LỜI KẾT

SHARE:


THỰC TẠI THIỀN, Những Bước Chân Trong Rừng Thiền Việt Nam
Đương Đạo, Thiện Tri Thức

1. TRANG ĐẦU
2. TÂM ẤN CHƯ PHẬT
3. TÂM ẤN: Thực Tại Thanh Tịnh Bản Nhiên
4. GIẢI THOÁT SANH TỬ
5. THỰC TẠI TRƯỚC MẮT
6. HIỆN TẠI VĨNH CỬU
7. CÁI CHÍNH MÌNH: Bốn Mắt Nhìn Nhau
8. HÀNH ĐỘNG: Từ Tự Do Đến Tự Do
9. NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG
10. CON ĐƯỜNG CỦA SỰ RÕ TÂM
11. TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI
12. LỜI KẾT
13. NHỮNG SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN CỦA THIỆN TRI THỨC

Lời Kết

Qua sự tiếp cận phác lược và không hệ thống ở trên, chúng ta có thể thấy Thiền tông Việt Nam là một kho tàng văn hóa của đất nước ta. Nếu không có Thiền tông, chúng ta cũng đã không có một hệ thống triết học về những vấn đề căn bản của đời sống : sống để làm gì ? hạnh phúc là gì và sống thế nào để có hạnh phúc ? khổ đau và bất toàn đến từ đâu ? thực tại tối hậu là gì và nó đáp ứng được gì cho chúng ta ? v.v…

 

Chúng ta có thể thấy rằng nếu không có Thiền tông chắc là kho tàng văn hóa Việt Nam đã bị thiếu sót khá nhiều và đã không có một sức sống như vậy. Và không có kho tàng văn hóa đó, chưa chắc lịch sử Việt Nam đã có những thời đại rực rỡ trong quá khứ và cũng chưa chắc đất nước Việt Nam đã tồn tại như một quốc gia.

 

Nhưng tiềm ẩn dưới bề sâu của nền văn hóa đó, còn quan trọng hơn là kho tàng tâm linh mà Phật giáo Thiền để lại. Thế mà điều quan trọng nhất là, đối với Phật giáo Thiền, kho tàng tâm linh ấy không phải là chuyện của cổ nhân, chuyện của lịch sử, mà kho tàng tâm linh ấy vẫn đang hiện diện trước mắt chúng ta, là kho tàng tâm linh của chính mỗi người chúng ta, bởi vì “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Và sự hiện diện của Thiền là để khai thị ngộ nhập cho mỗi người vào kho tàng tâm linh mà ai cũng có sẵn ấy.

 

Thực tại đó là điều quan trọng nhất với mỗi chúng ta trong thời đại này. Nói theo kinh điển, nó là “viên ngọc như ý” thỏa mãn mọi ước vọng, là “thuốc trị bá bịnh” chữa lành tất cả mọi vấn nạn khổ đau của chúng ta, con người và thế giới.

 

Thực tại ấy không hề thay đổi biến động hao hụt từ xưa đến nay, ‘Pháp vốn như vậy’ : “Chư Phật truyền nhau chính là pháp căn này, các Tổ truyền nhau là Tâm tông ấy… Pháp ấn truyền giữ qua các thời đại cũng lấy cái ấy để phát giác sơ tâm. Chỉ theo căn cơ sâu cạn mà chứng có mau chậm đó thôi. Lại cần biết pháp này tùy chỗ đặt tên, có vô lượng sai khác, đều vẫn là pháp ấy mà tên chẳng đồng. Các danh hiệu chư Phật và đầu đề các kinh cũng là tên khác của tâm pháp này thôi”. Nó không thể khác, bởi vì nếu khác hay biến đổi thì còn gì Phật giáo nữa. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, về mặt khế lý (khế hợp với chân lý, lý ở đây là thực tại ấy) hoàn toàn không có sự khác biệt nào giữa chư Phật, chư Tổ và với cả chúng ta, nghĩa là vẫn một thực tại ấy, xưa vẫn vậy, nay vẫn vậy, dù sự chứng ngộ có sâu cạn khác nhau. Về mặt khế cơ, khế hợp với căn cơ, thì hẳn có sai khác. Chúng ta hẳn biết thân thể chúng ta ngày nay đã quen với nhiều tiện nghi nên khó có thể ngày thì đi bộ tối ngủ dưới gốc cây như các đệ tử của đức Phật ngày xưa. Cơ thể chúng ta ngày nay đã khác, tốt hơn hay xấu hơn chúng ta không bàn đến. Nội dung tâm thức chúng ta cũng có những cái khác, chúng ta có những ý niệm khác, lối tư duy khác, sinh hoạt đời sống cũng khác… Nhưng dù tâm thức có những nội dung khác, căn bản nó vẫn là tâm thức con người với những nhiễm ô che chướng và hai khả năng căn bản, trí tưởng tượng và sự tập trung tâm thức, hai khả năng để có thể thực hành thiền định và thiền quán và song tu cả hai thiền định và thiền quán cùng một lúc tức là Thiền. Và điều quan trọng nhất là dù có khác biệt gì về thân tâm, chúng ta cũng vẫn như người xưa, đang sống trong thực tại đó.

 

Chúng ta cũng như người xưa, có mắt tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó là sáu cửa để vào cội nguồn bản tánh của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chúng ta không bắt đầu con đường từ một cái nào khác ngoài sáu cửa đó. Nhưng chúng ta đã có thêm những nội dung mới nơi sáu căn ấy, bởi thế có thêm những phương tiện – đồng thời là những chướng ngại – để khai thác mở thông con đường về bản tánh của các căn. Sự khai thác những nội dung mới, những sự kiện mới, những chướng ngại mới này là nghiệp riêng của thời đại chúng ta. Nói như người xưa, “con người đã té trên mặt đất, nó phải nhờ mặt đất để đứng dậy”. Cũng vẫn là mặt đất của ngày xưa, nhưng đất bây giờ có thêm những điều kiện khác. Chính những điều kiện khác này là những thách thức mới, những trở ngại mới mà chúng ta phải đáp ứng. Âu đó cũng là những vấn nạn và những vinh quang (hay nói theo thuật ngữ Phật giáo : những công đức) cho con người của từng thời đại. Và như lịch sử đã chứng tỏ, mỗi thời đại đều có những vấn nạn riêng của nó, có khi rất gắt gao và quyết liệt, và con người của thời đại đó phải đáp ứng, phải giải quyết nếu nó muốn sống còn. Khế cơ và khế thời như vậy luôn luôn là những bài toán cho mỗi thế hệ chúng ta.

 

Mặt khác, trong thời đại mà Phật giáo cũng “toàn cầu hóa”, nghĩa là một Phật tử bình thường như chúng ta đều có thể tiếp xúc với hầu như tất cả mọi truyền thống Phật giáo trên thế giới. Sự tiếp xúc này chắc chắn sẽ bổ sung, mở rộng và tăng thêm sức mạnh cho từng truyền thống, nghĩa là cho những con đường đi đến thực tại tối hậu. Đây là một vấn đề cho truyền thống Thiền, thu hóa và hội nhập những tinh hoa của những truyền thống khác mà không mất chính bản sắc của mình, để đáp ứng được cho lợi lạc của tất cả mọi người.

 

Hai điều trên đây là những vấn đề hầu như là chung cho bất cứ người Phật tử nào ở bất cứ thời đại nào. Và chúng ta có thể tin vì đã thấy rằng trong bất cứ thời đại nào, đạo Phật cũng vượt qua và thu hóa những khó khăn, thậm chí những chướng ngại để làm nên sức mạnh của chính mình. Chúng ta đã thấy và đang thấy sự hiện hữu sống động và đầy năng lực của đạo Phật ở đời là nguồn lợi lạc bao la cho con người.

 

Núi sông đất nước cảnh vật chùa chiền…, những dấu tích của dòng sống tâm linh vẫn còn đó. Thế nên, để kết luận, chúng ta không biết làm gì hơn là cầu nguyện cho nguồn năng lực ấy biểu lộ mạnh mẽ với thời đại chúng ta, để cứu vớt khỏi khổ đau, ban cho con người sức mạnh và ý nghĩa sống và giúp cho con người thành tựu được định mệnh cao cả là trở nên toàn thiện và toàn diện.

 

Chú Thích

1 Nguyên văn câu này : ‘Diệc dĩ như thị’. ‘Dĩ’ ở đây dịch là y, nương, nương vào. Chữ ‘dĩ’ này có thể hiểu là do, lấy, dùng lấy…

2 ‘Trước ba ba sau ba ba’ nằm trong câu chuyện :
Xưa Sư Vô Trước Văn Hỷ đến động Kim Cương ở núi Ngũ Đài chiêm bái đức Văn Thù, gặp một ông già đang dắt trâu đi và mời Sư vào chùa. Sau khi mời ngồi, ông già hỏi “Ông từ đâu tới ?” Sư Văn Hỷ đáp : “Phương Nam.” Ông hỏi : “Phật pháp ở phương Nam trụ trì thế nào ?” Sư đáp : “Đời mạt pháp các Tỳ kheo ít phụng trì giới luật.” Ông hỏi : “Chúng nhiều ít ?” Sư đáp : “Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm.” Sư Văn Hỷ hỏi lại : “Phật pháp ở đây trụ trì thế nào ?” Ông già trả lời : “Rồng rắn lẫn lộn, phàm thánh ở chung.” Sư hỏi : “Chúng nhiều ít ?” Ông già đáp : “Trước ba ba sau ba ba.”
Khi cáo từ ra về, Sư hỏi đồng tử ở với ông già : “Trước ba ba sau ba ba là nhiều ít ?” Đồng tử gọi lớn : “Đại đức !” Sư ứng tiếng : “Dạ !” Đồng tử nói : “Đó là nhiều ít ?”
Sư Văn Hỷ lại hỏi : “Đây là chỗ nào ?” Đồng tử đáp : “Đây là động Kim Cương, chùa Bát Nhã.” Sư mới biết rằng ông già tức là ngài Văn Thù vậy.

3 Đây có lẽ lấy từ câu nói của một số vị Thiền sư thường đáp khi có người hỏi : “Đạo là gì ?” Trả lời : “Bắc đẩu phía Nam xem !”

4 Nếu chúng ta chú ý thêm, thì hai chữ “xa” trong chỉ một câu thơ bảy chữ này nói đến một cảm thức “xa xôi”, “xa vắng” rất thường thấy trong tu hành Phật giáo : xa lìa (viễn ly), đi ngoài xa (Viễn hành địa)…

SHARE:

Để lại một bình luận