PHẦN II: LƯỢC GIẢI: A. DUYÊN KHỞI

SHARE:

PHẦN II: LƯỢC GIẢI: A. DUYÊN KHỞI

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế-Tôn ở xứ Kuru (Câu-lâu), Kammassadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm) là đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo.

Các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn!

Thế Tôn thuyết như sau:   

– Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.

Mở đầu bài kinh, chúng ta thấy Đức Phật gọi các vị Tỷ-kheo, và giới thiệu về “Con đường độc nhất”. Đây là thể “Vô vấn tự thuyết”, nghĩa là Đức Phật thuyết giảng không vì đại chúng thưa thỉnh, mà chính Ngài thấy đúng nơi, đúng lúc nên tự ý nói ra.

Ngay từ đầu, Phật đã đi thẳng vào vấn đề: Nêu ra hai khả năng đặc biệt quan trọng của Bốn Niệm xứ, tức là kết quả tu tập của một hành giả nếu đi theo lộ trình này. Một là, giúp hành giả được thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu: đó là Giải-thoát. Hai là, giúp hành giả thành tựu chánh trí, tức đẩy lui được vô minh: đó là Giác-ngộ. Giác ngộ và Giải thoát là hai đức tính của Niết-bàn. Chính Bốn Niệm xứ là con đường duy nhất đưa đến cứu cánh ấy.

Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Sau khi nói về Niết-bàn là kết quả tu hành, Đức Phật giới thiệu những điều kiện để đạt đến kết quả ấy. Chúng ta thấy Đức Phật quả là một nhà tâm lý học đại tài. Ngài biết chúng sanh ưa thích sự an lạc, hạnh phúc, nên đề cập đến Niết-bàn là quả vui xuất thế gian trước nhất; sau đó mới giảng về nhân vui xuất thế gian. Muốn chứng ngộ Niết-bàn, chúng sanh phải an trú trong bốn lĩnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp; đó là bốn đối tượng phải chú tâm, để ý, không được xao lãng, mà Phật gọi là Bốn Niệm Xứ.

Trong đoạn kinh này, Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại cụm từ “nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Nếu tu hành mà không nhiệt tâm, không tinh tấn, không dồn hết tâm lực của mình vào việc đẩy lui vô minh, tiêu trừ dục vọng, thì làm sao vượt qua mọi khó khăn trở ngại trên đường tu, thành tựu đạo quả? Chính tâm nồng nhiệt nóng bỏng, lại vững chắc trước sau như một, mới giúp chúng ta tăng tiến, giúp chúng ta luôn luôn tỉnh giác, tức biết rõ mọi điều đang xảy ra trong thân tâm và cảnh vật xung quanh ta. Cũng chính nhờ có nhiệt tâm, chúng ta mới luôn luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, luôn luôn sống với thực tại “đang là”: đây là tinh thần của Chánh niệm. Khi tâm thanh tịnh, bao nhiêu tham ưu trên đời đều không còn ảnh hưởng đến chúng ta được nữa.

SHARE:

Trả lời