PHẦN PHỤ THÊM: CHÂN DUNG CỦA MỘT NGƯỜI NUÔI DẠY CỌP

SHARE:

Akong Tulku Rinpoche
Kagyu Samye Ling 1987, L’art de dresser le tigre intérieur Akong Rinpoche, 1991 Sand, Paris
Việt dịch: Nguyễn An Cư – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001

Cuốn sách này được hồi hướng cho sự nở hoa
của lòng khiêm hạ, bình an và trí huệ trong thế giới

VÀO ĐỀ
CHƯƠNG I NGHỆ THUẬT NUÔI DẠY CON CỌP BÊN TRONG
CHƯƠNG II GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỜI NGƯỜI QUÝ GIÁ
CHƯƠNG III CHỈ MỘT CÁI THƯỜNG HẰNG SỰ VÔ THƯỜNG
CHƯƠNG IV SỐNG ĐỂ CHO CÁI GÌ ? “ĐỘNG CƠ CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG V ĐỐI MẶT
CHƯƠNG VI CÁI GƯƠNG
CHƯƠNG VII THÂN , NGỮ, TÂM : BA CỬA CỦA THỰC TẠI CON NGƯỜI
CHƯƠNG VIII PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỜI SỐNG “HẠNH KIỂM CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG IX ĐÁNH THỨC TRÁI TIM MÌNH LÒNG BI
CHƯƠNG X SỰ CHÚ Ý CẨN TRỌNG HAY CON CỌP ĐƯỢC THUẦN HÓA
DẪN VÀO NHỮNG THỰC TẬP
CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC
Bài Thực Tập số 1 TƯ THẾ
Bài Thực Tập số 2 THƯ GIÃN
Bài Thực Tập số 3 CẢM NHẬN
Bài Thực Tập số 4 TỰ MỞ MÌNH RA
Bài Thực Tập số 5 CẦU VỒNG
Bài Thực Tập số 6 TẤM GƯƠNG
Bài Thực Tập số 7 BẠN
Bài Thực Tập số 8 ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 9 LÀM SỐNG ĐỘNG ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 10 TRIỂN NỞ / THU RÚT
Bài Thực Tập số 11 KẺ THÙ
NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Bài Thực Tập số 12 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA CHA MẸ VÀ CỦA GIA ĐÌNH MÌNH
Bài Thực Tập số 13 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA BẠN BÈ THÚ VẬT VÀ CỦA XỨ SỞ BẠN
Bài Thực Tập số 14 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG KẺ THÙ CỦA MÌNH
Bài Thực Tập số 15 KHỐI CẦU CẦU VỒNG
VŨ TRỤ ĐƯỢC CHUYỂN BIẾN BỞI LÒNG BI
PHẦN PHỤ THÊM CHÂN DUNG CỦA MỘT NGƯỜI NUÔI DẠY CỌP

PHẦN PHỤ THÊM
CHÂN DUNG CỦA MỘT NGƯỜI
NUÔI DẠY CỌP

 

Đứa bé “quý báu lớn lao”

 

Em bé Akong sanh ngày Noešl 1939 ở Kham, trong miền Đông Tây Tạng, một miền giáp ranh với Trung Hoa. Vậy thì đó là một Khampa, như người ta gọi những người dân xứ ấy, họ hơi giống như những người đi khai phá thuở xưa và những cao bồi miền Viễn Tây của Hoa Kỳ : những người mà tâm hồn trui rèn, mạnh mẽ, mạo hiểm, độc lập, dòng giống dân lục địa và chiến đấu (chính từ họ đã tuyển mộ được hạt nhân mạnh mẽ chống ngoại xâm).

 

Đứa bé chưa đầy hai tuổi khi một phái đoàn nhà sư chùa Dolma Lhakhang đến nông trại của cha mẹ đứa bé, mang theo một lá thơ của Karmapa, vị tổ vĩ đại của truyền thống Phật giáo Kagyupa truyền từ Milarepa nổi tiếng, một trong những gương mẫu đẹp nhất của lĩnh vực tâm linh nhân loại. Đứa bé được công nhận là một hiện thân mới – tulku – của một vị trụ trì trước của tu viện Dolma Lhakhang, đã được xem là “Akong thứ nhất”. Vậy là đứa bé tiêu biểu cho hình thức loài người mới mà dưới đó năng lực tâm linh của Akong trước kia sắp tiếp tục biểu lộ để giúp đỡ những người khác : dù sao thì đó cũng là cách giải thích hiện tượng ấy trong viễn cảnh Phật giáo Tây Tạng.

 

Những nguồn gốc

 

Nơi đứa bé hai tuổi vậy là hiện rõ hình bóng của Lama Akong (1883-1938) như hồi trước người ta vẫn gọi, vị trụ trì tu viện Dolma Lhakhang đã được các vị đồng tu chọn vì lòng bi tự nhiên và những phẩm tính đặc biệt của một tâm linh sâu thẳm. Lama Akong hiến tất cả đời mình cho thiền định và có một sự thông thạo đáng kể Sáu Yoga của Naropa, một toàn bộ kỹ thuật cho phép tiến đến sự hiểu biết bản tánh đích thực của tâm thức và của mọi hiện tượng. Ngài cũng được biết vì tài năng y học và chữa bệnh, đặc biệt vì ngài đã cứu sống Kongtrul vĩ đại của Palpung, năm 1936. Hai người đã biết nhau nhiều, đã có dịp cho lẫn nhau những giáo huấn và những quán đảnh khác nhau chín năm về trước. Kongtrul ở trong vùng tu viện Dolma Lhakhang thì ngài ngã bệnh rất nặng. Những nỗ lực của những y sĩ đều vô hiệu, ngài yêu cầu Lama Akong đến chăm sóc, tin rằng chỉ có Lama mới có thể chữa khỏi – và quả đúng như vậy. Lúc đó Lama Akong 54 tuổi, và khi ngài chết, trong năm ngày sau khi chết, thân ngài vẫn ở trong tư thế thiền định không ngã xuống, tiếp theo nhỏ dần cho đến kích thước một em bé.

 

Một tu viện trưởng trẻ Tây Tạng

 

Akong thứ hai sẽ có một định mệnh sôi động hơn người tiền nhiệm : chính thức được công nhận khi hai tuổi, đăng quang lúc ba tuổi, đức bé tiếp tục sống với cha mẹ và anh em đến sáu tuổi. Khi đến ở tu viện và chính thức bước vào nhiệm vụ, đứa bé nhận được sự huấn luyện mãnh liệt dành cho một tulku được kêu gọi cho những trách nhiệm tâm linh lớn lao : nó học tất cả những môn căn bản, nghiên cứu y học, nhận tất cả những giáo huấn và nhập môn lớn mà chính nó phải trao truyền cho những người khác và nối kết trở lại với sự thực hành thiền định, dưới sự hướng dẫn của Kongtrul của Setchen, người tuyên bố nó là một vị đại thiền sư. Vị tulku trẻ trông coi cho hạnh phúc tâm linh – và vật chất – của hàng ngàn nhà sư trong tu viện và bốn chùa ni thuộc tu viện ; ngài hướng dẫn những cuộc nhập thất dài ngày của khoảng năm mươi người và làm tròn những bổn phận của một lama đối với cộng đồng địa phương và vùng – nghi lễ và tụng kinh đánh dấu những biến cố của cuộc đời, khuyên bảo và chỉ thị về tâm linh, những ban phước và quán đảnh. Thêm vào đó là những thăm viếng người bệnh với tư cách là một y sĩ.

 

Thử thách của những sự kiện

 

Sự huấn luyện mãnh liệt và chiết trung này sẽ nhanh chóng được thử thách bởi những sự kiện : năm 1959, Tulku Akong lúc ấy chưa đầy 20 tuổi, bắt buộc phải tức thời có những quyết định không thể sửa đổi, cho ngài và những người quanh ngài. Để giữ gìn và sống với nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng, họ phải từ bỏ quê hương. Tulku Akong và Chošgyam Trungpa dẫn đầu một nhóm ba trăm người đi bộ trong một năm, vuợt qua những dãy núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn để qua tỵ nạn ở Ấn Độ ; khi đến nơi họ chỉ còn hai mươi người. Hai mươi người thoát được sự bắt giữ, đạn bắn, đói khát và kiệt sức… Gần cuối cuộc phiêu lưu này, khi họ không còn gì ăn từ lâu, họ phải nấu những mảnh da trong giày để cho cái gì vào bao tử hầu có sức để tiếp tục…

 

Người nuôi dạy cọp

 

Sự trốn thoát này là một cái chết nhỏ đối với những người sống sót. Tulku Akong, vị lama trẻ mà cuộc đời tưởng đã được vạch ra trong việc phụng sự những linh hồn ở những miền cao Tây Tạng, bây giờ thấy mình ở trong sự chen chúc ngột ngạt của một trại tỵ nạn vùng Assam, yếu ớt và mắc bệnh lao, hụt hẫng nghĩ về những người không thể trốn thoát và những bạn đồng hành đã chết dọc đường – trong đó có một người em ruột. Nhưng ngài hoàn toàn ý thức lý do để phải sống và sống còn : giữ gìn và trao truyền những kho tàng của một nền tâm linh sống và giá trị của nó đối với ngài có lẽ còn rõ ràng hơn bao giờ hết, trong những giờ phút thảm kịch. Người ta có thể lấy mất xứ sở và gia đình của anh, nhưng không ai có thể xâm phạm không gian bên trong mà một người đã khám phá nơi chính nó.

 

Nơi đó người ta chạm đến ý nghĩa nền tảng của tính cách tâm linh : phương cách để đối mặt với tất cả những gì có thể xảy tới, nơi mình hay bên ngoài mình. Đối mặt : với những tình cảm không thể chế ngự nhất – với ngọn lửa của giận dữõ, với sự chán nản, với ngã lòng, với tham muốn đam mê, với đắng cay của oán hận ; đối mặt với những người khác và tất cả những phiền não xảy ra trong những tương quan với họ ; đối mặt với một thế giới quá khác biệt so với người ta chờ đợi. Đối măït thay vì nhắm mắt để chẳng thấy gì, thay vì lấp đầy những khoảng hở của đời mình cho đến khi không còn chỗ nào cho sự sáng suốt. Và trong ý nghĩa đó, Tulku trẻ Akong đã được trang bị đầy đủ để đối mặt với cái gì xảy đến với ngài : đó là một “người nuôi dạy cọp”. Không phải là những người mặc đồng phục, với đôi bốt và roi trong tay, đi vòng quanh những con mèo khổng lồ nguy hiểm và sang trọng. Mà là những người học cách chế ngự, điều phục con cọp bên trong là tâm thức này cho đến bao giờ nó còn chưa biết bản tánh chân thực của nó là gì.

 

Đọc một câu chuyện như thế, người ta sẽ không ngạc nhiên với chủ đề luôn luôn có mặt và là yếu tố chính yếu của lời dạy của Akong Rinpoche…

 

Tây Tạng ở Tô Cách Lan

 

Sau vài năm ở Ấn Độ, Tulku Akong thấy có cơ hội đi Anh. Cùng với Chošgyam Trungpa và vài người khác, năm 1963 ngài đến Oxford, ở đó ngài làm việc như một người chăm sóc trong bệnh viện. Người ta chú ý đến họ, người ta rút tỉa giá trị trong những cái mà những lama trẻ này trao truyền : những chiều tối và những ngày nghỉ cuối tuần chỉ dạy và thiền định đã được tổ chức chung quanh họ. Và dần dần, cái nhóm nhỏ không chính thức chung quanh Akong và Chošgyam muốn đi xa hơn là những cuộc gặp gỡ thỉnh thoảng : người ta tìm một nơi để sống và học. Những tình cờ của hoàn cảnh đưa họ đến ở trong một làng nhỏ phía nam Scotland (Tô Cách Lan), nơi mà những ngọn đồi gợn sóng nhắc nhớ đến một vài miền ở đông Tây Tạng.

 

Năm 1967, Tulku Akong và Chošgyam Trungpa lập nên trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng đầu tiên ở Tây phương, Samyé-Ling : Samyé (không thể quan niệm) để kỷ niệm tên của tu viện Phật giáo đầu tiên lập ra ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8, và Ling : có nghĩa là nơi chốn. Qua trung gian của Padmasambhava, đại đạo sư nổi danh vì đã “chế phục những ma quỷ”, Ấn Độ đã trao truyền ngọn lửa tâm linh Phật giáo đến Tây Tạng, xứ này đã nuôi dưỡng và giữ gìn nó và đã cho nó một sự rực rỡ và một màu sắc đặc biệt trước khi trao nó cho Tây phương. Samyé-Ling trở thành một trong những người mang đuốc mới.

 

Khoảng cuối năm 1971, theo sự thúc đẩy của những bạn bè và đệ tử người Mỹ, Trungpa đem ngọn đuốc sang bên kia bờ Đại Tây dương, ở đó phong cách trực tiếp và kích phát của ngài có một tác động sâu xa mà những cuốn sách của ngài còn kéo dài đến bây giờ, mặc cho cái chết sớm của ngài năm 1987. Akong Rinpoche ở lại Samyé-Ling và điều khiển nó từ thời đó. Trải qua năm tháng và khách thăm viếng ngày càng nhiều, ngôi nhà săn chim ưng cũ theo kiểu Tô Cách Lan và một ngôi nhà phụ thêm cũng không đủ nữa. Từ tháng tám 1988, một mái hai cánh vàng rực như bay trên màu lục của ngọn đồi ; đó là mái một ngôi chùa theo kiểu Tây Tạng từ nay làm ngạc nhiên những con chim và những người lái xe trên con đường đồng quê Tô Cách Lan này. Ngôi chùa tượng trưng giai đoạn đầu đã hoàn thành của việc xây dựng một tổng thể để cải thiện những điều kiện tiếp đón nhiều người muốn đến học, thiền định hay chỉ muốn có một ít nghỉ ngơi để khơi lại cội nguồn bên trong.

 

Thiền định và hành động

 

Để tiến bộ trong vài lĩnh vực nào đó, vừa phải có lý thuyết – hiểu biết – và thực hành – kinh nghiệm : người ta không tiến nhanh chỉ với một chân. Để tiến bộ trong tâm linh, thiền định và hành động phải đi đôi, và bởi thế Akong Rinpoche đã lấy chúng làm hai trục quanh đó những hành động của ngài và của Samyé-Ling được tổ chức.

 

Cánh cửa “thiền định” bao gồm vừa nghiên cứu lý thuyết là sự chuẩn bị cho nó, vừa là chính sự thiền định. Ở trung tâm Samyé-Ling, Akong Rinpoche nhằm vào cả hai : khía cạnh lý thuyết, những vị thầy hiện đại tốt nhất được mời đến dạy, mỗi vị trong chuyên môn của mình. Khía cạnh thực hành, mỗi người có thể tìm thấy cái mà nó cần, ở mức độ của nó : những khóa tu mãnh liệt dành cho sự học tập thiền định hay cho một hình thức thực hành đặc biệt, có thể có những nhập thất cá nhân hay tổ chức cho một số người (một chương trình đặc biệt xảy ra trong bốn năm liên tiếp). Người ta cũng có thể nhận những lời khuyên cá nhân và bàn luận những vấn đề riêng với Akong Rinpoche hay với những lama khác khi thăm viếng Samyé-Ling.

 

Khía cạnh hành động, những hoạt động của Akong Rin-poche có nhiều hình thức, chúng đều nhắm đến đưa vào thực hành nguyên lý lòng bi. Khởi từ ý tưởng về một nền tâm linh bao quát đặt nền trên sự quan tâm đến hạnh phúc của những người khác, Akong Rinpoche cho rằng tâm linh có một đóng góp cho đời sống xã hội hiện đại : đó là công việc của lòng bi, theo nghĩa nó đã được định nghĩa ở những phần đầu cuốn sách. Thế cho nên những hoạt động thực tiễn của ngài có thể nói là những chân nền cụ thể của điều ngài làm trên mức độ tâm linh. Ngài cũng khuyến khích những người làm việc với ngài hành động theo chiều hướng đó.

 

Những sự việc của đời sống

 

Những hoạt động của Akong Rinpoche cấu thành quanh ba trục lớn : hoạt động điều trị chữa bệnh, hoạt động từ thiện và hoạt động hội nghị các tôn giáo.

 

1. Hoạt động chữa bệnh : với giáo huấn về những phương pháp chữa bệnh và sự kế tục của chúng, bằng nhóm hay cá nhân, Akong Rinpoche đã tổ chức hoàn chỉnh một hội những người chữa bệnh (Niềm tin Tara, ở Edindourg), nhắm đến phối hợp hoạt động của những phương cách chữa bệnh khác nhau xoay quanh nguyên lý lòng bi. Ngài cũng đang tổ chức một cộng đồng chữa bệnh cho những bệnh nhân thần kinh có một nơi chốn để sống và tái thích hợp với đời sống xã hội. Bệnh nhân được bao quanh bởi những người “có thẩm quyền” không chỉ trong nghề nghiệp chuyên môn, mà còn bằng đường lối mà họ làm và tiếp tục làm, trong chiều hướng những ý tưởng của lòng bi được trình bày ở đây. Đáng chú ý là chương trình này được liên kết chặt chẽ với những yêu cầu xã hội trong vùng : một gương mẫu của sự phối hợp giữa tâm linh và thực tại xã hội.

 

2. Hoạt động từ thiện : qua trung gian một tổ chức quốc tế, Rokpa (một người giúp đỡ, một người bạn theo tiếng Tây Tạng), ban đầu khởi ý từ sự cần thiết giúp đỡ những người tỵ nạn Tây Tạng ở Ấn và những nơi khác trên thế giới, đỡ đầu cho những đứa trẻ, những người già hay bệnh tật, nhưng bây giờ mục tiêu là giúp đỡ “tất cả mọi người đang cần”. Đó là một sự cụ thể hóa ý thức về sự khốn khổ của “thế giới thứ ba” ; chính như thế mà Rokpa bảo đảm một bữa xúp bình dân cho những người không nơi nương tựa ở Glasgow và ở Luân Đôn, và làm việc cho một trung tâm ở Barcelone.

 

3. Hoạt động hội nghị các tôn giáo : để phát động một sự thông cảm lẫn nhau giữa những tôn giáo và cổ vũ cho một ý thức chung về cái mà tính tâm linh – nó là mục đích cho tất cả, vượt khỏi những khác biệt về những giáo điều, lễ nghi và kỹ thuật – có thể mang lại cho xã hội hiện đại trong việc đi tìm những giá trị mới.

 

Thế nên Akong Rinpoche định hướng một cách cương quyết cho Samyé-Ling bằng một cử chỉ vừa tượng trưng vừa cụ thể : tổ chức một hội nghị chuyên đề tư duy các tôn giáo nhân dịp khánh thành ngôi chùa Tây Tạng mới, ngày 8 tháng 8 năm 1988. Cử chỉ tượng trưng : Samyé-Ling không muốn là một nơi chốn “Phật giáo” dù nó được tổ chức bởi những người Phật giáo (chắc các bạn đã chú ý suốt trong cuốn sách ý nghĩa mà cuốn sách đã gán cho từ này). Akong Rinpoche chủ trương rằng trung tâm này là một nơi mở rộng cho bất kỳ ai muốn có được khung cảnh yên bình này để tìm ra hay củng cố một thanh bình bên trong, dù tư tưởng hay niềm tin của họ là thế nào. Nhưng cũng là cử chỉ cụ thể : khi mời những đại diện của những tôn giáo chính yếu và lớn của thế giới đến để tư duy chung trong ba ngày về một chủ đề định sẵn – lòng bi, vào dịp này – và xuất bản những kết quả của những trao đổi của họ, người ta thật sự tiến một bước đến sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Không phải trong con đường cằn cỗi của một tổng hợp ngây thơ, dù đó là một ý định tốt, như thường thấy trong các cuộc hội họp ; người ta không tìm cách xóa đi những dị biệt, mà biết chúng và hiểu chúng, để thôi tự tin là người đặc biệt nắm giữ Chân Lý. Từ đó người ta không chống đối nhau nơi những vấn đề nhỏ nhặt, người ta có thể làm việc cùng nhau ở cái chính yếu : điều mà chiều kích tâm linh có thể mang lại một cách cụ thể cho đàn bà và đàn ông trong thế giới chúng ta.

 

Những người tham dự hội nghị chuyên đề tôn giáo thấy rằng sự gặp gỡ và những công việc của họ đã gây cảm hứng và làm giàu có cho họ vượt cả mong đợi, và quyết định sự gặp gỡ trở thành hàng năm và những bản văn đóng góp và tham dự sẽ được xuất bản có hệ thống.

T

hiền định và hoạt động cũng là những nguyên lý theo đó những trung tâm khác hoạt động, chúng ở nhiều xứ sở khác nhau theo sáng kiến của những người làm việc với Akong Rin-poche và họ yêu cầu ngài bảo đảm cho sự hướng dẫn tâm linh của chúng. Đó chính là trường hợp của Trung tâm nghiên cứu Tây Tạng ở Bruxelles cuốn hút những người Pháp vì tại đây Akong Rinpoche đã đều đặn cho những khóa học và Edie Irwin điều hành những nhóm thực hành chữa bệnh (phối hợp với những giáo huấn thực hành). Những trung tâm để học hỏi những giáo huấn thực hành ngoài trung tâm ở Bruxelles và Rokpa-Pháp, bạn có thể viết trực tiếp về cho Akong Rinpoche ở Samyé-Ling, Eskdalemuir – Dumfriesshire – Scotland – GB.

 

Một mời gọi vào hành động

 

Chân dung của người nuôi dạy cọp này làm bật lên một điểm quan trọng : sự hiểu biết chính mình đưa đến với những người khác. Sự hiểu biết chính mình không phải là một phương cách để trốn thoát cuộc đời và những trách nhiệm của nó, mà để trở lại với cuộc đời với những dụng cụ cần thiết để đóng góp phần nhỏ của mình vào đó – mỗi người theo những năng khiếu và nguyện vọng riêng của mình.

SHARE:

Trả lời