Bài Thực Tập số 13 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA BẠN BÈ, THÚ VẬT VÀ CỦA XỨ SỞ BẠN

SHARE:

Akong Tulku Rinpoche
Kagyu Samye Ling 1987, L’art de dresser le tigre intérieur Akong Rinpoche, 1991 Sand, Paris
Việt dịch: Nguyễn An Cư – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001

Cuốn sách này được hồi hướng cho sự nở hoa
của lòng khiêm hạ, bình an và trí huệ trong thế giới

VÀO ĐỀ
CHƯƠNG I NGHỆ THUẬT NUÔI DẠY CON CỌP BÊN TRONG
CHƯƠNG II GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỜI NGƯỜI QUÝ GIÁ
CHƯƠNG III CHỈ MỘT CÁI THƯỜNG HẰNG SỰ VÔ THƯỜNG
CHƯƠNG IV SỐNG ĐỂ CHO CÁI GÌ ? “ĐỘNG CƠ CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG V ĐỐI MẶT
CHƯƠNG VI CÁI GƯƠNG
CHƯƠNG VII THÂN , NGỮ, TÂM : BA CỬA CỦA THỰC TẠI CON NGƯỜI
CHƯƠNG VIII PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỜI SỐNG “HẠNH KIỂM CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG IX ĐÁNH THỨC TRÁI TIM MÌNH LÒNG BI
CHƯƠNG X SỰ CHÚ Ý CẨN TRỌNG HAY CON CỌP ĐƯỢC THUẦN HÓA
DẪN VÀO NHỮNG THỰC TẬP
CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC
Bài Thực Tập số 1 TƯ THẾ
Bài Thực Tập số 2 THƯ GIÃN
Bài Thực Tập số 3 CẢM NHẬN
Bài Thực Tập số 4 TỰ MỞ MÌNH RA
Bài Thực Tập số 5 CẦU VỒNG
Bài Thực Tập số 6 TẤM GƯƠNG
Bài Thực Tập số 7 BẠN
Bài Thực Tập số 8 ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 9 LÀM SỐNG ĐỘNG ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 10 TRIỂN NỞ / THU RÚT
Bài Thực Tập số 11 KẺ THÙ
NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Bài Thực Tập số 12 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA CHA MẸ VÀ CỦA GIA ĐÌNH MÌNH
Bài Thực Tập số 13 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA BẠN BÈ THÚ VẬT VÀ CỦA XỨ SỞ BẠN
Bài Thực Tập số 14 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG KẺ THÙ CỦA MÌNH
Bài Thực Tập số 15 KHỐI CẦU CẦU VỒNG
VŨ TRỤ ĐƯỢC CHUYỂN BIẾN BỞI LÒNG BI
PHẦN PHỤ THÊM CHÂN DUNG CỦA MỘT NGƯỜI NUÔI DẠY CỌP

Bài Thực Tập số 13
NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH
SỰ KHỔ ĐAU CỦA BẠN BÈ, THÚ VẬT VÀ CỦA XỨ SỞ BẠN

 

 

Trong thực tập này, người ta tập trung trên những khổ đau của bạn bè, thú vật và xứ sở của mình. Dù cho mọi người khổ đau, những khổ đau của những người khác không luôn luôn rõ ràng, bởi vì chúng mang lấy những hình thức không đập mạnh vào mắt. Có đủ loại khổ – vật chất, tình cảm hay tinh thần – mà người ta phải học để nhận ra nơi những người khác để có thể giúp họ thoát khỏi chúng. Chẳng hạn, nếu người ta ý thức những hành hạ do bám luyến gây ra, người ta có thể nhận lấy chúng trên chính mình cùng lúc với nguyên nhân của chúng – sự tham muốn.

 

Mô tả thực tập

 

1. Thiền định

 

Bạn hãy chọn lấy một người bạn trai hay gái, một con vật hay một loài thú riêng biệt, một nhóm hay một hội đoàn mà bạn thuộc vào, hay toàn bộ cộng đồng quốc gia. Hãy tưởng tượng người bạn ấy, con thú vật ấy hay nhóm ấy trước mặt bạn.
Sự quán tưởng giống như trong thực tập trước : trên hơi thở vào bạn nhận vào bạn sự khổ đau với hình dạng một chất lỏng màu đen, và trên hơi thở ra bạn gởi trả lại ánh sáng trắng của lòng bi. Ánh sáng này không chỉ làm nhẹ những khổ đau hiện thời của người hay nhóm liên quan, mà còn mang lại cho họ cái mà họ mong muốn nhất. Khi bạn thở ra, hãy nghĩ rằng bạn đem cho họ tất cả cái gì có thể lấp đầy những mong muốn của họ, bởi vì chính khi thỏa mãn sự tham muốn làm cho họ khổ đau mà bạn có thể làm cho họ nhẹ nhõm. Hãy tưởng tượng rằng ánh sáng trắng tự động mặc lấy hình dạng của cái mà những người được quán tưởng mong muốn nồng nhiệt nhất hay họ cảm thấy cần thiết nhất – vật lý, tình cảm hay trí thức. Đến độ họ cảm thấy được giải thoát khỏi bám luyến của họ bởi vì tất cả tham muốn của họ đã được thỏa mãn.

 

Nếu bạn hiểu rõ điều người đó mong muốn là gì, bạn có thể quán tưởng đối tượng ấy, làm cho nó càng đẹp càng tốt. Chẳng hạn bạn biết ai đó đang cháy bỏng vì muốn có một cái nhà, hãy tưởng tượng cái nhà càng đẹp càng tốt và biếu nó cho người ấy qua trung gian ánh sáng mà bạn gởi đến khi thở ra.

 

Khi bạn có cảm tưởng đã hoàn toàn đáp ứng những tham muốn của người hay nhóm người bạn quán tưởng trước mặt, và như thế đã bẻ gãy những sợi xiềng của tham luyến và khổ đau đang ràng buộc họ, hãy tưởng tượng rằng những người này cũng mang lấy hình tướng của một vị Phật.

 

2. Hội nhập thiền định vào đời sống hàng ngày

 

Thiền định không chỉ là giờ phút này khi dòng bình thường của những sự việc trở thành trừu tượng trong lúc bạn ngồi trên gối thiền hay trên ghế. Đó là một trạng thái tâm thức, một phẩm tính chú tâm mà người ta học trau dồi suốt cả ngày, ngay giữa lòng những hoạt động hàng ngày. Bạn hãy lập lại thường xuyên trong ngày : “Tôi là một vị Phật”, và làm sao xác tín này nuôi dưỡng và định hướng mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và mỗi hành động của bạn. Hãy không ngừng khơi dậy ý định giúp đỡ những người khác : người ta thấy đầy đủ những khổ đau chung quanh ta mỗi ngày để khó có thể quên. Hãy duy trì một sự liên tục của sự chú tâm cắm rễ trong mối bận tâm vị tha này : bạn mong muốn nhận về nơi bạn sự khổ đau của những người khác và thay thế vào đó sự mãn nguyện những tham muốn của họ. Hãy gởi cho họ ánh sáng trắng của lòng đại bi để bù đắp cho tham muốn của họ cũng thường như mỗi khi ý nghĩ về họ đến với bạn.

 

Tôi muốn xác định một điểm, để tránh mọi hiểm nguy mập mờ ý nghĩa : khi tôi nói “Hãy nghĩ rằng bạn là một vị Phật”, như thế không có nghĩa là tự cho mình là một vị Phật, như những người khác tự cho mình là Napoléon hay Jean d’Arc ; việc này không muốn nói hãy kêu lên điều đó trên những mái nhà và quấy rầy mọi người bằng việc tuyên bố mình là Phật – với lý do là một lama Tây Tạng đã nói với bạn như vậy – và chờ đợi được trọng vọng như thế ! Điều đó nghĩa là thấm nhuần một xác tín thuộc về thực tại tối hậu của bản tánh chúng ta, để giúp chúng ta khai triển tất cả tiềm năng của nó – cho sự tốt đẹp vĩ đại nhất của những người khác và của chính chúng ta. Một xác tín bạn sẽ giữ gìn nơi bạn, mà bạn nuôi dưỡng và củng cố mỗi ngày và nó sẽ bồi bổ cho bạn sức mạnh, ngày qua ngày.

 

Rõ ràng có những lúc bạn cảm thấy hoàn toàn không có khả năng nhận lấy sự khổ đau của những người khác và cho họ tình thương và lòng bi của một vị Phật. Khi bạn muốn gởi người đồng nghiệp đang làm việc với bạn đến cho quỷ ma ở địa ngục, đôi khi bạn cảm thấy hoàn toàn mâu thuẫn với chính bạn, bị giằng co giữa sự cao cả của những lý tưởng tình thương vô điều kiện và thực tế buồn rầu của những lời nói và hành động của bạn. Chưa nói đến những gì xảy ra trong đầu bạn ! Nhưng chớ nản lòng ! Chính trong những lúc như vậy mà phải nhớ rằng tiềm năng của toàn thiện – Phật tánh – đang ở nơi mỗi chúng ta vẫn hằng hằng thanh tịnh, dù những yếu đuối và sai lầm của chúng ta. Không có gì có thể làm nhiễm ô nó và nó vẫn giữ mọi phẩm tính của nó, như một miếng vàng bị vùi dưới hàng tấn đất đá đổ vụn người ta tìm lại được sau bao nhiêu năm nó biến mất. Hãy tin cậy vào chính bạn và cũng tự nói rằng bản thân sự thanh tịnh của mục tiêu của bạn là một sức mạnh có thể nâng đỡ bạn qua mọi thăng trầm.

 

Hãy thực hành thiền định này trong hai tuần, khoảng hai giờ mười lăm phút mỗi ngày, dành hai hay ba ngày cho mỗi đối tượng thiền định mà bạn đã chọn.

 

SHARE:

Trả lời