SHARE:
NHỮNG KHO TÀNG TỪ ĐỈNH CÂY TÙNG XÙ PADMASAMBHAVA
Dịch: Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt
Ban dịch thuật: Thiện Tri Thức 2017
Những giáo huấn cốt lõi của Padmasambhava là cực kỳ quan trọng bởi vì ngài không phải là một gương mặt cổ tích hoặc một huyền thoại xa xưa. Ngài là một người có thật tiếp tục thực hiện những hoạt động tự phát, như biểu lộ là những người phát hiện kho tàng, khiến luôn luôn có một giáo lý mới mẻ không suy giảm mà người ta có thể thực hành. Điều này cũng bảo đảm rằng ảnh hưởng tâm linh và ban phước của Padmasambhava là không ngừng.
Trước khi rời Tây Tạng, ngài đã giấu nhiều giáo lý để về sau có những cá nhân đặc biệt khám phá tức là những tertӧn hay những người khám phá kho tàng đã được che giấu. Bởi vì những đổi thay và biến chuyển trong lịch sử thế giới, Padmasambhava đã giấu những thực hành đặc biệt thích hợp với những thời khác nhau trong tương lai. Những giáo lý được giấu này, những terma sẽ được phát hiện về sau bởi tái sanh tương lai của những đại đệ tử mà thường là hóa thân của chính Padmasambhava. Tính cách đặc biệt của các terma là chúng cung cấp một phương pháp để thành tựu thích hợp cho mỗi thế hệ, thời kỳ, và những người gặp chúng. Những lời dạy kho tàng ngài ban cho trên Đỉnh Tùng Xù của Ngọc trai Pha lê chứa đựng nghĩa tinh túy của hàng trăm giáo huấn như vậy.
Người kết tập những lời dạy này, Yeshe Tsogyal, là một hóa thân của một vị Phật nữ được biết là một dakini trí huệ. Bằng cách làm việc với Padmasambhava như đệ tử chính, bà có thể phụng sự cho nhân loại khi kết tập và hệ thống hóa những lời dạy quý báu này và cất giấu chúng cho những thế hệ tương lai.
Ở Kham có một câu nói, “Nói hết ra, như một cái túi lộn trong ra ngoài.” Cũng thế, trong Những Kho tàng từ Đỉnh Tùng Xù, Padmasambhava đã lộn túi của ngài trong ra ngoài – ngài đã trọn vẹn phát lộ mọi sự. Nghĩa tinh túy của hàng trăm giáo lý chứa đựng ở đây; ngài đã bày ra trọn vẹn.
Thế nên, khi học trò của tôi là Erik Pema Kunsang hỏi tôi dịch cái gì trong những câu hỏi và trả lời giữa Padmasambhava và các đệ tử của ngài, tôi nói với anh dịch mọi thứ. Con cần một sưu tập trọn bộ, và chớ loại bỏ những giáo lý về cái thấy, chớ bỏ sót chúng. Nếu con bỏ sót, những giáo lý Padmasambhava sẽ không đầy đủ.
Dù tôi không có thể thêm gì vào tuyển tập này, tôi cũng muốn trình bày một vài điểm như một trùng hợp tích cực. Trước khi chúng ta đã làm vững chắc cái thấy đúng, ban đầu chúng ta kinh nghiệm những hiện tượng sanh tử, chúng méo mó. Để kinh nghiệm trong cách đúng thật, chúng ta cần dựa vào những lời dạy của một bậc trí huệ và rồi hiện thực hóa nó trong thực hành điều chúng ta đã được dạy.
Đây là viễn cảnh truyền thống về những hiện tượng sanh tử:
Trước hết sự không hiện hữu được dạy, và tinh túy trống không được giải thích.
Tiếp theo hiện hữu được dạy và bản tánh biết được giải thích.
Cuối cùng nhất thể của hiện hữu và không hiện hữu được dạy.
Điều này nghĩa là tinh túy và bản tánh, tính thanh tịnh bổn nguyên và hiện diện tự phát, là một nhất thể trong rigpa, tánh giác. Thế nên những hiện tượng sanh tử được nói là xuất hiện trong khi không hiện hữu. Về tinh túy của chúng, chúng là không hiện hữu; về bản tánh của chúng, chúng là biểu lộ. Phương diện trống không và hiện tướng bề ngoài của những hiện tượng méo mó thì không thể tách rời. Những hiện tượng thanh tịnh, không méo mó là sự hợp nhất của thanh tịnh bổn nguyên và hiện diện tự phát. Chúng siêu vượt những đối tượng của tri giác nhị nguyên, như một cầu vồng xuất hiện trong bầu trời. Nó được thấy nhưng không có tự tánh, không có gì để nắm giữ. Đây là thí dụ để chỉ cho những hiện tượng thanh tịnh, không méo mó.
Những hiện tượng, theo tri giác chúng sanh, trở nên càng ngày càng thô nặng hơn. Những hiện tượng bắt đầu trước tiên với cõi sanh tử được gọi là Không hiện hữu cũng không vắng mặt Ý niệm (Phi tưởng, phi phi tưởng xứ). Từ đó chúng ta lạc vào ba cõi sanh tử nơi chúng ta lang thang do bám níu vào phương diện hình tướng bề ngoài. Trước hết bốn tri giác vô biên của các cõi vô sắc xuất hiện, rồi mười bảy thế giới của cõi sắc. Tiếp đó là sáu thế giới của các Vị trời cõi dục, và cuối cùng sáu loại chúng sanh.
Như những đại sư Kagyu diễn tả, “ Tinh túy tâm đồng khởi là pháp thân; hiện tướng đồng khởi là ánh sáng của pháp thân.” Ở đây hiện tướng ám chỉ những hiện tượng thanh tịnh, không méo mó. Những hiện tượng méo mó trở nên thô nặng không ngừng. Bốn cõi của tri giác vô biên là vô sắc; sắc trong mười bảy cõi trời là sắc hay một hình thức của ánh sáng. Trở nên thô nặng hơn, sắc thân được làm bằng thịt và máu trong sáu thế giới của cõi dục.
Những hiện tượng méo mó bên ngoài là bốn nguyên tố chính đất, nước, lửa và gió. Ở giữa đó, chúng ta có thịt và máu, xương, thân nhiệt, hơi thở, các hợp uẩn và những nhân tố giác quan. Tuy nhiên, mọi hiện tượng, từ sơ thủy, không có hiện hữu cụ thể. Trong giấc mộng đêm qua chúng ta kinh nghiệm vui và buồn, những xứ và nơi chốn, nhà và lâu đài … Chúng ta có thể mộng thấy tất cả mọi vật này, nhưng vừa thức dậy, cái được mộng thấy không hiện hữu nữa. Ngay bây giờ đây mọi hiện tượng chắc hẳn là do năng lực của mê lầm.
Tuy nhiên, khi đạt được sự vững chắc trong rigpa, chúng ta không mê lầm nữa; và như vậy, như một dấu hiệu của không hiện hữu từ ban đầu của mọi hiện tượng, chúng ta có thể vượt qua chúng một cách tự do. Nếu mọi hiện tượng vốn thật hiện hữu, chư Phật phải phá huỷ chúng để vượt khỏi chúng nhưng họ không cần phải làm như vậy. Những hiện tượng không có thậm chí một nguyên tử hiện hữu cụ thể, chúng ta cảm nhận chúng là do những cách thức méo mó khi kinh nghiệm. Với một chúng sanh địa ngục có ý tưởng, chẳng hạn, địa ngục có vẻ có hiện hữu vật chất. Khi thoát khỏi những ý tưởng, thì không có địa ngục thật.
Một đạo sư như Padmasambhava có thể tự do vượt xuyên qua đá và núi bởi vì sự an trụ vững chắc trong thanh tịnh bổn nguyên, trong tỉnh thức tự hiện hữu. Padmasambhava đã có nhiều thần lực kỳ diệu, như bay qua bầu trời, đi xuyên qua vật chất rắn, và trình bày mọi kinh luận và nghĩa của các tantra một cách vô ngại. Đây là những lý do khác vì sao có những ban phước lớn lao như thế khi tiếp xúc với những giáo huấn và lời khuyên của ngài.
Ở cấp độ nào đó trong tương lai chúng ta sẽ có mọi phẩm tính giác ngộ và sẽ tịnh hóa mọi che ám, và khi làm như vậy, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ vô thượng. Trước khi ấy, những chúng sanh không kinh nghiệm được lãnh vực của giác ngộ hoàn toàn. Thật diệu kỳ nếu chúng sanh bình thường có thể kinh nghiệm giác ngộ. Có nói rằng khi bạn đạt được thì không có cái gì là không thanh tịnh, không có quang cảnh, âm thanh hay trạng thái của tâm nào – thậm chí một hạt bụi. Một thiền giả thành tựu tri giác mọi sự là sự tương tục của tỉnh thức thanh tịnh; toàn bộ thế giới bên ngoài là một cung điện cõi trời và những người cư ngụ, những chúng sanh, đều có bản tánh của những daka và dakini.
Tri giác hiện thời của chúng ta chỉ bị méo mó, vặn xoắn. Khi sự méo mó được làm sạch, mọi sự trong kinh nghiệm thân chứng của người ta được thấy là thanh tịnh. Người thường không thể thấy sự thanh tịnh này, nhưng bằng cách tự trở thành một thiền giả thành tựu, bạn sẽ thấy sự thanh tịnh căn bản này. Đây là sự khác biệt giữa tri giác thân chứng và tri giác của những người khác: bạn có thể thấy những người khác là thanh tịnh bởi vì họ vốn đã thanh tịnh; nhưng do những che chướng của họ, tự họ không tri giác được sự thanh tịnh này. Đối với một thiền giả thành tựu, mọi sự ở trong và ở ngoài là sự thanh tịnh của thân, ngữ, tâm, những phẩm tính và những hoạt động giác ngộ, và một thiền giả như vậy tri giác sự bình đẳng vĩ đại của sanh tử và niết bàn.
Giác ngộ thì giống như thức dậy khỏi giấc ngủ. Suy nghĩ khái niệm tạo ra mọi tri giác và hiện tượng của đời sống hàng ngày, cũng như bất kỳ thứ gì bạn kinh nghiệm vào ban đêm được tạo ra khi ngủ. Không có gì của mê lầm hiện tại còn lại khi kinh nghiệm méo mó và mê lầm của ý tưởng khái niệm đã hoàn toàn được dẹp sạch. Những biểu lộ của những hiện tượng chỉ là sự phô diễn của ánh sáng cầu vồng. Khi không có biểu lộ, thì chỉ có không gian của thanh tịnh bổn nguyên.
Kinh nghiệm thế gian về những hiện tượng được gọi là tri giác méo mó, tri giác mê lầm của chúng sanh. Trong kinh nghiệm của người có tri giác thanh tịnh, một ngôi nhà sẽ là một cung điện cõi trời. Trong cung điện cõi trời, không có kinh nghiệm về đất, nước, lửa, gió. Mọi sự là ánh sáng cầu vồng. Kỳ diệu biết bao! Những ngôi nhà là những ngôi nhà của ánh sáng cầu vồng. Bạn không thể nói chúng không hiện hữu, bởi vì chúng có những phẩm tính biểu lộ. Bạn không thể nói chúng hiện hữu, bởi vì không có cảm thức về đất nước lửa gió cụ thể. Điều này phát hiện sự vốn không hiện hữu của chúng.
Tánh giác phải trở về không gian bên trong. Đã dần lạc trong sanh tử, rigpa phải nhớ lại những bước chân của nó và trở về thanh tịnh bổn nguyên. Những hiện tượng của thế giới và chúng sanh không có thậm chí một mảy tóc hiện hữu cụ thể. Thanh tịnh bổn nguyên không có tính cụ thể. Tất cả mọi hiện tượng của sanh tử và niết bàn biểu lộ từ không gian của thanh tịnh bổn nguyên. Những hiện tượng khác nhau của trạng thái thức đều được tri giác trong khuôn khổ của ý tưởng khái niệm. Khi bạn đặt nền trong cái biết tỉnh thức thoát khỏi những khái niệm, những hiện tượng sanh tử giống như một máy phóng chiếu phim bị rời rả. Bạn có thể sáng tạo Đại chiến Thế giới Thứ ba trong một phim, nhưng khi phim dừng, chiến tranh cũng mất.
Nhiều dấu hiệu khác nhau sẽ xảy ra khi chúng ta áp dụng những giáo lý vào hoàn cảnh riêng của chúng ta, và là tốt khi phân biệt rõ những dấu hiệu thật sự của tiến bộ trong thực hành. Chẳng hạn, đã thiền định về một bổn tôn yidam, người ta cần có một nhìn thấy vị ấy. Cũng có những dấu hiệu tổng quát của giai đoạn hoàn thiện như thấy những ánh sáng, khói, một ảo ảnh, và vân vân. Chúng ta có thể thực sự tri giác những dấu hiệu ân huệ này với mắt chúng ta.
Rồi cũng có những kinh nghiệm thiền định như nyam, nó không thực cũng không như mộng, mà đâu đó ở giữa. Chúng ta có thể có những kinh nghiệm lạc hay tánh Không. Chúng ta có thể nghĩ, “ hôm nay tánh giác của tôi thật sự kỳ diệu, trần trụi và bất biến, thoát khỏi nhị nguyên, thoát khỏi bám chấp vào những kinh nghiệm lạc, sáng tỏ, và vô niệm. Tánh giác thật không thể tin được!” Một cảm giác như vậy chỉ là một kinh nghiệm qua đi, nhưng nó là một dấu hiệu của thực hành.
Không phải mọi dấu hiệu thực hành đều tốt; một số tốt và một số xấu. Đôi khi chúng ta thấy không thể thiền định, rất khó ngồi; chúng ta cảm thấy chán nản hay tức giận – những trạng thái như vậy thuộc về những kinh nghiệm không ưa thích. Hai loại kinh nghiệm này, thích và không thích, đều là những dấu hiệu của thực hành. Nhưng bất kể cái gì xảy ra, tất cả những kinh nghiệm này chỉ là những đám mây trong bầu trời của thanh tịnh bổn nguyên. Đôi khi trời có mây, đôi khi trời không mây. Dù mặt trời chiếu qua một bầu trời không mây trang hoàng với những cầu vồng, hoặc là mưa, bão, tuyết, chúng đều chỉ là những kinh nghiệm.
Tuy nhiên, giữa những dấu hiệu thực hành, có hai cấp độ: kinh nghiệm và chứng ngộ. Dấu hiệu thật của thực hành là tâm bạn thoát khỏi bám níu, một cách tự nhiên và không khó khăn nào. Dấu hiệu tốt khác, và là một trong những thành tựu quan trọng, là khi tâm bạn cảm thấy thoải mái và nó đầy sùng mộ, đức tin và lòng bi, như bầu trời tràn ngập hơi ấm ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, sự thành tựu thật thì không ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm lạc, sáng tỏ và vô niệm, trong khi thoát khỏi hai chướng ngại cho thiền định: hôn trầm và xáo động. Hôn trầm là không thật biết tỉnh giác của bạn có trong sáng hay không; thật vậy, tỉnh giác của bạn bị che tối. Có ba loại hôn trầm: cảm thấy mờ đục, buồn ngủ, hay che tối. Cũng có ba loại xáo động: cảm thấy bị phân tán, lay động, hay tâm vắng mặt.
Tóm lại, dù một bám chấp nhỏ nhất cũng có thể làm hại thực hành của chúng ta. Cắt đứt những tư tưởng cần phải tự động, nhưng nếu chúng ta không ghi nhận rằng chúng ta đang bị che tối và thay vì thế trở nên quên bẳng, hay nếu chúng ta trở nên xáo động, tâm thấy nó không thể tĩnh lặng và chúng ta cảm thấy chúng ta không thể cắt đứt những tư tưởng. Một khi thoát khỏi sự hôn trầm và xáo động, cái thấy không bị che tối. Tỉnh giác kéo dài bao lâu tùy thuộc vào chúng ta trở nên quen thuộc với nó như thế nào.
Phương pháp hoàn hảo để làm quen nhanh chóng với trạng thái không do tạo tác của tánh giác là có lòng sùng mộ đối với các bậc giác ngộ và lòng bi đối với những chúng sanh chưa giác ngộ. Bấy giờ, như có nói, “trong giây phút của tình thương, tinh túy trống không mọc lên trần trụi.” (1) Sùng mộ và lòng bi cả hai đều là tình thương. Thân, ngữ, và tâm có thể cảm thấy tràn ngập tình thương, và bấy giờ nếu bạn nhìn vào trong, nó giống như một mặt trời không bị mây che. Đây là lý do tại sao những hành giả Kagyü và Nyingma thời quá khứ đạt được giác ngộ mà không cần học. Với cái hiểu lý thuyết ít, các vị có thể có được kinh nghiệm, sự trang hoàng vĩ đại của tánh giác. Kinh nghiệm này cần không có bám chấp nhị nguyên bởi vì kinh nghiệm mà với bám chấp thì không lợi lạc.
Nhanh chóng đạt được giác ngộ dựa vào sự tin cậy và sùng mộ đối với Tam Bảo, và lòng bi đối với những chúng sanh đều là mẹ của chúng ta. Bản tánh Không có thể biểu lộ trần trụi khi chúng ta có những cái ấy. Đây là con đường tối thượng của hợp nhất không có lỗi lầm.
Tính cách đặc biệt của Phật giáo là sự thống nhất không bị hai cực đoan thường và đoạn làm ô nhiễm. Một sự rơi vào quan điểm này hay kia là một giới hạn sẽ ngăn chặn tiến bộ trên con đường đúng. Lấy quan điểm thống nhất – tức là bản tánh của tâm vừa là trống không và biết – thì cái biết tịnh trừ cực đoan đoạn và tánh Không tịnh trừ cực đoan thường. Cái nhất thể này là cái biết trống không đầy tràn hiểu biết. Không có nhất thể này, một người sẽ nói rằng tâm là vô tận; người khác lại nói nó là không có gì cả. Lạc vào những sai lầm này, quan điểm thường và đoạn tạo ra kinh nghiệm nhị nguyên của một người tri giác và một đối tượng tri giác.
Sùng mộ và lòng bi là những kỹ thuật vĩ đại nhất, phương tiện cao trỗi nhất. Chúng tốt hơn một trăm lần so với thiền định về những bổn tôn và trì tụng những thần chú. Trong những giáo lý Đại Toàn Thiện, chúng ta thường nói rằng chỉ lòng bi và sùng mộ tự nhiên không thi thiết là quan trọng, nhưng chúng ta phải bắt đầu bằng thi thiết sự tin cậy và lòng bi.
Dù cho sùng mộ và lòng bi đã hiện diện trong tánh giác, tinh túy của chúng ta, vào lúc khởi đầu bạn cần tạo ra những cảm nghiệm về sùng mộ và lòng bi bởi vì sùng mộ và lòng bi tự nhiên không do chế tạo không hiển lộ ngay. Tuy nhiên, khi bạn không ngừng an trụ trong tánh giác, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy lòng bi với tất cả chúng sanh, nghĩ rằng, “những chúng sanh không biết bản tánh quý báu nhất này, nó như Phật quả trong lòng bàn tay của người ta!”
Sùng mộ đi cùng với những tư tưởng như “Tuyệt vời thay nếu có thể cắt đứt gốc rễ của mê lầm. Không thể tin được, cái toàn thiện này của mọi công đức, sự cạn kiệt mọi lỗi lầm này. Không có gì cao hơn tánh giác này!”. Như vậy bạn có được tin cậy.
Nếu bạn biết cách làm như vậy, bấy giờ chỉ thiền định về tánh Không là hoàn toàn đủ cho chính nó; nhưng nếu bạn không thực sự nhận biết tánh Không đúng đắn, thì chỉ qua lòng bi bạn mới có thể được hướng dẫn đến tánh Không. Để có kết quả tốt nhất bạn cần cả tánh Không và lòng bi, được gọi là tánh Không tràn ngập lòng bi.
Sùng mộ và lòng bi chân thật thì giống như sự ấm áp của mùa hè làm tan băng giá mùa đông. Nhìn vào tinh túy của sùng mộ, bạn gặp tánh giác trần trụi một cách trực tiếp. Đó là tại sao sùng mộ thì quý giá và quan trọng như vậy.
Tánh Không không có lòng bi thì không bao giờ được dạy là con đường chân chánh của giác ngộ. Nước sẽ luôn luôn là ướt. Không thấu hiểu tánh Không, không có một chúng sanh nào đạt giác ngộ. Một khi bạn thực sự chứng ngộ tánh Không, bạn sẽ tự nhiên có lòng bi và nghĩ, “Diệu kỳ biết bao nếu tất cả chúng sanh có thể chứng ngộ cái này!”
Tulku Urgyen Rinpoche
từ những lời dạy miệng được sưu tập của ngài.
(1) Một câu trích từ Nguyện vọng Đại Ấn của Karmapa thứ ba.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS