SHARE:
BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002
1. Hiện tượng không khác bản thể. Sóng không khác nước. Bóng trong gương chẳng lìa gương mà có. Đối với chúng ta, kẹt trong sắc ấm thì sắc là sắc, còn Không là gì, không ai biết. Tuy chưa biết tánh Không là gì nhưng tin vào lời dạy của Đức Quán Thế Âm, chúng ta tin rằng mọi pháp đều không có tự tánh, trống rỗng và vì trống rỗng nên đầy ắp một thực tại siêu việt mà chỉ có những bậc tu chứng mới hiểu nó là gì, vì vượt ra ngoài có và không. Thực tại đó Tâm Kinh gọi là Không.
2. Sắc là hình tướng. Hình tướng đó rỗng không nên chứa đầy Thực Tại là Tánh Không. Sắc chẳng khác Không vì mọi sợi lông trên thân con sư tử bằng vàng phải chứa đầy vàng. Trong thực tại Chân Không vô tướng, các hình sắc đều trở về gốc nguồn của nó là Chân Không. Trong Chân Như thì mọi thứ hình tướng từ địa ngục đến Niêt-bàn, từ ngạ quỷ, súc sanh lên đến chư Phật đều là Chân Như. Trong Như Lai Tạng, tất cả sắc thọ tưởng hành thức đều là Như Lai Tạng. Tất cả mọi pháp dơ sạch, phàm thánh, trời người, phàm phu đến giác ngộ, vô tình lẫn hữu tình, đều đồng một tâm là Phật tâm. Sắc chẳng khác Không vì toàn sắc là Không, toàn tướng tức tánh, toàn bóng là gương. Không vốn yên lặng, rỗng không, sáng soi, thanh tịnh, nên sắc cũng yên lặng, rỗng không, sáng soi, thanh tịnh.
3. Một thí dụ trong kinh nói:”Như hạt châu chiếu thành nhiều màu sắc.” Các màu sắc đó có khác hạt châu không?
* Tướng quốc Bùi Hưu một lần đến hỏi đạo với Tổ Mục Châu.
Hỏi: “Muốn vào đạo, theo cửa nào vào?”
Tổ đáp: “Theo cửa Tin mà vào”
Lại thấy bức tranh vẽ hai Thiền gia đang luận đạo, tướng quốc hỏi Tổ: “Họ đang làm gì thế?”
Tổ cầm trượng gõ vào vách. Đáp: “Trong ba thân, thân nào chẳng nói pháp?”
* Một đệ tử hỏi Thiền sư: “Thế nào là Phật tâm?”
Thiền sư dựng đứng cây phất trần, không đáp.
4. Sắc chẳng khác Không. Phương pháp tu hành nhiếp mọi tướng về nguồn tánh. Khi thấy sắc, quán sắc là Không. Khi thức khởi, nhiếp thức trở về tâm Không. Từ tướng về Tánh, từ ngọn về gốc, đó là pháp tu từ Quán đến Chỉ. Khi mọi tướng đều về nguồn Không, vọng tưởng không khởi là Chỉ. Kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác, luận Đại Thừa Khởi Tín đều nói Chỉ là một trong ba pháp tu.
Ngài Thiên Thai Trí Giả gọi là pháp quán Không “theo giả nhập Không quán”, một trong ba pháp quán Không, Giả, Trung
Pháp quán Không này phải được hành trong tất cả mọi thời đi đứng, nằm ngồi. Thấy sắc đâu là Không đấy. Tưởng khởi, liền biết là Không, tâm liền vô niệm, nghĩa là tướng trở lại cội nguồn thật tướng của nó là Tánh Không.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS