Chương Ba: Thiền là gì?

SHARE:

Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009
Tủ sách Rộng mở tâm hồn

1. Lời giới thiệu
2. Chương Một Vì sao phải quan tâm đến thiền?
3. Chương Hai Những gì không phải là thiền?
4. Chương Ba Thiền là gì?
5. Chương Bốn Thái độ
6. Chương Năm Sự thực tập
7. Chương Sáu Phương cách điều thân
8. Chương Bảy Phương pháp điều tâm
9. Chương Tám Ngồi thiền
10. Chương Chín Chuẩn bị trước khi ngồi thiền
11. Chương Mười Những khó khăn trong lúc ngồi thiền
12. Chương Mười Một Đối trị với sự xao lãng – Phần I
13. Chương Mười Hai Đối trị với sự xao lãng – Phần II
14. Chương Mười Ba Chính niệm (Sati)
15. Chương Mười Bốn Niệm và định
16. Chương Mười Lăm Thiền tập trong đời sống hằng ngày
17. Chương Mười Sáu Được gì cho ta?
18. Lời Kết Năng lực của tâm từ

Chương Ba
Thiền là gì?

Thiền là một danh từ. Và từ ngữ thì được sử dụng qua nhiều cách khác nhau, bởi nhiều người khác nhau. Điều này nghe qua có vẻ rất tầm thường, nhưng không phải vậy. Bao giờ chúng ta cũng cần phải hiểu được chính xác ý nghĩa của những từ ngữ mà một người nào đó sử dụng. Điều đó rất quan trọng. Có thể là trên toàn thế giới này, bất cứ một nền văn hóa nào cũng có những phương pháp đào luyện tâm linh, mà họ gọi là thiền (meditation). Tất cả tùy thuộc vào việc bạn định nghĩa thiền như thế nào. Phương pháp thiền thì trên thế giới này có rất nhiều và khác biệt nhau, nhưng chúng ta sẽ không bàn đến ở đây. Có nhiều sách khác đã làm việc ấy. Ở đây, chúng ta chỉ giới hạn vào những phương pháp thiền quen thuộc và phổ thông đối với người phương Tây.

Trong truyền thống Thiên chúa giáo, chúng ta thấy có hai phương pháp chồng lấn lên nhau, đó là cầu nguyện (prayer) và trầm tư (contemplation). Cầu nguyện là một hình thức dâng lên hoặc nói chuyện trực tiếp với một đấng linh thiêng nào đó. Trầm tư là dành một thời gian dài suy tư mặc tưởng về một đề tài nhất định, thường là những lý tưởng tôn giáo hoặc một đoạn kinh nào đó. Theo quan điểm của thiền tập thì cả hai phương pháp trên đều là những bài tập thuộc về thiền định. Những tư tưởng tạp nhạp, ồn ào trong đầu đều bị hạn chế, hành giả đem tâm ý mình tập trung vào một đề mục duy nhất. Và kết quả cũng giống với những gì ta tìm thấy trong mọi phương pháp thiền định khác: một sự tĩnh lặng sâu sắc, những hoạt động tâm sinh lý chậm lại, với một cảm giác rất an vui và khỏe khoắn.

Trong truyền thống Ấn độ giáo (Hindu), ta có pháp môn yoga, và đây cũng là một pháp môn thuần túy thuộc về thiền định. Phương pháp thực tập căn bản là đem tâm ý tập trung vào một đối tượng duy nhất – như là một hòn đá, một ngọn nến, một âm thanh, hay một điều gì đó – và không suy nghĩ lan man. Sau một thời gian thực hành thuần thục, hành giả sẽ tiếp tục nới rộng sự thực tập của mình ra bằng cách chọn những đối tượng khác phức tạp hơn – như là những bài kinh, những hình ảnh tâm linh màu sắc, những luân xa trong người… Nhưng cho dù đề mục thiền tập của họ có phức tạp, cầu kỳ đến đâu, phương pháp cũng vẫn là một, thuần túy đó chỉ là những bài tập về định.

Trong truyền thống của đạo Phật thì thiền định có một giá trị rất cao. Nhưng nó còn có cộng thêm một yếu tố mới, và được nhấn mạnh hơn, đó là yếu tố tỉnh giác. Tất cả những phương pháp thiền tập trong đạo Phật đều nhắm đến cùng một mục tiêu là sự phát triển tuệ giác, và định lực được dùng như là một công cụ để đi đến đó. Pháp môn của đạo Phật thì rất mênh mông, và vì vậy mà có nhiều con đường khác nhau để đi đến mục tiêu ấy.

Trong truyền thống của Zen thì người ta sử dụng hai phương cách. Cách thứ nhất là trực tiếp đi thẳng vào tâm thức bằng nghị lực và ý chí của chính mình. Ta chỉ việc ngồi xuống, và cứ ngồi yên đấy, có nghĩa là ta bỏ ra ngoài tất cả những gì trong đầu, chỉ trừ cái ý thức tỉnh giác về sự ngồi thiền của mình mà thôi. Nghe thì có vẻ rất là giản dị. Nhưng thật ra là rất khó. Nếu bạn không tin cứ thử ngồi xuống thực hành trong giây lát đi, bạn sẽ hiểu những gì tôi nói. Phương cách thứ hai, được dùng trong truyền thống thiền Lâm Tế, là khéo léo lừa tâm ý của ta ra khỏi những lối suy nghĩ thông thường và đi vào một sự tỉnh giác đơn thuần. Theo phương cách này người ta sử dụng công án, tức là những vấn đề không thể giải đáp được, những câu hỏi không có câu trả lời, và thiền sinh bị bắt buộc phải giải quyết, trong một hoàn cảnh huấn luyện rất gian nan. Và vì thiền sinh không thể nào trốn chạy đi đâu được, họ bắt buộc phải nhảy thẳng vào cái kinh nghiệm thật của giây phút hiện tại, chứ đâu còn một nơi nào khác hơn nữa? Zen là một pháp môn thực tập khá gian nan. Nó có thể mang lại hiệu quả cho nhiều người, nhưng là một pháp môn rất cam go.

Một pháp môn khác nữa là Phật giáo Mật tông, (Tantric Buddhism) phương pháp này thì hoàn toàn trái ngược lại. Những tư tưởng bình thường, thường ngày của ta là những biểu hiện của một tự ngã, một cái “tôi” mà ta nhận đó là mình. Mọi ý thức của ta đều có liên hệ đến một ý niệm về cái ngã. Thật ra ý niệm về một cái tôi, hay cái ngã chỉ là những phản ứng và những hình ảnh đã được đặt lên trên những ý thức đơn thuần của mình. Pháp môn tantra này cố gắng đập tan đi những hình ảnh đó, để giúp ta trở về với ý thức thanh tịnh. Và phương pháp của họ dùng là quán tưởng. Thiền sinh được trao cho một hình ảnh thiêng liêng nào đó để quán tưởng, ví dụ như là một vị thần trong truyền thống của họ. Người thiền sinh sẽ thực tập cho đến khi nào họ trở thành vị thần linh ấy. Ta bỏ cái ngã của mình đi và mang lên một cái ngã khác. Công việc này, như bạn thấy nó đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng rất có hiệu quả. Qua tiến trình ấy, hành giả sẽ hiểu được cách cấu thành bản ngã và hoạt động của nó. Từ đó, họ có thể nhận diện được tính chất vô nền tảng của mọi cái ngã, bao gồm cả bản ngã của chính mình, và nhờ đó mà họ có thể giải thoát khỏi sự trói buộc với bản ngã. Họ cũng nhận thức rằng, ta có thể chọn lấy bất cứ một cái ngã nào nếu muốn, và ta cũng có thể không chọn một cái nào hết, tùy tiện. Và kết quả là một ý thức đơn thuần. Nhưng pháp môn tantra này cũng không phải dễ.

Thiền quán vipassana là một pháp môn thiền tập xa xưa nhất của đạo Phật. Phương pháp này bắt nguồn từ kinh Tứ niệm xứ (Bốn lĩnh vực quán niệm – Satipatthana Sutta, Trung bộ, 10) do chính đức Phật dạy. Thiền quán vipassana là một phương pháp trực tiếp và từ tốn, nó nuôi dưỡng và giúp ta phát triển chính niệm và tuệ giác. Thiền quán là một phương pháp tiến chậm rãi từng bước, từng bước một, qua nhiều năm tháng. Hành giả đem sự chú ý của mình chiếu soi thật cặn kẽ vào một số phương diện nào đó trong đời sống của chính mình. Ta ghi nhận mọi kinh nghiệm của đời sống. Thiền quán là một pháp môn rất nhẹ nhàng, nhưng nó cũng rất là tỉ mỉ và hoàn toàn. Nó là một pháp môn cổ truyền và là một truyền thống rất nghiêm túc, gồm những bài thực tập giúp ta phát huy chính niệm, và ý thức được những kinh nghiệm trong cuộc sống mình rõ ràng hơn. Đó là nhờ ta biết lắng nghe chăm chú hơn, quán sát tỉnh thức hơn, và thực nghiệm kỹ càng hơn. Chúng ta thực tập ngửi nếm mùi vị tinh nhuệ hơn, xúc chạm trọn vẹn hơn, và ý thức được hết những biến đổi xảy ra trong tất cả những kinh nghiệm ấy. Chúng ta học cách lắng nghe những tư tưởng của mình mà không bị vướng mắc vào chúng.

Mục đích của thiền quán là để thấy được tự tính của vô thường, vô ngã và sự bất toại nguyện có mặt trong tất cả mọi hiện tượng. Chúng ta cứ tưởng rằng mình đã biết hết chúng rồi, nhưng thật ra đó chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Trong cuộc đời, chúng ta rất ít khi nào chú ý đến những kinh nghiệm sống của mình, nhiều khi chúng ta hành xử như một người đang mơ ngủ. Chúng ta không có chính niệm đủ để ý thức được rằng mình không có chính niệm!

Qua sự thực tập chính niệm, dần dần chúng ta sẽ ý thức được mình là ai. Chúng ta sẽ nhìn xuyên qua được tấm màn của tự ngã. Ta tỉnh dậy và tiếp xúc với sự sống đang có mặt. Cuộc sống không phải chỉ là những cuộc thăng trầm, hơn thua, còn mất. Chúng không thật. Sự sống sâu sắc hơn thế, nếu ta biết nhìn, và nhìn bằng một con mắt quán chiếu.

Thiền quán là một phương pháp tôi luyện tâm ý, dạy cho ta biết kinh nghiệm sự sống này qua một đường lối hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên, ta sẽ thực sự trải nghiệm được những gì đang xảy ra cho ta, chung quanh ta và trong ta. Nó là một tiến trình tự khám phá, một sự khảo sát mà trong đó ta vừa quán sát những kinh nghiệm của mình, lại vừa trực tiếp tham gia vào đó. Chúng ta thực tập với một thái độ: “Không cần biết những gì tôi đã học. Bỏ qua hết một bên những lý thuyết, ý niệm và thành kiến của mình. Tôi chỉ muốn hiểu được tự tính của sự sống này. Tôi muốn biết được thế nào là một kinh nghiệm sống thực sự. Tôi muốn được hiểu thấu và sâu sắc tính chất của cuộc đời này, và tôi không muốn chỉ nghe lời giải thích của bất cứ một người nào khác. Tôi muốn tự chính mình nhìn thấy.”

Và nếu bạn theo đuổi con đường thực tập thiền quán với thái độ ấy, tôi tin chắc bạn sẽ thành công. Bạn sẽ biết cách nhìn sự vật bằng con mắt khách quan, như chúng thật sự đang hiện hữu – biến chuyển và thay đổi trong từng mỗi giây phút. Cuộc sống lúc ấy sẽ tự nhiên trở nên vô cùng phong phú và kỳ diệu. Ngôn ngữ không thể nào diễn tả được, ta chỉ có thể tự trải nghiệm mà thôi.

Trong tiếng Pali, danh từ chuyên môn của thiền quán là vipassana bhavana. Bhavana có ngữ căn là bhu, có nghĩa là tăng tiến hay trở thành. Vì vậy, bhavana có nghĩa là một sự tôi luyện, và luôn luôn nó được dùng có liên quan đến tâm ý. Bhavana có nghĩa là sự đào luyện tâm ý. Chữ vipassana được ghép từ hai chữ gốc: Passana có nghĩa là thấy, hay là nhận biết. Vi là một tiếp đầu ngữ (prefix) bao gồm nhiều nghĩa mà ta có thể tạm dịch là “bằng một cách đặc biệt”, và cũng có thể là “đi vào” hay “xuyên qua một cách đặc biệt”. Toàn nghĩa của chữ vipassana là nhìn thẳng vào một vật, hay một đối tượng nào đó, một cách rõ rệt và chính xác, thấy rõ được từng yếu tố riêng biệt, và xuyên thấu qua tất cả để nhận diện được bản chất thực sự của nó. Vipassana còn được dịch là minh sát tuệ. Tiến trình ấy dẫn ta đến một tuệ giác về tự tính căn bản của đối tượng mà ta đang quán sát. Ghép hai chữ ấy lại với nhau, vipassana bhavana có nghĩa là sự đào luyện tâm ý, giúp ta nhìn sự vật qua một phương cách đặc biệt để mang lại tuệ giác và một sự hiểu biết trọn vẹn.

Trong thiền quán vipassana, chúng ta thực tập một cách nhìn đặc biệt đối với sự sống. Chúng ta tập tiếp xúc với thực tại đúng thật như chúng đang hiện hữu, và ta gọi cách nhìn này là chính niệm. Chính niệm là một cách nhìn mới mẻ, khác với cách nhìn thông thường của ta.

Thường ngày, chúng ta có nhìn nhưng không thấy được những gì đang thật sự có mặt ở ngay trước mắt mình. Chúng ta nhìn cuộc đời qua một lăng kính của tư tưởng và ý niệm, và rồi ta nhầm lẫn chúng với thực tại. Chúng ta bị chìm trôi trong dòng sông ý tưởng bất tận này, trong khi thực tại vẫn đi ngang qua mà ta không hề hay biết đến. Ta miệt mài trong những sinh hoạt của đời sống, đeo đuổi theo những thú vui và sự thoả mãn, trốn tránh những khổ đau và sự thất vọng. Chúng ta dồn hết năng lực để cố gắng làm sao cho mình được dễ chịu hơn, che giấu đi những lo lắng và sợ hãi và không ngừng tìm kiếm một sự an ổn. Trong khi ấy, thực tại vẫn đi ngang qua, mà ta không hề tiếp xúc, không hề hay biết đến. Trong thiền quán vipassana, chúng ta thực tập buông bỏ hết những thôi thúc mong muốn được dễ chịu hơn. Thay vào đó, chúng ta tiếp xúc trực tiếp và hòa nhập với thực tại. Bởi vì điều nghich lý ở đây là, hạnh phúc thật sự chỉ có mặt khi chúng ta không còn theo đuổi nó. Đây cũng là một tình huống bế tắc cho hầu hết chúng ta!

Khi ta biết dừng lại, không để cho sự ham muốn những cảm giác dễ chịu thúc đẩy mình nữa, hạnh phúc thật sự sẽ có mặt. Khi ta thôi không còn theo đuổi ngoại cảnh, sự sống mầu nhiệm sẽ bắt đầu hiển lộ. Khi ta sẵn sàng muốn biết một thực tại trọn vẹn, không ảo tưởng, gồm cả những đau đớn và hiểm nguy, khi ấy ta sẽ có được tự do và an ổn thật sự. Đây không phải là một kiểu giáo thuyết mà tôi muốn bạn tin theo, nhưng là một sự thật rất hiển nhiên mà bạn có thể và nên tự mình kiểm chứng.

Đạo Phật đã có từ hơn 2.500 năm, và bất cứ một hệ thống tư tưởng nào được trao truyền lâu đời như vậy đều có đủ thời gian để tạo dựng nên nhiều tầng lớp giáo thuyết và nghi thức. Dù vậy, thái độ căn bản của đạo Phật vẫn là sự thực nghiệm và không dựa vào thần quyền. Đức Phật Cồ-đàm (Gotama) là một người không bị trói buộc vào truyền thống và chống lại chủ nghĩa giáo điều. Ngài không bao giờ xem những lời dạy của mình như là những tín điều độc đoán, mà chỉ xem đó như là những ý tưởng đề xuất mà mỗi người phải tự mình kiểm chứng. Lời mời gọi của đức Phật lúc nào cũng vẫn là “Hãy đến và thấy.” Ngài dạy rằng: “Đừng bao giờ đặt thêm lên đầu mình một cái đầu nào khác nữa.” Có nghĩa là ta đừng bao giờ chấp nhận lời giải thích của bất cứ một ai khác. Hãy tự mình thấy.

Và tôi muốn bạn cũng có cùng một thái độ ấy khi đọc quyển sách này. Tôi sẽ trình bày những điều mà bạn không nên tin và chấp nhận chỉ vì uy tín của tôi trong lĩnh vực này. Một niềm tin mù quáng không có ích lợi gì. Tất cả những sự thật này đều có thể chứng nghiệm được. Bạn hãy học biết thay đổi cách nhìn của mình theo những chỉ dẫn trong sách này, và rồi bạn sẽ thấy. Khi đó, và chỉ đến khi đó bạn mới có được nền tảng cho niềm tin của mình. Thiền quán nhất thiết phải là một sự thực hành quán xét khám phá tự thân.

Và giờ đây tôi xin phép được trình bày sơ lược một số điểm chính trong giáo lý đạo Phật. Tôi không muốn nói nhiều, vì tôi nghĩ bạn có thể tìm thấy đầy đủ hơn ở những nơi khác. Nhưng những điều tôi trình bày ở đây có liên hệ trực tiếp và sẽ giúp ta hiểu rõ thêm về thiền quán.

Theo cách nhìn của đạo Phật thì loài người chúng ta đang sống theo một cung cách rất kỳ lạ. Chúng ta nhìn thấy những sự vật vô thường, thay đổi chung quanh mình, nhưng cứ vẫn tin rằng chúng sẽ tồn tại vĩnh cửu. Những thay đổi xảy ra liên tục và không ngừng nghỉ. Ngay cả trong khi bạn đang đọc những dòng chữ này, cơ thể của bạn cũng đang già nua đi. Nhưng bạn đâu có chú ý đến việc ấy đâu! Quyển sách bạn cầm trên tay đang mục nát đi. Những dòng mực đang phai mờ, và những tờ giấy đang vụn vỡ ra. Những bức tường chung quanh bạn đang đổ nát đi. Những phân tử bên trong bức tường ấy đang rung động với một tầng số rất cao, tất cả đều đang trong tiến trình đảo ngược, tan vỡ và từ từ tiêu hủy. Và bạn cũng chẳng hề để ý gì đến việc ấy.

Rồi cho đến một ngày, bạn chợt nhìn lại. Da mình sao lại nhăn nheo và những khớp xương bắt đầu đau nhức. Quyển sách này bây giờ chỉ còn là những tờ giấy ố vàng, phai mờ, rời rã. Căn nhà, những bức tường là những đống gạch vụn. Bạn tiếc nuối tuổi trẻ đã mất, khóc thương cho những gì đã là của mình. Nhưng nỗi đau ấy phát xuất từ đâu? Nó phát xuất từ sự thiếu tỉnh thức của chính mình. Ta đã không chịu nhìn cho rõ sự sống. Ta đã không nhìn thấy một dòng sông biến đổi trôi chảy liên tục trong cuộc đời này. Chúng ta xây dựng lên những ý niệm, hình ảnh về “tôi”, “quyển sách”, “căn nhà”, và rồi ta cứ đinh ninh cho chúng là thật, là bất biến, không bao giờ thay đổi! Ta nhất định cho rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi. Điều đó chẳng bao giờ có được! Nhưng bạn có thể thực tập tiếp xúc với những sự biến đổi liên tục ấy. Bạn có thể học cách nhận thức đời mình như là một dòng chuyển động không ngừng, như một vũ điệu hay một nhạc khúc rất tuyệt vời. Bạn có thể học cách tìm được niềm vui trong sự trôi qua liên tục của tất cả mọi hiện tượng. Bạn có thể học cách sống với dòng chảy của thực tại thay vì là liên tục chống lại những đổi thay. Bạn có thể làm được tất cả những điều ấy. Vấn đề chỉ là thời gian và sự thực tập mà thôi.

Thói quen nhận thức của con người chúng ta rất là sai lầm. Chúng ta bỏ ra ngoài hết 99% những cảm xúc thu nhận qua các giác quan của mình. Và 5% còn lại, ta đem đông cứng lại thành một nhận thức kiên cố trong tâm. Và rồi ta phản ứng với nhận thức ấy bằng những tập quán và thói quen của mình.

Ví dụ, bạn đang ngồi một mình yên tĩnh trong một buổi tối thanh vắng. Bỗng từ xa có tiếng chó sủa. Bản thân sự nhận biết âm thanh ấy thật tuyệt vời đến mức không thể mô tả được, nếu như bạn chịu để tâm phân tích nó. Trong màn đêm tịch mịch như mặt biển im lặng bỗng nổi lên những con sóng âm thanh rung động. Tai bạn tiếp nhận những âm thanh phức tạp đáng yêu đó, biến chúng thành những điện từ li ti kích thích tế bào thần kinh. Bản thân tiến trình nhận thức đó thật tuyệt vời và hoàn hảo. Nhưng con người chúng ta thường có khuynh hướng bỏ qua không nhận biết tất cả những điều đó. Thay vì vậy, chúng ta đông cứng sự nhận thức ấy lại thành một đối tượng tâm ý. Ta dán thêm lên đó một hình ảnh, và rồi tiếp theo là một chuỗi phản ứng tâm lý và vật lý: “Cũng lại con chó đó nữa! Hễ tới khuya tối là cứ sủa om lên. Không ai chịu được. Đêm nào cũng như đêm nấy thì ai đây mà chịu nổi! Phải có ai làm gì đi chứ! Chắc là mình phải gọi cảnh sát! Không được, gọi chỗ bắt chó mới phải! Thôi, để mình viết một lá thư thật nặng rồi gửi thẳng cho người chủ chó. Mà cũng phiền phức quá, thôi mình cứ nhét bông gòn vào tai cho xong chuyện.” Thật ra, tất cả những cái đó chỉ là những tập quán và thói quen nhận thức. Chúng ta đã được học cách suy nghĩ và phản ứng như thế từ lúc còn nhỏ, từ những người sống quanh ta. Lối phản ứng ấy không phải là một cơ cấu di truyền có sẵn trong hệ thần kinh của ta. Những mạch điện tuy đã có ở đấy rồi, nhưng đó không phải cách duy nhất ta có thể sử dụng chúng. Những gì ta đã học được thì cũng có thể bỏ được. Bước đầu tiên là nhận diện rõ ràng những hành động của mình đang làm, và bước lùi lại, lặng yên quán sát.

Theo quan điểm của đạo Phật thì con người của chúng ta có một cái nhìn khá đảo ngược về cuộc đời. Chúng ta nhìn những nguyên nhân gây nên khổ đau, và lại thấy đó là hạnh phúc. Nguyên nhân của khổ đau là cái bệnh ham muốn và ghét bỏ mà ta đã nói đến trước đây. Một nhận thức nào đó khởi lên. Có thể là bất cứ một điều gì, một cô gái dễ thương, một anh chàng đẹp trai, một chiếc xe hơi đời mới, mùi thơm của một chiếc bánh mới nướng, một chiếc xe tải lao thẳng vào bạn… bất cứ một nhận thức nào. Và ngay sau đó sẽ là cái phản ứng thương ghét của mình đối với nó.

Ví dụ như sự lo lắng chẳng hạn. Chúng ta lo lắng rất nhiều. Lo lắng tự nó chính là một vấn đề. Sự lo lắng là một tiến trình có thứ lớp. Lo lắng không phải chỉ là một trạng thái của sự sống, mà nó còn là một tiến trình rất rõ ràng. Chúng ta chỉ việc nhìn vào giai đoạn đầu của tiến trình ấy, lúc sơ khởi trước khi nó bắt đầu phát triển lớn mạnh. Móc đầu tiên trong sợi dây xích lo lắng chính là cái phản ứng thương-ghét của ta. Ngay khi có một hiện tượng nào đó vừa khởi lên trong tâm thức, lập tức ta phản ứng bằng cách hoặc có ý nắm giữ, hoặc xua đuổi nó đi. Và từ đó vòng quay lo lắng bắt đầu xoay chuyển. Nhưng may mắn thay, thiền quán là phương cách có thể giúp chúng ta làm cho chiếc bánh xe ấy dừng lại.

Thiền quán dạy cho chúng ta cách quán sát tỉ mỉ tiến trình nhận thức của mình một cách chính xác. Ta sẽ học theo dõi sự sinh khởi của những tư tưởng và nhận thức của mình, với một thái độ tĩnh lặng khách quan. Ta sẽ nhìn thấy rõ ràng những phản ứng của ta khi bị kích động, với một sự an tĩnh. Và từ đó, ta sẽ thấy được mình đang phản ứng, nhưng không hề bị dính mắc vào những phản ứng ấy. Chúng ta vẫn có thể lập gia đình. Chúng ta vẫn có thể tránh sang một bên mỗi khi có một chiếc xe tải lao thẳng vào mình. Nhưng ta không cần phải khổ đau vì chúng.

Khi ta giải thoát ra khỏi được những ràng buộc của tư tưởng, một chân trời mới sẽ mở rộng ra. Đó là một biến chuyển rất lớn lao, một cách nhận thức mới hoàn toàn khác biệt. Nó mang đến cho ta một niềm vui được giải thoát ra khỏi sự khống chế. Vì những lý do đó mà đạo Phật xem cách nhìn này là một cách nhìn chân chính về cuộc đời. Trong kinh Phật gọi đó là nhìn sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu.

Thiền quán là một phương thức thực tập giúp chúng ta dần dần mở ra một cách nhìn mới về thực tại đúng thật như nó đang hiện hữu. Và cùng với thực tại mới mẻ ấy là một cách nhìn mới về khía cạnh quan trọng nhất của thực tại, đó là cái “tôi”. Thật ra, cách ta xử sự với cái “tôi” này, cũng giống y như cách ta xử sự đối với những nhận thức khác. Chúng ta đem những biến chuyển không ngừng của tư tưởng, cảm thụ, cảm xúc đông cứng lại thành một cấu trúc tâm linh. Rồi chúng ta dán lên đó một nhãn hiệu là “tôi”. Từ đó, chúng ta hành xử như nó là một thực thể có thật, bất biến và vững bền. Ta xem cái “tôi” đó như là một cá thể riêng biệt và độc lập với những thứ khác. Chúng ta tự tách rời ra khỏi một sự sống mà lúc nào cũng đổi thay, và rồi than thở rằng mình cảm thấy quá cô đơn. Chúng ta quên đi bản chất liên hệ mật thiết giữa ta với mọi sinh thể khác, và cứ nhất định là “tôi” phải gom góp mọi thứ về thành “của tôi”, rồi trách móc sao con người lại quá tham lam và vô tình. Và chu kỳ ấy cứ tiếp tục mãi. Tất cả mọi hành động ác tâm, những thái độ vô tình của con người đối xử với nhau trên thế giới này, đều bắt nguồn trực tiếp từ cái nhận thức sai lầm về một cái “tôi” riêng rẽ này.

Nếu bạn đập vỡ được ý niệm về cái tôi ấy, toàn thể vũ trụ của bạn sẽ thay đổi. Nhưng bạn cũng đừng kỳ vọng rằng mình có thể thực hiện được việc ấy một cách quá nhanh chóng. Bạn đã bỏ ra một đời mình để xây dựng nên ý niệm ấy, bảo vệ và nuôi dưỡng nó với mỗi tư tưởng, trong từng lời nói và hành động, qua biết bao nhiêu là năm tháng. Nó sẽ không dễ dàng gì mà tan biến ngay. Nhưng nó sẽ thay đổi nếu bạn dành đủ thời gian và sự chú ý. Thiền quán là một phương thức giúp ta hóa giải được ý niệm sai lệch về cái “tôi”. Từng chút, từng chút một, bạn sẽ làm vỡ nó ra, chỉ bằng sự quán chiếu của mình.

Ý niệm về cái “tôi” là một tiến trình. Và chúng ta lúc nào cũng ở trong tiến trình ấy. Nhờ thiền quán, chúng ta nhận thấy được rõ mình đang làm việc ấy, khi nào ta làm việc ấy, và ta làm như thế nào. Chừng đó, ý niệm về một tự ngã sẽ tan rã như sương mù buổi sáng, như mây trôi qua bầu trời tĩnh lặng. Ta ý thức rằng mình có tự chủ, ta có thể quyết định làm hay không làm, tùy theo việc có thích hợp với hoàn cảnh hay không. Sự bắt buộc không còn nữa, ta bây giờ đã có một sự chọn lựa.

Đó là những tuệ giác lớn. Mỗi tuệ giác là một sự hiểu biết rất sâu sắc về những vấn đề căn bản của hiện hữu. Nhưng việc ấy sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, và cũng đòi hỏi khá nhiều công phu. Nhưng lợi ích của nó rất là to tát, sẽ chuyển hóa được đời mình. Mỗi giây phút sống của ta sẽ hoàn toàn thay đổi. Hành giả đi đến giai đoạn này sẽ chấm dứt hết mọi khổ đau, có được một hạnh phúc trọn vẹn, một tình thương chân thật đối với mọi loài. Việc đó dĩ nhiên không phải là dễ. Nhưng thật ra bạn cũng không cần phải đi đến cuối con đường mới thấy được kết quả. Những kết quả nho nhỏ sẽ có mặt ngay lập tức, và chúng sẽ tích tụ thêm theo ngày tháng. Càng ngồi thiền lâu ta lại càng nhìn thấy rõ được tự tính của mình. Càng bỏ ra nhiều giờ thực tập, ta lại càng có khả năng quán sát, trong tĩnh lặng, mỗi tác ý, tư tưởng và cảm thụ khi chúng vừa khởi lên trong tâm. Sự tiến bộ trên con đường giải thoát được đo lường bằng những giờ ngồi trên tọa cụ. Và bạn cũng có thể dừng lại bất cứ lúc nào, khi bạn cảm thấy đã quá đủ. Không có một quy luật tuyệt đối nào bắt bạn phải tuân theo, tất cả chỉ là vì ta muốn thấy được tự tính của sự sống, muốn làm cho cuộc đời của mình và người chung quanh được tươi đẹp hơn thêm.

Thiền quán là một pháp môn thực nghiệm chứ không phải là lý thuyết suông. Thực tập thiền quán sẽ khiến ta trở nên nhạy cảm trước những kinh nghiệm sống, giúp ta tiếp xúc được với những gì đang thật sự có mặt quanh ta. Ta không ngồi suy tưởng, mơ mộng về cuộc đời. Ta thực sự sống. Và thiền quán, trên hết tất cả, chính là một phương cách sống!

SHARE:

Để lại một bình luận