PHẨM PHÓ CHÚC

SHARE:

THỨ MƯỜI

Một hôm Sư gọi các môn nhân Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như mà nói rằng: Các ông chẳng phải như những người khác, sau khi ta diệt độ mỗi người hãy đi làm thầy một phương. Nay ta dạy các ông nói pháp chẳng lạc mất bổn tông.

 

Đây là mười đại đệ tử của Lục Tổ. Theo trong phẩm này có nói “nối pháp được bốn mươi ba vị”, tức là số đệ tử nhập thất của Tổ, đã ngộ tánh, thấy tánh, nhưng chính thức cho đi làm thầy thì chỉ có mười vị.

Điều này cho chúng ta thấy tuy thấy tánh, tuy vào thất Tổ sư, nhưng vẫn có mức độ sâu cạn. Thế nên, trong phái Lâm Tế về sau chia ra ba quan: Tổ sư quan hay sanh tử quan, Trùng quan và Lao quan. Có lẻ muốn làm thầy thì phải qua hết quan thứ ba.

 

Trước hết phải nêu ba khoa pháp môn, động dụng ba mươi sáu phép đối, mọc ra lặn vào đều là đạo tràng Bồ đề. Nói tất cả pháp mà chẳng lìa tự tánh.

Bỗng có người hỏi các ông về pháp, thì nói ra đều có đôi cặp, đều dùng pháp đối, đến và đi làm nhân cho nhau. Rốt ráo hai pháp đều trừ bỏ hết, không có chỗ đến.

Ba khoa pháp môn là: Ấm, Giới, Nhập. Ấm là năm ấm sắc thọ tưởng hành thức. Nhập là mười hai nhập, ngoài thì sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp, trong thì sáu cửa mắt tai mũi lưỡi thân ý. Giới là mười tám giới, sáu trần, sáu cửa, sáu thức.

Tự tánh bao gồm vạn pháp, gọi là Hàm tàng thức, nếu khởi suy nghĩ tức là chuyển thức. Sanh ra sáu thức, ra sáu cửa, thấy sáu trần. Mười tám giới như vậy đều từ tự tánh khởi dụng.

 

Cuộc đời, thế giới chúng ta kinh nghiệm được đều được gói tròn trong năm ấm, mười hai nhập và mười tám giới. Nói rút gọn là căn (cửa), trần, thức. Những yếu tố này duyên sanh lẫn nhau và tương tác lẫn nhau để tạo thành cuộc đời và thế giới ta đang sống.

Ở trước, khi đại ngộ Lục Tổ đã nói “tự tánh hay sanh muôn pháp”, ở đây ngài cũng nói “tự tánh bao gồm vạn pháp”. Nhưng ở đây ngài giảng theo tám thức từ Kinh Lăng Già, mà Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma đã trao cho các đệ tử.

Tự tánh bao gồm tất cả các pháp, và tự tánh vốn thanh tịnh nên các pháp đều thanh tịnh. Tự tánh ấy là trí, và khi có nhiễm ô thì gọi là Hàm tàng thức, tức là đã có vô minh. Vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc, danh sắc sinh sáu cửa, sáu cửa sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh sanh, sanh sinh lão tử. Đây là vòng mười hai nhân duyên tương thuộc sanh nhau và tiếp nối nhau tạo thành sự tương tục của sanh tử.

Khi tự tánh đã là thức, Hàm tàng thức, thì có sự “chuyển thức”, tức là sự sanh ra cái tiếp theo. Sanh ra, chuyển thức là cái động ban đầu, cái vô minh phân biệt ban đầu, từ đây có sáu thức, sáu căn, sáu trần, có ta người, có tôi và thế giới, có thương ghét… tức là các pháp riêng rẽ nhau, phân mảnh, không còn là “tự tánh bao gồm muôn pháp”, không còn là một tự tánh, một Phật tánh, một Pháp thân.

Tóm lại chuyển thức là trí chuyển thành thức, tánh chuyển thành tướng, lìa tự tánh tự tịnh tự định để chạy theo tướng.

Tu là đưa các pháp về tự tánh, đó là công phu “ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi niệm mà vô niệm, vô trụ là tánh vốn sẳn của người” (Phẩm Định Huệ thứ 4), để thấy tất cả là một, tất cả các tướng đều là một tánh. Thấy tánh là thấy tất cả tướng đều là một tánh, không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tất cả là Chân Như, là Viên thành thật tánh.

Thật ra, ‘‘mười tám giới như vậy đều từ tự tánh khởi dụng’’, tự tánh nhiễm ô, thì sự khởi dụng thành ra mười tám giới nhiễm ô của sanh tử. Còn tự tánh thanh tịnh thì khởi dụng ra mười tám giới thanh tịnh của Niết bàn vì ‘‘bản tánh của sanh tử là Niết bàn’’.

Cụ thể người tu có thấy tất cả pháp trước mắt, bên ngoài và bên trong là ‘‘tự tánh khởi dụng’’ không. Thấy được như thế tức là sống trong tánh.

 

Nếu tự tánh nhiễm tà thì khởi ra mười tám cái tà, nếu tự tánh là chánh thì khởi ra mười tám cái chánh. Nếu dụng xấu ác tức là dụng của chúng sanh, dụng thiện lành tức là dụng của Phật.

Dụng do đâu có? Do tự tánh mà có.

Ngoại cảnh vô tình có năm pháp đối: trời đối với đất, mặt trời đối với mặt trăng, sáng đối với tối, âm đối với dương, nước đối với lửa. Đây là năm pháp đối.

Pháp tướng ngôn ngữ có mười hai pháp đối: lời đối với pháp, có đối với không, có sắc đối với không sắc, có tướng đối với không tướng, hữu lậu đối với vô lậu, sắc đối với Không, động đối với tịnh, trong đối với đục, phàm đối với thánh, tăng đối với tục, già đối với trẻ, lớn đối với nhỏ. Đó là mười hai pháp đối.

Tự tánh khởi dụng có mười chín pháp đối: dài đối ngắn, tà đối chánh, si đối huệ, ngu đối trí, loạn đối định, từ đối độc, giới đối sai, thẳng đối cong, thật đối hư, hiểm đối bằng, phiền não đối Bồ đề, thường đối vô thường, bi đối hại, mừng đối giận, rộng lượng đối bỏn xẻn, tới đối lui, sanh đối diệt, pháp thân đối sắc thân, hóa thân đối báo thân. Đó là mười chín pháp đối.

Ba mươi sáu pháp đối ấy nếu hiểu mà dùng thì đó là đạo, thông suốt tất cả kinh pháp, ra vào lìa cả hai bên.

 

Cái khởi dụng để có ra ba mươi sáu pháp đối nhau tạo thành chủ thể và đối tượng, ta và người, ta và thế giới đều có nền tảng là tự tánh, hiện hữu trên tự tánh và tiêu tan trong tự tánh. Cho nên chính tự tánh giải quyết cho các sự đối nhau không cùng tạo thành sanh tử này.

Chúng ta thấy năm pháp đối nhau của “ngoại cảnh vô tình”, cái mà ở trên gọi là trần, thì sự phân biệt đối địch là chuyện tự nhiên, có rất ít thức phân biệt thương ghét, ta người, ta và thế giới. Khi có mặt trời thì không có mặt trăng, khi có sáng thì không có tối….

Khi có ngôn ngữ của con người chen vào thì chính ngôn ngữ làm cho sự đối nghịch nặng nề hơn, sự phân biệt càng nhiều, cái ta và cái của ta, thích và không thích, giá trị và không giá trị.

Ở mười chín pháp đối sau, thức phân biệt càng sâu sắc vi tế hơn, đâm sâu rễ vào toàn bộ hiện hữu để thế gian trở thành đối nghịch không thể cứu chữa, là tôi thiện anh ác, tôi đúng anh sai, tôi trí anh ngu… đưa đến chiến tranh không dứt.

Để thoát khỏi cuộc sanh tử duyên sanh tương thuộc nhưng đối nghịch nhau này, người tu phải trở lại cái nền tảng khởi dụng chưa bị nhiễm ô. Để giải quyết đối pháp, phải học và thực hành lời dạy của Lục Tổ: “Dụng do đâu có? Do tự tánh mà có”.

Như nếu cứ thấy sóng, cứ sống nơi sóng thì cả đời dồn dập khổ đau, đối nghịch. Còn thấy tất cả sóng khởi dụng từ đại dương, là những biểu hiện của đại dương thì tất cả là đại dương, hết đối nghịch, hết chiến tranh.

Ba mươi sáu tướng đối đãi ấy nếu hiểu mà dùng, nghĩa là chúng chỉ là phương tiện, “ở nơi tướng mà lìa tướng”, ở nơi tướng mà “chẳng phải tướng”, thì đó là đạo, dùng tướng mà lìa cả hai bên thì ngay khi dùng bèn là giải thoát, vì “bình đẳng như mộng huyễn”, ‘‘dụng vốn vô sanh’’, “tánh tướng như như”.

Người tu hành cả ngày sống trong các pháp đối, “nếu hiểu mà dùng thì đó là đạo”. Đạo là cái mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày vậy.

 

Tự tánh động dụng, giao tiếp nói năng, ngoài thì ở nơi tướng mà lìa tướng, trong thì ở nơi không mà lìa không. Nếu toàn bám tướng tức là thêm lớn tà kiến, còn nếu toàn chấp không thì thêm lớn vô minh.

Người chấp không thì hủy báng kinh, nói rằng chẳng cần văn tự. Nhưng đã nói chẳng dùng văn tự thì cũng chẳng nên nói ra mới phải, vì lời nói ra ấy lại là tướng của văn tự. Lại nói, thẳng vào đạo chẳng lập văn tự, thì hai chữ chẳng lập ấy cũng đã là văn tự rồi. Thấy người nói pháp thì chê bai cho là dính mắc văn tự.

Các ông phải biết tự mình mê thì còn khá, lại hủy báng kinh Phật. Chớ nên chê kinh mà mắc vô số tội chướng.

 

Tự tánh vốn là trí huệ và từ bi, nên tự tánh động dụng là tự giác (ở nơi tướng mà lìa tướng) và giác tha, làm lợi lạc cho người. Nhưng nếu tự tánh nhiễm tà, thì thành ra chấp ngã chấp pháp, từ đó có những tà kiến nảy sanh.

Vì cái ta, cho nên chê bai văn tự của người, thậm chí văn tự của kinh. Thiền tông chú trọng đến tu chứng, nên không đặt nặng chuyện nghiên cứu văn tự trong kinh điển. Nhưng vì cái ta mà giải thích “chẳng lập văn tự” theo một lối cực đoan coi thường kinh điển thì tạo tội chướng vô số.

Phải thấy rằng tự tánh khởi dụng, tự tánh động dụng là khởi dụng từ trí huệ vô ngã vô pháp, từ tâm từ bi cứu độ chúng sanh, chứ không phảitừ cái tavà cái của ta, từ sự ích kỷ hạn hẹp của ta và cái của ta.

 

Nếu bám tướng bên ngoài mà lập ra phép tắc để cầu chân, hoặc mở rộng đạo tràng, nói những điều lỗi lầm về cái có cái không, những người như vậy dầu bao kiếp cũng chẳng thể thấy tánh.

Chỉ nghe nói rồi y pháp tu hành, lại đừng chẳng nghĩ đến trăm việc mà làm ngăn ngại tánh đạo. Còn nghe nói mà chẳng tu, khiến cho người trở lại sanh tà niệm. Chỉ y pháp tu hành, bố thí pháp mà chẳng trụ vào tướng.

Các ông nếu ngộ thì y vào đó mà nói, y vào đó mà dùng, y vào đó mà hành, y vào đó mà làm, thì chẳng mất bổn tông.

 

Lục Tổ hay nói về “lỗi, lỗi lầm, sai, chẳng phải, tội” vì không lỗi, đó là trí, là tự tánh. Lỗi là cái mình tự tạo để tự che lấp với tự tánh: “Tâm địa không lỗi, tự tánh giới”. Cho nên khi chuyển lỗi thì ngay nơi chỗ chuyển đó là trí huệ: “Chuyển lỗi ắt sanh trí huệ”.

Thấy tướng và làm theo tướng, đó là lỗi. Thấy tánh và làm theo tánh, đó là Như Lai thanh tịnh thiền.

Bám tướng mà tu thì chỉ tăng thêm phân biệt ta người, nói gì thì cũng rơi vào tướng có tướng không, như vậy là xây đắp sanh tử ngày thêm kiên cố, có bao giờ ra khỏi.

Người thực tu là người thực sự mong cầu giải thoát. Giải thoát là lìa tướng chứ không phải đắm chìm theo tướng, tạo lập thêm tướng.

Chỉ y pháp tu hành, tức là y tánh mà tu. Đến khi ngộ tánh, thấy tánh thì y vào tánh mà nói, mà dùng, mà hành, mà làm, bấy giờ càng ngày càng nhập sâu vào tánh cho đến lúc hoàn hảo thì đây là tánh nói, tánh dùng, tánh hành, tánh làm. Tất cả là tánh.

Khi ấy thấy gì cũng vui, nghe gì cũng vui, sờ chạm cái gì cũng vui, nghĩ gì cũng vui. Đây là ‘‘tự tánh khởi dụng’’.

 

Nếu có người hỏi các ông về nghĩa, hỏi có thì lấy không mà đối, hỏi không thì lấy có mà đối, hỏi phàm thì lấy thánh đối, hai đường nương nhau, sanh nghĩa trung đạo. Một câu hỏi một câu đối đáp, còn các câu hỏi khác thì cứ y theo đó mà đáp thì chẳng sai lý vậy.

Giả sử có người hỏi ‘sao gọi là tối’ thì đáp rằng ‘sáng là nhân, tối là duyên, sáng hết thì tối’. Lấy cái sáng để hiển cái tối, lấy cái tối để hiển cái sáng, đến đi nương nhau, thành nghĩa trung đạo. Còn hỏi khác nữa thì y theo đó mà trả lời.

Ngày sau các ông đi truyền pháp, cứ y theo đó mà truyền dạy nhau, chớ làm mất tông chỉ.

 

Lập ra các pháp đối, sử dụng pháp đối để làm rõ nghĩa trung đạo. Trung đạo chính là tự tánh. Đối lại câu hỏi người khác để đưa họ vào trung đạo, vào tự tánh. Chính nơi các pháp đối là cái dụng của tự tánh mà người ta thấy được “tự tánh khởi dụng”, và ‘‘dụng vốn vô sanh’’.

 

Năm Nhâm Tý, niên hiệu Thái Cực Diên Hòa, vào tháng bảy, Đại sư bảo môn nhân qua chùa Quốc Ân ở Tân Châu xây một cái tháp nhưng phải hối thợ làm gấp. Cuối mùa hạ năm sau thì hoàn thành.

Ngày mồng một tháng bảy, Đại sư nhóm các đồ chúng mà nói rằng: Đến tháng tám, ta muốn lìa thế gian, các ông có chỗ nào nghi, phải cùng nhau hỏi sớm, ta phá nghi cho để hết mê mờ. Sau khi ta đi không có ai dạy các ông.

Các đệ tử Pháp Hải…. nghe nói, cả thảy đều khóc. Chỉ có Thần Hội tâm thần tình cảm không động, cũng không khóc lóc.

Đại sư nói: Tiểu sư Thần Hội đã được thiện và chẳng thiện như nhau, khen chê không động, buồn vui chẳng sanh, số còn lại thì chưa được như vậy.

Ở trong núi mấy năm, các ông tu đạo gì? Nay các ông buồn khóc là lo cho ai? Nếu lo cho ta chẳng biết chỗ đi, thì ta tự biết chỗ đi. Nếu ta chẳng biết trước chỗ đi thì ta đã chẳng báo trước cho các ông. Các ông buồn khóc vì chẳng biết chỗ ta đi, nếu biết chỗ ta đi thì chẳng nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không có sanh diệt, đến đi.

 

Một bậc chứng ngộ Pháp thân vô tướng, vô niệm và vô trụ thì thấy thân cha mẹ sanh ra này chỉ là một Hóa thân bằng vật chất thế gian. Vị ấy biết khi nào hết kỳ hạn sử dụng thân này, và chuẩn bị ra đi, từ bỏ Hóa thân để trở lại Pháp thân.

Tiểu sư Thần Hội không động vì ngài đã chứng ngộ phần nào Pháp thân ấy, cho nên biết sự việc như thế nào, sanh là từ đâu sanh, chết là đi về đâu. Pháp thân hay pháp tánh thì vốn không có sanh diệt, đến đi, còn Hóa thân thì có sanh diệt, đến đi nhưng là sanh diệt đến đi trong Pháp thân không sanh diệt đến đi, nên chỉ ứng hiện như huyễn. Như một làn sóng trên đại dương, như một bóng trăng trên mặt nước.

Một vị Bồ tát là sanh từ Pháp thân, làm việc ở thế gian bằng Hóa thân, và chết là trở lại Pháp thân. Đây gọi là tự do ra vào sanh tử.

 

Các ông hãy ngồi xuống hết, ta nói cho một bài kệ, gọi là Kệ Chân Giả Động Tịnh. Các ông tụng bài kệ này thì cùng đồng một tâm ý với ta, y theo đó tu hành thì chẳng mất tông chỉ.

Chúng tăng làm lễ, thỉnh Sư nói kệ. Kệ rằng:

Tất cả không có chân

Chớ thấy là có chân

Nếu thấy là có chân

Cái thấy ấy chẳng chân.

Nếu được tự có chân

Lìa giả tức tâm chân

Tâm mình chẳng lìa giả

Không chỗ nào có chân.

Đạo Phật giúp con người đi tìm và thấy ra cái chân thật, cái chân thật của mình, của người, của thế giới.

Nhưng cái chân thật ấy chẳng phải do ai lập ra, nó đã có sẳn tại đây, bây giờ. Mặt trăng đã có sẳn, nhưng chính vì vọng tưởng lập ra một cái chân, thì mặt trăng duy nhất ấy liền biến thành mặt trăng thứ hai. Chính sự lập ra ý niệm cái chân, chính sự động niệm tưởng đến cái chân, mà cái vốn chân thật trước mắt biến mất và biến dạng, méo mó.

Cái vốn tự chân thì không cần thêm thắt, tạo tác, tăng giảm gì cả. Chỉ cần lìa giả, lìa những che chướng giả lập thì cái chân thật hiện tiền. Cái chân thật hiện tiền khi tâm trở lại bản tánh chân thật của nó là vô niệm, vô tướng và vô trụ. Vì vô niệm, vô tướng và vô trụ chính là cái chân thật, còn niệm, tướng, trụ là cái giả.

Thấy mà không có niệm, không có tướng, không có trụ, đó là thấy cái chân thật.

 

Hữu tình thì biết động

Vô tình thì chẳng động

Nếu tu hạnh chẳng động

Đồng vô tình chẳng động.

Nếu tìm chân bất động

Ngay động có bất động

Bất động mà bất động

(Thì) Vô tình vô Phật chủng.

Hay khéo phân biệt tướng

(Trong) đệ nhất nghĩa chẳng động.

Chỉ cái thấy như vậy

Tức là Chân Như dụng.

Báo cho người học đạo

Nỗ lực nên dụng ý

Chớ trong cửa Đại thừa

Lại chấp trí sanh tử.

Nếu nghe liền tương ưng

Cùng nhau luận nghĩa Phật

Nếu chẳng tương ưng được

Chắp tay khiến hoan hỷ.

Tông này vốn không tranh

Tranh luận mất đạo ý

Giữ pháp môn trái cãi

Tự tánh vào sanh tử.

Tu hành là để giải thoát khỏi sanh tử, mà sanh tử là động, nên cứ nghĩ rằng cứu cánh là cái chẳng động. Cái chẳng động rốt ráo chẳng phải là chẳng động đối với động mà “ngay động có chẳng động”. Thấy biết được cái chẳng động có mặt ở mọi lúc mọi nơi này mới thực sự giải thoát, vì khi ấy đâu cũng là giải thoát, cái gì cũng là giải thoát.

Trong thật tướng vô niệm, vô tướng và vô trụ, không có sự tranh luận, phân chia ta người, cái này cái kia. Những sự phân chia, tranh chấp đều thuộc về thức tạo ra sanh tử. Vô niệm, vô tướng, vô trụ là vô sanh, “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”.

“Hãy khéo phân biệt tướng, mà ở trong đệ nhất nghĩa chẳng động, đây là cái dụng của Chân Như”. Dụng mê lầm khởi tướng theo tướng là dụng của sanh tử, đây là cái dụng của tự tánh nhiễm ô. Còn tự tánh thanh tịnh thì tất cả đời sống là dụng của Chân Như.

 

Khi chúng nghe kệ rồi đều làm lễ, thể theo ý thầy, mỗi mỗi nhiếp tâm, y pháp tu hành, chẳng dám tranh luận.

Biết rằng Đại sư không còn ở thế gian lâu, thượng tọa Pháp Hải lại lễ lạy mà hỏi rằng: Sau khi Hòa thượng nhập diệt rồi thì y pháp sẽ truyền phó cho người nào?

Sư nói: Những lời ta thuyết pháp từ ở chùa Đại Phạm đến ngày nay nên chép lại để lưu hành, nhan đề là Pháp bảo đàn kinh. Các ông hãy giữ gìn, thay nhau truyền thọ, độ các quần sanh. Hãy y theo lời đó mà tu hành, gọi là chánh pháp.

Nay ta nói pháp cho các ông mà chẳng truyền y vì các ông tín căn đã thuần thục, quyết định không nghi, đủ sức nhận lãnh việc lớn. Nhưng cứ như ý bài kệ của tiên tổ Đạt Ma đại sư truyền lại, thì y này chẳng nên truyền.

Kệ rằng:

Vốn ta đến cõi này

Truyền pháp cứu tình mê

Một hoa nở năm cánh

Kết quả tự nhiên thành.

Từ Lục Tổ, Thiền tông đã đặt căn bản vững vàng ở đất Trung Hoa, có chùa chiền, có kinh pháp, có các đệ tử lãnh nhận việc truyền bá cho nên không truyền y, vì như Ngũ Tổ nói với Lục Tổ: Y là đầu mối của sự tranh giành, đến đời ông thì không nên truyền nữa.

Một hoa là Tổ Bồ Đề Đạt Ma, năm cánh là từ Nhị Tổ Huệ Khả cho đến Lục Tổ Huệ Năng. Về sau này, Thiền tông có phát triển như thế nào cũng không ra ngoài nền tảng Lục Tổ đã thiết định trong Pháp Bảo Đàn Kinh. Các thiền sư về sau có nói gì thì cũng không ra khỏi kinh nghiệm tu chứng của Lục Tổ và càng không ra ngoài hay vượt khỏi lời của Đức Phật trong kinh. Có thấy như vậy mới trân trọng và thực hành theo từng “lời nói pháp” của ngài. Không ra khỏi, không khác, là một nghĩa của pháp ấn, tâm ấn.

‘‘Các ông hãy giữ gìn, thay nhau truyền thọ’’, đây là trí huệ; ‘‘độ các quần sanh’’, đây là đại bi.

 

Sư lại nói: Các thiện tri thức, các ông mỗi người phải tịnh tâm nghe ta nói pháp.

Nếu muốn thành tựu Nhất thiết chủng trí thì phải đạt đến Nhất tướng tam muội, Nhất hạnh tam muội.

Nơi tất cả mọi chỗ mà chẳng trụ tướng, trong các tướng kia chẳng sanh yêu ghét, cũng không lấy bỏ, chẳng nghĩ niệm các việc lợi ích thành bại, an nhàn điềm tĩnh, rỗng rang đạm bạc, đây gọi là Nhất tướng tam muội.

Nơi tất cả mọi chỗ, đi đứng nằm ngồi, thuần một trực tâm, chẳng động đạo tràng, thành chân Tịnh độ, đây gọi là Nhất hạnh tam muội.

Nếu người có đủ hai tam muội này, như đất có hạt giống, ngậm chứa nuôi lớn đến khi thành trái. Nhất tướng, nhất hạnh tam muội cũng lại như vậy.

 

Nhất tướng tam muội là an trụ trong tự tánh vô tướng, vô niệm và vô trụ. Tâm thấu thoát qua mọi tướng, mọi niệm, rỗng rang khắp cả.

Nhất tướng tam muội là chánh định thường hằng của Nhất tướng Vô tướng, tức là của tánh Không.

Nhất hạnh tam muội là chánh định của một hạnh, hạnh ấy là thuần một trực tâm, ở trong đạo tràng chẳng động, tức là hạnh sống trong tánh Không. Khi thấy và sống trong tánh Không, tức là thấy và sống trong cái thanh tịnh vô tướng, vô niệm và vô trụ, thì đây là Tịnh độ chân thực.

Ban đầu người tu chỉ mới tương ưng với tánh Không và cứ niệm niệm tương ưng như vậy thì cái tam muội của tánh Không này lớn dần lên, cho đến khi tất cả vũ trụ đều ở trong tam muội ấy.

Nhất tướng tam muội và Nhất hạnh tam muội là cuộc sống hàng ngày ở đời này, chỉ với tâm vô niệm, vô tướng và vô trụ, người ta đưa cuộc sống hàng ngày vào giải thoát giác ngộ.

 

Nay ta nói pháp cũng như trời mưa, thấm khắp đất đai, Phật tánh các ông ví như hạt giống, gặp mưa thấm ướt thì đều phát sanh. Vâng theo ý chỉ của ta thì chắc được giác ngộ, y theo hạnh của ta thì chắc chứng diệu quả. Hãy nghe kệ ta:

Tâm địa ngậm muôn giống

Mưa khắp thảy nảy sanh

Hoa tình đốn ngộ rồi

Bồ đề quả tự thành.

Nói kệ xong, Sư tiếp: Pháp vốn không hai, tâm cũng như vậy. Đạo vốn thanh tịnh cũng không có các tướng. Các ông hãy cẩn thận, chớ quán tịnh và làm không cái tâm. Tâm đây vốn tịnh, chẳng thể lấy bỏ. Mỗi người hãy tự nỗ lực, tùy duyên mà hóa độ.

Lúc ấy đồ chúng đảnh lễ mà lui ra.

 

Phật tánh là tâm địa, là tự tánh. Nhờ nghe pháp mà biết được sự có mặt thường hằng của nó, gọi là đốn ngộ. Khi đã biết được nó, quả giác ngộ sẽ dần dần tự thành, vì nhân Phật tánh ắt tự nhiên thành quả Phật tánh. Bấy giờ như kinh Viên Giác nói: “Tất cả đều là Giác”.

Phật tánh hay Phật là cái vốn thanh tịnh, không hai, không có các tướng này. Trong cái vốn thanh tịnh này mà thanh tịnh được bao nhiêu thì các địa Bồ tát theo đó mà tạm thời thành lập. Tu là y vào cái vốn thanh tịnh, không có các tướng ấy mà tu. Chớ lập ra ý tưởng, lập ra niệm về cái tịnh, về cái không có niệm rồi theo đó mà quán tịnh, làm không cái tâm thì như người xưa nói muốn có im lặng mà nói hãy im đi, muốn không có bóng mà ra đứng dưới ánh mặt trời.

Chỉ cần một câu “tâm đây vốn tịnh”, “không có các tướng”, “chẳng thể lấy bỏ” mà tham thiền liên tục thì sẽ có ngày gặp nó. Gặp được diệu nhân, đốn ngộ diệu nhân, thì diệu quả tự nhiên thành, vì tất cả xưa nay vốn đã hiện thành vậy.

 

Ngày mồng tám tháng bảy, Đại sư bỗng gọi các môn đồ: Ta muốn về Tân Châu, các ông mau sửa soạn thuyền bè. Đại chúng buồn thảm xin cầm ngài ở lại.

Sư nói: Chư Phật ra đời rồi cũng Niết bàn. Hễ có đến thì có đi, lẽ thường như vậy. Hình hài của ta đây ắt phải có chỗ về.

Chúng thưa: Thầy đi phen này, về sớm hay muộn?

Sư nói: Lá rụng về cội, ắt không ngày trở lại.

Chúng lại hỏi: Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho ai?

Sư nói: Người có đạo thì đắc, người vô tâm thì thông.

Lại hỏi: Ngày sau có nạn gì không?

Sư nói: Sau khi ta nhập diệt năm, sáu năm, sẽ có người muốn trộm lấy đầu ta. Hãy nghe lời ký của ta:

Trên đầu nuôi thân

Trong miệng cần ăn

Gặp nạn tên Mãn

Dương Liểu làm quan.

Một người đã chứng ngộ tánh Không vô sanh thì đến từ tánh Không, làm việc trong tánh Không, và đi về tánh Không. Tất cả niệm đều giải thoát, tất cả tướng đều giải thoát, tất cả trụ đều giải thoát, thế nên tất cả đều như chơi. Thậm chí trả lời về chánh pháp nhãn tạng cũng nói như chơi: “Người có đạo thì đắc, người vô tâm thì thông”. Ai có đạo? Ai vô tâm?

Không, Vô tướng, Vô nguyện thì như chơi vậy.

 

Bạch hỏi rằng: Chúng con chưa biết từ trên Phật Tổ ứng hiện ra đời đến nay, truyền thọ được bao nhiêu đời, xin Tổ chỉ dạy.

Sư nói: Phật xưa ra đời đã vô số, không thể kể hết. Nay kể bảy vị Phật làm đầu mà thôi.

Đời quá khứ kiếp Trang Nghiêm có Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù.

Đời hiện tại Hiền kiếp có Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca Văn. Ấy là bảy vị Phật.

Phật Thích Ca Văn đầu tiên, truyền cho 1/ Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, 2/ Tôn giả A Nan, 3/ Tôn giả Thương Na Hòa Tu, 4/ Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa, 5/ Tôn giả Đề Ca Đa, 6/ Tôn giả Di Giá Ca, 7/ Tôn giả Bà Tu Mật Đa, 8/ Tôn giả Phật Đà Nan Đế, 9/ Tôn giả Phục Đà Mật Đa, 10/ Tôn giả Hiếp, 11/ Tôn giả Phú Na Dạ Xa, 12/ Đại sĩ Mã Minh, 13/ Tôn giả Ca Tỳ Ma La, 14/ Đại sĩ Long Thọ, 15/ Tôn giả Ca Na Đề Bà, 16/ Tôn giả La Hầu Đa La, 17/ Tôn giả Tăng Già Nan Đề, 18/ Tôn giả Già Da Xá Đa, 19/ Tôn giả Cưu Ma La Đa, 20/ Tôn giả Xà Da Đa, 21/ Tôn giả Bà Tu Đàn Đầu, 22/ Tôn giả Ma Noa La, 23/ Tôn giả Hạc Lặc Na, 24/ Tôn giả Sư Tử, 25/ Tôn giả Bà Xá Tư Đa, 26/ Tôn giả Bất Như Mật Đa, 27/ Tôn giả Bát Nhã Đa La, 28/ Tôn giả Bồ Đề Đạt Ma (Sơ tổ Thiền Trung Hoa). 29/ Đại sư Huệ Khả, 30/ Đại sư Tăng Xán, 31/ Đại sư Đạo Tín, 32/ Đại sư Hoằng Nhẫn, 33/ Huệ Năng là Tổ thứ 33.

Từ trên các Tổ đều thừa kế nhau. Các ông về sau phải lưu truyền đời này sang đời khác, không để sai lầm.

 

– Sự truyền thừa Phật pháp trong các tông, kể cả Mật giáo sau này, đều có dòng truyền riêng, không giống nhau.

– Theo Kinh Đại Bát Niết Bàn (Kinh Trường Bộ), Đức Phật không chỉ định vị nào thay thế ngài làm Đạo sư mà, “chớ có nghĩ rằng các ông không có Đạo sư, sau khi ta diệt độ, chính Pháp và Luật sẽ là Đạo sư của các ông”. Vì không có một Giáo chủ mà Phật giáo mới được truyền bá khắp các nước.

– Dù cho dòng truyền thừa này là chính xác, thì một vị Tổ không chỉ có một đệ tử truyền thừa duy nhất. Chẳng hạn Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi lập phái Thiền đầu tiên của Việt Nam là đệ tử đắc pháp của Đệ tam Tổ Tăng Xán. Nếu chỉ tính có một vị đệ tử của Tổ Tăng Xán là ngài Đạo Tín, thì không có dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Việt Nam.

– Cho nên, nói rằng Lục Tổ là vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa là điều chắc chắn.

Truyền thừa hay tâm truyền tâm, theo truyền thống Thiền tông, ở hội Linh Sơn, Đức Phật cầm một bông sen đưa lên và mỉm cười. Ngài Ca Diếp cũng mỉm cười, và Đức Phật nói với ngài Ca Diếp: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay phó chúc cho ông”.

 

Niên hiệu Tiên Thiên thứ hai, năm Quý Sửu (713), ngày mồng ba tháng tám, tại chùa Quốc Ân, sau khi thọ trai, Đại sư nói với đồ chúng rằng: Các ông hãy y theo thứ tự mà ngồi, ta cùng các ông từ biệt.

Pháp Hải bạch rằng: Hòa thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau thấy được Phật tánh?

Sư nói: Các ông hãy nghe kỹ, những người mê đời sau nếu chẳng biết chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp.

Nay ta dạy các ông biết tự tâm chúng sanh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật thì chỉ cần biết chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh.

Tự tánh nếu ngộ, chúng sanh là Phật.

Tự tánh nếu mê, Phật là chúng sanh.

Tự tánh bình đẳng, chúng sanh là Phật.

Tự tánh tà hiểm, Phật là chúng sanh.

Nếu tâm các ông cong hiểm thì Phật ở trong chúng sanh, một niệm bằng thẳng tức là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật chính mình là chân Phật. Nếu tự thấy mình không có tâm Phật thì chỗ nào cầu chân Phật.

Tự tâm các ông là Phật chớ có hoài nghi. Ngoài không có một vật gì kiến lập được, đều chính bản tâm sinh muôn thứ pháp. Kinh nói: Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt.

 

Tức tâm tức Phật là Nền tảng, Con đường và Quả của những tông phái lớn Phật giáo. Như Đại Toàn Thiện (Dzogchen), Đại Ấn (Mahamadra)… của Tây Tạng, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông… của Trung Hoa.

Ở đây chúng ta nói trong ngữ cảnh của kinh này.

Khi nhìn thẳng vào tâm, tìm kiếm cho đến rốt ráo chúng ta vẫn không tìm thấy một niệm nào cả. Bản chất của tâm là vô niệm. Tìm hết mức, chúng ta vẫn không tìm thấy tâm có tướng gì cả, không tròn không vuông, không xanh đỏ trắng vàng, không âm thanh, không mùi vị. Bản chất của tâm là vô tướng. Chúng ta cũng không tìm thấy đâu là chỗ trụ của tâm, vì không chỗ trụ nên nó có mặt khắp cả. Bản chất của tâm là vô trụ.

Không bị quy định, định hình bởi niệm, tướng và trụ nên tâm vốn là giải thoát. Hiện hữu không do duyên nào cả, đây là một nghĩa của vô tự tánh, tâm vốn tự do. Tâm này là Phật, ngoài tâm này ra không có Phật nào khác.

Người mê cứ nghĩ rằng phải tìm Phật ngoài cái chúng sanh này. Nhưng chúng sanh sanh ra từ Phật, như sóng sanh ra từ biển, như các món đồ bằng vàng sanh ra từ một chất vàng. Tất cả mọi cái sanh ra đều có bản chất Phật, chỉ có khác nhau về hình tướng là do nghiệp (hành động) của mỗi chúng sanh.

Lục Tổ nói, “hãy biết chúng sanh tức là Phật tánh”, biết tất cả tướng sanh ra từ Phật tánh, đây là cái thấy biết của giải thoát. “Muốn cầu Phật thì chỉ cần biết chúng sanh”, biết thật tướng của chúng sanh là Phật tánh, đây là cái thấy biết của giác ngộ. Như biết thật tướng của sóng là đại dương, biết thật tướng của bóng là gương, biết thật tướng của mọi đồ gốm là đất sét.

Tự tánh vốn là Phật, chỉ vì mê, chẳng bình đẳng, tà vạy, hiểm hóc cong queo mà từ một vị Phật tánh bỗng hóa thành méo mó, ta người, của tôi của anh, thân tâm đối chọi với thế giới…. Còn tự tánh không nhiễm ô, không biến thành các tướng méo mó thương ghét, lấy bỏ… thì chỉ có Phật biến thành Phật, Phật thấy Phật, Phật nói với Phật, Phật làm cho Phật. Tất cả đều là tự tánh thanh tịnh, đó là chân Phật.

Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh (phẩm Sám hối). Tùy theo sống được cái Giác, cái Chánh, cái Tịnh ấy được bao nhiêu bèn là sống trong tự tánh Tam Bảo thường trụ được bấy nhiêu.

Bản tâm là Phật thì khi tâm sanh, đó là thảy thảy Phật sanh, khi tâm diệt thì thảy thảy Phật diệt, sanh hay diệt cũng chỉ là Phật. Bản tâm là Pháp thân Phật, thì chẳng có gì ngoài, và tất cả hiện hữu là Báo thân và Hóa thân Phật. Đây là “nơi tất cả mọi chỗ, đi đứng nằm ngồi, thuần một trực tâm Phật, đạo tràng chẳng động, thành chân Tịnh độ”.

 

Nay ta để lại một bài kệ mà từ biệt cùng các ông, gọi là Kệ Tự Tánh Chân Phật. Người đời sau biết được ý nghĩa bài kệ ấy thì tự thấy bản tâm, tự thành Phật đạo.

Kệ rằng:

Tự tánh Chân Như là chân Phật

Tà kiến ba độc là ma vương

Lúc mà tà mê, ma tại xá

Khi mà chánh kiến Phật trong nhà.

Trong tánh tà kiến, ba độc sanh

Tức là ma vương đến trụ xá

Chánh kiến tự trừ ba độc (trong) tâm

Ma biến thành Phật, thật không giả.

Pháp thân, báo thân cùng hóa thân

Ba thân xưa nay vốn một thân

Nếu trong tánh mình hay tự thấy

Tức là nhân thành Phật Bồ đề.

Vốn từ hóa thân sanh tánh tịnh

Tánh tịnh thường ở trong hóa thân

Tánh khiến hóa thân hành chánh đạo

Tương lai viên mãn thật không cùng.

Tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh

Trừ dâm tức là thân tánh tịnh

Trong tánh mỗi tự lìa năm dục

Sát na thấy tánh tức là chân.

Đời nay nếu ngộ môn đốn giáo

Bỗng ngộ tánh mình thấy Thế Tôn

Nếu muốn tu hành tìm thành Phật

Chẳng biết chỗ nào khác tìm chân.

Nếu trong tâm tự thấy chân được

Có chân tức là nhân thành Phật

Chẳng thấy tánh mình ngoài kiếm Phật

Khởi tâm thảy là người ngu si.

Pháp môn đốn giáo nay truyền lại

Cứu độ người đời phải tự tu

Bảo các người học đạo đời sau

Chẳng theo chánh kiến lắm lù mù.

Từ tự tánh Chân Như vốn là chân Phật này, từ tự tâm vô niệm, vô tướng, vô trụ này bỗng nhiên khởi lên cái thấy biết phân biệt, tà kiến, ba độc, tức khắc Niết bàn biến thành sanh tử, cảnh Phật biến thành cảnh ma. Gương biến thành các bóng và gương biến mất. Còn trong tự tánh mà không khởi vọng niệm phân biệt, thì vẫn nguyên chánh kiến, gương vẫn nguyên ánh sáng, thì khi ấy tất cả các bóng là gương, đều thanh tịnh, không dấu vết nhiễm ô.

Tánh là tất cả các tướng, tất cả các tướng là tánh, đây là “Ba Thân xưa nay vốn một thân”, đây là nhân Phật mà cũng là quả Phật.

“Tự tánh khởi dụng” thì sanh ra hóa thân, đó là các niệm, các tướng. Nhưng tự tánh luôn luôn là tánh tịnh, nên “tánh tịnh thường ở trong hóa thân”, bản tánh của các niệm, các tướng là thanh tịnh, trong ngoài đều thanh tịnh, tánh tướng đều thanh tịnh, ‘‘tương lai viên mãn thật không cùng”.

Tự tánh khởi dụng cho nên “tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh”, chuyển hóa tướng dâm về tánh tịnh thì thấy ngay tánh tịnh khởi dụng, “trừ dâm tức là thân tánh tịnh”.

Tất cả các giác quan, các đối tượng của giác quan chẳng phải là tự tánh khởi dụng sao? Và khi nào sống trong tự tánh khởi dụng, đây là sống trong Phật.

Tu hành đốn giáo là đưa tất cả niệm và tướng về tánh, và tánh ấy là “nhân thành Phật” mà cũng chính là quả Phật. Thấy ngay tất cả niệm chính là tánh vô niệm, tất cả tướng chính là tánh vô tướng, tất cả pháp chính là tánh vô trụ, đó là “bỗng ngộ tánh mình thấy Thế Tôn”.

Cứ tu như vậy thì nghiệp chướng, tập khí đều chuyển thành tánh tịnh, ‘‘ma biến thành Phật, thật không giả’’, “tương lai viên mãn thật không cùng”.

 

Đại sư nói kệ rồi, bảo rằng: Các ông ở lại, sau khi ta diệt độ, chớ theo tình đời mà buồn khóc rơi lệ, và thọ sự viếng điếu của người hoặc mặc đồ hiếu phục. Làm như vậy thì chẳng phải đệ tử của ta, cũng chẳng phải chánh pháp.

Chỉ biết bản tâm mình, thấy bản tâm mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không đến, không phải không trái, không ở không về.

Bởi e các ông tâm mê, chẳng rõ ý ta, nên nay ta lại dặn các ông, khiến các ông thấy tánh. Sau khi ta diệt độ, y đó mà tu hành, như ngày ta còn tại thế. Nếu làm trái lời ta dạy thì dù ta còn tại thế cũng chẳng ích gì.

Sư lại nói kệ rằng:

Trơ trơ chẳng tu thiện

Sừng sửng chẳng tạo ác

Lặng lặng bặt thấy nghe

Bao la tâm không dính.

‘‘Chỉ biết tâm mình, thấy bản tánh mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đến không đi, không phải không trái, không ở không về’’ lời cuối của Lục Tổ cũng là lời nói đầu tiên với đại chúng về bản tâm.

Bản tâm mình, bản tánh mình, không có gì gần gủi thân thiết hơn chữ mình này. Có nghĩa là suốt ngày, cả đời có bao giờ nó lìa mình đâu, không ở với mình đâu. Suốt cả ngày mỗi chúng ta đều tự tánh khởi dụng, nói năng, đi đứng, im lặng, ngồi nằm, ngủ nghỉ, có cái gì chẳng phải là sự khởi dụng của tâm mình, tánh mình.

Cho nên phải biết sự hiện diện của nó, thì mới nói đến chuyện giải thoát, giác ngộ. Tất cả Phật giáo, dù tu cách nào, cũng chỉ để “biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình”, cái ấy chưa từng dính líu với sanh tử khổ đau.

Biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình thì mới biết mùi vị của giải thoát: trơ trơ, sừng sửng, lặng lặng, bao la. Còn có cái gì, người nào đụng chạm, làm hề hấn được nó? Không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không đến, không phải không trái, không ở không về.

 

Sư nói kệ rồi, ngồi ngay thẳng đến canh ba bỗng nhiên nói với môn nhân rằng: Ta đi đây. Rồi im lặng thoát hóa. Khi ấy mùi hương lạ đầy nhà, cầu vồng bạc xuống sát đất, rừng cây biến thành sắc trắng, cầm thú kêu giọng bi ai.

 

Người thấy tánh, sống tự tánh thì khi thân thể hết năng lực bèn ra đi dễ dàng, như im một hơi thở. Bởi vì người ấy thường sống và là bản tánh của con người, thiên nhiên, trời đất, nên khi ra đi làm xúc động đến muôn loài có sự sống và không có sự sống.

Một cuộc đời phục vụ chúng sanh, phục vụ Phật pháp chấm dứt nhẹ nhàng như vậy.

Còn chúng ta? Không phải là nói kinh này quá hay, không phải là ca ngợi ngài bằng đủ thứ ngôn từ và ý niệm đẹp đẽ. Để khỏi phụ lòng cuộc đời và sự thuyết pháp của ngài, chúng ta phải nghe cho kỹ (văn), tư duy tới cùng (tư), và thực hành (tu) để những lời dạy của ngài thành hiện thực, cụ thể như một vật gì thấy được, sờ được, ăn uống được.

Những lời nói của ngài là tất cả Phật pháp, không có một cái gì của Phật pháp mà ngài không giảng rõ để thực hành. Chỉ cần một câu, một đoạn kệ, mà ngài đã không tiếc lời “dặn đi dặn lại”, mà thực hành cho đến nơi đến chốn thì mới biết Phật pháp là gì và dùng nó để cứu độ người khác.

Nếu cuốn kinh này là Bốn hoằng thệ nguyện của ngài, chúng ta cũng phải nguyện như vậy mới có phần tương ưng, mới mong nắm được trong lòng bàn tay mình “cái nhân thành Phật chẳng còn nghi”.

 

Qua tháng mười một, các quan liêu ở ba quận Quảng Châu, Thiều Châu, Tân Châu cùng các môn nhân tăng tục, giành rước chân thân của ngài, chưa quyết đưa về đâu, bèn đốt hương vái rằng: Khói hương bay hướng nào thì Sư về chỗ ấy. Lúc ấy khói hương bay thẳng về Tào Khê.

Ngày mười ba tháng mười một, dời khám thờ và y bát của Tổ về Tào Khê.

Qua năm sau, ngày hai mươi lăm tháng bảy, mở khám thờ, đệ tử là Phương Biện lấy bột hương dâng cúng. Các môn nhân nhớ lại lời sấm ký về sự lấy đầu, bèn dùng lá sắt mỏng bao chặt cổ Đại sư rồi đưa vào tháp. Chợt có một làn ánh sáng trắng xuất hiện, xông thẳng lên trời, ba ngày mới tan.

Quan ở Thiều Châu làm biểu tâu vua, và vâng sắc chỉ dựng bia ghi đạo hạnh của Tổ như vầy: “Tổ sư được bảy mươi sáu tuổi, năm hai mươi bốn tuổi được truyền y, ba mươi chín tuổi xuống tóc, thuyết pháp lợi sanh ba mươi bảy năm. Nối pháp bốn mươi ba vị, người ngộ đạo vượt phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể.

Tín y của Sơ Tổ Đạt Ma truyền lại, y bát do vua Trung Tông ban, chân tượng do Phương Biện đắp và những đạo cụ đều giao cho người coi tháp chăm sóc giữ gìn, vĩnh viễn để ở đạo tràng Bửu Lâm. Lưu truyền Pháp Bảo Đàn Kinh để hiển rõ tông chỉ, hưng thịnh Tam Bảo, lợi lạc khắp cho quần sanh”.

 

 

Thiền tông Trung Hoa bắt đầu với Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhưng phải đến năm đời sau (một hoa nở năm cánh) là Lục Tổ thì mới thực sự hình thành, với địa điểm, giáo lý để lại, cuộc đời tu hành của vị Tổ, và các đệ tử đắc pháp.

Thiền tông thực sự có mặt và bám rễ sâu vào đời sống người dân Đông Á cho đến ngày nay.

Giáo pháp Lục tổ dạy không ra ngoài những kinh điển của Đức Phật, ngài đã trích dẫn rất nhiều kinh, và giảng tất cả những chủ đề căn bản và chính yếu của Phật giáo. Nhưng ngài đã sống cái cốt lõi, cái huệ mạng của Phật pháp bằng một cuộc đời bình dị của một người dân Đông Á, với cách thuyết pháp bình dân khiến cho ai cũng thấy ngài quá đỗi gần gủi, Phật pháp quá đỗi bình thường thân quen (“Bình thường tâm là đạo”_ Thiền sư Mã Tổ (709-789)). Chính vì vậy, Thiền tông đã tạo ra lối sống Phật giáo Châu Á.

Có thể nói rằng đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế của Đông Á là đời sống Thiền. Cho nên khi nào Phật giáo Thiền tông hưng thịnh, đất nước Đông Á ấy hưng thịnh. Chúng ta hẳn nhớ đến tác phẩm Hưng Thiền hộ quốc luận của Thiền sư Vinh Tây (1141-1215) Nhật Bản. Chúng ta cũng nhớ vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là một Thiền sư, và dòng chảy chính của Phật giáo Việt Nam là Thiền tông.

Chỉ lướt sơ qua như vậy chúng ta thấy lý do cần phải học Thiền tông, và phải “biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình”, như lời nói cuối cùng của Lục Tổ dặn dò những thế hệ mai sau. Bởi vì ‘‘biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình’’ là cái đầu tiên và cuối cùng của tất cả Phật pháp.

 

Hết Kinh

 

SHARE:

Trả lời