Chương 17: Ba Thân

SHARE:

Chương 17: Ba Thân

CHỦ ĐỀ VIII. PHÁP THÂN

 

Hiệu quả cuối cùng của việc thực hành những con đường và Bát nhã ba la mật là đạt pháp thân. Trong pháp thân, chúng ta thực sự thấy bốn thân: svabhavikakaya (tự tánh thân), jnanadharmakaya (trí huệ pháp thân), sambhogakaya (báo thân), và nirmanakaya (hóa thân). Chúng ta nghiên cứu bốn phương diện của quả chính yếu, cùng với năm trí huệ sâu xa hay năm jnana của chư Phật, chúng cũng là quả, gắn liền nội tại trong các thân. Năm trí huệ là trí huệ pháp giới, trí huệ như tấm gương, trí huệ của bình đẳng, trí huệ phân biệt, và trí huệ của hoàn thành.

Ba trí huệ đầu – pháp giới, như tấm gương, và bình đẳng là trí huệ về bản chất đồng nhất. Trí huệ phân biệt thứ tư và trí huệ hoàn thành thứ năm chủ yếu liên hệ với trí huệ của sai khác. Trí huệ thấy đúng như vậy là bản tánh của mọi sự và trí huệ thấy sự vật như chúng biểu lộ. Qua những thân và những trí huệ, bấy giờ có lợi lạc đầy đủ cho mình và cho những người khác. Điều này có nghĩa không có gì có thể làm cho chính mình mà có thể tốt hơn nữa, không có gì có thể giúp đỡ người khác tốt hơn nữa. Tự tánh thân và trí huệ pháp thân liên hệ với lợi lạc của chính mình, và báo thân và hóa thân liên hệ với lợi lạc cho những người khác.

 

Các Thân

 

Từ kaya nghĩa đen là “thân”, nhưng nó có nghĩa nhiều hơn, tức là những chiều kích của Phật quả. Thân thứ nhất là thân tinh túy hay svabhavikakaya. “Svabhavikakaya” nghĩa là “tinh túy sâu thẳm nhất”, nó chỉ cho chúng ta Phật quả. Tự tánh thân đưa chúng ta đến giải thoát, nó là sự hòa nhập với tinh túy sâu thẳm nhất của mọi sự, thật tánh của mọi sự trong vũ trụ. Sự hòa nhập này không giống như cái trống không lớn lao nào đó không có phẩm tính hiểu biết. Nó có sự sáng tỏ cực kỳ và trí huệ, và như chúng ta đã thấy, nó có năm trí huệ. Nó là cái gì rất sống động. Đó là cái chúng ta đang nói đến, về chính Đức Phật, khi chúng ta dùng từ trí huệ pháp thân (jnana dharmakaya). Dĩ nhiên, “pháp” trong tiếng Anh thì sát với nghĩa cái cốt lõi hay tinh túy cốt lõi của mọi sự, nó là trí huệ.

Khi chúng ta nói đến thân tinh túy, chúng ta đang nói an trụ, ở yên trong tinh túy sâu thẳm nhất. Khi chúng ta nói về pháp thân, chúng ta đang nhìn vào bản tánh của tinh túy này về mặt trí huệ của nó. Hai thân này là cái cao nhất mà người ta có thể hoàn thành cho chính mình. Những người khác chưa đạt đến trạng thái đó không thể hiểu nó. Nó vượt khỏi phạm vi tỉnh giác của họ. Họ cần cái gì về hình tướng để liên hệ, để hiểu biết nghĩa của Phật quả. Thế nên chúng ta có hai thân khác, chúng là cách mà trạng thái Phật quả biểu lộ với những tâm chưa đạt đến mức độ thanh tịnh này. Thế nên bây giờ chúng ta có báo thân, nghĩa là phương diện thưởng thức hưởng thụ. Hưởng thụ này không có nghĩa hưởng thụ theo giác quan, mà có nghĩa từ nguyên là sử dụng hay đi vào cái gì, đây là phương diện biểu lộ hoàn hảo của Phật quả. Đó là cái được các bậc rất thanh tịnh kinh nghiệm, các đại bồ tát. Bấy giờ có hóa thân, phương diện lưu xuất, và cái này được kinh nghiệm bởi những người kém thanh tịnh. Thế nên hai cái sau là cái rất tốt nhất để giúp đỡ những người khác.

 

A. THÂN TINH TÚY

 

Thân tinh túy, svabhavikakaya là phương diện rất tinh túy của mọi sự, bản tánh thâm sâu nhất của mọi sự. Bản tánh này hoàn toàn không thể phân chia, luôn luôn có ở đó, nó tự thân bất động và bao giờ cũng hiện tiền khắp nơi: Nói thân tinh túy là phần của Phật quả vì khi đạt đến Phật quả người ta trở lại với một hòa nhập với trạng thái ấy, vì không thể biết nó qua sản phẩm của vô minh và vọng tưởng, và bởi vì khi trở lại nó, bấy giờ nó được nói đến như là một phương diện của Phật quả, dù nó luôn luôn ở đó. Điều xảy ra là trước tiên người ta không biết tinh túy ấy luôn luôn hiện diện ở đó, và họ phát sanh những vọng tưởng, và những sản phẩm của chúng dệt nên tấm lưới sanh tử…. Cuối cùng qua thực hành, người ta loại bỏ hết vọng tưởng mê lầm và vô minh, bấy giờ người ta thấy tinh túy ấy đúng như nó là, như nó luôn luôn đã là. Đây là điều chúng ta đang nói khi chúng ta nói đến phương diện tinh túy hay thân tinh túy của Phật.

 

B. TRÍ HUỆ PHÁP THÂN

 

Phương diện trí huệ của pháp thân là jnana dharmakaya trong bản luận. Pháp thân có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau. Trong Uttaratantra có một giải thích rất chi tiết về pháp thân, nhắm đến một số phẩm tính, chẳng hạn, mười lực, bốn không sợ hãi, mười tám phẩm tính riêng, thành ba mươi hai phẩm tính. Trong Bát nhã ba la mật, có một số giải thích thậm chí rộng hơn với hai mươi mốt phẩm tính. Chẳng hạn mười lực của Phật làm thành một điểm. Bốn không sợ hãi thành một điểm. Mười tám phẩm tính không chung thành một điểm khác và có mười tám điểm khác nhau để giúp chúng ta hiểu pháp thân và những phẩm tính của nó.

Trong hai mươi mốt điểm của trí huệ pháp thân chúng ta thấy những phẩm tính của Phật và thấy có trí huệ. Hai mươi mốt lãnh vực của hiểu biết này có thể gồm lại trong hai lãnh vực chính: trí huệ vốn có nơi bản thân Phật quả và đại từ bi vốn có trong Phật quả. Qua trí huệ của Phật quả và từ bi được khai triển mạnh mẽ trên con đường, nên có nhiều phương tiện thiện xảo để cứu giúp chúng sanh. Điều này cho chúng ta hai lãnh vực chính qua đó chúng ta phân tích cái gì xảy ra trong pháp thân ở Phật quả.

Sự hoạt động của chư Phật thì hoàn toàn tự nhiên không có cố gắng. Hoạt động của Phật thì hiện hành liên tục, nhưng không có nghĩa là ai cũng được lợi lạc trong mọi thời. Nhận được lợi lạc từ hoạt động của Phật thì tùy theo sự mở lòng, hoàn cảnh nghiệp của người ta. Hoạt động Phật giống như trận mưa từ một đám mây lớn, những hạt mưa luôn luôn có. Nếu có một hạt giống dưới đất, nó có thể nảy mầm lớn lên và có quả. Nhưng nếu hạt giống nằm trên đá, nó không thể mọc lên. Cơn mưa có thể rơi hàng trăm năm, vẫn không có gì mọc lên từ đó. Thế nên người ta cần biết rằng hoạt động của Phật thì không dừng, nhưng cái làm cho nó hiệu quả nhiều hay ít là sự sẳn sàng đón nhận của người ta.

 

Những Sắc thân

 

Bốn thân là tự tánh thân, trí huệ pháp thân, báo thân và hóa thân. Tự tánh thân là phương diện của tinh túy sâu thẳm của pháp thân và cái thứ hai là trí huệ pháp thân. Bây giờ chúng ta sẽ nhìn xem hai thân hay hai phương diện của Phật quả. Hai cái sau này là những sắc thân, bởi vì chúng tự biểu lộ trong sắc tướng. Thế nên chúng ta có pháp thân và các sắc thân.

Các sắc thân là báo thân và hóa thân. Chúng được gọi là những sắc thân bởi vì chúng biểu hiện theo cách nào đó để giúp đỡ chúng sanh khác. Chúng có thể được thấy, được nghe, được hiểu, chúng là cái có thể thông tin những phẩm tính của Phật quả. Chư Phật biểu lộ trong những cõi sắc để truyền thông pháp cho những chúng sanh ở mọi cấp độ hiểu biết. Khả năng có thể biểu lộ, hoạt động Phật này, là phần của Phật quả. Một trong những phẩm tính của Phật quả là có thể biểu lộ mọi phẩm tính sắc tướng của Phật. Như Phật quả có thể biểu lộ hoạt động, thế nên từ Phật quả có sự biểu lộ trong những cấp độ tương đối của tâm chúng sanh, gây cảm hứng cho họ đạt đến chứng ngộ cao nhất.

Biểu lộ sắc tướng của Phật được xác định bởi bản chất của người kinh nghiệm Phật. Khi những bồ tát đã đạt đến những cấp độ chứng ngộ rất sâu, những vị chúng ta gọi là đại bồ tát đã tịnh hóa những cấp độ thô của nghiệp, nhờ đó tri giác của họ rất thanh tịnh và rộng mở. Họ tri giác Phật trong một cách rất thanh tịnh trong báo thân hay phương diện biểu lộ rất hoàn hảo. Thứ hai, dầu chúng sanh không thanh tịnh, chưa đạt đến con đường quán thấy, có thể kinh nghiệm Phật nếu nghiệp của họ đủ tốt. Họ thấy Phật trong một hình thức xuất hiện trong thực tại của họ. Nó được lưu xuất từ báo thân nên chúng ta gọi nó là phương diện lưu xuất hay hóa thân. Dù những người bất tịnh cũng có thể gặp Phật nếu đủ phước, và có thể nhận những lời dạy pháp từ phương diện ấy. Thế nên chúng ta có hai lãnh vực của những biểu lộ sắc tướng, báo thân cho những bồ tát chứng ngộ cao, và hóa thân, đặc biệt hóa thân tối cao, cho người bình thường.

 

C. BÁO THÂN

 

Sắc tướng báo thân, biểu lộ cho những bồ tát, là kết quả của mọi việc làm trước kia của Phật khi ở trên con đường đến Phật quả. Trong sự tiến hóa lâu dài trải qua nhiều kiếp ấy, trước khi thành Phật, vị ấy đã khai triển một động cơ rất cao cả và thanh tịnh. Ngài hoàn thiện rất nhiều công đức và hoạt động sâu rộng trong những đời trước để có thể biểu lộ sắc tướng rạng rỡ của báo thân. Báo thân có ba mươi hai tướng tốt chính, như đảnh trên đầu, bánh xe pháp nơi bàn chân vân vân. Tất cả chúng là những dấu hiệu đã hoàn thiện những phẩm tính trên suốt con đường. Ngoài ba mươi hai tướng chính, còn có tám mươi tướng phụ. Những tướng phụ này chi tiết hơn, những tính chất đặc biệt chỉ có nơi một vị Phật, chúng là kết quả của sự thực hành thiện nghiệp trước kia. Báo thân là tuyệt hảo nhất, nhưng người ta cũng cần biết rằng hóa thân tối cao cũng biểu lộ ba mươi hai tướng chính và tám mươi tướng phụ này. Người ta cũng cần biết bởi vì xảy ra trên cấp độ ấy nên kinh nghiệm báo thân là tuyệt hảo nhất và bình thường hòa hợp với ba mươi hai và tám mươi dấu hiệu.

Báo thân trong tiếng Tây Tạng là longchozokpeku. Longcho nghĩa là sự giàu có hay giàu có kinh nghiệm, zok nghĩa là “hoàn hảo”, và ku nghĩa là thân hay hiện thân. Thế nên người ta có thể nói phương diện hoàn hảo của sự giàu có kinh nghiệm. Nói vậy thì khá dài dòng, nhưng nghĩa của nó là mong muốn của những người ngưỡng vọng Phật quả, để cuối cùng giúp đỡ mọi người khác hoàn thành giải thoát và giác ngộ. Khi đạt đến Phật quả, bấy giờ người ta có khả năng đầy đủ nhất để giúp đỡ những người khác và hướng dẫn họ trên con đường…. Thế nên giàu có nghĩa là sự giàu có lớn lao của việc có thể ban cho những lời dạy và giúp đỡ chúng sanh. Có nhiều học trò và đệ tử tạo thành đối tượng của việc cho sự giàu có này, sự giàu có của kinh nghiệm. Sự giàu có của kinh nghiệm thì hoàn hảo và trọn vẹn, không phải là một khả năng giới hạn, mà tất cả những phẩm tính hoàn hảo nhất. Người hoàn thành Phật quả vào mọi lúc và mọi hoàn cảnh có thể giúp đỡ chúng sanh bằng bất cứ cách gì cần thiết theo sự mở lòng của họ. Bởi thế chúng ta không chỉ nói sự giàu có của kinh nghiệm mà nói sự giàu có rốt ráo hoàn hảo của kinh nghiệm, và đó phương diện của Phật. Chúng ta dùng từ báo thân bởi vì nó ở nơi cấp độ của sự giàu có của Phật quả và có thể được biểu lộ cho những chúng sanh rất thanh tịnh để họ kinh nghiệm. Đó là nghĩa của báo thân hay longchozokpeku. Qua sự giàu có lớn lao và sự hoàn hảo của kinh nghiệm, bấy giờ Phật chuyển bánh xe pháp cho chúng sanh và cho họ những giáo lý hoàn hảo nhất.

Những vị Phật báo thân này có năm sự chắc chắn. Chắc chắn thứ nhất được gọi là nơi chốn nhất định nghĩa là trên cấp độ báo thân các ngài chỉ biểu lộ những cõi tịnh của chư Phật. Đó không phải là một cấp độ biểu lộ bất tịnh hay tương đối, mà những cõi tịnh. Chắc chắn thứ hai là sắc tướng nhất định các ngài dùng. Đó là ba mươi hai tướng chánh và tám mươi tướng phụ; những phẩm tính này hoàn toàn đặc biệt chỉ Phật mới có. Các ngài xuất hiện cho chúng sanh trên cấp độ như vậy. Chắc chắn thứ ba là pháp các ngài dạy. Với những bồ tát ấy, sắc tướng báo thân của Phật chỉ dạy pháp Đại thừa. Nó được dạy đầy đủ nhất, không dạy Tiểu thừa và không dùng chân lý tạm thời. Chỉ có chân lý rốt ráo của Đại thừa được dạy. Chắc chắn thứ tư là về tùy tùng của Phật. Ở cấp độ báo thân thính chúng của ngài chỉ có những bồ tát trong mười địa. Đức Phật dạy những bồ tát này từ địa thứ nhất cho đến địa thứ mười. Chắc chắn thứ năm là Phật trên cấp độ ấy luôn luôn dạy. Không phải như ban ngày chúng ta có thể nghe pháp còn ban đêm chúng ta ngủ. Ở cấp độ ấy có sự dạy pháp, chuyển pháp luân liên tục. Năm sự chắc chắn này cho thấy sự hoàn hảo rốt ráo giàu có của báo thân biểu lộ qua trạng thái, qua sắc tướng, qua pháp được dạy, qua những người nghe, và qua thời gian trong đó thuyết pháp xảy ra. Trong luận, báo thân được khảo sát chủ yếu bằng cách tập trung vào ba mươi hai và tám mươi tướng.

 

D. HÓA THÂN

 

Thân thứ tư là hóa thân. Hóa thân biểu lộ cho chúng sanh ở cấp độ bất tịnh, ở bất cứ nơi nào họ ở. Tất cả thời gian Phật biểu lộ trong hóa thân. Với mỗi thân có một loại bất biến khác nhau. Pháp thân là phương tiện an trụ trong tinh túy sâu thẳm nhất của sự vật, nó là kinh nghiệm riêng của Phật. Nó hoàn toàn bất biến, nên chúng ta nói pháp thân thì bất biến. Báo thân, không bất biến bởi vì nó biểu lộ những sắc tướng khác nhau cho những chúng sanh khác nhau, theo cái gì phù hợp. Điều chúng ta có thể nói rằng nó thường trực biểu lộ những hình thức này, như chúng ta thấy qua năm sự chắc chắn. Luôn luôn có sự chuyển pháp luân xảy ra, thế nên chúng ta nói báo thân có sự tương tục thường hằng. Hóa thân không có sự tương tục thường hằng này bởi vì đôi khi hóa thân xuất hiện trong một thế giới, và rồi giáo lý ấy sau một thời gian suy tàn, và rồi nó sẽ xuất hiện lại trong một thế giới khác. Nhưng người ta cần hiểu rằng mọi thời gian, trong một nơi này hay nơi khác, có hóa thân biểu lộ. Bấy giờ chúng ta nói có một hoạt động không đứt đoạn, thế nên chúng ta nói về sự không dứt của ba thân. Báo thân có tương tục thường hằng. Hóa thân có tương tục không đứt đoạn. Sắc tướng hóa thân biểu lộ trong bất cứ cách nào cần thiết để giúp đỡ chúng sanh có được cái hiểu và tiến bộ. Trong cách này nó không giống như báo thân, luôn luôn biểu lộ giáo lý Đại thừa trong một cách rất xác định, bởi vì chúng sanh trên cấp độ bất tịnh này có những khác biệt về cái hiểu và nguyện vọng. Với những người sẳn sàng cho những giáo lý Đại thừa và có thể làm lợi lạc hơn, bấy giờ sẽ có giáo lý Đại thừa. Với những người mà tâm lý chưa sẳn sàng chấp nhận Đại thừa, bấy giờ có giáo lý Tiểu thừa. Đối với những người có thể hiểu bèn có giáo lý mà chúng ta gọi là chân lý xác quyết và đối với những người không thể nắm giữ chân lý xác quyết ấy, có giáo lý của chân lý tạm thời mà cuối cùng sẽ dẫn họ đến một trạng thái chắc chắn lớn hơn. Nếu người nào khát khao những giáo lý của thừa kém hơn, Đức Phật sẽ dùng sắc tướng nào đó để dạy Tiểu thừa. Có một số người chỉ có thể quan niệm chính mình và thực tại bên ngoài là một thực tại cứng đặc và Đức Phật dạy cho những người ấy những giáo lý Tiểu thừa. Với những người có thể hiểu sự vắng mặt của tự ngã, Đức Phật có thể dạy cho họ tính vô ngã. Với những người không thể hiểu nghĩa tánh Không một cách trực tiếp, Đức Phật dạy về cách những sự vật hiện hữu trên cấp độ tương đối mà người ấy kinh nghiệm. Khi họ đã sẳn sàng hiểu tánh Không, bấy giờ ngài chỉ cho họ những sự vật không thực sự hiện hữu như thế nào. Trong nhiều cách khác nhau, hóa thân dạy những thừa khác nhau, những chân lý khác nhau vân vân. Thật vậy, có nhiều hình thức hóa thân khác nhau. Hóa thân chính yếu mà chúng ta chú tâm được gọi là hóa thân tối cao.

Cách chính yếu hóa thân giúp đỡ chúng sanh là dạy pháp, và bằng cách trình bày những phương tiện thiện xảo để đạt đến giác ngộ. Chúng ta có thể thấy điều này trong cách Phật quá khứ, hiện tại và tương lai biểu lộ. Phật trước kia, Ca Diếp, đến thế giới chúng ta, khi ấy giai cấp Bà la môn ở Ấn Độ đã được nhìn với sự tôn trọng lớn lao nhất. Thế nên ngài sanh ra như một người Bà la môn và khi chuyển pháp luân dân chúng đã kính trọng làm tăng thêm sức mạnh cho giáo lý của ngài. Vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni giai cấp vua chúa có ảnh hưởng lớn nhất, và ngài sanh ra làm một thái tử. Dân chúng đã rất kính trọng giáo lý của ngài. Đó là một cách rất thiện xảo trong việc sanh ra. Trong thời của vị Phật tương lai, Di Lặc, sẽ là thời dân chủ hơn, nên Di Lặc sẽ sanh ra trong một cách thích hợp với văn minh dân chủ. Lý do chư Phật có những sự sanh này bởi vì các ngài thấy loại đời sống nào tốt nhất có thể gởi đến những chúng sanh những giáo lý Phật pháp.

 

 

 

SHARE:

Trả lời