KINH NHẬP LĂNG GIÀ – Dịch và Giảng: Đương Đạo – Thiện Tri Thức 2017

SHARE:

moi

KINH NHẬP LĂNG GIÀ

 Dịch và Giảng: Đương Đạo

Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. Phẩm Thứ Nhất: VUA LA BÀ NA XIN THỈNH
3. Phẩm Thứ Hai: TẬP TẤT CẢ PHÁP – Phần 1
4. Phẩm Thứ Hai: TẬP TẤT CẢ PHÁP – Phần 2
5. Phẩm Thứ Hai: TẬP TẤT CẢ PHÁP – Phần 3
6. Phẩm Thứ Ba: VÔ THƯỜNG – Phần 1
7. Phẩm Thứ Ba: VÔ THƯỜNG – Phần 2
8. Phẩm Thứ Tư: HIỆN CHỨNG
9. Phẩm Thứ Năm: NHƯ LAI THƯỜNG, VÔ THƯỜNG
10. Phẩm Thứ Sáu: SÁT NA
11. Phẩm Thứ Bảy: BIẾN HÓA
12. Phẩm Thứ Tám: DỨT VIỆC ĂN THỊT
13. Phẩm Thứ Chín: ĐÀ LA NI
14. Phẩm Thứ Mười: KỆ TỤNG – Phần 1
15. Phẩm Thứ Mười: KỆ TỤNG – Phần 2
16. SÁCH THIỆN TRI THỨC

Trích đoạn: 

Kinh.

Vua La Bà Na tự thấy chỉ còn thân mình trong cung, bèn khởi suy nghĩ: Người thấy những việc vừa rồi là ai? Ai là người thấy? Phật và thành, rừng núi báu, các vật như thế bây giờ ở đâu? Hay là nằm mộng? Hay là ảo ảnh? Hay giống như thành Càn thát bà? Hay do nhặm mắt thấy? Hay là sự mê lầm do sóng nắng? Hay là như trong mộng, con của người nữ bằng đá? Hay như ngọn đuốc quay mà thấy thành vòng lửa?

Lại nghĩ: Tánh của tất cả các pháp đều như thế, chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt. Kẻ phàm phu mê lầm không thể hiểu rõ. Không có người thấy cũng không có cái được thấy, không có người thuyết cũng không có cái được thuyết. Thấy Phật nghe pháp đều là phân biệt. Hướng theo cái được thấy như vậy thì chẳng thể thấy được Phật. Chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật.

Khi ấy vua Lăng Già bỗng nhiên khai ngộ, lìa các nhiễm ô, chứng duy tự tâm, trụ vô phân biệt. Do sức những thiện căn được trồng từ xưa, ông được cái thấy như thật đối với tất cả các pháp, không do người khác mà ngộ, có thể dùng tự trí quán sát một cách khéo léo, xa lìa vĩnh viễn tất cả so lường tà kiến. Trở thành một bậc thầy trong những người tu hành, có thể hiện đủ thứ thân, thông suốt các phương tiện, khéo biết các địa và cách vượt lên các địa. Thường thích xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đứt ba kiến (cái thấy) tương tục, lìa chấp trước của ngoại đạo. Bên trong tự ngộ, nhập vào Như Lai tạng, hướng đến Phật địa.

Dịch và giảng.

Đức Phật dùng sự xuất hiện và biến mất để chỉ cho vua La Bà Na thấy thân tâm, thế giới trước mắt là như huyễn, như mộng vì duy tâm tạo. Như bài kệ chấm dứt Kinh Kim Cương:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, ảnh

Như sương, như điện chớp

Hãy quán thấy như vậy.

Ngày nay, vật lý học cho chúng ta hiểu phần nào thế giới của chúng ta. Thế giới chỉ là những nguyên tử, không màu sắc, không mùi vị… xuống thấp hơn nữa là những hạt nhỏ hơn, xuống tận cùng chỉ còn là năng lượng. Những đám mây nguyên tử, những cầu vồng năng lượng. Thế mà bằng các giác quan, bằng hệ thần kinh, bằng ý nghĩ, bằng ngôn ngữ, bằng trí nhớ… chúng ta đã diễn dịch thành một thế giới của hạnh phúc và khổ đau, xây dựng bằng tham, sân, si, kiêu căng, ghen ghét, hy vọng và sợ hãi. Thế giới sanh tử ấy do chính tâm thức chúng ta tạo ra, nó không hoàn toàn có thật.

Giải thoát không phải là ra khỏi thế giới này, mà là ra khỏi những tà kiến tạo ra thế giới này. Giải thoát là “được cái thấy như thật đối với tất cả các pháp”. Giải thoát là “tất cả các pháp chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt”, trong đó không có chủ thể thấy, nghe. Những cái có, được thấy, được nghe đều là do tâm phân biệt. Thấy theo tâm phân biệt hư vọng như vậy thì chẳng thể thấy Phật. “Chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật”.

Thật thấy biết tất cả duy tự tâm hiện, đó gọi là khai ngộ, bước vào hàng Bồ tát pháp thân, vào được trí vô phân biệt. Trong trí vô phân biệt, sanh tử do phân biệt hư vọng tạo thành dần dần tiêu tan. Vào được ít nhất là Sơ địa, thấy một phần pháp thân của tất cả chư Phật, nên “khéo biết các địa và cách vượt lên các địa”. Vào Pháp thân tức là “tự ngộ, nhập vào Như Lai tạng, hướng đến Phật địa”. Phật địa là chứng ngộ hoàn toàn Pháp thân, chứ không từng phần như Bồ tát ở trong Mười địa.

Đã thấy trực tiếp Pháp thân tánh Không, mới có thể “thường thích xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đứt các kiến tương tục”. Nếu khai ngộ là đi vào con đường của cái thấy đúng và trực tiếp, thì “thường thích xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đứt các kiến tương tục” là con đường tu tập, để đi đến Phật địa.

“Chứng duy tự tâm” tức là chứng tất cả thế gian đều như huyễn, như mộng. Càng như huyễn như mộng bao nhiêu, Bồ tát càng chứng được lực như huyễn bấy nhiêu. Lực ấy được gọi là Như huyễn tam muội, mà sự hóa hiện của Đức Phật đã cho vua Lăng Già thấy.

Nếu như sanh tử “chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt”, chỉ là sự quán tưởng sai lầm của tự tâm khiến vọng thấy ra, thì sự quán tưởng như huyễn của người tu hành đưa thế giới trở lại thật tướng của nó, hoàn nguyên lại lực như huyễn của tự tâm khiến thấy thế giới là như huyễn. Chứng được lực như huyễn ấy được gọi là Như huyễn tam muội và công dụng của nó là ý sanh thân.

Nếu ngay đây mà xa lìa tâm, ý, ý thức đã dệt nên sanh tử, ngay đây mà chẳng khởi phân biệt, bèn tức thì thấy Phật, thấy Pháp thân, thấy Như Lai tạng vì chúng ta luôn luôn ở trên và trong “tự tánh tâm pháp tạng”. Chúng ta chưa từng lìa khỏi nó một mảy tóc, một khoảnh khắc nào dầu có trôi lăn đến đâu. 

Hết phần trích đoạn.

SHARE:

Để lại một bình luận