GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

SHARE:

Đạo đức Phật giáo nổi bật với tư tưởng về hành thiện, từ bi, đem tình yêu thương đến với mọi người, tu tâm, và xây dựng xã hội bền vững, đã định hướng cho lý tưởng sống con người và trở thành kim chỉ nam hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

Qua hàng thiên niên kỷ, Phật giáo có bề dày lịch sử trong việc xây dựng tư tưởng và hành động theo chuẩn mực đạo đức Phật giáo. Mặc dù điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ngày nay khác xa với thời Phật còn tại thế, nhưng đạo đức Phật giáo vẫn là công cụ hữu ích để mọi người tham gia vào các thách thức thời đại.

Giáo dục Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc nhắm đến việc chuyển hóa bản chất con người trở thành một hình thức cao nhất thông qua sự hoàn thiện về mặt đạo đức, trí tuệ và tinh thần. Ba năng lực hoàn hảo của cuộc sống chắc chắn dẫn dắt con người vượt qua hạnh phúc trần tục mà chính điều đó là thành tựu cao nhất mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm. Do đó, giáo dục Phật giáo dựa trên nhu cầu tâm lý chính của tất cả chúng sinh.

Đức Phật khẳng định rằng sự tôn trọng và tôn kính trong xã hội sẽ được trao tặng dựa trên cơ sở những phẩm chất và hành vi đạo đức và luân lý của một người. Sự phát triển của nhân cách là một yếu tố chính của hệ thống giáo dục.

Giáo lý của Đức Phật không phải là một triết lý suông được thiết kế chỉ để sắp xếp lại các khái niệm trong tư tưởng con người, mà chúng là một hành vi sinh động của lòng từ bi nhằm mục đích chỉ cho chúng ta cách mở rộng tâm hồn của chúng ta với sự nhiệm màu của nhận thức – nhận thức của chính chúng ta giữa nhận thức của những người khác thông qua sự suy nghĩ và kinh nghiệm tu tập giống nhau. Mục đích cuối cùng của các lời dạy trong kinh sách Phật giáo về giáo dục hoạt động như một quá trình nhận thức. Phật giáo dẫn khởi quan điểm đúng đắn (Chánh kiến); suy nghĩ đúng đắn (Chánh tư duy), lời nói đúng đắn (Chánh ngữ), hành động đúng đắn (Chánh nghiệp), sinh kế đúng đắn (Chánh mạng), nỗ lực đúng đắn (Chánh tinh tấn), chánh niệm và tập trung tinh thần đúng đắn (Chánh định) là những công cụ quan trọng để phát triển nhân cách.

Tám hình thức này cũng có thể được hiểu là những bước chuyển hóa hành vi và những bước này sẽ góp phần nuôi dưỡng lối sống có giáo dục tốt trong đời sống xã hội của con người. Phật giáo thể hiện những ý tưởng rằng kiến thức và năng lực của con người phải được sử dụng cho sự thịnh vượng của nhân loại, cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Từ quan điểm giáo dục đạo đức, Phật giáo chủ trương tầm quan trọng của bình đẳng và dân chủ theo Phẩm cấp. Các thành viên của Tăng đoàn có thể được coi là một hình mẫu mẫu mực trong trật tự xã hội cũng như biểu tượng của nền dân chủ trong Phật giáo. Đối tượng cuối cùng của giáo dục Phật giáo là nhằm đạt được tự do: Tự do tư duy, tự do ý chí, tự do ngôn ngữ, tự do tư tưởng tôn giáo…

Đức Phật dạy con người là chủ nhân của chính mình, là hòn đảo của chính mình. Vì vậy khổ đau hay hạnh phúc là do chính mình quyết định.

Đức Phật khẳng định rằng sự tôn trọng và tôn kính trong xã hội sẽ được trao tặng dựa trên cơ sở những phẩm chất và hành vi đạo đức và luân lý của một người. Sự phát triển của nhân cách là một yếu tố chính của hệ thống giáo dục. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc trau dồi sự tự tin, tự lực, tự quyết, tự trọng và tự kiểm soát. Các nguyên tắc giáo dục của Phật giáo dạy thực tế rằng một vị A la hán là người có trình độ học vấn cao nhất vì vị ấy không bị phiền não và được hưởng hạnh phúc tinh thần cao nhất. Phật giáo thúc đẩy mỗi người trên trái đất nên đạt được mục tiêu này. Phật giáo đã khuyên khi ai đó tham gia vào việc thực hành giáo dục, hành giả không nên bám víu vào quan điểm giáo điều và người thực hành giáo dục nên có tư duy phê phán và suy nghĩ phê phán về toàn bộ vòng đời.

Đạo Phật dạy con người làm lành tránh dữ. Mọi việc mang tính thiện thì dốc sức thực hành, trong đó điều cốt yếu là giữ tâm ý trong sạch để không bị những phiền não quấy nhiễu. Bản chất của giáo lý Phật giáo là chỉ ra cái khổ, nguyên nhân của nỗi khổ, niềm vui khi đoạn diệt khổ và con đường đoạn tận khổ đau. Một mặt, Phật giáo chỉ rõ con đường khổ đau của con người để giúp con người tránh khổ, mặt khác Phật giáo răn dạy, khích lệ con người hành thiện để giảm bớt khổ đau. Đồng thời, Phật giáo dạy con người sống có ý thức, trách nhiệm, không ỷ lại, không chạy trốn, không đổ lỗi, không quỵ lụy van xin.

“Từ là yêu quý chúng sinh và ban cho họ sự an vui (dữ lạc). Bi là đồng cảm sự đau khổ của chúng sanh, xót thương và trừ diệt sự đau khổ (bạt khổ) của họ, gọi chung là Từ bi. Lòng bi của đạo Phật là trạng thái đồng tâm đồng cảm, lấy sự khổ đau của chúng sinh làm sự khổ đau của mình. Vì thế nên gọi là đồng thể đại bi. Lại vì lòng Bi của Phật rộng lớn vô tận cho nên gọi là Vô cái đại bi”.

Đức Phật dạy con người là chủ nhân của chính mình, là hòn đảo của chính mình. Vì vậy khổ đau hay hạnh phúc là do chính mình quyết định. “Hãy sống tự mình làm hòn đảo của chính mình, này các Tỷ kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”. Đây là tinh thần giáo dục rất lành mạnh và tích cực đối với việc giáo dục một con người tốt cả mặt cá nhân và mặt xã hội. Trên nền tảng giáo lý đó, tính thiện trong đạo đức Phật giáo xuất hiện. Thiện (akusa), như được định nghĩa trong kinh sách, là lành, tốt, có đạo đức; thuận theo đạo lý, có ích cho mình và cho người; là trạng thái tiêu diệt ác pháp. “Từ bỏ sát sinh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiên là thiện”. Quả của thiện là sự an lạc thân tâm.

Ngược với thiện là ác, bất thiện (akusala) chính là ác pháp. “Sát sinh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện”. Quả báo của bất thiện là sự khổ đau trong tâm hồn. Với quan niệm như vậy, có thể thấy xuyên suốt toàn bộ giáo lý tư tưởng Phật giáo chính là hướng con người thực hành “thiện”, thể hiện rõ nét nhất ở trong giới luật Phật giáo.

Cân bằng giữa môi trường tự nhiên và xã hội là sự kết hợp hài hòa và hợp lý giữa các lĩnh vực phát triển kinh tế đi đôi với việc xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, là biện chứng giữa thế hệ hiện tại và tương lai.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc giáo dục lòng từ bi cho con người:

Lòng từ bi, bác ái là điểm nổi bật của giáo lý Phật giáo khuyên con người sống có đạo đức, có tình thương yêu, không phân biệt đối với mọi người và mọi loài. Theo Phật giáo thì Từ nghĩa là hiền lành, thẳng thắn, là làm vui cho người và vật, thể hiện lòng khoan dung độ lượng; Bi là thương xót, đồng cảm với người hay vật, khi thấy họ đau khổ, gặp hoạn nạn và cố cứu họ ra khỏi hoàn cảnh ấy. Từ bi là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, và cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh, quên những lợi ích của bản thân.

“Từ là yêu quý chúng sinh và ban cho họ sự an vui (dữ lạc). Bi là đồng cảm sự đau khổ của chúng sanh, xót thương và trừ diệt sự đau khổ (bạt khổ) của họ, gọi chung là Từ bi. Lòng bi của đạo Phật là trạng thái đồng tâm đồng cảm, lấy sự khổ đau của chúng sinh làm sự khổ đau của mình. Vì thế nên gọi là đồng thể đại bi. Lại vì lòng Bi của Phật rộng lớn vô tận cho nên gọi là Vô cái đại bi”. Quan điểm từ bi, bác ái của Phật giáo được thể hiện qua các điểm sau: Một là, Phật giáo đem tình yêu thương, bình đẳng đến với mọi người; hai là, Phật giáo đề cao con người và giải thoát con người khỏi khổ đau; ba là, Phật giáo đào tạo con người “Từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha”.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc dạy con người Tu tâm:

Theo Phật giáo “nhất thiết duy tâm tạo”, mọi sự việc đều do tâm tạo ra. An lạc hay khổ đau cũng từ tâm, bởi tâm. Đó chính là tâm sanh diệt, thay đổi luôn luôn, thường do tham sân si chi phối, thúc đẩy, điều khiển, cho nên con người thường tạo nghiệp bất thiện nhiều hơn là nghiệp thiện. Trong giáo lý Phật giáo thì Tâm của con người vô cùng quan trọng vì nó diễn tả nhân cách của một con người. Tâm biểu lộ tư cách, hình tướng, thái độ… Do vậy, Phật giáo giáo dục con người phải biết tu tâm. Suy cho cùng tu tâm chính là thực hành Bát chánh đạo. Có thể nói, tư tưởng cơ bản của đạo đức Phật giáo suy cho cùng là hướng đến hoàn thiện nhân cách con người, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển ổn định.

Khoái lạc thái quá sẽ dẫn đến đời sống thấp hèn, phàm tục. Ngược lại, đời sống khổ hạnh, khắc nghiệt thái quá sẽ dẫn đến sa sút về tinh thần, suy giảm trí tuệ.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong cân bằng môi trường tự nhiên và xã hội:

Vai trò này của giáo dục đạo đức Phật giáo được thể hiện qua giáo lý Trung đạo. Cân bằng giữa môi trường tự nhiên và xã hội là sự kết hợp hài hòa và hợp lý giữa các lĩnh vực phát triển kinh tế đi đôi với việc xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, là biện chứng giữa thế hệ hiện tại và tương lai. Công bằng và tiến bộ xã hội cũng vậy. Đó là sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường sống với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, là phát triển văn hóa đi đôi với sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này trong triết học Trung Hoa gọi là luật quân bình, trung dung giữa âm và dương và trong đạo Phật gọi là con đường Trung đạo.

Trong Tiểu thừa, Bát chánh đạo được xem là trung đạo vì thực hành Bát chính đạo, hành giả vừa xa lánh đời sống dục lạc và đời sống khổ hạnh, thoát khỏi Khổ. Thái độ này được Đức Phật dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân: “Này các Tỷ kheo, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng Tánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Tánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các Tỷ kheo, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai giác ngộ trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết bàn. Này các Tỷ kheo, trung đạo do Như Lai giác ngộ, đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết bàn là gì? Chính là Bát chánh đạo: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định” [Kinh chuyển pháp luân].

Phật giáo khẳng định tất cả mọi người đều có Phật tính, mọi người sẽ đạt được hạnh phúc nếu thực hành điều thiện, lánh xa điều ác, chuyên cần trau dồi đạo đức trong cuộc sống của chính mình. Đức Phật cho rằng: con người đóng vai trò quyết định trong quá trình giác ngộ và giải thoát.

Trung đạo ở đây là thái độ từ bỏ hai quan điểm cực đoan thế giới là trường tồn hay hoại diệt, thế giới là có (hữu) hay không có (vô). Con đường trung đạo là con đường từ bỏ hai cực đoan khoái lạc và khổ hạnh. Khoái lạc thái quá sẽ dẫn đến đời sống thấp hèn, phàm tục. Ngược lại, đời sống khổ hạnh, khắc nghiệt thái quá sẽ dẫn đến sa sút về tinh thần, suy giảm trí tuệ. Xã hội phát triển không chỉ thể hiện ở sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên, xã hội và bảo vệ môi trường, mà chúng còn được thể hiện ở sự phối hợp nhịp nhàng, hài hòa trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Đó là Bát chánh đạo. Con đường trung đạo đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại, vừa tạo khả năng thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai, không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, là quá trình không ngừng tăng sản xuất, đồng thời khai thác hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc xem con người là trọng tâm, đề cao vai trò và vị trí con người:

Có thể nói giá trị lớn nhất trong đạo đức Phật giáo là đề cao vị trí và vai trò của con người, xác định “con người là tâm điểm của xã hội loài người”. Phật giáo khẳng định tất cả mọi người đều có Phật tính, mọi người sẽ đạt được hạnh phúc nếu thực hành điều thiện, lánh xa điều ác, chuyên cần trau dồi đạo đức trong cuộc sống của chính mình. Đức Phật cho rằng: con người đóng vai trò quyết định trong quá trình giác ngộ và giải thoát. Con người có thể thay đổi số phận của mình. Khi mê thì con người đau khổ, nhưng khi bắt đầu nhận biết mình mê thì con người có thể tự làm chủ lấy mình. Với ý nghĩa này Phật giáo đã thực hiện một cuộc cách mạng lớn, chuyển hướng từ tư duy sang tìm kiếm niềm tin ở chính con người chứ không phải ở một hay nhiều vị thần. Phật giáo đã đưa ra một hướng tiếp cận mới về con người, đặt con người ở vị thế trung tâm trong các mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy, muốn phát triển xã hội bền vững thì không thể nào không nhắc đến vai trò then chốt của con người.

Phật giáo thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài. Cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức. Sự phán xét của đạo đức là nghiệp báo, nghiệp quả, nó điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân- quả.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc kêu gọi con người hành thiện tránh ác, vô ngã vị tha, mang tình thương, bình đẳng đến với mọi người:

Chính vì lòng từ bi, nhân ái của Đức Phật mà Ngài cảm nhận và đau xót trước nỗi khổ trầm luân của chúng sinh. Do đó Đức Phật đã quyết định từ bỏ địa vị, quyền lực, sự giàu sang, tình thâm rời khỏi hoàng cung mà vào rừng sâu tu tập, giác ngộ và cứu muôn loài. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Lời nói đó như mang một thông điệp về tinh thần dân chủ, bình đẳng trong đạo đức Phật giáo.Trong thời đại ngày nay, con người đang sống trong bối cảnh tham vọng tiền tài, địa vị, danh vọng, quyền lực với những mâu thuẫn, xung đột khó dung hòa. Nếu vận dụng những giá trị nhân văn của đạo đức Phật giáo vào cuộc sống sẽ có thể góp phần kết nối con người xích lại gần với nhau hơn, giúp con người sống tri túc, có giới hạn và biết đấu tranh chống những tư tưởng không lành mạnh, giúp con người biết yêu thương lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Đạo đức Phật giáo có thể sẽ giúp ích trong vấn đề này.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc đề cao tinh thần phản tỉnh tự giác con người:

Phật giáo thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài. Cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức. Sự phán xét của đạo đức là nghiệp báo, nghiệp quả, nó điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân- quả. Mặt khác Phật giáo cũng không thừa nhận sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên nào, mọi giá trị luân lý, đạo đức đều diễn ra trong thế giới nhân sinh chứ không phải do một thế lực nào chi phối. Nếu con người biết tự nhìn lại chính mình thì có thể hạn chế tối đa những tiêu cực mà con người đã gây ra. Con người biết làm chủ cảm xúc, lời nói, suy nghĩ và hành động sẽ làm cho con người trở nên hài hòa với nhau. Đó cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ổn định của xã hội.

Phật giáo hướng con người đến một lối sống nhân bản biết yêu thương, đem niềm vui và quan tâm đến với mọi người mà quên mình, hướng con người biết cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, biết sống vì người khác, tiến tới xây dựng một xã hội nhân ái, lành mạnh và phát triển bền vững.

Vai trò của giáo dục đạo đức Phật giáo trong việc đề cao việc rèn luyện trí tuệ và giải thoát con người:

Mục tiêu tối hậu của đạo đức Phật giáo chính là giải thoát, là chấm dứt hết mọi khổ đau xuất phát từ “vô minh”. Trong Bát chánh đạo Đức Phật đã dạy thì Chánh kiến là đứng đầu tiên. Điều này nói đến yếu tố trí tuệ là kim chỉ nam cho sự giải thoát. Đức Phật đã từng nói rằng: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Đó là con đường của tự lực mỗi người. “Này các Tỷ kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”. Vai trò của trí tuệ đưa đến sự giải thoát, giác ngộ, nhận chân đúng sai, biết lắng nghe, chia sẻ để sống tốt hơn. Nhờ có trí tuệ nên con người hiểu rõ vô thường, vô ngã, hiểu rõ cần làm gì để phát triển xã hội bền vững, hiểu rõ cần làm gì để có sự hài hòa giữa mọi người với nhau trong xã hội, sự hài hòa giữa con người với tự nhiên trong quá trình lao động sản xuất.

Như vậy, đạo đức Phật giáo có vai trò rất quan trọng đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người Việt Nam hiện nay. Đạo đức Phật giáo nổi bật với tư tưởng về hành thiện, từ bi, đem tình yêu thương đến với mọi người, tu tâm, và xây dựng xã hội bền vững, đã định hướng cho lý tưởng sống con người và trở thành kim chỉ nam hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Chính vì vậy, mà con người đã tìm thấy ở đạo đức Phật giáo một nơi để gửi gắm niềm tin, một niềm an ủi tinh thần che chở họ trước những cám dỗ và thử thách của cuộc đời. Phật giáo luôn đề cao và ca ngợi những giá trị cao quý của lòng nhân ái, tình yêu thương con người, đặc biệt là lối sống hài hòa giữa mọi người với nhau trong xã hội và giữa con người với tự nhiên, tạo sự phát triển xã hội bền vững.

Mục tiêu tối hậu của đạo đức Phật giáo chính là giải thoát, là chấm dứt hết mọi khổ đau xuất phát từ “vô minh”. Trong Bát chánh đạo Đức Phật đã dạy thì Chánh kiến là đứng đầu tiên.

Sự phát triển bền vững của một đất nước, đó chính là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo, tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, của động vật, thực vật, đồng thời nỗ lực hòa giải kinh tế với môi trường, và quan trọng nhất là nhân tố bình đẳng, công bằng và dân chủ trong xã hội. Một đất nước được xem là phát triển khi hội đủ nhiều yếu tố như: xã hội phải dân chủ, công bằng và văn minh, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng và tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo, môi trường không ô nhiễm… Phật giáo lấy con người làm trung tâm để thấu hiểu nỗi khổ của con người và tìm cách giải thoát con người khỏi nỗi khổ đó. Với phương châm “từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha”, Phật giáo hướng con người đến một lối sống nhân bản biết yêu thương, đem niềm vui và quan tâm đến với mọi người mà quên mình, hướng con người biết cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, biết sống vì người khác, tiến tới xây dựng một xã hội nhân ái, lành mạnh và phát triển bền vững.

Tác giả: TS. Lê Đức Hạnh

SHARE:

Trả lời