BẮT CHƯỚC – CÁCH CHÚNG TA XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ

SHARE:

Khi gặp gỡ mọi người trong lần đầu tiên, giống như hành động của đa số các loài khác vì lý do sinh tồn, chúng ta thường tìm hiểu nhanh xem họ có thái độ tích cực hay tiêu cực đối với chúng ta. Chúng ta làm việc này bằng cách nhìn lướt nhanh qua cơ thể người khác để xem họ có cử động hoặc làm điệu bộ giống chúng ta hay không. Việc lặp lại các điệu bộ được gọi là “bắt chước”. Con người bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau như là một cách để được hòa nhập, được chấp nhận và để tạo ra mối quan hệ, nhưng thường thì chúng ta không hề ý thức được chúng ta đang làm việc đó. Vào thời xa xưa, bắt chước là một phương cách xã hội giúp tổ tiên chúng ta sống hòa hợp trong cộng đồng lớn, nó cũng là dấu vết còn sót lại của một phương pháp học tập có từ thời nguyên thủy, đó là làm theo.

Một trong những hiện tượng bắt chước đáng chú ý nhất là ngáp – một người ngáp, kéo theo mọi người ngáp! Robert Provine đã phát hiện rằng ngáp dễ lây lan đến nỗi, thậm chí bạn không cần nhìn trực tiếp người khác ngáp mà chỉ cần nhìn hình ảnh người ta mở rộng miệng cũng đủ khiến bạn ngáp rồi. Trước đây người ta nghĩ ngáp là để thu nạp Oxy cho cơ thể, nhưng hiện nay chúng ta biết đó là một dạng của điệu bộ bắt chước nhằm thiết lập mối liên hệ với những người khác cũng như tránh sự gây hấn. Loài khỉ và tinh tinh cũng làm như vậy.

Phụ nữ rất kỵ ăn mặc giống người phụ nữ khác. Nhưng nếu hai người đàn ông mặc trang phục giống nhau xuất hiện tại một bữa tiệc thì họ có thể trở thành bạn bè suốt đời.

Thay cho lời nói, hành vi bắt chước hàm ý: “Hãy nhìn tôi này, tôi giống như anh. Tôi có cùng cảm nghĩ và quan điểm”. Điều này giải thích tại sao khán giả tại các buổi biểu diễn nhạc rock thường đồng loạt nhảy nhót, vỗ tay hoặc tạo “làn sóng tay”. Sự đồng bộ với đám đông làm tăng cảm giác an toàn trong lòng những người tham gia. Tương tự, những người trong một nhóm kích động sẽ bắt chước các hành vi gây hấn, đó là lý do tại sao những người thường ngày vốn điềm tĩnh lại dễ mất bình tĩnh trong tình huống này.

Cảm giác muốn bắt chước cũng là yếu tố cơ bản giúp việc xếp hàng được trật tự. Khi xếp hàng, người ta sẵn sàng hợp tác với những người chưa từng gặp và sẽ không bao giờ gặp lại. Người ta cũng tuân thủ các quy tắc hành xử bất thành văn khi đứng chờ xe buýt, tại phòng triển lãm tranh, trong ngân hàng hoặc khi kề vai sát cánh trong các cuộc chiến. Giáo sư Joseph Heinrich thuộc trường Đại học Michigan đã phát hiện rằng sự thôi thúc bắt chước là hành vi bẩm sinh, bởi việc hợp tác giúp nhận được nhiều thức ăn hơn, đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng. Điều này cũng giải thích tại sao những xã hội có quy định nghiêm ngặt về hành vi bắt chước như Anh, Đức và La Mã cổ đại đã thành công trong việc thống trị thế giới suốt nhiều năm. Việc bắt chước làm cho những người khác cảm thấy “thoải mái”. Nó là một công cụ xây dựng mối quan hệ hiệu quả đến mức một cuộc nghiên cứu ghi hình quay chậm cho thấy, người ta bắt chước nhau từ việc đồng loạt nháy mắt, khịt mũi, nhướn lông mày và ngay cả giãn nở con ngươi. Điều này thật đáng lưu tâm vì những điệu bộ rất nhỏ này không thể do cố ý tạo nên được.

Bác sĩ phẫu thuật tìm người Mỹ Memhet Oz kể lại một số phát hiện đáng chú ý về những người được ghép. Ông nhận thấy giống như đa số các cơ quan khác, tim dường như lưu lại các hồi ức tế nào, điều này khiến một số người được ghép tim thừa hưởng một vài cảm xúc của người hiến tặng tim. Đáng chú ý hơn, ông đã phát hiện một số người được ghép tim thậm chí còn thực hiện những điệu bộ và tư thế giống như người hiến tặng tim đã từng làm, cho dù họ chưa bao giờ nhìn thấy người đó. Ông kết luận rằng dường như các tế bào tim chỉ dẫn não người nhận thực hiện các ngôn ngữ cơ thể của người hiến tặng. Tuy nhiên, những người mắc các bệnh rối loạn thần kinh như bệnh tự kỷ thì không có khả năng bắt chước hay hòa hợp với cách cư xử của những người khác, khiến họ giao tiếp khó khăn. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với những người say rượu, do các điệu bộ của họ không khớp với lời nói nên họ không thể bắt chước.

Do hiện tượng nhân quả, nếu bạn cố ý giả tạo điệu bộ ngôn ngữ cơ thể nào đó thì bạn sẽ bắt đầu trải qua những cảm xúc liên quan đến điệu bộ đó. Ví dụ, nếu bạn thấy tự tin thì tự nhiên bạn sẽ làm điệu bộ chắp tay hình tháp chuông để thể hiện nó, nhưng nếu bạn cố ý thực hiện điệu bộ này thì không những bạn sẽ bắt đầu thấy tự tin hơn, mà người khác cũng cảm nhận như vậy. Lúc đó, điệu bộ này trở thành một phương cách hữu hiệu để tạo mối quan hệ với những người khác bằng cách cố ý hòa hợp với ngôn ngữ cơ thể và tư thế của họ.

  • Theo Allan & Barbara Pease

SHARE:

Trả lời