GIẾT TA BẰNG CÁI ƯU SẦU

SHARE:

 

Những doanh nhân không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm – Alexis Carrel

Mấy năm trước, một buổi sáng, một ông hàng xóm gõ cửa nhà tôi bảo phải đi chủng đậu ngay. Ông là một trong số hàng ngàn người tình nguyện đi gõ cửa từng nhà ở khắp châu thành New York để nhắc nhở dân chúng. Những người sợ sệt nối đuôi nhau hàng giờ tại nhà thương, sở Cứu hỏa, sở Công an và cả những xí nghiệp để được chủng đậu. Hơn 2.000 bác sĩ và nữ điều dưỡng làm việc náo nhiệt xuốt ngày đêm. Tại sao lại có sự phấn kích đó? Là vì khi ấy New York có 8 người lên đậu và 2 người chết. 2 người chết trong dân số gần 8.000.000 người!

Tôi đã sống trên 37 năm ở New York, vậy mà vẫn chưa một người nào lại gõ cửa bảo tôi phải để phòng chứng ưu sầu, một chứng do cảm xúc sinh ra mà trong 37 năm qua đã giết người một vạn lần nhiều hơn bệnh đậu!

Không một người nào lại gõ cửa cho tôi hay rằng hiện nay tại nước Mỹ, cứ 10 người có 1 người bị chứng thần kinh suy nhược, mà đại đa số những người đó đều do ưu tư và cảm xúc bất an mà sinh bệnh. Cho nên tôi phải viết chương này để gõ cửa nhà bạn và xin bạn đề phòng.

Bác sĩ Alexis Carrel, người được giải Nobel về y học, đã nói: “Những doanh nhân không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm.” Mà các bà nội trợ cũng vậy, các ông thú y cũng vậy, các bác thợ nề cũng vậy.

Mấy năm trước nhân dịp nghỉ, tôi đánh xe dạo vùng Texas và New Mexico với bác sĩ O. F. Gobe, một trong những vị trưởng ban y tế sở Hỏa xa Santa Fé. Chúng tôi bàn về những tai hại của lo lắng và bác sĩ nói: “70% bệnh nhân đi tìm bác sĩ đều có thể tự chữa hết bệnh nếu bỏ được nỗi lo lắng và sợ sệt. Ấy xin đừng nghĩ rằng tôi cho bệnh của họ là bệnh tưởng! Họ có bệnh thật như những người đau nặng vậy. Mà có khi bệnh của họ còn nguy hiểm hơn nhiều nữa, chẳng hạn như bị thần kinh suy nhược mà trúng thực, có ung thư trong bao tử, đau tim, mất ngủ, nhức đầu và bị chứng tê liệt.

Những bệnh đó không phải là tưởng tượng, tôi biết rõ vậy, vì chính tôi đã bị ung thư bao tử trong 12 năm trời.

Sợ sinh ra lo. Lo làm cho thần kinh căng thẳng, ta cáu kỉnh hại cho những dây thần kinh trong bao tử, làm cho dịch vị biến chất đi và thường sinh chứng vị ung.”

Bác sĩ Joseph F. Montagne, tác giả cuốn ‘Bệnh Đau Bao Tử Do Thần Kinh’ cũng nói đại khái như vậy. Ông bảo: “Không phải thức ăn làm cho tôi có ung thư trong bao tử mà nguyên nhân chính là cái ưu tư nó cắn rứt tôi.”

Bác sĩ W.C.Alvarez ở dưỡng đường Mayo thì nói: “Những ung thư trong bao tử sưng thêm hay tiêu bớt đi là tùy sự mệt nhọc của bộ thần kinh tăng hay giảm.”

Một cuộc nghiên cứu 15.000 người đau bao tử ở nhà thương Mayo đã chứng thực điều ấy. Trong 5 người thì 4 người cơ thể không có gì khác thường hết. Sợ, lo, oán, ghét, ích kỷ, không biết thích nghi với hoàn cảnh, những cái đó đôi khi là nguyên nhân của bệnh đau bao tử và chứng vị ung. Bệnh thứ hai này có thể giết bạn được. Theo tờ báo Life nó đứng hạng thứ 10 trong những bệnh nguy hiểm nhất.

Mới rồi tôi có giao dịch bằng thư từ với bác sĩ Harrlod C.Habien ở dưỡng đường Mayo. Trong kỳ hội họp thường niên của các y sĩ và các nhà giải phẫu, ông được đọc một tờ thông điệp về công cuộc nghiên cứu các chứng bệnh của 176 vị chỉ huy các xí nghiệp. Sau khi cho cử tọa biết rằng tuổi trung bình của họ là 44 năm 3 tháng, ông nói non 1/3 các vị chỉ huy ấy mắc 1 trong 3 chứng bệnh: Đau tim, vị ung và mạch máu căng thẳng. Những bệnh đó là những bệnh đặc biệt của hạng người luôn luôn sống một đời gay go, ồn ào, rộn rịp. Bạn thử nghĩ coi: 1/3 những nhà chỉ huy các xí nghiệp đã tự hủy hoại thân thể vì các chứng đau tim, vị ung và mạch máu căng lên khi chưa đầy 45 tuổi. Sự thành công của họ đã phải trả một giá quá đắt. Mà chưa chắc gì họ đã thành công. Ờ thử hỏi, ta có thể nói được là thành công khi ta làm ăn phát đạt nhưng lại mắc chứng đau tim hoặc vị ung chăng? Có ích gì cho ta không nếu ta chiếm được cả phú nguyên của thế giới mà phải mất sức khoẻ? Dù ta giàu có đến đâu đi nữa thì mỗi ngày cũng chỉ ăn có 3 bữa và đêm ngủ 1 giường. Nói cho rộng thì người chỉ huy các xí nghiệp quyền hành lớn nhưng có hơn gì anh đào đất không? Có lẽ còn kém nữa, vì anh đào đất thường được ngủ say hơn họ, ăn ngon miệng hơn họ. Thật tình tôi muốn làm anh thợ giặt ở Alabana ôm cây đàn banjo mà khảy tưng tưng còn hơn làm chủ một công ty xe lửa hoặc một công ty thuốc hút để tới 45 tuổi, sức khỏe bị huỷ hoại đến nỗi tiều tụy thân hình.

Nói tới thuốc hút, tôi lại nhớ tới một nhà sản xuất thuốc nổi danh nhất thế giới, mới chết vì bệnh đau tim trong khi ông ta đi nghỉ vài ngày giữa một khu rừng ở Canada. Ông ta lượm hằng triệu bạc mà chết, chết hồi có 61 tuổi. Chắc chắn ông đã đem cái thời gian khổ hạnh trong đời để đổi lấy cái mà ông gọi là ‘thành công trong sự nghiệp’ đó.

Theo tôi nhà sản xuất thuốc đó chưa thành công bằng nửa thân phụ tôi, một nông phu ở Missouri, mất hồi 98 tuổi, gia sản không có tới một đồng.

Các y sĩ ở Mayo nói rằng khi dùng kính hiển vi để xem xét dây thần kinh của những người chết vì đau bệnh này thì thấy những dây đó bề ngoài cũng lành mạnh như dây thần kinh của Jack Dempsey, một tay quán quân về quyền thuật. Bệnh của họ không do thần kinh suy nhược mà do những cảm xúc như ưu tư, lo lắng, sợ sệt, thất vọng. Platon nói: “Các y sĩ có một lỗi lớn nhất là họ chỉ rán trị thân thể, không nghĩ tới trị tinh thần mà thân thể và tinh thần là một, không thể trị riêng được.”

Phải 23 thế kỷ sau, y học mới chịu xác nhận sự thật quan trọng ấy. Chúng ta đang phát triển một phương pháp trị liệu mới mẻ là phương pháp trị liệu cả cơ thể lẫn tinh thần. Công việc đó lúc này quan trọng vì y học đã trị được nhiều bệnh do vi trùng như bệnh đậu mùa, bệnh dịch tả, bệnh sốt rét và hàng chục bệnh khác đã giết hàng triệu mạng người. Nhưng y học vẫn chưa trị được những bệnh tinh thần, không do vi trùng mà do những cảm xúc như lo lắng, sợ sệt, oán ghét, thất vọng… Những bệnh mỗi ngày một tăng với tốc độ rất gớm ghê.

Các bác sĩ nói rằng hiện nay cứ 20 người Mỹ có 1 người phải nằm nhà thương điên trong một thời gian không kỳ hạn. Và khi tổng động viên, hồi chiến tranh vừa rồi, cứ 5 thanh niên thì phải loại đi 1 vì thần kinh có bệnh hoặc suy nhược.

Vậy nguyên nhân của chứng thần kinh thác loạn là gì? Không ai biết được đủ hết. Nhưng chắc chắn là trong nhiều trường hợp, sợ sệt và lo lắng là 2 nguyên nhân chính. Những người lo lắng, mệt mỏi đều không biết thích nghi với những thực sự chua chát của đời, cứ muốn sống cách biệt hẳn với người xung quanh và tự giam mình trong một thế giới tưởng tượng để khỏi phải ưu phiền.

………

Muốn biết ưu tư làm hại ta ra sao, tôi không cần tra cứu trong thư viện hoặc tìm hỏi y sĩ. Tôi chỉ cần ngồi tại bàn viết, ngó qua cửa sổ là thấy ngay một nhà mà con quỷ ưu tư đã phá phách làm cho người ta bị chứng thần kinh suy nhược, và một nhà khác có người đàn ông bị bệnh tiểu đường vì quá ưu tư. Người đó làm nghề buôn đường. Khi nào giá đường trên thị trường hạ thì ngược lại lượng đường trong máu và nước tiểu ông cứ tăng lên.

Montaigue, triết gia Pháp trứ danh, lúc được bầu làm thị trưởng tỉnh Borrdeux đã nói với dân chúng: “Tôi sẽ tận tâm lo công việc cho tỉnh nhà nhưng tôi cũng phải giữ gìn phổi và gan của mình.”

Còn ông hàng xóm của tôi ở trên kia thì lo lắng về giá đường đến nỗi đường vô cả huyết quản ông và suýt giết ông nữa.

………

Khi tôi phỏng vấn cô Merle Oberon, cô tuyên bố rằng cô nhất định quẳng gánh lo đi, vì cô biết cái ưu tư sẽ tàn phá cái nhan sắc của cô, cái bảo vật quý mà nhờ nó cô nổi danh trên màn ảnh.

Cô nói: “Khi tôi bắt đầu làm đào hát bóng, tôi lo lắng sợ sệt quá. Mới ở Ấn Độ tới London tìm việc mà không quen ai ở đây hết. Tôi đến xin việc tại nhiều nhà sản xuất phim nhưng không một ai mướn tôi. Mà tiền giắt lưng thì ít, tiêu gần cạn rồi. 2 tuần tôi chỉ ăn bánh và uống nước lạnh. Đã lo lại đói nữa.

Tôi tự nhủ: “Có lẽ mình sẽ nguy mất, không bao giờ được làm đào hát bóng đâu. Xét kỹ thì mình không kinh nghiệm, chưa đóng trò lần nào, vậy chắc chỉ có nhan sắc của mình là giúp mình được thôi.”

Tôi lại chỗ tấm gương, ngó trong đó đã thấy sự lo lắng làm cho dung nhan tôi tiều tuỵ làm sao! Những nếp nhăn đã bắt đầu xuất hiện do bàn tay tàn phá của ưu tư. Rồi tôi tự nhủ: “Phải thôi ngay đi! Không được ưu tư nữa. Chỉ có cái nhan sắc giúp ta được việc. Vậy đừng tàn phá nó bằng cách chuốc lấy lo phiền.”

Ta thấy ít nguyên nhân nào phá hoại nhan sắc một người đàn bà mau chóng bằng ưu tư. Nó làm cho họ già đi, tính tình hóa chua cay. Nó hủy dung nhan họ, làm cho hàm răng nghiến chặt lại, nét nhăn hiện lên mặt. Họ có vẻ luôn luôn cáu kỉnh, tóc bạc hoặc rụng, nước da sinh ra đủ thứ mụn, nhọt, ghẻ, lác.

Bệnh đau tim là tên sát nhân số một ở Mỹ. Trong chiến tranh vừa rồi, khoảng 1/3 triệu người chết trên trận địa, nhưng cũng trong thời gian đó, bệnh đau tim giết tới 2 triệu nhân mạng, trong số đó 1/2 đau vì quá lo lắng và sống một đời ồn ào, rộn rịp quá. Phải, đau tim là một nguyên nhân chính khiến bác sĩ Alexis Carrel phải thốt ra câu này: “Những danh nhân không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm.”

Người da đen ở phương nam và người Trung Hoa ít khi đau tim vì lo lắng nhờ họ đã nhìn đời một cách bình tĩnh. Số bác sĩ chết vì đau tim nhiều gấp 20 lần nông phu chết về bệnh đó, vì các bác sĩ sống một đời rộn rịp quá. Đó là cái lẽ nhân nào quả nấy.

William James nói: “Trời có thể tha thứ cho ta được, nhưng hệ thần kinh của ta thì không khi nào tha thứ cho ta hết.”

Và đây là một điều ngạc nhiên vô cùng, gần như không tin được. Tại Mỹ mỗi năm, số người tự tử lại nhiều hơn số người chết vì 5 bệnh truyền nhiễm lan rộng nhất.

Tại sao vậy? Tại vì họ “ưu tư” quá đó!

………

Khi còn là một đứa nhỏ nhà quê ở Misssouri, tôi nghe người ta tả cảnh vạc dầu ở âm phủ mà sợ quá muốn chết ngất. Nhưng thật không ai tả cảnh vạc dầu ở cõi trần này hết, cảnh thê thảm của những kẻ quá ưu tư. Chẳng hạn, nếu bạn ưu tư luôn năm suốt tháng thì một ngày kia bạn có thể bị một chứng bệnh đau đớn, ghê gớm vô cùng, tức là chứng đau nhói ở ngực (angine de poitrine).

Hỡi bạn thanh niên, nếu bị chứng đó thì bạn sẽ phải kêu trời, một tiếng kêu trời rùng rợn như sắp chết, không có tiếng kêu nào so sánh cho ngang. Nếu đem tiếng gào của âm ti so với tiếng kêu trời đó thì chỉ là tiếng kêu êm ái trong bài ‘Thằng Cuội’ của trẻ nhỏ. Bạn sẽ tự than: “Trời hỡi trời! Nếu hết được bệnh này thì tôi sẽ sung sướng tuyệt trần, thề không giờ còn lo buồn gì nữa.” (Bạn cho tôi nói quá ư? Xin bạn cứ hỏi vị y sĩ thường chữa cho bạn thì biết.)

Bạn có thích sống không? Có muốn sống lâu, khoẻ mạnh để hưởng cái vui ‘ăn ngon ngủ kỹ làm tiên trên đời’ không? Thích vậy, muốn vậy thì bạn cứ theo đúng lời khuyên sau đây, cũng lại của bác sĩ Alexis Carrel nữa. Ông nói: “Kẻ nào giữ được tâm hồn bình tĩnh giữa những đô thị huyên náo thời nay, kẻ đó sẽ không bị bệnh thần kinh.”

Bạn có giữ được như vậy chăng? Nếu bạn là một người bình thường, vô bệnh, bạn có thể trả lời. “Có.” Chắc chắn ta có những năng lực tiềm tàng mà có lẽ chưa bao giờ dùng tới. Ông Thoreau, trong cuốn ‘Walden’ bất hủ của mình đã nói: “Tôi không thấy cái gì làm tôi phấn khởi bằng khả năng nâng cao đời sống của mình do sự nỗ lực có ý thức… Khi ta tự tin, tiến theo con đường đẹp đẽ tự vạch ra và gắng sức sống theo đời sống đã phác họa trong đầu thì ta có thể thành công một cách rất không ngờ.”

………

Để kết luận, tôi muốn nhắc lại lời của bác sĩ Alexis Carrel mà bạn đã đọc ở đầu chương!

Những doanh nhân không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm

 

Trích và biên tập từ tác phẩm ‘Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống’

                                do cố dịch giả Nguyễn Hiến Lê chuyển ngữ từ cuốn

‘How To Stop Worring And Start Living’ của tác giả Dale Canegie

SHARE:

Trả lời