Khi Ở đây là Ở đó và Về sau là Hiện tại

SHARE:

“Thời gian là…
Quá chậm đối với những người chờ đợi,
Quá nhanh đối với những người sợ hãi,
Quá dài đối với những người đau buồn,
Quá ngắn đối với những người hân hoan,
Nhưng đối với những người biết yêu thương
Thời gian sẽ không như vậy.”

Qua những lời thơ này, nhà thơ Henry Van Dyke nhắc nhở về mối quan hệ trớ trêu của chúng ta với thời gian. Thời gian có lẽ là thứ khó nắm bắt nhất trong số tất cả những trải nghiệm của con người. Chúng ta không thể nắm bắt hay chụp ảnh thời gian. Chúng ta không thể thu gom thời gian ở một nơi chỉ để sau này sử dụng nó ở một nơi khác giống như việc tiết kiệm ánh sáng ban ngày. Khi chúng ta thực sự cố gắng mô tả ý nghĩa của thời gian trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường chỉ có thể sử dụng những từ đánh giá thời gian theo cảm nhận tương đối. Chúng ta nói rằng thứ gì đó xảy ra sau đấy trong quá khứ, nó hiện đang diễn ra trong hiện tại hay nó sẽ xảy ra vào thời điểm nào đó trong tương lai. Cách duy nhất mà chúng ta có thể mô tả thời gian là thông qua những thứ đã xảy ra bên trong thời gian.

Dẫu cho thời gian bí ẩn đến vậy, nó vẫn luôn là chủ đề này mà con người quan tâm suốt hàng nghìn năm qua. Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã nỗ lực đề ra và cải tiến các hệ thống theo vết thời gian dưới dạng các chu kỳ và các chu kỳ bên trong các chu kỳ vì một lý do rất xác đáng. Lấy ví dụ như, để biết khi nào thì nên gieo cấy cây trồng giúp nuôi sống cả một cộng đồng, điều quan trọng là phải biết số ngày, chu kỳ mặt trăng (lịch mặt trăng, lịch âm) và nguyệt thực đã trôi qua kể từ lần gieo trồng cuối. Các hệ thống ghi dấu thời gian cổ đại duy trì một bản ghi chính xác về dữ liệu này. Ví dụ như lịch của người Maya tính toán các chu kỳ thời gian bắt đầu từ năm 3113 trước Công nguyên (hơn 5000 năm trước), trong khi hệ thống yuga của người Hindu theo dõi tiến trình của các chu kỳ sáng tạo bắt đầu từ hơn bốn triệu năm trước!

Cho đến thế kỷ 20, ở thế giới phương Tây, thời gian thường được nghĩ đến theo cảm nhận văn thơ như một trải nghiệm của con người. Triết gia Jean-Paul Sartre đã mô tả mối quan hệ của chúng ta với thời gian như “một kiểu tách rời đặc biệt: một bộ phận tái hợp trở lại.” Nhưng quan điểm đầy chất thơ đó đã thay đổi vào năm 1905 khi Einstein đưa ra lý thuyết tương đối. Trước thuyết tương đối, người ta tin rằng thời gian chính là trải nghiệm của chính nó, phân biệt với ba chiều cao, dài và rộng định hình nên không gian. Tuy nhiên trong thuyết của mình, Einstein đã đề xuất rằng không gian và thời gian có sự gắn bó chặt chẽ và không thể tách rời. Ông nói, chính không gian và thời gian cùng bên nhau đã tạo nên một cõi vượt ra ngoài khuôn khổ trải nghiệm ba chiều quen thuộc của chúng ta: chiều thứ tư. Đột nhiên, thời gian không chỉ còn là một khái niệm triết học thông thường… mà nó là một lực cần được tính đến.

Một ý nghĩa mới cho sự lĩnh hội của chúng ta về thời gian, Einstein đã mô tả bản chất tự nhiên bí ẩn của thời gian chỉ bằng cách nhận định điều rất đỗi hiển nhiên: “Sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là một ảo ảnh dai dẳng đến ngoan cố.” Với nhận định mạnh mẽ này, Einstein đã thay đổi vĩnh viễn lối suy nghĩ của chúng ta về mối quan hệ với thời gian. Hãy cân nhắc về những hàm ý… Nếu quá khứ và tương lai là hiện tại trong khoảnh khắc này, chúng ta có thể giao tiếp với chúng hay không? Chúng ta có thể du hành xuyên thời gian được không?

Ngay cả trước khi lời tuyên bố đầy táo bạo của Einstein xuất hiện, những khả năng mà các câu hỏi này đặt ra đã khiến các nhà khoa học, nhà thần bí học và nhà văn trở nên vô cùng hứng thú. Từ những ngôi đền ẩn giấu ở Ai Cập được chuyên dành cho việc trải nghiệm thời gian cho đến cảm giác hồi hộp trong cuốn tiểu thuyết kinh điển The Time Machine (Cỗ máy thời gian) năm 1895 của tác giả H. G. Wells, viễn cảnh sở hữu năng lực có thể bằng cách nào đó di chuyển trên dòng thời gian đã chiếm trọn trí tưởng tượng và lấp đầy những giấc mơ của chúng ta. Chúng ta đã đắm say với năng lực này từ khi con người tồn tại và các câu hỏi của chúng ta về nó dường như là bất tận.

Thời gian có thật hay không? Thời gian có tồn tại khi thiếu vắng chúng ta hay không? Có điều gì đó về ý thức khiến cho thời gian có ý nghĩa hay không? Nếu vậy, chúng ta có sở hữu sức mạnh hay quyền năng can thiệp vào dòng chảy tiến lên phía trước của thời gian đủ lâu để có cái nhìn thoáng qua về tương lai… hay có lẽ viếng thăm hay giao tiếp với những con người trong quá khứ hay không? Chúng ta có thể liên lạc với những cõi khác và thậm chí là những thế giới khác mà chúng ta chia sẻ hiện tại hay không?

Từ những bản mô tả như ví dụ ở phần sau, ranh giới giữa “ở đây” và “ở đó” trở nên mờ nhạt hơn, buộc chúng ta suy nghĩ lại về ý nghĩa thực sự của thời gian trong cuộc sống của chúng ta.

********
Trích từ sách Ma Trận Thần Thánh – chúng ta là những người quan sát bị động hay đấng sáng tạo đầy quyền năng, tác giả Gregg Braden
#Gregg_Braden

SHARE:

Trả lời