BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ

SHARE:


NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

1. MỤC LỤC
2. Lời nói đầu của người chủ biên
3. Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ
4. CHỈ LỐI MẶC CHIẾU
5. TRAU DỒI TRƯỜNG TRỐNG KHÔNG
6. TOẠ THIỀN NGHI: NHỮNG GIỚI LUẬT CHO TỌA THIỀN
7. Fukanzengi (Phổ khuyến toạ thiền nghi)
8. TOẠ THIỀN (CHÂN): TÂM YẾU TOẠ THIỀN
9. TOẠ THIỀN DỤNG TÂM KÝ
10. CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
11. ĐIỂN TOÀ GIÁO HUẤN VÀ CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
12. NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO
13. BẤT NHỊ
14. BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI
15. NGỒI THẾ NÀO
16. SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI
17. NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ
18. VỀ MẶC CHIẾU
19. NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH
20. VÔ NIỆM CỦA TÀO SƠN
21. THỰC HÀNH CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ CỦA LÃO SƯ SUZUKI Roshi
22. MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG
23. CHỈ NGỒI
24. BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ
25. TÂM VÀ CẢNH CỦA NGƯỠNG SƠN
26. NHỮNG TÁC GIẢ

BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ

 

Bonnie Myotai Treace

 

Một đêm, vào khoảng một hay hai giờ, tôi có cú điện thoại gọi từ một học trò trong bệnh viện. Giữa chúng tôi có ích lời nói, dù cuộc gọi kéo dài gần một tiếng. Giọng nói của anh rất yếu, nhưng vẫn mạnh mẽ một cách nào đó, giống như nghe nước chảy dưới lòng đất. Anh hỏi, “Bạn sẽ ngồi với tôi chứ?” và chúng tôi chỉ thở với nhau. Trong cuộc viếng thăm của tôi một tuần trước đó, rõ ràng là anh đã gần với sự kết thúc cuộc đời anh. Anh có vẻ xanh xao hơn những tấm ra chung quanh anh; có mùi hăng nhẹ lưu chuyển trong những bệnh viện, và thức ăn không được dùng từ vài bữa còn trên bàn cạnh giường. Đó là đêm cuối cùng tốt đẹp để ngồi với anh, cho đến khi anh có thể buông thả và đi vào giấc ngủ.

 

Tuần trước anh đã khó khăn, và làm việc gắt gao để sống hay để chết “một cách đúng đắn”. Rồi anh làm một sự chuyển đổi, như sự chuyển đổi chúng ta phải làm đi làm lại trong ngồi thiền: biết cái gì đó, rồi điều chúng ta biết tan rã và sụp đổ vào chúng ta, thấy ra rằng chúng ta đã sụp đổ vào một khoảnh khắc quang minh và đáng tin cậy. Và rồi cái biết sanh khởi trở lại, và có sự sụp đổ, và tin tưởng. Có ai đã nói với người học trò rằng khi người ta chết, điều tốt là để cho thân thể không được động đến trong ba ngày và có những người bạn và gia đình ngồi với thi thể trong thời gian đó. Anh thực sự lo lắng bởi vì anh không chắc bệnh viện quan tâm đến điều này và chấp nhận nó. Anh phải cưu mang câu hỏi, “Cái gì là bản chất của ba ngày, của chính thời gian?” Những lời day của đức Phật nói “Một khoảnh khắc, một vạn năm. Một vạn năm, một khoảnh khắc”. Như trong một thời ngồi thiền, đồng hồ có vẻ chậm lại hay nhanh hơn, có thể tha thứ hay trừng phạt, cho đến khi sự trông chừng ngừng nghỉ. Bạn tôi đã chuyển đổi cách nhìn thời gian, và bây giờ, bất cứ cái gì xảy ra nơi bệnh viện, anh có cảm thức rằng không có gì là sai, rằng thời gian sẽ tự đầy đủ. Sự thảnh thơi với thời gian đã thư giãn không khí chung quanh anh, và mọi ngưòi đều cảm thấy. Sự thực hành của anh ích lợi sâu xa. Anh đang thực hành chết, và sự thực hành của anh đã trở thành một sự chỉ dạy không cố ý trong cuộc sống chân thật.

 

Đạo sư Đạo Nguyên bắt đầu chương “Âm thanh của thung lũng, màu sắc của núi non” trong Chánh pháp nhãn tạng:

Có nhiều thí dụ của nhiều phương pháp khác nhau được dùng để truyền đạt Phật đạo vô thượng từ thầy đến trò. Mọi câu chuyện này nói với chúng ta thực hành siêng năng, làm đến mức tốt nhất và nỗ lực mạnh mẽ.

 

Huệ Khả, Tổ thứ hai Trung Hoa, đã thực hành chuyên cần và chặt cánh tay mình để chứng tỏ sự cam kết toàn thân của ngài. Câu chuyện của ngài làm sửng sốt. Nhưng dĩ nhiên Phật giáo không gây tác hại và không cổ vũ sự tự hành xác. Đức Phật thấy thấu suốt điều đó và truyền thống của ngài tiếp tục sự rõ ràng ấy. Thế nên, tấm gương không bám chấp của Huệ Khả, dám cho đi chính mình một cách hoàn toàn, được kể lại để dạy chúng ta về cho, về dana, sự hiến mình cho một tôn giáo, mà cho cái thật, cho thực tại nó nâng đỡ chúng ta trọn vẹn đến độ không cần bảo vệ cho chương trình kế hoạch riêng của chúng ta. Huệ Khả bị Bồ-đề Đạt-ma đánh thức, ngài ngụ ý, “Một cơn gió nhẹ nhất cũng có thể ngăn được ông”. Và Huệ Khả chấp nhận sự thách thức bằng cách để cho ngọn gió xấu nhất thổi qua người, mặc cho thời tiết. Đó là sự chuyên cần của thực hành, sự dâng hiến vô điều kiện của nó. Nó là sự chuyên cần của tình yêu sâu xa, và không chờ đợi thưởng công hay trách móc. Nó là sự thực hành chúng ta trau dồi và thực hiện đến độ chúng ta không bị giới hạn vào những hoàn cảnh tiện nghi, cắt đứt những lo lắng. Nó là sự thực hành nắm lấy một dịp may, cho đi chính mình cho tất cả chúng sanh. Chúng ta sẽ học điều này suốt cuộc đời và còn tìm thấy nhiều hơn để học. Đây là dòng được truyền từ thầy đến trò: bí mật vĩ đại của tâm trí của chúng ta giữa sự cho đi này. Chúng ta nên chuyên cần học điều này.

 

Đạo Nguyên nói, “Khi Đức Thích-ca Mâu-ni còn là một Bồ-tát trong một đời trước, ngài bày tỏ quyết tâm của ngài với thầy bằng cách cúi mình cho đến khi tóc ngài chạm đất, thân thể lấm nước bùn”. Giống như người đàn ông hào hiệp trong chuyện thời Victoria đặt áo khoát ngoài xuống đất cho các cô quý phái, đức Phật trải tóc trên nước bùn để thầy ngài đi qua. Không có cái gì để che chở, và thế nên ngài cũng không che chở chính mình; ngài chỉ chăm sóc cái cần chăm sóc. Mái tóc dài trải qua bùn bày tỏ rất nhiều cử chỉ: rất nhiều đêm cha mẹ cúi mình xuống một đứa con không ngủ, người chửa lửa đi vào lửa trong khi người khác chạy ra. Chính trong lúc ngồi mà cái logíc tại sao cơn đau trong thân bạn không thể là mệnh lệnh duy nhất của bạn được thực hiện. Nó biểu lộ ở cuộc gặp gỡ mệt mỏi với nhóm người thành phố kiêu căng và giận dữ sau một ngày dài làm việc nặng nhọc để chăm lo cho những giải pháp của cộng đồng. Vạn hành vi của Bồ-tát: luôn luôn sự thách thức của thực hành là không tách lìa khỏi chúng, phút giây này sang phút giây khác.

 

Có một lần tiếp tân (sesshin) vào tháng Tám vài năm trước, khi tôi rất khốn khổ vì bệnh da nổi mụn đau, tôi chỉ muốn đi ngâm mình trong dòng sông. Thật khốn khổ và tâm tôi sợ mọi thứ trong nhiều ngày. Rồi ở đỉnh cao của cơn nóng, một buổi chiều Daido đến thuyết pháp và thế nào đó qua làn hơi nước của trí óc tôi nghĩ, “Ngài không cần phải làm việc này; ngài làm việc này là vì tôi”, đi vào tâm thức tôi, và như thể mọi sự mở ra. Tôi cảm thấy sự thật của việc “trải tóc trên bùn” này và việc ấy là vì tôi. Tôi vẫn không thể nhớ cái gì về buổi nói chuyện hôm đó, tôi chỉ cảm thấy tràn ngập với toàn bộ sự việc mới đáng ngạc nhiên làm sao, và cảm thấy rất tầm thường là tại sao tôi đã tiêu phí nhiều ngày mà không ghi nhận điều đó, cảm thấy điều đó.

 

Đạo Nguyên tiếp tục: “Nếu chúng ta xem xét những thí dụ ấy, chúng ta không thể thực hành với sự tự mãn”. Chúng ta nhắm vào di sản của dòng phái không phải để có một lịch sử lành mạnh của Phật giáo dưới thắt lưng, mà bởi vì có cái gì xảy ra khi nghe những chuyện này về những hành giả và vị thầy ngày xưa. Chúng ta nhớ trong chính mình cái gì là có thể trong một đời sống làm người. Trong sự nhớ ấy, có năng lượng. Năng lượng ấy biểu lộ: chúng ta nhóm họp với nhau và rung chuông và đi qua cái hoạt động phi lý, đó là nói chúng ta sắp “thực hành”. Chúng ta sắp “chứng ngộ”. Chúng ta bắt đầu với một hình thức đặc biệt và nói, “Chúng ta sẽ thức dậy trong hình thức này”. Trong vô số hình thức, vô số khả thể, với mọi cái tự biểu lộ nó một cách hoàn hảo, chúng ta lấy một cái hoàn hảo, và thệ nguyện thực hành và chứng ngộ nó. Nó có thể đi sâu bao nhiêu? Đó là sự lao vào của bất kỳ giao phó cam kết nào, dù là hôn nhân hay một nguyên nhân hay một chàng mới lớn. Nó mỗi ngày mỗi mới. Chuông rung để chấm dứt một thời, và Đạo Nguyên cảnh báo chúng ta chớ tự mãn: một khi đã cho cánh tay, một khi tóc được trải trên lối đi bùn lầy – rồi cái gì? Luôn luôn, rồi cái gì?

 

“Khi những người tìm kiếm có được tự do, thoát khỏi những chướng ngại của ảo tưởng và cái ta, và lìa khỏi những quan điểm hạn hẹp của họ, thật tánh của họ – giác ngộ – đột hiện. Nó tự hiện thân bất kể chúng ta có chứng ngộ nó hay không. Không ai biết hay mong mỏi nó. Cho dù Phật nhãn cũng không thể thâm nhập nó thì làm sao chúng sanh có thể nhận biết nó?”. Giác ngộ không phải là một vật. Có lẽ không là cái gì cả. “Nó không phải là cái ông nghĩ nó là, và nó cũng không phải khác”, những lời dạy nói với chúng ta như vậy. Tôi nhớ một người bạn lớn tuổi đã “chỉnh” tôi khi tôi đang trong thái độ “muốn tốt hơn nữa, muốn là một cái gì đó”. Anh chỉ nháy mắt với tôi khi tôi ráng sức để trở thành cái gì đó, và nói, “Này, chớ có giác ngộ; chỉ thực hành thôi”. Buông bỏ ý tưởng có thể khá khó khăn và là một việc làm tinh tế. Một nửa thời gian thậm chí chúng ta không ghi nhận rằng chúng ta đang hành động từ một ý tưởng nào đó để là một cái gì đó: một người đàn ông, một người đàn bà, một phụ huynh, một nhà lãnh đạo, bất cứ cái gì. Tăng đoàn làm cho công việc dễ dàng hơn, bởi vì Tăng thì không có mục tiêu nào khác hơn là thân thiện.

 

Có một câu chuyện về một cư sĩ tên là Tô Đông Pha, một người viết tiểu luận rất nổi tiếng. Ông sống vào đời Tống, khi hoạt động Phật pháp tỏa sáng. Đó là một thời đại phi thường để sống. Cư sĩ Đông Pha, người được nói là có “một hiểu biết sâu sắc về đại dương bao là của Phật giáo” và là “một con rồng trong biển chữ nghĩa”. Ông có thể dùng lời để làm sáng tỏ, để cho một ý nghĩa về cơ sở và phạm vi của chuyển động và cái có thể. Nghe âm thanh của một con suối trong thung lũng, ông viết:

Âm thanh của suối núi

là lưỡi lớn của Phật

Những sắc màu của núi

là thân thanh tịnh của Phật.

Trong đêm,

tôi nghe tám vạn bốn ngàn bài ca tán dương,

Nhưng làm sao nói điều đó với người ngày hôm sau?

 

Tám vạn bốn ngàn là nói về số nguyên tử trong thân người và cũng được dùng để chỉ số hoá thân của Phật Vô Lượng Quang. Tám vạn bốn ngàn bài tụng ca, mỗi tế bào trong thân là một bài tụng ca, và thình lình Tô Đông Pha nghe được chúng. Nhưng rồi sao? “Làm sao nói điều đó cho người ngày hôm sau?”. Khi lần đầu tôi đọc bài này, tôi hỏi lão sư về nó: “Có phải điều này giống như khi người ta muốn chia sẻ cái thấy của họ? Có phải ông hình dung ra làm sao gói ghém cái thấy của ông? Thầy biết rằng giây phút bất tiện khi chúng ta nhận biết chúng ta sắp trao cho ai một cái thấy lớn lao? Nó còn tệ hơn nghe những giấc mơ lộn xộn”. Lão sư cho nhận xét rất rõ ràng, “có lẽ con không hiểu dòng cuối. Có lẽ ông không nói, ‘Làm sao tôi có thể chia sẻ?’. Có lẽ ông nói, ‘Làm sao tôi có thể phục vụ?’ Đạo Nguyên nói:

 

Cái thấy của thầy Đông Pha khiến ông ngộ được khi nghe suối trong thung lũng.Thật là một điều đáng thương khi từ xưa đến nay có người không ngộ ra rằng vũ trụ đang tuyên bố Pháp thân của Phật. Những người ấy thật đáng thương. Họ thấy gì khi nhìn một trái núi? Họ nghe gì khi nghe tiếng suối chảy? Họ có chỉ nghe một âm thanh thay vì tám vạn bốn ngàn bài tụng ca? Đáng tiếc khi nhiều người chỉ hưởng thụ những mặt ngoài của âm thanh hay màu sắc. Họ không thể tri giác cũng không thể kinh nghiệm hình dáng, sắc tướng và tiếng nói của Phật nơi một phong cảnh. Họ không có bao giờ có may mắn thấy được Phật đạo diệu kỳ: núi và sông không ngừng tuyên thuyết chân lý!

 

Sự đau đớn chói sáng, con đường về nhà mờ đục trên xa lộ: chỉ là núi sông tuyên thuyết Đạo thức tỉnh. Không loại trừ cái gì. Cái gì là thân của chân lý, Pháp thân? Cái gì là lưỡi, tiếng nói, sự biểu lộ hoàn toàn của thực tại?

 

Từ ban đầu, Xuân và Thu, núi và sông chưa từng chia tách. Tuyệt đối và tương đối: chưa từng cách hở. Sống và chết: chưa từng cách hở. Bạn và tôi: chưa từng cách hở. Nhưng chúng ta lại tri giác mỗi sự vật, mỗi khoảnh khắc một cách độc lập. “Thời gian không thể cách hở với núi và sông. Những người tìm cầu Phật đạo cần nghiên cứu câu thơ: ‘Núi trôi, sông đứng’ ”. Sự nghiên cứu ấy là ngồi thiền: một vị thế không tách lìa và phát lộ vị thế của không vị thế. Nghiên cứu ấy là chỉ dạy mặt thẳng mặt: hai tâm phân định rõ ràng nhưng là một không thể nào khác. Đó là sự nghiên cứu cái chuyển động trong chuyển động, và cái tĩnh lặng trong tĩnh lặng. Trình bày công án này một cách trực tiếp thì không tránh khỏi chỉ là công việc chính thức của học trò công án, mà là của mọi người chúng ta. Chẳng phải mỗi phút giây đòi hỏi sự trình bày của đời sống của chúng ta sao? Mỗi phút giây chúng ta có thể phung phí thời gian đòi hỏi một công án khác, hay chúng ta có thể, như bạn tôi đã khuyên, “chỉ thực hành”. Thân thiết với đời sống của chúng ta, có lẽ chúng ta bắt đầu chứng ngộ công án.

 

“Chúng ta không cần hân thưởng nó sao? Những màu sắc và sự rạng rỡ của những dòng suối chói ngời là vô biên. Màu sắc rồi màu sắc, trong mỗi ánh sáng lấp lánh, là công đức của toàn vũ trụ. Có cái gì có thể xoá bỏ chúng?”. Đây không phải là một phút giây của giải thích. Đôi khi trong đêm một người bạn sắp chết hỏi, “Bạn sẽ ngồi với tôi chứ?”. Ánh sáng loé lên, lòng chúng ta cảm thấy tan vỡ, và chúng ta nhận ra một cái giật mình rằng toàn thể vũ trụ hỏi khi anh ấy hỏi. Chúng ta hãy thệ nguyện cảm nhận nó. Chúng ta hãy thệ nguyện trả lời.

SHARE:

Trả lời