SHARE:
I. Ba yếu tố nền tảng.
Thực tại nền tảng của thế giới Hoa Nghiêm là Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana). Đây là Pháp thân của Đức Phật Thích-ca và cũng là Pháp thân của tất cả chư Phật. Tỳ-lô-giá-na nghĩa là Đại Nhật, Phổ Quang Minh, Quang Minh Biến Chiếu, Đại Quang Minh Tạng. Thế giới chúng ta đang sống nằm trong thế giới Hoa Nghiêm, và là một phần nhỏ của nó. Thế giới Hoa Nghiêm xuất sanh và hiện hữu trong thực tại nền tảng ấy. Hay nói cách khác, thế giới là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật Tỳ-lô-giá-na.
Thực tại nền tảng ấy cũng là tâm của mỗi chúng sanh, “Tâm, Phật, chúng sanh. Cả ba không sai khác”. (Phẩm Dạ-ma cung kệ tán).
Mọi pháp môn thực hành của kinh Hoa Nghiêm là để ngộ nhập thế giới ấy. Thế giới ấy được kinh gọi là pháp giới, thế giới của pháp. Để thực hành tương ưng với pháp giới Hoa Nghiêm, chúng ta cần biết những phương diện, những đặc tính của nó. Sau đây, chúng ta nghiên cứu ba trong những đặc tính của pháp giới hay thân Phật Tỳ-lô-giá-na. Thiền định, thiền quán về ba phương diện này sẽ đưa chúng ta dần dần đến cái thấy pháp giới Hoa Nghiêm.
Ngay trong chương đầu tiên, Thế Chủ Diệu Nghiêm, trong bài kệ đầu tiên, tánh Không được nói đến như sau:
Thân Phật phổ biến các đại hội
Đầy khắp pháp giới không cùng tận
Tịch diệt, vô tánh, không thể nắm
Vì cứu thế gian mà xuất hiện
……….
Sắc thân tịnh diệu của Như Lai
Hiện khắp mười phương không gì sánh
Thân Phật vô tánh, không chỗ y
Thiện Tư thiên vương quan sát được.
Âm thanh của Phật vô hạn ngại
Kẻ đáng được độ thì được nghe
Nhưng Phật vắng lặng thường bất động
Nhạo Trí thiên vương chứng môn này.
Như Lai tịch tịnh vốn giải thoát
Hiện khắp mười phương không chỗ sót
Quang minh soi sáng khắp thế gian
Nghiêm Tràng thiên vương đã được thấy.
Pháp thân Phật Tỳ-lô-giá-na là tánh Không: “tịch diệt, vô tự tánh, không thể nắm, không chỗ y, vắng lặng, bất động, tịch tịnh, vốn giải thoát, quang minh”. Chính vì Pháp thân tánh Không vô tự tánh, vô hạn, không chỗ y như vậy, mà Báo thân và Hóa thân có thể “phổ biến các đại hội, hiện khắp mười phương không chỗ sót”.
“Vô tánh” tức là vô tự tánh, không có tự tánh, không có hiện hữu nội tại riêng biệt độc lập. Đây chính là tánh Không. “Tịch diệt”, vĩnh viễn tịch diệt, vì không có sự sanh ra, chưa từng sanh ra, hay vô sanh. Tánh Không thì “vô tướng, vô ngại” và do đó hiện hữu khắp mười phương.
Nhưng tánh Không không phải là không có gì hết. Từ nó lưu xuất ra các tướng, hiện hữu trong nó, tiêu tan trong nó. Các tướng, kể các tướng bị định hình bới nghiệp, đều từ tánh Không lưu xuất, nên chúng cũng không có tự tánh, vô tự tánh như tánh Không. Tâm Kinh Bát Nhã nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng là như vậy”.
Các tướng chính là tánh Không, vô ngại, vô hạn. Chính vì các tướng vô ngại, vô hạn, cho nên các tướng mới có thể vô ngại với nhau, khiến có một thế giới tướng tướng vô ngại hay sự sự vô ngại, đây là cảnh giới và cái thấy đặc biệt và cao cấp nhất so với tất cả các kinh khác.
Thật ra các kinh khác cũng có nói đến pháp pháp sự sự vô ngại, nhưng đặc biệt ở kinh Hoa Nghiêm được tập trung và khai triển sâu rộng nhất, cùng với tất cả các pháp môn để đưa chúng ta đến cái thấy pháp giới sự sự vô ngại là cảnh giới cao nhất của tất cả những con đường Phật giáo.
Cảnh giới chư Phật vô lượng môn
Tất cả chúng sanh chẳng vào được
Phật tánh thanh tịnh như hư không
Vì khắp thế gian khai chánh đạo.
Mỗi mỗi chân lông của Như Lai
Đầy đủ công đức như biển cả
Tất cả thế gian đều an vui
Thọ Quang vương đây đã thấy được.
Tánh Không ấy cũng chính là Phật tánh: “Phật tánh thanh tịnh như hư không”. Nhưng tánh Không ấy cũng là tánh Như (Kinh Đại Bát Nhã), Chân Không mà Diệu Hữu: “Mỗi mỗi chân lông của Như Lai, đầy đủ công đức như biển cả”.
Thấy trực tiếp được tánh Không là thấy pháp tánh, thấy Pháp thân Phật, đó gọi là ngộ nhập:
Rõ biết Pháp tánh là vô ngại
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi
Nơi cảnh giới Phật chẳng nghĩ bàn
Khiến chúng đồng quy biển giải thoát.
Như Lai ở đời không chỗ y
Hiện trong các cõi như vang, bóng
Pháp tánh rốt ráo không khởi sanh
Thắng Kiến thiên vương được ngộ nhập.
Pháp thân tánh Không ấy không chỗ nào không có, nên bình đẳng hiện diện trước mặt tất cả chúng sanh. Pháp thân ấy là chỗ quy về của mọi pháp môn, mọi tông phái.
Phật thân cùng khắp đồng pháp giới
Khắp ứng chúng sanh đều hiện tiền
Các thứ pháp môn thường dạy trao
Nơi pháp tự tại hay khai ngộ.
Thấy trực tiếp tánh Không ấy gọi là ngộ, và tiếp tục đi sâu và rộng bằng Bồ-tát hạnh thì gọi là nhập, hay “Nhập pháp giới”.
Phương diện thứ hai để người ta có thể tiếp xúc được với pháp giới là quang minh hay ánh sáng. Cũng trong phẩm thứ nhất Thế Chủ Diệu Nghiêm này, trang nào cũng có vài chữ quang minh. Chúng ta thấy: “Thần lực của Phật làm cho đạo tràng ảnh hiện tất cả sự trang nghiêm”, “tuôn ánh sáng như mây”, “quang minh của chư Phật”, “tất cả cảnh giới đều hiện trong lưới báu, tất cả chúng sanh nhà cửa đều hiện bóng trong đó”.
Như vậy, bản tánh của thế giới Hoa Tạng này là quang minh hay ánh sáng. Ở đây chúng ta trích ra một số đoạn trong chương thứ nhất, nói về thế giới như là thân Phật Tỳ Lô Giá Na, và thân Phật Tỳ Lô Giá Na như là quang minh. Quang minh với tánh Không là một, bất khả phân.
Thân Phật thanh tịnh thường tịch diệt
Quang minh chiếu sáng khắp thế gian
Không tướng, không hành, không hình bóng
Ví như mây nổi giữa không gian.
………
Pháp vương an trụ cung Diệu Pháp
Pháp thân quang minh soi tất cả
Pháp tánh vô tướng không gì sánh
Hải Âm phạm vương được giải thoát.
Pháp giới là một trường phô diễn của quang minh:
Như Lai thường phóng đại quang minh
Trong mỗi quang minh vô lượng Phật
Đều hiện Phật sự dạy chúng sanh
Diệu Âm thiên vương đã chứng nhập.
Các đại Bồ tát thì thấy:
Có vị thấy được Phật pháp thân
Vô đẳng vô ngại ở khắp cả
Tánh của hết thảy vô biên pháp
Ở trọn tất cả trong thân ấy.
Có vị thấy Phật sắc thân diệu
Quang minh sắc tướng đều vô biên
Tùy các chúng sanh hiểu chẳng đồng
Trong mười phương cõi đều hiện khắp.
Hoặc thấy Như Lai phóng quang minh
Sáng soi mọi nơi khắp thế gian
Có vị ở trong Phật quang minh
Lại thấy chư Phật hiện thần biến
Có vị thấy Phật phóng quang minh
Từ nơi chân lông tuôn ánh sáng
Thị hiện thuở xưa tu hành đạo
Khiến sanh tin sâu vào Phật trí.
Có sự “thị hiện”, “hiện Phật sự”, “hiện khắp”, “hiện trong các cõi như vang, bóng”, “đều hiện Phật sự hóa chúng sanh”… bởi vì tất cả mọi thị hiện ấy đều là hóa hiện, trên nền tảng như huyễn. Thị hiện mà vẫn “không tướng, không hành, không hình bóng” cho nên hiện mà vẫn giải thoát, vẫn ở trong “cảnh giới định”.
Phật thân vô tận như hư không
Vô tướng vô ngại khắp mười phương
Như huyễn như hóa khắp ứng hiện
Biến Hóa Âm vương đã ngộ được.
Do vậy, quán như huyễn là một cách để ngộ nhập pháp giới:
Các môn quán Phật vô sở hữu
Mười phương tìm cầu bất khả đắc
Pháp thân thị hiện không chân thật
Tịch Âm thiên vương thấy pháp này.
Tính cách như huyễn này cùng với tánh Không và quang minh khiến có được thế giới sự sự vô ngại, một đặc thù của kinh Hoa Nghiêm:
Tất cả chúng sanh đều sai khác
Một chân lông Phật thị hiện đủ
Bao nhiêu phước đức của chúng sanh
Trong chân lông Phật đều hiển hiện
………
Quang minh chiếu khắp đồng hư không
Trước các chúng sanh đều khắp hiện
Trăm ngàn muôn kiếp, các quốc độ
Trong một sát-na đều hiện rõ.
Đại Bồ tát Phổ Hiền nói trong chương thứ nhất:
Như Lai trang nghiêm cõi rộng lớn
Đồng với tất cả vi trần số
Phật tử thanh tịnh đều khắp đầy
Mưa bất tư nghì pháp vi diệu.
Như trong hội này thấy Phật ngồi
Tất cả vi trần đều như vậy
Phật thân không đến cũng không đi
Bao nhiêu quốc độ đều hiện rõ
………..
Phật ở trong tất cả các vi trần
Thị hiện vô biên đại thần lực
Ba đời vô biên kiếp rộng lớn
Phật trong mỗi niệm đều thị hiện
Ngay chương thứ nhất Thế Chủ Diệu Nghiêm, qua cái thấy của các Thiên vương, các Thần vương, các Thần chủ và các đại Bồ tát, có ba yếu tố, ba đặc tính của Phật Tỳ Lô Giá Na hay Phật thân hay Pháp giới được nhìn thấy. Đó là tánh Không, Quang minh và Như huyễn. Dĩ nhiên đây chỉ là ba yếu tố chính trong rất nhiều yếu tố khác mà kinh sẽ nói đến.
Một khi thấy được, ngộ được pháp giới, người ta thực hành đầy đủ Bồ-đề tâm, nguyện, Bồ-tát hạnh, thiền định, thiền quán, trí huệ, từ bi… đến mức sâu rộng đến độ những phẩm tính ấy thành biển, biển Bồ-đề tâm, biển đại nguyện, biển đại hạnh, biển đại định, biển đại bi… Những biển đức tính ấy, một khi đã tròn đủ, cũng chính là biển pháp giới.
Quá trình đi sâu và mở rộng sự chứng ngộ pháp giới như vậy được kinh gọi là Nhập pháp giới. Ở đỉnh cao của việc nhập pháp giới và cũng là đỉnh cao của con đường Phật giáo, chúng ta vẫn thấy ba phương diện tánh Không, quang minh và như huyễn. Ba phương diện, ba đặc tính ấy trở nên sâu, rộng, và vi tế không cùng.
Phẩm Nhập pháp giới, phẩm cuối của kinh, diễn tả sự hành hương tham học và sự chuyển hóa tâm thức của Đồng tử Thiện Tài. Thiện Tài đã theo lời dạy của đức Văn-thù-sư-lợi để bắt đầu cuộc hành trình từ phương Nam. Để bắt đầu con đường trở về Phật tánh của mình. Cuối con đường, Thiện Tài đã gặp đức Di-lặc, gặp lại đức Văn-thù, và cuối cùng gặp đức Phổ Hiền, mà thân ngài biểu lộ trọn vẹn pháp giới.
Đức Di-lặc cho đồng tử Thiện Tài vào lầu gác Tỳ-lô-giá-na Trang Nghiêm. Lầu gác này biểu lộ đầy đủ pháp giới ở mức độ cái thấy biết của một Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ là đức Di-lặc.
Chúng ta lại thấy ba phương diện tánh Không, quang minh và như huyễn biểu lộ ở mức độ sâu rộng và vi tế nhất.
“Thiện Tài thấy trong lầu gác rộng vô lượng đồng như hư không. Vô số thứ báu làm đất; vô số cung điện, thềm bực, lan can, đường sá, vô số lưới báu chuỗi báu, tất cả đều bằng bảy báu… Thiện Tài ở một chỗ thấy tất cả chỗ. Nơi tất cả chỗ đều thấy như vậy. Thiện Tài chứng nhập môn vô ngại giải thoát, tâm vô ngại cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp, tự thấy thân mình ở khắp trong tất cả lầu gác… Vì trụ trong trí huệ Bồ-tát, vì Bồ-tát Di-lặc gia trì, nên trong chút ít thời gian mà Thiện Tài cho là vô lượng kiếp”.
Khi Thiện Tài hỏi những sự trang nghiêm này từ đâu đến, Bồ-tát Di-lặc nói:
“Từ trong trí huệ thần lực của Bồ-tát mà đến, y nơi thần lực Bồ-tát mà an trụ, không có chỗ đi, cũng không có chỗ trụ, chẳng phải tích tập, chẳng phải thường hằng, xa lìa tất cả. Như Long vương làm mưa, chẳng từ thân ra, chẳng từ tâm ra, chẳng có tích tập, mà chẳng phải là chẳng thấy.
Như nơi biển lớn, tất cả các sắc tượng của thế giới đều hiện trong đó. Pháp tánh như vậy. Đây là những tướng của trí biết các pháp của Bồ-tát làm nhân duyên tụ tập mà hiện ra. Tự tánh như vậy, như huyễn, như mộng, như ảnh, như tượng, đều chẳng thành tựu.
Này thiện nam tử! Như nhà huyễn thuật làm những huyễn sự: không từ đâu đến, không đi đến đâu. Dầu không đến không đi nhưng do huyễn lực mà thấy rõ ràng. Cũng vậy, sự trang nghiêm này không từ đâu đến, cũng không đi đâu. Dầu không đến không đi, nhưng do học tập sức huyễn trí chẳng thể nghĩ bàn và do sức đại nguyện xưa kia mà hiển hiện như vậy”.
Tất cả những sự trang nghiêm trong lầu gác Di-lặc, cũng là pháp giới được các bậc chứng ngộ rốt ráo thấy biết, đều hiển hiện trên nền tảng quang minh.
“Thấy chuỗi lưu ly phóng trăm ngàn quang minh đồng thời chiếu sáng”, “Phóng lưới quang minh đại ma-ni vương, hoặc xanh vàng đỏ trắng, hoặc làm thành màu tất cả quang minh”, “Phóng những quang minh nhiều màu”…
Hợp nhất trọn vẹn với cội nguồn pháp tánh tánh Không, quang minh, như huyễn như vậy, Bồ-tát Di-lặc nói với Thiện Tài sự hợp nhất với tất cả pháp giới và chúng sanh:
“Thân ta sanh khắp tất cả pháp giới, đồng sắc tướng sai biệt với tất cả chúng sanh, đồng tiếng lời sai khác với tất cả chúng sanh, đồng những danh hiệu với tất cả chúng sanh, đồng những cử chỉ sở thích của tất cả chúng sanh, để tùy thuận thế gian giáo hóa điều phục, thị hiện thọ sanh đồng với tất cả chúng sanh thanh tịnh, những sự nghiệp làm ra đồng với tất cả chúng sanh phàm phu. Đồng với tâm tưởng của tất cả chúng sanh, đồng thệ nguyện với tất cả Bồ-tát mà hiện thân đầy khắp pháp giới”.
Trên nền tảng tánh Không, quang minh và như huyễn mà có pháp giới sự sự vô ngại. Pháp giới ấy càng lúc càng hiển lộ trên con đường cầu học của đồng tử Thiện Tài. Cuối cùng, gặp đức Phổ Hiền, Thiện Tài chứng đắc rốt ráo pháp giới sự sự vô ngại ở mức độ của một vị Phật.
Nền tảng hay bản tánh của pháp giới là tánh Không, quang minh và như huyễn. Nền tảng hay bản tánh ấy tự thân là vô ngại: tánh Không vô ngại với tánh Không và với hai phẩm tính kia, quang minh vô ngại với quang minh và với hai phẩm tính kia… Bản tánh là vô ngại, thế nên các tướng sanh khởi từ bản tánh ấy, hiện hữu trong bản tánh ấy, tan biến trong bản tánh ấy cũng là vô ngại. Các tướng vô ngại với nhau, đó là tướng tướng vô ngại hay sự sự vô ngại.
Sự sự vô ngại bởi vì sự là tánh Không, mà tánh Không thì vô ngại, nên sự này vô ngại với các sự khác trong tánh Không. Sự là ảnh hiện của quang minh, mà quang minh thì vô ngại, nên sự này, ảnh hiện này, vô ngại với các sự khác, các ảnh hiện khác. Sự là như huyễn, mà như huyễn thì vô ngại, nên sự như huyễn này vô ngại với các sự như huyễn khác.
Một mẩu nhỏ của không gian (vi trần) vô ngại, tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp với tất cả các mẩu nhỏ của không gian khác. Một mẩu nhỏ của thời gian (sát-na, khoảnh khắc, một niệm) vô ngại, tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp với tất cả các mẩu nhỏ của thời gian khác. Một mẩu nhỏ của không gian vô ngại, nhiếp nhập với một mẩu nhỏ của thời gian và với tất cả mẩu nhỏ thời gian. Cứ như thế, nhiếp nhập là trùng trùng vô tận.
Do sức đồng thiện căn với Bồ-tát Phổ Hiền, Thiện Tài thấy mười thứ tướng tốt lành, mười thứ quang minh như:
“Thấy bao nhiêu vi trần của tất cả thế giới, trong mỗi vi trần xuất sanh tất cả vi trần số lưới mây thế giới Phật quang minh chiếu sáng khắp nơi.
Thấy thân Phổ Hiền mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả mây thế giới vi trần số quang minh, khắp pháp giới hư không giới tất cả thế giới, trừ diệt tất cả khổ não chúng sanh, khiến các Bồ-tát sanh đại hoan hỷ. Thấy mỗi mỗi lỗ lông, trong mỗi niệm xuất sanh tất cả mây vi trần số cõi Phật ba đời…”.
Nơi mỗi lỗ lông, nơi một vi trần chứa tất cả cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, và chứa bất khả thuyết kiếp:
Hoặc xem thấy nơi một lỗ lông
Đầy đủ cõi trang nghiêm rộng lớn
Vô lượng Như Lai đều ở trong
Phật tử thanh tịnh đều đồng thấy.
Hoặc thấy trong mỗi một vi trần
Có đủ hằng sa quốc độ Phật
Vô lượng Bồ-tát đều đầy đủ
Bất khả thuyết kiếp tu các hạnh.
Pháp giới là đồng nhất (tương tức) và dung thông (tương dung), như nước là đồng nhất và dung thông ở mọi nơi, mọi lúc. Phật thì vô ngại nên hiện ở mọi nơi, mọi lúc, như mặt trăng hiện ở khắp nơi có nước:
Ví như trăng sáng giữa hư không
Chúng sanh thế gian thấy tròn khuyết
Tất cả sông ao hiện bóng trăng
Tất cả tinh tú đều kém sáng
Một và tất cả tương nhập tương nhiếp:
Ở trong một cõi thành Chánh giác
Trong tất cả cõi cũng đều thành
Tất cả cõi vào một, một vào khắp
Tùy tâm chúng sanh đều thị hiện.
Pháp thân Phật là tánh Không, quang minh, như huyễn. Khi đạt được pháp thân thì thế giới quanh ta trở thành pháp giới sự sự vô ngại. Pháp thân ấy, pháp giới ấy luôn luôn ở trước mắt chúng ta. Nhưng vì bám chấp tướng chúng ta không thấy tánh Không, vì chạy theo bóng ảnh hiện mà chúng ta không thấy được tấm gương quang minh hằng sáng từ đó các bóng sanh khởi, và vì sống trong thế giới sanh tử danh tướng, cho đó là cứng chắc, là có tự tánh, là thật, mà chúng ta không thấy được tính như huyễn, như “mây” của các pháp.
Phật đã chứng đắc hoàn toàn Pháp thân, chứng đắc hoàn toàn tánh Không, quang minh, như huyễn, và do đó sống trong pháp giới sự sự vô ngại:
Như Lai thanh tịnh diệu Pháp thân
Tất cả ba cõi không gì sánh
Vì ngoài đường ngôn ngữ thế gian
Bởi vì tánh phi hữu phi vô vậy.
Dầu không chỗ y mà ở khắp
Dầu đến tất cả mà không đi
Như vẽ trong không, cảnh trong mộng
Phải quán thân Phật là như vậy.
Như thế, đi vào tánh Không, quang minh, như huyễn, tức là đi vào pháp giới Hoa Nghiêm.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS