ĐỂ TÌM THẤY THƯỢNG ĐẾ & SỰ HÀI HÒA TRONG ĐỜI SỐNG

SHARE:

Tâm trí tưởng tượng về Thượng Ðế tùy theo với sự hẹp hòi, giới hạn, nông cạn của nó. Bởi vì đã có những bậc thầy, những nhà hướng đạo tâm linh, những “người-gọi-là” những bậc cứu thế độ nhân đã tuyên bố rằng có Thượng Ðế và đã mô tả Thượng Ðế theo ý họ, cho nên cái vọng tâm có thể tưởng tượng về Thượng Ðế trong tình trạng đó.

 

1. ĐỂ TÌM THẤY THƯỢNG ÐẾ?

HỎI: Cách nào dễ dàng nhất để tìm thấy Thượng Ðế ?

Krishnamurti đáp:
Tôi e rằng không có cách dễ dàng nào để thấy được Thượng Ðế đâu, bởi vì việc tìm Thượng Ðế là việc khó khăn, gian khổ nhất. Thượng Ðế có phải là cái mà tâm trí chúng ta tạo ra chăng? Bạn biết tâm trí chúng ta là cái gì rồi. Nó chẳng qua cũng chỉ là kết quả của thời gian, và nó có thể tạo ra bất cứ loại ảo giác nào. Nó có khả năng tạo ra tư tưởng, phóng chiếu đủ loại tưởng tượng, sáng tác đủ loại hư cấu. Nó luôn luôn bận bịu chuyện gom góp, liệng bỏ, chọn lựa. Ôm trong lòng những thành kiến, hẹp hòi, nông cạn, cái tâm vọng động dựa theo ý mình mà vẽ ra hình ảnh Thượng Ðế.

Tâm trí tưởng tượng về Thượng Ðế tùy theo với sự hẹp hòi, giới hạn, nông cạn của nó. Bởi vì đã có những bậc thầy, những nhà hướng đạo tâm linh, những “người-gọi-là” những bậc cứu thế độ nhân đã tuyên bố rằng có Thượng Ðế và đã mô tả Thượng Ðế theo ý họ, cho nên cái vọng tâm có thể tưởng tượng về Thượng Ðế trong tình trạng đó.

Nhưng hình ảnh tưởng tượng đó không phải là Thượng Ðế. Thượng Ðế là cái mà chúng ta không thể tìm thấy bằng loại tâm trí vọng động này. Muốn tới được, muốn thâm cảm được Thượng Ðế, trước hết, bạn cần tìm hiểu chính cái tâm của bạn đi đã.

Ðó là điều rất khó khăn. Cái tâm rất là phức tạp, cho nên không phải dễ mà hiểu được nó. Nhưng lại quá dễ cho cái chuyện ngồi xuống để mơ mộng, vẽ ra nhiều hình ảnh, ảo giác trong trí, rồi cho là bạn đang rất gần gũi Thượng Ðế.

Chính cái vọng tâm hoạt động liên tục đó có khả năng lừa dối vô tận. Cho nên, nếu muốn thật sự kinh nghiệm được điều có thể gọi là Thượng Ðế, bạn phải hoàn toàn tĩnh lặng.

Bạn có thấy đó là điều cực kỳ khó khăn chăng? Bạn có nhận thấy ngay đến các bậc già cả, cũng không thể nào ngồi yên lặng cho nổi, họ bồn chồn, hết ngọ nguậy ngón chân lại đến động đậy bàn tay, ra sao? Ngay đến cái thân xác mà đã khó lòng ngồi yên lặng được như vậy, hỏi rằng còn khó khăn tới mức nào để mà có được cái tâm lặng lẽ, thanh tịnh? Bạn có thể học theo vài bậc đạo sư để biết cách ép cho cái tâm vọng động phải yên lặng, nhưng thực tế là nó không yên lặng. Nó vẫn hoạt động không ngừng, y như đứa nhỏ bị bắt buộc phải đứng trong góc nhà.

Thật là một đại nghệ thuật để bạn có thể khiến cho cái tâm trí bạn tĩnh lặng hoàn toàn mà không cần phải áp đặt nó. Và cũng chỉ đến khi đó, trong tình trạng đó, hoạ chăng bạn mới có được cái kinh nghiệm được gọi là hiệp thông với Thượng Ðế.

J. Krishnamurti – On God.

 

2. SỰ HÀI HÒA TRONG ĐỜI SỐNG 

Đời sống không thể thiếu mối quan hệ giữa mọi người với nhau, nhưng mà chúng ta đã làm cho những mối liên hệ ấy trở nên đau khổ, đáng chán, vì chúng ta đã đặt nền tảng trên căn bản cá nhân và tình yêu chiếm hữu . Người ta có thể yêu mà không chiếm hữu chăng?

Bạn sẽ tìm được câu trả lời đích thực, không phải trong sự lẩn trốn, không phải bằng những lý thuyết cao siêu, hoặc bằng niềm tin, nhưng là xuyên qua sự thấu hiểu về căn nguyên của sự lệ thuộc và sự chiếm hữu . Nếu người ta thấu hiểu sâu xa cái vấn đề liên hệ giữa họ với người khác thì họa may chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề rắc rối trong sự liên hệ giữa chúng ta với xã hội, vì xã hội cũng chỉ là sự mở rộng từ chính bản thân chúng ta mà thôi .

Cái môi trường sống mà chúng ta gọi là xã hội đó được tạo dựng bởi những thế hệ quá khứ; chúng ta chấp nhận nó, vì nó đã giúp chúng ta duy trì lòng tham, thói chiếm hữu và ảo tưởng. Trong cái ảo tưởng này, không có sự hợp nhất và an bình. Khi mà người ta còn không thấu hiểu nổi mối liên hệ giữa từng cá nhân đối với nhau thì người ta chưa thể có một xã hội an bình.

Vì mối liên hệ giữa chúng ta với nhau đặt nền tảng trên tình yêu chiếm hữu cho nên chúng ta cần phải tỉnh giác, về phần chúng ta, đối với sự phát sinh, nguyên nhân và hoạt động của cái mối liên hệ đó. Khi chúng ta đã thấu hiểu sâu xa cái tiến trình chiếm hữu cùng với tính cách hung bạo, sự sợ hãi và phản ứng của nó, chúng ta sẽ thấu triệt một sự trọn vẹn, toàn hảo . Chỉ riêng sự thấu triệt này đủ để giải thoát tư tưởng con người ra khỏi sự lệ thuộc và chiếm hữu .

Chính từ nội tâm mình con người sẽ tìm ra được sự hài hòa trong mối liên hệ giữa mọi người, chứ không phải là từ người khác hoặc từ môi trường sống mà người ta đạt được điều đó.

J. Krishnamurti – On Relationship.

 

3. SỰ HÀI HÒA GIỮA SINH VÀ TỬ 

HỎI: Ông nói rằng về bản chất thì tình yêu, sinh và tử cũng chỉ là một. Làm sao ông có thể duy trì được cái ý tưởng là không có phân biệt nào giữa sự khích động và đau buồn về cái chết và niềm hạnh phúc của tình yêu?

Krishnamurti đáp: 
Theo ý bạn thì thế nào là chết? Mất thân người, mất ký ức, và bạn hy vọng, bạn nghĩ rằng, tin rằng sau đó sẽ có một sự tiếp nối. Nơi đây có một cái gì đó mất đi, đó là điều mà bạn gọi là chết.

Đối với tôi, sự chết đã có ngay khi ký ức đang hoạt động, mà ký ức thì cũng chỉ là kết quả của lòng khao khát, sự níu giữ, thiếu thốn, thèm thuồng mà thôi. Bởi vậy, nếu một người đã tự giải thoát khỏi lòng khao khát, thèm thuồng, thì không có sự chết, không có khởi đầu, kết thúc, không có lối mòn của yêu đương hoặc đau khổ. Xin hiểu cho là tôi đang cố gắng giải thích, rằng vì cứ đuổi theo điều đối nghịch, chúng ta tạo nên sự cản trở.

Nếu tôi sợ hãi, tôi kiếm cách tạo cho mình lòng dũng cảm, nhưng mà sự sợ hãi vẫn đuổi theo tôi, vì tôi chỉ lẩn trốn từ cái này qua cái khác mà thôi. Ngược lại, nếu tôi tự giải thoát tôi khỏi sự sợ hãi, không biết tới can đảm hoặc sợ sệt gì cả, đó là thái độ tỉnh táo, thận trọng, không cố níu lấy sự dũng cảm, nhưng mà giải thoát ra khỏi những sự thúc đẩy đưa tới hành động. Có nghĩa là, nếu bạn sợ hãi, đừng tạo thành động cơ thúc đẩy phải có một hành động can đảm, mà hãy tự giải thoát ra khỏi sự sợ hãi. Đó là hành động không tác ý.

Bạn sẽ thấy, nếu bạn thấu triệt điều này, cái chết là truyện tương lai, sẽ ngưng ám ảnh bạn. Nghĩ về sự chết chỉ là nhận thức một cách mãnh liệt về cô đơn, do đó, vì bị cột chặt với cảm giác cô đơn, hiu quạnh, chúng ta vội bám vào cái gì đó, muốn được kết hợp, hoặc tìm coi có cái gì tồn tại ở phía bên kia chăng. Điều đó đối với tôi lại là sự theo đuổi những điều trái ngược, và chúng càng giữ lại mãi mãi cái cảm giác cô đơn, hiu quạnh. Ngược lại, nếu chúng ta trực diện với nỗi cô đơn, hoan hỉ tiếp nhận nó một cách sáng suốt, bạn sẽ tiêu diệt sự cô đơn, hiu quạnh, ngay khi nó vừa mới xuất hiện. Như thế là hóa giải chuyện chết !

Mọi sự việc ở đời đều sẽ có lúc phải tàn tạ. Mọi sự gồm thân thể chúng ta, phẩm chất, khả năng, sự chống cự, trở lực, tất cả rồi cũng sẽ tàn tạ, cũng phải tàn tạ. Nhưng người nào mà tư tưởng đã tự giải thoát ra khỏi những xúc cảm, thoát khỏi sự đối kháng, cản trở, hắn sẽ phát hiện ra sự bất tử.

Bất tử ở đây không phải là kéo dài cái giới hạn của chính họ, khi cái giới hạn chính con người họ vốn chẳng là gì khác ngoài những tầng tầng lớp lớp của khát vọng, níu giữ, thiếu thốn, thèm muốn. Bạn có thể không đồng ý, nhưng nếu bạn có thể giải thoát ra khỏi những suy nghĩ, nếu bạn có thể thấu suốt trong tự giác, thông suốt và tỉnh thức, bạn sẽ thấy được bất tử, vốn hài hòa một cách hoàn hảo. Trong đó không phải là “lối mòn của tình yêu”, hay “lối mòn của đau buồn”, mà tất cả mọi ngăn cách đều chấm dứt.

Krishnamurti – On Living and Dying 
Người dịch: Danny Việt (ĐPK)

Nguồn: yenlang. net

SHARE:

Để lại một bình luận