PHẬT QUẢ KHÔNG THIỀN ĐỊNH

SHARE:


NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU
Dudjom Rinpoche – Việt dịch: Nguyễn An Cư – Thiện Tri Thức 2004

1. Giới Thiệu
2. PHẬT QUẢ KHÔNG THIỀN ĐỊNH
3. TÁNH KHÔNG CỦA MỌI SỰ VẬT
4. THỀ NHẬP VÀO NHƯ HUYỄN
5. BẢY ĐẶC TÍNH NHƯ KIM CƯƠNG CỦA HƯ KHÔNG
6. THỂ NHẬP TÍNH CÁCH NHƯ MỘNG CỦA TÁNH KHÔNG
7. THẦN LINH VÀ MA QỦY CHỈ LÀ SỰ HÓA HIỆN CỦA TÂM THỨC
8. THỰC TẠI VỐN LÌA CÁC HÌNH TƯỚNG
9. CHUYỂN SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN VỀ CÙNG MỘT NỀN TẢNG
10. NHỮNG HÌNH TƯỚNG XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
11. KHÔNG – VÔ TƯỚNG – VÔ NGUYỆN
12. TÁNH GIÁC VÀ NHỮNG BIỂU LỘ CỦA NÓ
13. LÝ DO THỰC HÀNH QUÁN TƯỞNG BỔN TÔN VÀ CÁC CỎI TỊNH ĐỘ
14. NHỮNG DANH HIỆU CỦA THỰC TẠI TỐI HẬU
15. CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN
16. PHÂN BIỆT TRÍ VÀ THỨC
17. LỜI BẠT CỦA ĐỨC NGÀI Dudjom Rinpoche
18. Phân Tích và Phác Họa Cơ Cấu của Đức Ngài Dudjom Rinpoche
PHẬT QUẢ KHÔNG THIỀN ĐỊNH
Chỉ dạy để làm hiển lộ rõ ràng Khuôn Mặt
Xưa Nay như là Đại Toàn Thiện,
cũng tức là Bản Tánh Cố Hữu
Mở đầu

Với đức tin không lay chuyển tôi kính lễ bậc tối thượng, bậc bảo vệ bổn nguyên, thành trì thiêng liêng nhất của sự phô diễn như huyễn của tánh giác nguyên sơ.

Ngày nay, khi năm loại thoái hóa lên cao, chúng sanh không trừ một ai đều thô thiển và hoang dã, chao đảo trong sức mạnh của nghiệp xấu. Bám chấp vào giấc mộng thoáng qua của đời người, họ tạo ra những kế hoạch lâu dài như thể sự lưu ngụ này là mãi mãi và xoay lưng với việc tìm kiếm cái gì có ý nghĩa cho muôn đời tương lai. Vì lý do đó, tôi cảm thấy rằng những ai chân thành tìm kiếm giải thoát và toàn giác thì hiếm như sao ban ngày. Dù cho người ta có thể ý thức về việc phải chết của mình và nhiệt tình thực hành Phật pháp, họ cũng chỉ đầu tư cuộc đời làm người của họ vào những hành vi thân thể và lời nói đạo đức và như vậy chỉ theo đuổi những tái sanh cao hơn của trời hay người.

Một số người không hiểu chút gì về tri kiến tánh Không, họ cho rằng tâm của họ là trống không. Cái mà họ được trực tiếp đưa vào không gì khác hơn là một trạng thái tư tưởng lan man hay một tỉnh giác thụ động và ở trong trạng thái đó không có gì để làm nữa. Điều này chỉ thúc đẩy họ đến tái sanh trong cõi trời dục giới và sắc giới mà chẳng đem họ gần hơn con đường toàn giác dù chỉ thêm một sợi tóc.

Thế nên, nếu một ít cá nhân có tâm đạo đã trải qua vô số kiếp tích tập bao la, buộc nối những công đức ấy với nguyện vọng cao cả và đã thiết lập sự nối kết bằng nghiệp với những giáo lý về thực tập tối hậu, tôi sẽ chỉ dạy họ theo phước lành và khả năng của họ cho họ thấu hiểu. Những người không có mối liên kết nghiệp với tôi hay phước lành để sử dụng được những giáo lý Đại Toàn Thiện, rồi lại làm sai lệch hay phản đối những giáo lý này, chỉ xua đuổi tâm thức họ vào chốn hoang vu đơn độc. Các bạn có tâm đạo không như nói trên và có phước lành như tôi thì hãy xem xét lời khuyên bảo của tôi. Qua khảo sát và phân tích, qua làm quen và thân thuộc, hãy nhận biết sanh tử và niết bàn là tánh Không tối thượng, và như vậy hãy chứng ngộ bản tánh nền tảng.

Có ba phạm trù trong sự tiếp cận của Đại Toàn Thiện, Đại Toàn Thiện này tức là tự tánh : phạm trù tâm (sem-dhe), phạm trù cõi giới bao la của mình (long-dhe)và phạm trù những giáo huấn trao truyền trực tiếp (man-ngag-dhe). Bản văn này thuộc loại được gọi là phạm trù bí mật của những giáo huấn trao truyền trực tiếp. Có ba phần trong đây, về cái thấy (ta-wa), thiền định (gom-pa) và hạnh (kyod-pa).

****

SHARE:

Để lại một bình luận