QUYỂN MƯỜI:

SHARE:

QUYỂN MƯỜI
4. PHẠM VI CỦA HÀNH ẤM.

A Nan, thiện nam tử kia tu Tam ma địa, khi tưởng ấm hết rồi thì những mộng tưởng bình thường của người ấy tiêu diệt, thức ngủ luôn luôn là một tánh giác minh rỗng lặng như hư không trong trẻo, không còn những sự bóng dáng tiền trần thô trọng. Xem những núi sông, đất đai trong thế gian như gương sáng, đến không dính vào đâu, qua không dấu vết, rỗng rang chiếu ứng, rõ ràng không còn các trần tập, chỉ một tánh chân.

Căn nguyên của sanh diệt từ đây phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sanh mười phương, rõ hết các loài, tuy chưa thông suốt manh mối mạng căn của mỗi chúng sanh, giống như bóng ngựa hoang trên đồng, lăng xăng chớp nhoáng hiện ra, làm các then chốt phát sanh của phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của Hành ấm.

Nếu cái cội gốc của những lăng xăng chớp nhoáng đó nhập vào tánh lặng trong bản nhiên, những tập khí hóa thành một nguồn trong lặng, như các làn sóng diệt hết hóa thành nước trong lặng thì gọi là Hành ấm hết. Người ấy liền có thể vượt khỏi khỏi Chúng sanh trược. Quán sát nguyên do, cội gốc là vọng tưởng u ẩn.

………………………………………..

Phạm vi của hành ấm là:

– Nhìn ra cội gốc của hành ấm là vọng tưởng u ẩn, lăng xăng chớp nhoáng.

– Thức ngủ luôn luôn là một. Một đó là tánh giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những bóng dáng tiền trần thô nặng.

– Tất cả nằm trong một gương sáng, các bóng (núi sông, đất đai…) đi đến đều không dính dáng, rỗng rang chiếu ứng, chỉ một tánh chân. Những tập khí hóa thành một nguồn trong lặng.

– Thấy cơ sở sanh diệt chung, cội nguồn chiếu hiện ra sanh tử, dù chưa triệt để. Và cũng thấy cội nguồn của Niết bàn là tánh trong lặng bản nhiên.

Những kinh nghiệm này có vẻ giống như kinh nghiệm trục tiếp thấy biết tánh Không, nhưng thật ra chưa đạt được Kiến đạo vị. Vì chưa có tánh Không làm nền tảng để tu hành nên dễ sa vào lầm lạc. Phải nói rằng khi đang ở trong các ấm, nếu tu hành đúng đắn và đủ phước đức, người ta vẫn có thể đạt được Kiến đạo vị, chứ không phải đợi đến cái cuối cùng là thức ấm. Phải nói rằng khi đang ở trong các ấm, nếu tu hành đúng đắn và đủ phước đức, người ta vẫn có thể đạt được Kiến đạo vị, chứ không phải đợi đến cái cuối cùng là thức ấm.

………………………………..

1. A Nan nên biết, các thiện nam tử được cái biết chân chánh trong Xa ma tha thì chánh tâm đứng lặng sáng suốt, mười loài thiên ma không có dịp quấy phá, mới cứu xét cùng tột cội gốc các loài chúng sanh. Trong cái cội gốc của các loài chúng sanh, nguồn gốc sự sống bày lộ ra. Quán xét cái cội nguồn máy động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia lại mống tâm so đo suy diễn trong tánh vốn viên mãn thì người ấy rơi vào hai thứ luận Vô nhân.

Một là, người ấy thấy nguồn gốc không có nhân. Vì sao thế? Người ấy đã được cơ sở của sanh diệt hoàn toàn lộ ra, nương theo tám trăm công đức của nhãn căn mà thấy trong tám muôn kiếp, tất cả chúng sanh theo dòng nghiệp mà xoay vần, chết đây sanh kia. Chỉ thấy chúng sanh luân hồi trong đó, ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không thấy gì, bèn khởi tâm suy diễn rằng những loài chúng sanh mười phương trong thế gian này trước tám vạn kiếp không có nhân mà tự có. Do sự suy diễn này, bỏ mất Chánh biến tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ.

Hai là, người ấy thấy cái ngọn không có nhân. Vì sao thế? Người ấy đã thấy được cội gốc của sanh diệt, biết người sanh ra người, rõ chim sanh ra chim, quạ xưa nay đen, hạc xưa nay trắng, loài người loài trời thì thân thẳng đứng, súc sanh thì thân nằm ngang, màu trắng không do tẩy mà thành, màu đen không do nhuộm mà ra. Suốt tám muôn kiếp không hề thay đổi, sống hết đời này thân hình cũng như vậy, mà mình xưa nay không thấy Bồ đề, làm sao có chuyện thành tựu Bồ đề, rồi cho rằng tất cả sự vật ngày nay đều không có nhân. Do so đo suy diễn như vậy bỏ mất Chánh biến tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ.

Đây gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập ra luận vô nhân.

……………………………………

Cái định trong Xa ma tha đến hành ấm thì đã rất mạnh, ‘‘chánh tâm đứng lặng sáng suốt’’, do đó không còn bị thiên ma ảnh hưởng. Sự sai lầm bây giờ chỉ do tự mình quán sát và tư duy sai lầm.

Xét cùng tội gốc sanh loại, tức là nguồn tánh, mà chưa tột, chưa thấu đáo mà khởi vọng tưởng so đo tính toán suy diễn bèn rơi vào các luận sai lầm. Đây là cái quán sát thiên lệch, chẳng phải chánh quán không lìa nền tảng tánh Không.

Không thấy hết được gốc sanh tử rồi suy diễn sanh tử vốn không có nhân. Nếu bây giờ sanh tử có nhân là nghiệp thì sanh tử từ vô thủy cũng phải có nhân là nghiệp.

Chấp gốc không có nhân, rồi ngọn cũng không có nhân. Cái tà kiến này là do thức so đo suy diễn mà thành đoạn diệt. Tánh Không không phải là không có nhân quả, tánh Không có nhân quả nhưng nhân quả là vô tự tánh.

…………………………………….

2. A Nan, các thiện nam tử trong tam ma địa ấy, chánh tâm lặng sáng, ma không còn cơ hội, bèn cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong tánh viên thường lại khởi lên so tính thì người ấy sa vào bốn cái luận biến thường.

Một là người ấy xét cùng tánh của tâm và cảnh, cả hai đều không có nhân. Tu tập có thể biết được trong hai vạn kiếp mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều xoay vần không hề tan mất, nên suy tính cho đó là thường.

Hai là người ấy xét cùng nguồn gốc bốn đại, thấy bốn đại thường trụ. Tu tập có thể biết được trong bốn vạn kiếp mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều nằm trong bản thể thường hằng không hề tan mất, nên suy tính cho đó là thường.

Ba là người ấy xét cùng sáu căn, trong tâm, ý, ý thức, do thức Mạt na chấp thọ thì thấy gốc gác nguyên do tánh vẫn thường hằng. Tu tập có thể biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần chẳng mất, bản lai thường trụ. Xét cùng tánh không mất đó rồi suy tính cho đó là thường.

Bốn là người ấy đã hết tưởng ấm, cái lẽ sanh diệt không còn, sự trôi chuyển dừng lặng, tâm tưởng sanh diệt nay đã vĩnh diệt dứt, thì trong lý tự nhiên thành cái chẳng sanh diệt. Do tâm suy tính cho đó là thường.

Do sự so tính cho là thường ấy, bỏ mất Chánh biến tri, sa vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ hai, lập ra những luận viên thường.

…………………………………

Xét cùng nguồn gốc của tâm thức và sự vật, nhưng vẫn còn sự chấp thọ của thức Mạt na rồi suy tính trên tâm Diệu Minh cho là thường. Suy tính và đặt tên là một cạm bẫy của thức, lọt vào đó là tà kiến, và tà kiến được gọi là ngoại đạo.

Đây là quán sai lầm, bỏ mất chánh kiến là Chánh kiến tri.

………………………………..

3. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại khởi tâm so tính ra cái ta và cái khác ta, thì người ấy sa vào bốn kiến chấp điên đảo, là những luận ‘một phần thường, một phần vô thường’.

Một là người ấy quán sát tâm diệu minh lặng nhiên khắp mười phương cõi, cho là Thần ngã rốt ráo. Từ đó mà suy diễn rằng ta khắp mười phương, lặng sáng chẳng động, còn tất cả chúng sanh thì ở trong tâm ta, tự sanh tự chết, vậy tâm tánh của ta thì gọi là thường, còn các thứ sanh diệt kia thì vô thường.

Hai là người ấy không quán xét cái tâm, lại quán xét khắp mười phương hằng sa cõi nước, thấy chỗ kiếp hoại thì cho là chủng tánh rốt ráo vô thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại thì gọi là rốt ráo thường.

Ba là người ấy riêng quán xét tâm mình thấy nó tinh tế nhỏ nhiệm giống như vi trần lưu chuyển trong mười phương mà tánh không dời đổi, có thể khiến cái thân này liền sanh liền diệt. Rồi cho cái tánh chẳng hoại ấy là tánh thường của mình, còn tất cả sự sanh tử từ tánh thường của mình lưu xuất thì gọi là tánh vô thường.

Bốn là người ấy biết tưởng ấm hết, thấy dòng hành ấm, suy tính rằng sự trôi chuyển không ngừng của hành ấm là tánh thường, còn sắc, thọ, tưởng nay đã diệt thì gọi là vô thường.

Do sự suy tính một phần thường, một phần vô thường ấy mà sa lạc vào ngoại đạo mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ ba, lập ra những luận một phần thường, một phần vô thường.

…………………………………..

Có cái ta và cái khác ta, có tâm riêng cảnh riêng, có kiếp không hoại và kiếp hoại, có hành ấm tách biệt với sắc thọ tưởng ấm, thì sẽ suy diễn một bên thường và bên kia vô thường.

Bởi vì tâm chưa khắp, thân chưa khắp, nên mới có tâm là thường, thân là vô thường. Bởi vì giác ngộ chưa khắp nên mới có giác ngộ là thường, thế giới chúng sanh là vô thường. Bởi vì Niết bàn chưa khắp, nên mới có Niết bàn là thường, sanh tử là vô thường.

Kinh Duy Ma Cật nói: ‘‘Bản tánh của sanh tử là Niết bàn’’. Cho tánh là thường, không sanh không diệt, còn tướng là vô thường, có sanh có diệt thì lọt vào luận ‘một phần thường, một phần vô thường’.

Với người thật sự ở trong đạo Phật, thì tánh là không sanh không diệt, và tướng cũng không sanh không diệt, toàn tánh là tướng, toàn tướng là tánh.

…………………………………..

4. Lại các thiện nam tử trong tam ma địa ấy, chánh tâm lặng sáng, thiên ma không còn cơ hội, cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại sanh so tính về phần vị, thì người ấy sa vào bốn cái luận Hữu biên.

Một là, người ấy tâm so tính cái cội nguồn sanh diệt lưu chuyển không ngừng, suy nghĩ quá khứ, vị lai là hữu biên, còn cái tâm tương tục là vô biên.

Hai là, người ấy quán xét tám vạn kiếp thì thấy chúng sanh, còn trước tám vạn kiếp thì bặt không thấy nghe gì, rồi gọi chỗ không nghe gì là vô biên, còn chỗ có chúng sanh là hữu biên.

Ba là, người ấy suy tính rằng mình biết cùng khắp là được cái tánh vô biên, còn tất cả các người kia hiện ra trong cái biết của mình mà mình không hề biết tánh biết của họ, vậy thì họ không được cái tâm vô biên, chỉ có tánh hữu biên.

Bốn là người ấy xét cùng hành ấm là không, dùng chỗ hiểu biết của mình mà so lường trù tính rằng trong một thân của tất cả chúng sanh có nửa phần sanh, nửa phần diệt, và suy ra tất cả sự vật có trong thế giới đều một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.

Do sự suy tính hữu biên, vô biên này mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ tư, lập ra những luận hữu biên.

…………………………………..

So tính về phần vị là suy nghĩ cái gì hữu biên cái gì là vô biên. Dầu đang ở trong định, tam ma địa, nhưng vừa khởi suy nghĩ liền có hữu biên vô biên, liền có ‘‘hư không sanh trong biển Đại Giác, như bọt nổi trên biển cả, các cõi hữu lậu như vi trần, đều nương hư không mà phát sanh’’.

Người tu đạo Phật phải là: ‘‘Sanh chăng? Không thể nói. Không sanh chăng? Không thể nói. Hữu biên chẳng? Không thể nói. Vô biên chăng? Không thể nói’’.

………………………………….

5. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, sanh so tính về tri kiến thì người ấy sa vào bốn thứ luận hư vọng biến kế điên đảo, bất tử càn loạn.

Một là người ấy quán sát cái cội nguồn biến hóa, thấy chỗ dời đổi thì gọi là biến, thấy chỗ tương tục thì gọi là thường, thấy chỗ thấy được thì gọi là sanh, chỗ không thấy được gọi là diệt. Chỗ các nhân tương tục, không có gián đoạn thì gọi là tăng, chính trong tương tục chỗ rời nhau ở giữa gọi là giảm. Chỗ sanh ra của mỗi cái thì gọi là có, chỗ mất đi của mỗi cái thì gọi là không. Dùng lý quan sát tất cả, dùng tâm thấy chúng sai biệt.

Có người đến cầu pháp, hỏi nghĩa thì đáp rằng, ‘‘Nay ta cũng sanh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng tăng cũng giảm’’. Trong mọi thời đều nói lộn xộn, khiến người nghe lầm loạn câu nghĩa.

Hai là người ấy quán kỹ cái tâm, mỗi mỗi không nơi chốn, nhân cái không mà biết. Có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là Không, ngoài chữ không ra, không có gì cả.

Ba là người ấy quán kỹ cái tâm mỗi có nơi chốn, nhân cái có mà biết. Có người đến hỏi, chỉ nói là phải, ngoài chữ phải ra, không có gì cả.

Bốn là người ấy đều thấy cả có và không. Cảnh đã phân chia không cùng thì tâm cũng loạn. Có người đến hỏi thì đáp rằng, ‘‘Cũng có tức là cũng không, trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có’’, tất cả đều càn loạn, không thể nói hết.

Do những so tính càn loạn trống rỗng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ năm, lập ra bốn thứ hư vọng Biến kế điên đảo, bất tử càn loạn.

………………………………….

Biến kế là cái thấy biết do phân biệt hư vọng và chấp trước vào cái hư vọng ấy. Do cái vọng thấy về sanh và diệt, tăng và giảm, tâm không nơi chốn và tâm có nơi chốn rồi lập luận điên đảo, càn loạn vừa tự hại mình và làm hại người khác. Thành thử, trong tam ma đề trong tánh giác diệu minh mà vừa khởi vọng tưởng phân biệt so tính bèn sa lạc vào ngoại đạo. Vấn đề là tương ưng thật sự với tánh giác diệu minh và thâm nhập vào đó mà không để cho vô minh vọng tưởng về nó trà trộn vào. Ở trong ‘‘trực tâm là đạo tràng’’ thì con đường của tánh Giác ngộ luôn luôn thẳng tắp.

…………………………………..

6. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, ở nơi dòng sanh tử vô tận lại sanh so tính, thì người ấy sa vào tư tưởng điên đảo là sau khi chết có tướng.

Hoặc tự củng cố thân thể, bảo sắc là ta; hoặc thấy cái ta tròn đầy, bao trùm khắp các cõi nước bảo ta có sắc; hoặc thấy các tiền trần kia theo ta mà xoay trở về, bảo sắc thuộc về ta; hoặc thấy cái ta nương trong hành ấm mà tương tục, bảo ta ở nơi sắc. Những người ấy đều so tính mà cho rằng sau khi chết có tướng, tuần hoàn như vậy có đến mười sáu tướng.

Từ đó mà suy tính rằng rốt ráo phiền não và rốt ráo Bồ đề, hai tánh đó đi song song mà không đụng chạm gì nhau. Do sự so tính chấp ra rằng sau khi chết có tướng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ sáu, lập ra những luận điên đảo trong năm ấm, sau khi chết có tướng.

7. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia khởi sanh so tính các ấm sắc thọ tưởng đã diệt ở trước thì người ấy sa vào những tư tưởng điên đảo là sau khi chết không có tướng.

Người ấy thấy sắc ấm diệt, thân hình không nhân vào đâu, xét tưởng ấm diệt, tâm không bị ràng buộc vào đâu, biết thọ ấm diệt, không còn dính dáng vào đâu. Tánh các ấm ấy đã tiêu tan, dầu có sanh lý mà không có thọ tưởng, đồng như cây cỏ. Hình chất hiện tiền còn không thể nắm được, làm sao sau khi chết còn có các tướng, xoay vần như vậy mà có tám thứ luận vô tướng.

Từ đó mà suy tính rằng Niết bàn, nhân quả đều không, chỉ có danh tự suông, rốt ráo đều đoạn diệt.

Do sự suy tính, chấp sau khi chết không có tướng, như vậy nên sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ bảy, lập ra những luận điên đảo ‘trong năm ấm, sau khi chết không có tướng’.

…………………………………..

Do hiểu lầm năm ấm, rồi chấp sau khi chết có tướng là chấp có, phiền não cũng thật có tự tánh, cùng hiện hữu rốt ráo như Niết bàn, cả hai chẳng đụng chạm, ảnh hưởng gì nhau. Đây là chấp thường.

Còn do không biết tánh của năm ấm, rồi chấp sau khi chết không có tướng, không còn nghiệp và nghiệp báo. Cho đến chấp Niết bàn, nhân quả đều không có, bèn rơi vào chấp đoạn. Cả chấp thường và chấp đoạn đều rơi vào tà kiến ngoại đạo. Nguyên do chỉ vì quán sát chưa đến cái rốt ráo mà vội suy tính, diễn dịch bèn sanh ra vọng tưởng rồi chạy theo.

……………………………………

8. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia khởi sanh so tính về hành ấm còn và thọ tưởng ấm đã diệt, lại so tính cái có và cái không, tự thể phá nhau, thì người ấy lọt vào những luận điên đảo ‘sau khi chết, có và không đều chẳng phải’,.

Người ấy thấy những ấm sắc thọ tưởng là có, nhưng chẳng phải có, hành ấm chuyển biến bên trong, là không mà chẳng phải không. Xoay vần như thế cùng tột các ấm làm ra tám tướng ‘đều chẳng phải’, tùy gặp duyên gì đều nói ‘sau khi chết vừa có tướng vừa không có tướng’.

Lại suy tính rằng hành ấm tánh nó dời đổi liên tục, tâm phát ra thông tỏ, cho rằng có, không đều chẳng phải, hư thật lộn lạo. Do sự suy tính, chấp sau khi chết ‘có không đều chẳng phải’ rồi việc về sau mù mịt tối tăm không còn lối đi, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ tám, lập những luận điên đảo, chấp trong năm ấm, sau khi chết, có và không đều chẳng phải.

9. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, khởi sanh so tính rằng về sau này là không, thì lọt vào bảy thứ luận đoạn diệt.

Hoặc chấp thân này là diệt, hoặc hết dục là diệt, hoặc hết khổ là diệt, hoặc cực lạc là diệt, hoặc tột xả là diệt. Xoay vần như vậy cùng tột bảy phương diện, cho rằng hiện tiền đều tiêu diệt, diệt rồi không trở lại nữa. Do sự so tính ‘sau khi chết là đoạn diệt’ như vậy, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ chín, lập những luận điên đảo, ‘sau khi chết là đoạn diệt’.

…………………………………..

Đây vẫn là so tính, suy diễn về sau cái chết. ‘Sau khi chết, có không đều chẳng phải’ và ‘sau khi chết là đoạn diệt’, từ vọng tưởng phân biệt ban đầu cứ tiếp tục suy diễn ra nhiều vọng tưởng điên đảo khác, như chàng Diễn Nhã Đạt Đa thấy mình không có đầu rồi cho cái đầu trong gương là ma quái, điên cuồng bỏ chạy. Có là một vọng tưởng, không là một vọng tưởng. Khi đã rơi vào vọng tưởng có, vọng tưởng không thì càng suy tính, so lường, phân biệt thì càng tự chôn mình bằng vô số vọng tưởng khác. Khi đã khởi niệm có không, còn mất là đã lọt vào lưới vọng tưởng, càng tư duy lưới càng siết chặt.

………………………………….

10. Lại các thiện nam tử ấy trong tam ma địa chánh tâm đứng lặng kiên cố, ma không còn cơ hội, bèn quán xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia khởi sanh so tính rằng đời sau là có, thì người ấy sa vào năm thứ luận Niết bàn.

Hoặc lấy dục giới làm cái chuyển y chánh thật, do xem thấy nhiều ánh sáng mà sanh yêu mến. Hoặc lấy sơ thiền làm cái chuyển y chánh thật, vì thấy cõi này không có lo buồn. Hoặc lấy nhị thiền  vì tâm không còn khổ thọ. Hoặc lấy tam thiền vì rất vui đẹp. Hoặc lấy tứ thiền, vì khổ vui đều hết, không còn chịu luân hồi sanh diệt. Người ấy mê lầm nơi cõi trời hữu lậu, cho là vô vi, năm chỗ ấy là an ổn, là chỗ y nương thanh tịnh thù thắng. Xoay vần như vậy rốt ráo có năm chỗ.

Do so tính chấp trước năm thứ Niết bàn hiện có như thế mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Giác ngộ. Đây gọi là ngoại đạo thứ mười lập ra những luận điên đảo ‘trong năm ấm có năm thứ Niết bàn hiện có’.

…………………………………

Cái chuyển y là cái cơ sở, cái nền tảng để nương (y) vào đó mà chuyển hóa thành Niết bàn. Nếu cho dục giới và tứ thiền là nền tảng để chuyển y thì tất cả các chỗ để chuyển y ấy đều vô thường, chưa rốt ráo nên được gọi là không ‘‘chánh thật’’. Như kinh này trước đã nói chỗ chuyển y, nền tảng chuyển y không phải là phần nào trong ba cõi, mà phải vượt thoát ba cõi. Đó là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

…………………………………….

A Nan, mười thứ hiểu cuồng loạn trong thiền na như thế đều do hành ấm và tâm dụng công giao xen nhau, nên hiện ra những cái hiểu đó. Chúng sanh ngu mê không tự lượng xét, gặp các cảnh ấy hiện ra, lấy cái mê làm ngộ, tự cho là chứng thánh, thành tội đại vọng ngữ mà đọa ngục Vô gián.

Các ông phải đem lời của Như Lai, sau khi ta diệt độ, truyền dạy cho đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sanh hiểu rõ nghĩa này, không để cho ma tâm tự gây nên những tội lỗi sâu nặng, giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu diệt các tà kiến, dạy cho thân tâm họ giác ngộ chân nghĩa, không mắc vào các lối rẻ trong đạo vô thượng. Chớ để họ được một ít đã cho là đủ, cần nêu ra lời chỉ dạy thanh tịnh của bậc Đại Giác.

……………………………………

Ở tưởng ấm thì thiên ma làm mê lầm là chủ yếu. Ở hành ấm thì ma trong tâm làm sai lạc là chủ yếu. Đó là các vọng tưởng tà kiến khiến lạc vào các lối rẻ và được một ít tự cho là đủ.

Để khỏi bị các bệnh này, người tu hành phải thường xuyên cầu nguyện những vị ở trên hướng dẫn, hộ trì,  vì như Kinh Hoa Nghiêm nói, nếu không có các vị Đại Bồ tát ở các địa trên giúp đỡ thì người tu hành khó bước lên một địa trên.

Thế nên càng tu thì sự quy y Tam Bảo phải càng sâu sắc, cho đến khi hợp làm một.Tu là làm cho những cái đã làm lúc ban đầu, quy y, phát Bồ đề tâm, nguyện độ chúng sanh… càng thêm sâu rộng, càng biến thành sự thực, chứ không bỏ một cái nào.

…………………………………..

5. PHẠM VI CỦA THỨC ẤM.

A Nan, thiện nam tử ấy tu tam ma địa, khi hành ấm hết thì cái then chốt đồng phận u ẩn giản phác máy động sanh ra các loài thế gian bỗng chốc nát tan. Giềng mối vi tế, mạch ngầm gây nghiệp chịu quả báo của ngã thể chúng sanh, cảm ứng đều dứt bặt.

Trong bầu trời Niết bàn sắp được rất tỏ sáng, ví như gà gáy lần chót, ngắm nhìn phương Đông đã có ánh sáng. Sáu căn rỗng rang thanh tịnh, không còn rong ruổi. Trong ngoài trong lặng sáng suốt, vào vô sở nhập, thông đạt nguyên do thọ mạng của mười hai loài chúng sanh trong mười phương. Quán thấy nguyên do là chấp trước, các loài không thể hấp dẫn được, với mười phương thế giới đã được tánh đồng, ánh sáng không bị chìm mất, phát hiện ra những chỗ u ẩn, bí mật. Đây gọi là phạm vi của Thức ấm.

Nếu trong tánh đồng của các loài đã chứng được mà tiêu tan sáu căn, khi hợp khi chia được thành tựu, thấy nghe thông nhau, dùng thay lẫn nhau một cách thanh tịnh, mười phương thế giới cùng với thân tâm như ngọc lưu ly, trong ngoài đều sáng suốt, đó gọi là thức ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt mạng trược. Quán sát nguyên do, cội gốc là vọng tưởng điên đảo, ảo tưởng rỗng không.

………………………………….

Hành ấm là cái then chốt đồng phận của ngã thể chúng sanh. Khi nó đã nát tan, dứt bặt, là vào phạm vi của thức ấm: bầu trời Niết bàn bắt đầu rạng sáng. Các ấm sanh diệt càng diệt thì Niết bàn tịch diệt càng hiện tiền.

Thức ấm hết là bắt đầu đi vào Niết bàn. Đây là nói theo hệ thống lần lượt năm ấm. Nhưng người ta có thể chứng Niết bàn lần thứ nhất (Nhập lưu) trong các ấm trước, vì thật ra bản tánh của các ấm là Niết bàn.

Nói rằng bản tánh của năm ấm là Niết bàn, nghĩa là năm ấm là sự ánh hiện, chiếu hiện của Niết bàn.

Cội gốc của thức ấm là vọng tưởng điên đảo, ảo tưởng rỗng không. Khi chứng nghiệm được điều này thì ánh sáng bên trong và ánh sáng bên ngoài là một, “trong ngoài sáng suốt, thân tâm với mười phương thế giới cùng một tánh đồng; thanh tịnh sáng suốt như ngọc lưu ly”.

Nhìn tổng quát, con đường Phật giáo là phá trừ vọng tưởng, vọng tưởng hết thì tâm thanh tịnh viên mãn hiện ra trọn vẹn. Trong phần nói về năm ấm này là phá trừ vọng tưởng, nhưng nếu an trụ trong tánh thanh tịnh, trong sáng Diệu Minh, trong tánh đồng của thân tâm và thế giới thì vọng tưởng cũng dần dần tự tiêu tan, như ở trong ánh sáng thì bóng tối tự tiêu tan. Phần phá trừ năm ấm này giúp cho hành giả, dù tu theo cách nào hay là cả hai thay đổi nhau, thấy được những chướng ngại của mình còn nhiều hay ít, cái nào đã tiêu tan để tiếp tục được phá trừ.

Thức ấm ma khởi ra là do chưa cùng tột tánh Không của thức ấm.

…………………………………..

1A Nan, nên biết các thiện nam tử ấy đã xét cùng tánh Không của các hành, trở về cội nguồn của thức, đã diệt sanh diệt nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Người ấy có thể khiến nơi thân mình các căn khác nhau, khi hợp khi chia và cùng với các loài mười phương thông chung tánh giác. Cái giác tri thông suốt một vị vắng lặng, có thể nhập vào nguồn viên mãn.

Nếu ở chỗ quay về, lại lập ra cái nhân chân thường, sanh ra cái hiểu thù thắng, thì người ấy sa vào cái chấp ‘nhân của nhân’, thành bè bạn với nhóm Ta Tỳ Ca La, chấp Minh đế là chỗ trở về, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ nhất, lập ra cái tâm có chỗ đắc, thành cái quả có chỗ quy về, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, sanh vào giống ngoại đạo.

……………………………………..

Ở đây, tuy đã xét cùng tánh Không của các hành, trở về cội nguồn của thức, đã diệt sanh diệt nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt, do đó mà có thể đi lạc, trái với tánh viên thông, ngược với đạo Niết bàn.

Trở về cội nguồn của thức thì rất tự tại, “cái thấy cái nghe thông nhau, khi hợp khi chia, cùng với các loài mười phương thông nhau tánh giác, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt”.

Chính ở chỗ chưa hoàn toàn là tánh giác này, chưa rốt ráo trong chỗ quy về này mà lập ra “cái nhân chân thường”, cho đó là “nhân của nhân”, nhân đầu tiên của mọi sự, bèn lạc vào Minh đế của ngoại đạo.

Tánh nghe, tánh thấy không ở chỗ nào cả, không là nhân nào cả, nó là “vô sở quy”, là cội nguồn không có nguồn gốc, là vô sanh. Cho nên cho rằng có cái tánh nào đó sanh ra tất cả các tướng, bây giờ xoay các tướng trở về tánh, đó là quan niệm thô sơ ban đầu.

Cái nhân của nhân là không có nhân, tánh Viên thông là tánh vô sở hữu, vô sở quy, như thế mới không ngược với đạo Niết bàn vô sanh.

Nền tảng thật sự là không có nền tảng, cội nguồn thật sự là không có ở đâu cả trong không gian thời gian. Khi không có chỗ để quy về, không có cái gì là nhân, không có cái gì là quả, mới là giải thoát rốt ráo.

…………………………………….

2. A Nan, lại thiện nam tử kia xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu ở chỗ quay về mà ôm lấy đó làm tự thể, cho rằng tất cả chúng sanh trong mười hai loài khắp cả hư không đều ở trong thân mình lưu xuất, sanh ra cái hiểu thù thắng, thành bè bạn với trời Ma hê thủ la, hiện thân vô biên, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ hai, lập ra cái tâm làm ra, thành cái quả sự làm ra, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, sanh vào giống Đại mạn thiên, cho cái ta là cùng khắp viên mãn.

………………………………….

Ôm lấy tánh viên thông làm tự thể, rồi cho rằng tất cả hiện hữu đều sanh từ tánh tịch diệt của ta, bèn rơi vào kiến chấp của Trời Ma hê thủ la cho rằng vũ trụ từ thân ta lưu xuất.

Có làm mà chẳng làm (tự tại), có cái tâm làm ra, cái sự làm ra, thì trái với đạo Niết bàn, là không từng có cái gì sanh ra, không từng có cái gì diệt mất.

…………………………………

3. Lại thiện nam tử kia xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu ở chỗ quay về mà thấy có chỗ quay về nương tựa, tự nghi rằng thân tâm mình từ chỗ đó sanh ra, và cả mười phương hư không cũng đều từ đó sanh khởi, rồi ngay nơi chỗ sanh ra tất cả ấy cho là cái thể chân thường không sanh diệt. Vậy là còn trong sanh diệt mà sớm chấp là thường trụ, chẳng những đã lầm tánh bất sanh  mà cũng mê tánh sanh diệt. An trụ trong mê đắm mà sanh ra cái hiểu thù thắng thì người ấy sa vào cái chấp ‘thường phi thường’ thành bè bạn với những kẻ chấp Tự tại thiên, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ ba, lập ra cái tâm nhân y, thành cái quả vọng so tính, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành ra giống ‘đảo viên’.

………………………………….

Chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt, chưa hoàn toàn đạt tánh Không vì còn trong thức, lại cho cái chỗ sanh ra tất cả ấy là cái thể chân thường không sanh diệt. Vậy là còn trong sanh diệt mà sớm chấp là thường trụ. Bởi vì chẳng lẽ cái không sanh diệt lại sanh ra cái sanh diệt? Thế là đã lầm tánh bất sanh mà cũng mê tánh sanh diệt cho là có tánh sanh diệt.

Do đó mà trái với tánh viên thông, ngược với ý nghĩa đích thực của Niết bàn. Chung quy vẫn cũng là “tri kiến lập tri, tức gốc vô minh; tri kiến vô kiến, đó là Niết bàn”, dù ở đây cái ‘lập tri’ này là cùng cực vi tế.

…………………………………….

4. Lại thiện nam tử kia xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu nơi chỗ hay biết, cái hay biết tròn đầy cùng khắp bèn nhân cái biết ấy mà lập ra cái kiến giải rằng cỏ cây mười phương đều gọi là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây sanh làm người, người chết trở lại thành cỏ cây mười phương. Nơi cái hay biết cùng khắp, không có lựa chọn mà sanh ra cái hiểu thù thắng, thì người ấy sa vào cái chấp ‘tri vô tri’, thành bè bạn với nhóm Bà Tra, Tiểu Ni chấp tất cả đều có hay biết, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ tư suy tính cái tâm Viên tri thành cái quả sai lầm, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành ra giống ‘đảo tri’.

……………………………………..

Khi cảm nhận cái biết tròn đầy cùng khắp, cỏ cây đều ở trong cái biết ấy nên cũng gọi là hữu tình, người và cỏ cây đều ở trong cái biết ấy nên cũng là hữu tình, người và cỏ cây sống chết rồi biến thành nhau. Chấp tất cả đều có hay biết, đây là một biên kiến, vì đâu có phải ai ở trong tánh giác thì cũng giác như nhau đâu? Và tánh giác thì chẳng phải “tức là”, chẳng phải là “chẳng phải”. Cái trung đạo của Phật giáo phải cẩn thận trong định huệ mới thấu rõ mà không lọt vào các biên kiến ngoại đạo.

……………………………………..

5. Lại thiện nam tử ấy xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu ở trong chỗ viên dung của các căn dùng thay lẫn nhau đã được tùy thuận bèn ở nơi tánh viên dung biến hóa phát sanh các thứ mà cầu cái ánh sáng của hỏa đại, thích cái thanh tịnh của thủy đại, ưa cái toàn khắp của phong đại, ngắm cái thành tựu của địa đại. Rồi sùng phụng mỗi mỗi cái, cho các đại kia là bản nhân, lập thành cái nhận thức thường trụ thì người ấy sa vào cái chấp ‘sanh vô sanh’ thành bè bạn của nhóm Ca Diếp Ba và Bà La Môn, đem hết thân tâm thờ lửa, thờ nước để cầu ra khỏi sanh tử, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ năm, chấp trước sùng phụng, mê tâm theo vật, lập ra cái nhân hư vọng để cầu cái quả hư giả, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành ra giống ‘điên hóa’.

6. Lại thiện nam tử ấy xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu nơi tánh viên minh, chấp cái rỗng không trong viên minh, bác bỏ hoại diệt các sự vật biến hóa. Lấy sự vĩnh viễn diệt mất làm chỗ quy y, rồi sanh ra cái hiểu thù thắng thì người ấy sa vào cái chấp ‘quy vô quy’, thành bè bạn của nhóm Thuấn Nhã Đa trong Vô tưởng thiên, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ sáu, viên thành cái tâm hư vô thành cái quả không vong, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành ra giống đoạn diệt.

7. Lại thiện nam tử ấy xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu nơi tánh viên thường củng cố cái thân cho thường trụ đồng như tánh ấy, mãi không suy mất mà sanh ra cái hiểu thù thắng thì người ấy sa vào cái chấp ‘tham phi tham’, thành bè bạn của nhóm A Tư Đà, cầu được mạng sống lâu dài, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ bảy, chấp trước cội nguồn mạng căn, lập cái nhân củng cố vọng thân hướng đến cái quả kéo dài sự nhọc nhằn lâu dài, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành ra giống ‘Kéo dài hư vọng’.

8. Lại thiện nam tử ấy xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Xét mạng căn thông lẫn nhau, muốn giữ lại cái trần lao, sợ nó tiêu hết. Bèn ở nơi giới hạn này, ngồi cung hoa sen, hóa ra nhiều thứ bảy báu cùng nhiều mỹ nữ, buông lung tâm mình mà sanh cái hiểu thù thắng thì người ấy sa vào cái chấp ‘chân vô chân’, thành bè bạn của nhóm Tra Chỉ Ca La, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ tám, lấy cái nhân suy nghĩ tà, thành cái quả trần cảnh lẫy lừng, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành ra giống thiên ma.

……………………………………..

Do hiểu lầm tánh hỏa đại, thủy đại cọng thêm cái tham bèn thờ lửa, thờ nước. Do chấp cái rỗng không trong tánh viên minh, bác bỏ sự vật, lấy chỗ vĩnh viễn diệt mất làm chỗ quy y thì lọt vào vô tưởng thiên. Do hiểu lầm tánh thường trụ rồi muốn cái thân này cũng thường trụ như tánh, thành giống ‘kéo dài hư vọng’. Do tham đắm mạng căn, tạo ra cõi cho mạng căn ấy thì thành giống thiên ma. Tất cả đều chấp có, chấp Không cọng với phiền não tham sân si mà thành.

Cho nên người tu hành cần luôn luôn giữ Chánh tri kiến Trung đạo và diệt trừ phiền não trong từng đoạn đường. Nếu không sẽ rơi vào lối rẻ uổng mất đời tu hành.

……………………………………..

9. Lại thiện nam tử ấy xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Ở trong chỗ cội gốc rỗng sáng của sinh mạng mà phân biệt cái tinh, cái thô để quyết ra chân ngụy; nơi nhân quả đền đáp nhau, chỉ cầu cảm ứng, trái với đạo thanh tịnh, nghĩa là thấy khổ đế, đoạn tập đế, chứng diệt đế, tu đạo đế mà trụ trong diệt cho là xong, không chịu tiến tới rồi sanh cái hiểu thù thắng. Người ấy sa vào hàng định tánh Thanh Văn,  thành bè bạn của nhóm tăng Vô Văn tăng thượng mạn, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ chín, viên mãn tâm ứng với sự thuần khiết, thành cái quả hướng tịch, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành hạng ‘vướng mắc nơi Không’.

……………………………………..

Hàng định tánh Thanh Văn là lúc sơ phát tâm đã quyết diệt khổ và sẽ chứng được diệt khổ ở cấp độ thứ tư là A La Hán. Vì chỉ lo diệt khổ cho mình, không thấy thế gian khổ, cho nên không có lòng đại bi mở rộng cho tất cả chúng sanh do đó không chịu tiến tới, dừng lại giữa đường, mà chứng cái quả hướng tịch, gọi là trói buộc nơi Không. Kinh nói là “tu đạo đế mà trụ trong diệt cho là xong, không chịu tiến tới”.. Hàng Thanh Văn đắc được Hữu dư y Niết bàn, và nhập diệt gọi là Vô dư y Niết bàn.

Hàng Bồ tát thì thấy khổ của mình và của người, diệt khổ cho mình và cho người, nên thay vì chỉ nhắm đến trí huệ tánh Không thì còn có tâm đại bi cứu độ chúng sanh nên lên đến quả Phật, cả hai trí huệ và đại bi viên mãn. Khổ của mình và khổ của người không hai, nên trí huệ và đại bi không hai.

Nếu hàng Thanh Văn chỉ chú ý đến phương diện Tịch của tánh Diệu Minh thì hàng Bồ tát còn chú ý đến phương diện Chiếu. Trong cái Chiếu này mới có chúng sanh để độ, đây là sự ánh hiện, chiếu hiện của tánh Diệu Minh. Chính nơi phương diện Chiếu này mà tâm đại bi hoạt động, và sự chiếu hiện thì như huyễn nên đại bi hoạt động mà như huyễn. Đây là con đường Bồ tát.

Con đường Thanh Văn là con đường của Không, con đường Bồ tát là con đường của Không-Minh. Do đó Niết bàn của Bồ tát là Niết bàn vô trụ xứ.

……………………………………..

10. Lại thiện nam tử ấy xét cùng tột tánh Không của các hành, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu ở trong tánh Giác Minh viên dung thanh tịnh phát minh chỗ thâm diệu bèn lập đó là Niết bàn mà không tiến tới, sanh cái hiểu thù thắng thì người ấy sa vào hàng định tánh Độc Giác, thành bè bạn của các vị Duyên Giác Độc Giác, không hồi tâm hướng Đại thừa, mê lầm Giác ngộ của Phật, bỏ mất Chánh tri kiến.

Đó gọi là hạng thứ mười, viên thành giác tâm vắng lặng, thành cái quả trong lặng sáng suốt, trái xa tánh Viên thông, ngược với đạo Niết bàn, thành hạng giác viên minh nhưng không dung hóa được viên mãn.

……………………………………..

Bậc Độc Giác hay Duyên Giác là giác ngộ tánh Không nhờ quán sát Mười hai nhân duyên. Nhưng sự giác ngộ ấy vẫn chưa trọn vẹn vì tánh Không ấy không ôm ấp dung chứa được sanh tử bằng tâm đại bi, mà đứng riêng, tách lìa khỏi sanh tử. Đây là chỗ Kinh nói, “ở trong tánh Giác Minh thanh tịnh, phát minh chỗ thâm diệu bèn lập đó là Niết bàn mà không tiến tới, thành định tánh Độc Giác”.

Cả hai, hàng A La Hán và hàng Độc Giác thiếu công đức của Bồ tát hạnh, vốn biểu lộ thành ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp phụ của một vị Phật. Bởi thế mà kinh nói “không dung hóa được viên mãn”.

Hàng Thanh Văn và Độc Giác đều gọi là định tánh. Định tánh bởi vì ngay từ đầu kiên cố dùi mài đến khi lên cao thì không sửa chữa được, khó hồi tâm được. Ngài A Nan, nhân vật chính của Kinh này mặc dù đắc sơ quả Thanh Văn nhưng ngài là Đại thừa, vì chỉ riêng việc xin Đức Phật cho nữ giới xuất gia cũng đủ cho thấy lòng từ bi của ngài rất lớn.

…………………………………..

A Nan, mười loại Thiền na này, giữa đường thành mê cuồng, do nương mê lầm trong chỗ chưa đủ lại cho đã chứng đầy đủ, đều do thức ấm và tâm dụng công giao xen nên sanh các địa vị như vậy. Chúng sanh mê muội không biết tự xét, gặp cảnh đó hiện tiền, mỗi mỗi dùng cái tâm mê lầm ưa thích những tập quán cũ mà tự dừng nghĩ, cho đó là chỗ quay về an ổn rốt ráo, tự bảo đã đầy đủ Giác ngộ vô thượng, thành đại vọng ngữ. Các ngoại đạo tà ma khi nghiệp báo chiêu cảm hết rồi thì sa vào địa ngục Vô gián. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác thì không thể tiến tới thêm.

……………………………………..

Mười thức ấm ma trong Thiền na là do năm ấm và tâm dụng công giao xen rồi nhận thức, tìm cách tiến tới bằng cái tâm chúng sanh “ưa thích những tập quán cũ, rồi tự dừng nghĩ cho đó là chỗ quay về an ổn rốt ráo” mà thành. Tập quán cũ này đã được tích tập suốt thời gian sanh tử nên không dễ đoạn trừ. Nếu không có một một vị thầy trực tiếp chỉ dạy thì có khi càng tu lại bỏ mất chánh tri kiến mà tăng thêm tập quán cũ thành định tánh.

Nói chung để khỏi lọt vào năm mươi ma ấm thì phải chớ “bỏ mất Chánh tri kiến”. Chánh tri kiến là căn bản trí hay tự nhiên trí hay vô sư trí, thấy trực tiếp tánh Không-Minh. Chánh tri kiến ấy phải đi kèm công đức càng ngày càng tăng, nguyện càng ngày càng lớn, và sự hộ trì của chư Phật, chư Bồ tát.

…………………………………..

Các ông để tâm giữ gìn đạo Như Lai nên đem pháp môn này sau khi ta diệt độ, truyền dạy cho đời mạt pháp, khiến cho khắp chúng sanh hiểu rõ nghĩa này, không để cho những ma tà kiến gây ra nạn lớn cho mình, bi mẫn cứu giúp tiêu hết duyên tà, khiến cho thân tâm được vào tri kiến Phật, từ lúc bắt đầu đến thành tựu, không gặp các đường tẻ.

Pháp môn như thế, các đức Như Lai như số vi trần trong hằng sa kiếp quá khứ đều nương vào đây mà tâm khai ngộ, đắc đạo vô thượng.

……………………………………..

Đức Phật dặn dò những Bồ tát đời sau đem pháp môn này truyền dạy cho chúng sanh, bi mẫn cứu giúp chúng sanh, không để cho các ma tà kiến gây ra nạn lớn cho mình, được vào tri kiến Phật, vào Pháp thân Phật cho đến lúc thành tựu.

Pháp môn xoay các căn về nguồn tánh này là “một đường đến Niết bàn, của mười phương chư Phật”, tất cả chúng sanh, nhất là ở cõi Diêm Phù Đề này, cần trân trọng giữ gìn, thọ trì miên mật và diễn nói cho người khác.

…………………………………..

Thức ấm hết sạch rồi thì ngay hiện tiền các căn của ông có thể dùng thay lẫn nhau. Từ chỗ các căn dùng thay lẫn nhau, bèn vào Kim cương Càn huệ địa Bồ tát, cái tâm tinh diệu viên minh, trong đó phát hóa như ngọc lưu ly thanh tịnh ngậm mặt trăng báu ở trong.

Như thế bèn siêu vượt Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh Tâm và Thập Địa Kim cương là chỗ hành của Bồ tát, cho đến Đẳng Giác viên minh, nhập vào biển diệu trang nghiêm Như Lai, viên mãn đạo Giác Ngộ, về trong Vô sở đắc.

……………………………………..

Ở trước đoạn nói về những quả vị, “Càn huệ địa trong tâm Kim cương là Đẳng Giác”, như vậy Kim cương Càn huệ địa Bồ tát ở đây là Đẳng Giác, tức là đã siêu vượt khỏi năm mươi bốn địa vị từ Thập Tín cho đến Thập Địa.

Sự phá trừ năm ấm diễn ra suốt con đường Phật đạo, đặc biệt hiệu quả và rõ ràng là trong Thập Địa. Ở đây một phần năm ấm tiêu trừ thì một phần tánh Minh Diệu hay Pháp thân hiển lộ. Cho đến khi hoàn toàn hết thức ấm là hết Thập Địa, lên Đẳng Giác.

Phá trừ cũng là chuyển hóa. Phá trừ năm ấm là chuyển hóa chúng về tánh bổn nguyên của chúng, mà Mật giáo gọi là Năm Đức Phật bổn nguyên. Khi chuyển hóa được chúng trở về nguồn tánh thì sáu căn có thể dùng thay nhau, sáu căn trở thành ‘‘diệu đức’’: ‘‘Nếu tất cả sự thấy nghe hay biết tánh chúng tròn đầy toàn khắp vốn không động, thì phải biết hư không bất động vô biên và bốn đại đất nước lửa gió lay động, tánh chúng là chân thật viên dung vốn là Như Lai tạng vốn không sanh diệt…. Như một nhãn căn thấy khắp pháp giới thì cái biết nghe, biết ngửi, biết nếm, biết xúc, biết các pháp, diệu đức sáng rỡ toàn khắp pháp giới, tròn đầy mười phương hư không’’.

Kinh nói theo thứ tự từng ấm, từ sắc ấm đến thức ấm. Nhưng các ấm thông với nhau, nên nếu một phần sắc ấm hay thọ ấm bị phá thì một phần nhỏ hơn ba ấm kia bị phá. Bởi thế cho nên trong Bốn niệm xứ, thân, thọ, tâm, pháp, chỉ cần một cái bị phá sạch, thì ba cái kia cũng tiêu tan.

Khi các phiền não chướng và sở tri chướng, khi chấp ngã và chấp pháp hết sạch, thì ngay đó là đạo Giác ngộ, đó là chỗ Vô sở đắc, ‘‘sáu mở một tiêu’’, hay nói như Kinh Viên Giác, “Niết bàn sanh tử chỉ là giấc mộng đêm qua, chúng sanh bổn lai thành Phật”.

…………………………………..

Đó là những ma sự vi tế mà chư Phật Thế Tôn đời quá khứ đã biết rõ và phân tích trong lúc tu Chỉ và tu Quán. Nếu khi ma cảnh hiện tiền mà ông rõ biết thì tâm dơ nhiễm bèn được rửa trừ, không lạc vào tà kiến, ấm ma tiêu diệt, thiên ma bị đánh tan, đại lực quỷ thần hết hồn chạy trốn, ly mỵ vọng lượng chẳng còn sanh ra, thẳng đến Giác ngộ không có thiếu sót. Hàng hạ liệt tăng tiến, đối với Đại Niết bàn tâm không mê muội.

Nếu các chúng sanh ngu độn trong đời mạt pháp chưa biết Thiền na, chẳng rõ lời thuyết pháp mà ưa tu tam muội, ông e rằng họ lạc vào đường tà thì phải nhất tâm khuyên bảo họ trì chú Phật đảnh đà la ni của ta. Nếu chưa có thể trì tụng thì nên viết trên thiền đường hoặc đeo nơi thân thì tất cả các ma không thể động đến. Ông nên kính vâng sự dạy bảo cuối cùng về đường tiến tu rốt ráo của mười phương Như Lai.

……………………………………..

Nếu khi cảnh ma hiện tiền mà hay biết rõ, thì ngay khi ấy tâm dơ nhiễm được rửa trừ. Trong một ngày chúng ta tiếp xúc biết bao nhiêu là sắc thọ tưởng hành thức hiện tiền, nếu ngay lúc ấy rõ biết, nghĩa là thấy ra thực tướng của chúng thì phần tâm dơ nhiễm liên hệ với chúng được rửa trừ,bao nhiêu loại ma đều tiêu diệt. Hết ấm, hết ma thì biển diệu trang nghiêm Như Lai hiện tiền.

Nhưng nếu tập quán cũ đã nhiều kiếp cứ khiến tự lừa dối mình và lừa dối người thì phải trì chú Lăng Nghiêm, hoặc treo lên hoặc đeo nơi thân. Nghiệp chướng có bớt đi thì mới thấy mình đã từng và có thể còn chơi thân với ma như thế nào. Lúc ấy mới nói được rằng rõ biết khi ma hiện tiền được.

…………………………………..

II. THỨ LỚP TIÊU TRỪ CÁC ẤM VÀ GIỚI HẠN PHẠM VI CÁC ẤM

A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nghe Phật chỉ bảo, đảnh lễ kính vâng, ghi nhớ không sót, ở trong đại chúng lại bạch Phật rằng: Như lời Phật đã dạy, trong tướng năm ấm có năm thứ hư vọng làm cội gốc của tâm tưởng mà chúng con bình thường chưa được nhờ Như Lai khai thị vi tế.

Lại năm ấm là tiêu trừ một lần, hay theo thứ lớp mà hết? Năm lớp như vậy đến đâu là giới hạn? Cúi mong Như Lai mở lòng đại bi làm cho tâm và con mắt của đại chúng ở đây được trong sáng, đễ làm đạo nhãn tương lai cho tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp.

Phật bảo A Nan: Bản giác viên tịnh, tinh chân diệu minh, chẳng có vết tích của sanh tử và các trần cấu, cho đến hư không cũng đều nhân vọng tưởng mà có sanh khởi. Tất cả mọi cái nguyên là Bản giác diệu minh tinh chân mà lại phát sanh ra các vật thế gian, như chàng Diễn Nhã Đạt Đa quên đầu mà nhận bóng trong gương.

Vọng vốn không có nhân, thế mà ở trong vọng tưởng lập ra tánh nhân duyên. Mê lầm nhân duyên thì gọi là tự nhiên. Cái hư không kia thật ra là do huyễn sanh ra huống là nhân duyên hay tự nhiên, chúng đều là sự so tính của vọng tâm chúng sanh. A Nan, biết do vọng tưởng khởi ra mà nói là nhân duyên hư vọng. Như hư vọng vốn không có mà nói nhân duyên hư vọng thì cái nhân duyên hư vọng ấy vốn chưa từng có, huống gì không biết mà suy là tự nhiên. Thế nên Như Lai phát minh cho các ông rằng bản nhân của năm ấm đều là vọng tưởng.

……………………………………..

Xưa nay chỉ có Bản giác minh diệu sáng tỏ thanh tịnh khắp nơi không có chỗ nào không có, dầu có vô số vọng tưởng của vô biên chúng sanh cũng chẳng thể nào che lấp nó được. Chỉ vì một niệm phân biệt hư vọng khởi lên bèn có hư không, bèn có thế giới, rồi lại so tính cái này cái kia là nhân duyên hay tự nhiên.

Nếu tin và biết do vọng khởi mà dừng lại, và an trụ trong sự dừng lại ấy thì hư không, thế giới và chúng sanh tắt mất, để tất cả nguyên là một cái giác vốn sẳn (bản giác).

Cho nên cơ sở, nền tảng của năm ấm là vọng tưởng vốn chưa từng có. Hoa đốm giữa hư không vốn chưa từng có mà lại so tính chúng màu gì, sẽ ra quả gì thì chẳng phải đó là chuyện vọng tưởng của vọng tưởng, mộng của mộng sao?

Một Bồ tát thì sống với thế gian, nghĩa là sống trong lưới tưởng của chúng sanh, nhưng vì “biết do vọng tưởng khởi ra” cho nên tất cả tưởng của thế gian đều nằm trong trí huệ bao la. Trí huệ bao trùm mọi tưởng, thậm chí biến đổi tưởng thành tướng của trí, nên ở trong tưởng mà không bị tưởng trói buộc, tự tại trong tưởng.

…………………………………..

Thân thể của ông trước kia nhân cái tưởng của cha mẹ mà sanh ra. Tâm của ông nếu chẳng phải là tưởng thì đâu có đến trong tưởng để gá mạng. Như trước ta đã nói, trong tâm tưởng vị chua thì trong miệng chảy nước bọt, tâm tưởng việc lên cao, thì lòng bàn chân thấy rợn rợn. Bờ cao không có, đồ chua chưa đến, thân thể của ông nếu chẳng phải cùng sự hư vọng thì cớ sao nghe nói tới chua thì nước bọt chảy ra?

Thế nên, phải biết sắc thân hiện giờ của ông chính là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

……………………………………..

Sắc ấm dễ thấy nhất là sắc thân của chúng ta. Sắc thân ấy do tưởng của cha mẹ và tưởng của chúng ta mà thành. Thân thể cứng đặc là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng lâu ngày cái thân thể vọng tưởng kiên cố này cho tới lúc thấy rõ thân chỉ là vọng tưởng, nghĩ đến nó thì nó có, không nghĩ đến nó thì nó không có, lúc ấy giải thoát khỏi cái vọng tưởng tạo ra thân này.

…………………………………..

Chỉ cái tâm tưởng tượng lên cao vừa nói đó mà có thể khiến thân ông thật thọ sự ghê rợn. Do cái thọ sanh ra có thể làm giao động sắc thân. Vậy hai thứ thọ thuận ích và nghịch tổn đang rong ruổi nơi ông, gọi là vọng tưởng hư minh thứ hai.

……………………………………..

Có hai thứ cảm thọ: vui thì thuận, thì muốn tăng thêm; khổ thì nghịch, bèn muốn tổn giảm. Đời người chỉ là những cảm thọ, đi tìm những cảm thọ vui và nỗ lực bớt cảm thọ khổ. Những cảm thọ trong bản chất là không có tự tánh, cho nên hết đời sống này sang đời khác cứ đi tìm và chạy trốn mãi.

Cảm thọ là vọng tưởng hư minh. Hư là rỗng không, không thật. Minh là rõ ràng, sáng tỏ. Bị cái rỗng không mà có vẻ sáng tỏ ấy hấp dẫn, rồi chạy theo, bèn thành cuộc sanh tử. Như hoa đốm giữa hư không, vốn là rỗng không mà vọng thấy được, nhưng lao nhọc đuổi bắt thì khổ cả đời.

…………………………………..

Do những niệm nghĩ sai khiến sắc thân của ông, nếu sắc thân chẳng phải cùng loại với niệm thì tại sao nhân theo niệm mà bị sai sử, mỗi mỗi bám giữ hình tượng do tâm sanh, cùng với niệm tương ứng? Lúc thức là ý tưởng của tâm, lúc ngủ là chiêm bao của tâm. Vậy những tưởng niệm, vọng tình giao động của ông gọi là vọng tưởng dung thông thứ ba.

……………………………………..

Thân chính là tưởng nên bị các ý tưởng sai khiến. Tâm cũng sanh vọng tưởng, mỗi mỗi bám giữ các hình tượng do tâm sanh. Thế thì thân tâm đều là vọng tưởng trong cái thế gian vọng tưởng này.

Thức hay ngủ đều là tưởng của tâm. Thậm chí khi thiền định, sau khi chết cũng đều là tưởng của tâm. Như thế vọng tưởng “dung thông” cả bốn trạng thái của đời người, khi ngủ, khi thức, khi thiền định và sau khi chết. Thế nên biết rõ tất cả những trạng thái của đời người là vọng tưởng, như huyễn, như mộng, đó là giải thoát.

…………………………………..

Sự chuyển hóa không ngừng, xoay vần âm thầm dời đổi. Móng tay dài, tóc mọc, khí lực tiêu, mặt nhăn, ngày đêm thay đổi mà không hề hay biết. A Nan, nếu cái đó không phải là ông thì cớ sao thân ông lại thay đổi, còn nếu nó thật là ông thì sao ông lại không hay biết? Vậy các hành của ông, niệm niệm chẳng dừng, gọi là vọng tưởng u ẩn thứ tư.

……………………………………..

Hành là những chuyển động trong thân tâm, móng tay dài, tóc mọc… đây là vọng tưởng u ẩn, âm thầm dời đổi trong thân. Thân tâm là một vọng tưởng, hành là vọng tưởng cho nên liên hệ và ảnh hưởng đến thân tâm. Giải thoát là biết rõ được sự chuyển đổi này bằng cách thấy biết rõ nó, biết tính chất vọng tưởng của nó, “không phải là ông thì tại sao ông lại thay đổi, còn nếu thật là ông thì sao ông lại không hay biết”.

…………………………………..

Lại chỗ tinh minh đứng lặng không lay động của ông mà gọi là thường hằng thì nơi thân ông chẳng ra ngoài những sự thấy nghe hay biết. Nếu nó thật là tánh tinh chân thì chẳng chứa nhóm hư vọng, vì sao các ông trước kia đã thấy một vật lạ, trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến, về sau bỗng nhiên thấy lại vật lạ ấy thì nhớ lại rõ ràng, không thiếu sót. Vậy trong cái tinh minh đứng lặng không lay động ấy, niệm niệm chịu sự huân tập không thể tính đếm hết.

A Nan, nên biết cái trong lặng này chẳng phải chân, như dòng nước chảy xiết trông như đứng yên, vì chảy nhanh nên không thấy chứ chẳng phải không chảy. Nếu cái ấy chẳng phải là nguồn tưởng thì đâu chịu cho tập khí hư vọng huân tập. Nếu sáu căn của ông chưa được tự tại, chia hợp dùng thay lẫn nhau thì cái vọng tưởng ấy không khi nào diệt được.

Vậy nên hiện nay cái bao trùm tập trung những tập khí của ông thành thấy nghe hay biết là cái tưởng tinh vi nhỏ nhiệm điên đảo, ảo tượng rỗng không thứ năm trong tánh trong lặng sáng suốt của ông.

……………………………………..

Thức thật là tánh tinh chân thì chẳng chứa nhóm tập khí hư vọng, nhưng quả thật, thấy nghe cái gì thì không quên, điều đó chứng tỏ kinh nghiệm ấy vẫn còn ở lại dưới dạng hạt giống trong thức nền tảng a lại da hay một tinh minh của chúng sanh. Thức ấy như dòng nước chảy xiết, sanh diệt trong từng sát na, nhưng không có độ sáng của định huệ thì không thấy được. Những tập khí còn sống và phát triển trong tạng thức a lại da thành ra cái thấy nghe hay biết hiện giờ của chúng ta. Thức ấm chính là kho tàng chứa những vọng tưởng điên đảo, ảo tượng rỗng không này.

Khi sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau là khi đi vào tận nguồn của thức, tức là tánh trong lặng sáng suốt, ở đây mới biết rõ “một tinh mình chia làm sáu phần hòa hợp”, ở đây với sự dung thông của sáu cái nơi cái một, ‘‘sáu mở một tiêu’’, vọng tưởng tập khí mới có thể diệt trừ, nghĩa là tiêu dung trong tánh trong lặng sáng suốt bổn nhiên.

…………………………………..

A Nan, năm thứ ấm thọ chịu ấy, là do năm thứ vọng tưởng tạo thành.

Nay ông muốn biết giới hạn sâu cạn, thì chỉ sắc và không là biên giới của sắc ấm; chỉ xúc và lìa là biên giới của thọ ấm; chỉ nhớ và quên là biên giới của tưởng ấm; chỉ diệt và sanh là biên giới của hành ấm; lặng trong nhập hợp với lặng trong là biên giới của thức ấm.

……………………………………..

Phân định biên giới và mức độ sâu cạn của năm ấm hay năm loại vọng tưởng là như trên. Nhưng nếu quán chiếu các ấm sâu sắc, “hành bát nhã ba la mật đa sâu xa”, thì, chẳng hạn sắc ấm, là Không, là không có biên giới. Ngay đó sắc ấm tiêu tan, ‘‘sắc tức là Không, Không tức là sắc’’mà giải thoát khỏi sắc ấm. ‘‘Tánh sắc chân Không, tánh Không chân sắc, thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới’’ liền hiện tiền trước mắt.

…………………………………..

Năm ấm ấy vốn trùng điệp sanh khởi. Sanh thì nhân thức mà có, diệt thì từ sắc mà trừ. Lý thì đốn ngộ, nương ngộ tiêu sạch; sự không phải đốn trừ, theo thứ lớp mà diệt hết.

Ta đã chỉ cho ông cái nút nơi khăn Kiếp ba la, có chỗ nào chẳng rõ suốt mà phải hỏi lại như vậy. Ông nên dùng cái tâm được khai thông về căn nguyên vọng tưởng này, truyền dạy cho người tu hành tương lai trong đời mạt pháp, khiến cho họ biết hư vọng, tự sanh nhàm chán sâu xa, biết có Niết bàn, chẳng luyến mê ba cõi.

……………………………………..

Phá trừ hay chuyển hóa năm ấm là làm việc nơi tâm ô nhiễm với vọng tưởng trùng điệp của mình. Tất cả các pháp tu Phật giáo, chỉ, quán, thiền, các ba la mật, các nguyện, hạnh Bồ tát… đều có mục đích là phá trừ vọng tưởng để trí huệ bổn nguyên hay tánh giác hiển lộ.

Năm ấm che đậy tánh giác diệu minh là năm lớp vọng tưởng từ thô đến tế. Vọng tưởng hết đến đâu thì tánh diệu minh hiện ra đến đó. Bởi vì vọng tưởng sinh khởi, hiện hữu và tiêu tan trong tánh diệu minh. Biết rõ rốt ráo thì phiền não tức Bồ đề, vọng tưởng tức Giác ngộ.

Lý thì đốn ngộ, lý ở đây là chân lý, là Pháp thân, là tánh Không, là căn bản trí. Sự đây là vọng tưởng phiền não, những chấp ngã chấp pháp ‘‘trùng điệp sanh khởi’’, những che chướng nhiễm ô từ nhiều đời.

Trong lịch sử Phật giáo, số người đốn ngộ một lần mà rốt ráo hết Pháp thân thì chỉ được rất ít người, thậm chí có thể nói đó là những vị Phật, Đại Bồ tát thị hiện. Còn tu hành thì ‘‘lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm trừ’’. Thiền sư Nhật Bản Bạch Ẩn Huệ Hạc thế kỷ thứ 18 và thiền sư Trung Hoa Hư Vân thế kỷ 20 đều nói, đại ngộ thì mười mấy lần, tiểu ngộ thì vô số. Thiền sư Hoàng Long thế kỷ 11, của tông Lâm Tế về sau, đã chia con đường thành ba quan: Sanh tử quan hay Tổ sư quan, Trùng quan, và Lao quan.

Người tu hành thực sự cần cẩn trọng biết mình đang ở đâu trên con đường, còn bao nhiêu đoạn đường nữa phải đi, chứ không thể ‘‘tự cho là đủ mà lạc vào đại vọng ngữ’’.

Mỗi ngày phải phát nguyện Bồ tát, làm động lực để vượt qua mọi nghiệp chướng:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Hết quyển 10

SHARE:

Trả lời