14 – NHƯ HUYỄN

SHARE:

Như huyễn là một chủ đề quan trọng của kinh Hoa Nghiêm, cho nên như huyễn được nói đến từ đầu cho đến cuối kinh. Ở đây, chúng ta tìm hiểu như huyễn ở hai phương diện: Như huyễn của pháp giới, và như huyễn là sự tu hành của cá nhân.
1. Như huyễn của pháp giới
Trong kinh Hoa Nghiêm, như huyễn được nói đến lần đầu như sau:

Phật thân vô tận như hư không
Vô tướng vô ngại khắp mười phương
Như huyễn như hóa khắp ứng hiện
Biến Hóa Âm Vương đã ngộ được.
(Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).

Pháp giới là Phật thân, và Phật thân ấy “như huyễn như hóa khắp ứng hiện”. Phật thân ấy là Hóa thân của Pháp thân tánh Không “vô tận như hư không”. Như vậy, Pháp giới hay Hóa thân thì như huyễn như hóa vì hóa hiện từ Phật thân tánh Không.

Như Lai tạng pháp thân
Vào khắp trong thế gian
Dầu ở nơi thế gian
Mà không nhiễm thế pháp.
Ví như trong nước sạch
Hình bóng không đến đi
Pháp thân khắp thế gian
Nên biết cũng như vậy.
Thân, thế gian thanh tịnh
Lặng dừng như hư không
Tất cả không có sanh
Biết thân là vô tận.
Không sanh cũng không diệt
Chẳng thường chẳng vô thường
Thị hiện các thế giới
Pháp tánh không đến đi.
Chẳng chấp ta, của ta
Ví như nhà huyễn thuật
Hiển hiện các sự vật
Sự không từ đâu đến
Sự không đi về đâu.
Tánh huyễn chẳng hữu lượng
Cũng chẳng phải vô lượng
Ở trong đại chúng kia
Thị hiện lượng, vô lượng.
(Phổ Hiền hạnh, thứ 36).

Có hiện mà thật không hiện, không từ đâu đến, không đi về đâu, không sanh cũng không diệt, chẳng phải thường chẳng phải vô thường… thế nên như huyễn. Như huyễn vì tất cả xuất hiện trên nền tảng “pháp tánh không đến đi”, cho nên tất cả cũng không đến không đi, chẳng thường cũng chẳng đoạn, không từ đâu đến cũng không đi về đâu.
Sắc là có, dầu một cách quy ước tương đối, cho nên mới có danh từ sắc. Nhưng thật ra, “sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc; sắc tức là Không, Không tức là sắc”. Như thế sắc là như huyễn, vì thật ra sắc tức là Không. Hơn nữa, “Không chẳng khác sắc, Không tức là sắc”, có nghĩa là sắc từ Không hóa hiện ra, hóa hiện mà vẫn có bản chất là tánh Không, cho nên sự hóa hiện ra sắc là như huyễn.
Sắc là chân lý quy ước, tương đối, là thế đế. Tánh Không là chân lý tối hậu, tuyệt đối, là chân đế. Chân lý quy ước, tương đối là như huyễn so với chân lý tối hậu, tuyệt đối. Tướng là như huyễn so với Vô tướng, Niệm là như huyễn so với Vô niệm, Trụ là như huyễn so với Vô trụ, Tác là như huyễn so với Vô tác.
Như Lai tạng, hay Phật Tỳ-lô-giá-na, tức là Phật Quang Minh Biến Chiếu, nghĩa là ánh sáng chiếu khắp cả. Trong ánh sáng nền tảng ấy, những sự vật là những “ảnh hiện” thì những ảnh hiện ấy phải là như huyễn, vì ảnh hiện có nền tảng là ánh sáng, hiện từ ánh sáng và tiêu tan trong ánh sáng. Những ảnh hiện ấy dường như khác với ánh sáng căn bản, nhưng thật ra chúng không khác, chúng chính là ánh sáng căn bản. Thấy khác mà không khác, cho nên chúng là như huyễn.

 

Trí Phổ Hiền thấy không gian và thời gian, tất cả vũ trụ là như huyễn. Thấy như huyễn là cái thấy pháp giới:

Chúng sanh, thế giới, kiếp
Chư Phật và Phật pháp
Tất cả như huyễn hóa
Pháp giới đều bình đẳng…
Rõ biết các thế gian
Như dương diệm như ảnh
Như vang cũng như mộng
Như huyễn, như biến hóa.
Tùy thuận nhập như vậy
Chỗ sở hành chư Phật
Thành tựu trí Phổ Hiền
Chiếu khắp pháp giới sâu.
Nhiễm trước chúng sanh, cõi
Đều hoàn toàn buông bỏ
Mà khởi tâm đại bi
Thanh tịnh khắp thế gian.
(Phổ Hiền hạnh, thứ 36).

 

Thấy được các pháp không có sanh không có diệt, không chỗ đến không chỗ đi, nghĩa là như huyễn, tức là “thấy được Phật, chỗ sở hành của chư Phật”:

Các pháp không đâu đến
Cũng không có tác giả
Cũng không từ đâu sanh
Ở ngoài mọi phân biệt.
Tất cả pháp không đến
Vì thế nên không sanh
Vì đã không có sanh
Nên cũng không có diệt.
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu biết được như vậy
Người này thấy được Phật.
(Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Pháp thân tánh Không không hiện mà hiện sắc màu, nên sắc màu ấy là như huyễn. Do đó, thấy được như huyễn là thấy được pháp giới tánh, thấy được Phật:

Người muốn ca ngợi Phật
Sắc thân diệu vô biên
Hết cả vô số kiếp
Cũng không thể nói hết.
Ví như ngọc như ý
Hay hiện tất cả màu
Không màu mà hiện màu
Chư Phật cũng như vậy.
Cũng như hư không sạch
Không sắc, chẳng thể thấy
Dầu hiện tất cả sắc
Không ai thấy hư không.
Chư Phật cũng như vậy
Hiện khắp vô lượng sắc
Chẳng phải cảnh của tâm
Nên chẳng ai thấy được
(Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Thấy tất cả pháp giới là không sanh không diệt, không đến không đi, không một không nhiều, không tăng không giảm… nghĩa là như huyễn, thì như huyễn này cũng là sự thanh tịnh của tánh Không, của pháp tánh, của bản tánh Niết-bàn. Đó là thấy Như Lai:

Nếu thấy được thân Phật
Thanh tịnh như pháp tánh
Với tất cả Phật pháp
Người này không nghi lầm.
Nếu thấy tất cả pháp
Bản tánh như Niết-bàn
Đây là thấy Như Lai
Rốt ráo vô sở trụ.
(Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

2. Như huyễn trong sự tu hành của cá nhân
Trong kinh Hoa Nghiêm có hẳn một phẩm nói về tu hành như huyễn, đó là phẩm Mười Nhẫn. Mười Nhẫn là: âm thanh nhẫn, thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, như huyễn nhẫn, như diệm nhẫn, như mộng nhẫn, như vang nhẫn, như ảnh nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn.

Các pháp trong thế gian
Tất cả đều như huyễn
Nếu biết được như vậy
Thì tâm không bị động.
Các nghiệp từ tâm sanh
Nên nói tâm như huyễn
Nếu lìa tâm phân biệt
Cõi hữu lậu diệt hết.
Ví như nhà huyễn thuật
Hiện khắp các sắc tượng
Cho chúng tham khát hảo
Rốt ráo vô sở đắc.
Thế gian cũng như vậy
Tất cả đều như huyễn
Vô tánh cũng vô sanh
Thị hiện có các thứ.
Độ thoát các chúng sanh
Khiến biết pháp như huyễn
Chúng sanh chẳng khác huyễn
Biết huyễn không chúng sanh…
Vật huyễn không tri giác
Cũng không có trụ xứ
Rốt ráo tướng tịch diệt
Chỉ theo phân biệt hiện.
(Mười Nhẫn, thứ 29).

Quán như huyễn thì tự giải thoát vì “cõi hữu lậu diệt hết”, và giải thoát cho chúng sanh, bằng cách chỉ dạy họ biết pháp như huyễn, nhưng đồng thời cũng giải thoát khỏi việc độ thoát này, vì chúng sanh cũng như huyễn. Chỉ quán huyễn là làm trọn hạnh Bồ-tát, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Biết tâm như huyễn thì biết chư Phật “như huyễn như hóa khắp ứng hiện”. Đó cũng là biết pháp giới tánh:

Ví như họa sĩ kia
Phân bố những màu sắc
Hư vọng vẽ tướng khác
Nhưng đại không sai khác.
Trong đại không có sắc
Trong sắc không có đại
Cũng chẳng ngoài các đại
Mà có được màu sắc.
Trong tâm không màu vẽ
Trong màu vẽ không tâm
Nhưng chẳng rời khỏi tâm
Mà có được màu vẽ.
Tâm đó luôn chẳng trụ
Vô lượng khó nghĩ bàn
Thị hiện tất cả sắc
Đều riêng chẳng biết nhau.
Ví như một họa sĩ
Chẳng biết được tự tâm
Mà do tâm nên vẽ
Tánh các pháp như vậy.
Tâm như nhà họa sĩ
Hay vẽ những thế gian
Năm uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo.
Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Phải biết Phật và tâm
Thể tánh đều vô tận.
Nếu người biết tâm hành
Tạo khắp các thế gian
Người này thấy được Phật
Thấu rõ chân tánh Phật.
Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân chẳng trụ nơi tâm
Mà làm được Phật sự
Tự tại chưa từng có.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.
(Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Quán tâm như huyễn là khi một niệm, một tư tưởng vừa khởi lên thì do biết tâm là tánh Không, không chỗ trụ, không chỗ đắc, nên biết tư tưởng khởi sanh từ tâm ấy cũng không chỗ trụ, không chỗ đắc; nghĩa là như huyễn. Một tư tưởng, một màu vẽ khởi sanh thì biết ngay “trong tâm không màu vẽ, trong màu vẽ không tâm”, nên tư tưởng, màu vẽ ấy là như huyễn. Tâm thì không chỗ trụ mà vẽ nên “thị hiện tất cả sắc”, nên tất cả sắc ấy không đến từ đâu, không đi về đâu, nghĩa là như huyễn. Tâm hay vẽ những thế gian, vẽ ra sanh tử, nhưng tâm ấy là vô tận, không đáy, không bản chất, nên thế gian, sanh tử là như huyễn.
Quán như huyễn như vậy khiến người ta giải thoát khỏi nghiệp thức đã vẽ nên, đã dệt nên thế giới sanh tử cho riêng mình. Rồi với lòng bi thấy người khác không thể nào ra khỏi thế giới sanh tử do chính họ dệt nên bèn chỉ dạy cho họ quán huyễn. Đồng sự với mọi người, làm việc với mọi người như vậy nhưng nhờ biết tất cả là như huyễn nên không nhọc mệt, oán than.
Quán như huyễn người ta dần dần giải thoát. Giải thoát không phải là thoát đi một nơi nào khác, mà giải thoát là thấy sanh tử như huyễn:
Bồ-tát rốt ráo lìa tất cả tâm tưởng phân biệt kiến chấp điên đảo, được cái thấy chân thật, thấy thật tánh của pháp, biết tất cả thế gian như mộng như huyễn, không có chúng sanh, chỉ do lực đại bi, đại nguyện mà hiện ra trước chúng sanh để giáo hóa điều phục họ
Như hư không bao la, tất cả thế giới thành hoại trong đó, mà hư không vẫn chẳng phân biệt, bản tánh thanh tịnh không nhiễm, không loạn, không ngại, không chán, chẳng dài chẳng ngắn, tận vị lai kiếp gìn giữ tất cả các cõi”. (Nhập Pháp giới, thứ 39)
Vị Bồ-tát thấu rõ như huyễn thì sống trong pháp giới như huyễn, gọi là huyễn trụ:
“Chúng ta chứng được sự giải thoát của Bồ-tát có tên là Huyễn Trụ. Vì được môn giải thoát này nên thấy:

“Tất cả thế giới đều là huyễn trụ, do nhân duyên mà sanh khởi.
“Tất cả chúng sanh đều là huyễn trụ, do nghiệp phiền não mà khởi.
“Tất cả thế gian đều là huyễn trụ, do vô minh, hữu, ái, xoay vần làm duyên sanh khởi.
“Tất cả pháp đều là huyễn trụ, do những huyễn duyên, ngã kiến… mà sanh khởi.
“Tất cả ba đời đều là huyễn trụ, do những điên đảo, vọng tưởng, ngã kiến… sanh khởi.
“Tất cả chúng sanh sanh diệt, sanh lão bệnh tử, lo buồn khổ não, đều là huyễn trụ, do phân biệt hư vọng sanh khởi.
“Tất cả quốc độ đều là huyễn trụ, do tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo và vô minh hiện khởi.
“Tất cả Bồ-tát đều là huyễn trụ, do những hạnh nguyện hay tự điều phục và giáo hóa chúng sanh mà thành”. (Nhập Pháp giới, thứ 39).
Với sự thấy biết huyễn trụ như vậy, Đồng tử Thiện Tài đi vào lầu gác Đức Di-lặc, lầu gác đó chính là pháp giới trang nghiêm của chư Phật:

Khi ấy, Bồ-tát Di-lặc nói với Thiện Tài:
Thiện nam tử! Pháp tánh như vậy, tính chất là không chỗ trụ, tất cả mọi sự được lập nên do trí huệ của chư Bồ-tát làm nhân duyên tụ tập mà hiện ra. Chúng vốn không thật, như huyễn, như mộng, như bóng ảnh phản chiếu, đều chẳng thành tựu
Như nhà huyễn thuật làm những huyễn sự: không từ đâu đến, không đi đến đâu. Dầu không đến không đi nhưng do huyễn lực mà thấy rõ ràng. Cũng vậy, những sự trang nghiêm này không từ đâu đến, không đi đến đâu, nhưng do tu lực trí huyễn không thể nghĩ bàn và do lực đại nguyện xưa của Bồ-tát mà hiển hiện như vậy
Chư Bồ-tát không đến không đi, như vậy mà đến, không đi không ở, như vậy mà đến. Không chỗ, không chấp, không mất, không hiện, không ở, không dời, không động, không khởi, không luyến, không nhiễm, không nghiệp, không báo, không khởi, không diệt, không đoạn, không thường, như vậy mà đến‟.”. (Nhập Pháp giới, thứ 39).

 

Pháp giới Hoa Nghiêm là Chân Không Diệu Hữu. Diệu Hữu chỉ thật là Diệu Hữu khi Diệu Hữu ấy là như huyễn.

SHARE:

Trả lời