SHARE:
“Cây héo vào xuân hoa nở rộ
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần.“
Sư an nhiên thị tịch thọ 92 tuổi đời, 56 tuổi hạ lạp.”
Tác phẩm của Thiền Sư Viên Chiếu:
– Tán Viên Giác kinh.
– Thập nhị Bồ Tát hạnh tu chứng đạo tràng.
– Tham đồ hiển quyết ( một quyển ).
– Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn
Con đường giác ngộ
Thiền Sư Viên Chiếu chuyên hành trì tu tập Kinh Viên Giác và ba phép quán (Xa Ma Tha, Tam Ma Bạt Để và Thiền Na). Đây là một bộ kinh đốn ngộ rất quan trọng, được những thiền sư trong thiền phái Vô Ngôn Thông nương vào đó tu chứng. ” Thiện nam tử, kinh này gọi là giáo lý đốn ngộ của đại thừa, những chúng sinh có đốn căn có thể nhờ kinh này mà được khai ngộ”.
Bấy giờ Phật bảo Văn Thù Bồ Tát rằng:
“- Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát hỏi về nhân địa phát tâm của Như Lai dựa theo pháp nào, tu hạnh gì, lại vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp cầu pháp đại thừa được trụ nơi chánh pháp, chẳng đọa tà kiến. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Lúc ấy Văn Thù Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.
– Thiện nam tử! Có pháp môn Tổng trì của Vô Thượng Pháp Vương gọi là Viên Giác. Từ pháp này kiến lập tất cả thanh tịnh, Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật để dạy Bồ Tát và chúng sanh về nhân địa phát tâm của tất cả Như Lai, đều nên y theo giác tướng trong sạch chiếu soi đầy đủ, dứt hẳn vô minh mới thành Phật đạo.
Thiện nam tử! Thế nào là vô minh? Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay đủ thứ điên đảo, ví như kẻ lạc đường nhận lầm phương Nam thành phương Bắc, vọng cho tứ đại là thân tướng thật của mình, cho vọng tâm tạo huyễn ảnh thành lục trần là tâm tướng thật của mình, ví như kẻ bị nhặm thấy hoa đốm trên không và thấy mặt trăng thứ hai.
Thiện nam tử! Hư không vốn chẳng hoa đốm, vì bệnh nhặm vọng chấp thành có. Do vọng chấp ấy, chẳng những không biết tánh hư không, lại còn lầm nhận chỗ sanh ra hoa đốm là thật. Từ cái vọng này thành có sanh tử luân hồi, nên gọi là vô minh.
Thiện nam tử! Vô minh này chẳng có thật thể, như người trong mộng lúc chiêm bao thì có, đến khi thức tỉnh thì chẳng còn gì cả. Cũng như hoa đốm diệt nơi hư không, chẳng thể nói nhất định có chỗ diệt. Tại sao? Vì chẳng có chỗ sanh vậy.
Tất cả chúng sanh ở nơi pháp vô sanh vọng thấy có sự sanh diệt, cho nên gọi là sanh tử luân hồi.
Thiện nam tử! Như Lai nơi nhân địa tu theo tự tánh Viên Giác, chiếu soi bản thể của tự tánh vốn tịch diệt, biết rõ thân tâm thế giới như hoa đốm trên không, vậy thì thân tâm vốn không, lấy gì để thọ sanh tử luân hồi? Cái KHÔNG này là vì bản tánh vốn không, chẳng phải do tạo tác thành không. Cái biết đó ví như hư không, kẻ biết như hư không đó tức là tướng hoa đốm cũng chẳng thể nói không có tánh tri giác, CÓ với KHÔNG đều lìa, ấy mới gọi là tùy thuận giác tánh trong sạch.
Tại sao? Vì tánh hư không thường trụ chẳng động. Trong Như Lai Tạng vốn chẳng có sự sanh diệt nên chẳng có sự tri kiến sanh diệt trong đó, cũng như pháp giới tánh, rốt ráo viên mãn đầy khắp mười phương không gian và thời gian, ấy mới gọi là nhân địa phát tâm theo chánh pháp, tu hành theo chánh hạnh.
Bồ Tát vì thế ở nơi đại thừa phát tâm trong sạch, chúng sanh trong đời mạt pháp theo đó tu hành chẳng đọa tà kiến.”
” Thiện nam tử! Tự tánh của Viên Giác vô sở trụ (phi tánh tánh hữu), chẳng trụ nơi Có và Không, chỉ tùy theo tánh nhân duyên sanh khởi, chẳng thủ chẳng chứng, trong thật tướng, thật chẳng có Bồ Tát và những chúng sanh. Tại sao? Vì Bồ Tát chúng sanh đều là huyễn hoá, nếu huyễn hoá diệt thì chẳng có kẻ thủ chứng. Ví như nhãn căn chẳng tự thấy nhãn, pháp tánh vốn bình đẳng mà chẳng có kẻ bình đẳng.”
( Kinh Viên Giác ,Tỳ kheo Thích Hằng Đạt Việt dịch)
Bên này bên kia
Đâu là bến mê, đâu là bờ giác, đâu là bên nầy bên kia, quay đầu là ngộ? Con đường đi đến tỉnh thức giác ngộ, đến bờ bên kia, đáo bỉ ngạn, là sự khai dẫn rộng mở của tâm thức, sáng soi trên từng hiện hữu, chuyển hóa sự đi lại sai biệt của ý thức. Ta có quá nhiều con đường đi đến bờ vực của sinh tử, nhưng để đến giác ngộ thì chỉ có một, không phải để đi mà trở về căn nhà xưa, trở về với Phật tánh, bản lai diện mục, của con đường không đường, biên giới bên nầy hay bên kia phải đập vỡ, tháo bỏ, hoà nhập thành một trong sự sáng soi tuyệt vời của giác ngộ, thong dong trên từng đỉnh đồi tự tại.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Viên Chiếu được kể như vị thiền sư thâm đắc “ngôn ngữ tam muội ” biện tài vô ngại. Một khi thấu rõ tận cùng bản chất ngôn ngữ, vượt thoát ra ngoài năng tri, sở tri, đối tượng nhận thức, nhị nguyên, đạt được trạng thái giác ngộ an tịnh tuyệt vời, thì tất cả sự nói năng trở thành diệu dụng, quyền biến “nói năng như chánh pháp”. Rời xa thế giới tỷ lượng, chỉ còn lại sự thuần khiết đồng nhất vô phân nguyên vị, khi ấy tri thức cùng ngôn ngữ đành phải bế tắc, bất lực. Ngôn ngữ luôn bị giới hạn, ý thức thường xuyên bị sai sử, tác động chi phối bởi vô minh, bản chất của nó vốn vô thường, đong đưa biến hóa và không thật, khi phát ra nó như gió thoảng mây bay, như nước chảy qua cầu. Khi ta nhận chân ra bản chất cố hữu, thấu rõ sự biến đổi bất định vô thường của nó, để từ đó ta không mắc kẹt, chấp trước, ràng buộc vào ngôn ngữ văn tự, cởi bỏ trói buộc nhẹ bước thảnh thơi, ta mới có cơ may dồn tất cả tâm lực trí lực cho sự chuyển tiếp bùng lên giác ngộ, vượt thoát ra ngoài sinh tử.
Có vị tăng hỏi: Nói ” Ngôn ngữ đạo đoạn ” ( dứt hết nói năng) là nghĩa thế nào?
Viên Chiếu thiền sư đáp:
” Gió thổi sừng kêu xuyên rặng trúc
Vầng trăng vượt núi đến bên tường.”
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện chuyên chở diễn đạt tư tưởng, nó thuộc về sát na của quá khứ, nhưng phần nhiều từ đó ta khởi lên sự đắm say, yêu ghét, hệ lụy đắm chìm trong thanh sắc, chỉ một lời thôi mà khi ta thương, thương cả đường đi lối về, khi ghét thì ghét cả tông ti họ hàng. Tất cả đều nằm ở chổ động cơ xuất phát của nó do đâu và vì đâu? Nếu dùng ngôn ngữ để mang yêu thương níu kéo con người lại gần nhau, trao đổi những cảm thông trong sự tỉnh thức, để tránh lầm tưởng ngộ nhận, gây nguy hại ta nên bớt nói năng. Ta cần phải từ bỏ, chấm dứt sự đi lại tán gẩu, phát tán vô ích của tâm thức, hoặc dùng ngôn từ để trang sức cho tư tưởng, biện minh cho cứu cánh, bởi lẽ trong cứu cánh vốn không cần biện minh, không có ý thức xen vào gây chi phối lũng đoạn. Sự tai hại của nó, kết nối với vô minh dẫn dắt chúng ta rơi vào sinh tử. Trong ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Thân có ba: sát, đạo, dâm. Khẩu có bốn: nói lời ác, nói lời thêu dệt, nói hai chiều, nói không đúng sự thật. Ý có ba: tham lam, nóng giận và si mê, những điều đó đều là mầm mống, nguyên nhân tạo nên nghiệp quả, sinh tử, luân hồi.
” Quí vị ở khắp nơi nói: ”Đạo có tu chứng”. Chớ lầm! Giả sử có tu chứng cũng đều là nghiệp sanh tử. Quí vị nói sáu độ muôn hạnh đều gồm tu, tôi thấy đó đều là tạo nghiệp; cầu Phật cầu Pháp đều là tạo nghiệp địa ngục; cầu Bồ Tát là tạo nghiệp; xem kinh xem giáo cũng là tạo nghiệp. Phật và Tổ là người vô sự. Cho nên hữu lậu, hữu vi, vô lậu, vô vi, là nghiệp thanh tịnh.” (Lâm Tế Ngữ Lục)
Về khía cạnh giác ngộ, chính sự vô thường biến đổi, ức chế đó của ngữ ngôn, Bồ Đề Đạt Ma mới trầm hùng chín năm ngồi diện bích, thiền tổ Vô Ngôn Thông khai mở ” hễ vướng mắc vào một từ ngữ là liền bị kẹt và làm oan cho chính Phật và Tổ. Sai một ly đi một dặm. Các vị nên chiêm nghiệm kỷ, đừng để cho thế hệ tương lai trách móc vì bị đánh lạc đường”. Thiền sư Chân Nguyên ” nói ra là bị kẹt ” . Tổ Lâm Tế: ” Chớ hướng vào trong văn tự mà tìm cầu. Tâm động nhọc nhằn, hớp khí lạnh vô ích. Chi bằng một niệm duyên khởi vô sanh, vượt qua ba cõi của hàng huyền học Bồ Tát ”
Nếu không tự mình trãi nghiệm, tỉnh thức một cách liên tục trong tư tưởng, hành động, nội giới và ngoại giới, sẽ khiến ta chìm mãi trong sự nỗi trôi, khủng hoảng trong triền phược, đẩy ta rơi vào tận cùng của hố thẳm, và càng không phải dùng ngôn ngữ phơi bày sở học tri thức, dù đó sự viện dẫn đến kinh điển, trói buộc vào tư tưởng của thánh nhân, đừng trông chờ ngóng đơị, kêu gọi sự trợ giúp của ai khác đến từ bên ngoài. Điều nầy càng làm cho ta tách rời giác ngộ, bởi lẽ sự cùng tuyệt của giác ngộ, là phá vỡ giai tầng, níu kéo đuổi bắt của ý thức, chấm dứt chặng đường tác nghiệp của năng sở tri chướng, thong dong tự tại trên mọi lối đi về.
Có vị tăng hỏi: Thế nào là “nhất pháp”?
Thiền sư Viên Chiếu đáp:
” Chỉ thấy Xuân qua Hè lại đến
Mới vào Thu chín, gặt Đông về.”
Phải có một cái nhìn thẩm thấu, một sự nhận thức vượt thoát không ngăn ngại, ta mới đủ năng lực khai phá, quật tung từng hiện hữu, không khoác vào đó những ảo tưởng, những định lý mà tự nó vốn khước từ. Phải là tầm nhìn được sáng soi quán chiếu bởi tuệ giác, không bị bất cứ một điều gì phong kín, che lấp, lừa dối. Đó là sự trùng lắng thuần khiết, một cái nhìn như thật, cái nhìn nguyên vị, không xê dịch trước và sau mà nó từng hiện hữu. Chỉ có điều nầy mới khiến cho ta không chết chìm trong đó, nếu không những hụt hẩng trôi nỗi biến dạng của tâm thức cứ thế liên tục xô đẩy ta rơi vào khủng hoảng bất an. Cuộc sống mà ta đang trực diện đầy dẫy sự khổ đau, đổ vở một cách cùng cực. Ta cố gắng tìm lối thoát ra, hay tự trói mình vào, đừng chạy loanh quanh, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Khổ đau, an lạc, niết bàn, sinh tử đều tùy thuộc vào ta, không nguyên nhân nào đến từ bên ngoài và ở đâu cả, nó ở ngay trong ta, sống cùng ta, tất cả đều do ta và chỉ có chính ta mới làm thay đổi được.
Bài kệ thị tịch của Thiền Sư Viên Chiếu trong phần mở đầu ở trên, cho ta thấy đâu là bản chất của vô thường, thành trụ hoại diệt, đâu là sự giải thoát. Một khi ta nhận ra được ” tánh không ” mọi kết cấu giả hợp đến đi không làm hề hấn, dù cho con tạo có xoay vần đến đâu, ta vẫn lặng thinh mĩm cười trong sự toả chiếu của an lạc.
Có vị Tăng hỏi:
– Lạnh trời mầm cây rụng
Lấy gì để khoe tươi?
Sư đáp:
– Mừng ông đã thấu đạt
Chẳng cũng vui lắm sao?
Tăng nói:
– Được lời thầy chỉ giáo
Từ nay thoát ưu phiền.
Sư đáp:
-Vũng cạn vừa lên khỏi
Quay đầu vạn dặm sâu.
Nỗi sợ hãi, đau khổ, bất an thường trực chôn dấu trong đời sống của chúng ta. Chỉ cần lo sợ, khủng hoảng về một điều gì đó nỗi lên lan ra, tâm lý sẽ trở nên mất bình tỉnh, bị chi phối không kiểm soát được, nó duyên theo đó dẫn dắt ta đi vào mê lộ, lúc tỉnh lúc quên, vũng cạn vừa ra khỏi, quay đầu lại rớt xuống ngay. Do vì từ trước đến nay ta mãi lo tác nghiệp, xử dụng đến sự hổ trợ, tích chứa của vô minh, phiền não dẫn dắt, trong sự nhập nhằng giằng co của tâm thức. Khiến ta sống trong sự hoài niệm tiếc thương ám ảnh, một thời xa xăm nào đó của qúa khứ, không tự mình cởi trói những xúi dục của tham sân si, khiến cái phút giây hiện tại bây giờ của đời sống, đong đầy phiền muộn, khiến sự nhận thức, cảm thọ về một hiện tại lúc nào cũng khổ đau phủ ngập. Vì thế nó tha hồ kéo ta dong ruỗi, khi thì sống với quá khứ, lúc thì nhập nhằng với hiện tại, khi thì ước vọng về một tương lai không có gì bảo đảm. Bởi nó đến đi không một lần chào hỏi, giả biệt, có đó rồi mất đó, tìm cách ru ta ngũ say, dối lừa ta trong sự tưởng chừng với ảo ảnh, mộng đẹp. Chỉ khi nào ta biết dừng lại, biết cách tỉnh thức, chấm dứt sự níu bắt của nó một cách vĩnh viễn, biết quật tung cái hiện tại đầy linh diệu nầy. Một khi ta biết quán chiếu về thực thể của thời gian lẫn không gian, biết khám phá ra bí mật ngàn đời đã từng phong kín, biết sống và thở trong sự linh hiện mênh mang không cùng tận, ý thức tuyệt vời về bản chất của vô thường, nhận chân sự bất định không thật của đời sống, giải phóng chính mình ra khỏi triền phược khổ đau, tìm phương vượt thoát luân hồi, chấm dứt con đường đi lại của sinh tử.
Thiền Ngữ Thi Ca
Thiền sư Viên Chiếu được kể như vị thiền sư thi sỹ tài ba của thiền phái Vô Ngôn Thông, ngài đã xử dụng hình ảnh thi ca làm biểu tượng thiền ngữ một cách linh động tuyệt vời nhất. Thoại đầu, công án bằng thi ca, được kể như sự cảm quan, xúc giác đến tới hai lần một lúc. Lần đầu là những trăn trở rung động thường nghiệm để thức giác vụt khởi. Lần thứ hai những thâm nhập trong tận cùng, những đào xới đến cùng cực bản chất hiện thể, để những linh hiện của tâm giác cứ thế trào dâng, giác ngộ tung mình thức dậy, cả hai đồng lúc trở mình, hoá thân hoà nhập thành một thể duy nhất. Trước ngài, thiền sư Thiền Lão cũng đã xử dụng thi ca làm công án, khi vua Lý Thái Tông vào núi thăm, dưới đây là mẫu đối thoại:
Vua: Ngài ở đây từ bao lâu rồi?
Thiền Lão:
– Sống trong giờ hiện tại
Ai hay năm tháng xưa?
( Đản tri kim nhật nguyệt
Hà thúc cựu xuân thu)
Vua:
– Ngài làm gì hằng ngày ở đây?
Thiền Lão:
– Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng soi mây bạc hiện toàn chân.
( Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân)
Vua:
– Như vậy ý chỉ là gì, xin ngài cho biết?
Thiền Lão:
– Nói nhiều lời, sợ sau này bất lợi.”
(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1 trang 175)
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS