Chương 11: Hiểu biết Nền tảng

SHARE:

Chương 11: Hiểu biết Nền tảng

CHỦ ĐỀ III. HIỂU BIẾT CÁI NỀN TẢNG

Chủ đề chính thứ nhất của luận nói về hiểu biết toàn giác. Chủ đề chính thứ hai nói về hiểu biết con đường. Chủ đề chính này nói về cái hiểu biết nền tảng hay cơ sở (TT bzhi) và gồm hiểu biết và thấu hiểu không có trong hai phần đầu.

Chúng ta đề cập đến trí huệ của những người chưa chứng ngộ hiểu biết tất cả hiện tượng hay hiểu biết con đường bồ tát. Một số hiểu biết này cần được chấp nhận và một số cần được từ chối, dựa vào hoặc trí huệ này là giúp ích cho con đường bồ tát hay nghịch lại với nó. Cho dù một số hiểu biết về nền tảng này phải được từ chối bởi một bồ tát, thì tinh túy của nó vẫn còn là trí huệ (TT. sherab). Nó vẫn còn là trí huệ, cho dù nó không phải là trí huệ về con đường bồ tát và những kết quả của con đường. Thế nên nó thuộc về hiểu biết cái nền tảng.

A. KHÔNG Ở LẠI TRONG SANH TỬ DO TRÍ HUỆ

Điều kiện nguyên nhân khiến chúng ta ở lại trong sanh tử là vô minh hay mê lầm. Những bồ tát chứng ngộ trí huệ ba la mật và điều này cho phép họ thấu hiểu bản tánh của tất cả những hiện tượng, nhờ vậy chiến thắng vô minh và kết quả của nó là sanh tử. Trong cùng cách, những thanh văn và duyên giác nhờ vào trí huệ của họ có thể bỏ sanh tử lại đằng sau.

 

B. KHÔNG Ở LẠI TRONG BÌNH AN DO LÒNG BI

 

Những thanh văn và duyên giác hoàn thành mục đích giải thoát cá nhân và bằng lòng là A la hán. Chỉ những bồ tát được dẫn dắt bởi lòng bi không ở lại trong trạng thái bình an của Niết bàn, mà giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Bồ tát không chìm đắm trong sanh tử hay chìm đắm trong bình an của niết bàn bởi vì trong sự tích tập trí huệ của con đường người ấy đã thấy sự bình đẳng của sanh tử và niết bàn. Những bồ tát vượt khỏi những cực đoan này bởi vì họ chứng ngộ rằng chúng đều bình đẳng là tánh Không. Điều này là rất vi tế và siêu vượt khỏi sanh tử và niết bàn, chúng ta gọi cái này là “sự hoàn thiện tối cao của trí huệ”.

 

C- D. LÂU XA VÀ PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO CỦA BỒ TÁT

 

Nói chung, mọi cấp độ thực hành pháp giúp chúng ta khai triển trí huệ. Cái hiểu này là tốt, nhưng có nhiều loại cái hiểu mà chúng ta cần khai triển. Một số con đường này dẫn chúng ta nhanh chóng đến Phật quả (con đường gần) và một số con đường dẫn chúng ta chậm hơn mà chúng ta gọi là con đường xa. Nói cụ thể, trí huệ đến từ thanh văn và duyên giác được gọi là “trí huệ xa” hơn. Tuy nhiên trí huệ của những bồ tát là hiệu quả nhất và được gọi là “trí huệ trực tiếp” bởi vì nó đưa chúng ta nhanh chóng hơn đến Phật quả. Bồ tát hợp nhất trí huệ và lòng bi, trí huệ và phương tiện thiện xảo, và chính qua con đường này mà họ có thể trải qua con đường một cách nhanh chóng. Đối với những bồ tát trí huệ xa không được chọn bởi vì phải rất nhiều thời gian để đi theo con đường.

 

E. NHỮNG SỰ KHÔNG THUẬN LỢI (CHƯỚNG NGẠI)

 

Có một số những sự không thuận lợi trong thực hành của chúng ta, đặc biệt, năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Nếu chúng ta bám luyến chúng và làm chúng thành cứng chắc như những thực tại của tâm thức, chúng ta đã ôm ấp cái không thuận lợi cho sự khai triển tâm linh. Một khi chúng ta làm cứng chắc tánh Không thành một khái niệm, chúng ta làm chậm sự khai triển của chúng ta. Tương tự nếu chúng ta bám vào ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai và biến chúng thành những thực thể vững chắc, đó cũng trở thành không thuận lợi. Điều này cũng đúng với mọi thấu hiểu mà chúng ta có: sự thực hành sáu ba la mật và thiền định chúng ta dấn thân vào. Nếu chúng ta làm cứng chắc những cái đó và bám luyến chúng, chúng sẽ trở thành những chướng ngại cho sự thực hành của chúng ta.

 

F. CHỮA TRỊ NHỮNG CHƯỚNG NGẠI

 

Sau khi nhận biết những chướng ngại, chúng ta phải nhận biết thuốc trị những chướng ngại này. Khi thực hành những ba la mật, chúng ta làm chúng với ánh sáng của đại trí huệ nên chúng ta không rơi vào làm mồi cho sự cứng chắc hóa và ý niệm hóa này. Khi thực hành giữ giới, chúng ta không trở nên lọt vào ý nghĩ có người đang giữ giới. Khi chúng ta thực hành nhẫn nhục, không có ý niệm, “tôi đang thực hành nhẫn nhục”. Trí huệ chứng ngộ bản tánh thực sự của thực tại giữ chúng ta không lọt vào các bẫy ấy.

Khi giúp đỡ những người khác, chúng ta cũng phải khai triển thái độ không thiên vị này. Chúng ta phải thực hành bố thí mà không có ý niệm người cho, vật cho, và người nhận. Chúng ta cũng phải giúp đỡ những người khác trau dồi sự rộng lượng của họ và giúp họ thực hành vượt khỏi ba mặt này của việc cho bằng cách thể nghiệm tánh Không của chúng. Khi dạy người khác giới luật của những ba la mật, chúng ta phải dạy họ không rơi vào ý niệm “tôi”.

Chừng nào có bám luyến hay một kết tinh của một ý niệm, chúng ta phải đối diện với một chướng ngại trong thực hành và chướng ngại này phải được loại bỏ để tiến bộ. Điều này áp dụng cho mọi ý niệm gồm cả ý niệm Phật quả trọn vẹn, tất cả đều không bám luyến. Sự bám luyến này phải được xóa bỏ bởi phương thuốc của trí huệ và thấu hiểu rất sâu.

Dù nếu sự thực hành của chúng ta rất tốt và chúng ta đang ở trong một nơi chốn rất tốt để thực hành, chúng ta không cần sở hữu ý niệm “tôi đang tịnh hóa cái này”.

 

G. SỰ ÁP DỤNG TÁNH KHÔNG

 

Bây giờ chúng ta tự áp dụng theo tánh Không và con đường Đại thừa như thế nào? Có bốn điểm: cơ sở của những đặc tính (tướng), những đặc tính của vô thường, nó là chỗ nâng đỡ của những phẩm tính hay không, và tất cả mọi điều người ta làm.

Thứ nhất là chúng ta tự áp dụng theo tánh Không như thế nào. Chúng ta làm điều này bằng cách không tập chú vào sắc tướng và vân vân. Thường thì trong pháp chúng ta định nghĩa sắc là đối tượng được tri giác bởi các thức khác nhau của chúng ta. Sắc là đối tượng của thức thấy thuộc con mắt, những âm thanh là đối tượng của thức tai…. Chúng ta cần liên hệ thích đáng với chúng để có thể hòa nhập mình với tánh Không. Tương quan thích đáng là chúng ta không xem chúng như là hiện hữu thực, nghĩa là chúng ta thấy chúng là trống không.

Thứ hai, nhưng chúng ta cũng không nghĩ “đó là khổ” hay “cái đó có bản chất là vô thường” hay “cái đó là vô ngã và trống không”. Chúng ta chỉ nghiệm hiểu bản tánh trống không mà không có bất kỳ bám víu nào.

Thứ ba, để hòa nhập với tánh Không là một vấn đề nghỉ ngơi trong tinh túy của những hiện tượng được gọi là pháp giới (dharmadhatu). Đó không phải là chuyện đối tượng có được biết là trống không hay không. Thật tánh của nó thì không thay đổi và không bị ảnh hưởng bởi những tương quan mà người ta có với nó. Chính bằng cách hòa nhập chính mình với tinh túy trống không này mà người ta hoàn thành chứng ngộ.

Thứ tư, điều chúng ta cần là hoàn toàn không có bám luyến. Có chứng ngộ hay không chứng ngộ, đối tượng trống không hay không trống không, chúng ta vẫn buông thả mọi bám luyến chúng làm hư hỏng sự áp dụng của chúng ta.

 

H. SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA KHÔNG VÀ SẮC

 

Phương diện tiếp theo là sự bình đẳng của sắc và Không. Chúng ta chứng ngộ tánh Không của sắc và những kinh nghiệm giác quan khác đến độ chúng không kết tinh thành cái gì có chất thể với một tự tánh độc lập nữa. Một khi chúng ta vượt khỏi điều đó chúng ta chứng ngộ bản tánh trống không của sắc đang biểu lộ. Thế nên sắc là tánh Không.

Tánh Không này không chỉ là tánh Không của sắc, mà nó là tánh Không của bản tánh biểu lộ như là sắc. Chúng ta cần biết rằng tánh Không không phải là một vật hiện hữu bởi chính nó. Thứ hai, không có sắc nào không có bản tánh trống không này. Không có tánh Không riêng biệt nào đã biểu lộ như là sắc. Tất cả những điểm này có thể được tóm tắt trong bốn câu đơn giản: Sắc tức là Không; Không tức là sắc; không có sắc nào khác với Không; không có Không nào lìa khỏi sắc.

Khi chúng ta chứng ngộ sự như nhau này của sắc, chúng ta có thể thấy rằng điều này biểu lộ trong tất cả năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng ta thấy sự như nhau này trong mọi lãnh vực của sự biểu lộ.

 

I. CON ĐƯỜNG QUÁN THẤY CỦA THANH VĂN

 

Điểm tiếp theo nói về con đường quán thấy những uẩn. Đây là lần thứ ba chúng ta nhìn vào con đường của cái thấy thấu suốt. Trong chủ đề thứ nhất của sách này, con đường quán thấy chủ yếu được bàn luận như những điều kiện nguyên nhân cho toàn giác hiện khởi. Trong chủ đề thứ hai chúng ta nhìn nó như sự hiểu biết của con đường. Trong chủ đề thứ ba này con đường quán thấy được bàn luận trong liên hệ với cấp độ quán thấy của thanh văn, nó là nền tảng.

Những thanh văn có một chú tâm vào Bốn Chân lý Cao cả. Dù là con đường tích tập, nối kết, quán thấy, tu tập, hay con đường cuối cùng không học nữa, mỗi cái đều liên hệ đến bốn Chân lý Cao cả. Sự quán thấy của thanh văn là thấy đích thực bốn Chân lý Cao cả. Khi nhìn chi tiết hơn vào con đường quán thấy chúng ta thấy rằng nó có mười sáu giai đoạn được gọi là “những khoảnh khắc”.

Mười sáu cái này được chia thành bốn quán thấy vào mỗi chân lý trong bốn Chân lý Cao cả.

 

  1. CHÂN LÝ KHỔ

Chân lý thứ nhất là khổ. Quán thấy thứ nhất là hiểu bản chất vô thường của những sự vật do duyên khởi. Mọi sự đều trong trạng thái thay đổi, không có cái gì kéo dài, vững chắc, ngay cả khổ cũng vô thường. Quán thấy thứ hai tập chú vào khổ hiện thực, có ba loại khổ: khổ của khổ, khổ của thay đổi, và khổ cố hữu. Quán thấy thứ ba là vào bản tánh trống không của những hiện tượng. Cái hiểu tánh Không của thanh văn không giống như con đường Đại thừa, nhưng là một cách hiểu đích thực vì thanh văn thấy mọi sự là duyên hợp và do đó không có tự tánh. Họ hiểu rằng những sự vật chúng ta tri giác chỉ là một hỗn hợp của các vật nhỏ hơn. Mọi sự được tạo ra bằng những bộ phận nhỏ hơn và do đó không có một hiện hữu độc lập. Bốn quán thấy vào Chân lý Cao cả thứ nhất là: vô thường, khổ, không và vô ngã của những hiện tượng.

 

2. CHÂN LÝ NGUỒN GỐC

 

Chân lý Cao cả thứ hai là nguồn gốc của khổ, có bốn quán thấy chính: nguyên nhân, nguồn gốc, phát triển triệt để, và điều kiện. Quán thấy thứ nhất là hiểu những loại nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân trực tiếp như nguyên nhân đầu tiên của một hoa hồng là một hạt giống. Một nguyên nhân vi tế hơn là một bông hồng có thể sanh ra cảm giác hạnh phúc (vì nó đẹp) hay cảm giác đau đớn (vì nó có gai). Mỗi hoàn cảnh trong cuộc đời chúng ta có những nguyên nhân và sự phóng chiếu của chúng ta ra thế giới và sự tương quan chúng ta có với thế giới này được gây ra bởi nghiệp của chính những hành động của chúng ta. Chúng ta cũng biết rằng nguyên nhân của nghiệp xấu là do những phiền não của chúng ta. Thế nên cái quán thấy thứ nhất vào Chân lý Cao cả thứ hai là thấy những nguyên nhân cho điều xảy ra hiện tại trong cuộc đời chúng ta.

Quán thấy thứ hai vào chân lý thứ hai được gọi là nguồn gốc phổ quát của mọi hiện tượng. Sự chứng ngộ này tiến hơn nữa cho đến khi chúng ta thấy toàn bộ biểu lộ của vũ trụ, rằng mọi sự chúng ta thấy trong vũ trụ được phát sinh bởi nghiệp và những phiền não. Chúng ta không chỉ thấy sự vật là một sản phẩm của nghiệp và những phiền não mà chúng ta có thể thấy rằng nguyên nhân bên trong chúng ta đã tạo ra hạt giống cho toàn thể vũ trụ.

Quán thấy thứ ba chân lý thứ hai là về sức mạnh phát sanh nghĩa là những biểu lộ khác nhau mà chúng ta kinh nghiệm không phát khởi rất chậm. Chúng ta thấy năng lực kinh khủng của nghiệp và thấy nó làm việc đơn giản và mạnh mẽ thế nào. Một khi nghiệp có đó chúng ta thấy nó có thể sản sanh những kết quả tức thời như thế nào. Quán thấy thứ tư là người ta thấu hiểu những điều kiện hiện giờ sẽ gây ra năng lực nghiệp để biểu lộ. Thế nên người ta thấy một trường hợp hiện tại sẽ đưa đến hậu quả nghiệp và sự phát triển đầy đủ khổ đau tiềm ẩn trong nó như thế nào.

 

3. CHÂN LÝ DIỆT

 

Trong Chân lý Cao cả thứ ba về diệt cũng có bốn quán thấy. Quán thấy thứ nhất và vào chính sự diệt, diệt tức là dừng hẳn những phiền não. Khi tất cả mọi tiến trình nhân quả đã được loại bỏ, bấy giờ sẽ dừng dứt khổ đau. Quán thấy thứ hai là biết rằng khi nào những bất tịnh dừng, do không có những nhiễm ô, bấy giờ có bình an tột bực. Quán thấy thứ ba là đó không phải chỉ là một trạng thái khác, mà nó là trạng thái tối cao nhất. Quán thấy thứ tư là khi người ta thực sự dừng những phiền não và thành tựu an lạc này người ta thoát khỏi đại dương sanh tử. Nó cho người ta giải thoát dứt khoát. Thế nên bốn quán thấy là diệt, an lạc, tuyệt hảo, và vượt khỏi hẳn.

 

4. CHÂN LÝ CON ĐƯỜNG

 

Có bốn quán thấy vào Chân lý Cao cả thứ tư về con đường: con đường, thông minh, thành tựu, và giải thoát chắc chắn. Quán thấy thứ nhất là hiểu rằng con đường đưa đến giải thoát. Quán thấy thứ hai là thông minh, hiểu cái gì là đúng cái gì không đúng, cái gì là thích hợp và tốt đẹp, cái gì không. Nó xác nhận đây là con đường hoàn hảo. Quán thấy thứ ba, thành tựu, nghĩa là năng lực này biểu lộ mọi phẩm tính. Quán thấy thứ tư gọi là giải thoát chắc chắn bởi vì người ta thấy con đường cho phép giải thoát khỏi mọi sự xấu của sanh tử và giải thoát này vĩnh viễn chứ không phải tạm thời.

Đây là bốn quán thấy vào bốn Chân lý Cao cả làm thành mười sáu quán thấy tạo nên sự thành tựu con đường quán thấy của thanh văn.

Mười sáu khoảnh khắc này tạo nên nền tảng cho sự quán thấy của bồ tát. Nhưng bồ tát đi vượt khỏi điều những thanh văn làm bởi vì thanh văn xem những sự này là thật, cho chúng là có chất thể. Những bồ tát tránh cả hai lỗi lầm xác nhận quá mạnh mẽ hay bác bỏ quá mạnh mẽ.

Nếu chúng ta xem cái quán thấy thứ nhất về chân lý khổ như một thí dụ, thì thanh văn hiểu sự vô thường của những hiện tượng ngược lại với người bình thường tin rằng sự vật là thật, cứng chắc, và thường. Điều bồ tát làm là siêu vượt ý niệm thường và vô thường. Quán thấy thứ hai thì trong khi thanh văn thấy khổ của sanh tử, người bình thường cho là hạnh phúc. Tuy nhiên bồ tát không kết tinh sự vật thành khổ cũng không kết tinh sự vật thành hạnh phúc. Chúng ta có thể áp dụng logic này cho mười sáu điểm và chúng ta có thể thấy rằng bồ tát không cho là thật mười sáu điểm ấy và mười sáu điểm đối trị, nên có một thái độ vượt khỏi ba mươi hai phạm trù của tư tưởng.

 

Câu hỏi

 

Câu hỏi: Chúng ta làm sao có thể thực hành mà không phát triển sự dấn thân này vào chủ đề đã được bàn luận?

Rinpoche: Chìa khóa cho sự không dấn thân là cố gắng trau dồi cái hiểu ba luân người làm, cái được làm và người nhận hành động. Nếu cố gắng hiểu ba luân qua lý luận và đi sâu hơn vào nó, chúng ta sẽ có thể hiểu nó và thực hành siêu vượt khỏi ý niệm rất mạnh mẽ làm cứng đặc cái chúng ta có.

Ban đầu có vẻ nghịch lý khi chúng ta muốn phát triển nguyện vọng thực hành và chúng ta cũng muốn cố gắng giảm thiểu ý niệm thực hành như cái gì thật và cứng chắc. Nhưng khi khảo sát kỹ hơn, thay vì là đối nghịch nhau, chúng ta thấy rằng hai cái này hoạt động cùng nhau rất tốt. Toàn bộ vấn đề là người ta khổ vì người ta mê lầm. Mê lầm có vì vô minh. Khi chúng ta muốn hiểu cái gì đang xảy ra và chúng ta muốn mê lầm và khổ đau theo sau chấm dứt, đó là nguyện vọng thực hành. Khi bắt đầu hiểu mê lầm ấy, chúng ta thấy rằng nó do vô minh, và vô minh liên kết chặt chẻ với sự cứng đặc hóa ý niệm của những mê lầm của chúng ta. Chúng ta có thể thấy những nỗ lực của chúng ta là loại bỏ sự cứng đặc hóa này và chúng ta không muốn làm cho sự cứng đặc hóa thực tại mạnh hơn. Chúng ta có thể thấy rằng nỗ lực của chúng ta có thể cùng làm việc sát cánh với nỗ lực hiểu cái đang xảy ra.

 

SHARE:

Trả lời