15 – BIẾN HÓA

SHARE:

Ngay trong chương thứ nhất, kinh Hoa Nghiêm luôn luôn dùng những từ “khắp hiện, thần thông ứng hiện, biến hóa, hiện thân, thị hiện, thần lực, Phật lực, thị hiện đại thần thông, phóng đại quang minh, quang minh soi khắp mười phương…”.

 

Chúng ta phải hiểu sự biến hóa, thị hiện, thần thông ứng hiện… của Phật Tỳ-lô-giá-na, Pháp thân của tất cả chư Phật, là như thế nào? Vì Phật có ba thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân; chúng ta sẽ tìm hiểu sự biến hóa theo ba thân ấy.

Pháp thân: Pháp thân Phật là tánh Không, Chân Như hay Phật tánh mà tánh Không thì ở khắp tất cả, ở nơi có sự vật và nơi không có sự vật.

Ví như pháp giới khắp tất cả
Chẳng thể nắm hiểu, là tất cả
Cảnh giới thập lực cũng như vậy
Khắp tất cả, chẳng phải tất cả.
Chân Như lìa vọng hằng tịch tịnh
Không sanh không diệt khắp tất cả
Cảnh giới của Phật cũng như vậy
Thể tánh bình đẳng chẳng tăng giảm.
Như Thật Tế chẳng có biên bờ
Khắp tại ba đời cũng chẳng trụ
Cảnh giới Như Lai cũng như vậy
Khắp tại ba đời đều vô ngại.
Pháp tánh không tạo, không biến đổi
Giống như hư không vốn thanh tịnh 

Tánh tịnh chư Phật cũng như vậy
Bản tánh phi tánh rời có không…
Biết rõ tánh các pháp tịch diệt
Như chim trong không chẳng dấu tích
Do bổn nguyện lực hiện sắc thân
Khiến thấy Như Lai đại thần biến.
(Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37)

Pháp thân có mặt ở khắp tất cả, cùng với quang minh trùm khắp tất cả:

Pháp thân Như Lai rất rộng lớn
Mười phương biên tế bất khả đắc…
Pháp thân quang minh soi tất cả
Pháp tánh vô tướng không gì bằng.
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).

Như vậy, sự thị hiện của Pháp thân là ở khắp toàn bộ pháp giới.

Báo thân: Báo thân Phật là quang minh luôn luôn đi liền với Pháp thân tánh Không. Pháp thân tánh Không có khắp tất cả chỗ, nên Báo thân quang minh cũng có khắp tất cả chỗ.

Trí huệ quang Như Lai rộng lớn
Chiếu khắp mười phương các cõi nước…
Quang minh Thế Tôn vô cùng tận
Chiếu khắp pháp giới chẳng nghĩ bàn.
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).

Hóa thân: Trên nền tảng Pháp thân tánh Không và Báo thân quang minh hiện hữu khắp ấy, Báo thân là sự thị hiện, ứng hiện từ hai thân trên thành các sắc tướng có bản chất là hai thân trên.
Pháp thân tánh Không được ví như tấm gương thanh tịnh không có vật gì làm nhiễm ô được, Báo thân là ánh sáng của tấm gương ấy, và Hóa thân hay Ứng thân là những cõi nước và mọi loài ứng hiện trong đó như những ảnh tượng trong gương:

“Như có tấm gương pha lê tên là Năng Chiếu, gương này trong sạch sáng suốt, lớn vô lượng vô biên bằng mười thế giới. Trong các cõi nước, tất cả hình tượng của núi sông, của mọi loài, cho đến ngạ quỷ, súc sanh đều hiện trong gương ấy.

 
Này các Thiên tử! Các người nghĩ thế nào? Những ảnh tượng kia có thể cho là đến vào trong gương rồi từ gương mà đi chăng?

 
Đáp rằng: Không thể nói như thế được.

 
Này các Thiên tử! Cũng vậy, tất cả các nghiệp dầu hay sanh ra các quả báo mà không chỗ đến và đi. Ví như nhà huyễn thuật, huyễn hoặc mắt người. Phải biết các nghiệp cũng như vậy.

 
Nếu biết được như trên đây, đó là sám hối chân thật, tất cả tội ác đều được thanh tịnh”. (Phẩm Như Lai tùy hảo quang minh công đức, thứ 35).

 
Không sắc tướng nào xuất hiện mà không từ và có bản chất là Pháp thân tánh Không và Báo thân quang minh, thế nên sắc tướng nào cũng là Ứng thân hay Hóa thân. Đây là ý nghĩa Tánh khởi của (phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37):

Đại Bồ-tát phải ở vô lượng xứ mà thấy thân Như Lai, chẳng nên nơi một pháp, một sự, một thân, một quốc độ, một chúng sanh mà thấy thân Như Lai. Phải khắp tất cả chỗ thấy Như Lai… Ví như hư không bao la chẳng phải sắc mà hay hiển hiện tất cả các sắc. Nhưng hư không kia không có phân biệt cũng không hý luận”.

 
Thấy được tất cả sắc đều là sự thị hiện, hiển hiện của Pháp thân và Báo thân, đó là cái thấy giải thoát, cái thấy pháp giới Hoa Nghiêm.

 
Năng lực biến hiện thành pháp giới là của Pháp thân và Báo thân. Năng lực đó được gọi là thần lực, Phật lực.

Phật thân tất cả tướng
Đều hiện vô số Phật
Vào khắp tất cả cõi
Trong mỗi mỗi vi trần.
Mười phương mọi cõi nước
Vô lượng vô biên Phật
Đều ở trong mỗi niệm
Đều riêng hiện thần thông.
Chư Bồ-tát đại trí
Thâm nhập vào biển pháp
Phật lực thường gia trì
Biết những phương tiện này.
Nếu người đã an trụ
Các hạnh nguyện Phổ Hiền
Thấy những cõi nước kia
Thần lực của chư Phật.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).

Sự thị hiện biến hóa ấy là từ Pháp thân tánh Không, nên nó như huyễn, nghĩa là vốn giải thoát trong tự thân:

Pháp giới các cõi nước
Trong mỗi mỗi vi trần
Giải thoát lực của Phật
Nơi kia khắp hiện thân.
Pháp thân đồng hư không
Vô ngại vô sai biệt
Sắc hình như bóng ảnh
Hiển hiện các thứ tướng.
Bóng ảnh không nơi chỗ
Vô tánh như hư không
Người trí huệ rộng lớn
Rõ thấu tánh bình đẳng.
Phật thân bất khả thủ
Vô sanh cũng vô tác
Ứng vật khắp hiện tiền
Bình đẳng như hư không.
Tất cả Phật mười phương
Đều nhập một chân lông
Đều riêng hiện thần thông
Mắt trí xem thấy được.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).

Hóa thân, tức pháp giới, vốn là giải thoát như vậy.

Trong một pháp giới sinh động và vốn là Niết-bàn như vậy ((“Nếu thấy tất cả pháp, bản tánh như Niết-bàn, đây là thấy Như Lai, rốt ráo vô sở trụ” – (phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20), tại sao có sanh tử khổ đau?

Trên pháp giới có nền tảng là tánh Không và quang minh, trên nền tảng tâm Phật không sai khác với tâm chúng sanh, do vọng tưởng phân biệt, chấp trước, chúng sanh đã tạo lập thế giới nghiệp riêng biệt bằng tâm nhiễm ô của mình. Thế giới ấy được vọng thấy là có tự tánh nên lìa khỏi tánh Không, có hình tướng nên mất đi quang minh khắp suốt, có ngăn ngại nên mất đi tính như huyễn vô ngại, có sự phân biệt gay gắt giữa ta, người và thế giới.

Thế giới của chúng sanh cũng có ra từ pháp giới tánh Không và quang minh, nhưng không còn là pháp giới vì bị trói buộc trong “lưới tưởng”. Tâm phân biệt bất tịnh đã biến hóa ra thế gian sanh tử này, như mặt trăng thứ hai hư vọng được biến hóa từ mặt trăng thật.

Chúng sanh và cõi nước
Các thứ nghiệp tạo ra
Khéo quán tất cả tưởng
Ràng rịt các thế gian.
Các tưởng như sóng nắng
Khiến chúng sanh lầm hiểu
Chúng sanh có riêng khác
Hình loại chẳng như nhau.
Thấu rõ đều là tưởng
Tất cả không chân thật
Các chúng sanh mười phương
Đều bị tưởng che ngăn.
Nếu bỏ thấy điên đảo
Bèn diệt tưởng thế gian
Thế gian như ảo ảnh
Sai khác là do tưởng
Biết thế gian do tưởng
Thoát khỏi các điên đảo.
(Phẩm Thập nhẫn, thứ 20).

Pháp giới là sự thị hiện, hiện thân từ tánh Không và quang minh, nên như huyễn. Như huyễn theo nghĩa tích cực là vốn tự giải thoát vì vô tự tánh và là ảnh hiện của quang minh. Còn như huyễn của chúng sanh là hoàn toàn tiêu cực, “trói buộc ràng rịt”, “lầm hiểu”, “không chân thật”, “thấy điên đảo”, “ảo ảnh”.

Pháp giới lưu xuất từ tánh Không nên vốn là giải thoát: “Pháp tánh như vậy, không có sanh giả, không có tác giả, không có tri giả, nhưng đại thiên thế giới vẫn được thành tựu. (Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).

Vũ trụ này là tâm Phật (“Tất cả ba cõi là Nhất tâm” – Phẩm Thập địa, thứ 26) và tâm thanh tịnh ấy biến hóa ra, ứng hóa ra vô số tâm thanh tịnh khác; biến hóa bao nhiêu cũng vẫn là tâm thanh tịnh, thành một vũ trụ thanh tịnh trùng trùng duyên khởi, một vũ trụ sự sự vô ngại.

Sự biến hóa này là vô ngại, vì biến hóa mà khộng biến hóa, vì tất cả vô sanh:

Thần thông tự tại chẳng nghĩ bàn
Thân Phật hiện khắp mười phương cõi
Nhưng vẫn bất động không đến đi
Quảng Đại Diện vương đã hiểu rõ
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).

Không đến đi, không biến hóa là “khắp hiện”: đồng thời, đồng hiện. Nói cách khác, ba thân Pháp thân, Báo thân và Hóa thân là đồng thời đồng hiện. Ba thân ấy là một, không thể phân chia.

Kinh thường lấy thí dụ là tấm gương, trong đó mọi sự là đồng hiện:

Những sự biến hóa ở mười phương
Tất cả đều như ảnh trong gương.
(Phẩm Hoa tạng thế giới, thứ 5).

Pháp thân là tấm gương trùm khắp, không ô nhiễm bởi vật gì; Báo thân là ánh sáng đi liền với gương; và Hóa thân là những bóng ảnh hiện ra trong tấm gương ấy. Cả ba là đồng thời, đồng hiện, không có thời gian, không có không gian. Các bóng là tất cả hạnh nghiệp của chúng sanh và các Bồ-tát, các bậc giác ngộ; nhưng tất cả các bóng, dù bất tịnh hay thanh tịnh thì bản chất, hay nền tảng của chúng vẫn là tấm gương thanh tịnh. Đưa các nghiệp bất tịnh trở về bản tánh của chúng là tấm gương, đó là một cách tịnh hóa nghiệp.

Với tấm gương, tất cả bóng ảnh trong đó đều không ô nhiễm được tấm gương, nên chúng bình đẳng là như huyễn:

Tâm trụ nơi thế gian
Thế gian trụ nơi tâm
Nơi đây chẳng vọng khởi
Phân biệt hai, chẳng hai.
Chúng sanh, thế giới, kiếp
Chư Phật và Phật pháp
Tất cả như huyễn hóa
Pháp giới đều bình đẳng…
Chúng sanh, cõi, nhiễm trước
Tất cả đều lìa bỏ
Mà khởi tâm đại bi
Tịnh khắp các thế gian.
(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36).

Kinh nói tâm chúng ta là một với tâm Phật, hay Pháp thân. Như thế nghĩa là sự biến hóa thanh tịnh thành pháp giới Hóa thân thanh tịnh này cũng là sự biến hóa thanh tịnh của tâm chúng ta. Sự khác biệt duy nhất là tâm chúng ta có thêm nhiễm ô, bởi tưởng phân biệt mà pháp giới thành ra thế giới sanh tử, thời gian có trước sau, không gian có ngăn cách, phân hóa, chia cắt, phân mảnh.

Các pháp vô sai biệt
Không ai biết như vậy
Chỉ Phật cùng Phật biết
Vì trí huệ rốt ráo.
Như vàng và sắc vàng
Tánh vốn vô sai biệt
Pháp, không pháp cũng vậy
Thể tánh vốn chẳng khác…
Ví như các thế gian
Kiếp hỏa sẽ hoại diệt
Hư không chẳng hư hao
Trí Phật cũng như vậy.
Chúng sanh trong mười phương
Vọng nắm tướng hư không
Chư Phật như hư không
Thế gian vọng phân biệt.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Khi vượt được lưới tưởng đang bao phủ thế gian, chúng ta thấy được cái như huyễn giải thoát của chư Phật: biến hóa mà không biến hóa, thị hiện mà không thị hiện, hiện khắp mà không đến không đi, sanh mà vĩnh viễn vô sanh, Hóa thân tức là Pháp thân.

Thấy Ba thân là một, đây là cái thấy của con mắt pháp thanh tịnh (pháp nhãn tịnh) của người ngộ đạo:

Các pháp không chỗ đến
Cũng không có tác giả
Cũng không từ đâu sanh
Chẳng thể phân biệt được.
Tất cả pháp không đến
Vì thế nên không sanh
Vì đã không có sanh
Nên cũng không có diệt.
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu biết được như vậy
Người này thấy được Phật.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Chỉ một niệm lìa bỏ tưởng phân biệt, người ta liền tương ưng với trí vô phân biệt của Phật, và pháp giới vô phân biệt hiện tiền. Chỉ cần một niệm vô phân biệt, mặt trăng thứ hai liền trở lại mặt trăng thật. Chỉ một niệm vô phân biệt, tấm gương Ba thân là một tức thời hiện ra trước mặt, vì xưa nay nó vẫn luôn luôn ở đó. Tấm gương tức Ba thân tức một là Phật, đó cũng là tâm ta.

Khi thấy Ba thân là một và Ba thân đó cũng là tâm ta, kinh Hoa Nghiêm trở thành một bản đại giao hưởng ca ngợi Phật, như trong phẩm thứ nhất gồm toàn những bài kệ ca ngợi Phật:

Tánh tất cả pháp vô sở y
Phật hiện thế gian cũng như vậy
Rõ biết pháp tánh là vô ngại
Hiện khắp mười phương chẳng nghĩ bàn
Khiến chúng đồng quy biển giải thoát

Như Lai pháp thân chẳng nghĩ bàn
Như bóng phân thân khắp pháp giới
Chúng sanh một lần được thấy Phật
Tất cả nghiệp chướng sẽ trừ sạch

Như Lai thần lực không gì sánh
Hiện khắp mười phương cõi rộng lớn
Trang nghiêm thanh tịnh thường hiện tiền
Như Lai xuất hiện khắp mười phương
Trong mỗi vi trần vô lượng cõi
Vô lượng cảnh giới đều hiện ra
Đều trụ vô biên vô tận kiếp.
Phật trụ Chân Như pháp giới tạng
Vô tướng vô hình không cấu nhiễm
Chúng sanh xem thấy được Phật thân
Tất cả khổ nạn đều tiêu diệt.

SHARE:

Trả lời