Thầy và trò vừa là người trao truyền vừa là người tiếp nối, vừa là người tiếp nối, vừa là người trao truyền song cả hai đều có khả năng học đạo, hiểu đạo, hành đạo, hoằng đạo và hộ trì đạo pháp của đức Thế Tôn trong hiện tại cũng như trong tương lai trên khắp hành tinh này.
Tất cả mọi người và mọi vật trên cõi đời này không ít thì nhiều đều có các mối tương quan và tương duyên với nhau hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp giữa người và người, giữa người và động vật, giữa người và thực vật, giữa người và môi trường thiên nhiên, v. v và v. v… Trong tất cả các mối liên hệ đó, mối liên hệ giữa người và người, đặc biệt là mối quan hệ giữa thầy và trò, trò và thầy được trình bày trong bài viết này.
Trong chủ đề của bài viết này, ta bắt gặp từ giáo dục Phật giáo được chia thành hai từ khác nhau: Giáo dục và giáo dục Phật giáo. Những từ Pāli của “giáo dục” là “Sikkhā, Sikkhana, hoặc Sikkhāpana” bao hàm ý nghĩa giảng dạy, giáo huấn, hướng dẫn, đào tạo, nghiên cứu, học tập… và đề cập tới việc tu tập và phát triển đạo đức và tinh thần của con người. Giáo dục đúng có khả năng ngăn ngừa con người ra khỏi thân tâm bất tịnh, không những dạy cho con người một vài phương tiện kiếm sống, mà còn giúp con người sống đời sống tinh thần và đạo đức vững chãi.
Giáo dục Phật giáo có nghĩa là tránh làm các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, là tiến trình tu tập, nhận diện, sửa đổi và chuyển hóa điều sai thành điều đúng, điều bất thiện thành điều thiện, vô minh (Avijjā) thành minh (Avijjā), nhân tánh thành Phật tánh, khổ đau thành hạnh phúc, phiền não thành Bồ đề (Bodhi), v. v… Giáo dục Phật giáo nhằm đào tạo chúng ta trở thành con người chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc như Bậc giác ngộ.
Thầy và trò vừa là người trao truyền vừa là người tiếp nối, vừa là người tiếp nối, vừa là người trao truyền song cả hai đều có khả năng học đạo, hiểu đạo, hành đạo, hoằng đạo và hộ trì đạo pháp của đức Thế Tôn trong hiện tại cũng như trong tương lai trên khắp hành tinh này.
Đối tượng của giáo dục và giáo dục Phật giáo ở đây chính là con người tỉnh thức, con người này có nhiều mối liên hệ với nhau rất gần gũi, được hiểu là thầy và trò.
Thực vậy, trong giáo dục Phật giáo, các mối liên hệ giữa thầy và trò, trò và thầy là những mối liên hệ đặc thù được nối kết với nhau bằng tình thầy trò, tình huynh đệ, tình pháp lữ, tình đồng tu, tình tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, v. v… qua việc hành trì và ứng dụng giáo pháp của đức Thế Tôn vào trong cuộc sống hằng ngày của mình một cách chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi ngay tại thế gian này.
Như quý vị biết thầy là người đi trước được hiểu là người hướng dẫn, dẫn đường; trò là người đi sau được hiểu là người được hướng dẫn, có khả năng đi theo con đường thiện mà thầy đã chỉ dẫn. Cả người hướng dẫn và người được hướng dẫn đều có nhiều mối liên quan với nhau rất mật thiết qua việc tu học, hành trì, ứng dụng, và nếm được hương vị an lạc của chánh pháp để đe m lại an lạc và hạnh phúc cho số đông.
Theo cái nhìn tương tức, thầy và trò, trò và thầy đều là những người kế thừa, trao truyền và tiếp nối từ nhiều thế hệ đi trước đến các thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Thầy là người thuộc thế hệ đi trước có trách nhiệm tiếp nối những uy nghi, tế hạnh, ý nghĩ, lời nói, và việc làm chân chánh của những người thầy của thầy mình, và truyền trao lại cho những người đi sau. Trò là người thuộc thế hệ đi sau có bổn phận và trách nhiệm tiếp nối thân giáo, khẩu giáo, và ý giáo của người thầy mình, và truyền trao lại cho các thế hệ đi sau, tức đệ tử của mình.
Thầy và trò, trò và thầy vừa là người trao truyền vừa là người tiếp nối, vừa là người tiếp nối, vừa là người trao truyền, vừa là người hướng dẫn vừa là người kế thừa, vừa là người kế thừa vừa là người hướng dẫn, song cả hai đều có khả năng học đạo, hiểu đạo, hành đạo, hoằng đạo và hộ trì đạo pháp của đức Thế Tôn trong hiện tại cũng như trong tương lai trên khắp hành tinh này. Hiểu và thực hành được như vậy, cả thầy lẫn trò đều có khả năng đưa đạo Phật đi về tương lai một cách vững chãi và thảnh thơi qua việc thực tập và ứng dụng giáo pháp của đức Thế Tôn vào trong cuộc sống hằng ngày của mình để đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này. Do vậy, các mối liên hệ giữa thầy và trò, trò và thầy là những mối liên hệ rất đặc biệt, quan trọng, thân thiện, gần gũi và chặt chẽ.
Chúng ta biết các mối liên hệ giữa thầy với trò, và trò với thầy được đề cập rõ trong Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadāyāda Sutta) số 3 thuộc Kinh Trung Bộ I (Majjhima Nikāya) qua việc tu học và ứng dụng giáo pháp của đức Thế Tôn để đem lại tiếng tốt, uy tín, uy nghi, hòa hợp, đoàn kết, sức mạnh, vững chãi, và thảnh thơi cho tự thân, cho đoàn thể tu học, cho cộng đồng, và cho xã hội.
Chọn cho mình hướng đi trong sáng, an lạc và tự do, cả thầy và trò nguyện cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc của chánh pháp, thắp sáng lên ngọn đuốc của tình thương cho các thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai.
Trong quá trình tu và học, người học trò học rất nhiều lời hay ý đẹp, đặc biệt là kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu tập từ người thầy bổn sư. Ngoài vị thầy bổn sư của mình ra, người học trò còn học nhiều điều đạo đức, giáo dục, khoa học, y học, triết học… từ những thầy đạo cũng như thầy đời, những người học trò đều ghi ơn và nhớ ơn họ sâu sắc.
Theo văn hóa Á châu, đặc biệt là văn hóa của người Việt Nam, những ai mà dạy cho ta một kinh nghiệm ý nghĩa, một lời nói hay, một ý nghĩa hay, một việc làm hữu ích và thiết thực, thì họ là thầy ta cả. Thật vậy, trong giáo dục Phật giáo, người thầy đóng vai trò quan trọng của người chỉ đường, chỉ cho các đệ tử thấy rõ con đường an vui và hạnh phúc. Con đường an lạc này được ví như con đường xa lộ có tám làn xe chạy (lane). Mỗi làn xe chạy tượng trưng cho một điều chân chánh, tám làn xe chạy tượng trưng cho tám điều chân chánh gồm có: “Cái nhìn chân chánh, ý nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, định tĩnh chân chánh. ”
Tám làn xe được thâu nhiếp trong một con đường, tám điều chân chánh được thâu nhiếp trong an vui và giải thoát; an vui trong tu tập, giải thoát trong hành trì và ứng dụng giáo pháp của đức Thế Tôn vào trong cuộc sống hằng ngày của mình. Một là tám và tám là một là tất cả. Cả t ám và một, một và tám đều bổ sung với nhau như hình với bóng. Cả thầy và trò, trò và thầy đều nương tựa và hỗ trợ với nhau trong đời sống tu tập và hướng tới giác ngộ và giải thoát tâm linh như sóng với nước không thể tách rời nhau được. Hiểu và thực hành được như vậy, thì trò cảm thấy hạnh phúc và thầy cảm thấy an vui. Cả thầy và trò đều có khả năng đem lại hoa trái an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Giáo dục Phật giáo có khả năng giúp thầy và trò, trò và thầy sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi để nhận diện, tu tập và chuyển hóa những hạt giống không an vui và không hạnh phúc thành những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực.
Cả thầy và trò hiểu và thực hành Phật pháp được như vậy, thì an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm. Từ đây, an lạc của thầy chính là an lạc của trò, hạnh phúc của trò chính là hạnh phúc của thầy. Khi có được an lạc và hạnh phúc, thì cả thầy và trò có khả năng đem lại an lạc và hạnh phúc cho gia đình, cho tu viện, cho học đường và cho xã hội. Và ngược lại, không thực hành được như vậy, thì cả thầy và trò đều không gặt hái được những hạt giống an vui và hạnh phúc.
Giáo dục Phật giáo có khả năng giúp thầy và trò, trò và thầy sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi để nhận diện, tu tập và chuyển hóa những hạt giống không an vui và không hạnh phúc thành những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại nếu cả thầy và trò biết cách ứng dụng và thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn một cách tinh chuyên vào trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Thực vậy, các mối liên hệ mật thiết này có giá trị rất thiết thực ở hiện tại được thắt chặt với nhau bằng chất liệu tu tập, bằng tình tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, hòa hợp và đoàn kết, bằng sự trao truyền và tiếp nối, bằng sự hướng dẫn và kế thừa giáo pháp của đức Thế Tôn một cách chánh niệm và tỉnh giác. Cả thầy và trò, trò và thầy là những hành giả an lạc và giải thoát có khả năng bảo hộ, duy trì và phát triển đạo Phật ở hiện tại cũng như ở tương lai, và có khả năng đưa đạo Phật đi về tương lai một cách xán lạn và huy hoàng trên khắp thế gian này.
Tác giả: Thích Trừng Sỹ