Chương 10: Con đường Bồ tát của Thiền định hay tu tập

SHARE:

Chương 10: Con đường Bồ tát của Thiền định hay tu tập

Chúng ta đang ở trong phần hai của luận nói về hiểu biết con đường. Chúng ta đã nghiên cứu bốn phần nhỏ thứ nhất, cái thứ nhất là chỉ ra nền tảng của con đường, chẳng hạn từ bỏ kiêu căng. Rồi chúng ta xem con đường thanh văn, con đường duyên giác, và con đường bồ tát.

Có một lý do để gọi con đường thứ tư này là con đường tu tập hơn là con đường thiền định. “Tu tập” được dịch qua tiếng Tây Tạng là “gom”, có nghĩa là thiền định. Từ này có ý nghĩa là quen thuộc với cái gì đã gặp trên con đường quán thấy, tức là pháp tánh. Nhưng kinh nghiệm pháp tánh thì chưa đủ vì còn cần làm việc để kinh nghiệm này dần dần quen thuộc hơn, càng trở nên hoàn hảo hơn. Thế nên con đường này được gọi là  con đường trau dồi hay tu tập bởi vì người ta trau dồi sự chứng ngộ đã bắt đầu với con đường quán thấy, và người ta thiền định về nó cho đến khi sự chứng ngộ được trọn vẹn. Trở lại thí dụ sợi dây và con rắn, mọi sợ hãi lo âu khi nghĩ nó là con rắn được xóa bỏ, chỉ bằng cách biết nó là sợi dây. Lầm sợi dây là con rắn là một quan niệm sai lầm tạm thời với ít sự bị quy định trong đó. Tuy nhiên, mê lầm bao phủ tri giác về pháp tánh của chúng ta thì khó xóa bỏ hơn nhiều bởi vì chúng ta đã mang nó từ thời vô thủy. Cho dù chúng ta có thấy thật tánh trên con đường quán thấy, nhưng qua sức mạnh to lớn của thói quen, sự mê lầm sẽ trở lại. Đó là tại sao trên con đường tu tập người ta cần tu tập kinh nghiệm thanh tịnh cho đến khi nó trùm khắp.

Có hai phương diện chính trên con đường tu tập: phương diện không nhiễm ô và nhiễm ô. Phương diện không nhiễm ô liên hệ đến thiền định khi người ta đắm mình trong chứng ngộ pháp tánh. Đây là sự chìm sâu rất thanh tịnh và trọn vẹn vào thật tánh. Trên con đường quán thấy, chúng ta chỉ quan tâm đến chiều kích không nhiễm ô này của sự thấy thực tại tuyệt đối. Nhưng trên con đường tu tập, chúng ta cũng có một chiều kích nhiễm ô liên quan đến hậu thiền định khi người ta không hoàn toàn chìm đắm vào kinh nghiệm ấy. Trong hậu thiền định, chúng ta làm việc trên sự khai triển năng lực của những thiện căn của chính chúng ta, trên sự làm lợi lạc cho những người khác, trên sự xóa bỏ những vết dơ huyễn ảo. Bởi vì chúng ta đang làm việc trên những cái này ở cấp độ tương đối, nó được gọi là chiều kích nhiễm ô. Bây giờ chúng ta sẽ nhìn vào những phương diện khác nhau của con đường tu tập, cái đầu tiên là những chức năng, cái có thể hoàn thành bởi con đường tu tập.

 

 E. NHỮNG CHỨC NĂNG CỦA CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Điểm thứ nhất là bình lặng hoàn toàn. Bằng cách thiền định trên con đường tu tập, người ta sẽ, trước hết, phát triển những nỗ lực trong việc làm bình lặng những nhiễm ô, chấp ngã, che ám đối với hiểu biết và bất cứ thứ gì khác người ta cần từ bỏ.

Điểm thứ hai là tôn trọng tất cả chúng sanh. Người ta đã mất sự kiêu ngạo và không tìm cách lôi kéo mọi người, mà tự nhiên cảm thấy tôn trọng những người khác.

Điểm thứ ba là chiến thắng những nhiễm ô. Do năng lực làm bình lặng tâm mình và tôn trọng mọi người, người ta sẽ có thể hàng phục và cuối cùng loại bỏ hoàn toàn những nhiễm ô.

Điểm thứ tư là không bị những ảnh hưởng xấu khuất phục. Ngoài việc đánh bại những ma và phiền não trong tâm, người ta cũng chiến thắng những biểu lộ bên ngoài của các ma là những lực lượng xấu và thậm chí cả quỷ. Có một liên hệ thân thiết giữa ma bên trong  và sự xuất hiện của các ảnh hưởng xấu có vẻ như bên ngoài. Một khi đã phá vỡ năng lực của ma bên trong thì tự động những ảnh hưởng xấu của bên ngoài bị phá tan và không còn tác dụng. Thế nên đoạn tiếp theo của phần này nói rằng trên con đường tu tập người ta chiến thắng những ảnh hưởng xấu.

Tất cả những phẩm tính này sanh khởi dần dần bởi thực hành con đường tu tập của Bồ tát. Thế nên phần nhỏ này được gọi là “những chức năng” hay “những hành động” liên hệ đến con đường tu tập.

 

F. NGUYỆN VỌNG CỦA CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Những bồ tát đang vượt qua giai đoạn tu tập có sự chuyên cần tinh tấn và nguyện vọng rất lớn lao, đây chính là gốc rễ của sự tiến bộ thực sự. Họ được cảm hứng trước tiên bởi sự chứng ngộ rất sâu xa bản tánh của những hiện tượng, họ hy vọng hoàn thành cho chính mình mục đích cao nhất có thể được cho một chúng sanh. Thứ hai, họ có cảm hứng hoàn thành lợi lạc lớn nhất cho những người khác. Thứ ba, họ có quyết định rất lớn lao hoàn thành lợi lạc đồng thời cho mình và cho người. Chính quyết định ấy kích thích họ.

Trên con đường tu tập người ta khai triển cái học về con đường quán thấy ở trước. Người ta làm việc để loại bỏ mọi ngăn chặn và những cảm xúc thoáng qua của sự bị quy định trước kia còn lại. Người ta cũng cố gắng khai triển mọi phẩm tính tốt làm nâng cấp cho sự quán thấy. Chìa khóa cho mọi điều này là có sự chuyên cần và chính mức độ chuyên cần sẽ xác định cho kết quả hiện khởi. Thế nên chỉ ở trong cấp độ chứng ngộ này thì không đủ. Tổng quát có hai loại chuyên cần. Thứ nhất là chuyên cần áp dụng, nỗ lực trong một tháng hay một năm và rồi tiếp tục và tiếp tục với sự khai triển của chứng ngộ. Thứ hai là chuyên cần do cảm hứng, toàn tâm vào việc mình làm. Hơn nữa, người ta có đầy cảm hứng cho cái mình đang làm và nhắm vào chứng ngộ với tình yêu nhiều nhất. Có một thí dụ rất tốt cho loại chuyên cần thứ hai này ở trong cuộc đời của Jetsun Milarepa, sự phấn khích và tôn trọng cái có thể xuất hiện trong thực hành  khiến ngài làm rất gian khổ cho sự khai triển của ngài. Một thí dụ của chuyên cần liên tục là Asanga trong ba năm thiền định về đức Di Lặc. Ngài không có nhiều kết quả hiển nhiên, nên ngài thiền định ba năm nữa, và rồi ba năm khác, và ba năm nữa. Cuối cùng, từ thời gian ngài bắt đầu nhập thất đến lúc ngài thực sự có cái nhìn thấy đức Di Lặc, ngài đã thiền định không ngừng trong mười hai năm. Hai loại chuyên cần này giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua những địa của con đường tu tập.

Tóm lại sự chuyên cần của chúng ta tập trung vào làm lợi lạc cho chính mình, làm lợi lạc cho người khác, và đồng thời cả hai. Thế nên sự thành tựu của chúng ta và giúp đỡ những người khác là tất cả lý do của áp dụng chuyên cần. Chúng ta thành tựu lợi lạc lớn hay nhỏ cho chúng ta và cho những người khác dựa vào loại cảm hứng tâm linh mà chúng ta có đối với việc giúp đỡ những người khác. Chính vì lý do này mà ba chủ đề về cảm hứng là một phương diện căn bản của con đường tu tập.

Chúng ta bắt đầu thực hành pháp với chỉ một cảm hứng nhỏ giúp đỡ những người khác. Điều đó có thể được khai triển đến khi người ta có một mức độ cảm hứng trung bình. Trong bản luận có đề cập ba cấp độ cảm hứng nhỏ, rộng hơn và lớn lao. Khi áp dụng ba cái này vào ba lãnh vực của công việc thì thành chín loại cảm hứng. Đối với lợi lạc cho chính mình, người ta có thể làm việc cho giác ngộ với cảm hứng nhỏ, hoặc trung bình hoặc rất lớn lao. Làm việc cho lợi lạc đồng thời của mình và của người thì có thể được làm với nguyện vọng nhỏ, hoặc trung bình, hoặc lớn lao. Làm việc một cách đặc biệt cho lợi lạc của những người khác, người ta có thể tiến đến đó với một nguyện vọng nhỏ, hoặc trung bình, hoặc lớn hơn. Điều này làm thành chín khả thể. Những cái ấy là rất quan trọng, rất thực tiễn trong việc đưa đến những chứng ngộ khác nhau và thoát khỏi những chướng ngại và dấu vết nghiệp còn lại. Điều này nhấn mạnh một lần nữa sự quan trọng của nguyện vọng trong công việc người ta làm trong con đường tu tập.

 

G. BA LOẠI TÁN THÁN TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Như đã bàn, trên con đường tu tập có một phương diện nhiễm ô và một phương diện không nhiễm ô. Phương diện nhiễm ô gồm năm điểm: chức năng, nguyện vọng, tán thán, hồi hướng và tùy hỷ. Nguyện vọng là một yếu tố quan trọng để tiến bộ qua giai đoạn tu tập bởi vì với nó chúng ta sẽ rất siêng năng và chú tâm vào sự khai triển cái nhìn thấy thật tánh mà chúng ta đã có. Qua sự siêng năng này mà chúng ta sẽ thực sự tiến bộ và hoàn thành những kết quả. Với nguyện vọng này chúng ta có một tâm phấn khích tán thán Tam Bảo.

Những bồ tát tán thán bởi vì nguyện vọng lớn lao của họ, đó là một yếu tố then chốt trong sự khai mở của họ. Chúng không phải là những ca tụng mù quáng gửi đến cái gì. Chúng là những lời cầu nguyện rất ý nghĩa, những biểu lộ của niềm vui của bồ tát trên con đường tu tập. Đối tượng của những cầu nguyện này là Đức Phật hoàn hảo tối thượng, trạng thái hoàn hảo tối thượng của Phật quả và những đại bồ tát khác. Các vị tán thán để có thể phát sanh năng lượng tâm linh hơn nữa cho việc phục vụ những người khác. Điều họ tán thán và cách họ có những nguyện vọng là khéo léo và phấn khích nhất bởi vì điều này thực sự khai mở một lợi lạc to lớn cho mình và cho người.

Người bình thường khi tán thán điều gì hay được tán thán thì có khuynh hướng phát sanh kiêu căng thêm và lại sanh khởi thêm những vấn nạn rắc rối. Tuy nhiên, những bồ tát này thanh tịnh đến độ cho và nhận tán thán không gây ra tác hại nào mà còn nâng cấp trí huệ và thấu hiểu của họ. Thật kỳ diệu, cũng như chúng ta có ba cấp độ nguyện vọng khác nhau – kém, trung bình, và lớn lao – chúng ta cũng có ba cấp độ tán thán: tán thán, tán thán kính trọng hơn, và tán thán rất sâu xa.

 

H. HỒI HƯỚNG TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Trên con đường nhiễm ô của tu tập, có năm điểm: những chức năng, những nguyện vọng, tán thán, hồi hướng và vui theo. Như đã thấy, nguyện vọng là cảm hứng từ đó mọi sự xảy ra. Qua nguyện vọng, chúng ta tiến bộ và phát sanh một năng lượng to lớn. Những hồi hướng dẫn năng lượng nguyện vọng chúng ta đã khai triển vào những con đường bồ tát. Chúng ta có thể so sánh cái này với vàng. Qua nguyện vọng chúng ta trên con đường tu tập, và điều này giống như vàng được làm thành đồ trang sức đẹp đẽ người ta muốn có.

Khi chúng ta nghiên cứu chi tiết hơn phương diện hồi hướng trên con đường tu tập, chúng ta sẽ thấy rằng có mười hai thuộc tính riêng. Trên con đường tích tập, hoạt động hồi hướng, năng lực sự thực hành của người ta, thì rất đặc biệt và khác thường. Nó được gọi là hành động tối cao. Bình thường nếu chúng ta làm điều gì tốt bấy giờ chúng ta tạo ra cái gì đức hạnh. Nếu chúng ta chỉ để đó, thì

năng lượng của thiện hạnh ấy có thể nhanh chóng bị tiêu hoại bởi vì tức thời sau đó chúng ta làm hỏng nó bằng kiêu căng và mọi cảm xúc tiêu cực bình thường. Hay chúng ta chỉ làm được một số lợi lạc nhỏ và do đó năng lượng tích cực tự cạn dần khiến công đức chỉ tạm thời. Nói chung, chúng ta cần hồi hướng hoặc đưa công đức ấy tức thời hướng đến giác ngộ hoàn hảo nhất. Trong cách ấy không có một giọt nào bị mất và nó được chuyển thành một nguyên nhân cho cái tốt nhất của mọi sự. Thế nên sự hồi hướng này làm ích lợi cực độ cho mọi sự chúng ta làm. Sự hồi hướng về Phật quả vì những người khác là hoạt động tối cao vì nó có một nhu cầu đặc biệt và một kết quả đặc biệt.

Thuộc tính thứ hai là sự hồi hướng thiện căn của bồ tát trên con đường tu tập được làm cho giàu có bởi vì nó được làm mà không có đối tượng hóa cái xảy ra. Nó vượt khỏi ba luân, tức là cái được hồi hướng (những thiện căn) người hồi hướng (bồ tát), và người được hồi hướng (tất cả chúng sanh). Ba cái này không được lầm cho là có thật thể vì các bồ tát biết rất rõ rằng chúng đều trống không, không có tự tánh.

Thuộc tính thứ ba của sự hồi hướng này là nó hoàn toàn không sai lầm. Khi người ta gom năng lực nào đó qua thực hành, họ có thể hướng năng lực ấy vào cái gây hại cho những người khác khi dùng năng lực ấy để tăng thêm nhiễm ô phiền não có hại cho người. Sự hồi hướng của bồ tát trên con đường tu tập thì không sai lầm, bởi vì điều họ hoàn thành thì luôn luôn được hồi hướng đến sự tốt đẹp của tất cả chúng sanh. Hồi hướng cho họ để sự thực hành pháp được thực hành trong cách hoàn hảo nhất, nên không có gì ngoài sự mong muốn tốt nhất của hồi hướng.

Thuộc tính thứ tư là sự hồi hướng là đơn thuần, không có ích kỷ. Sự hồi hướng chỉ là cho sự tốt đẹp của tất cả chúng sanh, không có dấu vết nào của lợi lạc cho mình. Nó vượt khỏi mọi dấu vết ích kỷ.

Thuộc tính thứ năm là sự hồi hướng của bồ tát trên con đường tu tập theo gương của Đức Phật. Trong quá khứ chư Phật và chư bồ tát đã tạo ra những thiện căn và đã hồi hướng cho sự tốt đẹp của tất cả chúng sanh. Trong hiện tại, chư Phật chư bồ tát đang làm như vậy và tương lai cũng sẽ làm như vậy.

Thuộc tính thứ sáu là hồi hướng của một bồ tát đi kèm với phương tiện thiện xảo. Sự hồi hướng của họ không phải là một ý muốn trống không. Sự hồi hướng năng lực hiện thực mà họ đã có được qua thực hành sáu ba la mật, thế nên đó là cái được thực sự hồi hướng. Như vậy hồi hướng phối hợp với phương tiện thiện xảo của họ.

Thuộc tính thứ bảy là hồi hướng không có những đặc tính, không có tướng. Nghĩa là hồi hướng được làm trong ánh sáng của sự hiểu tánh Không. Nếu người hồi hướng bám chấp vào ý tưởng có cái gì được hồi hướng, người đang hồi hướng và người được hồi hướng cho thì sự hồi hướng là bất tịnh. Thay vì thế, bồ tát trên con đường tu tập hồi hướng trong hiểu biết chân thật tánh Không, thế nên không rơi vào cái bẫy của chấp tướng.

Thuộc tính thứ tám là hồi hướng làm vui lòng chư Phật. Đây là một dấu hiệu của phẩm tính và sự thanh tịnh lớn lao của sự hồi hướng. Thế nên nó làm vui lòng tất cả chư Phật và phát sinh niềm vui và tùy hỷ lớn lao trong những người đã hoàn toàn giác ngộ đầy đủ.

Thuộc tính thứ chín là hồi hướng không phải là một dụng cụ của ba cõi. Người ta có thể hướng dẫn năng lực của sự thực hành của mình để có một loại phần thưởng trong sanh tử, do đó rơi vào dục giới, sắc giới hay vô sắc giới. Tuy nhiên hồi hướng này dẫn hướng năng lực của thực hành đến giải thoát và giác ngộ.

Thuộc tính thứ mười, mười một và mười hai được gọi là hồi hướng kém, trung bình và lớn lao. Điểm thứ mười là ba địa đầu trong con đường tu tập, tức là địa thứ hai, thứ ba và thứ tư là hồi hướng năng lực kém. Điểm thứ mười một là nhờ sự chứng ngộ và thanh tịnh của bồ tát ở địa thứ năm, sáu và bảy, sự hồi hướng có một năng lực trung bình. Rồi ở địa thứ tám, chín và mười được gọi là cấp độ rất thanh tịnh của bồ tát, có hình thức hồi hướng cao cấp nhất. Đó là điểm thứ mười hai.

Với mười hai thuộc tính này chúng ta có thể hiểu tính cách hồi hướng của các bồ tát trên con đường tu tập này.

 

I. TÙY HỶ TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Tính cách tiếp theo của con đường tu tập nói về sự vui theo công đức của chúng ta và hòa hợp với công đức của người khác. Chúng ta đã thấy sự hồi hướng công đức biến đổi nó thành con đường bồ tát. Tùy hỷ làm tăng năng lực ấy và làm cho nó thành cái gì rất bao la và trùm khắp.

Trước hết, sự hòa hợp được phối hợp với phương tiện thiện xảo. Khi những bồ tát tạo ra sự khai triển tâm linh, họ không chỉ hồi hướng chứng ngộ và năng lực và tùy hỷ nó, mà còn hòa nhập với mọi sự được hoàn thành bởi các đại bồ tát và chư Phật khác. Do sự hòa hợp, năng lực tự động tăng thêm.

Tùy hỷ công đức hay hòa nhập xảy ra vượt khỏi bất kỳ sự đối tượng hóa nào, nghĩa là vượt khỏi ba luân, người làm, cái được làm, và người nhận. Không bị đối tượng hóa thành cứng chắc nên sự tùy hỷ là rất thanh tịnh.

Sự hòa hợp công đức của chúng ta thường là phương thuốc để chữa bệnh ghen tỵ. Ghen tỵ là một cái độc tiêu cực và phá hoại, có trong mọi cái độc khác và làm chúng mạnh thêm. Ghen tỵ phối hợp với tham đối với những phẩm tính của mình và âm thầm nối kết với sự ghét bỏ những phẩm tính trong những người khác. Nó cũng nối kết mật thiết với kiêu căng bởi vì chúng ta cảm thấy chúng ta cũng xứng đáng với cái những người khác đang có. Thế nên chúng ta có thể thấy ghen tỵ chứa mọi phiền não khác và làm chúng mạnh thêm. Một khi rơi vào làm nạn nhân cho ghen tỵ, nó rất tàn phá bởi vì nó khiến chúng ta làm hại những người khác và làm hại cho chính sự khai mở của mình. Nó khiến mọi sự tốt đẹp chúng ta đã tích tập bị phân tán.

Ngược lại nếu chúng ta làm sự hòa hợp này, chúng ta vượt khỏi mọi khuynh hướng ghen tỵ. Bởi vì ghen tỵ vốn liên hệ với những phiền não khác nên chúng ta loại bỏ năm phiền não này khỏi đời sống chúng ta. Chỉ bằng làm điều đó, chúng ta đang làm cái gì rất quan trọng và ích lợi trong việc giúp đỡ những người khác. Đó là tại sao hòa hợp là rất thiết cốt như vậy cho chúng ta.

Chúng ta đã bàn ba phương diện của chiều kích nhiễm ô của con đường tu tập: nguyện vọng, hồi hướng và hòa hợp.

Nói chung, trên con đường tu tập trong giai đoạn hậu thiền định, bồ tát thực hành sáu ba la mật và qua đây, chúng ta tích tập một lượng lớn công đức và trí huệ. Hai sự tích tập này được làm chủ yếu qua ba thực hành nguyện vọng, hồi hướng và hòa hợp. Mọi sự bồ tát làm trong giai đoạn hậu thiền định trở thành nguyên nhân cho một thực hành rất bao la và đầy năng lực lợi lạc cho mình và cho người.

 

J. SỰ HOÀN THÀNH CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Bây giờ chúng ta đến những điểm trong phương diện không nhiễm ô của con đường tu tập. Phương diện thứ nhất của phương diện không nhiễm ô là sự hoàn thành con đường tu tập.

Tổng quát, trên con đường tu tập chúng ta trau dồi tu tập cái quán thấy đã có được trên con đường trước và cố gắng hoàn thiện cái thấy ấy. Bởi vì sự hoàn thiện này làm việc trên nguyên nhân của Phật quả, cái thấy then chốt thật tánh của những hiện tượng này được gọi là “cái tối thượng hơn cả”.

Sự hoàn thành con đường tu tập thì rất ý nghĩa, bởi vì chỉ bằng cách an trụ trong cái chứng ngộ bản tánh phổ quát này mà tất cả những giai đoạn thành tựu sẽ hiện khởi tự chúng. Người ta không cần chú tâm  vào một phương diện riêng biệt nào. Nó là sự nghỉ ngơi trong tánh Không là bản tánh của những hiện tượng và mọi sự tự động hiện khởi. Thế nên người ta có thể thấy sự quan trọng lớn lao của thiền định ấy.

 

K. SỰ TỊNH HÓA TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP

 

Điểm thứ hai của phương diện không nhiễm ô về sự tịnh hóa trên con đường tu tập như vậy là nối kết chặt chẽ với phương diện hoàn thành chúng ta đã nói ở phần trước, nó giống như nhìn vào mặt kia của đồng xu. Chúng ta sẽ nghiên cứu những cái sản sanh sự tịnh hóa và những cái làm ngăn ngại sự tịnh hóa.

Có ba nguyên nhân tích cực cho sự tịnh hóa trên con đường. Nguyên nhân then chốt thứ nhất là nhờ đến vị thầy tối thượng. Những đại Bồ tát hướng về vị thầy rất tốt nhất để nhờ hướng dẫn. Khi làm điều này các bồ tát cảm thấy một cảm hứng lớn lao để tiếp tục và khai triển sự thiền định và thực hành của họ. Từ cảm hứng ấy sẽ đến chuyên cần. Từ chuyên cần sẽ đến kết quả thực sự là có thể giúp đỡ người khác và chính mình. Thế nên gốc rễ của việc này là hướng về vị thầy hoàn hảo nhất.

Nguyên nhân thứ hai là tu tập sáu ba la mật và nguyên nhân thứ ba là khai triển những phương tiện thiện xảo lớn lao. Ba cái này đưa đến tịnh hóa trên con đường tu tập.

Nếu chúng ta thực sự muốn hoàn thành sự thanh tịnh rốt ráo, có bốn nguyên nhân che chướng ngăn ngại chúng ta với sự tối hậu. Chướng ngại thứ nhất là lệ thuộc vào những ảnh hưởng (Skt. mara, ma) không cho tâm chúng ta hướng về pháp. Chướng ngại thứ hai sanh khởi khi chúng ta đã có thể đi vào pháp, nhưng thiếu thích thú đặc biệt trong việc đi rất sâu vào cái thấu hiểu bản tánh của những hiện tượng. Đó là không muốn tìm thấy chân lý sâu thẳm nhất. Chướng ngại thứ ba là có một bám luyến mạnh mẽ vào các uẩn, thân thể của chúng ta…. Chướng ngại thứ tư là đi vào một tương quan gần gủi với những người dẫn dắt chúng ta làm những hoạt động bất thiện.

Khi chúng ta đã thực sự muốn hoàn thành thanh tịnh hoàn toàn, chúng ta phải xem xét cái mà chúng ta đang xa lìa: đó là những che chướng nhiễm ô phiền não (phiền não chướng), những che chướng của hiểu biết (sở tri chướng) và những che chướng của các con đường thấp chỉ quan tâm đến lợi lạc của riêng mình trong con đường thanh văn và duyên giác. Đối với một bồ tát, ba loại che chướng này phải được loại bỏ dần dần khi đi từ địa thứ hai đến địa thứ mười.

 

Câu hỏi.

 

Câu hỏi: Xin ngài nói một chút về vai trò của những guru của dòng phái.

Rinpoche: Trước có nói rằng chúng ta tôn kính đảnh lễ guru gốc và những guru dòng truyền. Những guru  của dòng truyền pháp chúng ta học. Những trao truyền này là từ những lời dạy của chính Đức Phật, nhưng chúng không vượt khỏi thời Đức Phật về trước nữa. Dù Đức Phật đã có những đời trước đó và đã dạy từ lúc ấy. Sự truyền thừa của dòng guru của chúng ta đến từ Đức Phật dạy pháp trong thế giới này trở đi và trao truyền không dứt đến ngày nay.

Chúng ta quen biết Đức Phật như là vị thầy từ sự dạy của ngài ở Varanasi. Đây là hóa thân cao nhất của Đức Phật. Hóa thân là một trong những phương diện của Phật khi ngài biểu lộ giác ngộ, phương diện trong thế gian, phương diện lịch sử.

Nếu chúng ta xem dòng Karma Kagyu của chúng ta, chúng ta thấy rằng nó đi trở lên đến đại sư Tilopa. Ngài không gặp Đức Phật trong hình thức hóa thân, nhưng ngài đã tiếp xúc với phương diện khác của Phật, pháp thân Vajradhara, pháp thân này không tách lìa với tinh túy của tâm Phật. Thế nên ngài cũng nhận những lời dạy trực tiếp từ Phật, nhưng từ phương diện pháp thân. Ngoài sự trao truyền trực tiếp từ pháp thân Phật này, Tilopa cũng nhận những lời dạy tương tự gián tiếp qua một dòng cũng đến từ Đức Phật, qua những đại sư Saraha và Nagajuna…. Ngài tập hợp tất cả những lời dạy này, cả trao truyền trực tiếp hay gián tiếp. Chúng được trao cho đệ tử là Naropa. Tilopa và Naropa là hai đại sư Ấn Độ. Rồi dòng truyền đến Tây Tạng với đại sư Marpa, rồi đến Milarepa và Gampopa, và tiếp tục truyền xuống cho Gyalwa Karmapa thứ nhất, và qua dòng của những Karmapa và những guru đến ngày nay. Bây giờ tất cả dòng truyền của các guru trong sự truyền thừa từ Đức Phật, bậc đầu tiên ban cho những lời dạy, cho đến ngày nay tạo thành cái chúng ta gọi là dòng những lama. Khi chúng ta quy y và tôn kính, chính là đến các ngài mà chúng ta gởi những lời cầu nguyện.

SHARE:

Trả lời