Nhất thể và Đa thù

SHARE:

Nhất thể và Đa thù

Đối với nhà vật lý , hiểu có nghĩa là khám phá ra những nguyên lý phổ quát của thiên nhiên. Định luật sức hút trọng lực của Newton đã thống nhất trong một phương trình sự chuyển động của những hành tinh và cách thức những vật rơi trên đất. Khi vật lý học đi sâu hơn, những định luật trở nên phổ quát hơn. Cũng như vào thế kỷ 17 Newton thống nhất những định luật mặt đất và trên trời, vào thế kỷ 19 Maxwell thống nhất những định luật điện và từ, và thế kỷ 20 những nhà vật lý thống nhất những định luật điện – từ với những định luật của lực hạt nhân tương tác yếu. “ Chén thánh” của vật lý học thế kỷ 21 là thống nhất những định luật điều hành tất cả những sức mạnh biết được của thiên nhiên vào trong chỉ một “lý thuyết của mọi sự”.

Cũng vậy, với nhà đạo học, chén thánh là khám phá nhất thể đàng sau mọi sự. Tuy nhiên, mục tiêu không phải là một lý thuyết mà là sự siêu việt của hiểu biết trong mọi hình thức của nó. Cái nhất thể của nhà đạo học ôm trùm không chỉ mọi hiện tượng của thế giới mà cả tự ngã của nó nữa. Giống như nhà vật lý, nhà đạo học tìm cách khám phá cái không biến đổi trong mọi biến đổi, cái Một ở cội nguồn của cái Nhiều.

 

Chúng ta nghĩ đến một bản chất như là cái có thể là không sanh ra cũng không diệt mất.

                                                ALBERT EINSTEIN

 

****

 

Ngài là Vĩnh Cửu giữa những sự vật đi qua mất.

                                                UPANISHAD

****

Chúng ta biết rằng có một sự đa dạng bao giờ cũng thay đổi của những hiện tượng xuất hiện với những giác quan của chúng ta. Nhưng chúng ta tin rằng rốt ráo có thể truy nguyên từ chúng một cách nào đó để trở lại một nguyên lý nào đó.

WERNER HEISENBERG

****

 

Cái Ngã, nguyên lý không sanh bất diệt của thực tại, chịu sự biến đổi chỉ qua ảo tưởng (maya) và không phải trong nghĩa thực. Do đó nhị nguyên không thực có trong nghĩa tối hậu.

                                                SHANKARA

****

Chính trong nỗ lực theo đuổi sự thống nhất cái nhiều theo luận lý mà nó gặp những thành công vĩ đại nhất của nó, dù cho chính sự thử nghiệm này khiến nó có nguy cơ lớn lao nhất rơi vào một cái bẫy của những ảo tưởng.

                                                ALBERT EINSTEIN

****

 

Nếu có dù chỉ một dấu vết của cái này và cái kia, của đúng và sai, tinh túy Tâm sẽ mất trong mê lầm. Dù mọi nhị nguyên đến từ cái Một, cũng chớ bám chấp vào cái Một này.

                                                SENGTSAN

****

Một lý thuyết càng ấn tượng thì sự giản dị của những tiền đề của nó càng lớn lao, nó liên kết những loại sự vật càng khác nhau, phạm vi áp dụng của nó càng trải rộng.

                                                ALBERT EINSTEIN

 

****

 

Như trong khoa học, cũng như trong tư tưởng siêu hình học, giải pháp tổng quát và tối hậu có khả năng là cái tốt nhất thì bao gồm và giải thích tất cả để cho mỗi chân lý của kinh nghiệm có chỗ của nó trong cái toàn thể.

                                                SRI AUROBINDO

****

Chúng ta luôn luôn tìm kiếm cái căn bản đàng sau cái tùy thuộc, cái là tuyệt đối đàng sau cái gì là tương đối, cái thực tại đàng sau cái hình tướng và cái ở yên đàng sau cái tạm thời thoáng qua. Theo ý kiến tôi, đây là đặc trưng không chỉ của vật lý học mà của mọi khoa học.

                                                MAX PLANCK

 

****

 

Phương cách dựa vào để biết cái bất nhị, nó là Thực Tại Tuyệt Đối, thì không gì ngoài nhận biết sự không sai biệt trong sự sai biệt của sự biểu lộ.

        ABHINAVAGUPTA

****

Mê lầm về cái gì là khác và cái gì không khác, tức là mê lầm về mọi sự.

                                                DAVID BOHM

****

 

Không có nhiều mà chỉ có Một.

Người nào thấy đa thù chứ không phải nhất thể thì lang thang từ cái chết đến cái chết.

                                                UPANISHAD

****

Cái đa thù mà chúng ta tri giác thì chỉ là một hình tướng bề ngoài; nó không thực.

ERWIN SCHRÖDINGER

****

 

Bất cứ cái gì bạn thấy là nhị nguyên đều không thật.

                                                SHANKARA

****

Thế giới là có sẵn nhưng chỉ một lần. Không có cái gì được phản chiếu. Cái nguyên gốc và hình ảnh trong gương thì đồng nhất. Thế giới trải ra trong thời gian và không gian chỉ là sự hình dung của chúng ta. Kinh nghiệm, không cho chúng ta đầu mối nhỏ nhất nào của cái gì hiện hữu ngoài nó.

ERWIN SCHRÖDINGER

 

****

 

Sự kiện là, chỉ có một thế giới – không có hai thế giới … Người ta nghĩ có hai thế giới bởi hoạt động của tâm riêng của họ. Nếu họ có thể thoát khỏi những phán đoán sai lầm này và giữ cho tâm họ trong sạch với ánh sáng của trí huệ, bấy giờ họ sẽ thấy chỉ một thế giới và thế giới ấy tắm đẫm trong ánh sáng của trí huệ.

                                                ĐỨC PHẬT

 

SHARE:

Trả lời