SHARE:
EINSTEIN và ĐỨC PHẬT – NHỮNG LỜI NÓI TƯƠNG TỰ
Biên tập: Thomas J. Mc Farlane
Giới thiệu: Wes Nisker
Thiện Tri Thức
Những quan niệm thế tục về những sự vật bình thường và kinh nghiệm hàng ngày thình lình sụp đổ khi những nhà vật lý học bắt đầu thăm dò bản chất của nguyên tử. Thế giới lượng tử, nơi những phân biệt như “sóng” đối nghịch với “hạt” mờ đi, bắt buộc khoa học phải nói theo những nghịch lý.
Trong thế giới tương đối của Einstein, từ ngữ “đồng thời” không có ý nghĩa. Thời gian không có tiêu chuẩn tuyệt đối nào. Những cặp sinh đôi có thể có những hành trình tách biệt, theo lý thuyết, và cuối cùng gặp gỡ để thấy ra rằng một người là một ông lão trong khi người kia là một đứa trẻ. Khi tiếp xúc với một thế giới lạ lùng như vậy, những nhà vật lý đã học chấp nhận nghịch lý và học thấy những quan niệm đối nghịch như là bổ sung cho nhau.
Những nhà đạo học phương Đông hầu như không ngạc nhiên. Những thăm dò của họ vượt khỏi kinh nghiệm bình thường từ lâu đã phát hiện rằng những ý niệm về thế giới của con người chỉ là những dụng cụ bất toàn cho sự nhìn thấy những hiện tượng vi tế. Không phải mơ hồ và không nhất quán, nghịch lý bắt buộc tâm thức phải nhìn lên khỏi những quan niệm bình thường và thấy chân tánh của những sự vật.
Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, vị trí của âm điện tử có ở cùng một chỗ không, chúng ta phải nói “không”; nếu chúng ta hỏi vị trí của âm điện tử có thay đổi với thời gian không, chúng ta phải nói “không”; nếu chúng ta hỏi âm điện tử có đứng yên không; chúng ta phải nói “không”; nếu chúng ta hỏi nó có chuyển động không, chúng ta phải nói “không”.
J. ROBERT OPPENHEIMER
****
Cái ấy thì ở xa và cái ấy thì ở gần,
Cái ấy chuyển động và cái ấy không chuyển động.
BHAGAVAD GITA
****
Những quan điểm cổ điển, ví dụ “sóng” và “hạt” … không diễn tả đầy đủ thế giới thực và hơn nữa, có phần bổ sung cho nhau, và do đó mâu thuẫn với nhau … Chúng ta cũng không thể tránh những mâu thuẫn thỉnh thoảng; tuy nhiên, những hình ảnh giúp chúng ta đến gần hơn những sự kiện thật. Sự hiện hữu của chúng thì không ai chối cãi. “Chân lý nằm trong những chiều sâu”.
NIELS BOHR
****
Nhưng nếu một người trở nên bám chấp vào nghĩa đen của những từ và cố chấp vào ảo tưởng mà những từ và nghĩa mang lại, đặc biệt trong những cái như Niết bàn không sanh không diệt … bấy giờ người ấy sẽ không hiểu nghĩa chân thật và sẽ vướng mắc vào những khẳng định và phủ định.
ĐỨC PHẬT
****
Một hình thức sơ khai của tư tưởng là sự vật có hiện hữu hoặc không hiện hữu.
SIR ARTHUR EDDINGTON
****
Nói “nó là” là bám chấp thường còn. Nói “nó không là” là chọn lấy quan điểm hư vô đoạn diệt. Thế nên một người trí không nói “hiện hữu” hay “không hiện hữu”.
SIDDHA NAGARJUNA
****
Nếu tôi nói chúng ứng xử như những hạt thì tôi đã cho một cảm tưởng sai lầm; nếu tôi nói chúng ứng xử như những sóng thì cũng vậy. Chúng ứng xử theo cách riêng không thể bắt chước được của chúng, mà có thể được gọi một cách kỹ thuật là một cách cơ học lượng tử. Chúng ứng xử theo một cách không giống bất cứ cái gì bạn đã từng thấy trước đây.
RICHARD P. FEYNMAN
****
Bây giờ anh nói rằng anh sẽ làm cho người chủ của anh Đúng và dẹp bỏ cái Sai, hay làm cho người chủ của anh Trật Tự và dẹp bỏ Vô Trật Tự ư? Nếu anh làm thế, thì anh đã không hiểu …Rõ ràng là không thể.
TRANG TỬ
****
Ý tưởng về bổ sung trong vật lý học hiện đại đã chứng tỏ cho chúng ta, trong một tổng hợp mới, rằng sự mâu thuẫn hiểu như là đối nghịch theo những quan niệm cổ điển (như hạt và sóng) chỉ là vẻ bề ngoài không thật … Quan điểm duy nhất có thể chấp nhận được có vẻ là quan điểm công nhận cả hai mặt của thực tại – cái định lượng và cái định tính, cái vật lý và cái tâm linh – như tương hợp với nhau, và có thể bao gồm chúng đồng thời.
WOLFGANG PAULI
****
Thế giới đối với những người đã có một cái ngộ (satori) thì không phải là thế giới cũ như thường thấy nữa … Phát biểu một cách luận lý, tất cả những đối nghịch và những mâu thuẫn được thống nhất và hài hòa thành một toàn thể hữu cơ nhất quán.
D.T SUZUKI
****
Mọi sự – bất cứ cái gì – là hạt và trường trong cùng một thời gian.
ERWIN SCHRÖDINGER
****
Mọi sự đều có “cái kia” của nó, mọi sự đều có “cái này” của nó. Một trạng thái trong đó “cái này” và “cái kia” không tìm thấy những đối nghịch của chúng thì được gọi là bản lề của Đạo.
TRANG TỬ
****
Bohr ủng hộ sự sử dụng cả hai hình ảnh, mà ông gọi là bổ sung cho nhau. Hai hình ảnh dĩ nhiên loại trừ lẫn nhau, bởi vì một sự vật nào đó không thể đồng thời làm một hạt (nghĩa là chất thể giới hạn trong một khối lượng rất nhỏ) và một sóng (nghĩa là một trường lan rộng trong một không gian lớn), nhưng hai cái bổ sung lẫn nhau.
WERNER HEISENBERG
****
Vọng tưởng cho biết rằng những sự vật như ánh sáng và bóng, dài và ngắn, trắng và đen là khác nhau và phải được phân biệt; nhưng chúng không độc lập với nhau; chúng chỉ là những phương diện khác nhau của cùng một sự vật, chúng là những mặt của tương quan chứ không phải của thực tại.
ĐỨC PHẬT
****
Tuy nhiên những người đã thực sự hiểu lý thuyết lượng tử … nhìn thấy nó như một miêu tả thống nhất của hiện tượng nguyên tử, cho dù nó có mang lấy những khuôn mặt khác nhau.
NIELS BOHR
****
Vì chúng ta thấy rằng những mặt có vẻ đối nghịch này Một và Nhiều, Hình tướng và Không có hình tướng, Hữu hạn và Vô hạn, không phải là những đối nghịch hơn là những bổ sung lẫn nhau; không phải là những giá trị thay thế cho nhau mà là những giá trị kép và đồng thời tồn tại chúng giải thích lẫn nhau; không phải là những thay thế không tương hợp một cách vô vọng, mà là hai mặt của một Thực Tại.
SRI AUROBINDO
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS