SAU THIỀN ĐỊNH

SHARE:


Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ- Dilgo KHYENTSE
Việt dịch: An Phong và Đương Đạo – Thiện Tri Thức, 2000

1. LỜI MỞ ĐẦU CỦA DALAI LAMA
2. LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
3. LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
4. DẪN NHẬP
5. NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
6. KÍNH LỄ
7. ĐỘNG LỰC CỦA TÁC GIẢ TRONG VIỆC BIÊN SOẠN BẢN VĂN NÀY
8. PHẦN MỘT – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM THỜI ĐẠI SUY THOÁI CỦA CHÚNG TA
9. PHẦN HAI: Con đường của những kinh điển
10. QUY Y
11. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
12. TỊNH HÓA
13. CÚNG DƯỜNG
14. GURU YOGA
15. PHẦN HAI: Con đường của những tantra
16. QUÁN ĐẢNH
17. TRI GIÁC THANH TỊNH
18. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
19. THÂN KIM CƯƠNG
20. NGỮ KIM CƯƠNG
21. TÂM KIM CƯƠNG
22. SAU THIỀN ĐỊNH
23. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
24. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
25. SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
26. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN
27. NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)
28. NĂM UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
29. BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
30. KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
31. PHẦN BA QUYẾT TÂM GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
32. BUÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SANH TỬ (Những hành động, Nói năng, Đi đây đó, Ăn , Suy nghĩ , Những sở hữu, Ngủ )
33. NHU CẦU KHẨN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH LÀM CHỦ TÂM THỨC
34. NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
35. CHÚ THÍCH
36. VỀ Patrul Rinpoche (1808-1887)
37. VỀ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)

Sau thiền định

Để kinh nghiệm đầy đủ ý nghĩa sâu xa của Kim Cương thừa, điều quan trọng là duy trì sự thực hành trong mọi lúc, không chỉ trong những thời thiền định cụ thể. Thực hành cho những thời thiền định và thực hành cho những thời kỳ giữa những thời thiền định phải được xem là không tách biệt nhau. Mục đích của bản thân thực hành thiền định, như chúng ta đã thấy, là có được sự vững chắc trong cái tri giác tất cả hình tướng như là hình thể của hóa thần bổn tôn, tất cả âm thanh là thần chú của ngài, và tất cả tư tưởng tức là Pháp thân, như thế nhận biết bản tánh tuyệt đối của tâm thức, trống không và sáng rỡ. Bây giờ, trong những thời kỳ giữa các thời thiền định, bất cứ các bạn làm điều gì các bạn phải hộ trì, giữ gìn cái nhận biết này mà không rơi trở lại vào những thói quen bình thường cũ, đến mức các bạn có thể khai triển sự thấu hiểu đã có được trong khi thiền định. Trong cách này, tất cả mọi hoạt động của các bạn sẽ nối kết, tương ưng với cái thấy, thiền định và hành động của Kim Cương thừa.

34. Hãy cúng torma của bất cứ cái gì khởi lên cho những vị khách của sự vốn-tự-giải-thoát ; Hãy nặn đất sét của bất cứ cái gì xuất hiện thành tsa-tsa của hình tướng chân không ; Hãy cúng sự lễ lạy của bất nhị đến Bậc của Bản Tánh Tâm. Hoàn thành những Pháp sự này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Giữa những thời thiền định, hãy bảo đảm rằng bất cứ việc gì bạn làm cũng đều hài hòa với Pháp. Điều này sẽ giúp làm sâu thêm cái hiểu của bạn về cái thấy. Nếu, khi các bạn vừa chấm dứt thiền định và bắt đầu một việc khác, các bạn lại để cho những tư tưởng của mình sinh sôi cho đến khi các bạn hoàn toàn bị tách lìa xa do vọng tưởng, sự thiền định của các bạn sẽ không tiến bộ và các bạn sẽ thấy mình thường xuyên chiến đấu với đủ mọi loại chướng ngại – hôn trầm nặng nề hay phóng dật điên cuồng, chẳng hạn. Thế nên bất cứ khi nào rỗi rãnh, hãy lễ lạy, đi nhiễu quanh các chốn thiêng liêng, cúng dường torma, hay nặn tsa-tsa ; tóm tắt, chỉ làm cái gì thực sự có ý nghĩa.

Những nghi lễ cúng dường torma(54) được dâng cúng đến bốn loại người nhận, thường được biết như những “vị khách” : những người đáng tôn kính, Tam Bảo và những hộ pháp ; và những người cần đến lòng bi của các bạn, tất cả chúng sanh và những ma quỷ mà các bạn mắc nợ nghiệp với họ. Dâng cúng những torma một cách thích đáng, ban phước cho chúng với dharani và thần chú, sẽ đem lại lợi lạc không cùng. Cũng có những giáo huấn về dâng cúng những torma bằng nước. Một torma dâng cúng cho Tam Bảo sẽ hoàn thành hai sự tích tập ; dâng cúng cho các hộ pháp làm họ hài lòng và khiến họ hành động ; dâng cúng cho tất cả chúng sanh sẽ làm nhẹ những khổ đau đủ loại của họ và làm giảm đói khát của những ma quỷ ; và dâng cúng cho những chủ nợ nghiệp của chúng ta sẽ trả những món nợ chúng ta đã mắc trong tất cả những đời quá khứ, giải thoát chúng ta khỏi bệnh tật, ảnh hưởng xấu ác, và những ngăn chướng đủ loại.

Một tsa-tsa là một tháp (stupa)(55) nhỏ thường được nặn từ đất sét, nó tượng trưng cho phương diện tuyệt đối của tâm một đức Phật, Pháp thân. Pandita Atisha vĩ đại thường làm ba tsa-tsa mỗi ngày bằng chính đôi tay mình, và ngài xem đó là một hoạt động rất lợi lạc. Nếu các bạn không có thì giờ để làm những tsa-tsa bằng đất sét, có những giáo huấn về cách làm chúng bằng cách dùng bốn đại đất, nước, lửa và không khí. Cúng dường những tsa-tsa là một cách khác để hoàn thành hai sự tích tập.

Nếu các bạn không thể làm những cúng dường bằng vật chất, các bạn luôn luôn có thể dâng cúng bằng tâm tưởng mọi vẻ đẹp của vũ trụ, mặt trời mặt trăng, hoa, hương, tiếng chim hót ; và thay vì dâng cúng một torma vật chất, khi thấu hiểu tâm tức là Quán Thế Âm, hãy quán tưởng thân các bạn như là cam lồ trí huệ thanh tịnh và dâng cúng nó cho bốn loại khách đã nói ở trên.

Hoặc nếu Quán Thế Âm là hóa thần bổn tôn mà các bạn dâng cúng, chủ đề của sự thiền định của các bạn, hay tiêu điểm cho những sự lễ lạy và sùng mộ của các bạn, lợi lạc vô cùng sẽ sanh ra từ đó. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, tất cả hiện tượng là những phóng chiếu của tâm ; người dâng cúng, hóa thần bổn tôn được dâng cúng và bản thân những dâng cúng không cách nào hiện hữu như những thực thể cụ thể. Thế nên khi một đại Bồ tát thực hành rộng lượng và những ba la mật khác, ngài biết rằng tất cả những hoạt động này không thực hơn một ảo ảnh huyễn thuật hay một giấc mộng. Ngài làm những dâng cúng bao la và tích tập vô biên công đức, nhưng trong tất cả thời gian ngài hoàn toàn thoát khỏi luyến chấp, kiêu căng và kẻ cả.

35. Hãy đánh bại kẻ thù của con, sự thù ghét, với vũ khí của từ ; Hãy bảo vệ gia đình của con, chúng sanh trong sáu cõi, với phương tiện thiện xảo của bi ;Hãy gặt hái từ cánh đồng sùng mộ vụ mùa của kinh nghiệm và chứng ngộ. Hoàn thành công việc của đời con, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Theo những giá trị bình thường, đánh bại những kẻ thù của các bạn, bảo vệ gia đình các bạn và thêm giàu có, thịnh vượng là cái tạo thành một cuộc đời thỏa mãn và suông sẻ. Nhưng là những Phật tử, chúng ta cần cố gắng đánh bại sự hiếu chiến của chính chúng ta hơn là những kẻ thù của chúng ta, chăm sóc sự nhẫn nhục của chính chúng ta hơn là gia đình của chúng ta, và đầu tư nhiều cho lòng bi và lòng từ hơn là sự thịnh vượng vật chất.

Có nói rằng không có xấu ác nào hơn thù ghét và không có đức hạnh nào hơn nhẫn nhục. Trong khi chỉ một khoảnh khắc sân giận sẽ hủy hoại vô số kiếp của công đức và dẫn đến khổ đau đăng đẳng trong những địa ngục, thì nhẫn nhục đối với những người làm hại các bạn và mong muốn thật lòng đưa lại cho họ hạnh phúc sẽ đưa các bạn đi nhanh chóng trên con đường của tất cả chư Phật.

Không có đường lối tốt đẹp nào để đối xử với những kẻ thù hơn là cảm thấy tình thương bao la cho họ, nhận chân rằng trong những đời trước họ đã từng là cha mẹ các bạn. Không có cách thức tốt đẹp nào để nuôi dưỡng gia đình các bạn và chăm sóc cho những người khác hơn là thực hành Pháp và hồi hướng cho tất cả chúng sanh công đức các bạn có được từ đó. Không có mùa gặt tốt đẹp hay dồi dào nào hơn vụ mùa các bạn gieo trong đất của niềm tin và tinh tấn để nó chín thành sự giàu có của công đức và trí huệ.

“Cái xấu ác chỉ bị hàng phục bởi lòng bi,” có câu nói như thế. Thế nên, đối mặt với mọi khó khăn của thế giới này, hãy trì tụng manÏi, cầu nguyện rằng tất cả những chúng sanh người và chẳng-phải-người bị chìm ngập bởi thù ghét, chỉ muốn làm hại, giết chóc và hủy diệt, đều được lòng bi chạm đến và làm nảy sinh tư tưởng cao cả giác ngộ.

Năng lực của tình thường chinh phục sự hiếu chiến được đức Phật biểu lộ trong lần gặp gỡ với Ma vương. Trong đêm trước khi giác ngộ, đức Phật ngồi trên tòa Kim Cương dưới một cội cây bồ đề ở Ấn Độ, những đoàn binh ma quỷ của Ma vương bao quanh ngài như một đám mây đen khổng lồ. Điên cưồng bởi ác tâm và ghen ghét, chúng gào lên những mắng chửi và phóng ra những vũ khí, nhưng đức Phật vẫn thanh thản và tràn đầy với lòng từ đến độ những chửi rủa của chúng biến thành những âm điệu du dương và những vũ khí độc hại phóng đến biến thành một cơn mưa hoa. Với vũ khí của lòng từ, các bạn sẽ luôn luôn có thể chiến thắng ác tâm, và việc đối diện với sự thù ghét và gây hấn chỉ làm tăng thêm Bồ đề tâm của các bạn.

Tốt lòng có nghĩa là thường trực nghĩ đến việc kỳ diệu biết bao nếu người ta được thoát khỏi khổ đau và hưởng thụ được hạnh phúc. Nó cũng có nghĩa là hiến dâng cả lời nói và hành động để nỗ lực làm cho đều ấy thực sự xảy ra. Một lần, khi đức Atisha vinh quang đang đau đớn vì một bàn tay của ngài, ngài đặt nó vào lòng Dromtošnpa và nói, “Hãy ban phước cho bàn tay tôi – ông rất tốt lòng, và điều đó tự thân nó đã đủ để làm hết cơn đau.”

Có vô số chúng sanh đang lang thang trong sanh tử, hoàn toàn lạc lõng và hết sức cần đến sự giúp đỡ của các bạn. Bởi vì tất cả họ đã từng là cha mẹ từ ái của các bạn một thời này hay thời khác trong quá khứ, các bạn phải giúp đỡ họ. Nhưng làm thế nào ? Dù nếu các bạn có thể cung cấp cho tất cả họ tiền bạc và tiện nghi, điều ấy chỉ đem đến cho họ một sự trì hỗn bất toàn và ngắn ngủi đối với khổ đau của họ. Hãy suy nghĩ sâu xa ; trong tất cả những cách thức có thể được để giúp đỡ họ, không có sự trao cho nào lợi lạc hơn sự trao cho Pháp, bởi vì đó là một cái gì không chỉ giúp đỡ họ trong đời này mà còn giải cứu họ khỏi những tái sanh tương lai trong những cõi thấp và cuối cùng đưa họ đến giác ngộ.

Con số chúng sanh các bạn bao gồm trong những ý định tốt của các bạn càng nhiều, công đức càng lớn. Nếu, trong bất cứ chuyện gì các bạn làm, các bạn mong mỏi hoàn thành sự lợi lạc trong hiện tại và an vui tối hậu của tất cả chúng sanh, theo gương Quán Thế Âm, bấy giờ điều này có thể thực sự được gọi là “hoàn thành công việc của đời các bạn.”

36. Hãy thiêu cái xác cũ kỹ này của sự bám chấp cho là thật vào những sự vật trong ngọn lửa của không bám vướng ; Hãy cử hành những lễ thất của cuộc đời bình thường bằng cách thực hành tinh túy của Pháp ; Như khói hương cúng cho người đã khuất, hãy hồi hướng công đức tích tập được của con cho tất cả đời kiếp tương lai của họ. Hoàn thành mọi hoạt động tốt cho người quá cố, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Ở Tây Tạng, khi có người nào chết, lệ thường là hỏa thiêu thân xác và cử hành những buổi lễ mỗi tuần trong bảy tuần, cúng cho người mới chết. Tuy nhiên, là một hành giả, điều lợi lạc nhất các bạn có thể làm khi có ai đó chết là thiền định về nghĩa tinh yếu của Pháp và hồi hướng công đức cho người quá cố.

Ý nghĩa tinh yếu này, tâm yếu của Pháp, là sự vô tự tánh trong mọi sự. Cây sanh tử bắt rễ trong niềm tin rằng có một cái ngã, trong sự bám níu vào những sự vật như chúng là thật, trong chấp ngã ; một khi sự bám chấp này bị thiêu hủy bởi ngọn lửa trí huệ, toàn thể cây và tất cả nhánh mê lầm của nó, um tùm với tán lá của thương và ghét, phải cháy tiêu.

Không có cái hiểu này, thực hiện những nghi lễ chỉ vì tiền bạc hay phô trương sẽ chỉ làm trì hỗn sự thực hành của các bạn và cuối cùng có thể trở thành một chướng ngại trầm trọng. Thấu hiểu rằng thịnh vượng và quyền thế rốt ráo là những mục tiêu trống rỗng, hãy giữ một đường lối sống không khuyết điểm, hoàn toàn hiến mình cho sự thực hành. Hãy không bám chấp cuộc đời này hơn là bám níu một xác chết. Cuộc đời thì mong manh, một bong bóng nước có thể bể tan bất cứ lúc nào – không làm sao để biết chắc điều gì sẽ đến trước tiên, buổi sáng ngày mai hay cái chết. Thật vậy, mỗi lần các bạn thở ra, không bảo đảm tí nào các bạn sẽ thở vào trở lại.

Cũng như những buỗi lễ cho người chết được tuân thủ đều đặn mỗi tuần trong suốt thời kỳ tang, có hai thực hành cần tuân thủ đều đặn mỗi sáng và mỗi chiều của cuộc đời các bạn. Mỗi sáng, hãy phát sanh Bồ đề tâm và cầu nguyện rằng suốt ngày các bạn sẽ không bao giờ quên nghĩ đến sự lợi lạc của những người khác. Mỗi chiều tối, hãy nhớ lại tất cả những gì các bạn đã nghĩ và đã làm trong ngày và xác định chúng được điều động bao nhiêu bởi lòng bi và bao nhiêu bởi tính chấp ngã ; quan trọng là phải nhìn vào thái độ và ý định vi tế nhất trước khi quyết định điều bạn nên hay không nên làm. Chớ bao giờ nghĩ rằng chuyện nhỏ nào đó là vô nghĩa bởi vì nó quá nhỏ nhặt, vì một hành động xấu nhỏ nhất có thể bắt đầu cho một chuỗi hậu quả tai hại, cũng như một tia lửa cỏn con có thể thiêu rụi cả một rừng cây. Ngược lại, cũng như nước nhỏ giọt làm đầy nhanh chóng một cái lu lớn, khi một hành động tốt dù nhỏ được thêm vào cho nhiều cái khác thì hậu quả tích tập được sớm trở thành đáng kể. Rõ biết những sơ sót của các bạn theo cách này, và hối tiếc chúng một cách chân thành, từ nay trở đi hãy quyết định trừ khử những tư tưởng và hành động quy ngã ; và đồng thời hồi hướng công đức của những hành động tốt của các bạn cho tất cả chúng sanh, quyết tâm phát triển càng lúc càng nhiều lòng bi. Qua tiến trình này của sự tỉnh giác thường trực và đánh giá phê phán những hành động của các bạn, chúng sẽ dần dần trở nên càng ngày càng tốt, càng tích cực.

Một hiền triết vĩ đại thời trước, ngài Drakhen thông tuệ, cảm thấy quyết tâm giải thoát mình khỏi khuyết điểm, đã tập cho mình thói quen đặt một hạt đậu đen một bên cho mỗi tư tưởng xấu đã có trong ngày và một hạt trắng cho mỗi tư tưởng tốt một bên. Cuối ngày, ngài đếm lại có bao nhiêu hạt đen và bao nhiêu hạt trắng đã gom được. Ban đầu, những hạt đậu đều đen ; nhưng sau một thời gian, qua sự cẩn trọng thường trực, ngài bắt đầu chấm dứt mỗi ngày với hai đống hạt trắng và đen ngang nhau. Cuối cùng, khi ngài đã tu hành triệt để tâm thức, chỉ còn có hạt trắng. Giống như ngài, các bạn cần kiên trì cho đến lúc không có một hành động nào là trái ngược với những giáo lý. Chớ bao giờ quên rằng tịnh hóa chính các bạn theo lối này là quan trọng để giữ gìn ý định giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Nếu chúng ta kiên trì đủ lâu, chúng ta có thể học làm bất cứ điều gì. Một lần một người giàu có đến yết kiến đức Phật, khổ sở vì tính keo kiệt không thể cho đi cả một vật gì nhỏ nhất. Để làm ông ta quen với sự rộng lượng, Phật dạy ông ta xem bàn tay phải như chính mình còn bàn tay trái như người nào khác, và nghĩ rằng ông ta đang cho những tặng vật khi chuyển những vật nhỏ từ tay phải sang tay trái. Khi người keo kiệt ấy đã dần dần quen với ý nghĩ bố thí theo cách này, đức Phật nói với ông cho những món quà nhỏ, như trái cây, hạt… với vợ và con mình. Rồi Phật nói với ông làm việc từ thiện, bắt đầu cho những người nghèo nhất ở lân cận và rồi đến những người khác xa hơn. Cuối cùng, ông ta trở nên có thể cho đi tất cả của cải, áo quần, lương thực cho những người nghèo của toàn vùng, và đến lúc này Phật nói với ông rằng ông đã thành tựu sự rộng lượng chân thật.

Cách huấn luyện như vậy có thể được áp dụng để phát triển hay tiêu trừ mọi loại ý nghĩ tốt hay xấu. Chẳng hạn sùng mộ có thể được trau dồi theo cách ấy cho đến khi, tâm thức các bạn chỉ tràn đầy ý nghĩ về thầy các bạn, các bạn tự nhiên cảm thấy rằng bất kỳ điều gì xảy ra đều hoàn toàn do tay ngài. Ngay cả chỉ nhớ đến sự hiện diện của ngài – giọng nói, những cử chỉ – các bạn cũng đã chảy nước mắt. Khi sự sùng mộ chân thật này khởi lên, hãy nhìn vào nó và nhận ra bản tánh bổn nhiên của tâm thức, không có hình thể và tính chất nào.

37. Hãy đặt đứa con của con, sự sùng mộ, ở cánh cổng của sự thực hành của con ; Hãy đưa con trai của con, sự buông bỏ, lên làm chủ gia đình của cuộc sống bình thường ; Hãy gả con gái của con, lòng bi, cho chú rể của ba cõi. Hoàn thành bổn phận của con với đời sống, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Người bình thường cố gắng nuôi nấng con cái của họ ở mức tốt nhất họ có thể. Họ tìm những cuộc cưới gả tốt đẹp cho chúng, chuyển giao sự thịnh vượng và tài sản gia đình họ cho chúng, và chỉ bày cho chúng làm sao chăm nom thân thuộc bạn bè của chúng và đánh bại những đối thủ của chúng, như tổ tiên chúng đã làm qua những thế hệ. Nhưng sự thành công mà cha mẹ luôn luôn muốn cho con cái chỉ là tạm thời và cuối cùng tỏ ra tai hại. Là một người thực hành Pháp, điều các bạn tốt hơn nên mong muốn là đứa con của lòng sùng mộ không gì lay chuyển được sanh ra trong lòng các bạn và quản lý thành công gia đình của sự thực hành của các bạn.

Nỗi sợ quê hương của họ bị cằn cỗi và dòng dõi gia đình của họ bị dừng tắt khiến nhiều người có con và gả cưới chúng càng sớm càng tốt. Là một người thực hành Pháp, chính vì sợ rằng sự thực hành của các bạn sẽ chết mất và cuộc đời các bạn sẽ hoang phí khiến các bạn sanh ra đứa con của sự buông bỏ trong tâm thức, đến độ nó có thể đảm đương quyền hành ông chủ gia đình của đời sống bình thường. Buông bỏ được sanh ra khi các bạn biết rằng rốt ráo không có sự thỏa mãn nào trong đời sống sanh tử. Bởi vì những niềm vui bình thường chỉ là những giấc mộng ngắn ngủi, không có lý do gì để mong mỏi thành công hay lo sợ thất bại. Nếu các bạn có thành giàu có, không có lý do gì để cảm thấy tham đắm hay kiêu căng ; đơn giản hãy sử dụng sự thịnh vượng của các bạn một cách tích cực và có ý nghĩa. Bất cứ quyền hành nào các bạn có, hãy dùng nó để phụng sự Tam Bảo và những vị thầy vĩ đại, và bất cứ đất đai nào các bạn sở hữu, hãy biến nó thành ích dụng cho Tăng ; tóm tắt, bất cứ cái gì bạn thu hoạch được, hãy dùng nó để bảo tồn Pháp và làm lợi lạc cho những người khác. Được sử dụng theo cách này, sự thịnh vượng và thế lực như mộng của các bạn sẽ đem lại cho các bạn càng ngày càng nhiều công đức như mộng hơn, cái này đến lượt nó sẽ đem các bạn càng ngày càng gần với ngưỡng cửa của giác ngộ như mộng.

Các bậc cha mẹ thường muốn những con gái của họ được lấy người nào gia đình tốt đẹp, giàu có và địa vị. Tương tự, từ lòng từ ái bao la cho chúng sanh, các bạn nên gả đứa con của những công đức tích tập được cho chú rể phúc lợi của những người khác một cách không ngần ngại. Nếu các bạn có thái độ quý báu của Bồ đề tâm, các bạn không thể làm gì khác ngoài việc sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa ; thế nên hãy làm mạnh mẽ mọi hoạt động của các bạn bằng lòng bi, tịnh hóa những nhiễm ô, hồi hướng công đức của các bạn cho tất cả chúng sanh và trì tụng thần chú sáu chữ.

SHARE:

Trả lời