SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN

SHARE:


Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ- Dilgo KHYENTSE
Việt dịch: An Phong và Đương Đạo – Thiện Tri Thức, 2000

1. LỜI MỞ ĐẦU CỦA DALAI LAMA
2. LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
3. LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
4. DẪN NHẬP
5. NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
6. KÍNH LỄ
7. ĐỘNG LỰC CỦA TÁC GIẢ TRONG VIỆC BIÊN SOẠN BẢN VĂN NÀY
8. PHẦN MỘT – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM THỜI ĐẠI SUY THOÁI CỦA CHÚNG TA
9. PHẦN HAI: Con đường của những kinh điển
10. QUY Y
11. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
12. TỊNH HÓA
13. CÚNG DƯỜNG
14. GURU YOGA
15. PHẦN HAI: Con đường của những tantra
16. QUÁN ĐẢNH
17. TRI GIÁC THANH TỊNH
18. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
19. THÂN KIM CƯƠNG
20. NGỮ KIM CƯƠNG
21. TÂM KIM CƯƠNG
22. SAU THIỀN ĐỊNH
23. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
24. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
25. SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
26. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN
27. NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)
28. NĂM UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
29. BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
30. KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
31. PHẦN BA QUYẾT TÂM GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
32. BUÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SANH TỬ (Những hành động, Nói năng, Đi đây đó, Ăn , Suy nghĩ , Những sở hữu, Ngủ )
33. NHU CẦU KHẨN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH LÀM CHỦ TÂM THỨC
34. NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
35. CHÚ THÍCH
36. VỀ Patrul Rinpoche (1808-1887)
37. VỀ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)

Sáu đối tượng của giác quan

Sắc

44. Nhận biết bất cứ sắc gì xuất hiện như là hóa thần bổn tôn là điểm cốt yếu của giai đoạn phát triển. Sự bám chấp vào hình tướng đẹp, xấu được giải thoát trong bản tánh của chính nó. Thoát khỏi bám nắm, tâm như nó biến hiện là thân của Quán Thế Âm Tối Thượng. Trong sự vốn tự giải thoát của những kinh nghiệm thấy, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Tâm tự chính nó là không thể sờ nắm, như không gian trống không, và chỉ có thể đi vào hoạt động nào, dù dẫn đến sanh tử hay niết bàn, qua trung gian của thân. Ngay ở trung ấm, chúng ta có một thân như mộng nó cho phép chúng ta kinh nghiệm nhiều giai đoạn chuyển tiếp từ một đời này sang đời kế tiếp. Trong khi tâm thức và thân thể kết hợp, thế giới hiện tượng có thể được tri giác nhờ những giác quan và những thức tương ứng của chúng. Chức năng của các thức giác quan này chỉ là tri giác những đối tượng tương ứng của chúng – sắc, thanh, hương… – mà không thêm vào cái gì cả. Nhưng bấy giờ, khi tâm thức tạo tác trên những tri giác này, nghĩ rằng, “Cái này đẹp”, “Cái kia xấu”, “Cái này làm hại tôi”, “Cái kia đem lại cho tôi thích thú”. Không phải hình sắc của đối tượng bên ngoài, cũng không phải con mắt, cũng không phải nhãn thức sản xuất ra những tạo tác chủ quan này, mà cuối cùng chúng sẽ dẫn đến sự tích tập nghiệp ; nhưng chính là tâm thức. Một vật đẹp đẽ không có phẩm tính nội tại tốt đẹp đối với tâm thức, và một vật xấu xí không có sức mạnh nội tại nào để làm nó khó chịu. Đẹp và xấu chỉ là những phóng chiếu của tâm thức. Khả năng gây ra hạnh phúc hay khổ đau không phải là một đặc tính của bản thân sự vật bên ngoài. Chẳng hạn, việc thấy một người đặc biệt có thể gây ra hạnh phúc cho người này và khổ đau cho người khác. Chính tâm thức góp thêm những tính chất ấy vào đối tượng được tri giác.

Theo cách ấy, khi một sự vật gặp một trong những giác quan được tri giác bởi giác quan thứ sáu là tâm thức, thì hoặc ưa thích hoặc khó chịu, tri giác bị méo mó này có ra là do bám chấp. Đây chính là nền tảng của sanh tử. Nhưng nếu không có bám chấp, tri giác được giải thoát thành trí huệ. Đây là kinh nghiệm sự thanh tịnh của niết bàn, nơi đó không còn cần thiết phải khước từ những cảm giác thích thú. Chính là để giải thoát khỏi bám chấp mà các bạn cần tu hành trong việc nhận biết mọi hình tướng là những cảnh giới Phật và mọi chúng sanh là những bổn tôn. Thấy những sự vật theo lối này chuyển hóa tri giác của các bạn về thế giới thành tánh thanh tịnh bổn nhiên và cho phép các bạn chứng ngộ mọi phẩm tính của những cảnh giới Phật.

Khi các bạn khảo sát cẩn thận bản chất của mọi hiện tượng vô cùng và khác nhau trong vũ trụ và tất cả chúng sanh trong đó, các bạn thấy rằng không có cái gì ngoài sự tương tục của tánh Không. Có câu nói, “Sự thật của tánh Không là sự thật của mọi sự.” Thật vậy, tánh Không là cái khiến những hiện tượng vô cùng có thể xuất hiện. Thế giới hiện tượng chúng ta tri giác, là trò phô diễn tự do và giải thoát của tánh Không, chính là cảnh giới Phật và mọi chúng sanh nam nữ là Quán Thế Âm và Tara. Đây là nền tảng đích thực của Mật thừa.

Như chúng ta bây giờ, chúng ta cảm thấy bị hấp dẫn bởi cái gì đẹp và ghê sợ cái gì xấu ; chúng ta cảm thấy sung sướng khi gặp một người bạn và bị đảo lộn khi thấy người chúng ta không ưa. Những phản ứng này đều được sản xuất ra bởi cái tâm thức bám chấp vào những đối tượng. Khi chúng ta có thể nhìn ngay cả những sức mạnh xấu như là sự phô diễn của trí huệ Quán Thế Âm, sự bám chấp này được tịnh hóa và không có sức mạnh xấu nào có thể phá rối cuộc đời hay sự thực hành của chúng ta. Khi chúng ta tri giác mọi hiện tượng như là thanh tịnh một cách nguyên sơ, như trò chơi của những hóa thần, thần chú và trí huệ, tất cả tri giác giác quan có thể được dùng như con đường. Khi chúng ta thấy rằng mọi sự khởi lên từ tánh Không như sự biểu lộ của Quán Thế Âm, và như thế nhận biết cảnh giới của thanh tịnh vô cùng, bấy giờ chúng ta không phân biệt nữa giữa tốt và xấu, sạch và dơ ; tất cả là trò chơi phô diễn của Quán Thế Âm. Những bạn thân là Quán Thế Âm, những kẻ thù là Quán Thế Âm, tất cả là một như Quán Thế Âm.

Khi kinh nghiệm này khởi ra, hãy thận trọng chớ bám chấp nó hay cảm thấy kiêu hãnh về nó. Cái thanh tịnh bao la này không phải là sản phẩm của sự thiền định của chúng ta ; nó là thật tánh của sự vật. Vàng trong căn bản không bao giờ bị thoái hóa hư hỏng vì trộn lẫn với những chất khác trong quặng vàng, và qua những tiến trình trích chiết và tinh lọc nó chỉ trở thành chính nó. Cùng cách đó, mọi sự, toàn thể vũ trụ và tất cả chúng sanh là bổn lai Không. Những hiện tượng không bị hư hỏng ô nhiễm bởi ý niệm về dơ cũng như không được cải thiện bởi ý niệm về sạch. Thật tánh đơn giản luôn luôn chỉ là chính nó.

Như bản văn gốc nói, tu hành bằng cách kinh nghiệm mọi hình tướng là thanh tịnh là điểm cốt yếu của giai đoạn phát triển. Thông thường cái này bao gồm sự quán tưởng một hóa thần bổn tôn, nhưng nếu các bạn không thể giữ gìn mọi chi tiết của sự quán tưởng trong tâm thức, thì thấy thế giới như là một cõi Phật và những chúng sanh đều có bản tánh của hóa thần bổn tôn đã đủ. Hộ trì kinh nghiệm này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Thanh

45. Nhận biết những âm thanh như là thần chú là điểm cốt yếu của thực hành trì tụng ; Sự bám chấp vào âm thanh như là thích thú hay khó chịu được giải thoát trong bản tánh của chính nó. Thoát khỏi bám nắm, âm thanh tự nhiên của sanh tử và niết bàn là tiếng nói của sáu âm. Trong sự vốn tự giải thoát của cái nghe, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Thường thường, khi nghe những lời khen, những tin tức tốt, hay âm nhạc đẹp đẽ làm cho chúng ta thích thú ; trong khi ngược lại, nghe chỉ trích, những tố cáo sai lầm về chúng ta, những tin tức xấu về những người chúng ta yêu mến, hay những tiếng động nặng nề, chát chúa tức khắc làm chúng ta cảm thấy khốn khổ hay tức giận. Khả năng tạo ra những tâm trạng như vậy là một đặc tính không phải của bản thân những âm thanh khác nhau ấy, mà là của tâm thức bám chấp. Bồ tát, người biết rằng bản tánh của tâm là vô sanh, tri giác mọi âm thanh thích thú hay khó chịu như là thần chú. Khen ngợi không làm người ấy cảm thấy hãnh diện, và lời nói thô bạo, thay vì kích thích sự giận dữ, chỉ làm tăng thêm nhẫn nhục và lòng bi của người đó. Nếu các bạn tri giác mọi âm thanh như là thần chú, những tin tức xấu tốt sẽ không quấy rầy các bạn gì hơn là một ngọn gió quấy rầy một trái núi. Thật vậy, bị đảo lộn khi các bạn nghe những tin tức xấu chỉ tạo ra sự khổ đau cho các bạn ; nó chẳng làm cho người chết sống lại cũng chẳng lập lại những tài sản đã bị lấy mất.

Như mọi hiện tượng, những âm thanh là kết quả của một phối hợp những nhân và duyên khác nhau và không hiện hữu như là những thực thể độc lập. Âm thanh đẹp đẽ của một cây đàn tùy thuộc vào sự phù hợp thích đáng của mọi sợi đàn, và nếu một sợi bị đứt hay lạc khỏi hợp âm thì âm thanh nó tạo ra sẽ bất hòa và khó chịu. Hãy khảo sát cẩn thận và sâu xa mọi âm thanh ; những âm thanh tự nhiên của thời tiết, gió, sấm, xào xạc của lá cũng như tiếng thú vật kêu, lời nói con người và bài hát, đều được tạo dựng bởi những yếu tố căn bản của âm thanh, và bản tánh của những yếu tố đó là tánh Không.

Chủng tự A, tượng trưng cho bản tánh vô sanh, được xem là nguồn gốc của tất cả âm thanh và chứa đựng tinh túy của chư Phật trí huệ. Nói riêng, từ nó mà thần chú sáu âm sanh khởi. Khi các bạn trì tụng thần chú, hãy nhận biết mọi âm thanh đều khởi từ tánh Không, như là một trò phô diễn vô cùng những thần chú – ngữ của chư Phật. Bấy giờ, ngay một số ít những trì tụng cũng sẽ kết trái. Đây là sự thực hành đem tất cả âm thanh vào con đường.

Sự nói chuyện bình thường, nó vốn là sự biểu lộ của thương hay ghét, sẽ chỉ làm cho bánh xe mê lầm càng quay nhanh hơn. Nhưng sự trì tụng thần chú sẽ bảo vệ tâm thức các bạn và dẫn dắt các bạn chứng ngộ bản tánh trí huệ của lời nói. Bởi thế, hãy trì tụng manÏi mọi lúc, cho đến khi nó trở thành một với hơi thở của các bạn.

Hương

46. Nhận biết những hương như là vô sanh là điểm cốt yếu của giai đoạn thành tựu ; Sự bám chấp vào mùi hương như thơm hay thúi được giải thoát trong bản tánh của chính nó. Thoát khỏi bám nắm, mọi mùi là giới luật thơm tho của Quán Thế Âm Tối Thượng ; Trong sự vốn tự giải thoát của cái ngửi, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Chúng ta thích thưởng thức những mùi thơm, và chúng ta bịt mũi trước những mùi thối. Tuy nhiên mọi mùi, dù là hương thơm tinh tế của trầm hay mùi hôi thối của cứt đái, là trống không trong bản chất ; hãy nhận biết chúng là thanh tịnh và vô tự tánh, và dâng cúng chúng cho chư Phật như là hương thơm của giới luật hoàn hảo. Một sự cúng dường như thế làm hoàn thiện cả hai sự tích tập công đức và trí huệ. Bởi vì chư Phật không bị nhiễm ô bởi những tri giác nhị nguyên, chúng ta cũng phải buông bỏ mọi tư tưởng thích và không thích. Khi chúng ta làm thế, tri giác những mùi sẽ được giải thoát vào bản tánh của chính nó.

Vị

47. Nhận biết những vị như một bữa tiệc thánh lễ là điểm cốt yếu của cúng dường. Sự bám chấp vào cái nếm như ngon ngọt hay ghê tởm được giải thoát trong bản tánh của chính nó ; Thoát khỏi bám nắm, đồ ăn và thức uống là những bản chất làm đẹp lòng Quán Thế Âm Tối Thượng. Trong sự vốn tự giải thoát của cái nếm, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Chúng ta thường thưởng thức những vị ngon ngọt, thơm tho và chán ghét thứ gì đắng, chua, cay, nồng. Thật ra chính chỉ tâm thức bám chấp vào những vị ngon hay dở. Một khi tâm thức chứng ngộ rằng những thuộc tính ấy là vô sanh và vô tự tánh, bản tánh thanh tịnh của mọi thứ vị có thể được nhận biết. Đồ ăn và thức uống bấy giờ trở thành sự dâng cúng trí huệ của ganachakra, sự thực hành dâng cúng thánh lễ.(61)

Qua sự thực hành này, các bạn sẽ tích tập công đức, đánh bại sự khát khao quen thuộc của mình với đồ ăn và thức uống, và không rơi vào những cách thức không thích hợp của sự tự nuôi sống mình. Khi mọi bám chấp được giải thoát trong tánh bổn nhiên, đó là sự cúng dường tối thượng.

Xúc

48. Nhận biết những cảm giác là tánh nhất như căn bản là điểm cốt yếu của vị bình đẳng ; Những cảm giác no và đói, nóng và lạnh, được giải thoát trong bản tánh của chính chúng. Thoát khỏi bám nắm, mọi cảm giác là hoạt động của hóa thần ; Trong sự vốn tự giải thoát của cảm giác, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Chúng ta phân biệt giữa cảm giác mềm mại của lụa và thô nhám của sợi đay, sự bằng phẳng của một cái tách và nhọn bén của một cái gai. Nhưng giống như những tri giác giác quan khác, những cảm giác này không hơn gì những giấc mộng ban ngày.

Khi các bạn thôi phân biệt giữa những cảm giác thích và không thích, để cho chúng như chúng là, trong nhất như căn bản của bản tánh trống không của chúng, tâm thức sẽ không luôn luôn phấn chấn hay buồn bã nữa. Đây là kinh nghiệm của vị bình đẳng, sự thực hành tối thượng đưa cả hai sướng và khổ vào con đường. Khát khao cảm giác sự vật mềm mại và thấy cái gì thô ráp khó chịu chỉ là bám chấp. Hãy để mọi luyến bám và ghét bỏ lắng xuống trong bản tánh trống không, và hoạt động Phật sẽ tự hiển lộ một cách tự nhiên.

Tóm tắt, bám chấp vào những tri giác giác quan là cái giữ các bạn lưu lạc trong sanh tử, và đấy là tại sao vẫn thường dạy rằng các bạn cần bỏ mọi lạc thú của các giác quan. Nhưng nếu các bạn đã chứng ngộ tánh Không của những hiện tượng ảo huyễn và bởi thế thực sự thoát khỏi bám chấp, tất cả những tri giác giác quan của các bạn có thể đem vào con đường để tăng trưởng sự tích tập công đức và trí huệ của các bạn, và đem lại tiến bộ cho những kinh nghiệm thiền định và sự chứng ngộ của các bạn. Bất cứ cái gì các bạn thấy, nếm, ngửi, nghe hay cảm giác, hãy nghĩ chúng giống như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước hay như một cầu vồng sống động trong bầu trời – hấp dẫn đối với mắt nhưng thoáng qua và không lưu lại, không thể nắm bắt và không có một hiện hữu chắc thật nào. Thấy biết trong đường lối này, những tri giác của các bạn sẽ không bao giờ bao giờ bị đông cứng bởi dừng trụ hay vướng mắc bởi bám chấp.

Tâm thức

49. Nhận biết mọi hiện tượng đều Không là điểm cốt yếu của 
cái thấy ; Niềm tin vào đúng và sai được giải thoát trong bản tánh của chính nó. Thoát khỏi bám nắm, mọi thứ hiện hữu của sanh tử và niết bàn, là dòng tương tục của Pháp thân. Trong sự vốn tự giải thoát của những tư tưởng, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Tâm thức, phân chia kinh nghiệm thành chủ thể và đối tượng, trước tiên đồng hóa mình với chủ thể, “tôi” ; rồi với ý niệm “của tôi” và bắt đầu bám chấp vào thân tôi, tâm tôi, tên tôi. Sự luyến bám vào ba ý niệm này càng lớn lên mạnh mẽ, chúng ta càng trở nên quan tâm đặc biệt đến phúc lợi riêng của chúng ta. Mọi cố gắng của chúng ta cho tiện nghi, sự không khoan thứ cho những hoàn cảnh làm bực mình của đời sống, và sự bận tâm với sướng và khổ, giàu và nghèo, danh tiếng và mờ tối, khen và chê, đều do ý niệm “tôi” này.

Chúng ta thường quá bị ám ảnh bởi chính chúng ta đến độ chúng ta khó bao giờ nghĩ đến phúc lợi của những người khác – thật vậy, chúng ta lưu tâm tới những người khác không hơn một con cọp lưu tâm tới việc ăn cỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Bồ tát. Cái ngã thực sự là một tạo dựng của tư tưởng, và khi các bạn chứng ngộ rằng cả hai đối vật được bám nắm và tâm thức bám nắm đều trống không, bấy giờ dễ dàng thấy rằng những người khác không hề khác biệt với chính các bạn.

Mọi năng lượng chúng ta thường đặt vào sự chăm sóc chính chúng ta thì những Bồ tát đặt vào sự chăm sóc những người khác. Nếu một Bồ tát thấy rằng lao mình vào lửa của địa ngục thì vị ấy có thể giúp đỡ cho chỉ một chúng sanh, bấy giờ vị ấy sẽ làm không một khoảnh khắc ngần ngại. Những Bồ tát đã đạt đến địa thứ tám(62) chứng ngộ rằng sanh tử và và niết bàn hoàn toàn nhất như. Đây là cái thấy tối hậu. Vị thầy Sakyapa vĩ đại Jetsun Trakpa Gyaltsen(63) đã nhận được từ đức Văn Thù trong một linh kiến những giáo huấn nổi tiếng về “giải thoát khỏi bốn luyến bám.” Trong câu kệ chót Văn Thù Sư Lợi nói, “Nếu có bám chấp thì không có cái thấy.” Shantideva cũng nói, “Mọi sự giống như hư không – đây là điều tôi cần phải chứng ngộ.” Đó là cái thấy tối hậu của cả kinh và tantra.

Cái thấy tánh Không trước tiên cần được hiểu, rồi kinh nghiệm và cuối cùng chứng ngộ. Chính từ tánh Không mà sanh tử và niết bàn khởi lên, và chính vào tánh Không mà chúng tan biến. Ngay dù chúng có vẻ đang hiện hữu, chúng thực sự chẳng bao giờ rời khỏi tánh Không. Bởi thế, nếu các bạn nhận biết tất cả mọi hiện tượng là Không trong bản chất, các bạn sẽ có thể đương đầu với bất kỳ thứ gì xảy ra, dù các bạn kinh nghiệm sướng hay khổ, mà không chút bám chấp nào.

Được thấy qua đôi mắt của tánh Không, đúng và sai là những quan niệm nhị nguyên chúng chỉ có thể hiện hữu trong tương quan lẫn nhau. Sai chỉ có thể có nếu cũng có cái đúng ; nhưng nếu cái sai là trống không thì cái đúng cũng phải trống không. Trong cái thấy tánh Không, bởi thế, không thể có những khẳng định đúng nào cả, không có những điều kiện, và không có bám chấp. Khi một Bồ tát an trụ vững chắc trong cái thấy này, vị ấy không luyến bám vào sự thanh bình của niết bàn, và để hoàn thành lợi lạc cho chúng sanh, vị ấy có thể khoác lấy bất kỳ hình thức nào. Vị ấy có niềm tin miên viễn nó cho phép ngài làm việc với chúng sanh trong những kiếp bất tận, bất kể họ đã lầm lạc bao xa. Không hề nghĩ đến giác ngộ cho riêng bản thân mình, sự quan tâm duy nhất của ngài là giúp đỡ những người khác tiến về mục đích đó.

SHARE:

Trả lời