NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)

SHARE:


Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ- Dilgo KHYENTSE
Việt dịch: An Phong và Đương Đạo – Thiện Tri Thức, 2000

1. LỜI MỞ ĐẦU CỦA DALAI LAMA
2. LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
3. LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
4. DẪN NHẬP
5. NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
6. KÍNH LỄ
7. ĐỘNG LỰC CỦA TÁC GIẢ TRONG VIỆC BIÊN SOẠN BẢN VĂN NÀY
8. PHẦN MỘT – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM THỜI ĐẠI SUY THOÁI CỦA CHÚNG TA
9. PHẦN HAI: Con đường của những kinh điển
10. QUY Y
11. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
12. TỊNH HÓA
13. CÚNG DƯỜNG
14. GURU YOGA
15. PHẦN HAI: Con đường của những tantra
16. QUÁN ĐẢNH
17. TRI GIÁC THANH TỊNH
18. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
19. THÂN KIM CƯƠNG
20. NGỮ KIM CƯƠNG
21. TÂM KIM CƯƠNG
22. SAU THIỀN ĐỊNH
23. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
24. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
25. SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
26. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN
27. NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)
28. NĂM UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
29. BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
30. KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
31. PHẦN BA QUYẾT TÂM GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
32. BUÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SANH TỬ (Những hành động, Nói năng, Đi đây đó, Ăn , Suy nghĩ , Những sở hữu, Ngủ )
33. NHU CẦU KHẨN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH LÀM CHỦ TÂM THỨC
34. NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
35. CHÚ THÍCH
36. VỀ Patrul Rinpoche (1808-1887)
37. VỀ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)

Năm thức tình phiền não

Chứng ngộ cái thấy hoàn hảo là hoàn toàn thoát khỏi năm độc, những thức tình phiền não giữ chúng ta làm nô lệ trong sanh tử. Khi năm độc biến mất, năm trí huệ tương ứng được hiển lộ.

Sân hận

50. Chớ theo đuổi đối tượng của sân hận ; hãy nhìn vào tâm thức giận dữ.
Sân giận, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là cái Không sáng tỏ ;
Cái Không sáng tỏ không gì khác hơn là Trí Huệ Như Tấm Gương.
Trong sự vốn tự giải thoát của sân hận, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Sanh tử xảy đến như thế nào ? Khi chúng ta tri giác mọi sự xung quanh với năm giác quan của mình, tất cả các loại cảm giác hấp dẫn và ghê sợ khởi lên trong tâm thức chúng ta, và chính từ những cảm giác này mà sanh tử sanh khởi. Tri giác thuần túy về sự vật, tự bản thân nó, không phải là cái gây cho chúng ta lưu lạc trong sanh tử ; mà chính sự phản ứng của chúng ta với những tri giác này và những giải thích diễn dịch chúng ta gán cho chúng làm cho bánh xe sanh tử quay mãi. Bây giờ, đặc trưng kỳ diệu của Mật thừa là, thay vì kéo dài sanh tử theo cách ấy, chúng ta có thể trau dồi tri giác về mọi hiện tượng như là trò chơi thanh tịnh của trí huệ.

Khi các bạn cảm thấy giận ghét ai đó, sự thù ghét và sân giận của các bạn không phải là cái gì nội tại nơi người ấy như một toàn thể cũng như một phương diện nào của nó. Sự giận ghét của các bạn chỉ hiện hữu trong tâm thức các bạn. Vừa trông thấy nó, những tư tưởng của các bạn luôn luôn day đi day lại nó đã làm hại các bạn trong quá khứ, nó sẽ làm hại các bạn trong tương lai như thế nào, hay nó đang làm hại các bạn bây giờ ; chỉ nghe tên của nó là đã làm các bạn đảo lộn. Khi các bạn trở nên trụ tâm vào những tư tưởng ấy, sự giận ghét đầy đủ phát triển, và tới lúc này các bạn cảm thấy một thôi thúc không thể cưỡng được cầm một cục đá và liệng vào nó, hay chụp lấy cái gì đó để đánh nó, nghĩ rằng, “Tôi thực sự muốn giết nó !”

Giận dữ có vẻ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng nó lấy sức mạnh từ đâu để tràn ngập các bạn một cách dễ dàng như thế ? Nó là sức mạnh nào đó ở bên ngoài, một cái gì có tay có chân, vũ khí và áo giáp ? Nếu không, thế thì nó ở đâu trong các bạn ? Nếu thế, nó ở đâu ? Các bạn có thể tìm thấy nó trong óc não, trong trái tim, trong xương cốt, hay trong phần nào khác của các bạn ? Dầu không thể xác định ở chỗ nào, giận dữ hình như hiện diện theo một cách rất cụ thể, một bám chấp mạnh mẽ nó làm đóng băng tâm thức các bạn thành một trạng thái cứng đặc và đem lại một số lớn khổ đau cho cả các bạn và những người khác. Như những đám mây, quá không chất thể để mang nổi trọng lượng của các bạn hay để khoác lấy như áo quần, tuy nhiên có thể làm tối đen toàn bộ bầu trời và che phủ mặt trời, cũng thế, những tư tưởng có thể che ám sự sáng chói nguyên thủy của tánh giác. Bằng cách nhận biết bản tánh thông suốt, trống không của tâm, hãy để cho nó trở lại trạng thái giải thoát, tự do tự nhiên của nó. Nếu các bạn nhận biết bản tánh của sân giận là Không, nó bèn mất tất cả sức mạnh làm hại của nó và hoàn lại thành Trí Huệ Như Tấm Gương (Đại Viên Cảnh Trí) ; nhưng nếu các bạn không nhận ra bản tánh của nó và thả lỏng cương cho nó, nó sẽ không kém là nguồn gốc đích thực của những hành hạ cháy bỏng và lạnh cóng của địa ngục.

Người ta thường nghĩ về sự hàng phục và hủy hoại một đối thủ như là một thành công tích cực, nhưng đấy chắc chắn không phải là quan điểm của giáo lý Phật giáo. Khi giận dữ phun như núi lửa, chớ có theo nó, mà thay vào đó hãy nhìn thẳng vào bản tánh của chính giận dữ ; nó chỉ là một chế tạo trống không ở trong cái trống không bao la của tâm thức. Trải qua vô số đời, bị nô lệ bởi sự gây gổ của riêng các bạn, các bạn đã tích tập vô lượng nghiệp xấu. Từ giờ trở đi hãy thận trọng hơn, nhớ rằng giận dữ là hạt giống từ đó mọi hành hạ của những địa ngục có thể sinh trưởng. Nhổ sạch giận dữ, và không còn đâu nữa những cõi địa ngục. Bởi thế thay vì ghét hận những kẻ thù giả danh, mục tiêu tấn công đích thực của sự giận ghét của các bạn phải là chính bản thân sự giận dữ.

Nếu các bạn không theo đuổi những cảm giác giận dữ, nếu các bạn không tự làm mình xa lánh những người khác bởi sự sân giận, nếu sự sân giận của các bạn được giải thoát vào trong thật tánh của chính nó, bấy giờ đó là trí-huệ-như-tấm-gương, một gương soi trong đó những người khác được phản chiếu như là chính các bạn. Bao giờ một tư tưởng “sân giận” có khởi lên trong tâm của Quán Thế Âm, nó chỉ làm cho trí huệ càng sáng chói thêm nữa. Hơn nữa, khi các bạn hiểu rõ rằng sân giận không thể nội tại nơi một đối tượng bên ngoài và rằng tâm thức giận dữ bên trong là không có một hiện hữu có thể sờ nắm nào, các bạn sẽ cảm thấy lòng bi tự nhiên tỏa chiếu cho tất cả chúng sanh, đặc biệt là cho những người bị hành hạ bởi những ngọn lửa của sân giận.

Ngày xưa, trong một đời trước của đức Phật, khi ngài là một Bồ tát trong hình dạng một con rắn, một số đứa bé tàn ác bắt ngài và hành hạ ngài đến chết. Nếu muốn, Bồ tát có thể hủy diệt chúng với chỉ một cái nhìn ; nhưng vì lòng ngài đã thoát khỏi tư tưởng nhỏ nhất về giận dữ, đó không phải là điều ngài làm. Thay vào đó, ngài cầu nguyện rằng qua sự tiếp xúc chúng đã có với ngài bằng cách giết ngài, trong tương lai chúng sẽ trở thành đệ tử của ngài và được ngài dẫn dắt đến giác ngộ. Sự can đảm và nhẫn nhục gương mẫu này là kết quả của sự chứng ngộ đầy đủ của ngài về tánh Không và đại bi.

Sân giận là một kẻ tử thù của giải thoát, bởi vì một khoảnh khắc của sân giận phá hủy công đức được tích tập trong nhiều kiếp. Bởi thế, trừ diệt sân giận là một trong những mục tiêu chính yếu của một Bồ tát. Thế nên, hăm hở giữ giới nhẫn nhục, hãy trì tụng thần chú sáu âm. Như có nói, “Không có lỗi lầm nào lớn hơn sân giận, không có giới luật nào lớn hơn nhẫn nhục.”

Kiêu mạn

51. Chớ chạy theo đối tượng của kiêu mạn ; hãy nhìn vào tâm thức bám nắm.  Tự phụ, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là tánh Không bổn nhiên ; Tánh Không bổn nhiên không gì khác hơn là trí huệ của sự đồng nhất căn bản. Trong sự vốn tự giải thoát của kiêu mạn, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Khi nào chúng ta có được phẩm tính đáng khâm phục nào, hiểu biết hay khéo léo đặc biệt nào, kiêu hãnh khởi lên tức thì và làm hư hỏng phẩm tính tích cực ấy. Bị tràn ngập bởi tự phụ, hoa mắt bởi vẻ đẹp, thông minh, học vấn và quyền lực của chúng ta, chúng ta hoàn toàn đui mù với mọi phẩm tính toàn hảo và đích thực của những bậc thầy vĩ đại. Nhưng thật ra, những người bình thường như chúng ta, lạc lõng trong mê mờ của sanh tử, dầu đôi khi có được vài phẩm tính tốt, thì chắc chắn chúng ít hơn nhiều những lỗi lầm ; và so sánh với những đức hạnh vô lượng của những con người vĩ đại, những phẩm tính của chúng ta chỉ nhỏ như đốm bột. Thật ra, những đức tính chúng ta cảm thấy rất kiêu hãnh thường là những khuyết điểm giả dạng.

Thế nên, bất cứ những tài năng giới hạn và không bền vững nào các bạn có, tuyệt đối không có lý do gì để kiêu hãnh về chúng. Như câu châm ngôn, “Cũng như nước không bao giờ tụ lại trên chót đỉnh một trái núi, giá trị chân thực không bao giờ tích tụ trên đỉnh lởm chởm của lòng kiêu mạn.” Kiêu căng làm dừng sự phát triển lòng sùng mộ, trí huệ hay từ bi ; nó đóng ngăn các bạn với những ban phước của thầy và chận đứng mọi tiến bộ trên con đường. Thế nên, để tránh sự hiểm nguy của sự kiêu mạn, quan trọng là khảo sát chính các bạn một cách thành thật.

Nếu các bạn phân tích sự kiêu căng một cách cẩn thận, các bạn sẽ thấy ra rằng nó không nội tại trong cái gì mà bạn cảm thấy tự phụ, mà được tạo ra bởi tâm bám nắm. Nếu các bạn luôn luôn miên mật ở một vị thế khiêm tốn và giữ tâm thức mình khiêm hạ, sự kiêu hãnh sẽ biến mất như sương mù buổi sáng. Một tâm thức giải thoát khỏi móng vuốt của kiêu mạn luôn luôn an trụ trong trí huệ của sự đồng nhất căn bản (Bình đẳng tánh trí) của Quán Thế Âm.

Tham lam

52. Chớ khao khát đối tượng của tham muốn, hãy nhìn vào tâm thức tham lam. Tham muốn, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là Không-Lạc ; Cái Không-Lạc này không gì khác hơn là trí huệ phân biệt tất cả. Trong sự vốn tự giải thoát của tham muốn, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Bất cứ hạnh phúc nào mà các bạn mong mỏi từ cha mẹ, con cái, bạn bè, sự giàu có hay tài sản của các bạn, nó sẽ không kéo dài lâu, bởi vì cuối cùng tất cả chúng sẽ bị cái chết giật mất khỏi các bạn – nếu không xảy ra trước đó. Vô ích khi bám níu vào chúng.

Khi các bạn chết, cho dù các bạn có đáng khâm phục thế nào, dù giàu có và quyền lực thế nào, không có cái gì dùng được. Các bạn sẽ lang thang trong trạng thái trung ấm giữa cái chết và sự tái sanh, chỉ đồng hành với các bạn là nghiệp tốt và xấu của mình. Góp nhặt giàu có và tài sản, rồi bảo vệ và làm tăng trưởng chúng là một công việc làm nản lòng và không cùng.

Cái nhìn thấy vàng và kim cương mê hoặc chúng ta, và chúng ta nhanh chóng bị đánh bại bởi tham muốn thúc dục phải chiếm hữu chúng. Nhưng dù bằng cách nào đó chúng ta thu xếp để mua những đồ vật đẹp đẽ và đắt giá ấy, sự bám chấp của chúng ta, còn lâu mới chấm dứt, mà chỉ tăng thêm. Lo lắng chúng ta có thể mất châu báu quý giá đã sở đắc được, chúng ta cất nó thật an toàn và không bao giờ dám đem nó ra ngoài và đeo nó. Sau cả một đời xây dựng trên sự thèm khát, kinh nghiệm của chúng ta trong trạng thái trung ấm chỉ có thể là sợ hãi và kinh hoàng cùng cực.

Buôn bán, trồng trọt hay việc làm ăn nào mà phúc lợi có được từ sự hao tốn của những người khác chỉ đem lại cho chúng ta thêm nhiều nghiệp xấu. Không bao giờ thỏa mãn với cái chúng ta có, luôn luôn nỗ lực thu được điều chúng ta muốn, trong vô số đời chúng ta hoàn toàn mòn mỏi, kiệt sức. Chẳng tốt hơn sao khi buông bỏ tất cả và thay vào đó học cách làm thế nào được thỏa mãn với áo quần đủ mặc và lương thực đủ sống ?

Nếu các bạn cam kết theo sự thực hành và trì tụng thần chú sáu âm với một tâm thức giải thoát khỏi bám níu, các bạn sẽ thấy mình càng ngày càng ít bị hấp dẫn bởi những theo đuổi bình thường của cuộc đời,và các bạn sẽ không phung phí cuộc đời các bạn nữa. Tham muốn và bám chấp sẽ lắng vào bản tánh của chính chúng, nó không gì khác hơn là trí huệ phân biệt tất cả (Diệu quan sát trí) của Quán Thế Âm.

Ghen ghét

53.  Chớ đi theo đối tượng của ghen ghét ; hãy nhìn vào tâm thức chỉ trích, chê bai. Ghen ghét, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là trí trống không ; Trí trống không này không gì khác hơn là trí huệ thành tựu tất cả.
Trong sự vốn tự giải thoát của ghen ghét, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Một người bình thường cảm thấy ghen ghét, đố kỵ với những ai có những thành đạt bằng hay hơn mình. Tuy nhiên ghen ghét cũng lại không phải là một cái gì nội tại trong đối tượng của sự ghen ghét ; nó chỉ là một chế tạo của tâm thức. Bất kỳ khi nào một tư tưởng ghen tỵ khởi ra, đơn giản chỉ nhận biết nó là cái gì và tùy hỷ với tất cả lòng mình những thành đạt cao hơn của người khác.

Một khi các bạn cho phép những tư tưởng ghen tỵ nẩy nở, chúng có thể phát triển thành một cảm xúc quá quắt. Một ví dụ là câu chuyện về sự ghen tỵ của Đề bà đạt đa với người anh em chú bác Gautama. Dầu sau khi Gautama đã thành Phật, Đề bà đạt đa cũng không ngừng nỗ lực làm đủ mọi cách xảo quyệt để ganh đua với ngài. Những hành vi ghen ghét của ông đến nỗi cuối cùng mặt đất mở ra dưới chân, và ông rớt vào lửa của địa ngục ; ở đấy trải qua những khổ sở kinh khủng, ông hối hận, kêu lên, “Từ sâu thẳm của lòng mình, tôi quy y ngài, Gautama !” Dầu cho trong một đời tương lai ông sẽ tái sanh làm một vị Bích Chi Phật, nhưng trong đời này, ngay cả Phật cũng không cứu được ông. Ghen tỵ bởi thế là một lỗi lầm rất trầm trọng ; chớ bao giờ rơi vào dưới ảnh hưởng của nó.

Chính bởi cảm thấy rất hoan hỷ trong lòng các bạn với những thành đạt của những người khác – chẳng hạn, với những cúng dường lớn lao của ai đó cho Tam Bảo – các bạn sẽ tích tập công đức như người kia. Thay vì si mê bởi những thành đạt của chính các bạn, thay vì rơi vào cái bẫy ghen tỵ, hãy tùy hỷ với những công đức vô giá của những người khác, đặc biệt với những hành vi của những vị rất cao cả. Đó không gì khác hơn là chính trí huệ thành tựu tất cả (Thành sở tác trí).

Vô minh

54. Chớ cho những ý tưởng do vô minh đúc thành là đúng ; hãy nhìn vào bản tánh của chính vô minh. Những người khách tư tưởng, vốn tự giải thoát ngay khi chúng sanh, là Không-Giác. Cái Không-Giác này không gì khác hơn là trí huệ của pháp giới tuyệt đối và bao la. Trong sự vốn tự giải thoát của vô minh, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Ở đây vô minh (si) nghĩa là vô minh về Phật tánh của chính chúng ta. Về mặt này, chúng ta vô minh như một người ăn xin với một viên ngọc quý trong bàn tay, do không nhận biết giá trị đến thế nào, liệng bỏ nó. Chính vì vô minh mà chúng ta làm nô lệ cho những tư tưởng của chúng ta và không thể phân biệt đúng với sai. Chính vì vô minh mà chúng ta không tin vào những kết quả lợi lạc của sự cầu nguyện Tam Bảo. Chính vì vô minh mà chúng ta không nhận biết chân lý của Pháp. Vô minh là gốc rễ đích thực của tám mươi bốn ngàn phiền não tiêu cực, vì chừng nào chúng ta còn không thấy rằng thật tánh của mọi sự là tánh Không, chúng ta còn khăng khăng tin rằng những sự vật có thật hiện hữu ; và đây là nguồn gốc của mọi tri giác mê lầm và mọi tư tưởng xấu xa.

Tuy nhiên vô minh không thường tồn như bóng tối thường trực của một hang sâu dưới mặt đất. Như mọi hiện tượng khác, nó chỉ có thể sanh khởi từ tánh Không và bởi thế không thể có hiện hữu chân thật. Một khi các bạn nhận ra bản tánh Không của vô minh, nó chuyển thành trí huệ của pháp giới tuyệt đối và bao la (Pháp giới tánh trí). Đây là tâm trí huệ của Quán Thế Âm, Phật tánh, yếu tính của chư Như Lai, Như Lai tạng hiện diện trong tất cả chúng sanh. Chỉ vì vô minh, như đức Phật đã bày tỏ, khiến chúng ta tin vào tri giác mê lầm của chúng ta thay vì nhận biết Phật tánh là bản tánh của chính chúng ta.

Bằng cách xác lập bản tánh Không của vô minh, hãy nhận biết sự mờ tối và mê vọng của nó là chính pháp giới bao la tuyệt đối. Bấy giờ trụ trong kinh nghiệm này và thực hành cái thấy, thiền định và hành động. Đây là tâm yếu tối thiết của Quán Thế Âm.

Bởi thế, bất kỳ khi nào những tư tưởng và thức tình liên hệ với năm độc sanh khởi, thay vì tự để cho mình bị chúng mang đi xa, hãy nhìn thẳng vào bản tánh của chúng ; bằng cách làm như thế, cuối cùng các bạn sẽ đến chỗ nhận biết năm độc chính là năm trí huệ bổn nguyên, chúng là tình trạng tự nhiên của tâm không mê vọng. Đến điểm này, tất cả tư tưởng của các bạn sẽ được giải thoát ngay khi chúng khởi, và các bạn sẽ không bao giờ mất cái thấy về tánh giác, Quán Thế Âm tuyệt đối.

Quán Thế Âm tuyệt đối không gì khác hơn là tánh Không, tuy nhiên trên bình diện tương đối Quán Thế Âm khoác lấy vô số hình sắc để gặp gỡ những nhu cầu của chúng sanh. Tất cả những biểu lộ này, với danh hiệu, hình thể và màu sắc khác nhau, là sự phô diễn của trí huệ ngài, sự biểu lộ của tính sáng tạo của tánh Không và đại bi. Đặc biệt, Quán Thế Âm phô diễn năm hình sắc chính tương ưng với năm uẩn và năm cõi(64) của sanh tử. Năm bài kệ tiếp theo giải thích sự chuyển hóa của năm uẩn, hay skandha, thành năm phương diện này của Quán Thế Âm.(65

SHARE:

Trả lời