BÌNH GIẢNG KHO TÀNG CỦA TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN

SHARE:

BÌNH GIẢNG KHO TÀNG CỦA TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN

MỘT TRÌNH BÀY VỀ NGHĨA BÊN TRONG

CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN

MỞ ĐẦU

Đảnh lễ Samantabhadra Vinh Quang, bậc Toàn Thiện!

Tạng của toàn thiện bổn nguyên tự nhiên,

bậc nguyên thủy, vinh quang của sanh tử và niết bàn,

và các vị thầy, đạo sĩ, các nhà thần bí và lama,

chúng tôi lễ lạy với hoa sen đức tin ngàn cánh lung linh.

 

Bây giờ tôi sẽ giải thích Kho Tàng của Toàn Thiện Tự Nhiên,

chân lý tinh túy, giáo pháp dứt khoát, tối hậu,

chưng cất từ hạt trái tim bí ẩn của kinh nghiệm trực tiếp,

tột điểm của chứng đắc hiện thực rốt ráo.

 

Samantabhadra vinh quang, hiện diện hiển bày hoàn toàn trong nền tảng căn bản của cái ở đây và bây giờ, an trụ trong không gian kim cương bất động nhất như, chuyển bánh xe khai thị xác quyết vô song. Quả là sự bí mật sâu thẳm của toàn thiện tự nhiên. Đây là thực tại bất biến không thể nghĩ bàn của tâm thanh tịnh rigpa và hiện hữu thanh tịnh được phát lộ trực tiếp và không cố gắng, hiện diện tất yếu trong khoảnh khắc. Luận này của lời dạy bí mật được gọi là Kho Tàng của Toàn Thiện Tự Nhiên là một tổng kết những chân lý không thể đảo ngược của toàn thiện tự nhiên.

 

Thực tại không hai, trạng thái tự nhiên của hiện hữu là kinh nghiệm không có thời gian và không gian của cái ở đây và bây giờ. Phật bổn nguyên Adibuddha xanh đậm trần truồng Samantabhadra (Toàn Thiện, Phổ Hiền) tượng trưng thực tại Phật có sẳn từ trước, thực tại toàn thiện mà sự hiện diện thanh tịnh và toàn thể thì không hề có bắt đầu và chấm dứt. Ngài là một nhân cách hóa của bản tánh bất động của tâm tự biết chính mình. Từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, Samantabhadra phát lộ nghĩa quyết định trực tiếp của bản tánh thực tại không quanh co, mơ hồ hay ẩn dụ, tạm thời, mà trực tiếp theo cách của Đại Toàn Thiện tức là Dzogchen Ati.

 

“Tâm thanh tịnh” là Bồ đề tâm, bodhicitta; “hiện thể thanh tịnh” là Pháp thân; và “không gian trống không” hay “siêu không gian” là pháp giới.

 

Một lúc và đồng thời Longchenpa diễn tả sự toàn thiện bất biến của cái ở đây và bây giờ và nguồn cảm hứng sáng tác ra công trình này, là kho chứa bao la giáo lý bí mật trong Những Tantra tuyển tập của các Đạo sư thời xưa.

 

  1. ĐẢNH LỄ KIM CƯƠNG

 

Đảnh lễ Phật tánh không thời gian, sự hiện diện căn bản toàn thể,

tính vốn sẳn bất biến, tâm kim cương trống không bao la,

bản tánh của tâm – toàn thể tự nhiên – hiện hữu nguyên sơ

không dứt, chúng tôi đảnh lễ.

 

Đoạn kệ đảnh lễ này gợi ra không gian nền tảng bất biến, không gian kim cương, của luận này. Không gian pháp giới này là tinh túy của tánh giác tự phát sanh, nền tảng của tính tự nhiên vốn sẳn (tính tự phát) của hiện diện thanh tịnh và toàn thể. Nó là trường bất biến của thực tại, tịnh quang như là bản tánh của tâm, khuôn mặt bổn nguyên của toàn thiện tự nhiên.

 

Đảnh lễ kim cương hướng đến không gian bất biến này mà không có ý làm biến đổi cái gì, không tập chú vào cái gì, và không khuấy động hiện hữu thanh tịnh. Toàn thiện tự nhiên là tánh giác tự phát sanh có trước mọi chọn lựa, tập luyện hay hăng hái rườm rà.

 

Ho! Atiyoga của toàn thiện tự nhiên! Dzogchen Ati!

Đại Toàn Thiện bình đẳng bao gồm tất cả,

hiện thực hóa nghĩa của tánh giác tự phát sanh;

như sư tử làm khiếp sợ mọi thú dữ khác với tiếng rống,

thế nên ngôn ngữ của đại toàn thiện thống lãnh

những lối tiếp cận thứ bậc;

nói bằng lưỡi của riêng nó, nó phát sanh nghĩa tối hậu

của riêng nó.

Đất của toàn thiện tự nhiên thì thoát khỏi chư Phật và chúng sanh;

nền tảng của toàn thiện tự nhiên thì thoát khỏi tốt và xấu;

con đường của toàn thiện tự nhiên không có chiều dài;

quả của toàn thiện tự nhiên không thể tránh cũng không thể đắc;

thân của toàn thiện tự nhiên không hiện hữu

cũng không phải không hiện hữu;

ngữ của toàn thiện tự nhiên

thì không thiêng liêng cũng không phàm tục;

và tâm của toàn thiện tự nhiên không chất thể

cũng không thuộc tính.

Không gian của toàn thiện tự nhiên

không thể tiêu hủy cũng không trống trơn;

địa vị của toàn thiện tự nhiên không cao không thấp;

thực tiễn của toàn thiện tự nhiên

không phát triển cũng không lơ là;

tiềm năng của toàn thiện tự nhiên không thành không bại;

sự phô diễn của toàn thiện tự nhiên

không biểu lộ không ngấm ngầm;

thực tế của toàn thiện tự nhiên không trí không ngu;

và rigpa của toàn thiện tự nhiên

không thể thấy cũng không thể không thấy.

Tánh giác ẩn giấu của toàn thiện tự nhiên thì ở khắp,

chu vi của nó vượt khỏi sự chỉ ra,

thực tế của nó không thể truyền thông;

cái thấy bao trùm của toàn thiện tự nhiên là cái ở đây và bây giờ,

hiện diện tự nhiên không lời nói văn tự

bất chấp sự sáng sủa hay mờ tối của ý niệm,

nhưng như tính sáng tạo hoan hỷ tự phát

thực tại của nó không là gì cả

(Tánh giác tự nhiên).

 

Trong bài kệ đảnh lễ, dòng thứ nhất, hai và ba phát lộ tinh túy tự nhiên tự phát sanh trong khi dòng thứ tư chỉ ra sự quen thuộc với không gian bất biến của thực tại. Quả của toàn thiện tự nhiên khác với quan niệm bình thường của chúng ta vì nó không gì khác hơn là chỉ ra một nền tảng đang hiện hữu (điểm bắt đầu là “sự hiện diện toàn thể căn bản” ở dòng đầu). Thế nên, tất cả mọi kinh nghiệm được phát lộ là hoàn thiện và trọn vẹn trong rigpa của tâm thanh tịnh.

 

Không có sự bất toàn ở đâu cả:

toàn thiện trong một, toàn thiện trong hai, toàn thiện trong tất cả,

đời sống thì thong dong lạc phúc.

Nhất nguyên là toàn thiện như là tâm thanh tịnh nhất thể

nhị nguyên là toàn thiện như là sự sáng tạo của tâm,

và đa nguyên là sự tròn vẹn đầy dẩy.

Trong sự trao truyền sự toàn thiện của nhất nguyên

có động lực Phật thanh tịnh;

giáo pháp về toàn thiện của nhị nguyên

phát lộ mọi sự là phóng chiếu toàn thiện;

và nhờ sự toàn thiện của đa nguyên

mọi sự được chuyển thành toàn thể và rực rỡ.

 

Trụ ở đây, không làm gì cả,

hiện thân làm người hay chư thiên,

sự năng động của chúng ta là thực tại Phật;

ở đây chúng sanh được chăm sóc,

và chúng ta sống thong dong không cố gắng nào.

(Nguồn tối thượng)

 

Thế nên đảnh lễ hướng về chính bản tánh của tâm, tánh giác tự phát sanh, nền tảng phóng chiếu của sanh tử và niết bàn.

 

Đảnh lễ bản tánh duy nhất của tâm, hạt giống của tất cả và của mỗi một sự, tâm tạo ra ý nghĩa của hiện hữu và giải thoát khỏi nó, tâm đáp ứng mọi mong muốn của chúng ta như một viên ngọc như ý (Dohakosha của Saraha).

 

Hành động đảnh lễ kim cương, một cử chỉ nghi lễ bằng lời nói, là nhận biết sự toàn thiện bổn nguyên của bản tánh của tâm. Ngôn ngữ của Đại Toàn Thiện là sự biểu lộ tự nhiên của rigpa, trống không và hoan hỷ, thiết lập thực tại không quy chiếu của chính nó. Chỉ ra tánh giác tự phát sanh, cái toàn thể của kinh nghiệm, ngôn ngữ của nó gợi ra một thực tại không có thời gian vượt khỏi quy định của ngôn ngữ, xã hội và luân lý.

 

Dòng nổi tiếng “toàn thiện trong một, toàn thiện trong hai, toàn thiện trong tất cả” có thể diễn đạt “nhất nguyên là toàn thiện, nhị nguyên là toàn thiện, đa nguyên là toàn thiện” – mọi sự là tất yếu toàn thiện. Sự “toàn thiện” của Dzogchen còn có nghĩa làm xong, trọn vẹn. Bài kệ cuối trích dẫn ở trên là một giới thiệu ý niệm không hành động, vô tác, tức là không có cái gì cần làm để đạt đến toàn thiện tự nhiên bởi vì mọi sự đang toàn thiện như chúng vẫn là. Nhưng sự trao truyền phải có – một tâm thanh tịnh hoàn thành tất cả.

 

  1. HỨA TẠO LUẬN

 

Không gian không thể nghĩ bàn này là bản tánh của những sự vật

đỉnh điểm của cái thấy là toàn thiện tự nhiên –

hãy nghe tôi giải thích cái thấu hiểu của tôi

về thực tại duy nhất toàn khắp này.

 

Tạng của thực tại không thể nghĩ bàn là tâm thanh tịnh của rigpa, vốn toàn thiện tự nhiên. Nó là độc nhất và vượt khỏi mọi minh họa vì nó không có bản chất gì hay thuộc tính gì, tướng hay dấu hiệu gì. Tôi đã thấu hiểu đủ nó nhờ ân của bậc guru chân chánh, và ở đây trong luận này, tôi hứa sẽ phát lộ nó cho những thế hệ tương lai.

 

Bằng cách phát lộ ở đây cái không được chứng ngộ trong những lối dần dần tiệm tiến đến Phật quả, nghĩa là bản tánh của tâm không thể được trực nhận trên một con đường cố gắng tạo nhân, sự thấu hiểu rằng mọi sự là huyễn ảo do danh xưng sẽ được dạy, và rằng những chướng ngại ngăn che thì thanh tịnh trong sự thoáng qua của chúng, không cần phải chối bỏ.

 

Siêu tạng của không làm, vô thủy và vô chung

giống như đảo vàng, bao trùm tất cả không phân biệt,

và không trong không ngoài, mặt trời của tịnh tâm,

bao giờ cũng có mặt, xua tan những bóng tối của đa dạng.

Tịnh tâm không bác bỏ bốn cực đoan,

nhưng không bị chúng ảnh hưởng,

và những che chướng được xóa đi thực sự.

Trong bản tánh thanh tịnh của tâm, không phân chia,

nơi không có hố ngăn cách nào,

ba chiều kích của rigpa thì trọn vẹn và toàn thiện tự nhiên,

sanh tử và niết bàn chỉ là những gán tên bởi điều kiện hóa.

(Sự nối kết Ba Chiều kích của tánh giác nội tại của Garab Dorje)

 

Ý định căn bản của tôi khi tạo luận này là soi sáng nghĩa của Garab Dorje để làm lợi lạc cho những tâm có thể đạt giải thoát tức thời vào thực tại đúng như nó là bằng cách nghe hay đọc. Để đáp ứng công việc này tôi sẽ dạy bốn chủ đề của Đại Toàn Thiện.

 

Người yêu thương những người khác và phục vụ họ

không buông lỏng nỗ lực mình khi cuộc đời y bị nguy hiểm;

bậc thánh vô úy với ý thức trách nhiệm chân thật

không bỏ rơi những người khác trong nguy nan.

(Đại Giảng giải Trí huệ ba la mật trong Tám ngàn kệ của Haribhadra)

 

Bốn yếu tố sau sẽ làm rõ hơn ý định của tôi: thứ nhất, chủ đề của luận là tâm thanh tịnh của rigpa, vượt khỏi nhân quả, không thể quan niệm, diễn tả; thứ hai, mục tiêu hàng đầu của luận là dẫn các tâm sáng láng nhất trực ngộ thực tại của tâm thanh tịnh của rigpa; thứ ba, mục tiêu thứ hai là dẫn dắt người ta làm quen với trực giác này và đạt đến trạng thái tự nhiên của tâm; và yếu tố thứ tư là sự hòa trộn đồng thời ba điều trên.

 

Tức là, mọi sự đều ở trong rigpa, và bằng cách chứng ngộ rigpa vượt khỏi nhân quả và nỗ lực, mọi lối tiếp cận tiệm tiến được thay thế:

Ta là tâm thanh tịnh, nguồn tối thượng:

hãy chứng ngộ bản tánh của ta

và mọi sự cố xảy ra, bất kể là gì,

sẽ được phát giác là không gì khác với ta.

Nếu ngươi ban sự trao truyền của ta cho những người khác,

 toàn bộ thính giả nhóm họp chung quanh

sẽ chứng ngộ bản tánh của ta,

bản tánh của nguồn tối thượng,

và họ sẽ trở thành một với ta.

 

Bấy giờ bất cứ cái gì xảy ra, bất cứ gì xuất hiện,

hãy từ bỏ kỷ luật nhị nguyên bác bỏ và ngăn ngừa,

hãy bỏ mặc ân huệ của ba loại thanh tịnh thuộc nghi thức,

và không nỗ lực phát triển định và bi nữa.

Bởi vì mọi người được sanh ra trong ta, nguồn tối thượng,

mọi sự và mọi người đều đồng như ta;

Ta là nhất như, thế nên ta không cần xúc tiến sự đồng nhất.

Ta lập lại: sự đồng nhất với ta không cần phải trau dồi!

(Nguồn tối thượng)

 

Sự thấu hiểu này có mục tiêu gì?

 

Để phát lộ mục tiêu và sự cần thiết:

Vô số kiếp trước

một số thiền giả ati với thiện căn tốt lành,

với đức tin vào ta, nguồn tối thượng,

và trong sự hiện diện toàn bộ của ta,

đã thấy biết rằng không có cái thấy để trau dồi,

không có cam kết nào để giữ,

không có hạnh lý tưởng nào để cố gắng,

không có đường nào để dẫm lên,

không có những cấp bậc để leo, không có nhân quả sanh nghiệp,

không có nhị nguyên chân lý tuyệt đối và tương đối,

và không có gì để trau dồi trong thiền định,

và khi thấy không có tâm để phát triển và chữa lành

họ thấy bản tánh của tâm:

sự phát lộ này là cần thiết cho những ai giống họ!

(Nguồn tối thượng)

 

Tạng là cái ở đây và bây giờ. Không cái gì thoát khỏi nó; nó bao trùm tất cả. Nó là cái toàn thể nhất như của tâm thanh tịnh; nó là cái toàn thể bất nhị. Nó có thể được gọi là “không gian kim cương của thực tại”. Nó là cái thân thiết tối hậu, là nguồn của mọi kinh nghiệm.

 

Ba chiều kích của rigpa là ba thân Phật, có thể được hình dung như ba khối cầu nhập vào nhau. Dĩ nhiên, chúng là một thực tại. Nhưng như một giúp đỡ thuộc khái niệm cung cấp phương pháp giải thoát cho thân, ngữ, tâm và một chìa khóa cho sự an lạc vị tha trong những chiều kích của tánh Không như là tinh túy, chiếu sáng như là bản tánh, và lưu xuất như là lòng bi.

 

Bốn cực đoan là tin rằng có, không, vừa có vừa không, và không cả hai có, không.

 

Nguồn tối thượng là Adibuddha (Phật Nguyên Thủy), Samantabhadra bổn nguyên và bao gồm tất cả, trong Bộ Tâm của các tantra gốc. Trong một nhận xét không thỏa hiệp của Dzogchen gốc, để bỏ qua những lối tiếp cận dần dần thứ lớp với hành trang nặng nề của chúng, với một tâm rộng mở thì điều kiện thiết yếu là nhận sự trao truyền của Samantabhadra.

SHARE:

Trả lời