Không chẳng khác sắc

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Không chẳng khác sắc

1. Khi đã thấu hiểu bản thể, bản thể làm sao khác với cái nó sinh ra. Khi biết toàn thể của cây làm sao có thể nói lá này không phải cây? Khi biết được tánh nước ai có thể nói riêng dòng suối này hay đám mây này không phải là nước? Ai có thể bảo rằng vũ trụ này ở ngoài khoản không gian, huống hồ Chân Không Như Lai Tạng là cái sinh ra không gian ấy, làm sao những thế giới lại ở ngoài và không sinh ra bởi Như Lai Tạng được.

2. Tánh Không là thật tánh của mọi pháp, nên tánh Không chẳng khác với bất cứ pháp nào. Biển cả là thật tánh của mọi làn sóng, sóng không phải hai, không phải khác với biển cả. Trong tấm gương, gương không khác bóng. Bóng phải nằm trong gương, vì gương hiện bóng chứ bóng không hiện thành gương được. Không chẳng khác sắc, Tánh Không thì tịch diệt và rỗng lặng, sáng soi nên sắc tướng cũng tịch diệt, rỗng lặng, sáng soi. Trong Tánh Không hằng sáng rỡ, thấu suốt, thanh tịnh, toàn thể sắc tướng đều là Tánh Không, tròn đầy sáng rỡ, làm sao nói Không khác sắc? Không chẳng khác với toàn thể sắc tướng, mà Không cũng chẳng khác với mỗi một sắc tướng, nên mỗi một sắc tướng cũng là Không.

Tại sao Không không khác sắc mà lại có sắc? Sắc có là như huyễn vì thức biến hiện vậy.

3. Có người hỏi một Thiền sư: “Tại sao Không chẳng khác sắc?”
Đáp: “Vì vô ngại vậy.”

* Một Thiền gia hỏi Tổ Triệu Châu: “Thế nào là Triệu Châu?”
Tổ đáp: “Cửa đông, cửa tây, cửa nam, cửa bắc.”

* Tổ Lâm Tế giảng: “Kẻ đạo nhân không chỗ nương có (vô vị chân nhân) vào lửa, lửa không cháy, vào nước, nước không chìm, suốt thông bốn đại, xuyên qua núi sông, trời đất, tột thấu từ địa ngục đến Niết-bàn”
Một người tiến lên hỏi: ”thế nào là vô vị chân nhân ấy?”
Tổ liền hét.

4. Từ chỗ vọng tưởng ngưng dứt, đó là Không. Không là thể của pháp Chỉ. Từ Không, khởi ra pháp quán về mọi sắc tướng. Đã là không thì làm sao hiện sắc? Như thế, sắc ấy là giả tướng, như huyễn. Đó là Chỉ đi đến Quán. Pháp quán Huyễn này là một trong ba pháp tạo nên đạo Phật Đại Thừa.

Ngài Thiên Thai Trí Giả gọi là pháp quán Giả, “theo Không nhập Giả quán”. Quán Giả là thấy tất cả mọi hình tướng đều giả danh, như huyễn vì do thức mà có. Đã là Không, làm sao có thật sắc?

Kinh Viên Giác nói: “Pháp quán này như hạt mầm giống, lần lần tăng trưởng, đến khi cái giả đã hết thì Chân Tánh hoàn toàn hiện.

SHARE:

Để lại một bình luận