GIẾT TA BẰNG CÁI LO PHIỀN

SHARE:

Những doanh nhân không biết thắng lo phiền … cũng chết sớm

Phỏng theo Alexis Carrel

………

Hồi 30 tuổi tôi quyết định viết tiểu thuyết. Tôi quyết thành một Frank Norris hoặc Jack London hoặc Thomas Hardy thứ nhì. Tôi hăng hái tới nỗi qua ở châu Âu 2 năm. Tại đó tôi sống dễ dàng với vài Mỹ kim mỗi tháng, vì sau chiến tranh thứ nhất ở đây có lạm phát. Trong 2 năm ấy tôi đã viết một ‘kiệt tác’ nhan đề là ‘Dông Tuyết’. Nhan đề đó hợp quá vì bản thảo được các nhà xuất bản tiếp nhận một cách lạnh lùng chẳng khác chi những cơn dông tuyết thổi trên cánh đồng Dakota cả. Khi nhà xuất bản nói thẳng vào mặt tôi rằng cuốn ấy là đồ bỏ, rằng tôi không tài, không khiếu viết tiểu thuyết, tim tôi muốn ngừng đập. Tôi quay gót đi như kẻ mất hồn. Có ai đập mạnh vào đầu cũng không làm cho tôi choáng váng hơn. Đê mê, rụng rời, tôi thấy mình đứng ở ngã tư đường đời và phải đưa ra một quyết định quan trọng. Làm gì bây giờ? Đi ngả nào đây? Tôi mê man như vậy hàng tuần. Lúc ấy chưa được ai khuyên “stop lo lại” nhưng tôi đã hành động đúng như vậy. Tôi cho 2 năm khó nhọc viết tiểu thuyết vừa rồi có cái giá trị vừa phải của nó, cái giá trị của một thí nghiệm cao thượng, vậy thôi. Rồi tôi bỏ không nghĩ tới nữa, trở lại công việc là tổ chức và dạy những lớp cho người lớn. Lúc nào rảnh thì viết tiểu sử các danh nhân hoặc những loại sách thiết thực như cuốn bạn đang đọc đây.

Bây giờ nghĩ lại, tôi có thấy sung sướng rằng mình đã quyết định như vậy không?

Sung sướng mà thôi ư? Tôi còn thấy muốn nhảy múa điên cuồng lên ấy chứ? Tôi có thể thật thà nói rằng không bao giờ còn phí thời giờ để tiếc và than thở rằng sao mình không phải là một Thomas Hardy thứ nhì.

Một đêm, cách đây 1 thế kỷ, khi cú kêu trong rừng bên bờ hồ Walden, ông Henry Thoreau đã chấm cây bút lông ngỗng vô bình mực tự tay chế lấy và chép vào nhật ký: “Muốn biết giá trị của một vật là bao nhiêu thì cứ xét xem bây giờ hoặc sau này phải đem bao nhiêu sự sống để đổi lấy vật ấy.”

Nói một cách khác: Lo lắng về một việc gì để làm hại đời sống của mình tức là đánh giá việc đó đắt quá, có khác gì điên không?

………

Benjamin Fraklin hồi 7 tuổi, lỡ làm một việc mà 70 năm sau ông còn nhớ tới. Thuở ấy ông mê một chiếc còi, mê tới nỗi chẳng hỏi giá chi hết, đã dốc ráo tiền trong túi ra mua. 70 năm sau, ông viết thư cho bạn: “Rồi tôi về nhà, vừa đi vừa thổi, thích chí lắm. Nhưng các anh chị tôi thấy trả hớ, chế giễu tôi, khiến tôi xấu hổ quá, òa lên khóc.”

Về sau, khi đã nổi danh khắp hoàn cầu, làm Đại sứ ở Pháp, ông còn nhớ rằng nỗi buồn vì mua hớ mạnh hơn nỗi vui được chiếc còi, và trước khi làm việc gì ông cũng tự nhủ: “Coi chừng kẻo hớ như mua chiếc còi nhé!”

Nhưng nghĩ kỹ thấy bài học còn rất rẻ, ông nói: “Khi lớn lên, suy xét những hành vi của người đời, tôi tưởng có rất nhiều người lớn hơn đã “mua hớ chiếc còi”. Tôi nhận thấy rằng họ chuốc lấy hầu hết những khổ sở của mình vì đã định giá sai những vật trên đời và đã “mua hớ những chiếc còi”.

………

Léon Tolstoi trong 20 năm cuối đời có lẽ là người được ngưỡng mộ nhất thế giới. Trong 20 năm từ 1890 tới 1910, không lúc nào ngớt người đến nhà ông – như tín đồ hành hương ở đất Thánh – để được ngó dung nhan, nghe tiếng nói, hoặc rờ vạt áo ông. Mỗi lời ông thốt được người ta chép liền vào sổ tay, gần như lời thiên khải vậy. Nhưng về đời sống, đời sống hằng ngày của ông, thì Tolstoi 70 tuổi không khôn hơn Franklin hồi 7 tuổi chút nào.

Tôi xin kể bạn nghe. Ông cưới một cô gái mà ông yêu lắm, tên là Thietra. Cuộ sống chung của cặp vợ chồng sung sướng quá đến nỗi ông bà thường quỳ gối cầu trời cho được sống hoài cảnh thần tiên ấy. Nhưng tính bà cả ghen. Bà thường ăn mặc giả người nhà quê mà dò thám ông, cả khi ông đi chơi trong rừng. Rồi thì dông tố ghê gớm nổi lên. Bà lăn lộn trên sàn, đưa một ve nha phiến lên môi và dọa tự tử khiến con cái hoảng sợ, nép vào góc phòng mà la hét.

Còn ông thì làm gì? Ta đừng trách ông! Ông đập chén đập đĩa không phải là vô cớ. Nhưng còn tệ hơn vậy nữa kìa. Ông chép những chuyện đó vào nhật ký để trút cả lỗi lên đầu bà! Đó, ‘cái còi’ của ông đó! Ông nhất định kiếm cách tỏ cho hậu thế biết rằng không phải do ông mà là do bà có lỗi. Và bà làm gì để đáp lại? Tất nhiên bà đã xé phăng hết rồi cũng viết nhật ký để mạt sát ông. Bà còn viết một tiểu thuyết nhan đề là ‘Lỗi Tại Ai?’trong đó tả ông như một con quỷ còn bà như một người chịu cực hình.

Rồi tấn bi kịch kết cục ra sao? Tại sao hai ông bà cứ nhất định biến gia đình mình thành một ‘nhà thương điên’ như ông nói? Đã đành có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng nguyên nhân chính là cả hai ông bà đều nhiệt tâm muốn làm cho chúng ta, bạn và tôi cảm động. Phải, chúng ta là đám hậu sinh mà ông bà lo lắng về lời bình phẩm khen che của hậu thế lắm. Nhưng bạn có mảy may quan tâm về sự ông bà có lỗi không? Không. Chúng ta đều lo đến chuyện riêng của chúng ta, có thì giờ đâu để quan tâm đến chuyện gia đình của ông bà. Cặp vợ chồng khốn khổ ấy đã trả rất mắc cho ‘chiếc còi’ của họ! 50 năm sống trong địa ngục – chỉ vì không một người nào có đủ lương tri để nói: ‘Stop lại đi’, hoặc có đủ sáng suốt nhận ra giá trị của mỗi sự mà rằng: ‘Thôi chúng ta stop chuyện đó ngay bây giờ nhé. Chúng ta lãng phí đời mình quá. Thôi đi, kéo dài đã quá rồi.’

Tôi thành thực tin rằng có trí sáng suốt biết nhận chân giá trị của mỗi sự vật là nắm được bí quyết mầu nhiệm nhất để cho tâm hồn hoàn toàn an tĩnh. Và tôi cũng tin rằng có thể dẹp được tức thì 50% những lo phiền trong lòng nếu chúng ta lập được một thứ kim bản vị riêng cho mình, một thứ kim bản vị để đánh giá xem mỗi sự vật quan trọng tới bực nào đối với đời sống.

Vậy muốn diệt lo phiền trước khi nó diệt bạn thì hãy theo nguyên tắc này: Mỗi khi sắp phí đời sống của bạn vào những lo phiền thì hãy ngừng lại và tự hỏi 3 câu dưới đây:

  1. Điều mà mình đang lo đó có ‘giá trị gì’đối với mình?
  2. Tới lúc nào mình phải ‘stop lo’ lại?
  3. Mình đã ‘trả hớ chiếc còi’chưa?

Và nếu 3 câu là quá nhiều thì xin bạn cố nhớ 1 câu này:

Những doanh nhân không biết thắng lo phiền … cũng chết sớm

 

Trích và biên tập từ tác phẩm ‘Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống’

                                do cố dịch giả Nguyễn Hiến Lê chuyển ngữ từ cuốn

                                               ‘How To Stop Worring And Start Living’ của tác giả Dale Canegie. 

SHARE:

Để lại một bình luận