II. QUÁN THỌ TRÊN CÁC THỌ

SHARE:

II. QUÁN THỌ TRÊN CÁC THỌ

Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo khi có cảm giác lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ”; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ”; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ”. Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất”. Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất”. Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất”; hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất”. Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. “Có thọ đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.

Lĩnh vực thứ hai trong Bốn Niệm Xứ, mà Đức Phật dạy chúng ta phải bám sát để theo dõi, là các cảm thọ, từ lúc chúng bắt đầu phát sinh, tồn tại một thời gian cho đến khi hủy diệt. Mục đích là để thực hiện sự chuyển hóa. Theo dõi, nhận diện và chuyển hóa là quá trình của tỉnh thức, mà đối tượng của sự tỉnh thức ở đây là các cảm thọ.

Từ đâu phát sinh ra các cảm thọ? – Đó là do sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra các cảm thọ. Cảm thọ có phát sinh, có tồn tại rồi có hủy diệt; cho nên chúng không có thật và không thường hằng. Ta gọi chúng là Các cảm thọ sinh diệt, gồm chín loại, được phân biệt như sau:

* Phân biệt theo tính chất: Gồm ba loại:

– Khổ

– Lạc: vui

– Bất khổ bất lạc: Còn gọi là Trung tính, tức không khổ không vui.

* Phân biet theo nơi phát sinh: Có sáu loại: Đó là các cảm thọ của Mắt khi nhìn thấy Sắc, của Tai khi nghe tiếng, của Mũi khi ngửi mùi, của Lưỡi khi nếm vị, của Thân khi xúc chạm, và của Ý khi duyên theo các pháp.

Mỗi loại cảm thọ từ sáu nơi này, cũng được phân biệt có Khổ, Lạc và Trung tính. Ví dụ, khi tai nghe tiếng khen ta thấy vui thích (Cảm thọ Lạc của tai), nghe tiếng chê ta bực bội (Cảm thọ khổ của tai), nghe tiếng xe chạy hoặc tiếng nói ngoài đường mà ta không có ý niệm hay tình cảm gì (Cảm thọ trung tính của tai). Tương tự cho các căn khác, khi tiếp xúc với các trần tương ứng. Cho nên, theo dõi cảm thọ cũng là con đường nội nhiếp, tức xoay trở lại chính mình. Quán các cảm thọ cũng là thực hiện chánh niệm, cũng là tuệ tri vì dùng trí tuệ để biết. Trong phần này, Đức Phật dạy chúng ta tuệ tri theo bốn tình huống:

1. Khi có cảm giác lạc thọ, hay khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ.

2. Khi có cảm giác lạc thọ thuộc vật chất hay không thuộc vật chất.

3. Khi có cảm giác khổ thọ thuộc vật chất hay không thuộc vật chất.

4. Khi có cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất hay không thuộc vật chất.

Cảm thọ thuộc vật chất là những cảm thọ phát sinh khi các căn tiếp xúc với những vật có hình tướng. Cảm thọ không thuộc vật chất (tức là tinh thần) phát sinh đối với những gì trừu tượng. Một số ví dụ sau đây sẽ minh họa vấn đề này:

– Khi ăn một món ngon, ta thấy thích thú: Cảm giác lạc thọ thuộc vật chất của lưỡi.

– Khi uống một viên thuốc Quinine quá đắng, ta không ưa: Cảm giác khổ thọ thuộc vật chất của lưỡi.

– Khi nghe một bản nhạc hay, tâm hồn ta lâng lâng khoan khoái: Cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất của tai.

– Khi nhớ đến một kỷ niệm buồn, tâm hồn ta xao xuyến, bồi hồi: Cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất của ý.

Đức Phật dạy chúng ta khám phá những bí mật ở chính bản thân mình, qua những lĩnh vực mà thoạt nghe, chúng ta thấy thật tầm thường. Đối với các nhà khoa học, muốn tìm tòi phát minh một vấn đề gì, phải vào phòng thí nghiệm, sử dụng những dụng cụ, những máy móc tối tân. Người tu chúng ta cũng mở ra những cuộc thí nghiệm, cũng dấn bước trên con đường phiêu lưu để tìm lại con người thật xưa nay của chính mình. Nhưng Phật lại bắt chúng ta sống cuộc đời phản quan tự kỷ, miên mật theo dõi từng động tác của cơ thể, rồi từng diễn tiến của những cảm thọ, là những gì ở ngay trong mỗi người chúng ta. Điều này có ý nghĩa như thế nào? Kết quả của việc hành trì ấy ra sao? Chúng ta cần nhận định những vấn đề này thật tường tận để có niềm tin kiên cố về phương pháp mình sẽ thực hiện.

Một người tu Phật phải giữ nhiều cấm giới: Ít nhất là năm giới của các cư sĩ tại gia, cho đến hai trăm năm mươi giới của Tỷ-kheo và ba trăm bốn mươi tám giới của Tỷ-kheo ni. Nhưng chung quy, chỉ có một giới điều căn bản: đó là sống tỉnh thức trong chánh niệm. Khi thực hiện chánh niệm trong từng giây phút của cuộc sống, nghĩa là chúng ta luôn luôn đặt tâm vào hiện tại; mọi diễn biến của thân thể, của cảm thọ, chúng ta đều bám sát. Hàng ngày, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chúng ta có rất nhiều cảm thọ. Nhưng có khi nào chúng ta ý thức được điều này, thường cứ để chúng trôi qua. Bây giờ, chúng ta bám sát các cảm thọ nên theo dõi và nhận diện được chúng; cảm thọ nào phát sinh, ta đều biết rõ. Đây không phải là lối tu tiêu cực vì không trốn tránh sự thật, không chủ trương diệt trừ cảm thọ, nên không phải là pháp môn đối trị. Thiền Niệm Xứ chỉ sử dụng cái BIẾT bằng trí tuệ, nên ở bất cứ lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào, tình huống nào, chúng ta cũng chỉ TUỆ-TRI. Và như vậy, chúng ta có thể thực hiện Thiền pháp này trong mọi oai nghi, mọi nơi mọi lúc. Mục đích của sự theo dõi và nhận diện này, chính là để chuyển hóa các cảm thọ.

Thế nào là chuyển hóa các cảm thọ? – “Chuyển hóa” là kết quả đầu tiên của phương pháp Quán thọ trên các thọ.

Khi theo dõi các cảm thọ, chúng ta thấy tường tận từng diễn tiến của chúng qua ba giai đoạn: sanh khởi, tồn tại và hủy diệt. Thực hiện chánh niệm miên mật từng phút giây, không còn chỗ hở để vọng niệm xen vào, chúng ta sẽ có sức tỉnh giác rất mạnh. Lúc thành tựu chánh niệm, cái hay biết và cảm thọ bị biết trở thành nhất như, chính chúng ta và cảm thọ trở thành một. Nước không nhận chìm được nước, lửa không thể đốt cháy lửa; cũng vậy, khi chúng ta và cảm thọ là một, thì cảm thọ không còn sai sử, chi phối chúng ta được nữa. Không bị cảm thọ sai sử nên chúng ta không còn bị kiết sử, tức trói buộc. Chúng ta sẽ an lạc trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc, mọi nơi chốn; sống trong trần thế nhưng tự tại với tất cả. Đó là thực hiện chuyển hóa các cảm thọ.

Tinh thần BÁM SÁT – THEO DÕI – NHẬN DIỆN các cảm thọ để cuối cùng CHUYỂN HÓA, chúng ta có thể áp dụng trong bất cứ tình huống nào, đặc biệt là đối với các nỗi đau khổ về tinh thần hay về thể xác. Có những người mắc một số chứng bệnh nan y, hàng ngày hàng giờ phải chịu nhiều cơn đau mãnh liệt, cùng cực. Như các trường hợp ung thư ở giai đoạn cuối, thầy thuốc phải chỉ định cho họ dùng ma túy để tạm thời cắt cơn đau. Nếu không biết tu, khi cơn đau nổi lên, bệnh nhân chỉ biết lăn lộn, rên rỉ; như thế càng làm cơn đau mạnh hơn, người ấy khó chịu đựng được nếu không có thuốc giảm đau. Nếu chúng ta có sức tỉnh giác, đối diện với cơn đau, nhờ ánh sáng chánh niệm ta theo dõi nó từ lúc bắt đầu phát sinh và suốt thời gian tồn tại. Chúng ta không tìm cách diệt trừ, đè bẹp nó hay trốn tránh nó; chúng ta chỉ TUỆ-TRI nó. Như ánh sáng mặt trời chiếu sáng mọi loài, mặt trời không có ý soi rọi, biến đổi hay nuôi dưỡng sự vật, nhưng muôn vật nhờ ánh sáng mặt trời nên tự thân chuyển hóa. Cũng vậy, thắp sáng sự tỉnh giác lên từng diễn tiến của cơn đau, tự thân cơn đau được chuyển hóa, chúng ta trở thành một với cơn đau, nên dù cơn đau vẫn còn hiện diện, chúng ta vẫn có thể ôm ấp nó, hòa nhập với nó và chịu đựng được nó. Cuối cùng, khi cơn đau biến mất, chúng ta vẫn có mặt ở đó để chứng kiến: đây là giai đoạn hủy diệt của cơn đau.

Kết quả thứ hai của pháp Quán này, là nhận ra được bản chất thật sự của các cảm thọ. Chúng ta biết, cảm thọ do sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tức do duyên mà phát sinh, nên nó vô ngã; cảm thọ thay đổi luôn luôn nên nó vô thường. Vì vô thường và vô ngã nên nó hư ảo, không thật có. Thấy rõ bản chất bất thực và hư ảo của cảm thọ, chúng ta không còn nương tựa và chấp trước, vì không còn bị trói buộc bởi sầu-bi-khổ-ưu-não. Đây là thành tựu chánh trí, là giải thoát.

Qua hai lĩnh vực Thân và Thọ, chúng ta đã có thể thấy Thiền Niệm Xứ nói riêng và các Thiền pháp nói chung đều là con đường nội nhiếp, là những phương tiện giúp hành giả trở về với con người thật của chính mình. Mới đầu chúng ta cho là quá đơn giản, quá tầm thường, nhưng đến một lúc nào đó, sau một thời gian miên mật chú tâm vào giờ phút hiện tại trên một đối tượng, thì sự hợp nhất giữa mình (là chủ thể quán chiếu) và đối tượng quán chiếu sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ thấy, giữa bao ràng buộc của cuộc sống, mình vẫn tự do; giữa bao đau khổ của kiếp người mà mình vẫn ung dung tự tại. Chúng ta sẽ có cơ hội phát minh được việc lớn.

SHARE:

Để lại một bình luận