SHARE:
Ba cõi, hay ba thế giới : Trong một số văn cảnh, sanh tử được chia làm ba cõi hay ba thế giới – cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Cõi sắc và cõi vô sắc chỉ hiện hữu đối với một số chúng sanh chư thiên, họ đã đạt đến những trạng thái này nhờ bốn định sắc giới và bốn định vô sắc giới.
Ba sự tu hành : Giới, định và huệ.
Báo thân : Thân của sự thọ hưởng, hay những hình thể vượt khỏi loài người trong đó chư Phật biểu lộ chính các ngài. Báo thân chỉ có thể trực tiếp tri giác được đối với những chúng sanh chứng ngộ cao.
Bồ đề tâm : Tâm của giác ngộ. Đây là một từ then chốt trong Đại thừa. Ở mức độ tương đối, nó là ước muốn đạt được Phật tánh vì lợi lạc của tất cả chúng sanh và sự thực hành cần thiết để làm điều ấy. Ở mức độ tuyệt đối, nó là sự quán thấy trực tiếp vào bản tánh tối hậu của cái ngã và những hiện tượng.
Bồ tát : Một người thực hành trên con đường đến Phật tánh, tu hành lòng bi và sáu ba la mật, người đã thệ nguyện đạt đến giác ngộ vì tất cả chúng sanh. Dịch ngữ Tây Tạng của từ này có ý nghĩa “anh hùng của tâm giác ngộ.”
Bốn Chân Lý Cao Cả : (1) Khổ : bản chất của hiện hữu trong sanh tử là khổ. (2) Tập (nguyên nhân) : nguyên nhân của khổ là những thức tình tiêu cực hoặc che ám. (3) Diệt : sự dừng dứt của khổ là Phật tánh. (4) Đạo : con đường là phương cách để đạt được giải thoát.
Đại thừa (Mahayana) : gồm cả hai Kinh thừa (Sutrayana) và Mật Chú thừa hay Mật thừa (Mantrayana).
Đi nhiễu : Một thực hành sùng mộ có công đức cao, cốt ở đi theo chiều kim đồng hồ, một cách tập trung và tỉnh giác, quanh một sự vật thiêng liêng, như một ngôi chùa, một tháp, núi thiêng, hay căn nhà – và ngay cả con người – của một đạo sư tâm linh.
Định tâm (Skt : samatha) : Một trạng thái trong thiền định trong đó tâm thức tập trung nhất niệm và không cố gắng vào đối tượng thiền định.
Độc Giác Phật hay Bích Chi Phật : Người đạt đến giác ngộ một mình, không có sự giúp đỡ của một đạo sư và không trao truyền những lời dạy cho người khác.
Gelug : Một trong bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, thành lập bởi Tsongkapa (1357-1419).
Hóa thân : Thân biểu lộ, phương diện của đại bi và phương tiện, nhờ đó một vị Phật có thể được thấy biết bởi những chúng sanh chưa giác ngộ. Bởi thế, nó là phương tiện nhờ nó ngài có thể liên lạc với họ và cứu giúp họ.
Kadam : Dòng phái của Phật giáo Tây Tạng thoát thai từ những lời dạy của Atisha (982-1054). Giáo lý của nó nhấn mạnh vào kỷ luật tu viện, nghiên cứu, và thực hành lòng bi. Ảnh hưởng của truyền thống Kadam thì thấm khắp trong mọi trường phái Phật giáo Tây Tạng, dù nó đặc biệt hòa hợp với giáo lý Gelug, cái này thật ra đôi khi được đề cập đến như là phái Kadam Mới.
Kagyu : Một trong bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, thành lập bởi Marpa Nhà Dịch giả (1012-1095), thầy của Milarepa.
Kalpa : Kiếp, một chu kỳ dài của thời gian như được quan niệm trong vũ trụ luận truyền thống của Ấn Độ. Một đại kiếp, nó tương đương với chu kỳ thành lập, kéo dài, suy hoại và vắng mặt của một hệ thống vũ trụ, gồm tám mươi tiểu kiếp. Một kiếp trung gian gồm hai tiểu kiếp chung nhau, trong cái trước thọ mạng của đời sống tăng lên, trong cái sau sự thọ mạng của đời sống giảm đi.
Karma (nghiệp) : Từ Sanskrit nghĩa là “hành động”, được hiểu như luật nhân quả. Theo giáo lý của Phật, mọi hành động, từ tư tưởng, lời nói hay hành vi, đều là những hạt giống cuối cùng sẽ sinh ra quả trong trải nghiệm, hoặc đời này hoặc những đời tới. Một hành động tích cực hay đức hạnh sẽ kết thành hạnh phúc, và sự tội lỗi hay hành động tiêu cực là nguyên nhân của khổ về sau.
Kim Cương thừa : Xem Mật thừa.
Kinh (Sutra) : Những lời dạy đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho, được ghi nhớ bởi những đệ tử của ngài, và sau đó ghi lại.
Kinh thừa (Sutrayana) : Đại thừa có hai bộ phận : Kinh thừa là những lời dạy căn cứ trên những kinh và tuyên thuyết sự thực hành sáu ba la mật, và Mật thừa, những lời dạy và thực hành căn cứ trên những bản văn tantra.
Mantra : Thần chú, một nhóm lời hay âm kết hợp với những hóa thần đặc biệt để thiền định, sự trì tụng nó tạo thành một phần chính yếu của thiền định mật giáo.
Mật thừa (hay Mật Chú thừa) : Thừa của những mật chú, đôi khi gọi là Kim Cương thừa (Vajrayana). Bộ những giáo lý và thực hành này căn cứ trên những tantra, và dù nó thực ra là một phương diện của Đại thừa, nó đôi khi được xem như một thừa riêng.
Mười cấp độ (mười địa) : Những giai đoạn trên con đường giác ngộ. Cấp độ thứ nhất của Bồ tát đánh dấu sự bắt đầu của con đường thấy. Cấp độ thứ hai đến thứ mười là những giai đoạn tiến bộ trong con đường thiền định.
Mười hai mắt xích của tương thuộc (duyên sanh) : Vô minh, những khuynh hướng thói quen, thức, danh và sắc (hình thể), sáu môi trường giác quan, tiếp xúc, cảm giác, khao khát, bám giữ, đi vào hiện hữu (cuộc đời), sanh, già và chết.
Mười tám đặc tính của đời người quý giá : Mười tám đặc tính này bao gồm tám sự tự do và mười đặc ân. Tám sự tự do gồm không sinh ra (1) trong những cõi địa ngục ; (2) như một quỷ đói ; (3) làm một thú vật ; (4) trong những cõi của chư thiên ; (5) giữa những người hoang dã không biết đến những giáo lý và thực hành của Phật pháp ; (6) như người với những tà kiến, như là những tà kiến về hư vô đoạn diệt, về tính bản chất của cái ngã và những hiện tượng… ; (7) trong thời gian không có Phật xuất hiện ; và (8) bị chướng ngại về tinh thần (thể trí biện thông). Mười đặc ân được chia thành năm cái ở trong và năm cái ở ngoài. Năm đặc ân ở trong là (1) được sinh làm người ; (2) ở một xứ sở trung tâm có Phật pháp được tuyên thuyết ; (3) có những khả năng (căn) bình thường và đầy đủ ; (4) là người đã không nhúng mình vào những nghiệp quá nặng ; (5) có niềm tin vào Pháp. Năm đăïc ân ở ngoài là những sự kiện (1) một vị Phật đã xuất hiện trong thế giới ; (2) ngài có giảng Pháp ; (3) Lời Dạy của ngài vẫn tồn tại ; (4) Pháp đó có được thực hành ; và (5) người ấy được chấp nhận là một đệ tử bởi một đạo sư tâm linh.
Năm con đường : Những con đường tích tập, chuẩn bị, thấy, thiền định và không học nữa. Những con đường này biểu trưng những giai đoạn kế tiếp nhau trong tiến bộ tâm linh hơn là những lối đi khác biệt và phân biệt đến giác ngộ. Một Bồ tát trên con đường không học nữa đã đạt đến Phật tánh. Xem thêm Mười cấp độ.
Năm độc : Năm thức tình tiêu cực chính : vô minh, tham chấp, giận ghét, kiêu mạn và ghen tỵ.
Năm uẩn : Năm hợp thể cấu thành về tâm sinh lý, nó đặc trưng cho chúng sanh : hình thể (sắc), cảm giác (thọ), báo tin (tưởng), thúc đẩy (hành) và thức.
Như Lai : Một tính ngữ dành cho một vị Phật.
Như Lai tạng : Phật tánh, tiềm năng của Phật tánh, hiện diện trong tâm thức của mỗi chúng sanh.
Niết bàn (Nirvana) : Chuyển ngữ Tây Tạng của từ Sanskrit này nghĩa là “vượt qua khổ đau” và để chỉ những mức độ khác nhau của giác ngộ đạt được theo thực hành của Thanh Văn thừa hay Bồ tát thừa.
Nyingma : Truyền thống xưa nhất của bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, sáng lập bởi Guru Padmasambhava vào thế kỷ thứ tám.
Pháp : Phần giáo lý khai thị bởi Phật Thích Ca Mâu Ni và những vị giác ngộ khác, chỉ ra con đường đến giác ngộ. Nó gồm hai phương diện : Pháp của sự trao truyền, tức là những lời dạy được ban cho, và Pháp của sự chứng ngộ, hay những trạng thái đạt được qua sự áp dụng những lời dạy.
Pháp thân : Thân tuyệt đối hay thân chân lý ; một phương diện của tánh Không.
Phật : Người đã trừ bỏ hai tấm màn che (che chướng của những tình thức tiêu cực [phiền não chướng] là nguyên nhân của khổ đau, và che chướng của vô minh [sở tri chướng] làm ngăn ngại toàn giác) và là người đã hoàn thiện hai loại hiểu biết (về bản chất tuyệt đối và tương đối của những hiện tượng).
Quán thấy sáng tỏ hay thấu suốt (Skt : vipashyana) : Thiền định phát hiện sự không có hiện hữu nội tại, vô tự tánh của tâm thức và những hiện tượng.
Quy y : Nương náu. Một Phật tử tìm kiếm sự che chở và hướng dẫn của Tam Bảo để tìm ra giải thoát khỏi khổ đau của sanh tử. Bởi thế Tam Bảo lập nên sự quy y Phật giáo, và một Phật tử có thể định nghĩa như là người nào quy y Tam Bảo.
Sakya : Một trong bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng, sáng lập bởi Khon Konchok Gyalpo (1034-1102).
Sanh tử (samsara) : Bánh xe, hay vòng tròn của đời sống. Trạng thái không giác ngộ, trong đó tâm thức bị nô lệ vào ba độc tham, sân, si, đi từ một trạng thái này sang một trạng thái khác một cách không kiểm soát được qua một dòng vô tận những kinh nghiệm tâm lý chúng đều có tính chất là khổ.
Sáu ba la mật, hay những thực hành siêu việt : Sáu hoạt động rộng lượng, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ chúng tạo thành thực hành của con đường Bồ tát. Chúng được gọi là siêu việt bởi vì, khác với rộng lượng bình thường…, chúng không bị nhiễm ô bởi những thức tình tiêu cực khác.
Sáu cõi : Theo truyền thống, kinh nghiệm của chúng sanh trong sanh tử được hệ thống hóa vào sáu phạm trù tổng quát, là những cõi hay thế giới, trong đó tâm thức trú ngụ như là kết quả của những hành động trước kia, hay nghiệp. Không có cái nào của những trạng thái này là thỏa mãn, dù mức độ khổ trong chúng khác biệt nhau. Ba cõi cao nhất, hay may mắn, nơi đó khổ đau được nhẹ bớt do những vui sướng tạm thời, là những cõi trời của chư thiên, hay deva ; những cõi của Asura (A tu la), hay bán thiên ; và thế giới của con người. Ba cõi thấp hơn, trong đó khổ thống trị nơi mỗi một kinh nghiệm, là những cõi thú vật, quỷ đói và địa ngục.
Tam Bảo : Phật, Pháp (Giáo lý), và Tăng (Chúng hội những đệ tử và hành giả). Đấy là ba đối tượng của sự quy y.
Tám mối bận tâm thuộc thế gian : Được hay mất, sướng hay khổ, tán dương hay chỉ trích, và danh tiếng hay tiếng xấu. Hầu hết những con người không theo một con đường tâm linh đều tìm kiếm cái được và cố gắng tránh cái mất, và lấy bỏ như thế đối với những cặp đối nghịch này.
Thanh Văn thừa hay Tiểu thừa : Những hành giả được xem là thuộc về hai bộ giáo lý khác nhau, hay thừa, theo bản chất nguyện vọng của họ. Hai bộ đó được biết như là Tiểu thừa, hay Căn Bản thừa và Đại thừa. Căn Bản thừa chia thành hạnh của những Thanh Văn, các ngài là đệ tử của đức Phật, và hạnh của những vị tìm kiếm giác ngộ chỉ dựa vào chính mình, hay Độc Giác Phật. Mục đích của Thanh Văn và Độc Giác là Niết Bàn, như là sự giải thoát rốt ráo khỏi khổ đau của sanh tử. Đại thừa là con đường của những Bồ tát, hay những người, trong khi chấp nhận tính vững chắc và hiệu quả của thừa kia, ước muốn giác ngộ viên mãn của Phật tánh vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Từ Hinayana, Tiểu thừa có nghĩa là “Thừa kém hơn,” nhưng điều này không nên hiểu theo một nghĩa chê bai, bởi vì những giáo lý của nó là căn bản cho sự thực hành của cả Đại thừa. Dalai Lama đã gợi ý danh từ Thanh Văn thừa để dùng thay vì Tiểu thừa. Trong trường hợp này, danh từ ấy được hiểu bao gồm cả Độc Giác Phật thừa.
Thức tình tiêu cực hay phiền não (Skt : klesha) : Những yếu tố thuộc tâm thức ảnh hưởng vào những tư tưởng và hành động rồi sẽ sinh ra khổ đau. Năm thức tình tiêu cực chính tức là năm độc.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS