh hướng thói quen này đối với niềm tin vào cái ta được làm cho cứng đặc, những tên được tạo thành như “cha” và “mẹ”, “con” và “của cải”, “bạn” và “thù”, “những đối tượng của các giác quan” và vân vân. Trong cách này, niềm tin vào cái ta và sự đặt tên làm mê lầm con đi vào trong sáu cõi.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Bấy giờ làm thế nào đạt giác ngộ?

Đạo sư trả lời:

Con không giác ngộ qua các pháp do chế tạo;

Con cần một pháp vượt khỏi chế tạo.

 

Con không giác ngộ qua những pháp được chỉ thị;

Con cần một pháp vượt khỏi chỉ thị.

 

Con không giác ngộ qua những pháp được giải thích;

Con cần một pháp vượt khỏi giải thích.

 

Con không giác ngộ qua những pháp được trau dồi;

Con cần một pháp vượt khỏi trau dồi.

 

Chớ làm cái gì. Chớ đi đâu cả.

Chớ nghĩ. Chớ dựng lập.

Chớ phán đoán. Chớ chú tâm.

Chớ nương tựa. chớ có mục tiêu. Chớ bám víu.

Không có cái gì cả, chỉ đơn giản an trụ.

Thậm chí chớ đặt tên cái này là “Phật”.

Pháp thân thì vượt khỏi tư tưởng, lời nói và diễn tả.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái này không phải là bản tánh của không hành động sao?

Đạo sư trả lời:

Trong khi trong bản thân nó không có vật gì cả,

Kinh nghiệm của nó là bất cứ tri giác nào xảy ra.

Trong khi nó không là vật cụ thể nào cả,

Nó phục vụ như căn cứ cho tất cả mọi sự vật.

Trong khi không có thậm chí một nguyên tử để chỉ thị nó,

Nó phục vụ như nguồn gốc của mọi diễn đạt chỉ thị.

Trong khi nó không có dính dấp hay bám víu,

Nó là nền tảng cho mọi sự.

Trong khi nó thoát khỏi mọi sanh và tử,

Nó phục vụ như căn cứ cho bệnh, lão và tử.

 

Chớ chế tạo nó. Chớ sửa sang nó.

Hãy ở yên thoát khỏi những xây dựng của thức

Như sự mở trống nguyên sơ, trạng thái bổn nguyên của con.

Sanh tử và niết bàn tan biến ngay nơi chỗ chúng hiện hữu.

Kẻ thù sâu xa nhất của con, niềm tin vào cái ta, tự nhiên chìm lặng.

Điềm báo của sợ hãi đã biến đổi thành điềm lành.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Có phải tâm là căn cứ cho những lỗi lầm?

Đạo sư trả lời:

Thiếu chứng ngộ là căn cứ cho những lỗi lầm.

Hãy chứng ngộ bản tánh của tâm là trống không trong tinh túy.

Trong pháp thân trống không và bao la này,

Không có sự nhiễm ô của những lỗi lầm có thể sống.

Như thế, chư Phật ba thời

Tỉnh thức rõ biết do chứng ngộ bản tánh của tâm.

Hãy quyết chắc rằng những lỗi lầm không có căn cứ cố hữu.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Những sự vật và tâm có phải là hai?

Đạo sư trả lời:

Những sự vật được thấy là sự phô diễn của tâm.

Nhiều sự phô diễn là trò chơi của tâm con.

Và trong khi chúng đều trống không trong tinh túy,

Những sự vật con thấy có thể tiêu tan và không cần bác bỏ.

Hãy quyết chắc rằng những sự vật và tâm không phải hai.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Phật quả có cần được hoàn thành ở chỗ nào khác?

Đạo sư trả lời:

Tất cả chư Phật trong ba thời

Chứng ngộ tự tâm vượt khỏi sanh khởi.

Từ trạng thái không sanh khởi này, các ngài thị hiện như ba thân

Và không thể thành tựu nếu lìa khỏi đó.

Hãy quyết chắc điều đó

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái gì là sự xác quyết thoát khỏi sợ hãi về thay đổi và chuyển di?

Đạo sư trả lời: Thay đổi và chuyển di là những đặt tên bởi người đời. Khi con đã hoàn thiện năng lực tự biết và luôn luôn ở trong trạng thái không biến đổi của bình đẳng vĩ đại, con có thể quyết chắc rằng không có thay đổi và chuyển di trong nền tảng.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Nơi nào chúng con tìm thấy một chỗ ở không có sợ hãi trước cái chết?

Đạo sư trả lời: Khi con chứng ngộ rằng bản tánh của tâm con không bao giờ sanh khởi, thì có vẻ như con thay đổi các thân, nhưng con không rời khỏi pháp thân trống không và sáng rỡ, bản tánh của tâm con. Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái gì là vực thẳm của sáu loại chúng sanh?

Đạo sư trả lời: Cái xuất hiện như vô số khổ đau của sáu loại chúng sanh thì không tạo ra bởi người nào khác. Nó xảy ra bởi vì con không nhận biết tự tánh của con. Chính tự tâm con làm hại chính nó. Con có thể và nên quyết chắc rằng tánh Không vĩ đại của tự tâm con thì thoát khỏi gốc rễ và nền đất của khổ đau.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Bản tánh của tâm này có thể bị nhiễm ô bởi nghiệp và những khuynh hướng thói quen không?

Đạo sư trả lời: Nghiệp và những khuynh hướng thói quen, cũng như mọi thứ đức hạnh – những tư tưởng tốt, thiền định, và những đối tượng thiền định – đều là tâm. Những tư tưởng xấu và cái tạo ra hạnh bất thiện cũng đều là tâm. Bởi vì tâm này không hề sanh khởi, và trống không, không có chất thể, mở trống không, con có thể quyết chắc rằng nó vượt khỏi sự bị ô nhiễm bởi bất kỳ nghiệp thiện hay bất thiện nào.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Có vực thẳm nào mà người ta có thể rớt vào?

Đạo sư trả lời:

Gốc rễ của sự rơi là một tư tưởng của tự con.

Chỗ rơi là một vực thẳm là chính con.

Sợ rơi là tư tưởng nghi ngờ của tâm con.

Sanh tử là hình thức mê lầm của tâm con.

Thế nên khi con thấy tâm con là sự bao la của pháp thân,

Thì những thế giới của sáu loại chúng sanh là những cõi Phật.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái thấy có thể rơi vào thiên kiến?

Đạo sư trả lời:

Cái thấy thoát khỏi những sai trệch

Bình đẳng như bầu trời.

Mọi sự là tâm và tự thân tâm thì trống không

Và thoát khỏi thiên kiến như bầu trời.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái chúng con trau dồi trong thiền định thì thực sự là tối hay sáng?

Đạo sư trả lời:

Hãy là như pháp tánh bất biến

Ở trong tinh túy trống không của tâm con.

Cái tỉnh thức rõ biết này thì không ngừng và không hai,

Và sáng rỡ như quả cầu mặt trời.

Con có thể quyết chắc rằng nó vốn không tối.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Có cái gì trong hạnh cần lấy hay bỏ?

Đạo sư trả lời:

Hạnh thì thoát khỏi cái gì phải lấy hay bỏ

Nó như quả cầu pha lê không vết nứt

Đặt trên tấm đệm lụa năm màu.

Tất cả mọi sự con làm đều trống không, bản thân tâm sáng rỡ

Chúng không được làm bởi lỗi lầm hay phẩm tính.

Tất cả cái con thấy là tự xảy ra, tự tan biến.

Con có thể quyết chắc điều này.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Có phải một quả hiện hữu là được thành tựu từ nơi nào khác?

Đạo sư trả lời:

Hiện diện trong chính con, nó không thể được hoàn thành.

Như với viên ngọc như ý quý báu,

Mọi mong muốn được đáp ứng trọn vẹn bởi chính con,

Cũng thế, Phật quả với mọi đức hạnh tối thượng

Sanh khởi từ chứng ngộ tự tâm con.

Tâm con từ sơ thủy là pháp thân tự hiện diện.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Chúng con có cần nhìn những hình tướng bên ngoài là không hoàn hảo?

Đạo sư trả lời:

Chớ tìm thấy lỗi lầm trong các vật bên ngoài;

Như sự phô diễn cá nhân, chúng không có chất thể.

Như những bóng phản chiếu trong một tấm gương,

Chúng được thấy nhưng không thật sự ở đó.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Chúng con có cần nhìn những tư tưởng của mình là không hoàn hảo?

Đạo sư trả lời:

Chớ nhìn những tư tưởng là lỗi lầm.

Như những sóng trên đại dương,

Bất kỳ tư tưởng nào có thể sanh khởi

Trong tánh Không tịch diệt vốn là tâm con

Chỉ là sự phô diễn của pháp tánh.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Chúng con có nên dựa vào những thiện căn do điều kiện, do duyên?

Đạo sư trả lời:

Những pháp được chế tạo đều là tâm khái niệm,

Thế nên mọi pháp do điều kiện phải diệt vong.

Pháp tánh, tuy nhiên, là tự hiện diện không có thời gian.

Hãy thoát khỏi cố gắng làm những thiện căn vật chất, do điều kiện.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Cái tỉnh thức rõ biết (tánh giác) bổn nguyên là biểu lộ hay biến mất?

Đạo sư trả lời:

Cái tỉnh thức rõ biết xuất hiện trong con

Bản thân nó là sáng rỡ từ sơ thủy,

Nên bản thể của nó là sáng tỏ tự nhiên, không ngoài không trong.

Cái tỉnh thức này là cái biết tự nhiên, tự hiện diện, bao la.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Nhân và quả có thể chia thành hai?

Đạo sư trả lời:

Mọi chúng sanh đều có tinh túy giác ngộ,

Những vị Phật không thời gian, không phân chia thành nhân và quả.

Không có cái gì mới để tìm thấy hay hoàn thành.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Thương và ghét cần từ bỏ?

Đạo sư trả lời:

Năm độc không cần phải từ bỏ,

Cũng như tỉnh thức rõ biết không là một vật gì để thành tựu.

Một kẻ thù không phải là một hình tướng để ghét,

Con cũng không nên tự trói buộc vào bạn bè với thương yêu.

Tâm trống không của con là người làm ra tất cả, thế nên con có thể quyết chắc rằng năm xúc cảm độc hại thì tự tan biến.

Đức bà Tsogyal hỏi đạo sư: Có phải sanh tử và niết bàn là xấu và tốt?

Đạo sư trả lời:

Bị điều kiện hoá là bản chất của sanh tử.

Bị điều kiện hoá nghĩa là không thật và vô thường.

Bản tánh của vô thường này là tánh Không.

Một cái bao la không có thời gian, trống không vượt khỏi tốt xấu.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Ba thân hiện diện trong chính mình như thế nào?

Đạo sư trả lời: Bản tánh trống không của tâm là pháp thân; sự tỏ biết của nó là báo thân, và phẩm tính không giới hạn của nó là hóa thân. Vốn thoát khỏi ba độc, con có thể quyết chắc rằng ba thân hiện diện trong con một cách bổn nguyên.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Bản tánh của pháp tánh có thể được áp dụng trong thực hành?

Đạo sư trả lời:

Khi chứng ngộ tâm, bản tánh trống không của nó,

Con thấy rằng Phật quả không phải là một nơi chốn con phải đi đến.

Cũng không đạt được bằng quy y Tam Bảo bên ngoài.

Nó là vô sanh, không có pháp được làm do cố gắng hay hoàn thành.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Chúng con có thể rớt vào sanh tử không?

Đạo sư trả lời:

Trong bản tánh trống không của tâm con,

Con không thể tìm thấy căn cứ cho sanh tử.

Gốc rễ của sanh tử, một cái thanh tịnh không thời gian,

Là cái tỉnh thức rõ biết không có mê lầm không thể rơi rớt.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Người thực hành Pháp là gì?

Đạo sư trả lời:

Trong tinh túy của tự – biết, một tánh Không bổn nguyên,

Không có người sở hữu cũng không có một thực hành Pháp nào có thể tìm thấy.

Người làm thập thiện thì vốn trống không.

Thế nên, không có người thực hành Pháp.

Con có thể quyết chắc điều đó.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Chúng con có cần dựa vào những giáo huấn cá nhân?

Đạo sư trả lời:

Tâm Phật chắc hẳn là tự tâm con

Hiện diện không có thời gian trong con, không cần tìm kiếm.

Cái biết đơn thuần của con là pháp thân;

Nó không thể được chỉ ra cho con bởi ai khác.

Con có thể quyết chắc nó không cần giáo huấn.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư: Những hành giả chứng ngộ có còn tái sanh không?

Đạo sư trả lời:

Trong bản tánh của tâm như bầu trời,

Không có lực thúc đẩy của nghiệp được tìm thấy.

Thế nên cửa vào dạ con của sáu loại chúng sanh để trống.

Những gom góp các khuynh hướng và nghiệp kiệt quệ.

 

Ba cõi sanh tử sụp đổ từ những chiều sâu của chúng.

Khối cầu đơn nhất là bản tánh của tâm con

Không có thay đổi và chuyển di, vì chúng vốn không hiện hữu.

Sanh và tử dừng dứt từ gốc rễ của chúng.

 

Nhìn thấy bản tánh không gốc rễ của a lại da

Làm bốc hơi những dòng sanh, già, bệnh, chết.

Đương nhiên nó tịnh hóa mọi chín thành của nghiệp,

Hủy hoại thành không những nguyên nhân cho sáu cõi.

 

Không từ chối nó, sanh tử tiêu tan vào chính nó.

Không hoàn thành nó, niết bàn được thành tựu.

Hòa lẫn nhau, sanh tử và niết bàn không phải là hai trong pháp thân.

Không có căn cứ cho tái sanh khác nữa.

Ngài nói như thế.

Bấy giờ đạo sư nói: Tsogyal, giáo huấn này là con đường chư Phật ba thời đi, bởi vì các ngài đều giác ngộ trong bản tánh này. Nó là con đường qua đó chúng sanh ba cõi được giải thoát, bởi vì họ tự do trong bản tánh này. Nó là sự chứng ngộ của ta, Padma, thế nên, Tsogyal, hãy giữ nó trong tim.

Nó sẽ làm cho người thiếu chánh nghiệp sợ hãi, những người có thể rơi vào những trạng thái địa ngục khi nói xấu nó. Nó sẽ là một tấm gương cho những người chánh nghiệp tốt, họ có thể đạt giải thoát khi chỉ được dạy. Thế nên, chớ truyền bá nó bây giờ, mà chôn và đóng dấu nó như một kho tàng quý báu. Ta giao phó nó cho một người sẵn có nghiệp tốt sẽ mở ra cánh cửa kho tàng.

Ngài nói như vậy.

Vòng pháp về quyết chắc này, lời khuyên về đi xuống với cái thấy từ ở trên, Đạo sư Liên Hoa ban cho Đức Bà Tsogyal, rút tinh túy của những giáo huấn bằng miệng của ngài. Bà viết nó ra ở chỗ ẩn cư trên cao của Chimphu vào ngày mười tám tháng thứ hai mùa thu năm con Thỏ.

SHARE:

Trả lời