BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC

SHARE:


Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ- Dilgo KHYENTSE
Việt dịch: An Phong và Đương Đạo – Thiện Tri Thức, 2000

1. LỜI MỞ ĐẦU CỦA DALAI LAMA
2. LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
3. LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
4. DẪN NHẬP
5. NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
6. KÍNH LỄ
7. ĐỘNG LỰC CỦA TÁC GIẢ TRONG VIỆC BIÊN SOẠN BẢN VĂN NÀY
8. PHẦN MỘT – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM THỜI ĐẠI SUY THOÁI CỦA CHÚNG TA
9. PHẦN HAI: Con đường của những kinh điển
10. QUY Y
11. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
12. TỊNH HÓA
13. CÚNG DƯỜNG
14. GURU YOGA
15. PHẦN HAI: Con đường của những tantra
16. QUÁN ĐẢNH
17. TRI GIÁC THANH TỊNH
18. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
19. THÂN KIM CƯƠNG
20. NGỮ KIM CƯƠNG
21. TÂM KIM CƯƠNG
22. SAU THIỀN ĐỊNH
23. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
24. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
25. SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
26. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN
27. NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)
28. NĂM UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
29. BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
30. KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
31. PHẦN BA QUYẾT TÂM GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
32. BUÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SANH TỬ (Những hành động, Nói năng, Đi đây đó, Ăn , Suy nghĩ , Những sở hữu, Ngủ )
33. NHU CẦU KHẨN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH LÀM CHỦ TÂM THỨC
34. NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
35. CHÚ THÍCH
36. VỀ Patrul Rinpoche (1808-1887)
37. VỀ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)

GIAI ĐOẠN THÀNH TỰU

Bản tánh của Tâm thức

38. Bất cứ cái gì xuất hiện đều là vọng tưởng và không có hiện hữu thật sự ; Sanh tử và niết bàn chỉ là những tư tưởng và không gì khác hơn.
Nếu con có thể giải thoát những tư tưởng ngay khi chúng vừa khởi lên, điều ấy bao gồm mọi giai đoạn của con đường ; Áp dụng yếu chỉ cho việc giải thoát những tư tưởng, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Bây giờ chúng ta đi đến những lời dạy về một trong những thực hành thuộc về Đại Toàn Thiện : sự thực hành của giai đoạn thành tựu, siêu việt khỏi mọi thứ ý niệm hóa bất kỳ nào.

Kinh Samadhiraja nói, “Chúng ta cần hiểu rằng, trong thật địa vô sanh, không có cái gì trong mọi thứ chúng ta tri giác – thân thể chúng ta, nhà cửa, xe cộ v.v… – có một hiện hữu thật sự nào.” Nếu các bạn khảo sát kỹ càng bất kỳ sự vật gì, các bạn sẽ không thể tìm ra một điểm nào nơi ấy nó được sanh ra, có một điểm nào nơi ấy nó tiếp tục hiện hữu, hay có một điểm nào nơi ấy nó ngừng hiện hữu. Đấy chỉ vì sự kiện liên kết thoáng chốc của một chuỗi những nhân và những duyên mà một hiện tượng riêng biệt khởi ra, giống như sự kết hợp của những tia sáng mặt trời và một cơn mưa rào mùa hè tạo thành một mống cầu vồng. Nếu các bạn có thể khai triển sự xác tín toàn triệt rằng toàn bộ trò phô diễn không ngừng của những hình tướng huyễn hóa là trống không trong bản chất, điều này tự nó là giai đoạn thành tựu tối hậu.

Chúng ta, những chúng sanh bình thường, đã bị thuyết phục rằng tất cả hiện tượng của cả sanh tử lẫn niết bàn trước tiên có sanh ra, rồi hiện hữu theo cách nào đó một thời gian, và cuối cùng thôi hiện hữu. Nhưng nếu chúng ta theo đuổi một nghiệm xét triệt để những sự vật, dùng lý luận của Trung Đạo, chúng ta không tìm thấy một phần tử nhỏ nhất nào của hiện hữu trong những hiện tượng ấy. Một khi chúng ta hiểu ra điều đó, thật dễ dàng buông bỏ sanh tử và thoát khỏi sự hấp dẫn của niết bàn, vì cả hai không gì khác hơn là những phóng tưởng của tâm thức nhị nguyên. Thấy bằng con mắt của một vị Phật, thì ngay cả sự tích tập công đức và thực hành sáu ba la mật đều không có bất kỳ thực thể nội tại nào, chúng vô tự tánh.

Dầu chúng ta có thích tin bao nhiêu rằng những sự vật là thường hằng, chúng cũng không là như vậy. Niềm vui hôm qua chuyển thành nỗi buồn hôm nay, nước mắt hôm nay trở thành nụ cười ngày mai. Vì những nhân và duyên khác nhau của chúng tác động, những thức tình, hành động tốt và xấu, sướng và khổ, tất cả có vẻ như thành hình. Tuy nhiên một người giác ngộ khi nhìn vào thế giới của ảo tưởng, nó có vẻ rất thật với chúng ta, người ấy thấy nó không có bản chất nào hơn một ảo ảnh hay một vương quốc chinh phục được trong giấc mộng đêm qua. Chính vì chúng ta tin quá mạnh mẽ vào sự hiện hữu có thực và hiển nhiên của thế giới vật chất mà chúng ta cảm thấy sự hấp dẫn và ghét bỏ với những sự vật. Không có sự mê tín này, tâm thức chúng ta sẽ không lệ thuộc vào mọi thứ vọng tưởng ấy và cũng không có cái gì là sanh tử nào cả.

Tâm thức bình thường thì thất thường như một con khỉ không chịu yên, phút chốc vui vẻ khi chúng ta vừa cho nó một miếng đồ ăn và thình lình nổi điên ngay khi chúng ta dơ cây gậy về phía nó. Mỗi khoảnh khắc, tâm thức chuyển vào một cái gì mới. Một giây phút chúng ta có thể nghĩ về guru với sự sùng mộ lớn lao, giây phút sau chúng ta khát khao một đối tượng gì ham thích. Những liên tục của tư tưởng và trạng thái tâm thức này thường hằng thay đổi, như những hình thể của những đám mây trong gió, nhưng chúng ta lại gán cho chúng một sự quan trọng lớn lao. Một người già xem những đứa trẻ đang chơi biết rất rõ rằng cái gì đang diễn tiến thì không quan trọng chút nào và không cảm thấy phấn chấn hay đảo lộn với những gì xảy ra trong trò chơi của chúng. Tuy nhiên, những đứa trẻ thì cho đó là rất nghiêm trọng. Giống như chúng, khi nào chúng ta trải nghiệm khổ đau, thay vì thấy nó như là kết quả như mộng của những hành động xấu trong quá khứ của chúng ta và biến nó thành một dịp may để đảm nhận sự khổ đau của những người khác trên chính chúng ta, chúng ta lại cảm thấy đảo lộn và chán chường. Chúng ta tự nhủ rằng, là một người đã từng thực hành nhiều như thế, chúng ta thực sự không đáng bị những khốn khổ như vậy, và chúng ta bắt đầu cảm thấy hoài nghi về những ân sủng của thầy chúng ta và Tam Bảo. Một thái độ như vậy chỉ làm tăng thêm những khó khăn cho chúng ta.

Tâm thức là cái tạo ra cả sanh tử lẫn niết bàn. Tuy nhiên không có gì cả trong ấy – nó chỉ là những tư tưởng. Một khi các bạn nhận ra những tư tưởng là trống không, tâm thức sẽ không có quyền lực làm huyễn hoặc các bạn được nữa. Nhưng chừng nào các bạn còn cho những tư tưởng hư vọng ấy là thật, chúng còn tiếp tục hành hạ các bạn một cách không thương xót, như chúng đã từng làm suốt vô số đời quá khứ. Để chiếm hữu được sự kiểm soát trên tâm thức, các bạn cần biết điều cần làm và điều cần tránh, và các bạn cũng cần rất cảnh giác và thận trọng, thường trực xem xét những tư tưởng, lời nói và hành động của các bạn.

Tâm thức ở trọ trong thân thể như một người du khách trong một căn nhà. Bất cứ điều gì thân thể gặp gỡ, chính là tâm thức thấy, nghe, ngửi, nếm, hay cảm giác nó. Một khi tâm thức ra đi, thân thể chỉ là một cái xác. Nó chẳng để ý cái trước mặt là đẹp hay xấu. Nó chẳng để ý nó được tán dương hay sỉ nhục. Nó không cảm thấy thích thú nào khi được bọc trong quần áo thêu thùa, không đớn đau nào khi bị đốt cháy. Tự nó, thân thể là một vật không khác gì với một cục đất hay đá. Và khi thân thể và tâm thức lìa nhau, lời nói, là một thứ gì giữa hai cái đó, cũng biến mất, như một tiếng vang tan biến. Đối với thân, ngữ và tâm thức, tâm thức mới là cái đáng kể, và chính cho tâm thức mà Pháp phải được áp dụng.

Khi các bạn nhận biết bản chất trống không của tâm thức, bám chấp rơi rụng và các bạn không còn bị những tư tưởng hư vọng của các bạn cho vào tròng. Khi một Bồ tát giúp đỡ những người khác, ngài không có ý niệm nào nhận trở lại một cái gì, hay được ca ngợi vì sự rộng lượng của ngài ; ngài không có một bám chấp nào vào đức hạnh của ngài. Đây là Quán Thế Âm tuyệt đối, tự thân lòng bi và tánh Không.

39. Tự tâm của con, tỏ biết và trống không không tách lìa,là Pháp thân.
Hãy để mọi sự như nó là trong tánh giản dị nền tảng, và sáng tỏ sẽ tự khởi hiện. Chỉ có không làm gì cả con sẽ làm tất cả những việc cần làm; Để cho mọi sự trong tánh Giác trống không trần trụi, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Sẽ không hay khi tìm kiếm đâu đó bên ngoài các bạn bản tánh tối hậu của tâm – nó ở bên trong. Khi chúng ta nói đến “tâm”, điều quan trọng là biết chúng ta đang nói về cái tâm bình thường, nghĩa là vô số chuỗi tư tưởng tạo ra và duy trì trạng thái mê lầm của chúng ta, hay như ở đây, về bản tánh của tâm ở tận nguồn của mọi tư tưởng ấy – trạng thái trong sáng, trống không của tánh giác hoàn toàn thoát khỏi mọi mê lầm.

Để minh họa sự phân biệt này, đức Phật dạy rằng có hai cách để thiền định – giống như con chó và giống như con sư tử. Nếu các bạn liệng một cây gậy vào một con chó, nó sẽ đuổi theo cây gậy ; nhưng nếu các bạn liệng một cây gậy vào một con sư tử, con sư tử sẽ đuổi theo các bạn. Các bạn có thể liệng nhiều cây gậy như mình muốn vào một con chó, nhưng chỉ một cây gậy vào con sư tử. Khi các bạn hoàn toàn bị quấy rối bởi những tư tưởng, lần lượt chạy theo mỗi tư tưởng với cái đối trị của nó là một công việc không cùng. Đấy cũng giống như con chó. Tốt hơn là giống như con sư tử, nhìn vào nguồn gốc của những tư tưởng này, tánh giác trống không, trên bề mặt của nó những tư tưởng chuyển động như những đợt sóng lăn tăn trên mặt hồ, nhưng chiều sâu của nó là trạng thái bất biến của sự đơn giản tối hậu. Ở yên trong sự tương tục không lay chuyển của trạng thái này, hãy trì tụng thần chú sáu âm

SHARE:

Trả lời